Tên của Đức Phật là Siddhartha Gautama. Phật không phải là tên ông, từ đó chỉ trạng thái tỉnh thức của ông. Phật đơn giản nghĩa là “người tỉnh thức”. Đức Phật là người tỉnh thức nổi tiếng nhất nhưng không phải là người tỉnh thức duy nhất. Có nhiều vị Phật trước ông và nhiều vị Phật sau ông – và bởi mỗi con người đều có thể trở thành một vị Phật nên những vị Phật mới sẽ tiếp tục xuất hiện trong tương lai. Tất cả mọi người đều có tiềm năng này... vấn đề chỉ là thời gian. Một ngày nào đó, bị thực tại bên ngoài quấy nhiễu, tuyệt vọng vì đã thấy mọi thứ và lại chẳng tìm ra điều gì, bạn chắc chắn sẽ quay vào trong.
Từ buddha (Phật) có nghĩa là “trí tuệ được đánh thức”. Từ buddhi (trí tuệ) cũng có chung một gốc với từ này. Gốc từ budh có nhiều tầng nghĩa. Không có từ đơn tiếng Việt nào mang nghĩa tương đương. Nó có nhiều ngụ ý, nó linh động và có tính thi ca. Không ngôn ngữ nào ngoài tiếng Phạn có một từ giống như budh. Nó có ít nhất năm nghĩa khác nhau.
Nghĩa đầu tiên là thức dậy và đánh thức. Nói cách khác, nó đối nghịch với việc ngủ, với tình trạng lơ mơ trong ảo mộng mà từ đó ta thức tỉnh như thể bước ra khỏi một giấc mơ. Đó là nghĩa thứ nhất của trí tuệ, budh: tạo ra một sự thức tỉnh bên trong bạn.
Những người bình thường đều đang ngủ. Ngay cả khi bạn nghĩ bạn đang thức thì cũng không phải đâu. Bước đi trên đường, bạn nghĩ mình hoàn toàn thức. Nhưng từ góc độ của một vị Phật, bạn đang say ngủ, bởi vì có một ngàn lẻ một giấc mơ và ý nghĩ đang la hét bên trong bạn.
Ánh sáng bên trong bạn bị che mờ trong một giấc ngủ. Đúng vậy, mắt bạn rõ ràng là đang mở, nhưng người ta có thể bước đi khi đang mơ, đang ngủ, mà mắt vẫn mở.
Nhưng con mắt bên trong bạn không mở. Bạn vẫn chưa biết bạn là ai. Bạn không nhìn vào thực tại của chính mình. Bạn chưa thức dậy. Một tâm trí đầy những ý nghĩ thì chưa thức dậy và không thể nào thức dậy được.
Chỉ có tâm trí đã bỏ đi những suy nghĩ và tư tưởng, đã xua tan những đám mây để mặt trời có thể tỏa sáng, mới là tâm trí sáng suốt, tâm trí đã thức tỉnh.
Trí tuệ chính là khả năng sống trong hiện tại. Càng sống trong quá khứ hoặc tương lai thì bạn càng ít trí tuệ. Trí tuệ là khả năng ở đây, bây giờ, tại chính khoảnh khắc này và không đâu khác. Như vậy là bạn tỉnh thức.
Giả sử bạn đang ngồi trong một ngôi nhà và ngôi nhà bỗng nhiên bốc cháy, tính mạng bạn lâm nguy. Thế là trong một khoảnh khắc, bạn sẽ tỉnh thức. Vào khoảnh khắc đó, bạn sẽ không có nhiều ý nghĩ. Vào khoảnh khắc đó, bạn quên đi quá khứ của mình. Vào khoảnh khắc đó, bạn sẽ không bị quấy nhiễu bởi những ký ức tâm lý, rằng bạn từng yêu một người từ 30 năm trước, và trời ơi, thời đó mới đẹp làm sao! Hoặc ký ức bạn đang ở nhà hàng Trung Quốc vương vấn hương vị của những món ăn còn nóng hổi. Bạn sẽ không còn ở trong những suy nghĩ đó. Không, khi nhà bạn đang cháy, bạn không thể tư duy theo cách này. Đột nhiên, bạn sẽ gấp gáp: Ngôi nhà đang cháy và tính mạng của bạn ngàn cân treo sợi tóc. Bạn sẽ không mơ về tương lai hay về cái bạn sẽ làm ngày mai. Ngày mai chẳng còn liên quan, hôm qua chẳng còn liên quan, thậm chí cả hôm nay cũng không còn liên quan gì nữa. Chỉ có khoảnh khắc này, giây phút này.
