Alison đi tập gym bốn lần một tuần. Cô tham gia một lớp lắc vòng và một lớp yoga. Cô không ăn thịt đỏ, tự trồng rau và uống nước lọc. Cô uống thực phẩm bổ sung và bôi kem chống nắng.
Patrick ăn thịt xông khói bốn lần một tuần. Anh ăn khoai tây chiên trong lúc xem các chương trình thực tế về giảm cân trên truyền hình. Chương trình đẩy tạ của anh bao gồm các bài đứng lên khỏi chỗ ngồi. Anh dùng ngón tay quệt nước sốt trong lọ để ăn. Anh còn lắp cả vòi nước sô-đa trong gara.
Vậy ai sẽ sống lâu hơn?
Alison thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe, nhưng cô có thể bị một lái xe đang nhắn tin đâm vào khi đang đi qua khu vực đậu xe. Patrick bất chấp những vấn đề có thể xảy ra và sống hàng trăm tuổi.
Điều đó có công bằng không? Không. Chẳng có gì đảm bảo trong cuộc đời này. Chúng ta lên kế hoạch cho những điều tồi tệ nhất nhưng lại hy vọng những gì tốt đẹp nhất. Cả Alison và Patrick đều không thể kiểm soát mọi khía cạnh cuộc sống. Thông thường, lựa chọn của chúng ta quyết định kết quả, nhưng kết quả lại không chắc chắn. Thứ duy nhất mà chúng ta kiểm soát được chính là các lựa chọn, không phải kết quả.
PHẢI MẤT BAO LÂU ĐỂ NHỮNG NGƯỜI RẮC RỐI THAY ĐỔI?
Ngay từ đầu, cuốn sách đã khẳng định là chúng ta rất khó để thay đổi người khác. Chúng ta chỉ có thể thay đổi chính bản thân mình. Nếu nghĩ rằng cứ cố gắng, đừng bỏ cuộc rồi họ sẽ thay đổi, thì có lẽ chúng ta sẽ thất vọng. Cách duy nhất có thể tránh để không trở thành nạn nhân là đưa ra những lựa chọn đúng đắn vì những lựa chọn đó là đúng, chứ không phải vì họ có thể thuyết phục người nào đó thay đổi.
Quả thực là khó có thể giữ được động lực khi người khác không chịu thay đổi. Niềm tin của chúng ta sẽ dần cạn kiệt, bể chứa cảm xúc sẽ nhanh chóng bị cạn khô và chúng ta nghĩ: “Khi nào mọi thứ sẽ tốt hơn?”
Không gì có thể đảm bảo. Có thể mọi việc sẽ không thể khá hơn. Có thể họ sẽ không bao giờ thay đổi. Cách duy nhất chúng ta có thể làm cho các mối quan hệ không có rắc rối là tập trung vào chính mình, chứ không phải họ. Chúng ta mới chính là những người có thể thay đổi.
Đưa ra những lựa chọn lành mạnh trong các mối quan hệ không phải là một quyết định một lần rồi kéo dài mãi mãi. Để duy trì được nó, chúng ta cần động lực, cần dựa trên hệ giá trị, nguyên tắc đã đặt ra. Chúng ta phải tiếp tục đưa ra những lựa chọn đó hàng ngày, hết lần này đến lần khác. Zig Ziglar từng nói: “Mọi người thường nói rằng động lực không tồn tại lâu dài. Cả việc không tắm cũng vậy – đó là lý do tại sao bạn nên tắm hàng ngày.”
CÁC MỐI QUAN HỆ KHÔNG ĐI ĐÔI VỚI SỰ ĐẢM BẢO
Erma Bombeck phụ trách chuyên mục hài từng nói: “Hôn nhân không có gì đảm bảo cả. Nếu đó là những gì bạn đang đi tìm thì thà hãy sống với một cục pin xe hơi còn chắc chắn hơn.”
Sự đảm bảo chính là lời hứa về điều gì đó sẽ được thực hiện như mong đợi. Chúng ta mua một chiếc ô tô hoặc một thiết bị và chờ đợi nó sẽ vận hành tốt như những gì đã cam kết trong quảng cáo. Nếu điều đó không xảy ra, nhà sản xuất sẽ sửa hoặc thay thế. Hầu hết mọi người không đưa ra quyết định mua sắm lớn nếu không có những kiểu bảo hành như vậy.
Nếu các mối quan hệ đi kèm với những hình thức đảm bảo thì có phải tuyệt vời không? Trong cuộc sống, vào bất kỳ thời điểm nào cũng có người rắc rối, giá chúng ta có thể gọi đến kho hàng và đổi lấy một người tốt hơn. “Tôi xin lỗi.” Chúng ta sẽ nói: “Cái này không hoạt động. Chúng tôi không để ý. Khi nào tôi có thể mang nó trở lại?”
