Estrogen, Testosterone, và Thyroid
Chống lại những thay đổi sinh lý xảy ra khi hoạt động sản sinh hormone suy giảm theo thời gian bằng phương pháp thay thế hormone là một công cụ trị liệu bổ sung mạnh mẽ để tối ưu hóa sự chắc khỏe của xương. Cuộc chiến chống lại bệnh loãng xương và các bệnh thoái hóa mạn tính khác, vốn xảy ra khi canxi huy động từ xương đi đến các bộ phận khác của cơ thể, sẽ hiệu quả hơn nhiều khi mức hormone thiếu hụt có thể trở lại bình thường một cách tài tình. Việc này cần có thuốc theo toa từ một y bác sĩ có kinh nghiệm trong việc xử lý thay thế hormone để theo dõi cẩn thận những tác động của nó theo thời gian.
Tình trạng thiếu hụt estrogen ở phụ nữ, testosterone ở nam giới, và hormone tuyến giáp ở nam giới hoặc nữ giới có thể hạn chế rõ rệt mức độ phản ứng tích cực khi áp dụng tất cả các biện pháp đã đề cập bên trên. Ngày nay, việc xét nghiệm các hormone này vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, và rất nhiều lợi ích tiềm tàng từ các phương pháp điều trị tốt khác không đến được với nhiều người mắc những tình trạng bệnh lý khác nhau. Mặc dù không phải là một đánh giá đầy đủ về ba loại hormone này, nhưng những nội dung sau đây trình bày phần lớn những gì bạn và bác sĩ của bạn sẽ muốn cân nhắc khi điều trị tình trạng thiếu hụt bất kỳ loại hormone nào để cải thiện sự chắc khỏe của xương và/hoặc sức khỏe nói chung.
ESTROGEN
Estrogen đóng vai trò lớn trong quá trình chuyển hóa của hầu hết tế bào của cơ thể. Nó có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với vai trò được biết đến lâu nay trong việc duy trì sức khỏe của các cơ quan sinh dục và xác định các đặc điểm giới tính thứ cấp thích hợp ở phụ nữ. Các thông tin sau đây chú trọng vào thực tế rằng bệnh loãng xương được thúc đẩy mạnh do sự thiếu hụt estrogen ở phụ nữ.
Liệu pháp estrogen ức chế vôi hóa bất thường
Estrogen có những tác động tích cực riêng trong việc làm giảm, ngăn ngừa và có thể đảo ngược sự vôi hóa bất thường trong cơ thể. Nó đã được phát hiện là làm ức chế khả năng thúc đẩy vôi hóa mạch máu của một protein chuyển hóa xương. Ở những con thỏ bị mất khả năng sản sinh estrogen do cắt bỏ buồng trứng, tình trạng vôi hóa mạch máu tăng gấp bốn lần.
Người ta đã phát hiện rằng dùng liệu pháp estrogen ở phụ nữ mãn kinh trong bảy đến tám năm sẽ làm ức chế đáng kể sự lắng đọng canxi trong động mạch vành. Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên này được thực hiện với những phụ nữ 50–59 tuổi khi bắt đầu thử nghiệm. Kết quả tương tự đã thu được trong một nghiên cứu quan sát những phụ nữ 50–80 tuổi. Một cuộc điều tra về nồng độ estradiol huyết thanh ở phụ nữ sau mãn kinh cho thấy những phụ nữ có chỉ số này cao hơn thì có chỉ số vôi hóa động mạch vành thấp hơn, độc lập với độ tuổi và các yếu tố nguy cơ động mạch vành khác.
Estrogen và sự chắc khỏe của xương
Từ lâu, người ta đã khẳng định rõ ràng rằng suy giảm nồng độ estrogen sau mãn kinh quan sát thấy ở phụ nữ là một yếu tố chính trong sự phát triển và tiến triển của bệnh loãng xương. Ngay cả ở những người đàn ông mắc bệnh loãng xương, tỷ lệ thiếu hụt estrogen cũng cao hơn thiếu hụt testosterone. Người ta cũng chỉ ra rằng mật độ khối xương ở phụ nữ sau mãn kinh có xu hướng giảm khi các chất chỉ dấu cho tình trạng mất cân bằng oxy hóa trong huyết thanh tăng. Điều này hoàn toàn phù hợp với giả thuyết rằng sự thiếu hụt đáng kể chất chống oxy hóa – đặc biệt là vitamin C – trong xương làm khởi phát và theo thời gian làm nặng thêm bệnh loãng xương.
Tình trạng mất xương nặng nhất ở phụ nữ sau mãn kinh xảy ra ngay sau thời kỳ mãn kinh và sau đó suy giảm. Đây là điều rất cần ghi nhớ khi cân nhắc cách dùng estrogen trong liệu pháp thay thế hormone. Nồng độ estrogen thấp hơn ở phụ nữ tiền mãn kinh cũng tạo ra sự suy giảm nhỏ hơn ở mật độ chất khoáng trong xương, tiếp theo là giảm mật độ kết tủa ở thời kỳ mãn kinh. Vì estrogen rất quan trọng đối với sự chắc khỏe của xương ở mọi lứa tuổi, việc khắc phục tình trạng thiếu hụt estrogen sẽ có tác động lớn nhất nếu được bắt đầu sớm sau mãn kinh hoặc khi có dấu hiệu đầu tiên về sự sụt giảm đáng kể nồng độ estrogen.
Thậm chí nếu lỡ mất thời gian tốt nhất để dùng liệu pháp estrogen, liệu pháp này vẫn sẽ ngăn chặn sự mất xương nhiều năm sau khi thời kỳ mãn kinh bắt đầu. Nồng độ estrogen thấp quan sát thấy vào cuối thời kỳ mãn kinh tiếp tục gây ảnh hưởng chế ngự đối với quá trình chu chuyển xương khỏe mạnh và dẫn đến suy giảm độ chắc khỏe của xương. Bắt đầu trị liệu tương đối muộn sẽ có tác động ít hơn hẳn đến việc ngăn ngừa gãy xương nói chung.
Thiếu hụt estrogen làm tăng sản sinh các phân tử tín hiệu gây viêm [cytokine], chúng sẽ sử dụng hết các nguồn dự trữ chống oxy hóa. Càng sản sinh nhiều cytokine như vậy, càng mất nhiều chất chống ôxi hóa. Tình trạng mất xương khởi phát do thiếu estrogen xảy ra đồng thời với sự gia tăng sản sinh cytokine có khả năng oxy hóa, tạo ra hiệu ứng gộp. Những phụ nữ sau mãn kinh có nồng độ thụ thể cho các cytokine tiền viêm cao nhất – cho thấy mức viêm cao và mức chống oxy hóa giảm – bị gãy xương hông nhiều nhất.
Hiện tại người ta đã khẳng định rằng liệu pháp thay thế hormone (HRT) làm giảm tỷ lệ tất cả các loại gãy xương liên quan đến loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, ngay cả ở những người có nguy cơ gãy xương thấp. Ngược lại, ngừng sử dụng HRT sau mãn kinh đã được phát hiện là làm tăng mạnh nguy cơ gãy xương hông đến 55% so với những phụ nữ tiếp tục dùng liệu pháp đó. Ngoài ra, một nghiên cứu trên động vật cho thấy khi gãy xương xảy ra do thiếu hụt estrogen, khả năng lành vết thương cũng kém. Liệu pháp estrogen đã được xác định là làm tăng mật độ chất khoáng trong xương ở những phụ nữ sau mãn kinh so với một nhóm dùng giả dược đã mất mật độ chất khoáng trong xương trong thời gian thử nghiệm ba năm.
