Người khác không ngủ được vì họ mắc hội chứng mất ngủ; còn tôi không ngủ được vì có Internet.
Khuyết danh
B
ạn có bao giờ cảm thấy một mối quan hệ quan trọng của mình bỗng trở nên căng thẳng, nhưng lại không biết chính xác chuyện gì đang xảy ra, hay không? Bạn cố vờ như mọi chuyện đều ổn thỏa, nhưng trên thực tế thì không. Bạn không chắc rằng người kia cũng cảm thấy như vậy, nhưng bằng linh cảm bạn đoán rằng họ có. Bạn không nhắc đến chuyện đó vì sợ rằng cuộc trò chuyện có thể trở nên không thoải mái.
Có một con voi trong phòng, và nó đang tác động xấu đến mối quan hệ của bạn. Cũng giống như khi nghi rằng bản thân đang có một khối u ác tính, bạn tránh nói về nó vì sợ rằng nếu làm như vậy, bằng một cách nào đó, nó sẽ trở thành hiện thực. Còn nếu chọn làm ngơ thì ít nhất, chúng ta vẫn có thể nghĩ rằng nó không tồn tại. Một phần của vấn đề chính là dần dần, chúng ta sẽ quen dần với sự hiện diện của con voi đó. Chúng ta không nói về nó, và theo thời gian, việc phớt lờ nó trở nên ngày một càng dễ dàng hơn. Chúng ta không để ý rằng nó đang lớn dần, bởi vì quá trình đó diễn ra một cách rất chậm rãi. Nó giống như nếu ai đó không gặp con cái của chúng ta trong suốt 6 tháng, họ sẽ bất ngờ trước việc lũ trẻ lớn nhanh tới mức nào. Về phần mình, chúng ta không chú ý đến việc đó vì nó diễn ra rất chậm. Nhưng đối với bất kì ai khác, đó là một thay đổi vô cùng rõ ràng và dễ nhận biết.
Các kiểu giao tiếp tiêu cực trong các mối quan hệ quanh ta cũng nảy sinh một cách chậm rãi, và thường thì chẳng ai muốn đề cập tới chúng. Nhưng cũng chẳng ai có thể phủ nhận rằng chúng tạo cảm giác vô cùng khó chịu. Sau một thời gian, chúng ta quen dần với những kiểu giao tiếp ấy và chúng trở nên bình thường. Giống như khi trong tường nhà chúng ta xuất hiện nấm mốc vậy. Nếu không nỗ lực xử lý chúng, rất có thể chính bản thân chúng ta đang tự tay đẩy mối quan hệ của mình vào cảnh hiểm nghèo mà không hay.
Không ai thích việc đưa các mâu thuẫn vào trong một cuộc trò chuyện. Nó không mang lại nhiều niềm vui như những cuộc đối thoại tự nhiên thông thường. Nhưng chính chúng lại là yếu tố cốt lõi trong việc ngăn không cho con voi xuất hiện trong phòng. Nếu cho con voi đủ thời gian để trưởng thành, chúng ta sẽ phải mất nhiều công sức hơn đáng kể để đưa nó ra khỏi đó, và những cuộc đối thoại khi đó cũng sẽ căng thẳng hơn nhiều.
Cách tiếp cận tốt nhất chính là đối thoại một cách thẳng thắn ngay từ khi con voi còn nhỏ. Phải có ai đó đủ dũng cảm để thừa nhận sự tồn tại của con voi và khơi mào cuộc nói chuyện về nó.
Việc đầu tiên mà con người ta thường làm khi phát hiện ra con voi là bắt đầu đổ lỗi cho nhau vì đã để nó lọt vào phòng. Họ đối đầu với nhau thay vì chung tay giải quyết vấn đề. Trong khi đó, con voi được tự do chọn chỗ ngủ và tự dọn cho mình một cái ổ êm ái mà chẳng gặp phải bất cứ trở ngại nào.
Rắc rối nảy sinh vào chính thời điểm khi chúng ta nhìn thấy vấn đề ở người còn lại thay vì bản thân con voi đó.
TỰ TAY XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ
Bố vợ tôi rất rành nghề mộc. Căn nhà của cả 3 người con gái của ông đều tràn ngập các món đồ nội thất, tủ kệ và những món đồ trang trí chứa chan tình yêu cũng như óc sáng tạo tuyệt vời của ông. Khi con cái của chúng tôi lớn dần và cần thứ gì đó cho căn phòng của chúng, suy nghĩ đầu tiên của chúng luôn là: “Ông ngoại sẽ làm nó cho mình.” Thường thì ông luôn đáp ứng những yêu cầu của chúng, và chúng thích điều này.
