Sợ hãi là cảm xúc mà mọi người thích trải nghiệm khi họ biết rằng họ đã an toàn.
Alfred Hitchcock
G
ần đây tôi có dành vài ngày tham gia huấn luyện tại một công ty ở West Chester, bang Ohio. Trong đêm đầu tiên, một cơn giông lớn ập tới. Những tia chớp lóe không ngớt và tiếng sấm vang rền liên tục dội vào vách tường khách sạn. Tôi thích những cơn bão như thế này. Tôi vẫn chưa có cơ hội được trải nghiệm cảm giác đó kể từ hồi rời khỏi Phoenix.
Sáng hôm sau, cơn bão đêm trước đã trở thành chủ đề bàn tán của của cả lớp học. Một cô gái đã nói với tôi rằng đó là cơn bão điên rồ nhất cô từng thấy trong suốt hai mươi năm qua. Một số người khác còn cho là sẽ có vòi rồng và đã phải cân nhắc đến việc chui xuống tầng hầm để lánh nạn.
Một người nói với tôi: “Anh sống ở Nam California đúng không? Thế chắc hôm qua anh phải sợ lắm nhỉ?” Và ngay trước khi tôi kịp đáp lại, một người khác đã chen vào: “Nhưng chỗ các anh lại có động đất. Những cơn bão thế này chắc chắn chẳng là gì so với một trận động đất. Làm sao các anh sống được ở đó vậy?”
Tôi trả lời: “Thực ra, tôi thà chọn động đất hơn là lốc xoáy hay bão. Đối mặt với một cơn lốc xoáy, bạn luôn phải chờ đợi. Bạn luôn lo lắng xem nó còn cách mình bao xa và sức gió sẽ mạnh đến đâu. Nhưng đối với động đất, bạn không thể biết khi nào nó tới. Khi cơn chấn động xuất hiện, ta chỉ có vài giây để hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Và thường thì nó đã kết thúc trước khi bạn kịp nhận ra. Và nếu như bạn còn sống thì xin chúc mừng, bạn đã thoát nạn.”
Đạo diễn nổi tiếng Alfred Hitchcock, người được mệnh danh là “bậc thầy của sự hồi hộp” từng nói: “Sự hồi hộp và nỗi kinh hoàng không thể cùng tồn tại.” Sự hồi hộp được tạo ra một cách chậm rãi, trong khi nỗi kinh hoàng xuất hiện ngay lập tức và bất chợt. Trong các bộ phim của mình, ông tạo nên những cảnh phim khiến cho người xem cảm nhận được là sẽ có chuyện xấu xảy đến. Khi nó xảy đến, chẳng có ai tỏ ra bất ngờ. Đó chính là sự hồi hộp.
Đối ngược với sự hồi hộp, nỗi kinh hoàng xảy ra khi một thứ gì đấy nhảy ra từ bóng tối mà không có bất kì dấu hiệu cảnh báo nào, nó làm chúng ta hãi hùng đến ngạt thở. Ở đó không có sự hồi hộp, chờ đợi mà chỉ có những cơn sốc, kinh hãi. Nếu khán giả của Hitchcock cảm thấy hồi hộp, yếu tố ngạc nhiên bị mất đi. Chẳng còn nỗi kinh hoàng nào nữa.
Cũng như vậy, những cơn bão là sự hồi hộp và động đất là nỗi kinh hoàng.
Hitchcock đã khai thác được nỗi sợ hãi của con người. Ông từng viết: “Hàng triệu người mỗi ngày sẵn sàng bỏ một số tiền lớn và tìm đến những thử thách gay go chỉ đơn giản là để hưởng thụ cảm giác sợ hãi… Một cậu bé đang tìm kiếm sự sợ hãi khi đi trên đoạn dây căng ngang hoặc là nhón chân đi trên các chóp nhọn của các cây cột hàng rào cũng đang tìm kiếm cảm giác sợ hãi, giống như những tay đua xe tốc độ, những tay leo núi hay những tay thợ săn thú lớn.”
