Ai giữ lấy miệng và lưỡi mình
Giữ linh hồn mình khỏi hoạn nạn.
Kinh Châm ngôn
N
ăm lên ba tuổi, Tim, con trai của vợ chồng tôi, từng bị bỏng do lỡ chạm tay vào cái bếp nướng thịt ngoài trời còn nóng. Khi đó, chúng tôi đang ở ngoài sân sau. Tôi thì đang đốt lửa lò nướng để chuẩn bị cho bữa tối, còn Tim chịu trách nhiệm mang đồ ăn ra và giúp tôi nướng thịt. Đáng lẽ ra đó sẽ là một kỷ niệm tuyệt vời của hai cha con chúng tôi.
Đột nhiên, tôi nhận ra con trai mình đang tới quá gần cái bếp. “Cẩn thận,” tôi nói. “Đừng có chạm vào bếp. Con sẽ bị bỏng đấy.” Chẳng tới một giây sau, dự đoán của tôi đã trở thành sự thật. Tim đã không thể ngăn nổi sự tò mò và chạm ngón tay trỏ của mình lên thành bếp. Tôi đoán việc đó đã không khiến thằng bé bị tổn thương tâm lý suốt phần đời còn lại vì hiện nay, con trai tôi đang giữ chức vụ quản lý của một nhà hàng. Nhưng cậu chàng vẫn còn nhớ như in ký ức ngày hôm đó. Tôi đoán nó đã phải rất cẩn thận mỗi lần vào trong bếp của nhà hàng nơi mình làm việc.
Không ai thích bị đau. Chúng ta luôn tìm cách tránh né cảm giác đó. Khi cảm nhận được cơn đau, chúng ta sẽ lùi ra xa. Khi chạm tay vào một cái bếp nướng thịt, chúng ta sẽ không nói: “Ối! Đau quá. Nhưng mình sẽ giữ ngón tay ở đó một chút để có thể thực sự trải nghiệm cảm giác này.” Chúng sẽ ta rụt ngay ngón tay lại và cố hết sức để không bao giờ phạm phải sai lầm tương tự nữa. Hy vọng rằng chúng ta có thể rút ra được bài học từ cơn đau. Đó là một lối phản ứng hoàn toàn chính xác.
Cảm giác đau là tín hiệu chỉ ra rằng có một thứ gì đó không ổn. Có thể chúng ta sẽ cố phớt lờ cơn đau với hy vọng rằng nó sẽ tự biến mất . Hoặc chúng ta cũng có thể thử uống thuốc giảm đau để cảm thấy bớt đau đớn hơn. Nhưng khi cơn đau xuất hiện, phản ứng chính xác nhất là tìm hiểu về nguyên nhân gây ra nó. Cơn đau nên là động lực giúp chúng ta nghĩ rằng: Chà, có vấn đề rồi. Hãy giải quyết nó thôi.
Các vận động viên hiểu rõ những cơn đau và tận dụng nó. Nếu họ bị thương, cơn đau sẽ nhắc nhở họ rằng đã đến lúc nên dừng lại và chữa trị vết thương để nó không trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, nếu đang cố gắng để trở nên mạnh mẽ hơn và vượt qua đối thủ của mình trong một cuộc cạnh tranh, họ sẽ hiểu được rằng khi ép cơ thể của bản thân vượt ra khỏi khu vực an toàn, họ sẽ phải trải qua một loại đau đớn hoàn toàn khác. Nếu né tránh những cơn đau đó, họ sẽ không bao giờ tiến bộ. Họ muốn đạt thành tích tối đa, do vậy, họ chấp nhận đau đớn khi luyện tập để có thể bước tới tầm cao tiếp theo.
Các mối quan hệ tầm cỡ thế giới không tự nhiên mà xuất hiện; để hình thành chúng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực có chủ đích. Để phát triển khả năng giao tiếp một cách hiệu quả, chúng ta cần đẩy bản thân vượt ra khỏi ranh giới của những cuộc trò chuyện thoải mái. Đôi khi chúng ta sẽ cảm thấy đau đớn, nhưng đó là cơn đau của sự trưởng thành. Chúng ta đón nhận những mâu thuẫn và căng thẳng đó như những bước đi cần thiết để có thể củng cố các mối quan hệ của bản thân.
