Người ta nói rằng bạn có thể nhìn một đứa trẻ 6 tuổi và tiên đoán nó sẽ trở thành người thế nào khi trưởng thành. Chúng sẽ phát triển và trưởng thành theo thời gian, nhưng tính khí cơ bản của chúng thì đã được định hình. Nếu khi 6 tuổi mà chúng trầm tính, thì đến 16 tuổi có thể chúng sẽ trầm ngâm và sâu sắc trong các mối quan hệ. Nếu chúng có tính hướng ngoại, rất có thể sau này chúng sẽ là người điều phối bữa tiệc nướng trong khu phố. Nếu chúng thích ra lệnh và chi tiết, chiếc xe ô tô của chúng sẽ luôn được phủ lớp tráng bóng và mọi đồ đạc trong nhà luôn được sắp xếp đúng vị trí.
Điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng kết quả luôn là như vậy. Nếu quan sát thấy nét độc đáo của những đứa trẻ, chúng ta có thể bám vào những đặc điểm đó khi chúng lớn lên. Nếu chúng ta cố gắng thay đổi chúng và ép chúng trở thành người vốn không đúng với bản tính của chúng, nghĩa là chúng ta đang để bọn trẻ (và chúng ta) tiến tới sự thất vọng.
Aaron lo lắng con trai mình có vẻ sống nội tâm và muốn giúp cậu bé sống hướng ngoại hơn. Vì thế anh cố ép con trai đối phó với các tình huống theo cách hướng ngoại hơn. Anh có ý tốt, nhưng con trai lại cảm thấy khó chịu trong những tình huống như vậy và cho rằng có điều gì đó không ổn với cậu bé và điều đó cần được điều chỉnh.
Dạy kỹ năng xã hội là cần thiết, với điều kiện chúng ta phải quan sát và tuân theo cấu trúc cơ bản của hệ thần kinh đứa trẻ. Một người sống nội tâm không bao giờ trở thành một người hướng ngoại và ngược lại. Thay vào đó, họ sẽ học cách trở thành người sống hướng nội hoặc một người sống hướng ngoại tốt nhất có thể, tận dụng những mặt mạnh và những khả năng của riêng mình.
Cháu gái tôi sáu tuổi, Averie, ngủ qua đêm ở nhà chúng tôi theo thường lệ. Thói quen của cô bé lúc nào cũng như nhau: bước vào cửa, đi thẳng vào phòng đặt ba lô xuống, sắp xếp quần áo cho ngày hôm sau, đặt các món đồ chơi theo thứ tự mình muốn, và đảm bảo mọi thứ được gọn gàng. Những việc đó chỉ diễn ra trong vòng hai phút. Sắp đặt mọi thứ có tổ chức rồi cô bé mới thoải mái ra ngoài chơi.
Có thể một số người sẽ nghĩ cô bé thật đáng lo và bố mẹ cô bé có thể ép con bớt nghiêm trọng đi vì sợ cô bé sẽ đi đến hành vi thái quá. Nhưng đó là bởi họ nhìn cô bé qua lăng kính của họ và đặt kỳ vọng của mình lên cô bé.
Chúng ta có làm như vậy với người khác không? Ai trong chúng ta cũng đều phải sống với những người gây rắc rối trong cuộc đời và thấy việc họ hủy hoại cuộc sống của chúng ta như thế nào. Chúng ta cho rằng họ cần phải thay đổi. Nhưng ngay cả khi chúng ta khó chịu với những hành vi của họ, thì sự thoải mái đến khi chúng ta chấp nhận kiểu hành vi, nếu không đến mức tệ, của họ thay vì cố gắng làm cho họ giống mình.
NGUỒN GỐC CỦA RẮC RỐI
Hãy hỏi một nhóm trẻ mầm non bất kỳ: “Trong số các cháu có bao nhiêu bạn là nghệ sĩ?” Mọi cánh tay đều giơ lên. Đặt câu hỏi tương tự cho học sinh lớp tám và bạn sẽ thấy một phần ba cánh tay giơ lên. Hỏi một nhóm người lớn câu hỏi tương tự, bạn sẽ chỉ thấy một hoặc hai cánh tay.