Tuy nhiên, cuộc sống không diễn ra theo cách đó. Giống như một chiếc xe hơi đã qua sử dụng, các mối quan hệ của chúng ta là “đã rồi”. Khi có chuyện không ổn, chúng ta có thể sửa chữa hoặc né tránh vấn đề. Nhưng cho dù chúng ta làm gì đi nữa, người kia có thể vẫn đau khổ. Việc nhanh chóng từ bỏ diễn ra rất phổ biến khi các mối quan hệ này không đáp ứng được mong đợi, bằng chứng là tỷ lệ ly hôn rất cao. Nhưng nếu muốn có cam kết lâu dài, chúng ta phải tách bạch giữa những thứ có thể thay đổi và những thứ không thể thay đổi.
Chúng ta không thể thay đổi điều gì? Người khác. Chúng ta có thể thay đổi điều gì? Bản thân mình. Chúng ta phải làm gì khi người khác không thay đổi? Chấp nhận (thực tế tình hình) và thích ứng (thay đổi cách chúng ta nghĩ và phản ứng).
Kinh Thánh có nhiều đoạn miêu tả sự cần thiết phải chịu trách nhiệm với bản thân mình chứ không phải chịu trách nhiệm thay cho người khác. Hãy xem một số ví dụ sau được lấy trong chương Romans 14:
“Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc của ông chủ nó.”
“Tại sao ngươi phán xét anh/chị/em của mình? Hoặc tại sao ngươi đối xử với họ với vẻ khinh thường?”
“Một ngày nào đó, mỗi chúng ta sẽ thưa với Đức Chúa về những việc mình đã làm.”
“Hãy dừng ngay việc truyền đi những lời phán xét của mình tới người khác.”
Nguyên tắc rất đơn giản: Chúng ta chỉ có trách nhiệm với những lựa chọn và hành động của chính mình. Chúng ta không chịu trách nhiệm cho lựa chọn của người khác.
VẬY CÔNG VIỆC CỦA TÔI LÀ GÌ?
Nếu có con đang ở tuổi vị thành niên, bạn hẳn đã trải qua tình thế khó xử. Trách nhiệm của chúng ta là hướng dẫn trẻ khi chúng bước vào giai đoạn trưởng thành, và đưa ra các ranh giới để chúng đi đúng hướng. Mục đích là để giúp con trở thành người có trách nhiệm, có khả năng hoạt động độc lập và đưa ra những quyết định khôn ngoan. Càng lớn tuổi, trách nhiệm chuyển giao các lựa chọn của chúng ta cho con trẻ càng nhiều.
Có lần, tôi đi chơi công viên gần nhà. Lúc ngồi bên hồ, tôi quan sát một gia đình vịt đang bơi gần dải đất ven hồ. Bố mẹ vịt bơi cùng một vài chú vịt con trong khi có một chú vịt lại tự bơi theo một hướng khác. Chẳng mấy chốc, mấy con vịt khác vây quanh chú vịt con và đe dọa nó. Chú vịt con bắt đầu hoảng loạn.
Vịt mẹ rời đàn và di chuyển về phía vịt con lạc hướng cho đến khi những chú vịt kia bơi đi. Sau đó vịt mẹ hướng dẫn nhẹ nhàng cho vị con bơi quay về với gia đình.
Khi những con vịt quây quần cùng nhau, vịt mẹ mổ mạnh vịt con tới mức nó bị nhấn chìm hoàn toàn dưới nước. Ngay khi vịt con nhô lên khỏi mặt nước, vịt mẹ tiếp tục làm như vậy. Vịt con gần như không thể ngẩng lên khỏi mặt nước trước khi điều đó lặp lại lần thứ ba.
Sau đó vịt con đã đi cùng gia đình. Đừng có mà lộn xộn với vịt mẹ…
Tại sao vịt mẹ làm vậy? Tôi đoán vịt mẹ đang dạy vịt con về tầm quan trọng của các ranh giới. Trong vòng mấy tháng, chú vịt con đó sẽ lớn và sẽ phải tự lập. Khi đó nó sẽ biết hoặc không biết về các ranh giới. Dù biết hay không thì vịt mẹ sẽ không còn chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của vịt con nữa.