AI CŨNG ĐAU KHỔ
Tất cả chúng ta đều đã từng có những mối quan hệ đau thương. Có thể chúng bắt đầu thuận lợi, nhưng khi mối quan hệ tiếp tục phát triển, mọi thứ dần trở nên khó khăn hơn. Những lần trò chuyện kéo dài nhiều giờ mà ta từng mong đợi giờ lại có thể khiến ta kinh sợ, vì chẳng mấy khi mà chúng không phát triển theo chiều hướng tồi tệ.
Con người thường chọn cách lảng tránh mỗi khi cảm thấy không thoải mái với các cuộc đối thoại. Để đạt được mục đích này, chúng ta thường sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, cụ thể như sau:
• Chúng ta né tránh đối phương để không phải nói chuyện với họ.
• Chúng ta vẫn nói chuyện với họ, nhưng lảng tránh những chủ đề gây đau đớn.
• Chúng ta công kích đối phương, tuyên bố rằng họ mới chính là vấn đề và họ cần phải thay đổi.
• Chúng ta đặt bản thân vào trạng thái phòng ngự.
• Chúng ta đè nén cảm xúc, thu mình lại.
• Chúng ta đầu hàng, buông bỏ.
• Chúng ta ăn bánh quy. (Ít nhất thì việc này cũng có thể khiến ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn, phải không nào?)
Vậy tất cả những những khó khăn đó bắt nguồn từ đâu?
Một đứa trẻ không được lập trình sẵn kĩ năng giao tiếp từ khi mới được sinh ra. Chúng tự học bằng cách quan sát và mô phỏng lại hành vi của những người xung quanh. Và thường thì trẻ sẽ bắt chước lại những biểu cảm quá khích thường được những người cha, người mẹ thể hiện khi nói chuyện cùng con. (Nếu được quay phim lại, những hành động đó hoàn toàn có thể được tổng hợp thành một video rất đáng xấu hổ để đăng tải lên các mạng xã hội.) Họ mở mắt to nhìn đứa bé; bé sẽ tròn mắt nhìn lại. Họ cười với đứa bé, bé sẽ cười lại. Đứa bé đang thu thập các công cụ có thể được sử dụng để giao tiếp ở cấp độ cơ bản nhất.
Khi trưởng thành hơn, trẻ sẽ đặt sự chú ý của mình vào cách mọi người xung quanh giao tiếp. Bất kể tốt xấu nhưng có một sự thực không thể chối cãi là tất cả những cách giao tiếp đó đều dễ lây nhiễm :
• Trẻ theo dõi người khác tức giận và la mắng lẫn nhau và thêm cách ứng xử ấy vào bộ công cụ của mình.
• Trẻ nhìn thấy người lớn rút lui khỏi các cuộc tranh luận căng thẳng và kết luận rằng đó là một điều nên tránh.
• Trẻ thấy người lớn phớt lờ nhau để dành thời gian cho chiếc điện thoại thông minh trên tay, từ đó rút ra được bài học rằng rằng phớt lờ người khác là một điều có thể được chấp nhận nếu như có thứ gì đó thú vị hơn trên mạng Internet.
Con trẻ thường học những gì mà trẻ quan sát được. Càng lớn, cuộc sống của trẻ càng khó khăn. Trẻ sẽ dùng mọi thứ công cụ mà mình đã thu thập được trong suốt những năm trước đó để cố gắng điều hòa các mối quan hệ quanh mình. Dù biết sẽ có số công cụ có hiệu quả tốt hơn những cái khác, nhưng đó lại là toàn bộ những gì mà trẻ có. Và mối quan hệ sẽ trở nên đặc biệt rắc rối trong trường hợp trẻ phải tương tác với những người cũng chỉ sở hữu một lượng công cụ giao tiếp giới hạn.
Chúng ta chỉ có thể sử dụng những công cụ giao tiếp mà mình sở hữu, kể cả khi chúng không toàn vẹn. Và sự thật là phần lớn mọi người đều không có đủ công cụ để giải quyết các vấn đề nảy sinh khi các mối quan hệ quanh họ chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực. Họ không thích nỗi đau, nhưng lại không có công cụ thích hợp để xử lý tình huống. Và thay vì tìm kiếm chúng, họ lại chọn cách cố gắng phớt lờ nỗi đau và ôm hy vọng rằng bằng một cách nào đó, nó sẽ tự nhiên biến mất.