QUAN HỆ GIỮA HỒI HỘP VÀ KINH HOÀNG
Nỗi sợ hãi không chỉ được tìm thấy trong những bộ phim của Hollywood. Nó luôn tồn tại và ảnh hưởng trực tiếp tới những mối quan hệ thường nhật của chúng ta. Khi biết mình được cấp trên tin tưởng, chúng ta có thể dễ dàng xử lý được các mâu thuẫn và căng thẳng xung quanh. Ngược lại, khi phải sống trong lo sợ do công việc đang bất ổn hoặc đánh mất sự ủng hộ của thượng cấp, chúng ta sẽ không có đủ tự tin để đối mặt với xung đột.
Bất cứ mối quan hệ nào cũng trải qua những khoảnh khắc “kinh hoàng”. Khi những sự cố bất chợt lúc nào cũng có thể xảy ra – mất việc, lục đục gia đình, bệnh tật, tai nạn hay các vấn đề tài chính. Chúng đe dọa phá hủy đi sự cân bằng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng thử thách các mối quan hệ của chúng ta ở giới hạn cao nhất và phô bày nền tảng thực sự của mối quan hệ đó. Những sự kiện như thế không biết phân biệt hay thiên vị, chúng xuất hiện cả trong những mối quan hệ lành mạnh nhất lẫn những mối quan hệ tồi tệ nhất.
Một số mối quan hệ sẽ có đặc điểm là “bấp bênh”. Việc giao tiếp trở nên căng thẳng và cả hai bên đều cảm thấy mình như đang phải đi trên băng mỏng. Họ không dám đề cập đến các vấn đề do sợ rằng đối phương có thể sẽ nổi cơn giận dữ, lảng tránh, chuyển sang phòng ngự hoặc bỏ đi. Mối quan hệ này không an toàn. Ở mối quan hệ này không có niềm tin vào sự gắn bó lâu dài.
Có những mối quan hệ khác được xem là an toàn. Trong mối quan hệ này, đôi bên đều có những cách giao tiếp tích cực và tin rằng đối phương luôn quan tâm đến mình theo hướng tốt đẹp nhất. Họ không thích cãi vã hay đối đầu với nhau nhưng sẵn sàng để điều đấy xảy ra. Cả hai người tin tưởng vào nhau và vào mối quan hệ giữa họ. Sự tin tưởng đó cung cấp nền tảng cho sự giao tiếp sâu sắc và chân thành.
Khi các mối quan hệ bấp bênh gặp phải những sự kiện kinh hoàng, chúng có xu hướng tạo ra một rào chắn vô hình giữa hai người. Vì không có sự gắn bó đủ chặt chẽ để cùng nhau đối mặt với sự kiện đó, cả hai người đều chống chọi riêng rẽ theo cách họ cho là tốt nhất. Việc đó đã đẩy họ xa nhau bởi vì họ đã để sự kiện chen vào giữa và ngăn cách họ với nhau. Việc giao tiếp có hiệu quả đã biến mất.
Khi những sự kiện kinh hoàng tấn công một mối quan hệ “an toàn”, chúng có xu hướng thu hút hai người xích lại bên nhau. Họ có mối gắn bó chặt chẽ như những người đồng đội để giải quyết vấn đề do mối đe dọa gây ra. Họ gạt vấn đề sang bên vì thế nó đẩy họ tới gần nhau thay vì kéo họ ra xa nhau.
ĐỊNH NGHĨA VỀ AN TOÀN
Chúng ta đã hình thành nhận định riêng về sự an toàn ngay từ khi còn thơ ấu. Chúng ta không được chọn cha mẹ, tầng lớp kinh tế xã hội hay nơi sinh ra. Chúng ta cũng không có lựa chọn nào trong việc chúng ta đã được dạy dỗ kiểu nào, liệu chúng ta có được nuôi dưỡng kỹ càng hay không và những công cụ nào được ban cho chúng ta để đối mặt với đời. Ta thừa hưởng môi trường và những con người sống trong môi trường đó.
Ở trong trạng thái nương nhờ phụ thuộc đó, chúng ta sống nhờ lòng tốt của những người khác. Nếu ta cảm thấy những người đó đáng tin cậy, chúng ta hình thành ấn tượng rằng thế giới xung quanh là nơi an toàn. Nếu chúng ta nhận được những tín hiệu lẫn lộn từ những người đó, chúng ta cảm thấy thế giới mình đang sống một cách bấp bênh, đầy hồi hộp.
