Ngày mới bắt đầu thật nhẹ nhàng. Trẻ con tới trường, bạn đời tới nơi làm việc và vì bạn đã làm thêm cuối tuần nên bạn có một ngày được tự do. Đó dường như là một món quà, bởi rất hiếm khi bạn được thảnh thơi. Bạn có thể làm một số việc vặt, gọi điện thoại buôn chuyện và giải quyết một dự án mà bạn chưa có thời gian để xử lý. Thậm chí, bạn có thể nhân dịp này ngồi đọc sách hoặc thư giãn trước hiên nhà.
Kỳ vọng nhiều. Chờ đợi nhiều. Bớt áp lực. Đó sẽ là một ngày tốt lành.
Nhưng rồi mọi chuyện xảy ra…
Con của bạn đi xuống cầu thang, mắt đỏ hoe, mếu máo vì vừa nôn ọe ra hành lang.
Anh chồng vội quay vào nhà và bảo: “Xe của anh không khởi động được. Em chở anh đến chỗ làm nhé… và nhớ chiều đón anh.”
Mẹ bạn xuất hiện ở cửa mà không báo trước.
Mẹ chồng bạn cũng đồng thời xuất hiện ở cửa mà không hề báo trước.
Con của bạn xả nước bồn cầu nhưng nước thải lại bị đẩy lên bồn tắm.
Một người mà bạn quen ở nhà thờ gọi cho bạn – người luôn gặp khủng hoảng và nói không ngừng nghỉ khi kể cho bạn về rắc rối gần đây nhất họ gặp phải.
Tin nhắn của ông chủ: “Tôi biết tôi đã cho phép cô nghỉ ngày hôm nay… nhưng khách hàng chỉ ở đây hôm nay thôi. Tầm 1h cô có thể ghé qua trong khoảng một tiếng được không?”
Mọi người khiến tôi phát điên!
Trong cuộc sống luôn có những người khiến ta nổi giận. Nếu ta không ở trong tình huống kịch tính này, thì có lẽ cũng vừa trải qua – hoặc chuẩn bị rơi vào một tình huống kịch tính khác. Dường như luôn có điều gì đó xảy ra khiến ta căng thẳng. Trong những khoảnh khắc thư thái hiếm hoi, chúng ta bắt đầu nghĩ về những điều sẽ xảy ra tiếp theo.
Ở đâu có những người gây chuyện thì ở đó có những rắc rối. Dù chúng ta có cố gắng đến mấy để loại bỏ những rắc rối này, chúng vẫn quay lại – chừng nào những người gây chuyện vẫn hiện diện trong đời sống của chúng ta. Một số người vô tình mang đến “những vở kịch”, trong khi một số khác dường như có một nhiệm vụ cá nhân là phá hủy sự sáng suốt của chúng ta.
Mỗi người đều có một ngưỡng cảm xúc mà ở đó khi mọi sự bình yên, ta cảm thấy thoải mái và không có ai làm rối tung cuộc sống của ta. Nhưng khi rắc rối xuất hiện, chúng ta vô thức cố gắng kiểm soát để đưa mọi thứ trở về trạng thái bình thường. Chúng ta cố gắng khắc phục vấn đề, thay đổi bản thân hoặc thay đổi tình huống.
Nếu những thay đổi trên hiệu quả thì chúng ta có thể cân bằng cảm xúc của mình và quay lại cảm giác thoải mái. Nếu nó không có tác dụng, chúng ta cảm thấy bị kích động, lo lắng và căng thẳng. Chúng ta không còn ở trong vùng an toàn nữa và tất cả những gì chúng ta có thể nghĩ được là làm thế nào để trở về nơi an toàn ban đầu.
Đó chính là: “drama” – những rắc rối. Chúng là bất cứ điều gì khiến ta cảm thấy bất ổn và luôn luôn có liên quan đến yếu tố con người. Những rắc rối và con người luôn song hành với nhau.
