Kim có một căn nhà sạch sẽ. Không chỉ sạch sẽ mà sạch đến không tì vết. Khi thức dậy vào buổi sáng, ngay lập tức cô sắp xếp chăn màn. Chuẩn bị bữa sáng nhưng sẽ không đi làm khi chưa rửa hết chén bát và dọn dẹp mọi thứ. Cô hút bụi hàng ngày, và đôi khi còn hút bụi nhiều hơn nếu có ai đó ghé chơi. Chiếc xe ô tô lúc nào cũng được rửa sạch sẽ và cây cối đều được xén tỉa. Kim không có nhiều thời gian rảnh và thường cảm thấy bị vùi đầu vào bao nhiêu việc phải làm. Nếu một tên trộm đột nhập vào nhà trong ngày, hắn ta sẽ nghĩ mình đang ở trong một căn nhà hiện đại.
Có một căn nhà sạch có phải là điều tệ hại không? Điều đó còn tùy thuộc vào động cơ của cô. Có thể Kim thực sự thích thú với việc dọn dẹp và thỏa mãn vì được sống trong một môi trường sắp đặt có tổ chức. Nhưng nếu cô làm vậy là để xây dựng hình ảnh về sự hoàn hảo thì điều đó sẽ không tích cực. Cô ấy sẽ không bao giờ hưởng thụ được các kết quả bởi chỉ quan tâm đến việc mọi thứ được thực hiện sao cho đẹp mà thôi.
Chủ nghĩa cầu toàn của Kim cũng kéo sang công việc. Cô thường gửi các dự án đi vào phút chót vì cứ liên tiếp chỉnh sửa bổ sung. Cô không nghĩ đến việc nộp một bản chưa được hoàn chỉnh vì lo lắng có người nghĩ không hay về cô. Cô luôn đặt ra những tiêu chuẩn cao bất thường cho việc thực hiện công việc và con đường sự nghiệp của mình, cho rằng việc đó thể hiện một cá nhân xuất sắc. Đồng nghiệp tôn trọng nỗ lực và sáng kiến của cô, nhưng cô vẫn thắc mắc tại sao không ai trở thành bạn bè thân thiết của mình.
Có một ranh giới mỏng manh giữa xuất sắc và hoàn hảo. Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể có được sự xuất sắc thì chúng ta không bao giờ đạt được sự hoàn hảo – và chúng ta sẽ phải cố gắng đến kiệt sức.
TẠI SAO CHÚNG TA PHẤN ĐẤU VÌ SỰ HOÀN HẢO?
Chủ nghĩa cầu toàn có vẻ như là một chủ đề kỳ lạ được đưa vào khi nói về những người gây rắc rối. Nhưng khi để hết tâm trí đến những con người đó thì chủ nghĩa cầu toàn là một trong những lý do phòng thủ phổ biến nhất được sử dụng để sinh tồn.
Sau đây là cách ảnh hưởng của nó:
Chúng ta không muốn mọi người nghĩ xấu về mình. Nó kéo chúng ta ra khỏi điểm chuẩn cảm xúc, và mọi thứ trong con người chúng ta muốn quay về vùng an toàn. Chúng ta nghĩ: “Nếu tôi chẳng có gì để bị phê bình, thì những người hay gây rắc rối này sẽ đánh giá cao tôi.” Càng gần đạt đến mức độ hoàn hảo, thì họ sẽ càng ít phê bình hơn.
Nghe có vẻ hợp lý phải không? Có vẻ như điều đó sẽ tạo ra ít sự căng thẳng hơn bởi vì chúng ta không bị đánh giá hoặc bị quấy rối. Nhưng với những ai đã trải qua thực tế thì mức độ căng thẳng lại tăng lên nhiều. Không một ai có thể đạt được sự hoàn hảo, và nếu duy trì hình ảnh đó trong một thời gian dài chúng ta có thể phải nỗ lực đến kiệt sức. Để có thể quản lý tỉ mỉ từng chi tiết trong cuộc sống cần tiêu tốn một lượng năng lượng đáng kinh ngạc.
