Hãy hình dung mọi thứ sẽ ra sao nếu mọi người đều có một màn hình ti-vi gắn trong đầu. Nhờ có nó mà chúng ta có thể nhìn thấy chính xác điều mà mọi người đang suy nghĩ. Lời nói của họ thể hiện một ý, còn màn hình sẽ cho thấy những suy nghĩ thật sự của họ:
Lời họ nói: “Màu sắc trang phục của bạn trông thật tuyệt vời!”
Điều họ nghĩ có thể là: “Tôi nhớ thời điểm ngày xưa lúc màu đó hợp mốt.”
Lời họ nói: “Tôi rất vui vì chúng ta có thể dành thời gian bên nhau.”
Điều họ nghĩ có thể là: “Tôi sẽ không cảm thấy chán ngấy cho đến lần tới chúng ta lại gặp nhau.”
Lời họ nói: “Em bé nhà bạn thật đáng yêu.”
Điều họ nghĩ có thể là: “Trời, chắc giai đoạn sinh nở khó khăn lắm nhỉ?”
Có vẻ sẽ rất hữu ích nếu chúng ta biết đích xác điều người khác đang nghĩ. Thay vì phỏng đoán phản ứng của họ, chúng ta chỉ cần nhìn vào những gì họ thực sự cảm nhận. Việc biết được sự thật sẽ giúp cho việc giao tiếp dễ dàng hơn nhiều, phải vậy không?
Trong chừng mực nào đó thì điều này có thể đúng. Chúng ta rất muốn đọc suy nghĩ của người khác. Nhưng bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu có một màn hình biết được suy nghĩ của bạn, bạn không thể giấu được những suy nghĩ thực của mình? Ồ, đó lại là một câu chuyện khác.
Nếu trong đời mỗi người có một người mà khi ở bên họ chúng ta có thể được là chính mình, thì người đó thật đáng quý biết bao. Chúng ta quan tâm tới họ và họ chia sẻ sự chân thành với chúng ta. Chúng ta làm điều đó một cách vô tư nhất. Và họ cũng quan tâm chúng ta theo cách tương tự. Những mối quan hệ đó quả là hiếm có và vô giá.
Cách đây vài năm, tôi và vợ tính chuyển sang một thành phố khác. Đó không phải là một sự thay đổi lớn, vì thành phố đó chỉ cách nơi đang ở khoảng ba mươi dặm. Chúng tôi vẫn có thể đi làm và vẫn gần gũi con cái và gia đình chúng. Chúng tôi sẽ sống ở một nơi mà chúng tôi luôn bị hấp dẫn. Giá nhà tương đương nhau nên sẽ dễ dàng đưa ra quyết định di chuyển.
Tuy nhiên, chúng tôi đã quyết định ở lại nơi mình sống trong hơn 20 năm qua. Thành phố mới ở xa nên chúng tôi phải bắt đầu thiết lập mới hoàn toàn các mối quan hệ. Trước đây tôi đã từng trải qua giai đoạn này, và tôi trân trọng giá trị của những mối quan hệ hiện tại. Họ không phải là những người bạn hời hợt. Họ là những người thân thiết và chúng tôi đã cùng nhau vun đắp trong hơn hai thập kỷ. Chúng tôi hỗ trợ nhau trong việc nuôi dạy con cái, hỗ trợ nhau làm tốt nhiều công việc một lúc và cùng nhau đối mặt với những thách thức của từng cá nhân.
Đúng vậy, chúng tôi có thể kết bạn mới. Nhưng chúng tôi cũng nhận thức được rằng, sẽ mất rất nhiều thời gian và năng lượng để có thể tạo dựng những mối quan hệ thân thiết, vốn rất quan trọng với mình. Giống như những viên kim cương, các mối quan hệ đó được vun đắp theo thời gian và trải qua những thách thức. Đối với chúng tôi, họ quý giá vô cùng và chúng tôi không mong muốn phải từ bỏ những mối quan hệ đó.