Chúng ta cho rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều nếu không có những rắc rối. Nhưng khi trò chuyện với mọi người về cuộc đời bạn, bạn sẽ kể những gì? Tất cả đều là những câu chuyện về những rắc rối bạn gặp phải, chứ không hề liên quan đến những thói quen. Chúng ta miêu tả cuộc sống của một người là “đầy màu sắc” khi họ phải trải qua những hoàn cảnh gian khổ.
Chúng ta nói về những chuyến phiêu lưu ly kỳ trong kỳ nghỉ, chứ không phải thói quen đọc báo hàng ngày. Các chương trình truyền hình thực tế được biên tập để làm nổi bật những khoảnh khắc kịch tính, gây tranh cãi chứ không phải hàng giờ đồng hồ buồn chán.
Một sĩ quan cảnh sát đã nghỉ hưu mà tôi biết miêu tả nghề của ông ấy là “những tháng năm làm việc đơn điệu được đặt dấu chấm hết bởi một vài khoảnh khắc khủng bố.” Bằng một cách nào đó, khi nhìn lại, những rắc rối, khó khăn làm phong phú cho cuộc sống của chúng ta. Đó là nỗi đau trong hiện tại mà ta cố lẩn tránh – nỗi đau thường xuất phát từ các mối quan hệ.
Rắc rối có thể đến theo nhiều cách khác nhau và có những tác động khác nhau tới cuộc sống của chúng ta.
Ví dụ, vừa lúc khách đến thì chú chó nôn ra tấm thảm, nhưng chuyện đó vẫn không chán ngán bằng việc ngọn lửa đang thiêu đốt căn bếp của bạn. Anh chồng có ý tốt khi bỏ chiếc áo lông chui cổ yêu thích của bạn vào trong máy sấy, nhưng giờ nó chỉ khoác vừa chú chim hoàng yến. Việc đó gây ra một kiểu căng thẳng khác – làm sao để cân bằng cảm xúc của bạn khi những ý đồ tốt của chồng gây ra những kết cục không mong muốn.
Trong cả hai trường hợp, những rắc rối xuất phát từ những gì người khác nói hoặc làm.
RẮC RỐI LÀ NHƯ THẾ NÀO?
Những người gây chuyện mang rắc rối đến cho chúng ta, nhưng không phải tất cả rắc rối đều ảnh hưởng đến mọi người theo cách giống nhau. Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ xem xét rắc rối ở một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, nó tác động đến cảm xúc của chúng ta. Không quan trọng là sự kiện gì hoặc ai đã nói hay đã làm điều gì. Điều khiến cho mọi thứ trở nên rắc rối chính là cảm nhận của chúng ta về nó. Đó là lý do tại sao hai người có thể bị kẹt trong một vụ tắc đường và cùng bị trễ một cuộc hẹn, nhưng một người thì bực dọc trong khi người kia lại không như vậy. Thực ra bản thân sự việc không thực sự là vấn đề, chính cách chúng ta phản ứng trước sự việc mới là vấn đề.
Thứ hai, rắc rối thường liên quan đến yếu tố con người. Khi người khác không đáp ứng được mong đợi, chúng ta trải qua sự khó chịu. Họ chen ngang trên đường, họ đến muộn hoặc trả lời tin nhắn một cách mỉa mai. Nếu có một tình huống cụ thể làm phiền chúng ta thì có thể nó có liên quan đến con người. Một ngày vô cùng nóng bức, chúng ta trách cứ các công ty cung cấp điện tại sao tính giá điện cao và sau đó tiếp tục đổ lỗi cho ông chủ vì không tăng lương để chúng ta có thể thoải mái điều chỉnh các bộ điều hòa.