Đó là nghĩa đầu tiên của budh, trí tuệ. Và nó là sự sáng suốt vĩ đại. Một người muốn thức tỉnh, muốn trở thành một vị Phật, phải sống từng khoảnh khắc mãnh liệt như thể đang sống trong hiểm nguy. Nghĩa đầu tiên là trái ngược với ngủ. Cố nhiên, bạn chỉ có thể thấy thực tại khi bạn không ngủ. Bạn chỉ có thể đối mặt với nó, bạn chỉ có thể nhìn vào cặp mắt của chân lý hay Thượng Đế khi bạn tỉnh thức. Bạn có hiểu được ý nghĩa của sự mãnh liệt, của việc sống trong hiểm nguy không? Hoàn toàn tỉnh thức thì có sự sáng suốt. Sự sáng suốt đó mang tới tự do, sự sáng suốt đó mang tới chân lý.
Nghĩa thứ hai của budh là nhận ra và chú ý. Một vị Phật là người nhận ra cái giả là cái giả, và đã mở mắt ra để thấy cái thật là cái thật. Nhận chân cái giả là khởi đầu để hiểu chân lý. Chỉ khi bạn thấy cái giả là giả, bạn mới có thể nhận rõ chân lý là gì. Bạn không thể tiếp tục sống trong ảo giác, bạn không thể tiếp tục sống trong những đức tin của mình, bạn không thể tiếp tục sống trong những định kiến nếu bạn muốn biết chân lý. Cái giả phải được nhận ra là giả. Đó là nghĩa thứ hai của budh, nhận ra cái giả là giả, cái không thật là không thật.
Giả sử bạn vốn tin vào Thượng Đế; bạn sinh ra đã là người Thiên Chúa giáo hay Hindu giáo hay Hồi giáo. Bạn đã được dạy rằng Thượng Đế tồn tại, bạn được dạy phải kính sợ Thượng Đế. Nếu bạn không tin vào ông ta thì bạn sẽ đau khổ, sẽ bị trừng phạt. Thượng Đế rất hung tợn, ông ta sẽ không bao giờ tha thứ cho bạn. Thượng Đế Do Thái nói: “Ta là một Thượng Đế đố kỵ. Hãy thờ phụng chỉ mình ta và không ai khác!” Thượng Đế Hồi giáo cũng nói tương tự: “Chỉ có một Thượng Đế và không có Thượng Đế nào khác; chỉ có một nhà tiên tri của Thượng Đế, Mohammed1, và không có nhà tiên tri nào khác.”
1 Người sáng lập Hồi giáo. (Các chú thích trong sách đều của Ban biên tập tiếng Việt)
Sự áp đặt này ăn sâu vào bạn đến mức nó có thể vẫn cứ còn lẩn khuất ngay cả khi bạn bắt đầu mất niềm tin vào Thượng Đế.
Bạn được nuôi dạy để tin vào Thượng Đế, và bạn đã tin. Đây là đức tin. Thượng Đế thực sự có tồn tại hay không chẳng ảnh hưởng gì tới đức tin của bạn. Chân lý chẳng liên quan gì tới đức tin của bạn. Dù bạn tin hay không thì chân lý cũng chẳng vì thế mà khác đi. Nhưng nếu bạn tin vào Thượng Đế, bạn sẽ tiếp tục nhìn thấy, hay ít nhất nghĩ rằng bạn nhìn thấy, Thượng Đế. Nếu bạn không tin vào Thượng Đế, sự hoài nghi đó sẽ ngăn bạn biết. Tất cả các đức tin đều ngăn cản bạn bởi vì chúng trở thành định kiến xung quanh bạn, chúng trở thành “tấm màn che tư tưởng”, mà Đức Phật gọi là avarana.
Người trí tuệ không có “tin” hay “không tin”. Người trí tuệ luôn rộng mở để nhận biết trong bất cứ trường hợp nào. Nếu Thượng Đế ở đó, anh ta sẽ nhận ra, nhưng không phải theo đức tin của anh ta. Anh ta không có đức tin.