Những ấn tượng đó đã cung cấp cho ta các công cụ xử thế đầu tiên – những công cụ mà chúng ta sẽ sử dụng suốt cả phần đời còn lại. Những nhận định ấy đồng thời tạo nên chuẩn mực về cách nhìn nhận những người khác. Nếu từ những ngày thơ bé chúng ta cảm nhận rằng mọi người là đáng tin cậy thì khi đã là người lớn chúng ta có thể vẫn sẽ tin như thế (trừ khi đối phương chứng minh điều ngược lại). Còn khi ta đang lớn lên và nghĩ không nên tin tưởng bất cứ ai, có thể chúng ta sẽ nhìn những người mà chúng ta giao tiếp với sự nghi ngờ hơn là sự tin tưởng. Chúng ta học cách vận dụng mọi công cụ mà mình nhận được. Đó là lý do một số người luôn than rằng: “Tôi chẳng thay đổi được đâu, sinh ra đã như thế rồi.”
Nhưng con người có thể thay đổi. Điều đó có lẽ không dễ dàng nhưng có thể. Bất kể chúng ta đánh giá mọi người trong quá khứ ra sao, ta vẫn có thể chọn thay đổi cách nhìn về họ. Chúng ta bắt đầu bằng việc nhận ra những chuẩn mực nào là từ trong quá khứ của mình và quyết định thay đổi.
Những chuẩn mực trước đó vẫn sẽ luôn luôn tồn tại, nhưng chúng ta có thể học cách để biến đổi nó. Một cái máy tính có bo mạch chủ để chạy hệ thống điều hành của nó, tuy nhiên ta có thể cài thêm phần mềm. Tương tự, dù chúng ta luôn có phần cứng cơ bản không thay đổi, nhưng chúng ta có thể chạy phần mềm khác giúp ta phản hồi theo những cách mới.
Đây là điều quan trọng cần được cân nhắc bởi vì mỗi con người đều có nhu cầu cơ bản về sự an toàn. Khi mối quan hệ được cho là an toàn, mọi thứ đều có thể. Nhưng khi thiếu vắng sự an toàn, tất cả đều trở nên khó khăn. Sự an toàn đặt nền móng, đảm bảo cho mối quan hệ diễn ra thuận lợi.
Người bạn tên Jim của tôi là kỹ sư xây dựng. Anh từng được thuê phụ trách toàn bộ công đoạn dựng móng của một tòa cao ốc tại một thành phố nọ. Trách nhiệm của Jim là đảm bảo nền nhà vững chắc tuyệt đối bất kể đặc tính loại đất nơi xây dựng như thế nào. Anh là một chuyên gia đầu ngành rất được các nhà thầu rất tin tưởng. Họ có thể an tâm xây năm mươi, thậm chí sáu mươi tầng lầu mà chẳng lo chuyện gì sẽ xảy ra. Một khi tòa nhà đã xây xong, chẳng ai nhìn thấy công trình của anh, thậm chí không ai nhớ tới nó nữa. Nhưng nền móng vững chắc chính là thứ giúp cho mọi công việc khác diễn ra phía trên mặt đất.
Khi chúng ta không chắc rằng liệu mối quan hệ của mình có an toàn hay không, các cuộc đối thoại của chúng ta trở nên khó khăn hơn nhiều. Và một khi nền móng vững chắc, ta có thể kết nối với người khác mà không phải lo lắng gì cả.
CÁCH XÂY DỰNG CẢM GIÁC AN TOÀN
Vài năm trước, tôi có trò chuyện với một nhân viên đọc đồng hồ điện nước về loài chó. Anh ta đã nhiều năm vào ra sân sau nhà của nhiều người và có cả một danh sách những nhận xét về các con vật nuôi của từng nhà – chúng thuộc giống nào và những con chó gặp phải những vấn đề gì. Anh ta còn mang theo một cây gậy gắn quả bóng nhựa ở một đầu gậy và dùng nó để đánh lạc hướng những con chó hung dữ.
Tôi hỏi: “Anh bị cắn lần nào chưa?”
Anh ta trả lời: “Có vài lần. Nhưng lần nào cũng chỉ đúng một con chó nhỏ đó. Thậm chí đã vài lần nó cắn tôi ngay sau khi chủ nó vừa mới nói: ‘Nó vô hại, không cắn đâu’. Thế rồi hàm răng của nó bập luôn vào chân tôi.”