Sản phẩm độc đáo nhất của ông cụ có lẽ là những chiếc bát gỗ ghép. Để tạo nên món đồ dường như nằm ngoài mọi nguyên lý của hình học đó, ông đã phải cắt tỉa hàng trăm bộ phận nhỏ một cách đặc biệt chính xác từ những mảnh gỗ cứng, ghép chúng lại với nhau bằng keo và tạo nên những chiếc bát tinh xảo với các chi tiết đan xen một cách hoàn hảo tới mức đáng được trưng bày trong viện bảo tàng.
Vài tháng trước, tôi đã tổ chức một buổi hội thảo ở Honolulu. Một tối nọ, tôi đã thấy những chiếc bát gỗ ghép trong phòng trưng bày của một trung tâm mua sắm cao cấp. Chúng rất đẹp, nhưng không thể sánh bằng những chiếc bát bố vợ tôi làm nếu xét về chất lượng.
Tôi đã có chút ít kinh nghiệm làm mộc và đủ khả năng để chế tạo những chiếc bát gỗ đơn giản. Đối với một người bình thường, có lẽ chúng cũng không khác so với những chiếc bát thông thường là bao. Nhưng đối với người trong nghề, chúng chẳng là gì so với những món đồ được chế tác bởi bố vợ tôi. Ông dành ra cả cuộc đời để hoàn thiện những kỹ năng đó. Tôi thì không. Chất lượng thật sự đòi hỏi rất nhiều thời gian. Những món đồ được sản xuất hàng loạt rẻ hơn nhiều so với đồ thủ công, nhưng cùng với đó là chất lượng cũng tệ hơn nhiều.
Các mối quan hệ cũng giống vậy. Những mối quan hệ tốt đòi hỏi rất nhiều thời gian cũng như công sức. Mỗi khi có cấp trên hay đồng nghiệp mới, kết bạn với một người mới hay chuyển tới một khu vực khác, chúng ta lại hình thành các mối quan hệ mới. Ban đầu, chúng có vẻ rất bền chặt và tích cực, nhưng càng kéo dài thì chúng lại phải đối mặt với càng nhiều thử thách. Những khó khăn đó sẽ chia rẽ và phá hủy một vài trong số những mối quan hệ nói trên, nhưng lại có thể trở thành nền tảng để củng cố và bồi đắp một số mối quan hệ khác.
Việc xây dựng mối quan hệ đòi hỏi ta phải bỏ ra rất nhiều công sức. Chỉ một mâu thuẫn với người đồng nghiệp cùng phòng thôi cũng có thể hút cạn năng lượng của chúng ta ở nơi làm việc. Một giáo viên hay bạn học rắc rối có thể khiến cho cả học kì dường như kéo dài vô tận, và bầu không khí căng thẳng giữa chủ nhà và người thuê có thể khiến cả căn nhà trở nên u ám.
Những nỗ lực mà một mối quan hệ nhất định đòi hỏi tỷ lệ thuận với tầm quan trọng mà chúng ta dành cho nó. Nỗ lực đó được thể hiện thông qua việc giao tiếp. Mối quan hệ càng kéo dài thì quá trình giao tiếp càng nảy sinh nhiều thách thức, khó khăn hơn. Nhưng bù lại, việc tìm ra một con voi trong phòng và biết khi nào nó xuất hiện lại rất dễ dàng. Biết trước những giai đoạn mà một mối quan hệ sẽ trải qua có thể giúp chúng ta ngăn không cho con voi đó xuất hiện.
Tiến trình trưởng thành của một mối quan hệ phải trải qua tổng cộng tám giai đoạn. Những giai đoạn này sẽ có biểu hiện khác nhau tùy theo tính chất của từng mối quan hệ, do vậy, chúng ta cần xem xét sự việc dựa trên hoàn cảnh cụ thể. Nhưng, trên thực tế, quá trình cơ bản nhìn chung không có quá nhiều sự khác biệt.