Chúng ta cần phải giao tiếp để có thể tiến bộ. Nhưng nếu không có những công cụ thích hợp, chúng ta sẽ bị giới hạn và không thể tiến quá xa.
BA LOẠI ĐỐI THOẠI
Các cuộc trò chuyện căng thẳng có thể xảy ra trong nhiều loại mối quan hệ khác nhau: cá nhân, gia đình, công việc,… Có những nguyên tắc cơ bản áp dụng chung cho tất cả các loại mối quan hệ, nhưng cũng có những cách tiếp cận đặc biệt dành riêng cho từng loại khác nhau.
Chúng ta có thể đại khái xếp các mối quan hệ vào 3 loại chính.
Những mối quan hệ ta tự nguyện lựa chọn
Chúng ta tự nguyện lựa chọn tình nhân cũng như bạn đời của bản thân; chúng ta chủ động lựa chọn bạn bè, nhà thờ hay tổ chức xã hội cùng các mối quan hệ đi chung với nó. Chúng ta có thể tự ý chọn lựa công việc vì chúng ta muốn làm việc cho một ông chủ nào đó, và chúng ta chọn người môi giới đáng tin cậy khi muốn bán căn nhà của mình.
Những mối quan hệ càng gần gũi, gắn bó thì càng đáng được quan tâm. Vợ chồng hay bạn bè nhận được quan tâm nhiều hơn bởi vì chúng ta gắn bó lâu dài với họ. Những người khác vẫn đáng được chú ý vì chúng ta đã chọn làm việc cùng họ, nhưng đó chỉ là tạm thời. Khi ngôi nhà được bán đi hay chúng ta nghỉ việc, các mối quan hệ đó biến mất khỏi màn hình ra-đa của chúng ta.
Khi mâu thuẫn nảy sinh trong các cuộc đối thoại với những mối quan hệ thuộc phân loại này, chúng ta cần phải nắm vững trong tay những công cụ và kỹ thuật tối ưu.
Những mối quan hệ tình cờ
Đây là một phân loại rộng rãi hơn, bao gồm những người phục vụ chúng ta trong cửa hàng hay nhà hàng, những nhân viên tư vấn qua điện thoại, những người lạ mặt mà chúng ta vô tình gặp gỡ trong khu phố, và những đồng nghiệp lạ mặt trong các cuộc gặp gỡ mang tính chất công việc.
Mâu thuẫn với những người này cần được xử lý thông qua một cách tiếp cận khác. Chúng ta không ràng buộc lâu dài và cũng chẳng muốn tiêu hao quá nhiều năng lượng cho họ như cho những người thuộc phân loại đầu tiên. Mối quan hệ với họ chẳng đủ gần gũi đến mức khiến ta phải lo nghĩ khi bị lâm nguy, vì thế chúng ta sẽ không chăm chút những mối quan hệ kiểu này theo cách mà ta nuôi dưỡng những mối quan hệ mà mình đã chọn.
Những mối quan hệ kèm theo
Đây là phân loại lớn nhất và thường đi đôi với những mối quan hệ mà ta chọn. Chúng ta chọn bạn đời, nhưng gia đình của người ấy đi kèm theo như một phần của kiện hàng. Chúng ta chọn trường cho con cái, nhưng ta không được chọn giáo viên của chúng. Chúng ta chọn một công việc, nhưng đi kèm theo đó sẽ là những gã đồng nghiệp điên rồ, giống như khoai tây chiên đi chung với bánh hamburger vậy.
Phân loại này cũng bao gồm hầu hết các thành viên trong gia đình của chúng ta. Chúng ta không thể chọn bố mẹ hay anh em, chúng ta thừa hưởng họ. Phân loại này thay đổi liên tục vì trẻ em sinh ra và lớn lên, bố mẹ thì già đi.
Có một bộ kĩ năng riêng biệt dành riêng để đối phó với những người thuộc các mối quan hệ kiểu này, bởi vì thường thì chúng ta không thể tự ý lựa chọn sự xuất hiện của họ. Nhưng những người này lại thường cố gắng lẻn vào phân loại đầu tiên và đòi hỏi lượng năng lượng cũng như sự quan tâm ngang bằng với những mối quan hệ hàng đầu. Nếu chúng ta không thể thỏa mãn nhu cầu của những con người này, họ sẽ có thể khiến chúng ta vô cùng mệt mỏi.