GIAI ĐOẠN ĐẦU CỦA MỐI QUAN HỆ
Các mối quan hệ giống như những dòng sông.
Những dòng sông sâu nhất có vẻ đẹp quyến rũ và dòng chảy mạnh nhất có thể hút hồn bạn. Nhưng hãy lần theo những dòng sông đó về đầu nguồn. Chúng bắt đầu từ những giọt nước trên núi cao, tạo thành những dòng lạch nhỏ, rồi trở thành những dòng suối hiền hòa. Từ đó, chúng cùng đổ vào một hướng, tạo ra khối lượng nước lớn khi hòa vào những dòng chảy dữ dội ở hạ nguồn.
Mối quan hệ khởi đầu từ những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi. Hai người không quen nhau lần đầu gặp mặt. Những câu chữ đầu tiên thường là lời chào hỏi, một vài câu xã giao để phá vỡ bầu không khí trầm lắng và bắt đầu trò chuyện. Thực tế là chúng ta không biết gì về người kia, do vậy chúng ta bắt đầu nắm bắt thông tin qua lời nói và hình ảnh để hình thành nên ấn tượng ban đầu về họ. Trong vô thức, chúng ta nảy sinh những suy nghĩ về họ dựa trên những yếu tố như: ngoại hình, cách ăn mặc, lối nói chuyện bằng ánh mắt, kiểu tóc, phong cách và giọng nói. Bạn thầm nghĩ: “Tôi đoán họ là người như thế này.” Tất nhiên, những nhận định của chúng ta có thể hoàn toàn sai, nhưng cần phải có những ấn tượng ban đầu.
Từ những thông tin ban đầu đó, chúng ta tiếp tục lắng nghe và tìm kiếm thêm những manh mối để biết được liệu đánh giá của mình là đúng hay sai. Thời gian tương tác càng lâu thì chúng ta càng có thêm nhiều dữ liệu để xác minh những ấn tượng của mình về họ.
Vậy nên chúng ta bắt đầu ngắn gọn và đơn giản: “Bạn khỏe không?”
“Tôi khỏe, thế còn bạn?”
Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng đó là cách phù hợp để thăm dò một mối quan hệ mới. Ban đầu, nếu đi quá sâu và riêng tư, câu chuyện sẽ không hiệu quả: “Xin chào. Tôi là Bonnie. Bạn nặng bao nhiêu kg?”
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA MỐI QUAN HỆ
Những giọt nước nhỏ đó bắt đầu tụ lại khi chúng ta tìm hiểu thêm về người kia và tìm kiếm điểm tương đồng. Dần dà, chúng ta tìm hiểu về sở thích và các ưu tiên của người đó. Càng nói chuyện nhiều, chúng ta càng có khả năng quyết định liệu có thể có mối quan hệ tốt với người đó không.
Ta càng kết nối nhiều thì càng có cơ hội để người kia hiểu về cuộc sống của chúng ta. Những mối quan hệ khăng khít đều không phải luôn thân thiết ngay từ lúc khởi đầu. Chúng lớn lên theo thời gian nhờ trải qua hàng loạt những trải nghiệm mới, gây dựng được niềm tin từ hai phía.
Một khi đã tin tưởng và tạo dựng được một mối quan hệ, chúng ta sẽ thấy thoải mái khi ở bên người đó. Dòng sông trở nên sâu hơn và dòng chảy nhanh hơn.
Chúng ta đã xác định được “điểm chuẩn” để mối quan hệ tiến triển tốt. Chúng ta cũng có những kỳ vọng ngầm về mối quan hệ đó sẽ tiến triển ra sao.
Nhưng càng gần gũi thì mối quan hệ càng trở nên thách thức hơn. Cũng như một dòng nước chảy tràn qua bờ sông và đi theo các hướng khác nhau tạo ra những dòng chảy mới, với một mối quan hệ, thường thì không thể đoán trước được hướng đi. Khi một người đi ngược lại với những mong đợi của chúng ta, chúng ta không thấy thoải mái và muốn đưa mọi thứ quay về “điểm chuẩn” ban đầu nơi mà ta thấy hài lòng.
