Bất cứ khi nào tôi đi du lịch và mọi người biết được tôi sống ở miền Nam California, họ thường hỏi: “Làm thế nào bạn có thể sống ở một nơi hay xảy ra động đất?” Họ kinh hãi khi nghĩ đến mặt đất rung chuyển bởi vì chưa bao giờ trải qua cảm giác đó.
Câu trả lời của tôi là: “Tôi thà chịu động đất còn hơn những thảm họa thiên nhiên khác. Đối với lốc xoáy và bão, bạn có thể biết hàng giờ trước khi chúng đến, vì vậy bạn liên tục sợ hãi và tự hỏi khi nào thì chúng hoành hành. Với động đất, bạn không có một chút khái niệm nào là nó đang đến cho tới khi nó xuất hiện. Vào thời điểm bạn phát hiện ra nó thì có thể nó đã đi qua. Nếu bạn vẫn còn sống, bạn ổn rồi. Có thể bạn phải chịu một số thiệt hại, nhưng bạn có thể bắt đầu dọn dẹp.”
Tôi nghĩ những mối quan hệ độc hại cũng tương tự như vậy. Bạn có thể đi sát mép ranh giới trong một thời gian dài và rồi đột nhiên, người gây rắc rối “tấn công”. Họ nói hoặc làm việc gì đó mà bạn không hề mong đợi, và cuối cùng bạn còn lại với một núi những mảnh vụn cảm xúc. Bạn đã sống sót, nhưng bạn phải lượm các mảnh vụn đó.
Biết như thế, nhưng chúng ta chuẩn bị gì cho những trận động đất cảm xúc? Chúng ta không thể ngăn nó xảy ra, nhưng có thể chuẩn bị từ trước, do đó biết mình phải làm gì khi bị tấn công.
Khi một trận động đất đổ bộ vào California, bạn có thể đi vào bất kỳ cửa hàng trực tuyến nào vào một giờ sau đó và tìm thấy những thứ trưng bày mới tinh của bộ công cụ “ứng phó động đất.” Họ bán đắt như tôm tươi bởi vì mọi người vừa mới nhận ra là mình chẳng có gì để chuẩn bị ứng phó. Nếu trận động đất lớn hơn, họ có lẽ đã sẵn sàng với mức độ thiệt hại hoặc mất mát những đồ tiện ích hoặc các dịch vụ cơ bản.
Bộ dụng cụ ứng phó với động đất gồm vật dụng thiết yếu để bạn sống sót qua một số ngày nếu bạn bị cô lập và không có sự trợ giúp nào: nước, thực phẩm, đồ mở nắp hộp, bộ đồ dùng, các dụng cụ sơ cứu, các vật dụng vệ sinh cá nhân, chăn… Thông thường khi có động đất xảy ra thì mọi người mới đi mua những thứ này và được nhắc chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó động đất.
DANH SÁCH CÁC MẶT HÀNG THIẾT YẾU
Trong cuốn sách này, chúng ta đã nói đến việc chờ đợi người khác thay đổi là điều vô ích. Sự đảm bảo duy nhất mà chúng ta có trong các mối quan hệ là thay đổi chính mình. Hãy trở thành kiểu người có thể xử lý những hỗn loạn mà người khác mang đến cuộc sống của chúng ta.
Biết mọi người sẽ mang đến những tình huống rắc rối không báo trước, nên chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng. Cũng giống với động đất, chúng ta không biết khi nào tình huống xảy ra, nhưng tin là nó sẽ xảy ra. Thay vì chờ đến khi nó thực sự xảy ra, hãy chủ động chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng.
Chúng ta cần có gì trong bộ dụng cụ sinh tồn của mối quan hệ? Sau đây là một số yếu tố cơ bản:
Có tầm nhìn
Jerry bị cuốn theo công việc. Một số người gọi anh là người tham công tiếc việc, nhưng anh ấy nghĩ mình chỉ đang thực hiện theo tiêu chuẩn xuất sắc. Anh đến phòng làm việc rất sớm, mang việc về nhà làm đêm và liên tục kiểm tra điện thoại thông minh vào cuối tuần để giữ liên lạc. Gia đình anh hiểu rằng anh phải ở lại làm việc đêm và cuối tuần, nhưng họ cũng mong là anh phải đảm bảo cả về mặt tinh thần và cảm xúc.