Điều gì xảy ra giữa trẻ mầm mon và người lớn? Một người nào đó đã thay lăng kính của những đứa trẻ. Có thể cô bé đã vẽ một bức tranh và một người lớn có thiện chí nói: “Đây này, để cô chỉ cho cháu cách vẽ đẹp hơn.” Vì vậy cô bé nghĩ: “Rốt cuộc cháu nghĩ cháu không phải là một họa sĩ. Chỉ người lớn mới có thể vẽ.” Trẻ em không có nguồn lực sẵn có trong mình để đặt câu hỏi với người lớn, vì vậy chúng hình thành giá trị dựa trên những quan điểm của người khác. Nhiều năm sau, chúng vẫn tin vào những quan điểm đó.
Hầu hết mọi người đều nhớ tên sách Ông già gắt gỏng, ngay cả khi họ chưa bao giờ xem phim. Đó là một cách mô tả mà chúng ta dễ dàng nhận ra vì chúng ta đều biết những người già có vẻ cay đắng bởi những gì cuộc sống mang tới. Họ làm mọi việc nhàm chán theo thói quen và tức giận với quá khứ. Họ càng cần tình cảm của người khác bao nhiêu thì tính gắt gỏng lại càng đẩy những người muốn đến gần họ ra xa hơn.
Chúng ta đưa ra những lựa chọn trong đời để quyết định con người mình hiện tại. Đôi khi những lựa chọn ban đầu đã được đưa ra sẵn cho chúng ta, chẳng hạn như từ bỏ những nỗ lực... Dù tốt hay xấu thì những lựa chọn đó quyết định chúng ta đang nhìn cuộc đời qua lăng kính tích cực hay tiêu cực. Nếu chúng ta nghĩ cuộc sống thật cực khổ, thì có lẽ liên quan nhiều đến lăng kính của chúng ta chứ không phải thực tế.
Đối với những lăng kính tiêu cực, chúng ta luôn nghi ngờ. Khi một người nào đó nói hoặc làm điều gì, chúng ta luôn tìm kiếm ý tứ đằng sau của họ. Chúng ta cho rằng họ đang cố ý đảo lộn cuộc sống của mình.
Đó là tin xấu: Những lăng kính đó quyết định cách chúng ta nhìn nhận thế giới, quyết định cảm nhận của chúng ta. Tuy nhiên, có những người làm những việc điên rồ, và chúng ta cảm thấy như thể họ đang hủy hoại cuộc sống của mình. Nhưng người khác có thể nhìn một hành vi tương tự và không cá nhân hóa vấn đề.
Đây là tin tốt: Chúng ta không cần phải sống như những nạn nhân. Chúng ta có thể thay đổi lăng kính của mình và nghĩ khác đi. Các mối quan hệ của chúng ta có thể khác đi. Vẫn còn hy vọng.
LĂNG KÍNH MỚI DÀNH CHO CÁC MỐI QUAN HỆ
Không quan trọng là cảm xúc của chúng ta bị những người gây rắc rối nắm giữ trong bao lâu. Chúng ta có thể lựa chọn cách sống khác đi. Có thể người khác đã làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục sống dưới sự kiểm soát của người khác trong tương lai, đó là lỗi của chúng ta. Chúng ta hoàn toàn có khả năng đưa ra những lựa chọn khác.
Nghe có vẻ không thực tế? Nhưng mô hình mà người khác đặt vào tâm trí chúng ta càng vững chắc thì chúng ta càng cảm thấy nhiệm vụ thay đổi điều đó càng khó khăn hơn. Nhưng vẫn có khả năng thay đổi được. Cách nhìn nhận mà chúng ta có trong nhiều năm có thể cần góc nhìn khách quan của một nhà trị liệu hoặc một cố vấn được đào tạo. Chỉ cần chúng ta muốn bắt đầu cuộc hành trình, hy vọng luôn còn đó.