Càng bị đưa ra xa điểm chuẩn nhiều, chúng ta càng bị đẩy xa khỏi kỳ vọng của mình và càng cảm thấy không thoải mái. Chúng ta cho rằng, vấn đề không phải do mình, nên có thể khẳng định rằng người kia chắc chắn là người gây chuyện.
NĂM QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ MỐI QUAN HỆ
“Điều đó đã quá rõ ràng. Tại sao họ không chịu hiểu chứ?”
Liên quan đến các mối quan hệ, thật dễ để thắc mắc tại sao mọi thứ không đi theo những gì mà chúng ta đã định. Chúng ta sẽ thường tự nhủ: “Rốt cuộc mình hoàn toàn có lí. Chỉ cần người kia dành thời gian lắng nghe quan điểm của mình, họ sẽ hiểu ngay và mọi việc sẽ ổn. Sao họ không chịu hiểu nhỉ?”.
Có lẽ họ đang nghĩ tương tự như vậy về chúng ta.
Các mối quan hệ không phù hợp với những cấu trúc nhỏ, gọn gàng. Chúng rất lộn xộn. Chúng ta có thể lên kế hoạch tiếp cận những kiểu người khác nhau. Giả sử họ sẽ phản ứng theo một cách nào đó. Vì họ là những cá thể đơn nhất, nên mỗi người sẽ có cách phản ứng riêng. Chúng ta không bao giờ biết họ sẽ phản ứng ra sao cho đến khi họ hành động. Do vậy, nếu hành động và lựa chọn của chúng ta dựa trên những gì chúng ta phán đoán, thì khả năng cao là chúng ta sẽ thất vọng.
Chúng ta thường cư xử dựa trên những nguyên tắc hoặc những lời đồn đoán không chuẩn xác. Những điều này không phải chủ ý của chúng ta mà chỉ là những giả định sai lầm, ngăn chúng ta tiến tới các mối quan hệ lành mạnh.
1. Nếu tôi thuyết phục được một người bằng những sự thật, họ sẽ phản ứng hoàn toàn khác
Cố gắng sử dụng logic để thay đổi phản ứng cảm xúc của một người chẳng khác nào việc dùng nước dập tắt ngọn lửa bùng lên do dầu mỡ cháy trong bếp. Hai thứ này không thể hòa lẫn được, mà thậm chí có thể khiến ngọn lửa bùng to hơn.
2. Tôi sẽ không bao giờ vui vẻ nếu mối quan hệ chưa được hàn gắn
Cách nhìn nhận này cho phép người kia điều khiển, làm chủ cảm xúc của chúng ta. Đó là một phản ứng bị động, nó lấy đi sự tự do để phát triển của chúng ta. Chúng ta trở thành nạn nhân của những lỗi lầm và lựa chọn của người khác.
3. Nếu họ trung thành với Chúa, mọi thứ sẽ ổn
Một người mất đi đức tin có thể khiến cho cuộc sống của họ bị tàn phá, dù không gì có thể đảm bảo rằng đời sống tinh thần lành mạnh sẽ giải quyết được mọi vấn đề liên quan đến mối quan hệ. Con người luôn trong quá trình hoàn thiện bản thân. Tất cả chúng ta đều luôn trong quá trình tự hoàn thiện, phát triển và sẽ không bao giờ chạm đến sự hoàn hảo trong cuộc đời. Bạn đã bao giờ chứng kiến những con chiên không đồng tình về một điều gì đó chưa?
4. Cần hai người để có thể cải thiện một mối quan hệ
Nếu một người không hợp tác trong việc vun đắp mối quan hệ, rất khó để nó trở thành một mối quan hệ lành mạnh, vững chắc. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta bị mắc kẹt với những lối hành xử bất thường.
Khi nắm được cách phản ứng thích hợp, chúng ta có thể kiểm soát cảm xúc của mình. Chúng ta không trả đũa người kia mà chỉ làm giảm bớt ảnh hưởng của họ đến cuộc sống của mình mà thôi.