Chân lý chỉ xuất hiện trong một trí tuệ không đức tin. Khi đã tin rồi, bạn không để lại chút khoảng không nào để chân lý có thể đến với bạn. Định kiến của bạn đã lên ngôi. Bạn không thể thấy những điều đi ngược lại đức tin của mình; bạn sẽ trở nên sợ hãi, bạn sẽ trở nên lung lay, bạn sẽ bắt đầu run rẩy. Bạn đã đầu tư quá nhiều vào đức tin của mình – quá nhiều cuộc sống, quá nhiều thời gian, quá nhiều lời cầu nguyện, năm lần cầu nguyện mỗi ngày. Trong 50 năm, một người đã dâng hiến cho đức tin của anh ta, giờ đây, làm sao anh ta có thể nhận ra thực tế là không có Thượng Đế? Một người đã dành cả cuộc đời để tin rằng không có Thượng Đế, làm sao anh ta có thể tới xem Thượng Đế có hay không? Anh ta sẽ tiếp tục lảng tránh.
Điều tôi đang nói không liên quan đến việc liệu Thượng Đế có tồn tại hay không. Tôi đang nói những điều liên quan đến bạn chứ không phải Thượng Đế. Cần một tâm trí thông suốt, cần trí tuệ để không níu bám vào bất cứ đức tin nào. Khi đó, bạn sẽ giống như một tấm gương: Bạn phản chiếu mọi thứ mà không bóp méo nó.
Đó là nghĩa thứ hai của budh. Người trí tuệ không theo chủ nghĩa hay tôn giáo nào. Người trí tuệ không “tin” hay “không tin”. Đó không phải là cách của người ấy. Người ấy nhìn vào cuộc sống và sẵn sàng để thấy bất cứ cái gì. Người ấy không đặt rào chắn cho tầm nhìn của mình, tầm nhìn của người ấy thông suốt. Chỉ những người như vậy mới đạt tới chân lý.
Nghĩa thứ ba của gốc từ budh, trí tuệ, là “biết”, là “hiểu”. Đức Phật biết cái đang diễn ra, ông ấy hiểu cái đang diễn ra, và trong chính sự thấu hiểu đó ông ấy tự do khỏi mọi sự bó buộc. Budh nghĩa là biết theo nghĩa thấu hiểu chứ không theo nghĩa tích lũy kiến thức. Phật không tích lũy kiến thức. Người trí tuệ không quan tâm nhiều đến thông tin hay kiến thức. Người trí tuệ quan tâm nhiều đến khả năng biết. Điều người ấy quan tâm là việc biết chứ không phải kiến thức.
Việc biết cho bạn sự thấu hiểu, kiến thức chỉ cho bạn cảm giác am hiểu mà thiếu đi sự thấu hiểu thực sự. Kiến thức là giả, nó lừa bịp. Nó chỉ cho bạn cảm giác rằng bạn biết, nhưng bạn hoàn toàn chẳng biết gì. Bạn có thể tích lũy thật nhiều kiến thức nếu muốn. Bạn có thể viết sách, bạn có thể có bằng cấp, bạn có thể có những tấm bằng tiến sỹ hay thạc sỹ nhưng vẫn nguyên là con người dốt nát, ngốc nghếch mà bạn vốn thế. Những bằng cấp đó không thay đổi bạn, chúng không thể thay đổi bạn. Trên thực tế, sự ngốc nghếch của bạn trở nên mạnh mẽ hơn, giờ đây nó đã có bằng cấp! Nó đã có thể chứng tỏ mình thông qua bằng cấp. Nó không thể chứng tỏ mình thông qua cuộc sống, nhưng thông qua bằng cấp thì được. Nó chẳng thể chứng tỏ bất cứ điều gì qua bất cứ cách nào khác, nhưng nó sẽ đem theo bằng cấp, chứng chỉ, sự thừa nhận từ xã hội. Người ta nghĩ rằng bạn biết, và bạn cũng nghĩ rằng bạn biết.
Bạn đã thấy điều này chưa? Những người được cho là rất uyên bác cũng dốt nát như bất cứ ai, đôi khi còn dốt nát hơn. Thật hiếm có những người trí tuệ trong thế giới học thuật, rất hiếm. Tôi đã từng sống giữa thế giới học thuật và tôi nói vậy thông qua trải nghiệm của chính mình. Tôi đã thấy những nông dân trí tuệ nhưng chưa thấy những giáo sư trí tuệ. Tôi đã thấy những tiều phu trí tuệ nhưng chưa thấy những giáo sư trí tuệ. Tại sao? Có điều gì sai ở những người này?