Để đối phó với nhóm người này, chúng ta cần phải vạch ra những ranh giới rõ ràng. Sau đó chúng ta cần xác định phương thức để phản ứng một cách lành mạnh nhất có thể mỗi khi thấy họ vượt qua ranh giới đó.
ĐỐI MẶT VỚI TỪNG LOẠI PHÂN LOẠI ĐỐI THOẠI
Đây là một cách tiếp cận chung bao gồm 4 bước để đối mặt với cả 3 phân loại được nhắc đến ở phần trước.
Thứ tự ưu tiên
Quỹ thời gian cũng như năng lượng của chúng ta đều không phải là vô tận. Chúng ta chỉ có thể cho đi nhiều đến vậy, nhưng lại luôn có quá nhiều người sẵn sàng nhận lấy. Thử thách ở đây là xác định được phân loại của từng người trong số họ. Những người càng gần gũi lại càng đáng nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ chúng ta.
Trong trường hợp này, chúng ta sẽ áp dụng một khái niệm được biết đến với cái tên “chi phí cơ hội”. Nó có nghĩa là mỗi lời đồng ý của chúng ta đều tương đương với một lời từ chối dành cho tất cả những cơ hội còn lại. Nếu chọn tham gia một buổi hội thảo đào tạo, chúng ta sẽ không thể làm việc ở bàn của mình. Hay chọn ăn trưa với con mình cũng đồng nghĩa với việc ta đã vô tình từ chối cơ hội ăn trưa cùng bất kì ai khác.
Nguyên tắc rất đơn giản: Chúng ta không bao giờ được đặt những người ở cấp bậc khác lên trên những con người mà ta coi trọng nhất trên đời.
Một người mẹ có thể sẽ quy cho cô con gái mới về nhà chồng của mình cái tội thiếu tôn trọng vì thấy từ khi kết hôn, cô có vẻ không dành nhiều thời gian cho bà như trước nữa. Người con gái muốn gắn bó với mối quan hệ mới nhưng lại cảm thấy tội lỗi khi đã vô tình khiến mẹ mình cảm thấy bị tổn thương. Điều mà cô cần là một ranh giới rõ ràng, thực tế và một câu trả lời phù hợp nhưng cũng không kém phần tôn trọng: “Mẹ ạ, con vẫn yêu mẹ như xưa. Nhưng giờ con đã kết hôn rồi, và đó là mối quan tâm hàng đầu của con. Có thể mẹ sẽ thấy mối quan hệ giữa mẹ con mình hơi khác hơn xưa một chút. Đó là bởi vì thực sự nó đã không còn như xưa nữa.”
Nếu người mẹ vẫn tiếp tục gây áp lực sau khi ranh giới đã được thiết lập, việc duy nhất mà người con gái cần phải làm chỉ là nhắc lại nó một lần nữa: “Con rất tiếc nếu mẹ nghĩ như thế. Con vẫn yêu mẹ nhiều như trước. Nhưng con sẽ không thể dành nhiều sự quan tâm cho mẹ như xưa được nữa.”
Chuẩn bị
Mỗi khi phải đối đầu trực diện với mâu thuẫn trong các cuộc đối thoại, chúng ta sẽ thường tìm đến sự trợ giúp của bất cứ thứ công cụ nào mà mình đã quen sử dụng, rồi lại băn khoăn tự hỏi vì sao kết quả cuối cùng lại chẳng như mình mong muốn. Nếu chỉ chủ yếu giao tiếp qua các công cụ điện tử thì có lẽ, khi đó, chúng ta đã vô tình chọn nhầm phương thức giao tiếp mà thậm chí còn chẳng hề hay biết. Chúng ta biết cách truyền tải ngôn từ trên các nền tảng số hóa, nhưng lại hoàn toàn lúng túng trong việc đọc ngôn ngữ cơ thể và các biểu cảm trên khuôn mặt. Chúng ta đang thiếu những công cụ cần thiết để giúp cảm nhận những phản ứng nhỏ nhặt xuất hiện trong các cuộc đối thoại trực tiếp.
Thời điểm tốt nhất để thu thập các công cụ thích hợp và học cách sử dụng thành thạo chúng là trước khi xảy ra những cuộc đối thoại căng thẳng. Đó cũng chính là những gì chúng ta sẽ tập trung đề cập đến trong suốt phần còn lại của cuốn sách này. Chìa khóa mở ra sự kết nối hiệu quả không phải là nói nhiều hơn. Nói thì dễ, giao tiếp mới khó. Điểm cốt yếu của vấn đề chính là tìm ra được những công cụ mà mình còn thiếu và thu thập chúng.