Estrogen, giống như vitamin D, là con dao hai lưỡi. Quá ít thì không tốt và quá nhiều cũng không tốt. Tuy nhiên, nỗi sợ e ngại làm nặng thêm các bệnh trạng khác, chẳng hạn như bệnh tim mạch với một hiệu ứng estrogen quá lớn, không nên khiến các bác sĩ không cố gắng tìm ra dạng và liều (nhỏ) estrogen thích hợp để mang lại lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân. Cách tiếp cận tối ưu với liệu pháp estrogen thay đổi rất nhiều với mỗi bệnh nhân, vì vậy điều chỉnh theo từng cá nhân là điều cần thiết. Một số bệnh nhân cũng có thể được hưởng lợi từ một số dạng hỗ trợ progesterone.
Liệu pháp thay thế hormone luôn đòi hỏi phải theo dõi thường xuyên qua các xét nghiệm. Các xét nghiệm này cần tìm các dấu hiệu tăng viêm, theo dõi các yếu tố liên quan đến nguy cơ tim mạch tăng cũng như dấu hiệu của hội chứng chuyển hóa. Quyết định thay đổi về liều lượng, thay đổi về dạng, và thậm chí quyết định tiếp tục hay ngừng liệu pháp cần được đưa ra dựa theo các kết quả xét nghiệm này. Các khía cạnh khác của phác đồ điều trị được đề xuất trong chương 15 đôi khi có thể có đủ tác động tích cực đến xương và xét nghiệm máu để giảm hoặc thậm chí loại bỏ chỉ định điều trị estrogen.
Tác dụng phụ của liệu pháp estrogen và tác động đến nguy cơ tử vong
Dùng liệu pháp thay thế estrogen như thế nào là việc vô cùng quan trọng. Kết quả của các phác đồ estrogen cụ thể có thể thay đổi và thực sự thay đổi tùy theo từng cá nhân. Làm sai cách thường sẽ gây ra những tác dụng phụ đáng kể. Một số phác đồ thay thế hormone thậm chí còn làm gia tăng bệnh tim mạch, ung thư và đột quỵ. Hiểu được tại sao những tác dụng phụ không mong muốn xảy ra sẽ giúp chúng ta tiếp cận an toàn với liệu pháp thay thế hormone mà hầu như không gây ra vấn đề gì đồng thời mang lại những lợi ích đáng kể.
Người ta đã xác định rằng phụ nữ có nồng độ estrogen thấp có tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân lớn hơn. Thiếu hụt estrogen cũng thúc đẩy hội chứng chuyển hóa, thường liên quan đến ít nhất ba trong số những tình trạng sau đây: béo phì bụng, tăng triglyceride, lipoprotein HDL thấp, cao huyết áp, và đường huyết cao lúc đói. Sự hiện diện của hội chứng chuyển hóa góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường.
Sử dụng estrogen qua da, được đề cập kỹ hơn dưới đây, đã được chứng minh là có tác dụng chống lại các yếu tố nguy cơ của hội chứng chuyển hóa ở phụ nữ sau khi cắt bỏ buồng trứng hoặc buồng trứng cùng với tử cung [mãn kinh do phẫu thuật]. Các nghiên cứu gần đây trên động vật cũng chỉ ra rằng estrogen được sử dụng đúng cách có thể cải thiện hoặc đẩy lùi hội chứng chuyển hóa. Tuy nhiên, estrogen đường uống ở liều tiêu chuẩn dường như làm tăng các triệu chứng bệnh động mạch vành nếu hội chứng chuyển hóa đã có từ khi bắt đầu liệu pháp.
Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp thay thế hormone có thể làm giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân. Một nghiên cứu theo dõi kéo dài 10 năm cho thấy 2–3 năm điều trị thay thế hormone ở phụ nữ sau mãn kinh làm giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân so với phụ nữ không dùng hormone. Tương tự, một nghiên cứu của Thụy Điển theo dõi 23.346 phụ nữ sau mãn kinh cũng phát hiện rằng liệu pháp thay thế hormone làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân trong thời gian theo dõi 8–9 năm. Liệu pháp này đã cho thấy giảm số ca tử vong ở cả 12 loại nguyên nhân gây tử vong chính trong nghiên cứu đó.
Cũng cần nhớ rằng tất cả các tác dụng phụ tiềm tàng của liệu pháp thay thế hormone tích cực là thứ yếu so với các cơ chế gây mất cân bằng oxy hóa. Các phương pháp trị liệu được đề xuất trong cuốn sách này có tính năng hỗ trợ chống oxy hóa mạnh mẽ. Phần lớn các phác đồ trị liệu chính thống hoàn toàn bỏ qua tầm quan trọng của việc sử dụng chất chống oxy hóa có tính chất bảo vệ. Mặc dù quyết định cuối cùng về việc thay đổi hoặc ngừng điều trị estrogen sẽ dựa vào đánh giá lâm sàng với sự theo dõi liên tục các xét nghiệm thích hợp, việc sử dụng đồng thời một lượng lớn vitamin C và các chất chống oxy hóa khác sẽ luôn làm giảm tác dụng phụ và thường loại bỏ chúng hoàn toàn.
Sáng kiến Sức khỏe Phụ nữ về liệu pháp thay thế hormone đã đưa ra một số kết quả đáng chú ý. Nghiên cứu này được thực hiện trên phụ nữ mãn kinh khỏe mạnh, mang tính ngẫu nhiên và có kiểm soát. Mặc dù thử nghiệm cho thấy sự gia tăng ở một số bệnh ung thư và một số biến cố tim mạch, nhưng nguy cơ tử vong nói chung, hoặc tử vong do mọi nguyên nhân, không gia tăng do các hormone. Estrogen được dùng với liều lượng tiêu chuẩn, và progestin cũng được sử dụng. Nghiên cứu được công bố và đánh giá rộng rãi này đã cảnh báo về sự tăng nguy cơ biến cố tim mạch do huyết khối quan sát thấy trong thử nghiệm. Nhận thức về nghiên cứu này đã khiến phụ nữ trên khắp nước Mỹ hoảng loạn và nhiều người trong số họ đã ngừng điều trị bằng hormone. Nhiều bác sĩ cũng trở nên miễn cưỡng khi chỉ định thay thế hormone.
Đáng buồn thay, nhiều phụ nữ trong số đó đáng ra đã được hưởng lợi ích đáng kể, bao gồm giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, nếu họ được điều trị bằng estrogen liều thấp mà không có progestin. Mặc dù tác dụng phụ bất lợi này được đổ lỗi cho estrogen, nhưng phải nhấn mạnh rằng hầu như tất cả phụ nữ trong thử nghiệm này đều có bổ sung cả canxi. Việc bổ sung như thế, cùng với progestin và lượng magiê nạp vào điển hình ở một nhóm bệnh nhân như vậy, đều là các yếu tố có thể gây ra các biến cố tim mạch huyết khối tăng cao như đã thấy trong thử nghiệm này.
Những cân nhắc khi sử dụng liệu pháp estrogen
Như vậy, vấn đề nổi cộm là liệu có cách an toàn nào để khôi phục sự thiếu hụt estrogen hay không, ít nhất là ở một mức độ nào đó. Câu trả lời đơn giản là có. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố liên quan, và bác sĩ kê đơn phải chú ý kỹ hơn so với khi kê đơn hầu hết các loại thuốc cho hầu hết các bệnh trạng khác. Các yếu tố liên quan bao gồm:
1. Liều
2. Loại
3. Dạng thuốc
4. Sử dụng hormone khác
5. Đường đưa hormone vào
6. Thời gian sử dụng
7. Thời điểm bắt đầu sử dụng
8. Sử dụng đồng thời thuốc chống oxy hóa
9. Tương quan lâm sàng nối tiếp
10. Xét nghiệm nối tiếp
1. Liều lượng estrogen: Các tác dụng phụ tăng đáng kể về số lượng và mức độ khi sử dụng liều estrogen càng cao. Các liều estrogen tiêu chuẩn đều cho thấy nguy cơ đột quỵ tăng khoảng một phần ba ở phụ nữ trên 60 tuổi. Một nghiên cứu ở phụ nữ mới mãn kinh đã cho thấy estrogen đường uống liều thấp có tác động tích cực đối với lipid và lưu lượng máu tương đương với estrogen liều tiêu chuẩn, đồng thời các tác dụng phụ như chảy máu âm đạo và vú căng đau cũng giảm đáng kể. Cùng loại estrogen đường uống liều thấp, so với liều tiêu chuẩn, cũng được phát hiện là làm tăng đáng kể mật độ xương ở hông và cột sống của phụ nữ sau mãn kinh trong thời gian 24 tháng. Bệnh nhân thuộc nhóm đối chứng, những người không dùng phương pháp điều trị này, thể hiện sự suy giảm đáng kể mật độ xương ở hông và cột sống.