Một điều sai: Họ có thể dựa vào kiến thức. Họ không cần trở thành người biết, họ có thể trông cậy vào kiến thức. Họ đã tìm được một phương cách gián tiếp. Cách trực tiếp cần can đảm. Chỉ một vài người có thể thực hiện cách trực tiếp, những người phiêu lưu, những người đi xa khỏi con đường bình thường mà đám đông đi, những người chọn những con đường mòn vào khu rừng sâu của cái không biết. Nguy cơ là họ có thể bị lạc. Rủi ro rất cao. Khi bạn có thể có kiến thức theo cách gián tiếp, sao phải bận tâm? Bạn chỉ cần ngồi trên chiếc ghế của mình. Bạn đến thư viện hay trường đại học là có thể thu thập thông tin. Bạn có thể dựng nên một chồng thông tin và ngồi lên đỉnh.
Thông qua kiến thức, trí nhớ của bạn trở nên ngày một lớn, nhưng trí tuệ của bạn thì không. Đôi khi cũng có trường hợp, bạn không biết nhiều, bạn không quá uyên thâm thì bạn sẽ phải trở nên trí tuệ.
Tôi đã nghe...
Một phụ nữ mua một hộp hoa quả nhưng bà ta không mở được hộp. Bà ta vội vàng lao vào phòng làm việc để xem một cuốn sách dạy nấu ăn. Tới khi tìm thấy đúng trang và chỉ dẫn, bà ta hối hả quay lại để mở hộp thì người hầu đã mở nó ra rồi.
Bà ta hỏi: “Làm sao mà anh mở được?”
Người hầu trả lời: “Thưa bà, nếu bà không biết đọc, bà sẽ phải dùng đến trí óc.”
Phải, chuyện xảy ra như thế đấy! Đó là lý do tại sao những người nông dân, thợ làm vườn hay tiều phu thất học lại trí tuệ hơn, xung quanh họ tỏa ra một sự tươi mới nào đó. Họ không biết đọc, cho nên họ phải dùng đến trí óc. Con người cần phải sống và dùng đến trí não của mình.
Nghĩa thứ ba của budh là biết, theo nghĩa thấu hiểu. Đức Phật đã thấy mọi thứ theo đúng bản chất của chúng. Ông ấy hiểu đúng những gì đang diễn ra, và chính trong sự thấu hiểu đó ông ấy tự do khỏi mọi bó buộc.
Điều đó có nghĩa là gì? Nếu bạn muốn thoát khỏi sợ hãi thì bạn sẽ phải thấu hiểu sợ hãi. Nhưng nếu bạn muốn lảng tránh thực tế rằng sợ hãi có đó, nỗi sợ cái chết có đó... nếu bạn sợ hãi ở bên trong, bạn sẽ phải tạo ra một cái gì đó mạnh mẽ xung quanh mình, một lớp vỏ cứng, để không ai biết được bạn đang sợ. Và không chỉ thế, vì lớp vỏ cứng kia, bạn cũng sẽ không biết rằng mình đang sợ hãi. Nó sẽ bảo vệ bạn khỏi những người khác và khỏi sự thấu hiểu của chính bạn.
Người trí tuệ không trốn chạy khỏi bất cứ thực tế nào. Nếu sợ hãi xuất hiện, anh ta sẽ đi vào trong nó, bởi vì lối thoát là đi đến cùng. Nếu anh ta cảm thấy sợ và run rẩy nảy sinh trong anh ta, anh ta sẽ bỏ mọi thứ khác sang một bên: Đầu tiên nỗi sợ này phải được đi đến tận cùng. Anh ta sẽ đi vào trong nó, anh ta sẽ tìm cách thấu hiểu. Anh ta sẽ không tìm cách để không sợ, anh ta sẽ không đặt câu hỏi đó. Anh ta sẽ chỉ đặt một câu hỏi: “Nỗi sợ này là gì? Nó ở đây, nó là một phần của tôi, nó là thực tại của tôi. Tôi phải đi vào trong nó, tôi phải thấu hiểu nó. Nếu tôi không thấu hiểu nó thì tôi sẽ luôn mù mờ về một phần con người mình. Và làm sao tôi biết mình là ai nếu tôi tiếp tục lảng tránh những phần con người mình? Tôi sẽ không thấu hiểu nỗi sợ, tôi sẽ không thấu hiểu cái chết, tôi sẽ không thấu hiểu sự tức giận. Tôi sẽ không thấu hiểu sự căm ghét của mình, tôi sẽ không thấu hiểu sự đố kỵ của mình, tôi sẽ không thấu hiểu cái này và cái kia...”