Hiệu sách nơi bạn sống có thể có nhiều sách chứa những lời khuyên để vượt qua các mối quan hệ với người khó ưa. Nhưng nếu chúng ta nhìn bằng lăng kính tiêu cực, tiêu tan hy vọng và không nắm giữ các lựa chọn của mình, thì những lời khuyên sẽ không phát huy hiệu quả. Mọi thứ phải bắt đầu từ bên trong chúng ta. Nếu muốn mối quan hệ của mình thay đổi, bản thân chúng ta phải thay đổi.
Điều đó không có nghĩa là dằn vặt bản thân, bỏ qua mọi thứ và bảo rằng người kia đúng và mình sai. Như thế không thực tế. Nó có nghĩa là chúng ta phải nhìn vào trong trước và trở thành kiểu người mà chúng ta cần trở thành, đảm bảo chúng ta nhìn mọi việc bằng lăng kính đúng đắn. Từ cơ sở đó, chúng ta sẽ có sức mạnh bên trong để kiểm soát người hay gây rắc rối.
Hãy nghĩ đến những lợi ích có được khi chúng ta có cách nhìn nhận tích cực về cuộc sống:
• Mọi người sẽ thích chúng ta hơn. Không ai lại bị lôi cuốn bởi một người gắt gỏng, tiêu cực.
• Chúng ta yêu bản thân hơn. Chúng ta thức dậy mỗi buổi sáng cùng với một cảm giác háo hức, biết rằng chúng ta có thể xử lý sự rắc rối chắc chắn sẽ xảy ra trong ngày.
• Cảm xúc của chúng ta thực tế hơn. Mọi người sẽ vẫn làm chúng ta nổi khùng, nhưng chúng ta đã có sẵn nguồn lực bên trong để sẵn sàng xử lý.
• Chúng ta có cách nhìn nhận. Sẽ dễ dàng hơn để sắp xếp mọi thứ xảy ra, quyết định điều gì xứng đáng để chúng ta dồn năng lượng cảm xúc và điều gì nên vứt bỏ.
• Chúng ta sẽ không sống như nạn nhân của người khác và hoàn cảnh bên ngoài. Chúng ta sẽ lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống của mình, vốn đã đưa cho người khác.
MƯỜI HAI LỜI KHUYÊN ĐỂ CÓ MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH
Hãy cùng xem lại một số khái niệm liên quan trong việc thiết lập nền tảng cho một mối quan hệ mới:
1. Biết tách biệt hành vi khó ưa với những đặc tính còn lại trong con người họ
Ai cũng có xu hướng làm những việc có thể bị cho là điên rồ, kể cả chúng ta. Nhưng bản chất chúng ta không chỉ có thế. Chúng ta có những đặc điểm tốt lẫn những điểm xấu, và chúng ta đang trong quá trình xử lý chúng. Nếu muốn đối phó hiệu quả thì điều quan trọng là phải nhìn nhận người kia một cách chính xác.
2. Hãy thừa nhận sự thay đổi luôn khả thi
Không mối quan hệ nào là vô vọng, và sự thay đổi luôn có thể. Điều đó đúng với chúng ta, và cũng đúng với những người hay gây chuyện.
3. Đừng chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của người khác
Chúng ta có thể cố gắng gây ảnh hưởng đến họ, nhưng chúng ta không thể ép họ thay đổi. Đó là việc của họ, và nếu cứ cố cứu vãn và nhận trách nhiệm cho công việc của họ là đang làm hại họ.
4. Đừng đặt kỳ vọng lên người khác
Chúng ta không thể phụ thuộc vào những gì người khác làm, bởi vì họ có thể làm một điều gì đó hoàn toàn khác. Kỳ vọng có thể dẫn đến sự thất vọng.
