Hãy tôn trọng người già.
Họ tốt nghiệp trung học mà không cần Google hay Wikipedia.
Ẩn danh
N
ăm ngoái, giáo viên tiểu học của con gái bạn đã thể hiện một cách quá đỗi tuyệt vời, con bé nổi cơn hứng thú học hành. Năm nay, bạn lại phải thắc mắc tại sao giáo viên này lại được cấp bằng dạy học do thấy con gái mình đang chán nản và thụt lùi. Bạn đã cố gắng lý giải vấn đề với giáo viên, nhưng cô ấy dường như không muốn nghe bạn. Bạn cảm thấy buồn bực nhưng lại chẳng biết phải làm gì. Bạn không thể thay đổi giáo viên. Vậy bạn nên làm gì? Bạn biết rằng sẽ có một cuộc trò chuyện khá căng thẳng, nhưng với ai bây giờ? Với cô giáo? Với hiệu trưởng chăng? Hay với con gái bạn?
Làm sao chúng ta có thể tôn trọng một người không đáng được nhận sự tôn trọng của mình cơ chứ?
Đó là một câu hỏi khó nhưng lại vô cùng quan trọng. Sự tôn trọng chính là chất bôi trơn của bất cứ mối quan hệ nào. Khi nó có mặt, mọi thứ sẽ diễn ra trơn tru. Khi nó không có mặt, mọi thứ sẽ trở nên gay go hơn.
Chúng ta tôn trọng người khác không chỉ vì hành động mà còn vì con người họ. Khi ai đó có tính cách cao quý và hiến tặng một triệu đô cho một nhà trẻ mồ côi, chúng ta tôn trọng họ. Nhưng nếu một người có tính cách hèn mọn cũng làm việc đó, chúng ta mừng cho nhà trẻ mồ côi – nhưng chúng ta không tôn trọng người đó.
Vậy sự tôn trọng là gì? Làm cách nào chúng ta nhận được nó, và làm sao chúng ta giữ được nó? Và làm thế nào chúng ta xây dựng sự tôn trọng của mình đối người khác, đặc biệt trong những cuộc tranh cãi?
TRANH LUẬN VỀ SỰ TÔN TRỌNG
Tôi đã từng nghe ai đó mô tả sự tôn trọng như “việc thể hiện việc sự cảm kích đối với giá trị thực sự của một con người.” Đó là một cách nhìn nhận thú vị, bởi vì nó tập trung vào bản chất của con người chứ không phải hành động của họ. Nó nghĩa rằng: “Bạn có giá trị đơn giản chỉ vì bạn là chính bạn.” Do đó nếu bạn hành động tốt, bạn có giá trị. Nếu bạn làm hỏng việc, bạn vẫn có giá trị. Bạn mang trong mình giá trị bẩm sinh chỉ vì đã tồn tại trên hành tinh này.
Tôi luôn kinh ngạc bởi sự thiếu tôn trọng mà người ta có thể dành cho người khác bởi vì tín ngưỡng của họ, kể cả khi họ không hề biết người đó là ai. Khi có ai đó không đồng ý kiến với họ, họ gần như ngay tức thì tỏ ra thù ghét người đó.
Ngày hôm qua, tôi lái xe qua bưu điện gần nhà. Ở góc con phố, một phụ nữ cao ráo đứng gần một chiếc bàn vây quanh bởi những tấm biển ghi thông điệp tự làm và những bức ảnh của tổng thống Hoa Kỳ. Cô ta đã vẽ một bộ ria mép ngắn trên mặt vị tổng thống để ông ấy trông giống Adolf Hitler. Cô đã viết sẵn khẩu hiệu bày tỏ nỗi bất bình của mình về những gì mà cô ta cho là vị tổng thống nọ đang làm cho nước Mỹ. Có vẻ như, nỗi tức giận của cô ta đã tích đầy đến mức độ mà cô ấy phải thể hiện ra ngoài trước công chúng. Tôi thắc mắc làm sao lại có người nuôi lòng thù ghét ai đó mà mình có lẽ chưa từng gặp mặt bao giờ.
Tôi không dừng lại để nói chuyện với cô ta, chủ yếu bởi vì tôi không quan tâm đến những cuộc tranh luận dài dòng về chính trị. Những tấm biển của cô ta chứa đầy nọc độc. Hẳn là cô ta đang thực hiện nhiệm vụ thuyết phục bất kì ai mà cô ta có thể thành công rằng vị tổng thống nọ xấu xa như thế nào và hô hào mọi người chống lại ông ấy. Trong những tình huống như thế, tranh luận chỉ vô nghĩa.