Thế bạn làm sao để biết chính mình đây? Tất cả những điều này đều là bạn! Đó là bản thể của bạn. Bạn phải đi vào mọi thứ ở đó, mọi ngóc ngách và xó xỉnh. Bạn phải thám hiểm nỗi sợ. Thậm chí nếu bạn đang run rẩy thì cũng chẳng có gì đáng lo: Run rẩy, nhưng hãy cứ dấn bước. Run rẩy còn tốt hơn nhiều là trốn chạy, bởi vì ngay khi bạn trốn chạy, phần đó sẽ mãi mù mờ đối với bạn. Và bạn sẽ ngày càng sợ nhìn vào nó hơn, bởi vì nỗi sợ đó sẽ tiếp tục tích tụ. Nó sẽ ngày càng lớn hơn nếu bạn không đi vào trong nó ngay bây giờ, ngay khoảnh khắc này. Ngày mai nó sẽ sống thêm 24 tiếng nữa. Coi chừng đấy! Nó sẽ mọc thêm nhiều rễ bên trong bạn, nó sẽ có tán lá rộng hơn, nó sẽ trở nên mạnh hơn, và khi ấy nó sẽ khó xử lý hơn. Tốt hơn là bạn đi ngay bây giờ, vì đã muộn rồi đấy.
Hãy đi vào trong nó và quan sát nó... Quan sát nghĩa là không định kiến. Quan sát nghĩa là không phán xét nỗi sợ là xấu ngay từ đầu. Ai mà biết được? Nó không xấu thì sao. Ai biết nó là gì? Người thám hiểm phải luôn cởi mở với mọi khả năng, anh ta không thể có một tâm trí đóng. Một tâm trí đóng và sự thám hiểm không đi cùng nhau. Anh ta sẽ đi vào trong nó. Nếu nó mang lại khổ sở và đau đớn, anh ta sẽ chịu đựng và đi vào trong nó. Run rẩy, ngập ngừng, nhưng anh ta sẽ đi vào trong nó: “Đây là lãnh thổ của mình, mình phải hiểu rõ nó. Biết đâu, nó mang đến kho báu cho mình? Có thể nỗi sợ chỉ ở đây để bảo vệ cho kho báu.”
Đó là kinh nghiệm của tôi, sự thấu hiểu của tôi: Nếu bạn đi sâu vào nỗi sợ của mình, bạn sẽ tìm thấy tình yêu. Đó là lý do khi bạn yêu, sợ hãi biến mất. Và khi bạn sợ hãi, bạn không thể yêu được. Điều này nghĩa là gì? Một công thức đơn giản, sợ hãi và tình yêu không tồn tại cùng nhau. Vậy hẳn chúng là cùng một năng lượng, nếu năng lượng đó trở thành sợ hãi thì chẳng còn lại gì để trở thành yêu thương. Nếu nó trở thành tình yêu thì chẳng còn lại gì để trở thành nỗi sợ.
Đi vào trong mỗi điều tiêu cực và bạn sẽ tìm thấy điều tích cực. Và biết cả cái tiêu cực lẫn tích cực, thì cái thứ ba, cái tối thượng xảy ra – cái siêu việt! Đó là ý nghĩa của thấu hiểu, budh, trí tuệ.
Nghĩa thứ tư là khai sáng và được khai sáng. Đức Phật là ánh sáng, ông ấy đã trở thành ánh sáng. Do ông ấy là ánh sáng, một cách tự nhiên và hiển nhiên, ông ấy chiếu ánh sáng cho những người khác. Ông là sự soi sáng. Bóng tối của ông đã biến mất, ngọn lửa bên trong ông cháy lên rạng ngời. Ngọn lửa không khói. Nó đối lập với bóng tối và sự dốt nát, mù quáng. Đây là nghĩa thứ tư: trở thành ánh sáng, được khai sáng.
