Ở tuổi 40, Jim dành trọn sự nghiệp của mình cho ngành ngân hàng. Ông nằm lòng “đường đi lối lại” và có thể nói về tài chính ngay cả trong giấc ngủ. Ông thành thạo các kỹ năng và tự tin về khả năng của mình.
Theo thời gian, Jim làm việc cho một số tổ chức tài chính khác nhau. Những tình huống hay, dở ông đều chứng kiến. Nhưng công việc cuối cùng khiến ông gặp khó khăn liên quan đến chuyện tiền bạc. Với vị trí giám đốc điều hành, ông phải chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị công ty. Khi đó, ngân hàng đang chật vật, Jim hiểu sự đóng góp của mình có thể đưa tình hình trở về nền tảng vững chắc.
Vấn đề là ở ông chủ. Các ông chủ có nhiệm vụ loại bỏ các rào cản, giải phóng nhân viên để họ có thể sử dụng những điểm mạnh riêng, thúc đẩy bản thân trở nên vượt trội trong công việc của mình. Nhưng ở đây, chính bản thân người quản lý này lại là rào cản. Ông ấy không lắng nghe những ý tưởng của Jim và quản lý chi li từng chi tiết. Jim bắt đầu cảm thấy mất hết giá trị và trở nên chán nản, mệt mỏi với hoàn cảnh của mình.
Jim biết là không thể để mọi chuyện tiếp diễn như vậy. Tất nhiên, ông có thể lao thẳng vào phòng ông chủ và hét lên: “Tôi không thể chịu được nữa. Ông điên rồi. Tôi bỏ việc.” Nhưng ông biết nếu làm vậy, phản ứng của ông chủ sẽ ngược lại với mong đợi và ông sẽ phải hối tiếc về hậu quả của lựa chọn đó. Thay vào đó, ông tiến hành một quá trình ba bước như đã trình bày ở phần đầu cuốn sách.
Đầu tiên, ông cố gắng thay đổi tình hình. Ông xử lý một cách thận trọng, logic để thay đổi động thái của mối quan hệ. Ông học hỏi kinh nghiệm xử lý tình huống từ những người làm kinh doanh mà ông nể trọng. Ông tập trung vào việc khẳng định khả năng của mình. Nhưng qua thời gian, có vẻ chẳng có gì thay đổi.
Thứ hai, ông tập trung vào thái độ của mình. Nếu tình hình không thay đổi, Jim nhận thấy mình có thể trở thành nạn nhân hoặc một kẻ chiến thắng. Để trở thành nạn nhân thì quá dễ, chỉ cần để cảm xúc bị kiểm soát bởi môi trường mình đang làm việc. Từ đó, ông cảm thấy vô vọng và tách rời khỏi công việc của mình. Nhưng sự quan tâm của bạn bè chính là chất xúc tác cho sự thay đổi. Thay vì trở thành nạn nhân, họ giúp ông nhận ra rằng đây chính là công việc của mình. Ông tập trung vào việc mình phải tận tâm, học hỏi bất kỳ điều gì có thể từ những tình huống xấu. Ông bắt tay tham gia vào mọi hoạt động, nỗ lực cống hiến hết mình. Ông nói: “Bước ngoặt là khi tôi nhớ rằng tôi thực sự đang làm việc vì Chúa, chứ không phải vì những con người này.”
Trong thời gian đó khi mọi thứ không cải thiện, Jim đã thực hiện bước thứ ba: Thay đổi môi trường làm việc. Ông biết rằng nếu tiếp tục duy trì tình trạng đó sẽ không có lợi, vì thế bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới. Trong một nền kinh tế chật hẹp thì việc đó chẳng khác nào một cuộc leo dốc đầy khó khăn. Nhưng với các bước đi nhất quán, ông đã tìm ra những cơ hội khác nhau trong khi vẫn cống hiến 100% thời gian cho công việc hiện tại của mình. Mấy tháng sau, ông tìm được một vị trí trong một lĩnh vực mới.
Kết quả là: Ông đã đổi việc. Nhưng đó không phải là một phản ứng bộc phát. Ông làm theo quy trình ba bước để đảm bảo kết quả tốt nhất:
Bước một, thay đổi tình hình.
Bước hai, thay đổi thái độ bản thân.
Bước ba, thay đổi môi trường.
Jim trưởng thành qua quá trình đó và có được một thái độ tích cực khi rời khỏi người chủ trước của mình.
Tình huống của chúng ta có thể liên quan đến nhiều người khác nhau, nhưng kịch bản thì giống nhau. Dù đó là một ông chủ vô lý, phụ huynh thích can thiệp, cặp vợ chồng khắt khe, những đứa trẻ vô kỷ luật, những người hàng xóm ồn ào, những người bạn vô cảm, hoặc anh chị em ruột luôn cáu gắt, thì những lựa chọn của người khác đang tàn phá cuộc sống của chúng ta.
