Trước kỳ nghỉ lễ một tuần, người gây chuyện xuất hiện trong cuộc đoàn tụ gia đình. Bạn đã quá rõ mình khó chịu thế nào trước đây, cố gắng tỏ ra dễ chịu với họ trong khi đang chán chết trong lòng. Bạn muốn tránh họ nhưng biết là không thể làm như vậy. Bạn diễn tập cuộc gặp gỡ của mình với họ nhiều lần trước thời điểm chính thức, tiên đoán điều tồi tệ nhất mặc dù vẫn hy vọng về một điều kỳ diệu.
Đó là một tuần khổ sở.
Sau khi đến sự kiện, bạn thấy họ đi về phía mình. Cuộc trạm trán giữa bạn và họ thật ngắn ngủi, thân mật, nhưng bạn cảm thấy thật nhẹ nhõm khi họ bước đến nói chuyện với vài người khác. Kết thúc buổi họp mặt, bạn thấy mình kiệt sức. Mối quan hệ không khá hơn, nhưng cũng không tồi tệ hơn. Bạn đã vượt qua, nhưng kẻ rắc rối đã giữ bạn như một con tin trong tim cả tuần. Bạn nghĩ: “Ổn rồi, mọi việc đã xong. Ít nhất thì mình cũng không phải trải qua điều đó trong một thời gian.”
Nhưng phải mất nhiều năng lượng để sẵn sàng cho cuộc đối mặt đó. Ngay cả khi không được thoải mái, thì phần khó khăn nhất cũng đã xong: Cuộc trò chuyện đã diễn ra. Nếu bạn biết mình sẽ gặp lại họ ngày hôm sau, điều đó sẽ dễ dàng hơn một chút vì bạn đã vượt qua được cuộc trò chuyện đầu tiên. Có thể bạn chỉ cần bồi đắp thêm mối quan hệ trên cơ sở cuộc trò chuyện đó mà không cần phải chuẩn bị một lần nữa.
Điều đó được gọi là quán tính. Trong vật lý, quán tính có nghĩa là một vật thể có xu hướng giữ đúng vị trí của nó trừ khi có một vật khác làm nó chuyển động. Một khi chuyển động, nó có xu hướng duy trì cho đến khi có một thứ gì đó xen vào khiến nó dừng lại. Để duy trì chuyển động vẫn cần một tác động, nhưng tác động này chỉ ở mức độ nhỏ là đủ. Nếu không có tác động đó, vật sẽ chuyển động chậm dần và dừng lại.
Trong các mối quan hệ, quán tính có nghĩa là không có gì thay đổi trừ khi có ai đó khởi động quá trình. Khi có một động thái nào đó trong mối quan hệ, dù chỉ là một hành động nhỏ là có thể duy trì được sự tiếp tục. Nhưng nếu không có hành động nào diễn ra, mối quan hệ sẽ quay trở về điểm xuất phát.
Chúng ta hiểu rằng cần rất nhiều năng lượng để bắt đầu xây dựng một mối quan hệ tốt. Nhưng chúng ta liệu có muốn nó chuyển động không? Đó là một câu hỏi hợp lý, bởi vì chúng ta không dám chắc được mối quan hệ sẽ đi đến đâu khi nó ở trạng thái chuyển động.
Khi học cấp ba, chiếc xe ô tô đầu tiên của tôi là một chiếc Chevy Camaro 1967. Một ngày nọ, chiếc xe không khởi động được khi nằm ở ngay lối lái xe vào nhà của bố mẹ tôi, tôi và một người bạn quyết định làm nóng dây đánh lửa. Đó là một công việc khá đơn giản vì những chiếc xe đời cũ không có các thiết bị chống trộm. Chúng tôi mở mui xe và nối dây từ bộ khởi động đến pin, bỏ qua công tắc đánh lửa.
Chúng tôi đã làm được. Chiếc xe khởi động, nhưng nó lảo đảo tiến về phía trước, và chúng tôi phát hiện ra mình đã quên cài số về vị trí số không. Vì không có ai trong xe, nó bắt đầu hành trình riêng. Chúng tôi vội nhảy vào xe và nhấn phanh, nhưng không kịp. Cuối cùng chiếc xe dừng lại khi nó đâm vào hàng rào gần cuối đường.
