Bạn có để ý là càng lớn tuổi, chúng ta càng trở lên bận rộn? Mỗi năm trôi qua mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội mới, thách thức mới và các mối quan hệ mới. Nó không hoàn toàn là kiểu hàng trăm người đột nhiên bước vào cuộc sống của bạn. Nhưng mỗi cam kết mới hoặc mối quan hệ mới lại cộng thêm vào danh sách đã có cho tới khi chúng ta cảm thấy quá tải:
Một số người giới thiệu một cuốn sách mà chúng ta đang tìm kiếm.
Chúng ta nghe nói về một nhà hàng “cần phải đến” vừa mới mở.
Người bạn cũ kết nối với chúng ta qua mạng xã hội.
Những cơ hội mới tại nhà thờ hứa hẹn sự phát triển cá nhân và tiếp cận cộng đồng.
Chúng ta bắt đầu một mối quan hệ mới mà chúng ta muốn nuôi dưỡng.
Thăng tiến trong công việc mang đến một cú hích về lương bổng nhưng đồng thời trách nhiệm nặng nề hơn.
Chúng ta tham gia các lớp học để có giấy chứng nhận và phải làm rất nhiều bài tập.
Những đứa con đến giai đoạn phát triển có nghĩa là nhu cầu về thời gian, năng lượng, sự sáng suốt của chúng ta tăng lên.
Lưu ý sợi dây chung: Đây toàn là những việc tốt. Nó không giống việc chúng ta đăng ký thành viên câu lạc bộ tệ nạn xã hội. Chúng ta tin rằng tất cả những điều này có thể giúp cuộc sống của mình giàu đẹp hơn, vậy nên chúng ta muốn thực hiện toàn bộ.
Vấn đề là chúng ta thêm những hoạt động mới mà không loại bỏ những hoạt động cũ. Chúng ta không thay thế những cam kết tốt bằng những cam kết tốt hơn, chúng ta chỉ đơn thuần điền thêm vào danh sách mà thôi. Khi gặp rắc rối trong việc đưa ra mức độ quan tâm đúng mức cho từng việc, chúng ta cảm thấy đáng trách.
Marco miêu tả tình huống tiến thoái lưỡng nan anh gặp phải cách đây mấy tuần trong lúc đang tham dự một trong những hội thảo của tôi. Anh ấy là một nhạc công dày dặn kinh nghiệm, một nhà soạn nhạc, và nghệ sĩ thu âm đã dành 15 năm qua trên các sân khấu hòa nhạc khắp thế giới. Giờ đây, anh muốn chuyển hướng đầu tư vào các nhạc công trẻ tuổi, dùng kinh nghiệm của mình để cố vấn cho họ trên bước đường sự nghiệp.
“Tôi đã tạo dựng nhiều mối quan hệ khắp thế giới trong những tháng năm đó.” Anh nói. “Và tôi không muốn từ bỏ chúng. Nhưng nếu chuyển sang hướng mới này, nó sẽ ngốn của tôi rất nhiều thời gian và năng lượng. Tôi sẽ phải xây dựng các mối quan hệ mới khi hướng đi mới tiến triển. Vậy làm thế nào để vừa xây dựng những mối quan hệ mới trong khi vẫn duy trì được các mối quan hệ cũ?”
Đó thực sự là một tình thế khó nghĩ. Hàng ngày, hầu hết chúng ta đều gặp phải một số tình huống như thế. Chúng ta tăng thêm cái mới nhưng không muốn bớt cái cũ. Chẳng bao lâu tủ quần áo, nhà kho, tủ tài liệu và thậm chí là tâm trí chúng ta bị chất đầy đến độ chúng ta cảm thấy mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát.
Để tìm ra giải pháp, chúng ta phải chấp nhận một thực tế không thể bác bỏ, không thể phủ nhận:
Thời gian có hạn. Chúng ta chỉ có 24 giờ một ngày.
CHI PHÍ CƠ HỘI
Chừng nào chúng ta tin mình có thể thực hiện mọi việc, và xử lý hết rắc rối thì chúng ta sẽ không bao giờ phải giải quyết các vấn đề vượt quá khả năng. Chúng ta sẽ tham dự hội thảo quản lý thời gian và đọc các cuốn sách tự lực nhằm tìm ra các cách thức để “nhồi” thêm công việc vào cuộc sống của mình. Trên thực tế những thứ đó sẽ giúp ích trong chốc lát, nhưng nó chẳng khác nào việc sắp xếp lại những chiếc ghế võng trên tàu Titanic. Có thể nhìn sẽ khá hơn, nhưng nó đâu có ngăn được chiếc tàu khỏi bị chìm xuống.