Thứ ba, rắc rối thường đến bất ngờ. Chúng ta bất ngờ vì không biết sự việc sắp diễn ra. Chúng ta đâu có lên kế hoạch cho trọng bệnh, mất việc hoặc cuộc điện thoại lúc nửa đêm của viên cảnh sát vì đứa con đang tuổi thiếu niên gây chuyện.
Thứ tư, rắc rối là vấn đề mang tính cá nhân. Trên thế giới có biết bao điều rắc rối xảy ra, nhưng không phải tất cả đều tác động đến chúng ta. Ở đây chúng ta đang đề cập những câu chuyện bắt chúng ta phải ra khỏi vùng an toàn. Bạn nghe câu chuyện về ông chủ tịch một công ty bị bắt do biển thủ quỹ hưu trí. Câu chuyện sẽ hoàn toàn khác nếu công ty đó là nơi bạn làm việc và đó là quỹ hưu trí của bạn.
Thứ năm, rắc rối thường được phóng đại lên. Điều này không phải lúc nào cũng đúng, nhưng chúng ta thường thổi phồng vấn đề trong suy nghĩ hơn bản thân thực tế sự việc. Mười phút sau giờ giới nghiêm mà cô con gái không có ở nhà, bạn hơi bực mình. Nửa tiếng sau, bạn trở nên giận dữ. Và một giờ sau, bạn hoảng loạn. Một tiếng sau đó, bạn sợ hãi và gọi cảnh sát. Cuối cùng, khi cô bé bước vào cửa, tâm trạng của bạn xáo trộn giữa cảm giác nhẹ nhõm và giận điên người.
VẤN ĐỀ CHÍNH LÀ SỰ KIỂM SOÁT
Sự khó chịu trong một tình huống tùy thuộc vào mức độ kiểm soát của bạn với tình huống đó. Nếu có thể làm được điều gì đó, chúng ta có xu hướng cảm thấy ổn. Xe hơi bị xẹp lốp, chúng ta sửa nó. Bồn cầu bị tràn nước, chúng ta gọi thợ ống nước và dọn sạch chỗ bẩn. Khi mệt, chúng ta nói giọng gay gắt với con cái, rồi sau đó xin lỗi chúng.
Chính những tình huống mà chúng ta không dàn xếp được hoặc những người mà chúng ta không thể thay đổi khiến chúng ta khó chịu nhất. Khi bác sĩ dùng những từ như “không thể chữa được” và “ung thư” trong cùng một câu, sự rắc rối có nghĩa hoàn toàn khác. Khi một người bạn tốt gắt gỏng và phản bội sự tin tưởng chúng ta dành cho họ, chúng ta không đảm bảo rằng phản ứng của mình sẽ là “làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn”. Khi ông chủ vô lý và không lắng nghe lập luận của chúng ta, chúng ta không thể thay đổi ông ấy.
Những tình huống đó ta sẽ xử lý như thế nào? Làm thế nào có thể thoát khỏi những khó khăn đó?
Rắc rối giống như một điệu nhảy giữa hai người. Chúng ta cố chuyển động nhịp nhàng với người còn lại, nhưng chúng ta không biết người kia sẽ bước tiếp những bước nào. Khi họ thực hiện một động tác mà chúng ta không chờ đợi, chúng ta rất nhanh phản ứng lại theo cách khiến cả hai bối rối. Họ đáp lại phản ứng của chúng ta, và điệu nhảy tiếp tục tiến, rồi lui khi mỗi người tự điều chỉnh mình cho nhịp nhàng.
ĐIỀU QUAN TÂM PHỔ BIẾN NHẤT
Một phụ nữ quan sát một người đàn ông trong cửa hàng tạp hóa đi cùng một đứa bé tuổi chập chững biết đi đang la hét và ngúng nguẩy trong xe đẩy. Cậu bé hoàn toàn mất kiểm soát, ra sức tóm các món đồ vứt xuống khỏi kệ và liên tục la hét. Khi người đàn ông di chuyển giữa các gian hàng, ông ta điềm tĩnh lặp đi lặp lại: “Billy, không sao đâu. Bạn có thể làm được việc này. Bạn chịu được mà. Bạn không cần phải buồn bực thế đâu. Bình tĩnh nào, Billy. Ổn rồi.”
