Tôi không nghĩ là chúng ta lại có thể tin tưởng anh ta!”
Anh ta cầm tiền của chúng ta, cả dự án mà chúng ta giao hắn thực hiện. Và rốt cuộc lại biến mất. Cũng không ai khác biết anh ta ở đâu – ngay cả những người làm việc trong những gian hàng ở chợ trời gần đó nhiều năm.
Trong quá khứ, anh ta từng thuê cùng một địa điểm để làm việc nên việc tìm ra anh ta không có gì khó. Anh ta thực hiện công việc với chất lượng đỉnh cao và chúng tôi rất hứng thú về những kết quả đạt được. Chúng tôi có thể lấy bất kì một tấm ảnh phong cảnh nào tại sự kiện và đưa nó cho anh ta. Một tuần sau, tấm ảnh được dán và tráng bằng một lớp sơn chịu nhiệt đặc biệt, làm cho nó giống với một bức tranh nghệ thuật đáng giá cả một gia tài. Tấm hình chống thấm nước, chống hư hại và được bảo vệ khỏi bất cứ thứ gì tác động tới nó.
Ngoại trừ trộm.
Ngoài những điều trên, anh ta có vẻ là một người tốt bụng.
Một buổi sáng thứ Bảy, chúng tôi đến một chợ trời lớn cách nhà chừng ba mươi dặm để tìm một bức tranh dùng để trang trí trong phòng ngủ của khách hàng. Chúng tôi nhấp ngụm cà phê mà lúc trước dừng lại mua khi đang lang thang qua phòng trưng bày ngoài trời. Lựa chọn của chúng tôi đã rất rõ ràng và hoàn hảo. Ngay lập tức chúng tôi mang nó đến chỗ người bán để hoàn thiện. Chúng tôi trao đổi giá cả, trả tiền bức tranh và sắp xếp để gặp anh ta cuối tuần tới.
Cảm xúc: Hết sức hài lòng. Chúng tôi đã có một lựa chọn tuyệt vời. Vị cà phê rất tuyệt khi chúng tôi tận hưởng những thói quen buổi sáng.
Ngày thứ Bảy tiếp theo, chúng tôi dừng lại mua cà phê và tản bộ qua khu vực đỗ xe. Nhưng khi đến chỗ anh ta, không có ai cả. Chúng tôi đi lên, đi xuống một số lối đi khu vực lân cận để chắc chắn đã tìm đến đúng chỗ, nhưng anh ta không còn ở đó.
Chúng tôi cho là anh ta bị ốm và không thể tham gia hội chợ hôm đó. Chúng tôi hiểu, nhưng giá anh ta có thể gọi điện báo một tiếng thì sẽ hay hơn và đỡ cho chúng tôi một chuyến đi.
Cảm xúc: Hơi khó chịu, nhưng có thể hiểu được. Ít ra thì chúng tôi vẫn có tách cà phê ngon.
Trong tuần tiếp theo, chúng tôi cố gắng gạt chuyện đó sang một bên và lên kế hoạch cho một chuyến đi khác xuất phát vào ngày thứ Bảy tiếp theo. Một lần nữa, chúng tôi lại dừng để uống cà phê, gần như là để tự thuyết phục là mình vẫn ổn và có một buổi sáng thú vị. Khi đi qua bãi đỗ xe, chúng tôi nói: “Tuần này mà hắn lại vắng nữa thì đúng là dở hơi!”
Hóa ra đó là lời tiên tri. Chỗ đó lại trống hoác và không một ai thấy anh ta. Chúng tôi cố bình tĩnh, tự trấn an bản thân rằng chắc chắn phải có chuyện gì đó xảy ra vì trong quá khứ anh ta rất đáng tin cậy. Nhưng với giá cả xăng dầu tăng cao, những chuyến đi kiểu này ngày càng trở nên bất tiện. Chúng đã ngốn một phần số tiền mà chúng tôi tiết kiệm được nhờ mua hàng ở chợ trời.
Cảm xúc: Đồ tồi. Gần như giận điên, nhưng cố không buộc tội anh ta vì chúng tôi còn chưa biết hết câu chuyện. Tách cà phê có vẻ nguội nhanh và chúng tôi quẳng luôn cốc cà phê mới uống hết một nửa.