Tham gia
Một trong số những công cụ giao tiếp hiệu quả nhất mà chúng ta đang thiếu chính là khả năng lắng nghe. Đôi tai sẽ hoạt động không mấy hiệu quả nếu chúng ta cứ chỉ khăng khăng giữ lấy ý kiến của bản thân. Khi đó, dù chúng ta có chịu lắng nghe đi chăng nữa thì cũng chỉ để tìm cách thay đổi suy nghĩ của đối phương. Chúng ta không muốn hiểu người khác mà chỉ muốn thuyết phục họ. Chúng ta không tham gia đối thoại; chúng ta đang tranh giành quyền làm chủ cuộc đối thoại.
Tôi thực sự rất ngạc nhiên trước sự thực rằng nhiều người tin rằng họ luôn đúng. Họ có sẵn quan điểm riêng về mọi chủ đề, và luôn cho rằng quan điểm của mình là hoàn toàn chính xác. Theo logic, nếu tôi tin rằng tôi đúng và bạn nghĩ khác tôi, vậy dĩ nhiên chắc chắn là bạn đã sai.
Tôi là một trong những người đó, và cả bạn cũng vậy.
Chúng ta có quan điểm riêng biệt về mọi thứ. Suốt cả cuộc đời, chúng ta đã không ngừng xây dựng và phát triển chúng dựa trên xuất thân, ngôn ngữ, nền văn hóa, kinh nghiệm cũng như nền giáo dục mà chúng ta được hưởng. Chúng ta nhìn vào mọi vấn đề với một con mắt đầy vẻ thông suốt và thấu hiểu. Xét cho cùng, đó là thứ mà chúng ta nhìn thấy, phải không?
Nếu như bạn có cách nhìn khác với tôi, tôi sẽ cho rằng bạn chưa thể nhìn nhận thấu đáo được tình hình (bởi vì bản thân tôi cảm thấy những gì mà mình cảm nhận được là quá đỗi hiển nhiên). Vì thế tôi đoán rằng tôi chỉ cần trình bày dòng suy nghĩ của mình, và bạn sẽ ngay lập tức nhận ra rằng bạn đã sai. Tôi sẽ giải thích cho bạn về việc vì sao cách nhìn của bạn sai và của tôi lại đúng. Tôi cảm thấy rằng tôi đang giúp bạn phân biệt đúng sai.
Nhưng sau khi tôi đã hoàn thành nhiệm vụ giải thích cách nhìn của mình, bạn lại không đồng ý với nó. Do đã nhìn thấu được mọi việc, tôi sẽ cho rằng bạn chỉ đang bướng bỉnh. Thế là tôi lên giọng, chắc mẩm rằng cách làm này sẽ có thể tác động lên bạn nhiều hơn.
Nhưng vẫn không hiệu quả. Vậy vấn đề ở đây là gì? Cả hai chúng ta tin rằng cách nhìn nhận của mình đúng và đối phương đã sai. Cả hai chúng ta đều thao thao bất tuyệt, nhưng chính cách nhìn nhận khác nhau đã không cho chúng ta hiểu thấu được quan điểm của lẫn nhau. Chúng ta đều chỉ đang cố kiểm soát kết quả của cuộc trò chuyện hơn là tham gia vào nó.
Chúng ta có thể xem những bộ phim xử án để thấy được cách thức hoạt động của việc này. Luật sư thẩm vấn các nhân chứng để bồi thẩm đoàn có một cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về vụ việc. Nếu có những lời khai khác nhau thì việc đó có nghĩa rằng có thể ai đó đang nói dối. Nhưng điều đó lại thường có nghĩa là những người đó nhìn nhận sự việc từ các góc độ khác nhau, và mỗi người trong họ đều tin những gì mình nói là sự thật bởi vì đó là những gì họ đã thấy.
Nhưng nếu tất cả các nhân chứng đều đang nói đúng sự thật thì chẳng phải họ sẽ nói giống nhau sao? Có lẽ không. Những gì họ nhìn thấy có thể chính xác nhưng không đầy đủ. Bồi thẩm đoàn rút ra kết luận từ những cách nhìn khác nhau ấy để xác định chuyện gì đã thật sự xảy ra.