5. Nên nhớ rằng không có bất kỳ sự đảm bảo nào cả
Dù có tập trung bao nhiêu năng lượng và sự cam kết vào người khác cũng không thể đảm bảo rằng sẽ có một cái kết vui vẻ. Chúng ta chỉ có thể đưa ra quyết định cho hạnh phúc và lựa chọn của chính mình, bất kể chuyện gì xảy ra với người kia. Chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy đau khổ vì những lựa chọn tồi của họ, nhưng sự đau khổ đó sẽ không định nghĩa con người chúng ta.
6. Hãy thừa nhận là không thể thay đổi quá khứ, bạn có thể thay đổi cách đối phó với nó
Quá khứ đã qua. Bất kể kết quả của những lựa chọn đau khổ chừng nào, chúng đều ở phía sau. Một khi chấp nhận thực tế những lựa chọn đó thay vì đắm mình trong đau khổ, chúng ta trở nên thoải mái hơn để đi tới tương lai.
7. Hãy tin rằng luôn có hy vọng cho tương lai
Sự thay đổi luôn luôn là có thể. Khi chúng ta nhìn mọi sự việc bằng lăng kính mới, điều đó có thể dẫn dắt chúng ta đến với một tương lai hoàn toàn mới mẻ. Nó có thể bao hàm cả sự thay đổi của người khác, nhưng cũng có thể không. Chúng ta có thể là những người duy nhất phải thay đổi, và cách nhìn mới sẽ đưa chúng ta đi theo những hướng mới.
8. Bạn không là nạn nhân
Ngay cả khi đã nhiều năm bị kiểm soát bởi những lựa chọn của người khác, chúng ta có thể học những cách nghĩ mới để kiểm soát cuộc sống của mình – bất kể người khác làm gì.
9. Thay đổi cần có thời gian
Tương tự như câu chuyện rùa và thỏ, đức tính bền bỉ quan trọng hơn cả sự lanh lợi khi liên quan đến nỗ lực sửa đổi một con người. Hàn gắn mối quan hệ không thể vội vàng và kết quả thực sự xuất phát từ sự cam kết lâu dài.
10. Không có phần thưởng nào mà không có rủi ro
Bất cứ khi nào chúng ta cố thử một cách tiếp cận mới với các mối quan hệ rắc rối, chúng ta không biết được kết quả sẽ ra sao. Nhưng đón nhận những rủi ro đó là cách duy nhất để phá bỏ rào cản đã ngự trị từ lâu. Tầm nhìn từ trên đỉnh núi chỉ đến với những người dám chấp nhận rủi ro leo núi.
11. Sự chuẩn bị mang lại giá trị tuyệt vời
Mối quan hệ càng phức tạp, thì việc lên kế hoạch trước cho mỗi sự kết nối càng quan trọng hơn. Nếu chúng ta suy nghĩ thận trọng về mỗi cuộc trò chuyện trước khi nó diễn ra, chúng ta sẽ không dễ dàng bị kiểm soát.
12. Chọn cách phản ứng thay vì chỉ cảm nhận
Mọi người làm những việc xấu, nói những lời cay nghiệt, và đưa ra những lời buộc tội làm chúng ta tan nát. Chúng ta là con người, vì vậy chúng ta sẽ có những phản ứng mang tính cảm xúc trước những sự kiện đó. Điều quan trọng là phải tạm dừng lại, để ý đến những cảm xúc đó và sau đó chọn cách trả lời thích hợp. Khoảnh khắc ngắn ngủi đó cho phép chúng ta lái cảm xúc của mình, hướng chúng vào những phản ứng tích cực nhất.
NHẬN SỰ TRỢ GIÚP CHUYÊN NGHIỆP
Các nguyên tắc trình bày trong cuốn sách này không phải khoa học tên lửa. Đó chỉ là lẽ thường và được đúc kết thông qua tương tác của tôi với mọi người và các vấn đề của họ suốt 30 năm qua. Nói đơn giản, các nguyên tắc hiệu quả vì chúng dựa trên sự thật, đặc biệt là sự thật Đức Chúa đã miêu tả trong Kinh Thánh.