5. Nếu tôi kiên nhẫn và không từ bỏ, cuối cùng sẽ lay chuyển tâm ý của họ
Hy vọng sai lầm làm tổn hại đến cả hai phía trong một mối quan hệ. Chúng ta muốn người kia thay đổi và chúng ta hy vọng, cầu nguyện điều tốt lành nhất. Nhưng người kia phải chịu trách nhiệm cho chính những lựa chọn của họ và kết quả của những lựa chọn đó. Nếu chúng ta cho rằng sự kiên định của mình sẽ làm họ thay đổi thì chúng ta đang chịu trách nhiệm thay họ. Nếu họ không thay đổi, chúng ta tự đẩy mình vào tình huống thất vọng.
NĂM SỰ THẬT VỀ MỐI QUAN HỆ
Vậy, chúng ta hiểu gì về những mối quan hệ?
1. Những người mà ta dành nhiều thời gian nhất có xu hướng tạo ra những tình huống rắc rối nhất
Mọi người sẽ tác động đến chúng ta theo những cách khác nhau. Một người mà bạn tình cờ quen có thể làm bạn khó chịu, nhưng bạn đâu có thường xuyên gặp họ. Mặt khác, người ngồi cạnh bạn tại nơi làm việc, sống trong nhà bạn, hoặc đến nhà bạn vào mỗi dịp lễ có thể khiến cảm xúc của bạn bị đảo lộn.
2. Mối quan hệ cần sự nỗ lực
Có người nói: “Trong cuộc sống, những điều tuyệt vời nhất đều miễn phí.” Xét ở góc độ tiền bạc thì điều đó có thể đúng, nhưng cần phải có sự cam kết rõ ràng để vượt qua sự rắc rối mà người khác mang đến cuộc sống của chúng ta. Mọi quan hệ cần sự nỗ lực gây dựng và vun đắp.
3. Mối quan hệ cần phải có thời gian
Trên truyền hình, nhiều mối quan hệ dường như được hàn gắn chỉ bằng một hoặc hai cuộc trò chuyện. Trong đời sống thực, những cuộc trò chuyện đó có xảy ra – nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong một quá trình hàn gắn dài hơi. Cũng giống như một vết thương trên cơ thể cần có thời gian chữa lành, không thể tìm ra giải pháp cho những vấn đề thuộc về cảm xúc chỉ sau một đêm.
4. Quá khứ không dự đoán được tương lai
Trong một mối quan hệ lâu dài, mong muốn có một sự thay đổi có thể khiến chúng ta cảm thấy vô vọng. Đứa em ruột có kiểu hành xử nhất định nào đó trong nhiều năm, vì thế bạn cho rằng “không thể dạy chó già trò mới”. Nhưng cơ hội duy nhất để hy vọng vào một mối quan hệ là dành chỗ cho các khả năng có thể xảy ra. Sẽ không có gì đảm bảo nhưng luôn có hy vọng.
5. Đừng trở thành nạn nhân
Trong một mối quan hệ có hại, bạn dễ cảm thấy mình bị người khác lấy đi những gì tốt đẹp. Đúng là họ có thể không bao giờ thay đổi và có thể luôn có tình huống rắc rối trong mối quan hệ. Nhưng chúng ta đừng để họ làm xáo trộn cuộc sống của mình. Chúng ta có quyền lựa chọn hành động của mình.
CÁC PHƯƠNG ÁN ĐỐI PHÓ VỚI NGƯỜI GÂY RẮC RỐI
Trong cuộc sống, càng có nhiều kẻ gây chuyện thì khả năng tạo ra rắc rối càng cao. Càng có nhiều rắc rối ta càng thấy khó chịu.
Để trở về điểm chuẩn, một trong ba phương án thường được áp dụng đã trình bày trong phần 1:
Thứ nhất, thuyết phục người gây rắc rối thay đổi.
Thứ hai, sống chung với họ.
Thứ ba, loại bỏ họ ra khỏi cuộc sống của bạn.
