V
ài năm về trước, tôi bắt gặp một thông báo về chương trình rút thăm trúng thưởng “Nhà Xưởng Lý Tưởng”. Nếu lúc đó tôi đăng ký và được chọn, tôi sẽ thắng cược một bộ sưu tập các loại dụng cụ khiến bất cứ người thợ thủ công nào cũng thèm nhỏ dãi. Bộ sưu tập bao gồm mọi loại dụng cụ mà tôi từng ao ước – chạy điện, cầm tay, tự động, và một chiếc tủ để chứa tất cả chúng. Có hàng trăm dụng cụ trong gói giải thưởng lớn đó.
“Nếu có tất cả những dụng cụ đó,” tôi từng nghĩ, “mình có thể tạo ra bất cứ thứ gì. Thậm chí mình có thể trở thành một tay thợ mộc lão luyện không biết chừng.”
Tuy nhiên, vấn để ở chỗ việc có một “Nhà xưởng lý tưởng”, hay ngay cả “Nhà bếp lý tưởng” hoặc “Phòng tập thể thao lý tưởng” vẫn chưa đủ. Các dụng cụ sẽ không tự làm làm được gì cả và chúng phải được sử dụng bởi người biết phải làm gì. Những dụng cụ của tôi dù có tốt đến đâu cũng là vô dụng khi tôi không có tí kỹ năng nào về nghề mộc. Một căn bếp trang bị đầy đủ như trong mơ cũng chỉ là vật trang trí nếu tôi chẳng biết nấu ăn. Tôi thậm chí có thể bị thương với những dụng cụ thể thao nếu tôi không biết gì về việc tập luyện.
Trong bất kì một dự án nào, một nửa những gì bạn cần là những công cụ thích hợp. Nửa còn lại là việc bạn biết dùng chúng làm việc gì.
Trong những chương trước, chúng ta đã nắm được các công cụ cần thiết cho các cuộc đối thoại lành mạnh. Bây giờ là lúc ta cần học cách áp dụng chúng. Trong phần này, chúng ta sẽ khám phá sáu kỹ năng để tận dụng tối đa bộ công cụ hiện có của chúng ta:
1. Tạo cảm giác an toàn.
2. Loại bỏ sự sợ hãi.
3. Tập lắng nghe.
4. Khuyến khích những phản hồi chân thành.
5. Bắt đầu bằng sự ân cần.
6. Biết rõ mục đích của mình.
Chúng không chỉ đơn thuần là các kỹ năng mà còn là nền móng để xây dựng các mối quan hệ. Nếu luyện tập thường xuyên, chúng ta sẽ có thể xây dựng những mối quan hệ có sự giao tiếp chặt chẽ.
Hãy giữ bộ công cụ của bạn trong tầm tay, và chúng ta sẽ cùng khám phá những kỹ năng thiết yếu giúp tận dụng chúng một cách hiệu quả.