Khi giá trị cá nhân của bạn dựa trên quan điểm cá nhân của người khác, chúng ta khao khát sự chấp thuận của họ. Chúng ta nghĩ rằng nếu mọi người nhìn ra sự không hoàn hảo trong con người mình, họ sẽ không thích chúng ta nữa. Do vậy, đạt đến sự hoàn hảo trở thành một lựa chọn để tránh sự chê trách đó.
Trong cuốn sách Tại sao tôi sợ nói cho bạn biết tôi là ai? John Powell đưa ra nhận định này: “Tôi sợ nói cho bạn biết tôi là ai, vì nếu nói cho bạn tôi là ai, có thể bạn sẽ không ưa tôi nữa… và tất cả những gì tôi có là như vậy.” Khi chúng ta cảm thấy cần xuất hiện hoàn hảo, chúng ta trang bị những hành trang cần thiết để có khả năng bảo vệ mình trước những quan điểm của người khác. Giá trị bản thân của chúng ta tùy thuộc vào những gì người khác nghĩ, do vậy chúng ta cố gắng kiểm soát nhận thức của họ.
Tôi đã làm điều tương tự khi còn học trong trường phổ thông và đại học. Tôi không cảm thấy bản thân mình tuyệt vời chút nào, vì vậy tôi cố tìm cách làm cho mọi người phải ngước nhìn tôi qua những việc mà tôi đã chọn để làm. Công việc đầu tiên của tôi là làm việc trong nhà xác tại một bệnh viện địa phương ở quận Phoenix (khi bạn là một thiếu niên thì đó là một cộng việc cực kỳ thú vị). Sau đó, tôi đã làm việc trong một cửa hàng âm nhạc, học in ấn và làm việc trong một xưởng in, kiếm được một công việc phát sóng làm buổi chiều tại một đài phát thanh địa phương và học chụp ảnh cưới trong studio ngay tại thị trấn. Nói cách khác, tôi đã chọn những công việc mà chẳng có ai khác làm, với hy vọng rằng mọi người sẽ ấn tượng với những công việc bất thường của tôi.
Cách đó thực sự mang lại hiệu quả. Họ cực kỳ ấn tượng, và tôi nhận được nhiều chú ý về những việc mình làm. Nhưng nó không giúp được gì cho giá trị bản thân tôi. Tôi cho rằng họ ấn tượng với những hành động của tôi chứ không phải với con người thực sự của tôi. Tôi hiểu ra rằng nếu họ thực sự biết tôi là ai, họ sẽ không ấn tượng chút nào. Vì thế tôi đã làm việc chăm chỉ để giữ gìn hình ảnh, nhưng cảm thấy bản thân ngày càng tồi tệ khi tôi cô đơn.
Phải mất nhiều năm tôi mới tìm ra được giá trị trong con người mình thay vì sống để được người khác chú ý và tán dương.
Cha mẹ thường mong muốn có được sự tán dương của người khác, do vậy họ phải đảm bảo con cái luôn có hành vi tốt nhất ngoài xã hội. Họ không muốn hành vi xấu của con phản ánh kỹ năng làm cha của họ. Thật không may, điều đó không lành mạnh cho những đứa trẻ và phản chiếu một hình ảnh sai lệch về sự hoàn hảo.
Những người cầu toàn khi trưởng thành thường được coi trọng hiệu suất làm việc thay vì tính cách. Họ không bao giờ trải nghiệm một tình yêu vô điều kiện, vì vậy họ đánh đồng việc được chấp nhận với hiệu suất. Họ học cách để tin rằng người khác chỉ nhận ra giá trị trong con người họ bởi những gì mà họ hoàn thành và cách mà họ thực hiện chúng. Là những người trưởng thành, chúng ta nhìn họ theo cách tương tự, với giá trị bản thân họ là một sản phẩm từ cách nhìn nhận của người khác. Họ không muốn bị phê bình, vì vậy họ cố gắng để trở nên hoàn hảo.