“Đó chỉ là một phần của công việc.” Anh nói. “Tôi ghét thời gian và áp lực mà nó lấy đi, nhưng đó là cách duy nhất để đứng vị trí đầu bảng.”
Thật không may, lối sống đó đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của anh. Jerry đồng ý nhận sự giúp đỡ tư vấn hôn nhân khi anh nhìn thấy những thiệt hại đang xảy ra với những mối quan hệ gần gũi nhất với mình, và anh thành thật muốn được giúp đỡ. Nhưng anh không nhìn thấy có bất kỳ cách nào để thoát ra khỏi tình hình công việc.
Sau một số cuộc trò chuyện với chuyên gia, Jerry bắt đầu nhìn thấy lý do mà anh có góc nhìn hiện tại. Khi còn là một cậu bé, anh muốn làm hài lòng người cha độc đoán của mình. Lần duy nhất mà anh nhận được lời khen của bố là khi anh làm việc năng suất và hoàn thành việc gì đó. Bất cứ khi nào thấy anh nghỉ ngơi một chút, bố lại nói anh lười và anh đang dùng hết chỗ ôxy mà đáng lẽ nên dành cho một người làm việc chăm chỉ sử dụng.
Mặc dù người cha đã ra đi hơn 20 năm, nhưng Jerry vẫn đang cố gắng làm hài lòng cha mình bằng hiệu suất công việc. Anh chưa bao giờ được trải qua tình yêu vô điều kiện mà cha dành cho mình.
Khi nhìn nhận trung thực bản thân, hầu hết chúng ta đều khám phá ra rằng có những lý do đằng sau về việc tại sao chúng ta lại làm những gì mình đang làm. Chúng ta hiểu người khác qua lăng kính mà chúng ta đã thiết lập và tự hỏi tại sao họ không có gì thay đổi. Những người mang đến rắc rối có vẻ chính là vấn đề trong cuộc sống của chúng ta, và ta cảm thấy nỗi khổ của mình là do hành vi của họ gây ra.
Đã đến lúc phải điều chỉnh những lăng kính đó. Cách nhìn nhận của chúng ta thể hiện qua lăng kính chúng ta nhìn. Nếu góc nhìn sai, thì mối quan hệ của chúng ta sẽ không tiến triển.
Chúng ta cần người khác
Những cuốn sách tự lực thường khuyên chúng ta cố gắng giải quyết những vấn đề của mình mà không viện tới sự trợ giúp của người khác. Khi gặp vấn đề chúng ta không biết giải quyết ra sao, nhưng sau đó lại cố gắng tự giải quyết (làm theo những gợi ý trong sách).
Tuy nhiên chúng ta vẫn cần sự tương tác của con người. Khi bị cuốn vào những hỗn loạn cảm xúc của cuộc sống, chúng ta cần một người khác thách thức quan điểm của chúng ta, đưa ra cái nhìn sâu sắc, và đồng thời đặt ra những câu hỏi thích đáng.
Nhiều khi mọi người kết nối với người khác chỉ vì mục đích duy nhất là phàn nàn về những người khó ưa, hy vọng nhận được sự đồng cảm về mặt cảm xúc. Tuy nhiên, đó không phải là cách để giải quyết vấn đề, nó đơn giản là buôn chuyện. Có một câu châm ngôn: “Hai cái đầu bao giờ cũng hơn một cái đầu”. Chụm nhiều cái đầu lại với nhau trước một tình huống giúp cho tư duy của chúng ta được sáng suốt.
Nỗi đau thầm kín có thể cần nhiều sự hỗ trợ hơn. Khi tác động của những kẻ khó ưa trở nên quá lớn, đó là dấu hiệu cho biết đến lúc bạn cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Đến gặp chuyên gia tâm lý hoặc nhà trị liệu để sắp xếp những vấn đề hóc búa, nó cũng giống như đến gặp thợ sửa chữa lành nghề giúp sửa chiếc xe ô tô. Họ là những chuyên gia đã qua quá trình đào tạo và có nhiều kinh nghiệm. Họ có thể chẩn đoán và điều trị các vấn đề mà chúng ta không nhận ra.
Thiết lập ranh giới
Khi mọi người cố gắng điều khiển chúng ta, chúng ta cần biết cách đối phó, tỉnh táo nhìn nhận mọi thứ. Trong chốc lát, chúng ta vẫn cảm nhận được cảm xúc, nhưng sẽ nhanh chóng nhận ra những chiến thuật của họ. Ranh giới giống như những hàng rào, khi đặt đúng vị trí, nó giúp ngăn cản những kẻ xâm nhập muốn xâm chiếm sự tỉnh táo của chúng ta.