Những chuyện tương tự cũng thường xảy ra trên mạng xã hội. Đó là một nền tảng nơi người ta có thể nói bất kì thứ gì họ muốn. Họ không đồng tình với người khác (thường về vấn đề chính trị hay tôn giáo) và tin rằng quan điểm của bản thân là chính xác. Thế là họ sẽ giải thích quan điểm đó một cách tuần tự và chặt chẽ để chứng minh rằng mình mới là người đúng. Và họ làm điều đó một cách rất thường xuyên, với một thái độ không mấy thân thiện.
Có vô khối người làm như vậy, và tất cả bọn họ đều nghĩ rằng quan điểm của mình là chính xác. Vậy ai đúng? Ai sai? Sự thật là họ đều chỉ đang nhìn nhận vấn đề từ các góc độ khác nhau.
Điều tương tự cũng xảy ra trong các mối quan hệ, khi các cuộc tranh cãi bắt đầu bị đẩy lên tới cao trào. Tôi nghĩ tôi đúng, và bạn nghĩ rằng bạn đúng. Mỗi người chúng ta đều tin tưởng vào quan điểm của mình và đều cảm thấy có nghĩa vụ phải chỉnh đốn lại cái nhìn của đối phương. Vì thế chúng ta tranh cãi qua lại, cố gắng giành bằng được phần thắng trong cuộc tranh luận.
Có thể có cách tốt hơn để đối phó với những tình huống như vậy. Cho đến lúc này chúng ta mới chỉ sử dụng đến bộ công cụ nói. Có lẽ đã đến lúc để dùng đến một bộ công cụ khác: Lắng nghe.
Nếu cả hai đều chỉ tập trung nói, chúng ta sẽ tự đẩy mình ra xa nhau hơn. Nhưng ngược lại với đó, chúng ta sẽ lại gần nhau hơn nếu biết cùng lắng nghe và thấu hiểu cho nhau. Điều đó không đồng nghĩa rằng tôi phải từ bỏ ý kiến của mình và thuận theo bạn; nó chỉ có nghĩa là tôi muốn nhìn từ góc nhìn của bạn. Bạn có cách nhìn nhận khác, nhưng tôi sẽ không thể hiểu được nó nếu cứ mãi cho rằng quan điểm của mình là một điều hiển nhiên. Do đó, tôi cần phải tạm thời bỏ qua quan điểm của bản thân và bắt đầu nhìn bằng con mắt của bạn. Tôi cần phải tham gia cùng với bạn thay vì cố gắng làm chủ cuộc trò chuyện.
Như trong trường hợp vụ xử án đã nói ở trên, khi đó, tôi sẽ đến thăm hiện trường vụ án và đứng cạnh bạn để có thể nhìn thấy được những gì bạn đã thấy. Sau đó, bạn sẽ đi qua bên kia đường và nhìn vào hiện trường từ góc nhìn của tôi. Chúng ta không cố tranh cãi để phân định xem ai đúng, ai sai; chúng ta chỉ đang cố nhìn nhận sự vật theo góc nhìn của người còn lại.
Luyện tập
Khi các mối quan hệ lớn dần và phát triển, chúng ta cần không ngừng chọn lọc và sử dụng những công cụ tốt nhất có thể. Đa số chúng ta cảm thấy rằng những công cụ giao tiếp hiện có là tất cả những gì mình cần. Chúng ta có được chúng từ khi còn nhỏ và nhặt nhạnh thêm đôi chút trên quãng đường trưởng thành. Khi đã lớn, chúng ta tìm cách sử dụng những công cụ ấy trong các mối quan hệ của mình – bất kể chúng có hiệu quả hay không. Dường như chúng ta chưa bao giờ nghĩ rằng có thể mình sẽ cần thêm những công cụ mới, hay cho rằng bản thân hoàn toàn có cơ hội để tìm kiếm thêm những công cụ bổ sung cũng như học cách sử dụng chúng.
Năm ngoái, vợ tôi mua một chiếc máy xay thực phẩm đa năng. Nó là món đồ mà cô ấy đã để ý đến trong suốt nhiều năm, nhưng lại chỉ được xem món đồ xa xỉ không thực sự cần thiết. Xét cho cùng thì cô ấy cũng đã tự tay cắt rau quả suốt hàng chục năm. Chẳng có vấn đề gì với việc đó hết, mọi việc vẫn diễn ra suôn sẻ. Tốn chút xíu thời gian, nhưng cô ấy vẫn nhận được kết quả mà mình mong muốn.