Ở quy mô nhỏ hơn, chúng ta chứng kiến điều tương tự trong các sự kiện thể thao. Một số người cãi cọ với những người hâm mộ của đối thủ của họ. Sau khi thêm một vài ly rượu, họ đâm ra hằn học. Tuy không biết đối phương là ai nhưng họ đã kịp nổi cơn giận dữ với những con người đó chỉ do đã cổ vũ cho đội đối đầu với đội của mình. Tại sao những cảm xúc đó lại có thể nảy sinh khi họ thậm chí còn chẳng biết nhau là ai? Họ đã “phi nhân hóa” đối phương, không còn xem những người đó như con người nữa mà chỉ đơn giản là coi họ như kẻ thù.
Chúng ta có thể trải nghiệm tương tự khi đang lái xe. Khi có ai đó tạt đầu xe chúng ta hay thay đổi làn xe mà không bật đèn xi nhan, chúng ta sẽ đánh giá tính cách của họ. Bởi vì chúng ta không biết họ là ai, chúng ta thường coi họ như một hỗn hợp của tất cả những người tồi tệ nhất mà chúng ta biết.
Vậy những người khác mà chúng ta biết, như một người bạn đời, một thành viên trong gia đình hay cấp trên thì sao? Quả thực là khó khăn hơn rất nhiều để không tôn trọng người mà chúng ta gần gũi. Chúng ta sẽ phải kiềm chế cảm xúc, tách rời bản thân mình khỏi họ có thể nhìn họ bằng ánh mắt khinh thường. Theo một khía cạnh nào đó, chúng ta chối bỏ con người họ. Chúng ta có thể biện hộ cho cơn giận của mình nếu người kia không có giá trị gì trong mắt chúng ta.
HÃY ÔM LẤY MỘT NGƯỜI PHỤC VỤ NGÀY HÔM NAY
Tôi dành rất nhiều thời gian trong các phòng họp trong khách sạn. Trong lúc tôi chuẩn bị cho buổi thuyết giảng, những người phục vụ sẽ sắp xếp bàn ghế và trang thiết bị, bày đồ ăn và lau dọn phòng. Trong giờ nghỉ giải lao, họ nhanh chóng vào trong phòng thu dọn bát đĩa dơ, nhặt rác trên bàn và chuẩn bị lại căn phòng cho giờ học tiếp theo. Họ làm việc lặng lẽ nhưng hiệu quả. Công việc của họ là làm những người tham dự cảm thấy hài lòng nhất có thể, và không để xảy ra điều gì khiến họ phân tâm trong suốt buổi thuyết giảng.
Những người phục vụ đó đều vô hình. Vào cuối ngày, nếu tôi đề nghị bất kì ai trong buổi thuyết giảng của tôi miêu tả một trong những người nhân viên đó, thì chắc có lẽ sẽ chẳng ai làm được. Họ sẽ về nhà kể về tất cả những người thú vị mà họ đã gặp gỡ. Nhưng họ không thể nhớ nổi là mình có nhìn thấy, hay thậm chí là tương tác với những nhân viên đó hay không.
Điều đó thật không may bởi họ đã bỏ lỡ không ít cơ hội tuyệt vời. Nhìn chung, những người phục vụ này đều tự hào về công việc mà họ đang làm và muốn tạo nên một trải nghiệm tốt cho mọi người. Họ không trông đợi được xuất hiện trong ánh hào quang; họ bằng lòng với việc ở trong bóng tối và thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo. Tôi đã từng nghe được nghe một số câu chuyện rất hấp dẫn khi nói chuyện với những con người này.
Câu chuyện trên cũng diễn ra trong các nhà hàng. Việc phớt lờ những người phục vụ có thể không rõ ràng như trên, bởi vì họ được trả tiền để tương tác trực tiếp với khách hàng. Một số khách hàng xem họ như con người thật sự và tương tác với họ. Một số khác xem họ như một người đầy tớ được thuê mướn, được trả tiền để đợi lệnh và làm bất kì những gì mình đòi hỏi. Nếu như có vấn đề gì với quá trình phục vụ, họ sẽ buông lời mắng mỏ thậm tệ, thậm chí là còn viết một bài đánh giá gay gắt trên những trang mạng truyền thông xã hội nữa.
Làm sao họ có thể đối xử với những người phục vụ bằng sự thiếu tôn trọng đến vậy? Bằng cách chối bỏ con người họ – xem như họ vô hình thay vì thật sự tồn tại.
Chúng ta không tôn trọng đồ vật; chúng ta tôn trọng con người. Khi chúng ta ngừng tôn trọng người khác, chúng ta biến họ thành đồ vật.