Một tuần nữa lại trôi qua. Chúng tôi không đề cập gì về chuyện đó, nhưng tình huống đã mở ra vẫn còn đó. Chúng tôi lên kế hoạch trở lại vào thứ Bảy, khi đó sẽ xác định liệu những nỗi lo lắng của mình có cơ sở hay không. “Chắc chắn lần này anh ta sẽ ở đó… và rồi anh ta sẽ cho chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra”.
Số điện thoại của anh ta được ghi ở mặt sau của tờ biên lai. Để chắc chắn, tôi đã gọi và để lại một lời nhắn nhẹ nhàng và lịch sự: “Chào anh, cách đây vài tuần chúng tôi có đến chỗ anh và để lại bức tranh nhờ anh đóng khung. Anh trao đổi rằng ngày thứ Bảy tuần sau đó sẽ hoàn thành công việc, chúng tôi đến theo lịch hẹn nhưng không tìm thấy anh. Rồi ngày thứ Bảy tuần tiếp theo cũng vậy. Vì thế, chúng tôi định ghé qua vào ngày mai, mong là mọi việc đều ổn và chúng tôi có thể lấy bức tranh. Vì đường đi rất xa, nên chúng tôi muốn xác nhận trước khi đến. Hẹn gặp anh sáng mai.”
Điện thoại không đổ chuông. Chúng tôi lái xe ba mươi dặm đến chợ trời. Lần này, chúng tôi không uống cà phê. Người ta chỉ uống cà phê khi thấy vui và có một buổi sáng thư giãn mà thôi. Chúng tôi nghĩ sẽ uống cà phê sau khi lấy được bức tranh và mọi việc đều tốt.
Anh ta vẫn không có ở đó.
Cảm xúc: Tức giận vì anh ta không liên hệ gì với chúng tôi. Tức giận vì chúng tôi bị lừa. Tức giận vì anh ta đã lấy tiền, giữ bức tranh và rõ ràng đã bỏ đi khỏi thị trấn cùng với đồ của chúng tôi và có thể cả đồ của người khác nữa. Tức giận chính mình vì đã tin tưởng anh ta. Tức giận trước thực tế là chúng tôi đã lái xe quãng đường dài 240 dặm trong cả bốn ngày thứ Bảy. Quá nhiều bức xúc, pha trộn giữa những cảm xúc mãnh liệt và vấn đề về lòng tin. Tức giận trước thực tế là chúng tôi phải xác định mình sẽ làm gì tiếp. Cộng với việc không được uống giọt cà phê nào khiến cho mọi thứ thậm chí còn khó chịu hơn.
Khi về đến nhà, tôi đã đủ bình tĩnh để gọi một cuộc điện thoại. Tôi cố gắng lịch sự nhưng giọng kiên quyết trong tin nhắn thoại: “Tôi gọi lại vì vấn đề bức tranh. Anh không trả lời những cuộc điện thoại của chúng tôi và điều đó không thể khiến chúng tôi nghĩ được gì hay ho hơn. Anh hãy phản hồi lại để chúng tôi biết khi nào và ở đâu chúng tôi có thể lấy bức tranh. Chào.”
Chúng tôi đi hết ngày, nhưng tin nhắn trả lời cho thấy anh ta đã gọi trong vòng một giờ kể từ khi nhận được tin nhắn. “Ồ, là gã ở chợ trời”. Giọng anh ta run rẩy. “Tôi rất xin lỗi về mọi chuyện, tôi sẽ thu xếp để anh lấy bức tranh.” Giọng run rẩy chuyển sang tiếng nức nở. “Con trai mới sinh của chúng tôi bị chết trong cũi cách đây vài tuần. Các bác sĩ nói đó là hội chứng trẻ sơ sinh chết đột ngột. Đó là con trai duy nhất của tôi… Tôi không biết phải làm gì nữa… Tôi thực sự xin lỗi… Ai đó đã mang toàn bộ tranh của tôi đến nhà kho của họ và anh có thể lấy tranh của anh ở đó”. Giọng anh ta nhỏ dần trước lúc ngắt kết nối: “Tôi rất xin lỗi…”
Cảm xúc: Đau lòng và cảm thông sâu sắc với những mất mát đau thương của anh ta. Xấu hổ về những giả thiết mình đưa ra. Mong muốn tột độ được gặp anh ta.