Thế rồi những người khác khoe với cô ấy về những gì máy xay có thể làm. Nghe có vẻ thú vị, và cuối cùng, cô ấy đã quyết định mua một chiếc máy xay. Chúng tôi mở hộp, đọc hướng dẫn, và lắp ráp chiếc máy. Sau đó, chúng tôi thử sử dụng nó với nhiều loại rau củ khác nhau. Vợ tôi lo phần rửa và gọt cà rốt, trong khi tôi chịu trách nhiệm cắt trái ớt thành nhiều khúc đủ nhỏ. Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều khá hoài nghi và chắc chắn là không mấy hứng thú khi bắt đầu bật máy lên và đặt củ cà rốt đầu tiên vào trong đó.
Chúng tôi đã phải há hốc mồm vì kinh ngạc khi được thấy những gì mà nó có thể làm được. Chỉ trong chưa đầy một giây, củ cà rốt đã biến thành từng lát mỏng hoàn hảo.
Suốt một tiếng đồng hồ tiếp theo, chúng tôi thử nghiệm từng lưỡi dao và từng chế độ khác nhau của chiếc máy, tới tận khi dùng hết tất cả mọi thứ trong tủ lạnh. Chúng tôi đã tìm hiểu theo đủ hướng khác nhau để xem chúng tôi có thể làm những gì với nó. Chiếc máy không chỉ hoàn thành những công việc mà vợ tôi đã phải thực hiện bằng tay suốt nhiều năm, mà nó còn hoàn thành chúng với tốc độ nhanh đến khó tin.
Và nó còn làm ra được bơ đậu phộng – thứ bơ được làm từ những hạt đậu phộng có hương vị hoàn toàn khác, với chi phí rẻ chỉ bằng một phần nhỏ so với giá ở cửa hàng tạp hóa. Chúng tôi chưa từng làm được bơ đậu phộng trước đây do không có dụng cụ thích hợp.
Vợ tôi không dùng máy xay hằng ngày như một số người khác vẫn làm. Nhưng chúng tôi ăn rất nhiều rau củ, và chiếc máy đã thay đổi cách nhìn của chúng tôi về công đoạn sơ chế thực phẩm. Chúng tôi đã sống mà không cần công cụ đó suốt một thời gian dài. Nhưng giờ đây, khi đã bổ sung thêm món công cụ này vào nhà bếp của mình và tập sử dụng nó, quá trình sơ chế nguyên liệu bỗng trở nên đơn giản hơn và hiệu quả hơn đáng kể so với trước đây. Với công cụ thích hợp, chúng ta có thể thực hiện những việc mà trước đây bị cho là tốn thời gian, thiếu hiệu quả, thậm chí là bất khả thi.
Dĩ nhiên là ai trong chúng ta cũng biết cách nói chuyện với nhau. Nhưng việc giao tiếp đòi hỏi nhiều công cụ hơn là chỉ nói. Những công cụ tốt hơn sẽ cho chúng ta cơ hội để phát triển và hoàn thiện kĩ năng giao tiếp của bản thân.
LÀM MỚI HỘP DỤNG CỤ
Bất cứ ai, dù thuộc độ tuổi nào, cũng đều có cơ hội để bổ sung thêm những công cụ mới vào bộ công cụ giao tiếp của mình. Bước đầu tiên là nhận nhận thức được những công cụ hiện mình vẫn đang còn thiếu. Việc đó có thể thực hiện bằng cách tìm ra tổn thương vẫn còn tồn đọng trong các mối quan hệ quanh ta mà các công cụ hiện có không thể hàn gắn được. Sau đó, chúng ta sẽ bắt đầu tìm kiếm những công cụ phù hợp để giải quyết vấn đề đó.
Và điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn còn hy vọng. Chúng ta hoàn toàn có thể giao tiếp một cách hiệu quả hơn với sự hỗ trợ của các công cụ thích hợp. Nó không có nghĩa rằng mọi cuộc đối thoại sẽ trở nên hoàn hảo. Chúng ta không hoàn hảo, và những người giao tiếp cùng ta cũng vậy. Nhưng với những nguồn lực thích hợp, chúng ta có thể tiếp cận các mâu thuẫn trong giao tiếp từ một góc nhìn rõ ràng và hợp lý hơn. Chúng ta sẽ không bị đe dọa, đơn giản vì chúng ta không xem họ như kẻ thù. Chúng ta có thể vừa tập trung vào vấn đề, vừa thể hiện sự tôn trọng nhất định đối với quan điểm của đối phương.