Đôi lúc chúng ta cảm thấy vô vọng. Chúng ta bị mắc kẹt trong công việc hoặc một mối quan hệ mà chẳng nhìn thấy một lối thoát nào.
“Tôi là bố/mẹ đơn thân, và tôi không thể bỏ công việc của mình được.”
“Bạn đời của tôi là một kẻ ngược đãi, nhưng tôi chẳng có chỗ nào để đi.”
“Em gái khiến tôi phát điên, nhưng bạn lại không thể rời bỏ em gái mình.”
“Cha mẹ tôi luôn can thiệp vào mọi việc tôi làm, nhưng tôi không thể vô lễ với họ được.”
Tất cả những tình huống trên đều liên quan đến những người chúng ta quan tâm. Nếu những người đó là đồng nghiệp thì khi họ có những hành vi tương tự, chúng ta cho rằng những hành động đó chỉ để cho vui. Nhưng một khi họ là người chúng ta quan tâm và chúng ta cảm thấy bị mắc kẹt với họ thì tình hình dường như vô vọng.
Khi căng thẳng leo thang, chúng ta thắc mắc liệu mình còn tiếp tục chấp nhận tình hình này được bao lâu nữa. Mọi thứ bên trong con người chúng ta như muốn chạy trốn và thoát khỏi tình huống.
Vậy, bỏ đi có phải là một việc làm xấu không?
Trong phần lớn các trường hợp, đó sẽ là một việc làm xấu nếu phản ứng tác động ngược trở lại. Nhưng nếu đó là phương sách cuối cùng của một quá trình được cân nhắc thận trọng thì có thể đó là giải pháp hữu hiệu nhất.
TÔI NÊN TỪ BỎ HAY TIẾP TỤC?
Vì mọi tình huống rất khác nhau, chúng ta không thể có một bảng liệt kê danh mục phản ứng phù hợp cho mọi tình huống. Nhìn chung, mọi giải pháp đều phù hợp với một trong ba hành động:
1. Vẫn tiếp tục duy trì tình huống xấu.
2. Ra khỏi tình huống xấu.
3. Tiếp tục ở trong tình huống xấu nhưng có chiến lược thay đổi.
Vẫn tiếp tục duy trì tình huống xấu
Tiếp tục ở trong một tình huống xấu mà không có kế hoạch thay đổi tình huống hoặc phản ứng luôn là một ý tưởng tồi. Bỏ qua các vấn đề mà chúng ta gặp phải sẽ không làm cho chúng biến mất. Chúng ta hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp hơn và người gây rắc rối sẽ thay đổi.
Vâng, điều đó rất có thể xảy ra – nhưng đó là khi trúng sổ số. Chúng ta biết cơ hội thắng gần như không tồn tại, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục mua những tấm vé vì “biết đâu lại trúng”. Có câu ngạn ngữ: “Nếu bạn tiếp tục những gì mình thường làm, bạn sẽ tiếp tục nhận được những gì bạn vẫn thường nhận được.” Nếu bạn muốn có điều gì đó khác biệt, thì bạn phải hành động khác đi.
Tại sao mọi người lại cứ chịu đựng ở trong tình huống xấu? Có thể có một số lý do:
• Họ sợ những gì người gây rắc rối sẽ làm khi họ bỏ việc hoặc kết thúc một mối quan hệ.
• Họ sợ những gì xảy ra với mình nếu họ rút ra khỏi tình huống.
• Họ sợ bị người khác phán xét.
• Họ sợ những điều không xác định.
• Họ luôn là nạn nhân, vì thế họ không biết đến những lối sống khác.
• Họ lắng nghe lời khuyên từ những người bạn có thiện chí đang ra sức điều chỉnh họ.
• Họ sợ xung đột.
• Họ đang ra sức bảo vệ người gây rắc rối đó.
Hầu hết những lý do đó đều chứa đựng nỗi sợ hãi. Điều đó có thể không hợp lý, nhưng mọi người đều có một điểm chuẩn cảm xúc trong bất kỳ tình huống nào. Tại điểm chuẩn đó, sự đau khổ lại dễ chịu hơn cả viễn cảnh của những điều chưa biết.
Đó là lý do tại sao mọi người thường tiếp tục chịu đựng những công việc có ông chủ đối xử tệ bạc: Bởi đó là tất cả những gì họ biết, trong khi thực hiện những bước đi tích cực lại rất rủi ro.