Chúng ta có thể nghĩ đến một người mình quen biết làm được nhiều việc hơn chúng ta. Rất dễ để ta nghĩ rằng: “Ồ, chắc chắn họ có nhiều thời gian hơn mình.” Nhưng họ cũng chỉ có 24 tiếng đồng hồ. Vậy bằng cách nào họ làm việc hiệu quả hơn chúng ta vậy?
Tuy nhiên, có một vấn đề lớn hơn. Sẽ chẳng còn quan trọng nếu chúng ta làm được nhiều việc hơn, nhưng lại không làm được những việc đúng đắn.
Trong kinh tế học, khái niệm này được gọi là “chi phí cơ hội”. Điều đó có nghĩa là bất kể thứ gì chúng ta nói có, thì đương nhiên bạn sẽ đồng thời nói không với những thứ khác cùng thời điểm. Nếu dành một giờ để tham dự một cuộc họp thì bạn sẽ không thể tập thể dục, dọn dẹp, hoặc đọc sách trong khoảng thời gian đó. Nếu bạn nói chuyện với một người bạn qua điện thoại, bạn đang từ bỏ cơ hội tự mình rửa xe. Nếu bạn đưa con cái đến công viên Disneyland thì thời gian đó bạn sẽ không cắt cỏ được.
Tất cả những điều đó đều là những việc cần làm, nhưng chúng ta chỉ có thể thực hiện từng việc một mà thôi. Vì thời gian có hạn, chúng ta không thể làm được mọi việc. Cách duy nhất có thể giải quyết mọi việc là phải đặt ưu tiên cho những lựa chọn, sử dụng hiệu quả nhất thời gian của mình.
Giả sử ngôi nhà của bạn bốc cháy và bạn biết chỉ trong vài phút nó sẽ bị nhấn chìm trong biển lửa. Bạn sẽ mang theo những gì khi chạy ra khỏi nhà? Phần lớn mọi người đưa ra câu trả lời tương tự nhau: Những điều giá trị nhất. Danh sách những điều này thường bao gồm thành viên trong gia đình, thú cưng, album ảnh, và những thứ không thể thay thế được. Không ai vội vã quay lại căn nhà đang cháy để lấy chiếc cốc mà họ yêu thích cả.
CHI PHÍ CHO CÁC MỐI QUAN HỆ
Chúng ta có xu hướng thận trọng hơn với những thứ giá trị. Đó là lý do tại sao chúng ta cố gắng để không làm rơi máy tính xách tay hoặc đặt cốc nước chanh cạnh bàn phím.
Nguyên tắc đó cũng áp dụng trong các mối quan hệ. Có nhiều mối quan hệ mà chúng ta đề cao và trân trọng. Nhưng chúng ta bị hạn chế về thời gian và năng lượng. Khi dành thời gian cho một người, chúng ta sẽ không thể dành thời gian cho những người khác. Mặc dù điều đó nghe có vẻ vô tâm, song cần phải đặt ưu tiên trong các mối quan hệ của mình, dành khoảng thời gian phù hợp cho mọi người dựa vào mức độ thân thiết và tầm quan trọng của họ trong cuộc sống của chúng ta.
Vợ tôi, Diane, quan trọng với tôi hơn bất kỳ người nào khác trên hành tinh này. Tôi cam kết trọn đời với cô ấy, có nghĩa là tôi cần đầu tư nhiều nhất vào mối quan hệ này. Tôi cũng có một sự nghiệp và phát hiện ra rằng một số người có khuynh hướng nghĩ rằng tôi cần phải xuất hiện khi họp hành. Công việc là một phần quan trọng trong cuộc đời tôi và đòi hỏi một khối lượng lớn về thời gian và sự cam kết. Nhưng điều đó ngốn đi thời gian của tôi dành cho Diane.
Thỉnh thoảng tôi phải đi công tác, mỗi dịp như vậy cũng phải mất vài ngày. Vì vậy, tôi không thể dành nhiều thời gian cho vợ. Khi trở về nhà, tôi phải bắt kịp với công việc và thảo luận với nhiều người. Nhưng kể cả đó là những mối quan hệ tốt thì tôi vẫn nhận ra đầu tư thời gian với Diane vẫn là ưu tiên số một. Tôi có thể đổi việc hoặc nơi ở hoặc những vấn đề khác, nhưng tôi không có ý định đổi vợ.
ĐIỀU ĐÓ LIÊN QUAN GÌ ĐẾN NHỮNG NGƯỜI HAY GÂY RẮC RỐI?
Những người hay gây rắc rối có xu hướng lấy đi nhiều năng lượng của chúng ta hơn những gì họ xứng đáng được nhận. Họ mang đến những “bi kịch” khiến cuộc sống của chúng ta dịch xa khỏi điểm chuẩn, và theo bản năng chúng ta cố gắng giải quyết vấn đề để tìm lại thế cân bằng cho mình. Sự xuất hiện của họ có thể lấy mất một lượng lớn thời gian và năng lượng của chúng ta, nghĩa là chỉ còn chút ít thời gian dành cho những người khác.