Sự tôn trọng là một trong những nền tảng cơ bản nhất của các mối quan hệ cũng như khả năng giao tiếp hiệu quả – đồng thời cũng rất cần thiết trong việc xử lý những cuộc đối thoại căng thẳng. Có hai thách thức chính trong vấn đề tôn trọng mà chúng ta thường gặp phải, cụ thể như sau:
1. Học cách tôn trọng bản thân.
2. Xây dựng sự tôn trọng dành cho người khác.
HỌC CÁCH TÔN TRỌNG BẢN THÂN
Chúng ta có xu hướng tự đánh giá bản thân dựa trên quan điểm của người khác. Nếu họ thích ta, chúng ta cảm thấy mình tốt. Nếu họ không thích chúng ta, ta nghi ngờ bản thân. Khi làm như vậy, chúng ta từ bỏ quyền sở hữu cuộc sống của mình và trao nó cho cho người khác. Nói cách khác, giá trị của chúng ta sẽ phụ thuộc vào đánh giá của họ. Chúng ta trở thành một chiếc thuyền không có động cơ, trôi về bất kì nơi nào mà dòng nước đưa ta đến.
Hãy trả lời những câu hỏi sau đây để xem bạn đã từ bỏ quyền kiểm soát bản thân và trao nó cho người khác hay chưa:
• Bạn có cảm thấy khó khăn khi phải từ chối yêu cầu của người khác hay không, kể cả khi bạn biết những yêu cầu đó không mang lợi lộc gì cho bạn?
• Bạn có thường cảm thấy rằng người khác đang lợi dụng bạn không?
• Mọi người có ngó lơ những điều tích cực mà bạn làm cho họ, coi thường bạn không?
• Bạn có luôn nhận những công việc mà không ai khác muốn làm không?
• Bạn có im lặng khi bạn bất đồng ý kiến với ai đó để né tránh xung đột không?
• Bạn có quan tâm đến người khác hơn là quan tâm đến bản thân mình không?
• Bạn có chấp nhận ý kiến người khác trong khi bạn cảm thấy không thích điều đó chỉ vì bạn không muốn họ nghĩ xấu về mình không?
Nếu bạn trả lời có đối với phần lớn câu hỏi này, thì có lẽ đã đến lúc bạn phải nắm lại quyền kiểm soát đối với cuộc sống của bản thân.
Để có thể tôn trọng bản thân, chúng ta cần định ra những ranh giới lành mạnh. Chúng ta không tự động nghe theo ước muốn của người khác; chúng ta chọn những gì chúng ta làm thay vì để người khác quyết định. Chúng ta đứng lên bảo vệ những gì mình tin tưởng. Chúng ta học cách nói không.
Chúng ta cần chú ý tới những gì chúng ta nói với bản thân về bản thân mình. Khi nhận ra mình đang tự nói ra những điều tiêu cực về bản thân, chúng ta cần phải tập hợp những suy nghĩ đó và tự hỏi về mức độ chính xác của chúng. Nếu những suy nghĩ đó không chính xác, chúng cần phải bị loại bỏ và thế chỗ bằng sự thật.
XÂY DỰNG SỰ TÔN TRỌNG DÀNH CHO NGƯỜI KHÁC
Khi tranh cãi nổ ra, chúng ta thường phản ứng bằng việc tỏ ra bướng bỉnh và đấu tranh bảo vệ quan điểm của mình với hy vọng sẽ thuyết phục được đối phương rằng họ đã sai. Những cuộc đối thoại kiểu này có xu hướng leo thang bởi khi đó, chúng ta chỉ tập trung vào bản thân và những gì mình muốn. Sự tôn trọng dành cho người khác đã bị xếp xó hoàn toàn bởi cả hai người đều cho rằng đối phương mới chính là vấn đề.
Chỉ khi học được cách duy trì sự tôn trọng dành cho người kia trong cuộc xung đột chúng ta mới có cơ hội để đối thoại một cách thực tế, lành mạnh. Việc đó rất khó xảy ra khi chúng ta cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, tôn trọng là một lựa chọn khả thi kể cả trong lúc cảm xúc đang dâng trào mãnh liệt.
Vậy chúng ta phải làm việc đó bằng cách nào? Chúng ta bắt đầu bằng việc đảm bảo rằng mình đang không chối bỏ người khác. Chúng ta nhìn nhận họ như những con người riêng biệt – những cá nhân không hoàn hảo với những lựa chọn khi đúng khi sai. Nói cách khác, họ cũng giống như chúng ta.