Một trong những lý do nguy hiểm nhất để tiếp tục chịu đựng một tình huống xấu là cố gắng bảo vệ người gây ra rắc rối đó. Chúng ta bỏ qua hành vi của họ vì chúng ta không muốn mọi người nghĩ xấu về họ hoặc vì họ làm bẽ mặt chúng ta. Vấn đề là khi bảo vệ họ, chúng ta che chắn để họ không phải lĩnh những hậu quả tiêu cực từ chính hành vi của mình. Nếu không có hậu quả, họ sẽ không bao giờ có động lực để thay đổi. Có thể họ sẽ xin lỗi và hứa hẹn mọi việc sẽ khác đi, nhưng những lời hứa phải được thực hiện. Sự trung thành mù quáng từ phía chúng ta có thể khiến cho việc chữa trị không thể diễn ra.
Tiếp tục ở trong một tình huống xấu mà không có kế hoạch thay đổi chẳng khác nào liên tục bơm khí vào một chiếc lốp thủng mà không vá nó lại.
Ra khỏi tình huống xấu
Việc từ bỏ là một lựa chọn được tính toán trước, nó là phương sách cuối cùng sau khi tất cả những lựa chọn khác đều không còn tác dụng. Nó có thể liên quan đến bỏ việc, thay đổi nhà thờ hoặc từ bỏ một tình bạn độc hại. Từ bỏ quá nhanh và bốc đồng sẽ giải thoát chúng ta hỏi tình huống khó chịu. Nhưng nếu không giải quyết được các vấn đề, chúng ta sẽ có nguy cơ lặp lại cùng vấn đề trong một mối quan hệ khác.
Mọi vấn đề của mối quan hệ đều liên quan đến sự tương tác giữa hai hoặc nhiều người. Người gây rắc rối có thể là người phạm lỗi trước tiên, nhưng chúng ta cũng cần xét đến phần lỗi của mình – cách chúng ta phản ứng, những điều chúng ta nói, những lựa chọn chúng ta đưa ra. Nếu không nhận ra thực tế là mình cũng là nguyên nhân góp phần vào vấn đề đó, thì chúng ta sẽ mang những phản ứng và thái độ tương tự vào tình huống tiếp theo.
Bạn nói: “Tôi đã thử mọi khả năng để thay đổi tình hình, nhưng mọi thứ vẫn y nguyên. Họ vẫn ‘dở hơi’. Tôi đã cải thiện thái độ và cách phản ứng của mình, nhưng tôi cạn hết đạn dược rồi. Khi nào tôi nên cân nhắc về sự thay đổi?”
Một lần nữa, không có gì là tuyệt đối cả. Nhưng sau đây là năm câu hỏi bạn nên tự đặt ra cho chính mình:
• Tôi không tránh được khả năng trở thành nạn nhân?
• Tôi có thấy bản thân mình thấp kém vì những lựa chọn của người khác không?
• Tôi (hoặc những người mà tôi chịu trách nhiệm) có gặp nguy hiểm không?
• Tôi phải từ bỏ điều gì nếu muốn thoát ra khỏi tình huống?
• Để thoát khỏi tình huống thì tôi phải thực hiện những bước đi nào để giải quyết những câu hỏi này?
Nếu trả lời “Có” cho một trong ba câu hỏi đầu tiên, thì điều đó cũng không nhất thiết là bạn phải thay đổi môi trường. Nhưng khi trả lời thêm ba câu hỏi cuối sẽ cung cấp nền tảng vững chắc để đưa ra một quyết định thận trọng.
Vẫn tiếp tục chịu đựng, nhưng phải có một kế hoạch
Có một sự khác biệt lớn giữa việc tiếp tục chịu đựng một tình huống xấu mà không có kế hoạch và chịu đựng tình huống xấu nhưng có một kế hoạch chu đáo. Phương án thứ nhất chính là điều mơ tưởng, phương án thứ hai cho thấy niềm hy vọng xác thực.
Nếu quyết định trụ lại thì lựa chọn đó không phải vì chúng ta cảm thấy có nghĩa vụ phải “tiếp tục”. Đó là vì chúng ta xác định rằng có (i) giá trị của mối quan hệ đủ quan trọng để phải chúng ta tiếp tục bỏ công sức và (ii) có bằng chứng là người khác sẵn sàng tham gia vào sự thay đổi. Nếu họ không sẵn sàng dành thời gian để cải thiện và tiếp tục hành động như cũ, họ sẽ không thấy được hậu quả, nghĩa là sẽ không có sự thay đổi nào. Chúng ta không muốn bốc đồng từ bỏ một công việc khi không có một việc nào khác đang xếp hàng. Nhưng chúng ta trở thành nạn nhân nếu không có một quá trình cải biến hành động để cải thiện tình hình.