Anh ta nói dù đã được huấn luyện và không sợ chó, nhưng anh ta vẫn luôn thận trọng khi lại gần chúng. Anh ta cho rằng con chó nào cũng sẽ cắn. Và sau những cuộc đụng độ với con chó nhỏ đó, anh ta bắt đầu nghi hoặc liệu có nên tin nó hay không. Anh ta bắt đầu với định kiến rằng mọi con chó đều “hung dữ” cho tới chừng nào con chó chứng minh được điều ngược lại – khi đó, anh mới có thể bật chế độ “an toàn”.
Khi bất kì mối quan hệ nào mới hình thành, chúng ta sẽ phải quyết định liệu nó có an toàn hay không. Một khi đã quyết định, nó sẽ trở thành lăng kính mà qua đó chúng ta nhìn nhận mối quan hệ. Kể từ thời điểm đó, chúng ta cho rằng lăng kính đó cho ta cái nhìn chính xác.
Khi đã quyết định rằng một người nào đó là đáng tin cậy, chúng ta sẽ cho họ thêm cơ hội dù có vô tình làm hỏng chuyện. “Họ không cố tình làm vậy đâu”, chúng ta tự thuyết phục mình như thế. Chỉ khi người ấy liên tục mắc sai lầm, lúc đấy chúng ta mới nghi ngờ lăng kính của mình.
Ngược lại, khi đã nhận định rằng một người là không đáng tin cậy, chúng ta sẽ hoài nghi bất kì điều gì người đó nói hay làm. Chúng ta đặt câu hỏi về động cơ của người đó. “Anh ta đang cố làm sao để mình nghĩ rằng anh ta đã thay đổi. Nhưng dễ gì mà bị lừa”. Tuy nhiên chúng ta sẽ đánh liều tin tưởng nếu thấy người đó cố gắng không ngừng.
Nói một cách phức tạp thì trong các mối quan hệ, chỉ cần một hành động nguy hiểm cũng đủ để phá vỡ lòng tin của người khác, nhưng việc lấy lại niềm tin ấy một lần nữa đòi hỏi nhiều hành động. Khi chúng ta làm hỏng việc, chỉ nói “Tôi xin lỗi” là chưa đủ mặc dầu đó hiển nhiên là bước đầu tiên. Chúng ta phải xây dựng lại lòng tin và điều đó theo thời gian, thông qua những hành động tích cực được lặp đi lặp lại.
Nếu muốn tạo dựng cảm giác an toàn trong một mối quan hệ, chúng ta cần chủ động làm những việc tích cực để thể hiện sự kiên trì và liên tục. Người khác phải thấy được rằng chúng ta thật sự nghiêm túc ưu tiên cho mối quan hệ với họ.
CÁCH TẠO CẢM GIÁC AN TOÀN
Vấn đề với những trận động đất là ở chỗ chúng ta đã quen với bề mặt trái đất hoàn toàn bất động. Khi nó chuyển động, nó làm chúng ta cảm thấy bất an. Khi một điều mà chúng ta luôn tin tưởng mất đi, cảm giác bất ổn bắt đầu nảy sinh. Chúng ta sẽ không còn thấy an toàn nữa.
Thế nào là “an toàn” trong một mối quan hệ? Một quan hệ được coi là an toàn khi mọi nhu cầu của mỗi bên được đáp ứng bởi bên còn lại.
Tất cả chúng ta đều muốn được yêu thương, công nhận, trân trọng và bảo vệ. Những khao khát ấy luôn luôn hiện hữu cho dù chúng có được thỏa mãn hay không. Ví dụ khi không được người khác coi trọng, chúng ta sẽ tìm mọi cách để thu hút sự chú ý của họ.