Hãy thử lấy một ví dụ là mối quan hệ yêu đương của một cặp đôi thông thường. Mối quan hệ giữa họ có thể diễn ra theo tiến trình dưới đây:
1. Thu hút. Hai người thu hút sự chú ý lẫn nhau. Khi đó, một yếu tố nhất định, ví dụ như ngoại hình, cách nói chuyện hay hành động ở một người đã kích thích ở đối phương cảm giác quan tâm hoặc thích thú. (Những ấn tượng ban đầu này xuất hiện trong mọi hình thức giao tiếp, từ một cuộc hẹn hò cho đến một cuộc phỏng vấn xin việc.)
2. Tiếp cận. Mối quan tâm đó đưa những cá nhân nói trên đến gần nhau, thông thường dưới dạng một cuộc đối thoại. Lúc này, họ sẽ tìm đến một trải nghiệm mà cả hai cùng từng trải qua làm chủ đề chung, có thể là một sự kiện mà cả hai cùng từng tham dự, hoàn cảnh xung quanh, hay bất cứ điểm chung nào khác.
3. Cảm mến. Trong cuộc trò chuyện, họ dùng điểm chung được phát triển ở giai đoạn trước như một điểm khởi đầu để tìm hiểu về khả năng tồn tại của các điểm chung khác. Càng biết nhiều về nhau, họ lại càng muốn tiếp tục khám phá đối phương. Vì thế họ hẹn gặp nhau vào những lần khác để tiếp tục mối liên kết này.
4. Chăm chút. Cặp đôi này tận hưởng cảm giác được ở bên nhau, do đó họ tìm cơ hội để gặp gỡ nhiều hơn. Cả hai đều đều cố hành xử theo cách tốt nhất có thể nhằm gây ấn tượng với đối phương. Cuối cùng, họ đồng ý gắn bó với nhau trong một mối quan hệ.
5. Thích nghi. Mối quan hệ giữa hai người tiếp tục phát triển, và họ tập trung vào việc làm cho nhau hạnh phúc. Đa số cuộc trò chuyện của họ là về những điểm chung. Tuy nhiên, theo thời gian, những điểm riêng biệt của họ dần bộc lộ. Lúc này, họ sẽ buộc phải tìm hiểu về sự khác biệt giữa bản thân và đối phương. Điều này có thể dẫn đến những cuộc trò chuyện không thoải mái, nhưng sự gắn bó thúc đẩy họ tìm ra giải pháp.
6. Dự cảm. Sau lễ cưới, cảm xúc của cả hai người đều đạt đến cao trào khi bắt đầu cuộc sống bên nhau. Họ hào hứng và hạnh phúc. Dĩ nhiên, giữa họ tồn tại không ít bất đồng, nhưng họ yêu thương nhau nhiều đến mức vẫn có thể tìm được cách vượt qua và khắc phục chúng. Năng lượng của mối quan hệ đã giúp họ thoát khỏi những thời khắc khó khăn. (Đây thường chính là lúc mà chú voi con nhỏ bé bắt đầu xuất hiện trong mối quan hệ. “Tình yêu là mù quáng”, chúng ta thường quá chú tâm đến cảm giác hứng khởi mà mối quan hệ mang lại tới mức vô tình bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt diễn ra quanh mình.)
7. Lãnh đạm. Mối quan hệ ngày một phát triển, nhưng cuộc sống cũng dần trở nên bận rộn hơn. Cảm giác phấn khởi ban đầu biến mất và bị thế chỗ bởi áp lực ngày càng lớn đến từ công việc cũng như những nghĩa vụ. Những bất đồng nhỏ đó vẫn tiếp tục xuất hiện, nhưng thứ năng lượng tình yêu vẫn thường được sử dụng để đối mặt với chúng giờ lại đang suy giảm. Việc giải quyết những vấn đề khó khăn mỗi lúc một trở nên thách thức hơn, cùng với đó là thời gian và sức lực ngày càng bị giới hạn. Con voi con bây giờ đã tìm được chỗ của nó trong ngôi nhà và ở lỳ trong đó.
8. Dàn xếp. Vào thời điểm này, các cặp đôi bắt đầu hình thành các mô thức giao tiếp. Thông thường, các mô thức này được chia thành hai loại như sau:
• giải quyết vấn đề bằng cách trò chuyện thẳng thắn.
• né tránh vấn đề vì cảm thấy không thoải mái.
Loại thứ nhất tốn nhiều công sức. Không ai trong số các cặp đôi là chuyên gia, vì thế có lẽ họ không có nhiều giải pháp. Nhưng họ không bỏ cuộc và tiếp tục giải quyết vấn đề, chọn cách vượt qua những bất tiện ban đầu để né tránh những nỗi đau có thể gặp phải sau này. Họ chọn không để cho áp lực đó chen vào giữa mối quan hệ của mình mà thay vào đó, họ dùng nó để tiến sát lại gần nhau hơn nữa. Họ nhận biết được sự tồn tại của con voi và từng bước đưa nó ra ngoài.