2. Các loại estrogen: Estrogen liên hợp thường được sử dụng trong liệu pháp thay thế hormone, nhất là ở Mỹ. Trong khoảng 100 loại estrogen khác nhau có trong chế phẩm này, tất cả đều xuất hiện tự nhiên ở ngựa, chỉ có một vài dạng xuất hiện tự nhiên ở người. Nhiều công thức estrogen hiện có ở Mỹ chứa các estrogen đồng nhất sinh học mà về mặt phân tử giống hệt như estrogen được sản sinh tự nhiên.
Thật không may, nhiều nghiên cứu xem xét các hiệu ứng và tác dụng phụ đã sử dụng estrogen liên hợp. Người ta có thể kết luận một cách hợp lý rằng bất kỳ tác dụng tốt nào của sản phẩm này cũng có trong estrogen đồng nhất sinh học, nhưng không nhất thiết là các tác dụng phụ sẽ giống với sản phẩm đồng nhất sinh học. Do vậy, phần lớn tác dụng tích cực của estrogen và bản chất thực sự của các tác dụng phụ của nó chưa được ghi nhận rõ ràng. Tuy nhiên, một lượng lớn dữ liệu sinh lý và nhiều kết quả lâm sàng tích cực đã cho thấy rõ rằng việc sử dụng hormone đồng nhất sinh học có liên quan đến những nguy cơ thấp hơn và hiệu quả hơn so với việc sử dụng các sản phẩm tương đương sản xuất từ động vật và tổng hợp.
3. Dạng thuốc estrogen: bao gồm thuốc viên, gel, nhũ tương, thuốc xịt và thuốc tiêm.
4. Sử dụng hormone khác: Tỷ lệ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch tăng gấp đôi đã được quan sát thấy khi sử dụng liệu pháp thay thế hormone kết hợp estrogen và progestogen đường uống. Tuy nhiên, không quan sát thấy sự gia tăng đáng kể tác dụng phụ này chỉ với estrogen đường uống. Ngoài ra, chỉ riêng estrogen đường uống cũng làm giảm tỷ lệ mắc ung thư vú, trong khi estrogen và progestogen kết hợp cùng nhau đã được chứng minh là làm tăng tỷ lệ mắc ung thư vú.
5. Đường sử dụng estrogen: Có nhiều đường sử dụng các hormone như estrogen. Trong đó có đường uống, qua da bằng miếng dán, qua da bằng kem hoặc gel, tiêm bắp, tiêm dưới da, dưới lưỡi, âm đạo và mũi.
Estrogen đường uống. Liều estrogen đường uống được chuyển hóa nhanh hơn và trải qua quá trình xử lý quan trọng của gan.
Estrogen không qua đường uống. Sử dụng estrogen không qua đường uống – không đi từ ruột từ ruột qua gan – (xuyên da, qua da, âm đạo) có ít hơn hoặc không có tác dụng phụ cùng với các tác dụng mong muốn tương đương hoặc tốt hơn. Và tác dụng này có thể đạt được ở các liều bằng hoặc thậm chí nhỏ hơn.
Estrogen xuyên da (miếng dán). Estrogen xuyên da liều thấp đã được chứng minh là làm giảm mạnh triệu chứng mãn kinh và thường được bệnh nhân dung nạp rất tốt trong một nghiên cứu. Estrogen xuyên da làm giảm mức độ xơ vữa trong huyết tương còn estrogen đường uống làm vấn đề này trầm trọng thêm mặc dù estrogen đường uống làm tăng cholesterol HDL trong khi làm giảm cholesterol LDL. Các xét nghiệm máu phù hợp phải được theo dõi trong quá trình điều trị bằng hormone, vì estrogen xuyên da không có tác dụng đáng kể đối với thông số viêm protein phản ứng C (CRP), trong khi estrogen uống ở liều tiêu chuẩn làm tăng đáng kể thông số đó. Mức CRP tăng do chế phẩm uống được cho là vì quá trình xử lý bắt buộc các liều đó qua gan, việc này vốn không xảy ra với chế phẩm xuyên da.
Ngoài ra, một phép so sánh cùng hai chế phẩm estrogen đó đã cho thấy chế phẩm xuyên da thậm chí còn hiệu quả hơn so với chế phẩm uống trong việc thúc đẩy sự phát triển xương ở cột sống của những cô gái trẻ sản sinh không đủ estrogen nội sinh. Nếu không thì những cô gái này chắc chắn sẽ mắc bệnh loãng xương [Hội chứng Turner]. Kết quả này phù hợp với những phát hiện rằng estrogen xuyên da, estrogen uống và estrogen uống kết hợp proestogen đều có giá trị điều trị tương tự trong việc ngăn ngừa mất xương ở phụ nữ sau mãn kinh. Ngay cả phương pháp đơn trị liệu bằng estrogen xuyên da liều cực thấp cũng đã được chứng minh là làm tăng đáng kể mật độ chất khoáng trong xương và làm giảm các dấu hiệu của sự chu chuyển xương mà có ít hoặc không có tác dụng phụ. Liều dùng xuyên da cao hơn một chút được chỉ định cho những phụ nữ có nồng độ estrogen từ rất thấp đến không phát hiện được nhằm đạt được mức tối ưu trong quá trình điều trị. Đối với bệnh nhân mà da có phản ứng bất lợi khi dùng chế phẩm estrogen xuyên da, có thể sử dụng nhũ tương estradiol dạng nano giống như kem dưỡng da rất dễ dung nạp.
6. Thời gian sử dụng: Thời gian điều trị tối ưu chưa được xác định cụ thể. Có ý tưởng rằng liệu pháp estrogen nên được sử dụng để ngăn ngừa mất xương và gãy xương trong thời kỳ đầu sau mãn kinh trong khoảng 5 năm. Một phân tích tổng hợp đã xem xét một số lượng lớn các nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa việc sử dụng estrogen và ung thư vú, đáng chú ý hơn là với việc điều trị trong thời gian dài hơn 5 năm. Đáng tiếc là trong nghiên cứu này, các chế phẩm estrogen xuyên da không được phân biệt với sản phẩm dùng qua đường uống thông thường. Những phụ nữ được coi là có nguy cơ thấp đối với các tác dụng phụ, chẳng hạn như huyết khối tĩnh mạch có vẻ phù hợp để trị liệu lâu hơn 5 năm. Tuy nhiên, bất kể thời gian điều trị bao lâu, đường sử dụng đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch. Trong những trường hợp đó, dùng estrogen xuyên da dường như loại bỏ phần lớn biến cố bất lợi này.