MẶT TRÁI CỦA CHỦ NGHĨA CẦU TOÀN
Việc cho rằng chủ nghĩa cầu toàn là con đường dẫn đến thành công trong cuộc đời là hoàn toàn tự nhiên. Rốt cuộc, nếu chúng ta thực hiện càng tốt mọi việc thì càng trở nên thành công hơn. Nghe hợp lý đấy chứ?
Nhưng thực tế là sự hoàn hảo có được trên bước đường thành công. Vì chúng ta không bao giờ đạt được sự hoàn hảo, chúng ta sẽ không bao giờ có cảm giác thỏa mãn về hiệu suất của bản thân, vì thế, luôn cảm thấy không hài lòng và không hạnh phúc về lối sống và cách làm việc của mình. Sớm muộn gì chúng ta sẽ không thể thư giãn và tận hưởng cuộc sống theo cách vốn có nữa.
Đồng thời, chúng ta để ý thấy một vài người khác lại tận hưởng cuộc sống trong khi để những thói xấu của mình phơi bày. Họ vẫn ỔN dù kết quả đạt được không hoàn hảo, còn chúng ta thì so sánh bản thân (“Tôi tốt hơn anh ta”) hoặc phê bình bản thân (“Có vấn đề gì với tôi vậy? Tại sao tôi không thể làm như thế?”)
Một vòng luẩn quẩn bắt đầu. Chúng ta không muốn bị từ chối, vì vậy chúng ta phòng thủ khi bị người khác phê bình. Chúng ta ra sức bảo vệ hình ảnh hoàn hảo của bản thân. Nhưng sự phòng vệ đó lại vô tình đẩy mọi người ra xa chúng ta. Khi điều đó xảy ra, chúng ta lại chỉ trích người khác, đánh giá họ dựa vào các tiêu chuẩn hoàn hảo của mình. Một cảm giác tự cao xuất hiện và thậm chí chúng ta còn che giấu nhiều hơn những thói xấu của mình. Điều khiến chúng ta càng khó gần hơn – và vòng tròn đó lại tiếp tục.
Tác giả Anne Lamott viết: “Tôi cho rằng chủ nghĩa cầu toàn dựa trên niềm tin bị ám ảnh rằng nếu bạn chạy thật cẩn thận, chạm chân đúng vào từng bậc đá, bạn sẽ không chết. Sự thật là dù sao đi nữa bạn cũng sẽ chết, và rất nhiều người không nhìn vào chân khi chạy sẽ làm tốt hơn nhiều so với bạn, và còn cảm thấy thú vị hơn nhiều khi họ làm vậy.”
Chủ nghĩa cầu toàn cướp đi sự giàu có của cuộc sống. Nếu chúng ta không sẵn sàng trở thành con người bình thường, nhiều khả năng chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của những kẻ gây rắc rối trong cuộc sống của mình. Chúng ta không thể hiện được bản thân mình vì sợ người khác nhận ra những thiếu sót trong tính cách và chỉ trích chúng ta.
Khổng Tử nói: “Một viên kim cương bị vết còn tốt hơn một viên sỏi hoàn hảo.”
SỰ HỒI PHỤC ĐẦY RỦI RO
Nếu chúng ta dành trọn cuộc sống để kiếm tìm sự chấp thuận của người khác thì điều đó có nghĩa là chúng ta đang không thực sự sống. Thật kỳ lạ, chúng ta luôn tìm kiếm sự chấp thuận của những người rắc rối quanh mình. Họ là những người cuối cùng mà chúng ta muốn họ kiểm soát cuộc sống của mình, nhưng chúng ta đã trao khả năng lựa chọn và cảm xúc cho họ.