Kinh Thánh không phải là cuốn sách về tôn giáo, mà là cuốn sách về các mối quan hệ. Kinh Thánh không phải một bộ sưu tập những điều nên làm và không nên làm, mà hơn thế nó đưa ra những hướng dẫn cho cuộc sống thường nhật. Sách nói về các mối quan hệ thì rất nhiều, nhưng tôi chưa thấy cuốn nào đưa ra được những lời khuyên thực tế như trong Kinh Thánh. Vì Đức Chúa tạo ra các mối quan hệ nên khi có điều gì không ổn thì việc đọc sách hướng dẫn của chính người soạn ra nó là hoàn toàn hợp lý.
Đó là lý do tại sao chúng ta luôn có thể hy vọng vào các mối quan hệ. Bất kể người kia phiền toái tới mức nào, Chúa không bao giờ từ bỏ họ. Chúa luôn quan tâm sâu sắc đến chúng ta, và Người làm việc liên tục để tác động đến sự thay đổi trong cuộc sống của những con người này. Khi chúng ta không thể làm bất cứ điều gì và cảm thấy vô vọng, Chúa sẽ luôn ở bên. Chúng ta có thể cũng rắc rối như những người “khùng” kia trong mắt Người, nhưng Đức Chúa không hề từ bỏ chúng ta. Tìm hiểu cách Chúa che chở chúng ta, bạn sẽ hiểu những điều chúng ta nên làm với người khác.
Hãy đọc Kinh Thánh và đọc châm ngôn về cuộc sống. Viết ra mọi nguyên tắc bạn tìm thấy về các mối quan hệ và thử áp dụng chúng. Bạn sẽ học được cách giải quyết các mối quan hệ từ cuốn sách đó nhiều hơn bất kỳ nguồn tư liệu nào khác.
CHỌN THAY ĐỔI
Jason và Jenny luôn nghe nói rằng khi tham gia một nhóm nhỏ thể nào cũng sẽ có kẻ khó ưa trong đó. Họ có xu hướng mang rắc rối đến mọi nhóm mà họ góp mặt. Vì thế Jason và Jenny đã rất ngạc nhiên khi họ lập một nhóm học Kinh Thánh gồm có năm cặp vợ chồng và không ai trong số họ rắc rối. Sau đó họ thừa nhận: “Mọi người trong nhóm đều bình thường – chỉ còn lại chúng tôi. Chúng tôi mới chính là những người ‘rắc rối’.”
“Họ ở khắp mọi nơi!” bạn nói. “Tôi bị vây quanh bởi những người ‘khùng’!” Mọi người thường cảm thấy như vậy, đúng không? Khi có cảm nhận như vậy, chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu cách để tránh rắc rối hoặc thay đổi họ. Có thể việc đó hiệu quả trong chốc lát, nhưng về lâu dài thì không.
Để mang lại kết quả lâu dài, nơi bắt đầu phải là bản thân chúng ta. Chúng ta có thể bắt đầu cuộc hành trình hàn gắn các mối quan hệ “dở hơi” nhất. Có thể người khác vẫn là kẻ khó ưa, nhưng chúng ta sẽ có các công cụ nhằm kiểm soát mọi thứ để chúng không làm ta phát điên.
Hãy bắt đầu với những bước đi nhỏ nhất, không phải với mong muốn thay đổi tất cả mọi thứ. Vậy điều gì chúng ta có thể thực hiện trong tuần này để khởi động cả quá trình?
Chúng ta có một lựa chọn. Chúng ta có thể giữ mọi thứ như nó vốn có, hoặc chúng ta có thể bắt đầu cuộc hành trình làm cho mọi thứ trở nên tốt hơn. Có thể người kia sẽ thay đổi, có thể chúng ta sẽ thay đổi. Hoặc có thể cả hai đều sẽ thay đổi. Nếu đưa ra những lựa chọn mới thì luôn luôn có hy vọng.
Không ai có thể khiến cuộc sống của ta trở nên rắc rối nếu ta không cho họ cơ hội.
Hãy hoàn thiện chính bản thân mình ngay từ hôm nay và làm chủ cuộc đời mình nhé!