7. Thời điểm bắt đầu sử dụng: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp hormone thời kì mãn kinh dường như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch nếu được bắt đầu muộn trong thời kì mãn kinh nhưng lại có tác dụng tim mạch có lợi ở những phụ nữ trẻ hơn gần đến thời kỳ mãn kinh. Phát hiện này phù hợp với quan sát rằng liệu pháp estrogen sớm ở chuột thiếu estrogen do cắt bỏ buồng trứng đã ngăn cản sự phát triển của tình trạng mất cân bằng oxy hóa vốn sẽ xảy ra nếu không sử dụng, trong khi liệu pháp estrogen bắt đầu muộn thì không có tác dụng này.
8. Sử dụng đồng thời thuốc chống oxy hóa: Như đã được chứng minh trong các chương trước, giữ chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng chống oxy hóa ở mức tối ưu trong cơ thể sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân. Xin nhắc lại, mọi tác dụng phụ rốt cuộc đều là do, hoặc gây ra thiệt hại thông qua, các cơ chế có khả năng oxy hóa. Do đó, rất có khả năng liệu pháp estrogen hợp lý, khi đi kèm với mức độ hỗ trợ chống oxy hóa cao, sẽ gây ra rất ít tác dụng phụ rõ rệt, nếu có. Khi mọi “tác dụng phụ” của một phác đồ điều trị chống oxy hóa đều là giảm tình trạng mất cân bằng oxy hóa và tăng tuổi thọ, thì việc đưa các chất bổ sung vốn thực sự có tác dụng phụ tốt vào một phác đồ như vậy hiếm khi cho thấy bất kỳ nhược điểm nào trong thử nghiệm lâm sàng hoặc xét nghiệm.
9. Tương quan lâm sàng nối tiếp: Nếu sử dụng estrogen hợp lý, các triệu chứng không mong muốn liên quan đến mãn kinh phải giảm và không bao giờ nặng thêm. Một bác sĩ lâm sàng tuyệt đối không nên bỏ qua phản hồi tiêu cực của bệnh nhân chỉ vì một dạng và liều estrogen nhất định được coi là cần thiết. Sẽ có một số bệnh nhân, thường là những người cao tuổi, không cần liệu pháp thay thế estrogen trong phác đồ điều trị loãng xương vì phản ứng lâm sàng của họ đối với tất cả các phần khác của phác đồ đã đủ tích cực. Một điểm mấu chốt khác để xác định liều estrogen thích hợp liên quan đến việc kiểm soát các triệu chứng vận mạch sau mãn kinh. Chứng bốc hỏa liên quan đến hiện tượng giảm nồng độ chất chống oxy hóa trong huyết tương tăng, các yếu tố nguy cơ tim mạch và nguy cơ vôi hóa động mạch chủ. Việc điều chỉnh kịp thời dạng và loại liệu pháp estrogen nên diễn ra khi các triệu chứng vận mạch đã rõ ràng và nên ngừng liệu pháp estrogen nếu những điều chỉnh này không thể kiểm soát ngay các triệu chứng đó và đảo ngược phần lớn mọi yếu tố nguy cơ tim đã bị làm trầm trọng thêm.
10. Xét nghiệm nối tiếp: Việc này rất cần thiết để đảm bảo rằng một phác đồ điều trị hoàn toàn có lợi và phù hợp với một bệnh nhân nhất định. Các thông số phản ánh tình trạng viêm nói chung phải cải thiện hoặc ít nhất là giữ nguyên. Bất kỳ cách sử dụng estrogen nào làm xấu đi các thông số đó cần phải ngưng hoặc thay đổi về liều lượng hoặc dạng sao cho giải được quyết vấn đề. Lý luận tương tự cũng áp dụng cho các thông số xét nghiệm phản ánh nguy cơ tim mạch nói chung, chẳng hạn các lipid như cholesterol và triglyceride. Rất ít bệnh nhân có kết quả xấu do estrogen gây ra như đột quỵ hoặc đau tim mà không được cảnh báo trước ở mức độ nào đó qua kết quả xét nghiệm máu trong quá trình dùng liệu pháp estrogen đó. Liệu pháp estrogen được sử dụng đúng cách sẽ làm giảm nguy cơ gây ra hậu quả tiêu cực về tim mạch (đột quỵ, đau tim, huyết khối tĩnh mạch), nguy cơ mắc ung thư mới, và thậm chí nguy cơ mắc mới bệnh tiểu đường. Liệu pháp như vậy dẫn đến sự cải thiện trong các xét nghiệm máu nối tiếp quan trọng.
Tóm tắt về estrogen và khuyến nghị chung
Thời kỳ mãn kinh diễn ra tương ứng với sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất estrogen của buồng trứng. Một khi mãn kinh đã xảy ra, gần như chắc chắn có sự thiếu hụt estrogen ở mức độ nào đó. Trước khi bắt đầu liệu pháp thay thế hormone, câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất cần đặt ra là mức độ thiếu hụt ở một bệnh nhân cụ thể nghiêm trọng đến đâu. Việc này có thể được xác định bằng cách xét xem sự thiếu hụt đó ảnh hưởng như thế nào đến các xét nghiệm quan trọng và bằng cách đánh giá tình trạng lâm sàng tổng thể. Đối với bệnh nhân loãng xương cũng như bất kỳ bệnh nhân nào khác mắc một bệnh thoái hóa mạn tính nghiêm trọng, nên tiến hành đánh giá một vài tháng sau khi tất cả các khía cạnh khác của phác đồ đề xuất (xem Chương 16) đã được bắt đầu. Nếu chưa có một đáp ứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm hoàn toàn thỏa đáng thì nên cân nhắc việc sử dụng liệu pháp estrogen.
Trừ khi có những lý do thuyết phục để không làm như vậy, liệu pháp hormone thay thế này nên được dùng xuyên da ở liều thấp nhất sẵn có và dùng loại đồng nhất sinh học. Tùy thuộc vào theo dõi lâm sàng và xét nghiệm tiếp theo, estrogen có thể được tăng liều, giữ nguyên liều hoặc thậm chí ngưng sử dụng. Tất cả mười yếu tố nêu trên cần được ghi nhớ để tìm ra liệu pháp thay thế estrogen tốt nhất cho mỗi bệnh nhân cụ thể, hoặc đưa ra quyết định không dùng liệu pháp thay thế. Các khuyến nghị khác trong phác đồ đề xuất có thể được sử dụng một cách đáng tin cậy để vô hiệu hóa các tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra từ việc sử dụng estrogen dưới mức tối ưu.
TESTOSTERONE
Tương tự như sự thiếu hụt estrogen ở phụ nữ, thiếu hụt testosterone ở nam giới là yếu tố đẩy mạnh bệnh loãng xương. Mặc dù lâu nay testosterone chủ yếu được coi là một hormone giới tính, các tài liệu khoa học hiện đã ghi nhận testosterone có nhiều chức năng sinh học khác nhau với các tác động lên hầu như mọi mô và cơ quan của cơ thể. Nó có tác dụng đặc biệt rõ rệt đối với quá trình chuyển hóa chung, tính toàn vẹn của xương và cơ, hệ tim mạch và não.
Tình trạng thiếu hụt testosterone đáng kể và kéo dài dẫn đến chuyển hóa glucose suy giảm, chu chuyển xương tăng, yếu cơ, chức năng nhận thức giảm, mệt mỏi và suy nhược nói chung. Đưa testosterone về mức cần thiết hoặc làm giảm bớt mức độ thiếu hụt testosterone đáng kể có nhiều tác dụng hơn ngoài việc chặn hoặc giúp đảo ngược tình trạng loãng xương. Cũng như estrogen, cần phải tuân thủ một phác đồ thích hợp khi sử dụng hormone để đảm bảo lợi ích tối ưu và rủi ro tối thiểu.