Tầm quan trọng của mỗi mối quan hệ không giống nhau. Hy vọng duy nhất để chúng ta tìm kiếm sự cân bằng là phải đặt ưu tiên, dành lượng thời gian phù hợp cho mọi người tùy thuộc vào giá trị của họ đối với cuộc sống của chúng ta. Những người càng có giá trị và tầm quan trọng, họ càng cần nhận được nhiều sự quan tâm. Những người càng ít quan trọng thì chúng ta sẽ dành cho họ ít sự quan tâm hơn.
Một khi phân định rõ ràng, chúng ta có thể ngăn một số người hay gây rắc rối chiếm lĩnh cảm xúc của mình. Nếu người gây chuyện đó lại chính là người bạn đời hoặc một thành viên khác trong gia đình, họ xứng đáng có được năng lượng cảm xúc của chúng ta nhiều hơn một tay hàng xóm cáu kỉnh hoặc một đồng nghiệp khó chịu. Nhưng nếu họ là một đốm sáng thi thoảng xuất hiện trên màn hình radar “quan tâm” gây ra sự ồn ào, thì dường như rất khó để chúng ta có thể phớt lờ họ.
Thỉnh thoảng tôi gặp phải vấn đề này trong các cuộc hội thảo. Với khoảng 50 người trong một căn phòng, trong đó 49 người có thể theo kịp nội dung tôi chia sẻ và chỉ có một người là không hiểu được. Có thể người đó thách thức những điều tôi đang nói đơn giản vì họ cố ý không tán thành chứ không phải vì họ thực sự có những câu hỏi. Tôi hiểu mình phải cố gắng “cứu” họ và giúp họ bắt kịp hội thảo. Nhưng nếu tôi dành thời gian trong buổi hội thảo để cố gắng giúp họ thì tôi sẽ lấy mất thời gian của các thành viên khác. Tôi không thể lấy thời gian của những người khác để dành riêng cho người đó, tôi cần dành thời gian lúc nghỉ giải lao để trao đổi riêng với người này.
CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Đức Chúa là ví dụ tuyệt vời cho cách một người biết đặt ưu tiên trong các mối quan hệ. Chúng ta biết Ngài yêu thương con người và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của họ. Nhưng Ngài dành thời gian nhiều hơn cho những người mà Ngài gần gũi nhất và dành ít thời gian hơn cho những người khác. Chúng ta thấy Ngài thuyết giảng cho hàng nghìn người, nhưng Ngài dành nhiều thời gian nhất cho 12 tông đồ. Họ nhận được rất nhiều thời gian và năng lượng từ Ngài.
Trong 12 tông đồ, Đức Chúa dành trọn tâm huyết của Ngài cho ba người. Nhóm nhỏ này tiếp tục theo ý nguyện thay đổi thế giới của Chúa.
Hãy hỏi người đứng đầu bất kỳ tổ chức phi lợi nhuận nào, họ sẽ cho bạn biết thách thức trong việc điều hành một tổ chức lớn là việc kết nối với từng cá nhân riêng lẻ. Họ sẽ trò chuyện với tình nguyện viên và cố gắng xuất hiện khi có thể. Nhưng vì biết thời gian có hạn, nên họ bắt đầu với một nhóm quản lý và trang bị cho họ kiến thức, kỹ năng để nhóm này có thể đáp ứng nhu cầu của các tình nguyện viên. Ngay cả trong số những người quản lý đó cũng sẽ có vài người chủ chốt mà họ kết nối ở mức độ gần gũi hơn. Kết quả là chính những người này sẽ truyền niềm đam mê của họ vào tổ chức.
Vợ tôi và tôi dạy một lớp cho các cặp vợ chồng trẻ tại nhà thờ trong mười một năm. Chúng tôi bắt đầu công việc khi con cái không còn sống chung, có nghĩa là chúng tôi có thể dành năng lượng cho người khác. Chúng tôi đồng hành suốt giai đoạn đầu trong cuộc hôn nhân của họ, chia sẻ niềm vui và thách thức của gia đình đang ngày một lớn. Theo thời gian họ trở thành những người bạn của chúng tôi.
Một thập kỷ sau, ưu tiên của chúng tôi bắt đầu thay đổi. Những thay đổi trong công việc, sự ra đời của đứa cháu và những áp lực mới về thời gian bắt đầu xâm nhập vào danh sách các ưu tiên. Từ bỏ lớp học là một quyết định vô cùng khó khăn bởi lẽ chúng tôi luôn gắn bó với họ. Chúng tôi biết mình chỉ có một lượng thời gian và năng lượng nhất định nên đã quyết định thay đổi.