Bình thường bạn là bóng tối, một lục địa tối tăm, chưa được thám hiểm. Con người hơi lạ một chút: Họ tiếp tục thám hiểm Himalaya, họ tiếp tục thám hiểm Thái Bình Dương, họ tiếp tục vươn tới mặt trăng và sao Hoả; chỉ có một thứ họ không bao giờ thử, thám hiểm bản thể bên trong. Loài người đã hạ cánh trên mặt trăng nhưng lại chưa hạ cánh trên chính bản thể của mình. Điều này thật lạ. Có lẽ hạ cánh trên mặt trăng chỉ là một sự trốn chạy, đi đến Everest chỉ là một sự trốn chạy. Có lẽ anh ta không muốn đi vào trong bởi vì anh ta quá sợ hãi. Anh ta thay thế bằng một vài sự thám hiểm khác để cảm thấy ổn, nếu không, anh ta sẽ cảm thấy tội lỗi. Bạn bắt đầu leo lên một ngọn núi và bạn cảm thấy ổn, nhưng ngọn núi vĩ đại nhất lại ở bên trong bạn và bạn vẫn chưa leo! Bạn bắt đầu lặn sâu xuống Thái Bình Dương, nhưng Thái Bình Dương vĩ đại nhất là ở bên trong bạn và bạn vẫn chưa thăm dò, chưa vẽ bản đồ. Và bạn bắt đầu đi tới mặt trăng. Ngu xuẩn quá đi! Bạn đang lãng phí năng lượng của mình để đi tới mặt trăng, trong khi mặt trăng thực sự ở bên trong bạn, bởi vì ánh sáng thực sự ở bên trong bạn.
Người trí tuệ trước hết sẽ đi vào trong. Trước khi đi tới bất cứ nơi nào khác, bạn sẽ đi vào trong chính bản thể của mình. Đó là điều đầu tiên, và nó lẽ ra phải là ưu tiên số một. Chỉ khi đã biết chính mình thì bạn mới có thể đi nơi nào đó khác. Khi đó, dù đi đâu, bạn cũng sẽ đem theo phúc lạc xung quanh bạn, một sự bình an, một sự tĩnh lặng, một sự ca tụng.
Nghĩa thứ tư là được khai sáng. Trí tuệ là tia lửa. Được trợ giúp, được phối hợp, nó sẽ trở thành ngọn lửa, ánh sáng và hơi ấm. Nó có thể trở thành ánh sáng, nó có thể trở thành sự sống, nó có thể trở thành tình yêu. Tất cả những điều này đều nằm trong từ “khai sáng”. Người đã được khai sáng không có những góc tối trong bản thể của mình. Tất cả giống như buổi sớm mai, vầng dương nằm trên đường chân trời, sự tối tăm và ảm đạm của đêm đen không còn, bóng tối của đêm tan biến. Mặt đất thức dậy một lần nữa. Là một vị Phật là đạt tới một buổi sáng, một bình minh bên trong bạn. Đó là chức năng của trí tuệ, chức năng tối thượng.
Nghĩa thứ năm của budh là thăm dò. Có một độ sâu bên trong bạn, một độ sâu không đáy, và nó phải được thăm dò. Nghĩa thứ năm cũng có thể là thâm nhập, bỏ lại mọi ngăn trở và thâm nhập vào cốt lõi bản thể của bạn.
Người ta cố gắng thâm nhập nhiều thứ trong đời. Ham muốn, khao khát tình dục chẳng là gì khác ngoài một kiểu thâm nhập. Nhưng đó là sự thâm nhập vào người khác. Sự thâm nhập đó phải xảy ra bên trong bản thể của chính bạn, bạn phải thâm nhập vào chính mình. Nếu bạn thâm nhập vào người khác, nó chỉ là cái nhìn thoáng qua nhất thời, nhưng nếu bạn thâm nhập vào chính mình, bạn sẽ đạt tới cơn cực khoái mang tầm vũ trụ và nó cứ thế còn mãi, còn mãi.