Những tác động tiêu cực của tình trạng thiếu hụt testosterone đã dẫn đến gánh nặng sức khỏe cộng đồng đáng kể, vì một số lượng rất lớn nam giới được phát hiện có mức testosterone thấp và chỉ một số ít được chẩn đoán và điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone. Người ta ước tính rằng tình trạng thiếu hụt testosterone có ở ít nhất 30% nam giới từ 40 đến 79 tuổi. Gần như cùng tỷ lệ phần trăm đó trong số nam giới mắc bệnh tiểu đường đã được đánh giá và phát hiện là cũng bị thiếu hụt testosterone, với 17% thiếu hụt nghiêm trọng. Việc kiểm tra sự thiếu hụt chất này ở nam giới cao tuổi cần diễn ra thường xuyên hơn nhiều so với hiện nay.
Testosterone và sự chắc khỏe của xương
Thiếu hụt testosterone đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ rõ ràng đối với gãy xương hông ở nam giới. Đây là điểm đặc biệt quan trọng cần ghi nhận vì một phần ba các ca gãy xương hông xảy ra ở nam giới. Hơn nữa, những ca gãy xương hông như vậy ở nam giới có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao gần gấp đôi so với những phụ nữ loãng xương bị cũng bị gãy xương đó. Và khi đàn ông bị gãy xương hông do loãng xương, sự thiếu hụt testosterone xuất hiện trong 50% số ca.
Nhất quán với nguy cơ gãy xương tăng lên khi thiếu hụt testosterone, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức testosterone khả dụng sinh học thấp hơn có liên quan trực tiếp đến mật độ khoáng xương thấp hơn. Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên đối chứng giả dược, những nam giới bị loãng xương có nồng độ testosteron thấp được điều trị chỉ bằng 20mg testosterone undecanoate qua đường uống mỗi ngày. Mật độ chất khoáng trong xương tăng đáng kể và không có tác động đáng kể nào được quan sát thấy trên xét nghiệm PSA. Điều thú vị là, liều 20mg đó được phát hiện là có hiệu quả tương đương như một liều 40mg. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng một dạng testosterone tiêm có hoạt tính kéo dài đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể mật độ chất khoáng trong xương ở nam giới có mức testosterone thấp và mắc hội chứng chuyển hóa. Tác dụng này của testosterone đối với khối lượng xương cũng được ghi nhận là diễn ra ở những nam giới rất trẻ mà có mức testosterone thấp. Nói chung, liệu pháp testosterone nên là một phần của phác đồ điều trị loãng xương cho những nam giới thiếu testosterone khi bắt đầu trị liệu. Liệu pháp nên được tiếp tục chừng nào xét nghiệm máu thường xuyên vẫn chứng thực rằng các kết quả xét nghiệm máu quan trọng đang cải thiện hoặc ổn định.
Testosterone, sức khỏe tim mạch và tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân
Người ta đã xác định rõ ràng rằng trong nhóm nam giới mắc bệnh động mạch vành, tỷ lệ có mức testosterone thấp là rất cao. Mối liên kết này xuất hiện ở mọi độ tuổi. Testosterone thấp cũng là một yếu tố nguy cơ được ghi nhận đối với hội chứng chuyển hóa, rất phù hợp với mối liên kết của nó với sự gia tăng bệnh động mạch vành. Các nghiên cứu hiện đã chỉ ra rằng mức testosterone thấp dự đoán một cách độc lập tỷ lệ tử vong do tim mạch tăng.
Đáng kể nhất, nhiều nghiên cứu đã xác định rằng mức testosterone trong máu tỷ lệ nghịch với tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, không chỉ do bệnh tim mạch. Tác động này dường như vẫn tồn tại chừng nào mức testosterone vẫn thấp và một trong những nghiên cứu đó đã phát hiện rằng những người đàn ông ở nhóm tứ phân vị (25%) thấp nhất về mức testosterone có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân tăng 24%. Phù hợp với những phát hiện này, mức testosterone thấp cũng có liên quan trực tiếp đến việc tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch bất lợi lớn ở bệnh nhân tăng huyết áp.
Nguy cơ tử vong dường như đặc biệt tăng lên khi có tình trạng thiếu vitamin D kết hợp với thiếu hụt testosterone tự do. Hơn nữa, việc sử dụng testosterone một cách thận trọng ở nam giới thiếu testosterone dường như làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đây là một bằng chứng nữa về tầm quan trọng của testosterone đối với tất cả các tế bào của cơ thể, vì sự thiếu hụt nó làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân. Nói cách khác, sự thiếu hụt testosterone sẽ làm nặng thêm đáng kể mọi quá trình bệnh tiềm ẩn, bất kể ở hệ cơ quan nào.
Một bằng chứng nữa cho mối liên hệ này giữa testosterone thấp và tử vong đến từ việc áp dụng liệu pháp ngăn chặn sản xuất androgen cho nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt. Androgen về cơ bản chính là testosterone ở nam giới, được biết là có tác động kích thích tế bào ung thư tuyến tiền liệt phát triển. Quá trình tăng trưởng tế bào ung thư tuyến tiền liệt có thể bị chặn và một số tế bào như vậy thậm chí sẽ chết khi sự sản sinh testosterone bị giảm mạnh, ngừng hoàn toàn hoặc ảnh hưởng của testosterone bị chặn. Tuy nhiên, việc sử dụng liệu pháp ngăn chặn sản xuất androgen, cơ bản tương đương với việc giảm trầm trọng hoặc không có tác dụng của testosterone trong cơ thể, đã được chứng minh là có liên quan đến nguy cơ tim mạch tăng, bao gồm cả tử vong.
Testosterone đã được phát hiện là có một số tác dụng chẹn kênh canxi tương tự như tác dụng chẹn kênh canxi của thuốc nifedipine. Điều này phù hợp với khả năng giãn mạch máu và giảm sức cản mạch ngoại biên của nó. Tầm quan trọng này của testosterone trong việc giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân cũng phù hợp với các tác dụng có lợi đã biết của các loại thuốc chẹn kênh canxi khác đối với tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.
Việc ngăn ngừa vôi hóa bất thường là một yếu tố quan trọng trong duy trì tuổi thọ và giảm bớt các triệu chứng của tất cả các bệnh thoái hóa mạn tính. Sự huy động và hòa tan lắng cặn canxi sẵn có cũng tạo ra những hiệu ứng mong muốn đó. Những lợi ích của việc phục hồi mức testosterone được phản ánh rõ hơn qua thực tế là mức testosterone khả dụng sinh học ở nam giới có quan hệ ngược chiều với sự hiện diện và mức độ của canxi động mạch vành có thể phát hiện được. Giống như vitamin C, magiê, vitamin K, vitamin D, các axit béo thiết yếu và estrogen, testosterone cũng thúc đẩy tích hợp canxi vào quá trình hình thành xương bình thường nhưng lại ức chế sự lắng đọng của nó ở nơi khác trong cơ thể – do đó giải thích cho khả năng làm giảm tử vong do mọi nguyên nhân của nó.
Tác dụng phụ của liệu pháp testosterone
Liệu pháp testosterone cho nam giới bị thiếu hụt chất này có thể có tác dụng phụ đáng kể nếu sử dụng không đúng cách. Tuy nhiên, tuân theo một phác đồ sử dụng liều thấp, đồng thời chú ý đến phản ứng lâm sàng và mọi thay đổi không mong muốn trong xét nghiệm máu, sẽ thường mang lại lợi ích hơn là gây hại. Giống như estrogen, nhiều yếu tố có tác động đến việc sử dụng tối ưu testosterone cho một bệnh nhân cụ thể. Khi điều trị một bệnh nhân loãng xương, điều hết sức quan trọng là phải xem phần còn lại của phác đồ đề xuất (Chương 16) có hiệu quả như thế nào trước khi chuyển thẳng sang liệu pháp thay thế hormone.