Điều đó tương tự như nỗi sợ hãi của chúng ta trong các mối quan hệ. Phần khó nhất là vun đắp cho đến khi có những cuộc gặp gỡ đầu tiên. Nhưng một khi mối quan hệ bắt đầu, chúng ta sợ nó ra đi vội vã và chúng ta sẽ mất kiểm soát.
TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI LO LẮNG KHI KHỞI ĐỘNG?
Ổn rồi, vậy là tôi đã tạo dựng được một mối quan hệ. Nhưng như thế đã đủ chưa? Nếu kể từ giờ mình tránh người đó là có thể tránh được những rắc rối. Vậy thì tại sao phải bận tâm?
Tạo dựng cuộc gặp gỡ đầu tiên giúp việc kết nối trong tương lai dễ dàng hơn. Khi không xây dựng được những kết nối đó, mối quan hệ luôn quay về trạng thái cũ. Rồi khi bị ép đối phó với họ trong tương lai, chúng ta phải bắt đầu từ ban đầu, vì trước đó chúng ta không chủ động xây dựng mối quan hệ.
Như đã đề cập trong các chương trước về việc đặt năng lượng dựa vào tầm quan trọng của mối quan hệ. Khi càng gần gũi với người nào, chúng ta càng dồn nhiều năng lượng hơn cho mối quan hệ đó. Khi càng ít kết nối với người nào đó, chúng ta tiêu tốn ít năng lượng hơn. Chúng ta không cần dành quá nhiều thời gian cho một người lạ luôn chỉ trích hành vi của chúng ta, mà hãy dành thời gian cho gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp, những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày.
Trong cuộc sống, những người không quan trọng chúng ta sẽ ứng xử xã giao, không nên để họ xuất hiện nhiều hơn trên màn hình ra-đa cảm xúc của mình. Điều đó không có nghĩa chúng ta cần hàn gắn mọi mối quan hệ không lành mạnh chỉ đơn giản là vì nó gần gũi. Thay vào đó, điều đó có nghĩa là tập trung năng lượng để xác định xem mối quan hệ sẽ phải như thế nào, đưa ra một kế hoạch, và thiết lập ra những ranh giới phù hợp.
Một mặt, cần đọc những sách về cách làm thế nào để bạn không phải lo lắng về những ảnh hưởng mà người chuyên gây rắc rối đưa đến cuộc sống của bạn. Làm sao để thực hành những điều trong sách là một mặt khác.
Chúng ta thường nhanh chóng sửa chữa mọi thứ khi nó hỏng hóc. Khi chiếc xe bị hỏng, chúng ta mang nó đến thợ sửa chữa. Có thể sẽ đắt nhưng thường thì chúng ta có thể lấy xe về trong ngày và vấn đề được xử lý. Nhưng các mối quan hệ không cải thiện trước những hành động hàn gắn nhanh chóng. Hàn gắn các mối quan hệ nhanh chóng giống như việc cố gắng để chữa bệnh ung thư. Ung thư phát triển trong một thời gian dài mà ta không để ý, nó thường đòi hỏi những biện pháp mạnh và kết quả thì không chắc chắn.
Khi thấy người nào đó đưa ra những lựa chọn điên rồ và thể hiện những hành vi phi lý, chúng ta có xu hướng nhìn vào tác động bề mặt và quên rằng những kiểu cách đó đã hình thành trong suốt một thời gian dài.
Giải thích như vậy không phải để bỏ qua hành vi của họ, mà giúp lý giải cho hành vi đó mà thôi.
Tôi và một người bạn đang nói chuyện về một đồng nghiệp khiến chúng tôi phát điên. Chúng tôi nói về cách mà cô ấy tiếp cận mọi người, sự lôi kéo và hăm dọa mà cô ấy sử dụng trong hầu hết các mối quan hệ, và mọi người nhìn nhận thế nào về cô ấy.
Sau đó, người bạn của tôi nói: “Tôi tự hỏi chuyện gì đã xảy ra.”
“Cái gì xảy ra với cái gì?” Tôi hỏi.
