“Mọi việc luôn có vẻ bất khả thi cho đến khi nó được hoàn thành.”
- Nelson Mandela
Năm 1889, Rudyard Kipling – nhà văn đoạt giải Nobel Văn học năm 1907 – nhận thư từ chối của tờ San Francisco Examiner. Lá thư viết, “Chúng tôi rất lấy làm tiếc, ông Kipling, nhưng sự thật là ông không biết cách sử dụng tiếng Anh”.
Winston Churchill từng thi trượt năm lớp Sáu. Ông trở thành Thủ tướng nước Anh ở tuổi sáu mươi sáu, sau cả đời đầy rẫy thất bại. Ông có những đóng góp vĩ đại nhất cho đất nước khi đã lớn tuổi.
Mãi đến năm bốn tuổi Albert Einstein mới biết nói, và bảy tuổi ông mới biết đọc. Thầy giáo từng nhận xét ông “chậm phát triển, khó gần và suốt ngày mơ mộng vớ vẩn”. Ông từng bị đuổi học và bị từ chối nhận vào trường Bách khoa Zurich.
Thời đại học, Louis Pasteur chỉ là một sinh viên bình thường và xếp hạng 15/22 ở môn Hóa.
Có lẽ Tướng Douglas MacArthur không bao giờ thành công nếu không kiên trì. Khi nộp đơn vào trường West Point, ông bị từ chối không chỉ một mà đến hai lần. Đến lần thứ ba, ông mới được chấp nhận và ghi danh vào sử sách.
Ngôi sao bóng rổ Michael Jordan từng bị đuổi khỏi đội bóng rổ của trường.
Năm 1944, Emmeline Snively, giám đốc của Công ty Người mẫu Blue Book từng nói với cô người mẫu triển vọng Norma Jean Baker (Marilyn Monroe) rằng, “Có lẽ cô nên đi làm thư ký hoặc về nhà lấy chồng thì hơn”.
Khi từ chối ban nhạc rock The Beatles của Anh, người quản lý của hãng thu âm Decca nói, “Chúng tôi không thích âm nhạc của họ. Mấy nhóm nhạc guitar như thế cũng sắp hết thời rồi”.
Năm 1954, Jimmy Denny, giám đốc của hãng Grand Ole Opry, sa thải Elvis Presley sau một buổi biểu diễn. Ông nói với Presley, “Tài năng của cậu chẳng đi đến đâu đâu. Quay về lái xe tải đi”. Sau đó, Elvis Presley trở thành danh ca nổi tiếng nhất nước Mỹ.
Năm 1876, Alexander Graham Bell phát minh ra chiếc điện thoại đầu tiên nhưng không nhận được sự ủng hộ của mọi người. Sau một cuộc gọi thử nghiệm, Tổng thống Rutherford Hayes phát biểu, “Phát minh này hay thật đấy, nhưng liệu có ai muốn sử dụng nó không?”.
Khi phát minh bóng đèn tròn, Thomas Edison đã phải thử nghiệm 2.000 lần mới thành công. Một phóng viên trẻ hỏi về cảm giác của ông khi thất bại quá nhiều như vậy. Ông nói, “Tôi không hề thất bại. Chỉ là quá trình phát minh bóng đèn của tôi gồm 2.000 bước thôi”.
Sau nhiều năm suy giảm thính lực, đến năm bốn mươi sáu tuổi, nhà soạn nhạc người Đức Ludwig Van Beethoven hoàn toàn mất khả năng nghe. Dẫu vậy, ông vẫn tiếp tục cho ra đời những tuyệt phẩm âm nhạc vào những năm cuối đời.