Loại thứ hai là con đường ít chông gai nhất. Cặp đôi nói trên bây giờ đâm ra bực bội với nhau bởi các vấn đề vẫn luôn tồn đọng và không được giải quyết. Sự khó chịu ngầm lớn lên dưới vỏ bọc bình thường bên ngoài, hình thành các tầng lớp bảo vệ chồng lên nhau – giống như một củ hành phình to ra từ bên trong. Khi phải đối mặt với áp lực, họ sẽ cho phép nó chen vào giữa mối quan hệ của mình và đẩy họ ra xa nhau. Những tầng vỏ bọc đó chịu trách nhiệm che chắn mỗi người trong số họ khỏi người còn lại. Nhưng cùng với đó chúng cũng trở thành thành lũy ẩn náu hoàn hảo cho con voi khó chịu kia.
NGÃ RẼ
Không tồn tại bất cứ một tấm bản đồ nào có thể chỉ ra lối thoát chính xác cho các cặp đôi khi họ phải đứng trước ngã rẽ định mệnh nói trên. Đôi khi họ chọn con đường kết nối với nhau, thẳng thắn thừa nhận rằng họ cần phải cùng chung tay góp sức để có thể vượt qua khó khăn trước mặt. Nhưng nhiều khi họ lại chọn con đường ngắt kết nối với nhau do nó là con đường dễ dàng hơn. Con voi vẫn ở đó, chỉ là họ không nhắc gì đến nó. Điều đó rất nguy hiểm. Nếu các vấn đề không được giải quyết, chúng sẽ lớn lên. Họ chỉ đang vờ như mọi chuyện vẫn ổn, nhưng trên thực tế, những cơn sóng vẫn đang cuồn cuộn gầm rú dưới mặt sông tưởng chừng như phẳng lặng.
Cháu trai tôi và gia đình sống ở thành phố Minot thuộc tiểu bang North Dakota. Ngôi nhà mà họ thuê bị nấm mốc. Họ không nhận ra điều đó khi họ mới chuyển vào ở, nhưng sau một thời gian, sức khỏe của họ bị suy giảm đáng kể. Họ bắt đầu có triệu chứng của bệnh hen suyễn cùng một số loại bệnh khác, và tình hình sức khỏe của họ mỗi lúc một trở nên trầm trọng hơn. Đó là một vấn đề nghiêm trọng. tới mức cuối cùng, họ phải rời bỏ căn nhà. Để bảo vệ cuộc sống của cả gia đình, họ đã buộc phải đưa ra một quyết định vô cùng khó khăn.
Điều tương tự xảy ra trong các mối quan hệ. Những vấn đề nhỏ nếu bị bỏ qua sẽ dần phát triển thành những vấn đề lớn. Không quan trọng là trong công việc hay đời tư, nếu những vấn đề đó không được quan tâm, chúng có thể gây tổn hại đáng kể tới các mối quan hệ của chúng ta.
TẠI SAO CHÚNG TA KHÔNG NHỜ TRỢ GIÚP
Có lẽ chúng ta cảm thấy mối quan hệ của mình quá hoàn hảo tới mức chẳng muốn phá hủy đi hình tượng đẹp đẽ đó dù con voi mâu thuẫn kia có đang ngày một trở nên to lớn và bốc mùi hơn. Đó là một điều vô cùng mệt mỏi, do việc phải vờ như mình vẫn ổn trong khi sự thật không phải là như vậy tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Không thành thật thừa nhận về chuyện con voi cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không xử lý những vấn đề mà nó gây ra. Chúng ta ngại phải thừa nhận rằng mình cần giúp đỡ bởi vì chúng ta cảm thấy đó là một điều đáng hổ thẹn.
Cũng chính vì thế mà chúng ta không muốn đến bác sĩ khám cho đến khi ta đã giảm được cân và bắt đầu thói quen tập thể dục. Chúng ta thấy xấu hổ và muốn tự giải quyết vấn đề để chứng minh rằng mình đang hoàn toàn nắm quyền kiểm soát tình hình. Nhưng giấu giếm vấn đề chỉ có thể mang lại kết quả là chính bản thân chúng ta sẽ gần như chắc chắn không nhận được bất kì sự trợ giúp nào. Chúng ta chẳng nói gì về nó. Chúng ta cách ly con voi trong phòng ngủ khi có khách đến thăm nhà, cố gắng thuyết phục họ rằng mình ổn. Nhưng đó là một hành động vô nghĩa, vì ai cũng có thể ngửi thấy cái mùi hôi rình của nó.