Con cái chúng tôi đều đã trưởng thành. Chúng tôi có tham gia vào cuộc sống của chúng, và luôn ở bên để hỗ trợ (và chỉ bảo nếu cần). Nhưng vì không còn chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của các con, nên chúng tôi chấp nhận một thực tế là có thể bọn trẻ sẽ đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt. Chúng ta đã làm điều tương tự với cha mẹ mình, và họ cho là chúng ta không hiểu chuyện.
Một câu chuyện tuyệt hay trong cuốn Kinh Thánh của Ezekiel3 với các nhân vật chính là người ông, người con trai, và cháu trai. Người ông sống một cuộc đời danh giá, làm mọi việc đúng đắn. Con trai ông sống hoàn toàn ngược lại, làm mọi điều sai trái. Người cháu trai lại đảo ngược mẫu hình và làm mọi việc đúng đắn. Ai chịu trách nhiệm cho ai?
3 Sách Ezekiel, còn được gọi là Lời tiên tri của Ezekiel, một trong những cuốn sách Tiên tri lớn của Kinh Cựu Ước.
Câu chuyện khẳng định rằng mỗi người phải chịu trách nhiệm cho chính hành vi của mình. Con cái không thể bị phạt vì tội lỗi của cha mẹ, cha mẹ cũng không thể bị phạt vì tội lỗi của con cái. Ai làm điều phải sẽ vui hưởng kết quả của điều lành mình làm, kẻ ác phải lãnh hậu quả của điều ác mình gây ra.
Trong cuộc sống điều đó đúng với tất cả mọi người. Chúng ta phải chịu trách nhiệm cho các quyết định của mình, con cái phải chịu trách nhiệm với quyết định của chúng. Hiểu được điều đó là cơ sở để đối phó với những người gây phiền toái. Chúng ta không thể đảm bảo mình có thể uốn nắn họ, nhưng có thể chú trọng vào cách phản ứng của mình. Đôi khi điều đó có nghĩa là phải đối đầu, thiết lập các ranh giới, hoặc tiến hành các bước để bảo vệ chính mình và gia đình mình.
Vấn đề này đưa chúng ta trở lại với một khái niệm đã trình bày ở phần trước của cuốn sách: Hy vọng và kỳ vọng. Khi đặt kỳ vọng người khác thay đổi, chúng ta đang tự đặt mình vào sự thất vọng. Chúng ta kỳ vọng nếu mình làm những việc đúng đắn, cuối cùng họ cũng sẽ thay đổi. Nhưng điều đó không thực tế vì không có gì đảm bảo.
Tốt hơn cả là sống trong sự hy vọng. Nghĩa là làm mọi thứ trong khả năng để thay đổi tình hình, gây ảnh hưởng đến người khác, và hy vọng về những gì tốt đẹp nhất, chấp nhận thực tế là mọi thứ có thể vẫn giữ y nguyên như cũ.
Tôi và vợ tôi có mối quan hệ gần gũi với một cặp vợ chồng trong nhiều năm. Họ thực sự vật lộn trong hôn nhân, và chúng tôi đã bỏ ra nhiều thời gian, năng lượng, các nguồn lực và cả sự quý mến để giúp họ. Trên thực tế chúng tôi không có một chương trình can thiệp cụ thể, ngoại trừ việc cùng họ bước tiếp cuộc hành trình và luôn sát cánh để hỗ trợ khi cần. Cuộc sống của họ lúc thăng, lúc trầm. Đôi lúc, mối quan hệ của họ tiến triển, sau đấy vài tuần lại trục trặc, và chúng tôi không ngừng thắc mắc là liệu họ có thể vượt qua không.
Nếu cứ kỳ vọng họ sẽ thay đổi, thì chúng tôi sẽ tự chuốc lấy đau khổ. Chúng tôi tiếp tục để tâm đến cuộc hôn nhân của họ. Chúng tôi sẽ quý mến họ nếu họ vượt qua được những khó khăn, và vẫn quý mến họ kể cả họ không vượt qua được. Chắc chắn chúng tôi sẽ lấy làm tiếc, nhưng vẫn yêu quý họ.
Với sự kỳ vọng, phải nhận thức rõ một điều là trong các mối quan hệ không có gì đảm bảo cả, hãy luôn lường trước các khả năng có thể xảy ra.
Khi đối phó với những người gây rắc rối, đứng ở phía mình là cách duy nhất để không trở thành nạn nhân cho những lựa chọn của họ. Khi chúng ta làm việc của mình, cùng với sự chính trực, chúng ta sẽ có được sức mạnh để đưa ra những quyết định khôn ngoan, những lựa chọn lành mạnh.
Ai mà biết được? Có thể họ thay đổi, có thể không. Nhưng chắc chắn chúng ta đã thay đổi. Thay đổi chính mình sẽ làm thay đổi mọi thứ.