Trong những năm qua, rất nhiều quan ngại đã được đặt ra về mối quan hệ giữa việc sử dụng testosterone và bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng mặc dù testosterone chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển của bệnh ung thư tuyến tiền liệt đã có sẵn, nhưng nó không liên quan đến sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt mới. Trên thực tế, tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở những người đàn ông thiếu testosterone được điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone thấp hơn tỷ lệ mắc bệnh đó ở những người đàn ông không điều trị và có mức testosterone cơ bản bình thường.
Mọi nỗi sợ hãi dai dẳng về testosterone và ung thư tuyến tiền liệt cần phải giảm bớt vì thực ra ung thư tuyến tiền liệt thường liên quan đến mức testosterone thấp.
Miễn là một bệnh nhân cụ thể được theo dõi cẩn thận, sự gia tăng bất ngờ trong xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) sau khi bắt đầu điều trị bằng testosterone có thể được coi là một điều có lợi. Điều đó đơn giản đồng nghĩa với việc ung thư sẽ được phát hiện sớm hơn, và có thể ngưng liệu pháp testosterone ngay lập tức.
Giống như estrogen, vitamin D và hormone tuyến giáp, quá nhiều thì không tốt và quá ít cũng không tốt. Luôn cần sử dụng các chất này một cách khôn ngoan, và ngoại trừ các trường hợp hiếm gặp, không cần tránh hoàn toàn các chất này nếu biết chúng đang ở mức thấp.
Từ lâu đã có những lo ngại về mối quan hệ giữa testosterone với vấn đề tăng khối lượng tuyến tiền liệt nhưng không phải kiểu ác tính (phì đại tuyến tiền liệt lành tính, BPH). Một nghiên cứu mù đôi ở đàn ông trung niên cho thấy khối lượng tuyến tiền liệt trung bình của họ đã tăng 12% trong thời gian điều trị testosterone dài 8 tháng. Một liều 160mg testosterone undecanoate đường uống mỗi ngày, một liều cao đáng kể có khả năng tạo mức testosterone cao trên mức bình thường, đã được kê trong giai đoạn đó. Hiện tại, một liều tiêu chuẩn của dạng testosterone này là 40mg mỗi ngày. Và mặc dù khối lượng tuyến tiền liệt tăng nhẹ, người ta cũng ghi nhận rằng không có sự phát triển của bất kỳ triệu chứng tiết niệu tắc nghẽn nào trong thời gian điều trị.
Một nghiên cứu mới hơn về những người đàn ông có mức testosterone thấp và các triệu chứng đường tiết niệu từ vừa đến nặng đã chứng minh rằng liệu pháp thay thế testosterone hiếm khi làm trầm trọng thêm các triệu chứng đó. Trên thực tế, nhiều người trong số đó cho thấy sự cải thiện ở các triệu chứng. Đáng lưu ý, testosterone được sử dụng ở đây chỉ ở dạng bôi tại chỗ, hoặc dạng bôi tại chỗ cộng với viên nén dưới da, một cách bổ sung nhẹ nhàng hơn nhiều so với testosterone undecanoate qua đường uống.
Một nghiên cứu trên những con thỏ thiếu testosterone mắc hội chứng chuyển hóa thực sự cho thấy việc sử dụng testosterone đã bảo vệ những con thỏ này khỏi tình trạng thiếu oxy tuyến tiền liệt, xơ hóa cũng như chứng viêm vốn góp phần phát triển bệnh phì đại tuyến tiền liệt và các triệu chứng tiết niệu dưới tắc nghẽn. Phát hiện này hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu trước đó trên người.
Cân nhắc về liều lượng khi điều trị bằng liệu pháp testosterone
Giống như estrogen, có nhiều cách khác nhau để áp dụng liệu pháp testosterone ở nam giới thiếu testosterone. Nói chung, phần lớn các liều thấp hơn và dạng hấp thu chậm hơn không có tác dụng phụ không mong muốn. Trong một nghiên cứu, việc dùng liều cao đã dẫn đến tăng tác dụng phụ tim mạch ở một số người nhưng các tác dụng mong muốn như tăng sức mạnh cơ bắp cũng xảy ra. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này lớn tuổi hơn (tuổi trung bình 74), và mức testosterone mục tiêu quá cao (500–1000 ng/dL). Nhiều bệnh nhân trong số này mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tim mạch từ trước và đang điều trị bằng statin, nhiều bệnh nhân bị tăng lipid máu và nhiều bệnh nhân có mức triglyceride xấu đi theo thời gian.
Tuổi tác là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với tính an toàn của liệu pháp testosterone. Trong một nghiên cứu trên 1.438 người đàn ông thiếu testosterone trong độ tuổi 34–63, cả thông số lâm sàng và xét nghiệm đều được cải thiện đáng kể khi dùng testosterone dạng tiêm có tác dụng kéo dài.
Các liều lớn hơn mà vượt quá nồng độ dài hạn mong muốn trong máu theo chu kỳ sẽ có xu hướng ít dung nạp hơn. Chúng cũng có khả năng làm xấu đi các xét nghiệm máu quan trọng chứ không cải thiện hoặc khiến các xét nghiệm đó không bị ảnh hưởng. Mục tiêu điều trị là luôn giữ mức testosterone trong máu ở giữa khoảng bình thường thay vì ở trên mức bình thường trong bất kỳ khoảng thời gian nào.
Testosterone có thể được sử dụng hiệu quả qua đường uống, bằng cách tiêm bắp, bằng miếng dán xuyên da hoặc gel, bằng cách đặt viên thuốc dưới da, và bằng viên ngậm keo sinh học [thường đặt trên nướu phía trên răng cửa bên trái hoặc bên phải một lần hoặc hai lần mỗi ngày].
Tối ưu nhất, mức testosterone và các chất hóa học quan trọng trong máu, như những chất liên quan đến hội chứng chuyển hóa, nên được kiểm tra ba tháng một lần trong năm đầu tiên. Bất kỳ xét nghiệm yếu tố nguy cơ tim mạch nào xấu hẳn đi cũng là dấu hiệu cảnh báo để ngừng testosterone hoặc tiến hành với liều thấp hơn theo hình thức sử dụng ít xâm lấn hơn, chẳng hạn như xuyên da. Khi tình hình lâm sàng và các xét nghiệm nối tiếp trở nên ổn định rõ rệt mà không có kết quả nào xấu đi, mức testosterone và các xét nghiệm máu khác có thể được kiểm tra theo định kỳ từ sáu tháng đến một năm. Ở bệnh nhân lớn tuổi thì còn phải chú ý nhiều hơn nữa đến việc sử dụng liều lượng nhẹ cũng như theo dõi sát sao các yếu tố nguy cơ tim mạch, đồng thời đặt ra các mục tiêu dài hạn ít tham vọng hơn so với bệnh nhân trẻ tuổi.
Để giảm thiểu mọi nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ đáng kể, mục tiêu của liệu pháp thay thế testosterone chỉ nên là khôi phục mức testosterone đến các mức từ bình thường thấp đến trung bình trong phạm vi bình thường. Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng giả dược về liệu pháp testosterone ở nam giới trên 65 tuổi, hiện tượng tăng mật độ chất khoáng trong xương rõ rệt nhất được quan sát thấy ở những người đi từ mức testosterone dưới bình thường lên đến mức trung bình. Khi những người bắt đầu ở mức testosterone bình thường thấp được nâng lên mức trung bình thì mật độ xương tổng thể không tăng.
Hai điểm quan trọng được gợi ý rõ ràng qua thử nghiệm này:
1. Nam giới có mức testosterone bình thường thấp không nên được điều trị loãng xương bằng liệu pháp testosterone, và
2. Ở nam giới bị thiếu hụt testosterone rõ ràng, không bao giờ được đẩy mức testosterone vượt quá mức trung bình.