Nếu chỉ sở hữu những công cụ phục vụ cho việc nói, chúng ta sẽ luôn vấp phải khó khăn mỗi khi phải xử lý những căng thẳng nảy sinh trong quá trình đối thoại. Bản thân những công cụ đó cũng có những công dụng riêng, vấn đề nằm ở việc chúng ta cần hiểu được cách để vận dụng chúng sao cho đúng. Nếu được sử dụng sai cách, chúng trở thành những món vũ khí đầy tính sát thương. Khi bổ sung thêm bộ công cụ lắng nghe, những cuộc đối thoại căng thẳng mà ta phải đối mặt có lẽ sẽ xoay chuyển theo một chiều hướng hoàn toàn khác. Có thể chúng ta sẽ phải mất một thời gian để làm quen với những công cụ mới này do chưa mấy quen thuộc với việc lắng nghe; tuy nhiên với sự hỗ trợ của chúng, ta sẽ có thể nhìn nhận quan điểm của những người xung quanh một cách rõ ràng và thấu đáo hơn. Cả hai loại công cụ nói trên đều có thể bị lạm dụng, vì thế chúng ta cần phải tìm hiểu rõ về công dụng của chúng trong từng hoàn cảnh cũng như khi được áp dụng với từng loại tính khí khác nhau của mỗi người.
Các bác sĩ phẫu thuật phải có sẵn nhiều dụng cụ; rất nhiều trong số đó được áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất. Nhưng họ không nhất thiết sẽ dùng tất cả chúng trong mọi lần phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ chỉ sử dụng chính xác những dụng cụ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cụ thể trước mắt mà thôi.
Cùng lúc đó, chất lượng của một món dụng cụ nói riêng không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công; kĩ năng phẫu thuật của bác sĩ cũng vô cùng quan trọng. Bản thân dụng cụ không có bất cứ tác dụng nào, trừ khi được nằm trong tay một vị bác sĩ phẫu thuật tài ba. Mặt khác, ngay cả vị bác sĩ phẫu thuật tài năng nhất cũng không thể tiến hành phẫu thuật chỉ với hai bàn tay không của mình; họ luôn cần tới sự hỗ trợ của các loại dụng cụ. Ngược lại với đó, khi đặt trong tay của một kẻ nghiệp dư, những dụng cụ đó lại có thể trở nên vô cùng nguy hiểm.
Đó cũng chính là chìa khóa để khai thông những cuộc trò chuyện căng thẳng và bế tắc. Chúng ta luôn có thể kiếm được những công cụ cần thiết, nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải học cách sử dụng chúng sao cho hiệu quả. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ khiến mối quan hệ của mình bị tổn thương hơn nữa mà thôi.
Trong những chương tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá những công cụ cần thiết cho bộ công cụ của mình – những nguyên tắc cơ bản để khiến cuộc đối thoại được duy trì suôn sẻ. Sau đó, chúng ta sẽ khám phá những kĩ năng cần thiết để có thể áp dụng các công cụ đó vào các mối quan hệ mà tất cả chúng ta đều trải nghiệm, bao gồm những mối quan hệ với vợ/chồng, con cái, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, hay những người khác mà ta vô tình bắt gặp.
Cuối cùng, chúng ta sẽ được học một phương pháp tiếp cận thận trọng để chuẩn bị trước cho các tình huống tiêu cực và căng thẳng có thể xảy đến. Chúng ta sẽ học cách xây dựng nền móng của một mối quan hệ lành mạnh, cho phép chúng ta trò chuyện một cách thẳng thắn khi cần thiết. Các mối quan hệ lành mạnh không tự nhiên mà có; chúng được xây dựng bởi những con người bình thường với những công cụ và kĩ năng phù hợp. Vậy tin tốt ở đây là gì? Đó là không chỉ các chuyên gia mà bất cứ ai cũng có cơ hội để học hỏi và nắm bắt được chúng. Tuy sẽ phải tốn thời gian, quyết tâm, cũng như phải kiên trì bỏ công luyện tập nhưng điều quan trọng ở đây là mỗi chúng ta đều hoàn toàn có cơ hội để giao tiếp một cách hiệu quả.