Ranh giới là những quyết định mà chúng ta đưa ra để bảo vệ cảm xúc của mình. Khi một người vượt qua ranh giới, chúng ta không cần phải buồn bã. Hãy bám vào những gì đã đặt ra. Người kia có thể trở nên tức giận và cố gắng kiểm soát chúng ta, nhưng hãy cứ bình tĩnh đi theo ranh giới.
Jill rất yêu thương chồng cô – John, nhưng mẹ cô luôn tìm ra lỗi của anh trong những cuộc trò chuyện giữa anh với Jill. Có thể nhiều điều bà nói là sự thật, nhưng Jill có cảm giác ngày càng tiêu cực về John sau những lần nói chuyện đó. Cô nhận ra những thông tin từ mẹ đang đầu độc thái độ của cô với chồng.
Vì vậy, cô đặt ra ranh giới, quyết định mình sẽ không nghe những gì tiêu cực về John. Lần sau khi mẹ bắt đầu đề cập những quan tâm của bà, Jill nói: “Mẹ ạ, mẹ biết là con thực sự yêu John và tin tưởng anh ấy. Khi mẹ nói toàn những chuyện không hay về John, con nhận ra nó không tốt cho con, nó làm con rối tung lên. Như thế là không công bằng cho John, vì đáng lẽ mẹ phải nói với anh ấy về những điều mẹ quan tâm, chứ không phải là con. Vì vậy, từ nay trở đi con muốn mẹ nói những chuyện đó với John, đừng nói với con nữa.”
Nếu mẹ cô nói: “Mẹ không thể nói với nó những chuyện đó.” Jill có thể dùng ranh giới của mình: “Con rất tiếc là mẹ lại có cảm giác như vậy, nhưng đó là chuyện giữa mẹ và anh ấy.”
Nếu mẹ cô nói: “Thật nực cười. Mẹ chỉ đang cố giúp con.” Jill có thể nói: “Con xin lỗi, nhưng thực sự con không thể chịu thêm những cuộc trò chuyện như vậy nữa.”
Nếu mẹ cô dùng cảm giác tội lỗi và nói: “Ồ, nếu con không muốn nói chuyện với mẹ, mẹ sẽ không gọi cho con nữa.” Jill có thể trả lời: “Con xin lỗi là mẹ đã cảm thấy như vậy, và con sẽ bỏ lỡ những cuộc trò chuyện của chúng ta. Chúng ta có rất nhiều thứ khác có thể nói, nhưng con chỉ không muốn nghe về John nữa.”
Đó là giá trị của việc lên kế hoạch trước. Chúng ta có thể trả lời mà không xen lẫn cảm xúc nếu chúng ta biết những giới hạn của mình. Ngay cả khi người kia buồn bã hoặc cố gắng kiểm soát chúng ta thì chỉ cần lặp đi lặp lại ranh giới của mình. Không cần phải giải thích hoặc biện minh gì cả. Chúng ta chỉ cần bám lấy những ranh giới đó. Các ranh giới trở thành một công cụ giúp chúng ta hình thành nên hình hài cho những mối quan hệ hiệu quả.
Chúng ta cần những mẫu hình
Nhiều người lớn lên mà không có các mối quan hệ lành mạnh. Các mẫu hình của họ thể hiện sai cách kết nối với người khác, và đó là cách duy nhất mà họ biết làm thế nào để kết nối. Họ thường là những người cảm thấy mình cần phải điều chỉnh những người xung quanh, và họ đặt giá trị bản thân vào những điều người khác nói hoặc làm. Họ không học cách để người khác chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của người đó.
Bố mẹ vợ tôi đã thực hiện việc để người khác chịu trách nhiệm cho những hành động của họ một cách thành thục. Nhìn lại những năm tháng mới kết hôn, Diane và tôi đã đưa ra một số lựa chọn điên rồ. Ở thời điểm đó chúng tôi nghĩ đó là những lựa chọn tốt, nhưng sau đó chúng tôi đã nhận ra mình thật ngốc. Chúng tôi đã trải qua và mắc phải nhiều sai lầm trên đường đời.