Phương án đầu tiên đáng để cân nhắc nhưng thường không thực tế. Nếu đặt trọn hy vọng vào việc thay đổi một người khác cho khớp với mong đợi của chúng ta về mối quan hệ thì chúng ta sẽ chỉ thất vọng thôi. Chúng ta không thể ép người khác thay đổi. Tin vào việc có thể thay đổi một người đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự đặt mình vào những nỗi đau cảm xúc không ngừng. Chúng ta có thể tác động để họ thay đổi, nhưng không thể đòi hỏi điều đó. Một bà mẹ có thể ép cậu con trai ngồi vào ghế phạt một lúc. Tuy nhiên, đứa trẻ có thể bên ngoài thì đang ngồi theo ý mẹ, nhưng bên trong thì đang chống đối.
Phương án thứ hai là một phiên bản sai lệch của một phản ứng lành mạnh và nó thường dẫn đến rắc rối triền miên: “Tôi cho rằng đây là điều mà số phận mình phải gánh chịu trong đời. Tôi sẽ chẳng bao giờ có thể vui vẻ vì người này đã mắc kẹt trong cuộc đời tôi và họ sẽ không bao giờ chịu thay đổi.” Vế sau của lập luận đó thường đúng: Họ sẽ mãi mãi như vậy và luôn “gây chuyện”. Nhưng lựa chọn sống như một nạn nhân hay không là ở bạn. Chúng ta có thể lựa chọn cách chúng ta phản ứng.
Phương án thứ ba hiệu quả trong một số tình huống, nhưng lại khó khăn trong một số tình huống khác. Không phải lúc nào bạn cũng chọn được đồng nghiệp hoặc ông chủ như ý mình. Thành viên trong gia đình sẽ luôn là thành viên gia đình dù họ sống ở nơi nào đi chăng nữa. Khi đứa trẻ hai tuổi làm bạn nổi cáu, bạn không thể nói: “Này, con đừng có mong là có thể thương lượng được ở đây. Con đang làm mẹ tức điên.
Đã đến lúc con phải đi. Cuối tuần này chúng ta bán đồ trong kho…”
Khi không thể thay đổi hay loại bỏ tình huống, chúng ta có thể chọn cách phản ứng của mình trước tình huống đó. Đó là một cách phản ứng chủ động giúp ta không trở thành nạn nhân do những lựa chọn của người khác.
HY VỌNG HÀN GẮN
Một ai đó từng nói nếu bạn từng tìm được một tổ chức hoàn hảo, đừng gia nhập, nếu bạn tham gia, nó sẽ không còn hoàn hảo nữa. Mối quan hệ cũng tương tự như vậy. Tác giả Kathy Collard Miller chia sẻ về cuộc gặp gỡ với người đàn ông mà sau này trở thành chồng cô. Cô nghĩ rằng anh là hiệp sĩ trong chiếc áo giáp sắt bóng loáng và hôn nhân của họ sẽ hoàn hảo. Sau đó, cô bắt đầu nhận ra những vết gỉ sét.
Thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể vẫy cây đũa thần và tất cả những tình huống rắc rối sẽ biến mất phải không? Điều đó sẽ không xảy ra đâu. Đó là vấn đề: Chúng ta đều là những con người không hoàn hảo. Chừng nào còn sống trong một thế giới không hoàn hảo, vây quanh là những con người không hoàn hảo thì chúng ta sẽ cần tiếp tục đối phó với tình huống rắc rối trong các mối quan hệ.
Có được các mối quan hệ lành mạnh không có nghĩa rằng cuộc đời bạn chỉ gồm những người hoàn hảo hoặc cuộc sống không có những rắc rối. Điều đó không có nghĩa rằng những người khác sẽ thay đổi bản thân để tốt hơn mà nó có nghĩa là chúng ta cải thiện mối quan hệ từ phía mình, bất kể có chuyện gì xảy ra ở phía bên kia. Chúng ta không thay đổi họ, chúng ta thay đổi chính mình.
Khi ở trạng thái tốt, chúng ta có thể có hy vọng.