Vậy sau tất cả những điều này, chúng ta sẽ đi đến đâu? Sau đây là một số bước suy nghĩ:
1. Nhận ra những thiệt hại mà chủ nghĩa cầu toàn gây ra cho cuộc sống của chúng ta
Lấy một mảnh giấy và chia thành hai cột: “Ưu điểm của chủ nghĩa cầu toàn” và “Nhược điểm của chủ nghĩa cầu toàn.” Liệt kê thật nhiều vào từng cột. Cột nhược điểm có thể nhiều hơn nhiều lần so với cột ưu điểm. Nếu không phải vậy, hãy cân nhắc từng ưu điểm đã liệt kê bằng bộ lọc sự thật. Chúng có thực sự là ưu điểm không, hay chỉ là những điều thuận lợi và quen thuộc?
2. Thách thức tư duy của bạn
Kinh Thánh căn dặn chúng ta phải “Nắm bắt mọi tư tưởng”. Thật nguy hiểm khi cho rằng nhận thức của chúng ta luôn đúng. Cảm xúc bẻ cong quan điểm thực tế. Mỗi lần cố gắng để xuất hiện hoàn hảo, chúng ta phải hỏi chính mình: “Tại sao mình cố gắng gây dựng sự hoàn hảo? Làm thế đem lại ích lợi gì? Quá trình này gây ra những thiệt hại gì về lâu dài cho sự sáng suốt và mối quan hệ của mình?”
3. Tự hỏi bản thân “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?”
Câu trả lời cho việc cố gắng tỏ ra hoàn hảo có vẻ như là do chúng ta sợ người gây chuyện nhìn nhận mình kém hoàn hảo, quan sát, nắm bắt những sai lầm của chúng ta hoặc tính cách của chúng ta. Chúng ta nên tự hỏi mình “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Và nếu nó xảy ra thì thực tế sẽ tệ tới mức nào? Cách đối phó ra sao?” Chúng ta có thể thừa nhận nỗi sợ của mình là có thật.
4. Chấp nhận giá trị của việc mắc lỗi
Trong các mối quan hệ, chúng ta học và phát triển từ những sai lầm. Những người không từ bỏ nỗ lực để đạt được sự hoàn hảo đang bỏ lỡ một điều cơ bản để xây đắp nên một mối quan hệ lành mạnh. Không ai hoàn hảo cả. Đó là lý do tại sao bút chì lại có tẩy.
5. Phấn đấu đạt 85%
Những người theo chủ nghĩa cầu toàn luôn phấn đấu đạt 100% và thất vọng khi họ không đạt được hoặc không giữ vững mục tiêu. Nhưng nếu họ thay đổi tiêu chuẩn xuống 85%, thì họ luôn có khả năng đạt hoặc thậm chí là vượt mục tiêu. Kết quả đạt được vẫn xuất sắc trong khi họ có thể thư giãn và tận hưởng cuộc hành trình.
Vào một ngày nọ, người bạn lâu năm của tôi, Matt, gọi cho tôi vì anh có một vấn đề. Anh ấy làm quản lý trong một doanh nghiệp lớn và thời điểm đó anh ấy đang dành thời gian học lấy bằng thạc sĩ tại một trường đại học cách nhà 50 dặm. Ngoài ra, anh ấy có bốn đứa con nhỏ và những cam kết tại nhà thờ.
Anh nói rằng: “Tôi không biết nên làm gì? Tôi thức dậy, lái xe đến chỗ làm mất khoảng một tiếng đồng hồ, tối lại lái xe đến chỗ học, rồi đến khuya tôi mới lái xe về nhà. Khi đi trên đường, tôi ngủ gật vì quá mệt. Tôi chỉ gặp vợ và các con một lát, bởi còn phải học bài để duy trì điểm trung bình hạng A trong lớp và dành 100% thời gian còn lại cho công việc. Tôi đang xoay sở để làm tất cả, nhưng tôi bị kiệt sức mất rồi. Tôi không biết phải làm gì vì việc nào cũng quan trọng.”