“Điều gì xảy ra với cô ấy. Tôi tự hỏi điều gì xảy ra trong cuộc sống đã đẩy cô ấy ở vào vị thế phải hành động theo cách như vậy. Đối với mọi người thì hành động như vậy là không bình thường. Chắc chắn phải có chuyện gì đã xảy ra.”
Đó là một bước ngoặt đối với suy nghĩ của tôi. Tôi vẫn phải làm việc với con người này và đơn giản là tôi thấy cô ấy thật điên rồ. Tôi không nghĩ về con đường đưa cô ấy đến tình trạng đó. Tôi có thể tránh cô ấy để giữ cho tôi được thoải mái, nhưng sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Chúng tôi vẫn cứ duy trì một mối quan hệ nông cạn, không mấy tích cực, và có phần giả tạo.
Vì phải làm việc với cô ấy, nên tôi quyết định phải vượt qua quán tính. Mặc dù vẫn coi cô ấy là một kẻ khó ưa, nhưng tôi bắt đầu tìm hiểu đầy đủ về con người cô ấy. Không phải tôi hoàn toàn hiểu về cô ấy mà tôi chỉ cần hiểu rằng có một số lý do khiến mọi người trở nên bực bội và tập trung vào cách thức cần thiết để xử lý.
Tôi cần phải thật nỗ lực và chịu rủi ro để di chuyển theo hướng đó. Tôi xác định những ranh giới cần thiết và lên kế hoạch đối phó khi cô ấy vượt quá những ranh giới đó. Tôi cũng phải nhìn vào phần đóng góp của chính mình cho các kết quả.
Đồng nghiệp của tôi dường như vẫn đang làm những việc khiến cho mọi người phát điên. Tuy nhiên, bằng cách dành thời gian để suy nghĩ thấu đáo về mối quan hệ, tôi có thể hình thành một phản ứng tích cực để hiểu về cô ấy. Cần phải có thời gian và lên kế hoạch, và mọi thứ vẫn không hề dễ chịu. Nhưng nỗ lực để duy trì mối quan hệ lành mạnh chỉ là một phần nhỏ công sức chúng ta phải bỏ ra, so với phải bắt đầu lại từ đầu một mối quan hệ.
TÌM KIẾM HY VỌNG
Khi một mối quan hệ phải trải qua sự đau khổ trong một thời gian dài, chúng ta cảm thấy vô vọng với bất kỳ sự thay đổi nào có thể xảy ra. Chúng ta học cách cùng tồn tại với những con người rắc rối, mặc dù điều đó không hề lành mạnh. Chúng ta còn không còn để ý đến nỗi đau vì đã quen với nó mất rồi. Chúng ta sợ rằng nếu bắt đầu phát triển một mối quan hệ, chúng ta sẽ phải khuấy đảo thứ gì đó lên, mà việc đó có thể gây khó chịu.
Điều đó tương tự việc bạn bị chìm trong nợ nần và quyết định mua sắm để cảm thấy tốt hơn. Chúng ta phủ nhận thực tế tình hình tài chính của mình bằng cách nghĩ: “Tôi đang mua sắm, tôi không gặp rắc rối về tài chính.”
Nếu cố gắng hàn gắn mọi chuyện trong mối quan hệ qua một đêm, chúng ta sẽ choáng ngợp với tính chất nghiêm trọng của nó. Nhưng nếu không tiến hành một hành động nào trước hành vi của người gây rắc rối hoặc với những phản ứng của chúng ta, thì chẳng còn hy vọng gì có thể hàn gắn được từ cả hai phía. Để một mối quan hệ tiến triển được thì phải tốn công sức, và chẳng có gì đảm bảo được mối quan hệ sẽ đi tới điểm ta muốn. Nhưng sẽ chẳng có gì xảy ra nếu chúng ta không thực hiện bước đầu tiên.
Vượt qua quán tính chỉ đơn giản là thực hiện bước đầu tiên.
HƯỚNG CẢI THIỆN
Một mối quan hệ căng thẳng vốn rất mỏng manh, và chúng ta không muốn đẩy nó vào tình trạng tồi tệ.
Khi chọn cách vượt qua quán tính và tiến đến kết nối với người đó, quá trình đó cần trải qua một số bước.