Tôi gọi và để lại lời nhắn tràn đầy sự cảm thông và lòng trắc ẩn. Bức tranh không còn quan trọng nữa. Chúng tôi nghĩ về anh ta theo một cách hoàn toàn khác – một người đàn ông rơi vào tình trạng đau khổ tột cùng và cần những vòng tay làm lành vết thương.
Chúng tôi bị tuột khỏi chiếc tàu lượn cảm xúc. Đã một tháng trôi qua với đầy rẫy những tình huống bực bội. Nhưng sự khó chịu của chúng tôi chẳng có chỗ để so sánh với những mệt mỏi mà anh chàng ở chợ trời đã trải qua.
GÓC NHÌN SỰ VIỆC
Cũng gần giống việc chúng ta nói không thích các mối quan hệ phiền phức, chúng ta bị hấp dẫn bởi những kịch tính trong các chương trình truyền hình thực tế. Khi “nhân vật phản diện” xuất hiện, chương trình càng trở nên hấp dẫn và chúng ta không thể rời mắt khỏi màn hình được. Nội dung giật gân, kịch tính làm tăng tỷ lệ người xem và ngay hôm sau chúng ta đi nói chuyện với bạn bè về các tập phim mới xem. Chúng ta thích theo dõi những kẻ gây chuyện – miễn là không phải tương tác với họ.
Trong cuộc sống, ai cũng gặp những tình huống rắc rối, nhưng nhiều người để những tình huống đó chi phối mình. Cuộc sống và cảm xúc của họ dường như bị phó mặc cho mọi thứ xảy ra xung quanh. Nếu không nhận ra điều đó, họ sẽ trở thành nạn nhân của những lỗi lầm do người khác gây ra và cuộc sống của họ sẽ bị kiểm soát bởi người khác.
Nghĩ lại những sự việc xảy ra ở chợ trời, tôi hay nghĩ đến tình huống ở đó khiến tôi bực bội. Cảm xúc của tôi đến từ đâu trong quá trình đó? Vì tôi không biết được toàn bộ sự thật, vậy nhận thức sai lầm xuất phát từ tình huống hay từ lý giải của tôi về tình huống? Liệu tôi có thể phản ứng khác đi không? Lần sau nếu việc tương tự diễn ra thì tôi có thể xử lý như thế nào? Tôi nên nhìn nhận ra sao?
Tôi nhận ra vấn đề của mình gồm ba yếu tố:
Thứ nhất, tôi không biết toàn bộ sự thật, vì vậy đã đưa ra các giả định.
Thứ hai, quả quyết những giả định đó là đúng.
Thứ ba, cảm xúc của tôi dựa trên các giả định không chính xác (nhưng tôi không biết rằng chúng không đúng sự thật).
Lưu ý rằng toàn bộ quá trình trên diễn ra trong đầu tôi. Trong trường hợp này, tôi khó chịu bởi người khác làm đảo lộn cuộc sống của mình. Nhưng nếu biết sự thật, có thể tôi đã đưa ra những giả thiết đúng đắn hơn và trải qua những cảm xúc khác. Trên thực tế, đó chính xác là những gì đã diễn ra khi tôi tìm ra sự thật.
Đó là vấn đề về góc nhìn của chúng ta. Chúng ta luôn nhận định mình đúng dựa vào thông tin mà chúng ta có.
Phần lớn nội dung cuốn sách này bàn về cách phản ứng khi người khác đưa ra những lựa chọn khiến cuộc sống của chúng ta bị đảo lộn. Nhưng điểm khởi đầu lại là ở cách nhìn nhận của chúng ta. Cho dù người khác có làm gì đi nữa, nhưng cách nhìn nhận mới là yếu tố quyết định đến cảm nhận và phản ứng của chúng ta.
Cách nhìn nhận của chúng ta là những lăng kính mà qua đó chúng ta nhận thức thế giới xung quanh. Nó tương tự như khi ta đeo kính. Chúng ta không để ý đến mắt kính trừ khi chúng quá bẩn. Chúng ta nhìn nhận thế giới thông qua những mắt kính đó. Nếu mắt kính bị cắt sai số độ, mọi thứ sẽ trở nên méo mó. Khi chuyện đó xảy ra, chúng ta thường không nghi ngờ mắt kính mà chỉ đặt giả định là sự vật ta đang nhìn có vấn đề.