Người phụ nữ quá ấn tượng với thái độ của người đàn ông. Nó khiến cô cảm thấy cần phải khen ngợi khả năng kiểm soát cảm xúc của anh ta. Cô nói: “Tôi xin lỗi đã xen vào – nhưng tôi chỉ muốn nói rằng tôi quá ấn tượng với cách mà anh đã nói với cậu bé Billy.”
Người đàn ông trả lời: “Ồ, con trai tôi tên là Jeremy. Tôi mới là Billy.”
Tôi thường thuyết giảng trong các hội thảo để kiếm sống. Mỗi tuần vài lần tôi đến làm việc trong phòng họp của một doanh nghiệp hoặc khách sạn để giúp họ tìm ra những cách thức quản lý thời gian và cuộc sống. Chúng tôi trao đổi về việc khám phá những điều thực sự quan trọng nhất và lựa chọn hàng ngày của chúng ta dựa trên những giá trị đó. Những người tham gia suy nghĩ về những cách thức thực tế giúp họ sắp đặt cuộc sống cá nhân và công việc để hoàn tất các mục tiêu.
Cuối ngày, mọi người đến chỗ tôi và đặt câu hỏi liên quan đến việc áp dụng các mô hình họ học được vào những tình huống cụ thể trong thực tế. Câu hỏi mà tôi nghe thường xuyên nhất được phản ánh trong mối quan tâm của Madelyn:
“Tôi thực sự thích nội dung này và đang háo hức áp dụng vào thực tiễn. Nhưng tôi lại làm việc cho một bà chủ không hiểu điều đó. Tôi có thể thử nhưng bà ấy thì không làm vậy đâu. Bà ấy là người chỉ biết đòi hỏi, không hiểu lý lẽ và không hiểu điều tôi làm. Những điều anh nói nghe rất tuyệt, nhưng tôi bị mắc kẹt trong một tình huống không có lợi cho cả đôi bên. Tôi cảm thấy mình không có bất kỳ lựa chọn nào cả.”
Nghe rất quen phải không? Bạn có thể thay “bà chủ” bằng “chồng/vợ”, “bạn bè”, “gia đình bên nội/bên ngoại”, “cha mẹ” hoặc đơn giản là một kẻ gây chuyện nào đó trong cuộc sống, luôn đem đến cho bạn những rắc rối. Nói tóm lại, dù bạn làm gì đi nữa thì sẽ luôn có người can thiệp vào chuyện của bạn.
Câu trả lời của tôi cho những khó khăn trên đã hình thành nên cấu trúc cuốn sách này. Nhìn chung, tôi gợi ý một quá trình gồm ba bước:
Bước một, hãy cố gắng thay đổi tình huống. Khám phá mọi cách khả thi để tác động đến hành vi của người kia hoặc thay đổi các điều kiện xung quanh. Có thể bạn cần trò chuyện thân mật với người đó mà không có bất kì áp lực nào, hoặc đưa ra giải pháp sáng tạo cho vấn đề. Có thể cần sự dàn xếp, thỏa thuận với người đó để giải quyết vấn đề sao cho có lợi cho đôi bên.
Bước hai, nếu đã thử mọi cách và tình hình không thay đổi, bạn hãy thực hiện bước thứ hai nhìn lại bản thân. Câu hỏi sẽ là: “Trong chuyện này mình đã sai ở đâu?” Tôi có thể làm gì nhằm thay đổi cách bản thân phản ứng hoặc xử lý tình hình để không bị ngụp lặn trong tình huống này?”