Ý tưởng ở đây là cung cấp cho các tế bào sự hỗ trợ trao đổi chất nhất định nhưng không kích thích chúng quá mức, nhất là khi các tế bào đó không còn trẻ nữa. Khi nồng độ được đẩy đến khoảng bình thường cao của phạm vi bình thường, các lợi ích từ testosterone có xu hướng giảm đi, trong khi các tác dụng phụ tiêu cực được tối đa hóa. Giống như nhiên liệu cho máy bay phản lực chỉ dành cho máy bay phản lực, không phải dành cho xe Model-T. Chỉ trong trường hợp liệu pháp thay thế testosterone được theo dõi sát sao và các kết quả xét nghiệm máu bất thường vẫn đang tiếp tục cải thiện với mức testosterone cao hơn mức trung bình thì mới nên duy trì liều như vậy.
Tóm tắt về testosterone và các khuyến nghị chung
Sự thiếu hụt testosterone thường xuất hiện ở đàn ông cao tuổi và cũng không phải không phổ biến ở nhiều đàn ông trung niên. Những sự thiếu hụt như vậy có liên quan đến tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân tăng và chúng sẽ luôn làm xấu hẳn đi mọi tình trạng loãng xương hiện có. Chúng phải luôn được giải quyết trừ khi các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm bất thường có thể được giải quyết bằng phần còn lại của phác đồ đề xuất ở Chương 16.
Các yếu tố quan trọng nhất cần lưu ý khi điều trị thiếu hụt testosterone là dùng liều thấp và chỉ đặt mục tiêu là nồng độ testosterone trong máu không vượt quá khoảng từ bình thường thấp đến trung bình. Các chế phẩm xuyên da là đặc biệt tốt nếu muốn tránh các tác dụng phụ đáng kể. Các chế phẩm khác cũng có thể được sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tránh hoàn toàn mức testosterone trong máu cao hơn mức bình thường ngay cả trong khoảng thời gian ngắn.
Đối với bệnh loãng xương, một mục tiêu hợp lý là gia tăng phần nào mật độ chất khoáng trong xương hoặc ít nhất làm cho nó không giảm, trong khi cải thiện hoặc duy trì kết quả các xét nghiệm quan trọng như PSA và các xét nghiệm yếu tố rủi ro liên quan đến hội chứng chuyển hóa và sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Cuối cùng, cần phải hiểu rõ rằng toàn bộ các phác đồ được khuyến nghị trong các Chương 16 và 17 sẽ làm giảm đáng kể và thường loại bỏ mọi tác dụng phụ tiềm ẩn của việc sử dụng testosterone không phù hợp. Liều cao vitamin C, vitamin K, magiê và các axit béo thiết yếu, cùng với vitamin D và các chất chống oxy hóa khác ở liều lượng hợp lý sẽ chống lại biểu hiện của bất kỳ tác dụng phụ đáng kể nào.
HORMONE TUYẾN GIÁP
Hormone tuyến giáp là một loại hormone rất quan trọng khác có ảnh hưởng đáng kể đến quá trình trao đổi chất của mọi tế bào trong cơ thể. Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong lớn xuất hiện khi hormone tuyến giáp bị thiếu hụt đáng kể hoặc khi nó hiện diện quá mức. Vì vậy, điều quan trọng là phải giải quyết tình trạng hormone tuyến giáp theo cách tương tự với vitamin D và các hormone sinh dục. Đừng chỉ mặc định cho rằng nồng độ của các hormone quan trọng này nằm trong phạm vi tối ưu. Các xét nghiệm sàng lọc thích hợp phải được thực hiện khi lên phác đồ điều trị.
Tuy nhiên, thực tế là tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp phổ biến hơn nhiều so với tình trạng dư thừa hormone tuyến giáp. Nhiều trường hợp suy giáp, đặc biệt là những trường hợp ở mức độ cận lâm sàng, là những thách thức trong chẩn đoán, trong khi chẩn đoán lâm sàng và xét nghiệm cường giáp không mơ hồ như vậy.
Nói chung, hormone tuyến giáp có thể được coi là yếu tố nhịp cho quá trình trao đổi chất của cơ thể. Lượng phù hợp hormone này cho phép cơ thể hoạt động với nhịp độ khỏe mạnh nhất. Thừa hormone làm tăng nhịp độ đó lên, còn thiếu hormone làm nó chậm lại.
Hormone tuyến giáp và sự chắc khỏe của xương
Hormone tuyến giáp có vai trò quan trọng đối với sự chắc khỏe của xương. Nó cần thiết cho sự phát triển xương đúng cách ban đầu và sự thiết lập khối lượng xương đỉnh. Chất lượng xương nói chung bị tổn hại do có quá ít hoặc quá nhiều hormone tuyến giáp. Trong cả trường hợp cường giáp lẫn suy giáp, nguy cơ gãy xương tăng đáng kể. Tuy nhiên, những thay đổi sinh lý bệnh học ở xương do hormone tuyến giáp dư thừa và do hormone tuyến giáp suy giảm là khác hẳn nhau.
Mức hormone tuyến giáp dư thừa làm tăng tốc quá trình chu chuyển xương và điều này dẫn đến việc chứng cường giáp được xác định là nguyên nhân thứ phát của bệnh loãng xương. Tuy nhiên, thiếu hụt hormone tuyến giáp làm chậm sự chu chuyển xương và dường như không làm giảm mật độ xương. Cần lưu ý rằng, mặc dù suy giáp không dẫn đến xương loãng điển hình nhưng nó vẫn làm xương yếu hơn với nguy cơ gãy xương tăng lên.
Trong khi người ta đã chứng minh rõ ràng rằng việc điều trị hiệu quả bệnh cường giáp cho phép phục hồi một phần mật độ xương bị mất khi hormone tuyến giáp tăng cao, phương pháp điều trị suy giáp truyền thống lại có ít tác dụng rõ rệt đối với cấu trúc xương và sự chắc khỏe của xương. Điều trị suy giáp bằng levothyroxin (T4) có thể dẫn đến giảm mật độ xương.
Dựa trên độ chắc khỏe của xương quan sát thấy ở các mức hormone tuyến giáp khác nhau, có vẻ như xét nghiệm truyền thống về chức năng tuyến giáp không đạt được mục tiêu xác định một phạm vi bình thường thực sự. Những phụ nữ sau mãn kinh có kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp ở khoảng bình thường cao hơn đã được phát hiện là có mật độ chất khoáng trong xương giảm và có nguy cơ gãy xương cao hơn so với những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm ở khoảng bình thường thấp hơn.
Ở những phụ nữ mãn kinh có kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp tổng thể trong phạm vi bình thường, những người có lượng hormone kích thích tuyến giáp (TSH) thấp nhất được phát hiện là có tỷ lệ gãy xương cao hơn hẳn so với những người có mức TSH cao nhất. TSH là hormone do tuyến yên sản xuất để kích thích tuyến giáp sản xuất hormone tuyến giáp. Người ta cũng đã chứng minh rằng phụ nữ mãn kinh có mức TSH cao hơn và các kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp bình thường về mặt kỹ thuật thì sẽ ít bị gãy xương chừng nào mức TSH không vượt quá phạm vi bình thường.
Giống như rất nhiều hormone khác, quá ít TSH thì không tốt và quá nhiều TSH cũng không tốt. Thông thường, mức TSH sẽ được hạ xuống nhờ liệu pháp hormone tuyến giáp. Các mức có thể là:
• Rất thấp và bị ức chế (<0,04 mU/lít)
• Thấp nhưng không bị ức chế (0,04–0,4 mU/lít)
• Trong phạm vi bình thường (0,4–4,0 mU/lít), hoặc
• Cao (> 4,0 mU/lít)
Một nghiên cứu đã được tiến hành trên 17.684 bệnh nhân dùng liệu pháp thay thế T4 sau hơn 8 năm. Nó cho thấy rằng những người có nồng độ TSH cao hoặc bị ức chế (cao hoặc rất thấp) có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và gãy xương tăng. Tuy nhiên, những người có mức TSH thấp nhưng không bị ức chế thì không gia tăng nguy cơ này. Nói chung, liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp hiệu quả sẽ luôn hạ thấp mức TSH sẵn có trước khi dùng liệu pháp này, nhưng không nên dùng liều mạnh tới mức đẩy mức TSH xuống phạm vi rất thấp và bị ức chế.