LIỆU CÓ CÒN HY VỌNG?
Vài năm trước, tôi nặng hơn hiện tại khoảng 9 kg. Khi cháu gái tôi, Elena, mới bắt đầu biết nói, con bé chập chững đến cạnh tôi, dí ngón tay vào bụng tôi và bập bẹ: “Em bé?” Con bé biết một bà mẹ có bầu trông như thế nào và liên tưởng tới hình ảnh đó khi nhìn vào cái bụng của tôi. Không quá dễ nghe, nhưng đó là sự thực.
Có lẽ chúng ta cần phải học tính thật thà của lũ trẻ. Chúng chính là những người sẽ lên tiếng: “Này! Mọi người có thấy con voi ở giữa phòng không? Eo ơi! Nó bốc mùi hôi quá! Nên đuổi nó đi.”
Vấn đề là đây: Chúng ta hoàn toàn đủ khả năng để xử lý con voi đó. Có vài nguyên tắc giao tiếp cơ bản có thể phần nào trợ giúp chúng ta trong việc gánh vác công việc nặng nhọc này. Nhưng chúng đòi hỏi hành động. Chúng ta không thể chỉ ngồi yên một chỗ và hy vọng rằng mọi thứ sẽ tốt hơn. Nếu muốn tạo ra thay đổi, chúng ta sẽ phải đưa ra lựa chọn và bỏ công sức ra cố gắng vì nó..
Càng phát triển, số lượng thử thách mà một mối quan hệ lành mạnh phải đối mặt sẽ càng gia tăng. Nhưng đừng sợ, vì chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng cũng như nguồn lực để đương đầu với những giai đoạn khó khăn. Nó giống như khi tập nâng tạ. Khi còn yếu sức, chúng ta không bắt đầu bằng việc nâng tạ nặng. Chúng ta khởi đầu bằng việc ra khỏi giường. Ban đầu, ta dùng những quả tạ nhẹ do cơ bắp của chúng ta chỉ xử lý được đến vậy. Nhưng khi đã khỏe mạnh hơn, chúng ta có thể nâng những quả tạ nặng cân hơn. Nếu cố nâng những cục tạ nặng ngay từ ban đầu, ta sẽ chỉ cảm thấy đau nhức khắp mình mẩy, thậm chí còn có khả năng bị thương. Hành trình đạt được một thân thể khỏe khoắn và cân đối bắt đầu bằng những bước nhỏ.
NƠI DUY NHẤT CHÚNG TA KIỂM SOÁT ĐƯỢC
Chúng ta không thể buộc người khác thay đổi. Chúng ta có thể gây ảnh hưởng lên họ, nhưng chúng ta không thể ép buộc họ. Người duy nhất mà chúng ta nắm quyền kiểm soát chính là bản thân mình.
Khi mối quan hệ của chúng ta lớn dần, chúng ta sẽ dần học được cách chịu trách nhiệm về những hành động và lựa chọn của bản thân. Thậm chí, trong quá trình đó, chúng ta còn có thể ảnh hưởng đến người khác và tạo cảm hứng giúp họ thay đổi. Tuy không có gì đảm bảo chắc chắn nhưng chúng ta có thể tuân theo một số nguyên tắc cơ bản nhất định để thực hiện những bước đi đầu tiên trên con đường xây dựng những mối quan hệ lành mạnh hơn.
Chúng ta cần tập trung chú ý vào các triển vọng hơn là vào những kỳ vọng. Thay vì cố gắng ép một mối quan hệ phải phát triển đúng theo lý tưởng sẵn có của bản thân, chúng ta nên tiên liệu và hào hứng về sự tuyệt vời của một tương lai xán lạn được xây dựng bởi sự hợp tác và cố gắng đến từ cả hai phía. Từng bước, chậm rãi mà chắc chắn, chúng ta có thể bắt đầu giải quyết các vấn đề đang chia rẽ các mối quan hệ quanh ta.
Chúng ta vẫn còn hy vọng trong việc đuổi được con voi ra khỏi căn phòng.