Bước ba, trong một số trường hợp, chúng ta cũng có thể để mặc tình trạng như vậy. Nếu bạn làm việc ở một nơi mà ông chủ không chịu thay đổi, còn bạn thì hoàn toàn không thể kiểm soát nổi tình hình nữa, bạn có thể cân nhắc việc tìm kiếm một công việc mới hoặc chuyển sang bộ phận khác trong công ty. Mặc dù vậy, mọi người thường xuyên lựa chọn phương án này trước khi tiến hành thay đổi tình hình công ty và thái độ của chính bản thân họ. Phản ứng tức thì của họ là: “Tôi từ bỏ.” Nhưng chúng ta chỉ nên coi đó là phương cách cuối cùng khi không còn những cách thức khả thi khác. Bởi những lựa chọn này sẽ thường gặp phải vấn đề: Nếu ở chỗ làm mới bạn tiếp tục gặp phải tình trạng này nữa thì sao? Vậy nên hãy cân nhắc kỹ lưỡng.
Lựa chọn thứ ba không phải lúc nào cũng phù hợp. Tôi cho rằng mọi người không kết thúc một mối quan hệ lâu dài với một thành viên trong gia đình vì những rắc rối khiến họ quá mệt mỏi. Nhiều người nhanh chóng lựa chọn phương án này trước khi nỗ lực để duy trì mối quan hệ.
Dưới đây là một ví dụ:
Giả sử nhà tôi là địa điểm truyền thống để sum họp gia đình cho bữa tối Lễ Tạ ơn hàng năm. Đó là ngôi nhà lớn nhất và nằm ở trung tâm thành phố. Tôi yêu quý những người thân của tôi, nhưng tôi phát điên vào thời điểm bữa tiệc kết thúc.
Chú Joe không thích gà tây nên tôi luôn phải chuẩn bị cả giăm-bông. Không ai có ý định mang đến thứ gì, điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải chi toàn bộ. Tina bảo cô ấy không đến được nhưng cuối cùng lại xuất hiện cùng với hai người bạn lạ hoắc. Tôi đã mất nhiều ngày dọn dẹp và chuẩn bị để mọi thứ được sẵn sàng, đến lúc thu dọn thì mọi người lại rủ nhau đi xem bóng đá. Thay vì nói lời biết ơn, điều tôi nhận được chỉ là những lời bình luận về lớp phủ salad có quá nhiều nho khô.
Sau đây là ba phương án tôi đưa ra:
Tôi có thể thay đổi tình hình không? Nếu tôi cam kết tổ chức tiệc Lễ Tạ ơn tại nhà mình, tôi có thể đưa ra các lựa chọn khác:
• Để chú Joe tự mang theo thịt giăm-bông.
• Thuê một người dọn dẹp giúp chuẩn bị mọi thứ.
• Ngắt kết nối truyền hình cáp ti-vi.
• Để nho khô trong một bát riêng.
Nếu mọi người không đồng ý với những gợi ý của tôi, tôi vẫn sẽ chuẩn bị mọi thứ và tiếp tục có thái độ tốt với những hành vi của mọi người.
Nếu tình hình có chiều hướng ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm trạng của tôi, tôi có thể thay đổi điều kiện:
• Chỉ cần nói: “Năm nay tôi không tổ chức
Lễ Tạ ơn tại nhà. Hãy cho tôi biết mọi người muốn gặp gỡ nhau ở địa điểm nào, tôi sẽ tới hỗ trợ”.
• Đặt chỗ tại một nhà hàng địa phương và thông báo cho mọi người biết về chi phí mỗi người tham gia cần đóng góp.
• Sắp xếp để tham gia Lễ Tạ ơn trên du thuyền cùng bạn bè và gia đình.
• Thu xếp việc dựng rạp.
Đó là một áp dụng thực tế của Lời cầu nguyện thanh thản: “Lạy Chúa ban cho con sự bình thản để chấp nhận những điều con không thể thay đổi được. Xin ban cho con can đảm để thay đổi những gì có thể và ban cho con sự khôn ngoan để phân biệt rõ hai điều đó.”