TSH từ lâu đã được xem là chỉ hoạt động trên tuyến giáp mà không ở nơi nào khác. Các nghiên cứu trên động vật hiện đã chỉ ra rằng TSH có tác dụng trực tiếp lên xương, ức chế sự tái tạo xương và chu chuyển xương. Nói cách khác, có vẻ như TSH có tác dụng bảo vệ xương trực tiếp. Vì vậy, có lẽ không nên giảm mức TSH xuống rất thấp bằng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp trừ khi các cân nhắc lâm sàng và xét nghiệm ngoài tác dụng đối với xương là đáng quan ngại. Tuy nhiên, đây là một kịch bản khó xảy ra, vì mức TSH rất thấp cũng có liên quan đến nguy cơ tim mạch tăng và đây không bao giờ là một tác dụng mong muốn, bất kể tác dụng tích cực nào khác mà liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp có thể mang lại.
Hormone tuyến giáp, sức khỏe tim mạch và tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân
Không có gì đáng ngạc nhiên, cả hai bệnh cường giáp và suy giáp quá mức đều là những yếu tố nguy cơ độc lập cho tử vong do mọi nguyên nhân. Thậm chí còn đáng kể hơn, sự tăng hoặc giảm tương đối nhỏ của chức năng tuyến giáp cũng đóng vai trò rất nổi bật đối với sức khỏe nói chung, vì cả cường giáp cận lâm sàng và suy giáp cận lâm sàng đều đã được xác định là yếu tố nguy cơ rõ ràng làm tăng tỷ lệ tử vong. Suy giáp cận lâm sàng xuất hiện khi mức thyroxine (T4) bình thường nhưng TSH tăng.
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra chức năng tuyến giáp thường xuyên trong việc đánh giá y tế ban đầu với bất kỳ bệnh nhân nào chứ không chỉ với người bị loãng xương. Các tình trạng bệnh liên quan đến tuyến giáp cận lâm sàng thường không thể phát hiện được nếu không có sự hỗ trợ của xét nghiệm. Nhiều nghiên cứu cũng đã xác nhận rằng cả chức năng tuyến giáp cao và thấp đều có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi việc điều trị hiệu quả bệnh suy giáp cận lâm sàng đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Tương tự, liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo dường như làm giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân vốn tăng cao nếu không áp dụng liệu pháp đó trong nhóm bệnh nhân này. Một nghiên cứu khác trên những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính cho thấy mức hormone tuyến giáp dạng T3 thấp nhất cũng dự đoán sự gia tăng tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.
Ngoài ra còn có một nhóm những người có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân tăng mặc dù các xét nghiệm chức năng tuyến giáp của họ hoàn toàn nằm trong phạm vi bình thường. Nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH hoặc thyrotropin) ở khoảng bình thường cao có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân nếu so với những người có mức TSH thấp hơn nhưng vẫn ở khoảng bình thường. Hơn nữa, tỷ lệ tử vong tổng thể thấp nhất đã được quan sát thấy ở những người có nồng độ TSH ở giữa khoảng bình thường. Một nghiên cứu khác phát hiện rằng những bệnh nhân có mức TSH cao hơn trong khoảng bình thường có tỷ lệ đau tim tăng. Dường như các thông số xét nghiệm thực sự chính xác và được định nghĩa rõ ràng về chức năng tuyến giáp bình thường vẫn chưa được thiết lập.
Tác dụng phụ của liệu pháp hormone tuyến giáp và những cân nhắc về liều dùng
Có nhiều cách tiếp cận trong việc sử dụng hormone tuyến giáp. Các phác đồ tốt nhất theo dõi sát sao phản ứng lâm sàng lẫn các xét nghiệm tuyến giáp và phi tuyến giáp quan trọng. Nồng độ TSH, vốn luôn cao theo các tiêu chuẩn chẩn đoán truyền thống đối với bệnh suy giáp, nên ở trong khoảng 0,04–4,0 mU/lít. Như đã lưu ý ở trên, mức cao hơn hoặc thấp hơn có liên quan đến sự gia tăng các vấn đề tim mạch. Một sự đảm bảo chắc chắn hơn về tính an toàn lâu dài của một phác đồ cụ thể cũng có thể được phản ánh ở sự cải thiện hoặc không thay đổi trong mọi xét nghiệm liên quan đến nguy cơ tim mạch.
Thyroxine, hay T4, và triiodothyronine, hay T3, là những dạng hormone tuyến giáp được sử dụng phổ biến nhất. Cũng có nhiều người dùng chiết xuất tuyến giáp sấy khô. Tất cả các dạng đó đều có tác dụng. Phải theo dõi lâm sàng và xét nghiệm cẩn thận đối với mọi loại hormone tuyến giáp mà bệnh nhân dùng, và liều dùng được quyết định tùy theo từng bệnh nhân. Không có một liều chung phù hợp cho tất cả mọi người.
Mọi mức độ cường giáp phải được điều trị thích hợp để đưa nồng độ hormone tuyến giáp về mức bình thường. Điều quan trọng là phải theo dõi các chức năng của tuyến giáp trong thời gian dài để đảm bảo liệu pháp điều trị cường giáp đó cuối cùng sẽ không đẩy bệnh nhân vào tình trạng suy giáp.
Ngoài ra, cũng như đối với estrogen và testosterone, các yếu tố bổ sung của phác đồ trong Chương 15 có thể được kỳ vọng sẽ ngăn chặn nhiều tác dụng phụ có thể biểu hiện khi sử dụng hormone tuyến giáp dưới mức tối ưu.
TÓM TẮT VỀ LIỆU PHÁP THAY THẾ HORMONE
Trong các chương trước, chúng ta đã chứng minh rằng có một số tác nhân tự nhiên mạnh mà ngăn chặn rất hiệu quả và thậm chí đảo ngược bệnh loãng xương. Chúng có các khả năng đã được ghi nhận là làm giảm nguy cơ gãy xương, đây là thông số quan trọng nhất trong việc xác định liệu thứ gì đó có lợi cho bệnh nhân loãng xương hay không. Điều ấn tượng nhất là magiê, vitamin K, vitamin C, vitamin D và các axit béo thiết yếu khả dụng sinh học, độc lập với nhau, đều làm giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân khi được dùng đúng liều.
Như đã đề cập trong chương này, sự thiếu hụt estrogen ở nữ giới và testosterone ở nam giới, cũng như nồng độ hormone tuyến giáp cao và thấp, đều làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân. Khía cạnh duy nhất của phác đồ được khuyến nghị trong Chương 16, giống với với khuyến nghị của y học chính thống, là việc sử dụng estrogen.
Các tác động tích cực tích lũy của các phác đồ chữa loãng xương và bệnh thoái hóa mạn tính này tỏ ra hết sức tích cực. Chỉ có các hormone, hoặc các chất giống như hormone (vitamin D) là cần được sử dụng cẩn trọng để đảm bảo mức độ thích hợp và không đưa quá liều vào cơ thể. Tất cả các chất khác không có độc tính đáng kể ở bất kỳ liều nào. Đồng thời các đặc tính chống oxy hóa chung của chúng có vẻ là loại bỏ được phần lớn các tác dụng phụ tiềm ẩn của liệu pháp thay thế hormone ngay cả khi sử dụng dưới mức tối ưu.