Mối quan hệ càng quan trọng bao nhiêu thì việc duy trì sự tôn trọng trong cuộc đối thoại của chúng ta lại càng quan trọng bấy nhiêu. Khi căng thẳng xảy đến, chúng ta nên cư xử như những người đồng đội đang cùng nhau hướng đến một mục tiêu chung. Sự tôn trọng cho phép chúng ta đánh thẳng vào vấn đề thay vì công kích lẫn nhau.
KHI SỰ TÔN TRỌNG KHÔNG TỒN TẠI
Cuốn sách này viết về những cuộc đối thoại căng thẳng. Chúng ta đang nói về những mối quan hệ quan trọng đối, nơi mà sự nỗ lực cũng như mạo hiểm để giao tiếp một cách hiệu quả là hoàn toàn xứng đáng.
Đôi khi mối quan hệ đã trở nên tệ hại. Sự tôn trọng không tồn tại, và những thành viên trong đó xem nhau không phải là người – điều đó khiến họ đâm ra hung hãn với nhau.
Những vấn đề giao tiếp ở cấp độ nói trên vượt quá tầm bao quát của cuốn sách này vì trong đó tồn tại những vấn đề sâu xa hơn. Việc học những kĩ năng giao tiếp tốt hơn không thể giải quyết được chúng; mối liên kết giữa họ đã rạn nứt ngay từ những yếu tố căn bản nhất. Trong những tình huống đó, chúng ta cần sự trợ giúp từ các chuyên gia. Chúng ta thường miễn cưỡng hẹn gặp một nhà trị liệu hay tư vấn viên, vì cảm thấy rằng việc đó đồng nghĩa rằng chúng ta đã thất bại. Niềm kiêu hãnh khiến chúng ta muốn tự mình sửa được mọi thứ.
Khi một món đồ trong nhà bị hỏng, vợ tôi và tôi thường tự sửa. Đôi khi chúng tôi biết cách làm. Những khi công việc vượt quá khả năng, chúng tôi đến tiệm sửa chữa gần nhà xin lời khuyên.
Khi có thứ gì không ổn dính líu đến hệ thống điện, tôi gọi điện thoại nhờ một chuyên gia. Tôi biết sẽ rất nguy hiểm nếu tự mình sửa. Việc yêu cầu sự trợ giúp không khiến tôi cảm thấy mình giống như một kẻ thất bại. Tôi lo lắng hơn về việc đảm bảo an toàn.
Tôi sẽ không thử tự phẫu thuật não mình để tiết kiệm tiền. Tôi muốn được chữa trị bởi một chuyên gia phẫu thuật não hàng đầu. Điều đó không có nghĩa rằng tôi yếu kém; nó có nghĩa rằng vấn đề đó vượt quá tầm khả năng của tôi. Khi mối quan hệ đã trở nên tệ hại thì một chuyên gia tư vấn, một nhà tâm lý học, hay nhà trị liệu tài ba có thể dẫn dắt chúng ta hướng về sự hồi phục bằng những cách mà chúng ta không thể tự mình thực hiện.
Kết luận lại, sự tôn trọng là một điều rất cốt yếu trong bất kì mối quan hệ nào có tầm quan trọng nhất định đối với chúng ta. Không có nó, mối quan hệ dần dần đổ nát. Khi nó có mặt, nó cho chúng ta một nền móng để xây dựng tiếp. Nó giúp chúng ta làm việc theo nhóm để đánh thẳng vào vấn đề hơn là công kích lẫn nhau. Sự tôn trọng nhắc nhở chúng ta điều gì là quan trọng nhất: mối quan hệ.
NHỮNG BƯỚC HÀNH ĐỘNG THỰC TIỄN ĐỂ DUY TRÌ SỰ TÔN TRỌNG
Làm sao chúng ta thể hiện sự tôn trọng đối với một người khi đang không vừa lòng với họ?
• Đấu tranh một cách công bằng và chính xác (không thổi phồng).
• Không hạ thấp đối phương.
• Lắng nghe.
• Không dùng những từ ngữ mang tính chắc chắn (“Bạn không bao giờ... Bạn luôn luôn...”).
• Không công kích cá nhân Chỉ nói sự thật.
• Không ngắt lời.
• Nỗ lực thấu hiểu quan điểm của đối phương kể cả khi bất đồng ý kiến với họ.
• Kiên nhẫn thay vì làm mọi cách để giải quyết nhanh gọn vấn đề.
• Không nói xấu sau lưng.
• Kiểm soát cảm xúc của bản thân thay vì để cảm xúc chi phối.
• Không giữ thái độ bảo thủ.