Chúng ta vốn không “khùng” khi sinh ra. Những năm đầu đời sẽ quyết định cách một người nhìn nhận thế giới có phải là một nơi an toàn hay không. Đó là lúc lăng kính được hình thành và con người sử dụng nó trong suốt quãng đời còn lại để nhìn nhận mọi thứ. Nếu ngay từ đầu họ đã có những trải nghiệm tin cậy và tích cực thì họ có thể cảm thấy an toàn và tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp. Nếu họ phải trải qua những trải nghiệm tiêu cực và gặp phải nhiều tổn thương, họ sẽ nhìn thế giới như một nơi không an toàn và phát triển các kỹ năng để vượt qua những bãi mìn của cuộc đời. Khi điều đó xảy ra, cách họ giải quyết vấn đề có thể trông dở hơi trong mắt người khác.
Ví dụ, người giàu thường cho rằng người nghèo sẽ hạnh phúc hơn nếu trở nên giàu có, còn người giàu sẽ trở nên bất hạnh nếu họ trở nên nghèo túng. Song một số người giàu có nhất trong xã hội lại chính là những người không hài lòng với cuộc sống nhất vì họ chưa tìm được hạnh phúc đích thực. Một số người nghèo nhất lại tìm được niềm vui đích thực từ những mối quan hệ thân thiết và lối sống giản đơn.
Có một câu chuyện được kể lại rằng:
Một doanh nhân người Mỹ đứng trên bến cảng của một ngôi làng nhỏ ven biển Mê-hi-cô. Đúng lúc đó, một con thuyền nhỏ chỉ có một ngư dân cập cảng. Trong con thuyền nhỏ chất đầy cá ngừ to vây vàng. Người doanh nhân Mỹ bước đến gần và tán thưởng ngư dân Mê-hi-cô về chất lượng cá trên thuyền, và hỏi ông ta mất bao lâu để đánh bắt được chỗ cá này. Người đàn ông Mê-hi-cô trả lời: “Chỉ một lúc thôi”. Ông người Mỹ lại hỏi sao người ngư dân không ở biển lâu hơn để bắt được nhiều cá hơn. Người ngư dân trả lời rằng ông đã bắt đủ cho nhu cầu của gia đình. Người đàn ông Mỹ sau đó lại hỏi: “Vậy thời gian còn lại trong ngày anh làm gì?” Người ngư dân nói: “Tôi ngủ muộn, đi đánh cá một lúc, chơi với con cái, ngủ trưa với vợ, mỗi buổi tối tôi đi dạo trong làng, rồi uống rượu và chơi ghi ta với những người bạn. Đó là toàn bộ cuộc sống bận rộn của tôi, thưa ông.”
Doanh nhân người Mỹ cười và tỏ ra hợm hĩnh: “Tôi là thạc sỹ quản trị kinh doanh của Đại học Stanford và tôi muốn giúp anh. Đầu tiên, anh nên dành nhiều thời gian hơn để đánh bắt cá và với số tiền kiếm được từ việc bán cá, anh có thể mua một chiếc thuyền lớn hơn. Với số tiền thu được từ con tàu lớn hơn, anh có thể mua thêm một số tàu thuyền. Cuối cùng, anh sẽ có một đội tàu đánh cá. Thay vì bán cá cho một người trung gian, anh sẽ bán trực tiếp cho những công ty chế biến và sau cùng sẽ mở riêng một nhà máy sản xuất đồ hộp. Anh có thể kiểm soát được sản phẩm và thị trường, rồi tiến tới kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất và phân phối. Và tất nhiên, sau đó anh sẽ rời khỏi làng chài nhỏ ven biển này và đến Thủ đô của Mê-hi- cô, sau đó là Los Angeles và cuối cùng là New York. Từ đây anh sẽ điều hành một doanh nghiệp lớn với chi nhánh ở khắp mọi nơi.”
Nghe xong, người ngư dân hỏi: “Nhưng thưa ngài, mất bao lâu để làm được những việc này?”
Người doanh nhân Mỹ trả lời: “Có thể mất từ mười lăm đến hai mươi năm.”
“Rồi sau đó thì sao, thưa ngài? Điều gì sẽ xảy ra sau mười lăm đến hai mươi năm?”