Tôi hỏi anh ta: “Vậy sao tại sao anh phải đạt kết quả loại A?”
“Làm mọi việc xuất sắc là điều vô cùng quan trọng. Nếu không cố hết sức để làm bất kỳ việc gì là không xứng đáng với sự tin tưởng của mọi người rồi.”
Tôi trả lời: “Nhưng có vẻ như gia đình là một phần cuộc sống của anh mà anh lại đang để mất mát nhiều nhất. Anh cố để đạt loại A ở trường, nhưng anh chỉ đạt loại B hoặc C ở nhà. Điều gì sẽ xảy ra nếu anh đảo ngược thứ tự và phấn đấu đạt loại B ở trường và loại A ở nhà?”
“Tôi không biết liệu mình có làm được như vậy không” anh nói.
“Tôi có bằng tiến sĩ 20 năm nay.” Tôi nói tiếp. “Trong 20 năm đó, nhiều người hỏi tôi đã học ở đâu và học lĩnh vực gì, nhưng không một ai hỏi tôi đạt thứ hạng gì trong lớp. Có thể tôi có điểm trung bình chỉ đạt loại B, nhưng tôi cũng có bằng cấp như những bạn có điểm trung bình loại A. Mục tiêu là tấm bằng và có được kiến thức. Tôi đã hoàn thành mục tiêu mà chẳng chịu áp lực gì từ việc phải phấn đấu để được toàn diện.”
Matt đã thử làm vậy và thấy hiệu quả. Bằng cách trút bỏ bớt áp lực phải hoàn hảo trong trường, anh ấy đã có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Các mối quan hệ của anh cũng như hiệu quả công việc đều được cải thiện.
Anh đã cố gắng đạt điểm trung bình hạng B trong trường – và thực tế là anh đã nhận kết quả gần với điểm trung bình hạng A.
Anh ấy đã học được cách từ bỏ và biết ưu tiên mọi công việc trong cuộc sống.
THƯ GIÃN ĐỂ ĐEM LẠI KẾT QUẢ
Khi nào chúng ta cố gắng xuất hiện hoàn hảo trước người khác, chắc chắn mối quan hệ sẽ không bao giờ lành mạnh. Điều đó không dựa trên sự thật, nó dựa trên hình ảnh giả tạo chúng ta dựng lên. Không có sự thật, mối quan hệ luôn bị cản trở. Chúng ta sẽ đạt điểm A về hình ảnh, nhưng chỉ đạt C về sự kết nối.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cố gắng đạt điểm A? Nếu chúng ta chỉ tập trung để trở nên chân thực?
Nam diễn viên Jim Carrey đóng vai chính trong bộ phim Liar, Liar. Trong phim, anh mất khả năng nói dối. Không quan trọng câu hỏi là gì, anh ta sẽ luôn nói sự thật. Khi xem bộ phim đó, tôi nghĩ chắc hẳn mình sẽ rất đau khổ nếu không thể giấu được cảm xúc thực khi mình muốn.
Nhưng sau đó tôi nghĩ: “Tại sao lại vậy?” Chân thành không có nghĩa là nói ra mọi suy nghĩ tiêu cực của chúng ta về người khác. Nếu chúng ta đủ quan tâm tới đối phương để “nói lên sự thật trong tình thương yêu”? Không phải chúng ta tránh xung đột và các cuộc đối đầu vì sợ hãi, thay vào đó, chúng ta có thể là chính mình với sự chính trực, thẳng thắn. Đó thực sự là nền tảng duy nhất để chữa lành một mối quan hệ đang bị tổn thương.
Có thể đó là lúc chúng ta sẽ buông bỏ được những suy nghĩ tiêu cực và vẻ bề ngoài “hoàn hảo”.