Goethe – vĩ nhân người Đức, đã viết: “Không bao giờ được để những điều quan trọng nhất lệ thuộc vào những điều ít quan trọng nhất.” Điều đó đúng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống – kể cả các mối quan hệ của chúng ta.
SẮP XẾP HỢP LÝ
Xếp thứ tự ưu tiên trong các mối quan hệ sẽ không giải quyết được mọi vấn đề xảy ra. Điều có thể làm được là sắp xếp đúng mức, đảm bảo mỗi người trong cuộc sống của mình đều nhận được lượng thời gian quan tâm phù hợp:
• Người nào càng quan trọng với chúng ta thì người đó càng nhận được nhiều sự quan tâm.
• Người nào càng ít quan trọng với chúng ta thì người đó càng nhận được ít sự quan tâm.
Hôm qua tôi cố nhoi lên một ngã tư đông đúc. Khi đến điểm dừng, tôi nghe thấy tiếng la hét gần đó. Cách đó mấy làn xe, có người bước ra khỏi xe của anh ta, dậm chân, quay mặt về phía chiếc xe phía sau, và gần như mất hết kiểm soát vì tức giận. Tôi không nhìn được người trong chiếc xe kia xem họ có phản ứng gì hay không, hoặc phản ứng của họ như thế nào. Người đàn ông tức giận kia cứ nhảy lên nhảy xuống, chỉ trỏ, và đặt tay lên ngực chửi thề. Mấy phút sau, đèn giao thông chuyển sang tín hiệu xanh, anh ta bước về xe và lái xe nhanh qua đường.
Tôi không biết liệu anh ta có biết người lái xe kia không. Có thể họ có liên quan, nhưng tôi đoán đó là một người lạ đã làm điều gì đó khiến anh ta bực dọc. Trong phần lớn các trường hợp, khi một người ở trong trạng thái tức giận như vậy, dù có dừng gào thét và bước đi, họ vẫn chưa cảm thấy khá hơn đâu. Có lẽ họ sẽ lái đi như một kẻ điên cuồng mấy dặm nữa, gây nguy hiểm đến tính mạng cho những lái xe khác gần đó. Vẫn chưa hết, về đến nhà họ còn nói cường điệu lên với các thành viên trong gia đình về những gì đã xảy ra.
Chúng ta đâu cần tức giận như vậy với một người hoàn toàn xa lạ. Nhưng những chuyện như thế xảy ra quá thường xuyên khi ta để những người xung quanh đưa ta đến nơi mà ta không muốn đến. Chúng ta cho họ nhiều thời gian và năng lượng hơn mức họ xứng đáng nhận được. Khi chuyện đó xảy ra, nó đã lấy đi thời gian và năng lượng mà đáng lẽ những người quan trọng nên được nhận. Đồng thời, chúng ta tự khiến bản thân hao gầy bởi năng lượng bị bòn rút là của chính mình.
Vậy phải bắt đầu quá trình phân bổ lại thời gian và năng lượng như thế nào?
Hãy nghĩ đến việc này tương tự như khi ta phân bổ tài chính. Bản thân tiền không mang lại giá trị gì, nó chỉ là giấy và mực. Tiền có được giá trị khi chúng ta quyết định làm gì với nó. Nếu đem tiền đến nhà hàng, nó mang giá trị mua thực phẩm. Nếu đem tiền đến rạp hát, nó mang lại giá trị giải trí.
Chúng ta nghe câu: “Thời gian là tiền bạc.” Cũng giống như tiền, bản thân một tiếng đồng hồ không có giá trị, nó chỉ là một đơn vị thời gian mà thôi. Nó có giá trị khi chúng ta quyết định mình sẽ làm gì trong thời gian đó. Nếu tôi dành một tiếng đồng hồ để chơi với con cái, nó sẽ mang lại sự gắn bó trong gia đình. Nếu tôi dành một tiếng đồng hồ tại nơi làm việc, nó sẽ mang lại giá trị khác.
Dù vậy, có một sự khác biệt chủ yếu giữa thời gian và tiền bạc. Chúng ta có thể quyết định không tiêu một khoản tiền mà để ra một khoản để tiết kiệm, hoặc đầu tư. Nhưng chúng ta không thể làm như vậy với thời gian. Chúng ta sử dụng từng phút giây mà mình có. Chúng ta quyết định dùng nó vào việc gì thì đó là giá trị mà nó mang lại. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta không dùng nó cho bất kỳ ai hoặc bất kỳ việc gì khác. Một khi thời gian được sử dụng thì nó sẽ không quay lại được nữa.
Đó là chi phí cơ hội. Chúng ta sẽ sử dụng từng giờ mà mình có. Nếu chúng ta không quyết định dùng nó vào việc gì, thì người khác sẽ quyết định hộ chúng ta.
Hôm nay ai là người xứng đáng nhất được hưởng quỹ thời gian của bạn?