Để lập được một kế hoạch chi tiết cho các mối quan hệ cần phải có sự nỗ lực. Đối với những mối quan hệ bình thường thì không có gì khó. Với một người bạn đời hoặc thành viên gia đình, thì nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia có thể là một nguồn tư vấn giá trị. Trong mọi trường hợp, kế hoạch cần phải được thiết kế với các cách thức xử lý sự tức giận và sự đau khổ khi nó xảy đến, cũng như những chiến lược để đối phó với các vấn đề đau khổ khi chúng nảy sinh. Chúng ta cũng cần có sự phân định rõ giữa ranh giới thể chất và cảm xúc của một người. Robert Frost nói: “Hàng rào tốt tạo láng giềng tốt.” Nếu tiếp tục chịu đựng, chúng ta cần phải có một kế hoạch.
DUY TRÌ SỨC MẠNH
Nếu bạn quyết định tiếp tục chịu đựng một tình huống cần dùng năng lượng để thực hiện điều đó, đây là những gợi ý để tồn tại và phát triển lành mạnh:
• Nghĩ kỹ các lựa chọn có thể. Hãy đảm bảo có kế hoạch sẵn sàng trước khi đưa ra quyết định.
• Xác định những vấn đề không thay đổi được nếu bạn tiếp tục chịu đựng – các ranh giới để giữ cho kế hoạch luôn được tập trung.
• Tìm cách để được là chính mình trong mối quan hệ. Việc giả vờ mình ổn có thể rút kiệt năng lượng của bạn theo thời gian và ngăn cản sự phát triển của mối quan hệ.
• Tất cả đều phải dựa trên sự thật. Sẵn sàng gạt sang bên những nỗi sợ hãi, thành kiến, và lăng kính không chuẩn xác để quan sát mọi thứ theo đúng bản chất của nó. Nhìn vào những thực tế phía sau cảm nhận của bạn.
• Coi quãng thời gian bạn duy trì mối quan hệ như một giai đoạn thử nghiệm mà cả hai đều phải bỏ thời gian xem mình liên quan đến người kia ra sao. Cách làm đó mang lại một cơ hội đánh giá sự tiến triển hoặc đổ vỡ. Nếu mọi thứ không tiến triển, hãy trở lại quá trình ra quyết định tiếp tục chịu đựng hoặc từ bỏ.
• Trở thành một kẻ tử vì đạo không bao giờ có lợi. Đừng đặt danh tiếng của bạn trên nền tảng một mối quan hệ sắp đổ vỡ.
• Hãy làm chủ quyết định của mình. Thừa nhận là không có lựa chọn nào hoàn hảo cả, vì mọi quyết định đều đưa đến những kết quả hay hoặc dở. Thay vì cố gắng đưa ra lựa chọn chuẩn xác, hãy quyết định một lựa chọn khả thi và sau đó làm cho nó đúng đắn.
• Trong một mối quan hệ, hãy để người kia làm chủ ở phía họ. Chúng ta cần phải lo cho phần mình và để họ lo phần của họ. Thay vì cứu nguy cho họ, chúng ta cần để họ tự đưa ra lựa chọn của mình và nhận kết quả cho những lựa chọn đó.
CAM KẾT VỚI MỘT QUYẾT ĐỊNH
Viết xuống tên ba người mà bạn gặp khó khăn nhất trong mối quan hệ với họ và nêu rõ lý do. Xếp thứ tự dựa vào mức độ thách thức của từng mối quan hệ. Nhặt ra mối quan hệ trên cùng và hỏi: Điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra là gì nếu tôi từ bỏ mối quan hệ này? Điều tốt đẹp nhất là gì? Điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra là gì nếu tôi tiếp tục chịu đựng mối quan hệ này? Điều tốt đẹp nhất là gì?
Sau đó gửi câu trả lời cho một người bạn mà bạn tin tưởng, có cái nhìn khách quan xem danh sách câu trả lời của bạn có đang được nhìn nhận mọi thứ rõ nét hay lăng kính của bạn đang bị méo mó.
Không có câu trả lời dễ dàng nào cả, nhưng hãy xem xét các mối quan hệ của chúng ta với một cái nhìn toàn diện để có thể đánh giá và đưa ra những quyết định khôn ngoan.
Tiếp tục chịu đựng trong một mối quan hệ độc hại mà không có một kế hoạch sẽ là một lựa chọn nguy hiểm. Do dự trong việc ra quyết định cũng không phải một lựa chọn khả quan. Có thể chúng ta chọn cách từ bỏ, hoặc có thể chúng ta chọn tiếp tục duy trì. Cứ duy trì tình trạng nước đôi sẽ là một công thức cho thảm họa.