Doanh nhân người Mỹ cười và nói: “Đó là phần hay nhất. Vì lúc đó là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp của ông lên sàn và bán cổ phiếu ra công chúng. Ông sẽ trở thành người giàu có vô cùng và kiếm hàng triệu đô.”
“Hàng triệu đô-la, sau đó tôi sẽ làm gì?”
“À”, doanh nhân người Mỹ chậm rãi nói: “Sau đó, anh sẽ nghỉ hưu, chuyển đến một làng chài nhỏ ven biển, nơi anh có thể ngủ muộn, chơi với lũ trẻ, ngủ trưa với vợ anh, đi dạo trên các con đường vào làng mỗi tối, tới quán quen nhâm nhi rượu và chơi ghi-ta...” Người ngư dân Mê-hi-cô phá lên cười: “Thưa ngài, tại sao tôi lại phải tiêu mất 15-20 năm của mình để đạt được cái tôi đang có bây giờ?”
Kinh Thánh nói rằng: Bất kỳ tranh luận nào cũng đều có lý cho đến khi ta nghe được lời nói từ phía bên kia. Điều đó không có nghĩa là chúng ta sai và người kia đúng. Nó có nghĩa là có thể góc nhìn của chúng ta về vấn đề chưa đầy đủ. Hy vọng duy nhất mà chúng ta có để đối phó với những kẻ gây chuyện là đặt những giả định, hành động, và phản ứng của chúng ta dựa trên sự thật.
Chúng ta cần sự khiêm tốn để nghi ngờ quan điểm của chính bản thân mình. Chừng nào chưa nhìn vấn đề từ góc nhìn của người khác, chúng ta chưa có được bức tranh toàn diện.
NHỮNG CƠ HỘI CHO SỰ THAY ĐỔI
Một số người bị ảnh hưởng bởi sự rắc rối của người khác trong một thời gian dài, họ không hình dung ra được một cách sống khác – hay thậm chí đơn giản là tin tưởng có một cuộc sống khác. Liệu cuộc sống của tôi có thể khác đi không? Liệu tôi có thể sống cuộc đời tự do, thoát khỏi hành động áp đặt của người khác?
Câu trả lời là: “Có”. Khả năng thành công trong việc thay đổi hành vi của một ai đó cao như khi bạn yêu cầu đám thiếu niên dọn phòng của chúng: có thể thành công, nhưng không hoàn toàn chắc chắn (và không thể thiếu một cuộc cãi vã). Nhưng chúng ta luôn có thể quyết định được cách chúng ta phản ứng với người khác. Có thể đó là một điều không quen thuộc và cần một lối tư duy khác. Mà muốn có được lối tư duy này, ta phải học và thực hành rất nhiều. Nhưng điều đó hoàn toàn khả thi.
Đây là cuốn sách viết về niềm hy vọng. Chúng ta không thể loại trừ hoàn toàn rắc rối hoặc thoát khỏi những kẻ gây chuyện trong cuộc sống. Nhưng chúng ta có thể học cách để sống chủ động thay vì đối phó, hãy sống tích cực để cuộc đời luôn rạng rỡ.
• Chúng ta sẽ học những bí quyết để sống trong tập thể toàn những người rắc rối mà ta không tránh được, trở thành người chiến thắng thay vì là nạn nhân.
• Chúng ta sẽ học cách tìm hiểu và chấp nhận tính cách riêng của mình, tận dụng thế mạnh của bản thân theo cách chúng được tạo ra.
• Chúng ta sẽ khám phá ảnh hưởng của người khác tới cuộc sống của mình và biết cần làm gì trước những phản ứng của họ.
• Chúng ta sẽ bàn về những điều có thể làm để tác động đến những mối quan hệ đó và cách xử lý khi họ không thay đổi.
• Chúng ta sẽ học cách thấu hiểu và khai thác sức mạnh của những cảm xúc trong các mối quan hệ thay vì bị chúng đe dọa.
• Chúng ta sẽ tìm hiểu đặc điểm tính cách của người khác, từ đó giúp chúng ta xử lý tình huống phiền phức một cách tinh tế.
Sống trong hy vọng xuất phát từ việc nhìn nhận đúng bản chất vấn đề. Hãy bắt đầu với việc kiểm tra cách nhìn nhận của chính mình trước khi gây ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của người khác.
Đó là cách để thay đổi từ trong ra ngoài.