1. Hình thành một cách nhìn trung thực
Một thực tế của mối quan hệ là cần phải có thời gian để phát triển. Khi mọi thứ không ổn, chúng ta muốn điều chỉnh chúng. Nhưng giữa con người với nhau thì không có phương pháp hàn gắn nhanh chóng. Khi vội vã thúc đẩy các mối quan hệ, thì khả năng hàn gắn chậm lại. Khi dành thời gian để hàn gắn, thì tình hình lại tiến triển. Đó là lý do tại sao bước đầu tiên là phải sống với thực tế của mỗi tình huống, chứ không phải sự tưởng tượng về những mong muốn của chúng ta.
2. Những bước đi nhỏ giá trị
Khi thấy một nhiệm vụ lớn ở phía trước, chúng ta cho rằng nó sẽ tốn nhiều công sức hơn một nhiệm vụ nhỏ. Thậm chí không muốn bắt đầu vì có vẻ nó sẽ nhấn chìm chúng ta mất. Một nhiệm vụ lớn chỉ đơn giản là nhiều nhiệm vụ nhỏ được thực hiện thành công. Chúng ta không thể làm mọi việc của một dự án, mà chỉ có thể làm từng bước một. Nếu nhận ra mình chỉ có thể làm từng bước một, thì chúng ta có thể hoàn thành những nhiệm vụ lớn lao. Thực hiện nhất quán những bước đi nhỏ có thể thu được những kết quả ấn tượng và được đền đáp ngay lập tức.
3. Tin vào khả năng, nhưng chấp nhận mọi thứ theo cách nó vốn có
Có thể thay đổi được người chuyên gây rắc rối không? Điều đó có thể, luôn có hy vọng. Một số sự việc có thể xảy ra và chính những thứ đó có thể ảnh hưởng đến lối tư duy và hành vi của họ.
Cách nhìn nhận đó phải được cân bằng với thực tế là có thể họ không thay đổi. Nếu sự thay đổi của họ là niềm hạnh phúc và sự kỳ vọng của chúng ta thì đồng nghĩa với việc chúng ta đã trao cho họ phương tiện kiểm soát cuộc sống của mình.
4. Đừng đứng giữa đường
Có thể an toàn khi ở đứng trên đường ranh giới giữa việc cải thiện mối quan hệ và cứ để nguyên tình trạng như vậy. Nhưng trụ lại ở giữa lại không có lợi vì không có sự tiến triển theo hướng nào cả. Chúng ta tránh sự đau đớn thay vì ra quyết định để đi tới một hướng nhất định. Vì sợ quyết định sai nên chúng ta bước sang bên. Tuy nhiên, tốt hơn cả là ra quyết định và hành động, sau đó lái các kết quả khi chúng xuất hiện.
5. Sống trong hiện tại
Mặc dù việc chú trọng vào kết quả vốn là lẽ tự nhiên, nhưng đó không nên là tiêu chí để đánh giá các mối quan hệ. Thay vì phán xét các kết quả, chúng ta phải ăn mừng sự tiến triển của mối quan hệ. Mục đích của chúng ta không phải để đảm bảo một mối quan hệ tốt, mà là xác định những lựa chọn nào là tốt nhất trong hiện tại, và tập trung vào những gì đang diễn ra trước mắt. Ước về quá khứ hoặc tưởng tượng về tương lai đều rất nguy hiểm. Khi nói đến mối quan hệ, tất cả những gì chúng ta có là hôm nay.
6. Nhìn bức tranh toàn cảnh
Các mối quan hệ càng rắc rối, những con người càng gần gũi thì nhiều khả năng họ sẽ tạo ra tình huống kịch tính. Chúng ta cần nhìn qua lăng kính thực tế, nhìn toàn diện mọi mặt chứ không chỉ phán xét bản thân từ một góc nhìn.
Có người nói chúng ta bỏ lỡ 100% cơ hội mà chúng ta không bao giờ nắm lấy. Nếu cứ để các mối quan hệ như vậy thì sẽ không có gì thay đổi. Nếu vượt qua được những bước nhỏ ban đầu, chúng ta có quyền hy vọng về một cuộc hành trình.
Chúng ta cần là người thực hiện bước đầu tiên.