KHÔNG-CÓ-RẮC-RỐI LIỆU CÓ KHẢ THI?
Martin Luther từng nói: “Có thể bạn không ngăn được những chú chim đậu trên đầu mình, nhưng có thể ngăn chúng làm tổ”. Có nhiều sự việc chúng ta không thể ngăn chúng xảy ra và cũng không thể lựa chọn điều mà người khác nói hoặc làm. Những kẻ gây rắc rối luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta.
“Không-có-rắc-rối” không có nghĩa là những rắc rối sẽ không xảy ra, hoặc ta thoát khỏi những người tạo ra nó.
Không có rắc rối nghĩa là thoát khỏi những ảnh hưởng làm suy giảm thể chất và tinh thần mà rắc rối gây ra.
Cuốn sách này bàn về cách có được sự tự do – không để lối sống và thái độ của mình bị kiểm soát bởi những lựa chọn của người khác.
TRÁI NGỌT VÀ NIỀM TIN
Việc thoát khỏi sự rắc rối của người khác không phải là một vai diễn hoặc một vở kịch. Chúng ta không cần phải giả bộ làm điều gì đó khác với bản thân mình hoặc cảm nhận những điều mà chúng ta không cảm nhận được. Điều thực sự cần làm là thay đổi từ trong chính bản thân mình.
Nếu muốn có những trái đào trên cây, chúng ta không cần gắn chúng lên thân cây. Hãy chăm sóc cho cây khỏe và nó sẽ cho quả một cách tự nhiên. Tương tự, chúng ta không cần phải cố hành động hòa ái hơn hoặc kiên nhẫn hơn trong những mối quan hệ đầy những rắc rối. Chúng ta hãy trở nên hòa ái hơn hoặc kiên nhẫn hơn với chính bản thân chúng ta.
Khi bị điều khiển bởi một tình huống rắc rối và bị người khác gây ảnh hưởng trong nhiều năm thì việc kiên nhẫn với bản thân dường như trở nên vô vọng. Nhưng cuốn sách này không dừng lại là một bộ các kỹ thuật tự lực. Nó đề cập đến sự thay đổi chân thật từ sâu trong mỗi người, từ đó chúng ta trở thành mẫu người có sức mạnh nội tâm để giải quyết những vấn đề rắc rối mà người khác mang đến.
Chúng ta cũng không thể phớt lờ tác động của niềm tin trong cuộc sống. Tôi phát hiện ra rằng các nguồn lực để giải quyết những vấn đề liên quan tới mối quan hệ bị hạn chế, nhưng niềm tin vô tận vào Chúa là nguồn sức mạnh lớn nhất giúp hình thành tính cách của tôi. Đức tin của tôi giúp tôi có mối quan hệ tốt hơn với người khác.
LỜI HỨA
Lời hứa của tôi dành cho bạn. Nếu bạn đọc hết cuốn sách này, sẵn sàng thử thách góc nhìn của mình và cam kết hành trình phát triển bản thân. Bạn sẽ học được cách thoát khỏi những áp chế từ lựa chọn và hành vi của người khác. Điều đó không có nghĩa là sẽ không có nỗi đau, nhưng bạn sẽ có các phương thức để giải quyết các tình huống mà không cần phải tảng lờ chúng hoặc bưng bít vết thương tinh thần. Bạn sẽ vun đắp các mối quan hệ trở nên khăng khít hơn, tìm ra nhiều niềm vui trên mỗi chặng của cuộc sống. Bạn sẽ không trở thành nạn nhân của những sai lầm do người khác gây ra. Bạn sẽ chủ động phản ứng thay vì bị động đối phó. Sự chủ động này sẽ ảnh hưởng tích cực đến bạn cả về thể chất và tinh thần.
Bạn sẽ được tự do.