Khi một người đàn ông gặp một người phụ nữ bên ngoài, và một người phụ nữ gặp một người đàn ông bên ngoài thì đây là một cuộc gặp rất hời hợt, dù nó có ý nghĩa, dù nó mang lại những khoảnh khắc vui sướng. Nhưng khi người phụ nữ bên trong gặp người đàn ông bên trong... Và bạn đem theo cả hai ở bên trong bạn: Một phần của bạn là giống cái, một phần của bạn là giống đực. Bạn là đàn ông hay đàn bà không thành vấn đề, mọi người đều lưỡng tính. Nghĩa thứ năm của gốc từ budh là thâm nhập. Khi người đàn ông bên trong bạn thâm nhập vào người phụ nữ bên trong bạn thì sẽ có một cuộc gặp gỡ, bạn trở thành toàn thể, bạn trở thành một. Tất cả khao khát cái bên ngoài biến mất. Trong cái phi khao khát đó là tự do, niết bàn.
Con đường của Đức Phật là con đường của budh. Nhớ rằng “Phật” không phải tên của Đức Phật, Phật là trạng thái ông ấy đạt được. Tên của ông ấy là Siddhartha Gautama. Thế rồi một ngày ông ấy trở thành Đức Phật, một ngày bodhi của ông ấy, trí tuệ của ông ấy, trổ hoa. “Phật” có ý nghĩa không khác gì “Chúa”. Tên của Jesus không phải là Chúa, đó là sự nở hoa tối thượng đã xảy ra với ông ấy. Đó cũng là điều đã xảy ra với Đức Phật. Có rất nhiều vị Phật khác ngoài Đức Phật.
Mọi người đều có khả năng đạt được budh. Nhưng budh, khả năng nhìn thấy, chỉ giống như hạt giống bên trong bạn. Nếu nó nảy mầm, trở thành một cây lớn, nở hoa, bắt đầu nhảy múa trên bầu trời, bắt đầu thì thầm với các vì sao, thì bạn là một vị Phật.
Con đường của Đức Phật là con đường của trí tuệ. Nó không phải con đường của cảm xúc, không, hoàn toàn không. Không phải những người giàu cảm xúc không thể đạt tới mà là có những con đường khác dành cho họ, con đường của hiến dâng, Bhakti Yoga. Con đường của Đức Phật là Gyan Yoga thuần khiết, con đường của biết. Con đường của Đức Phật là con đường của thiền, không phải của tình yêu.
Trí tuệ phải được dùng đến, không được bỏ; phải vượt qua nó, không được bỏ nó. Chỉ có thể vượt qua nó khi bạn đạt tới bậc cao nhất của chiếc thang. Bạn phải tiếp tục lớn lên trong trí tuệ. Thế rồi sẽ đến một khoảnh khắc trí tuệ làm xong tất cả những gì nó có thể. Vào khoảnh khắc đó, hãy nói lời từ biệt với trí tuệ. Nó đã giúp đỡ bạn một chặng đường dài, nó đã mang bạn đi đủ xa, nó đã là một phương tiện tốt. Nó đã là con thuyền giúp bạn vượt biển, bạn đã đạt tới bờ bên kia, giờ bạn phải bỏ lại con thuyền. Bạn không đem theo con thuyền trong đầu, như thế thì thật ngu ngốc.
Con đường của Đức Phật đi qua trí tuệ và đi xa hơn nó. Sẽ đến một khoảnh khắc trí tuệ cho bạn tất cả những gì nó có thể, rồi nó không còn cần thiết nữa. Cuối cùng bạn cũng phải bỏ nó, công việc của nó đã hoàn thành. Bệnh tật đã ra đi, bây giờ thuốc men cũng phải đi. Chỉ khi bạn thoát khỏi cả bệnh tật và thuốc men thì bạn mới tự do. Đôi khi điều xảy ra là bệnh tật đã đi rồi nhưng bạn lại nghiện thuốc. Đây không phải tự do. Một cái gai đâm vào chân bạn và gây đau đớn. Bạn dùng một cái gai khác để lấy cái gai kia ra. Khi đã lấy gai ra rồi, bạn ném cả hai cái gai đi, bạn không giữ cái gai đã giúp bạn. Giờ đây nó chẳng có nghĩa gì.
Công việc của trí tuệ là giúp bạn nhận biết được bản thể của mình. Khi công việc đó đã hoàn thành và bản thể của bạn hiển lộ, bạn không cần công cụ này nữa. Bạn có thể nói từ biệt, bạn có thể nói cảm ơn. Con đường của Đức Phật là con đường của trí tuệ, trí tuệ thuần khiết, mặc dù nó đi xa hơn cả trí tuệ.