Đó là những sai lầm của chúng tôi. Cha mẹ của Diane đã trò chuyện riêng tư về những điều điên rồ mà lúc đó chúng tôi đang làm, và tôi chắc chắn là họ muốn nhảy vào và bảo chúng tôi rằng các con đang làm sai. Tuy nhiên, họ không can thiệp gì. Đôi khi, họ thể hiện những điều họ quan tâm dưới dạng câu hỏi (“Con có nghĩ về điều này không?”) nhưng họ để chúng tôi đưa ra lựa chọn. Họ hiểu rằng đó là cuộc sống của chúng tôi, và nên để chúng tôi tự quyết định.
Kết quả ư? Họ tạo ra một nền tảng vững vàng để giữa chúng tôi có mối quan hệ lành mạnh, và chúng tôi yêu thương họ. Chúng tôi nghĩ bản thân họ làm một số việc cực kỳ điên rồ, nhưng đó là cuộc sống và lựa chọn của họ chứ không phải của chúng tôi.
Nếu chúng ta không có những tấm gương tốt thì rất đáng để chúng ta nỗ lực tìm kiếm. Những mẫu hình đó có thể là một thành viên trong gia đình có mối quan hệ rất tốt với một người khác, họ hàng của một người bạn, hoặc một cặp vợ chồng đáng nể ở nhà thờ. Chúng ta có thể tạo sự kết nối ban đầu bằng cách đi uống cà phê hoặc dùng một bữa tối thông thường. Không cần thiết phải dò hòi kỹ về các kỹ năng của họ. Chỉ cần làm quen với họ, theo thời gian chúng ta sẽ có cơ hội tìm hiểu cách thức họ xử lý tình huống thông qua những chia sẻ không chính thức của họ.
Chúng ta cần sự khuyến khích
Khi các gờ giảm tốc xuất hiện trong các mối quan hệ, tự nhiên chúng ta thấy nản. Chúng ta chủ định giữ thái độ tích cực, nhưng nó biến mất trong một cuộc khủng hoảng liên quan đến mối quan hệ. Chỉ khi nào nghĩ mọi thứ đang cải thiện và chúng ta đối phó ổn thì cảm xúc mới không bị trùng xuống.
Nản lòng nghĩa là không còn muốn nỗ lực vì một người nữa. Chúng ta không còn nỗ lực tập trung và tích cực, và chúng ta gặp rắc rối trong việc tự thay thế cảm xúc đó. Điều này giống như đi bộ xuyên qua khu rừng tối hoặc xuống một con phố không người vào ban đêm. Bản thân bạn thấy đáng sợ, nhưng sẽ ít nguy hiểm hơn khi bạn đi cạnh một người nào đó có kinh nghiệm. Đó là lúc chúng ta cần sự khích lệ – một ai đó đưa sự can đảm trở lại.
Chúng ta không thể làm điều đó một mình. Vào thời điểm nản lòng, chúng ta cần những người mà mình tin tưởng để thổi năng lượng vào cuộc sống của mình. Họ mang đến sự can đảm khi chúng ta không thể tự tạo ra cho mình.
Vậy chúng ta có thể tìm người đó ở đâu để lấp đầy bể cảm xúc khi nó trống rỗng?
• Nghĩ đến những người đã khích lệ bạn trong quá khứ. Có thể họ là những người lắng nghe bạn thay vì mang đến cho bạn lời khuyên. Nếu không nghĩ ra được người nào, hãy hỏi một người bạn tin cậy xem ai là người khích lệ họ và đề nghị giới thiệu.
• Gửi thư điện tử hoặc gọi cho người đó. Đừng đi vào chi tiết, chỉ cần mời họ đi uống cà phê và nói để họ biết là bạn đang cần một người lắng nghe.
• Nếu họ nói lịch của họ kín rồi, bạn cũng đừng vì thế mà cho rằng họ không muốn nói chuyện với bạn. Hãy thừa nhận là họ đang nói sự thật và họ không có thời gian. Sau đó, hãy tìm một người khác.
• Đừng đề nghị hoặc chờ đợi họ xử lý mọi thứ cho bạn. Chỉ cần biết ơn vì đã có người đi bên cạnh trên một cuộc hành trình đầy khó khăn.
Không ai có thể tiên đoán trước một trận động đất. Không ai có thể nói cho chúng ta biết khi nào thì cuộc gặp gỡ rắc rối xảy ra. Trong cả hai trường hợp, giải pháp then chốt là chuẩn bị trước. Công việc chuẩn bị phải được thực hiện trước khi trận động đất xảy ra, chứ không phải sau đó.
Sắp có động đất. Đến lúc phải đi mua đồ dùng rồi.