Hồi còn ở trường trung học, cũng như mọi đứa trẻ khác, tôi đã trải qua cảm giác bấp bênh của việc dò giẫm tìm đường vào thế giới của những người trưởng thành. Tôi muốn được mọi người yêu thích nhưng lại không biết cách tự coi trọng bản thân. Vì thế tôi thử làm mọi việc để khiến người khác thích tôi. Tôi bắt đầu làm những việc mà không ai khác làm để mọi người phải ngưỡng mộ tôi. Tôi đã làm việc ở nhà xác của bệnh viện tỉnh, buôn bán nhạc cụ, làm thợ in, trở thành xướng ngôn viên radio, chụp ảnh đám cưới. Mọi người đều cảm thấy ấn tượng, nhưng tôi vẫn chẳng thấy vui hơn chút nào. Tôi thu hút được sự tò mò vì những việc mình đã làm, nhưng tôi cảm thấy dường như họ chỉ đang ấn tượng với những hành động của tôi chứ không phải bản thân tôi.
Vấn đề ở đây là: Nếu ai cũng cố gắng thỏa mãn nhu cầu của bản thân, tất cả chúng ta đều chỉ biết nhận và nhận. Chúng ta muốn những người khác đáp ứng những yêu cầu của ta. Nhưng nếu con người chỉ biết nhận lấy và không ai chịu cho đi, tất cả sự phát triển sẽ rơi vào vòng xoáy đi xuống.
Học cách tập trung vào nhu cầu của những người khác không có nghĩa là chúng ta từ bỏ các nhu cầu của bản thân và trở thành tấm thảm chùi chân. Điều đó đơn giản chỉ là chúng ta để tâm tới việc khiến đối phương cảm thấy mình đang được coi trọng. Làm như vậy có nghĩa là chúng ta đang giúp họ tìm ra sự an toàn ở mức căn bản nhất. Khi nhu cầu đó được thỏa mãn, họ sẽ rảnh tay để bắt đầu hành động đáp lại theo đúng cách chúng ta đã dành cho họ. Và kết quả? Một nền tảng giúp giải quyết các bất hòa và xung đột sẽ được hình thành.
Việc đó không có nghĩa là chúng ta thao túng những người khác để họ đáp ứng những nhu cầu của chúng ta. Chúng ta nên giúp đỡ ai đó chỉ vì tấm lòng quan tâm chân thành dành cho họ. Chúng ta không thể biết chắc họ sẽ đáp lại ra sao, nhưng suy nghĩ đó sẽ đặt chúng ta vào tâm thế tập trung vào việc cho đi thay vì chỉ nhận về.
Cuối cùng, chúng ta có thể làm gì để những người khác cảm thấy an toàn?
KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI KHÁC THỔ LỘ
Người khác sẽ dần thấy an toàn hơn khi cảm nhận được sự quan tâm chân thành đến từ phía chúng ta. Một trong những cách tốt nhất để thể hiện là thông qua việc chủ động lắng nghe (điều mà tôi sẽ đề cập kỹ hơn ở các phần sau).
Đa phần mọi người chỉ nghe những người khác nói một cách hời hợt và dùng câu chữ của họ để làm bàn đạp cho những điều mình sắp nói ra. Nhưng những người biết lắng nghe không vội vã chuyển sang các chủ đề khác; họ khai thác tỉ mỉ những gì người khác vừa nói.
Trong cuộc đối thoại, một người than thở: “Trong công việc họ chẳng bao giờ chịu nghe tôi nói cả. Tôi cảm thấy mình là kẻ tàng hình.” Phản ứng thông thường sẽ là: “Ừ, chuyện đó từng xảy trước đây với tôi. Tôi nhớ có một lần…” Khi đó, chúng ta đã không còn nghe đối phương nói nữa mà chỉ kể chuyện của bản thân mình.
Phản ứng tốt nhất là dừng lại và nhẹ nhàng tế nhị khuyến khích họ thổ lộ thêm. Như là: “Khi bạn nói bạn cảm thấy mình giống một kẻ tàng hình thì bạn hình dung chuyện ấy ra sao? Mọi người đã nói hay làm gì khiến bạn cảm thấy thế?” Mức độ chú ý kiểu vậy cho người khác biết rằng chúng ta quan tâm chăm sóc họ tỉ mỉ. Chúng ta trân trọng họ và muốn nhìn sâu vào trong mắt họ để thấy những gì họ thấy. Chúng ta không cố gắng chỉnh sửa tình trạng của họ, chúng ta chỉ đồng hành cùng họ.
KIỂM SOÁT PHẢN ỨNG CỦA BẢN THÂN
Mối quan hệ trở nên thiếu an toàn khi chúng ta trút giận lên đầu người đối diện hoặc tỏ thái độ bảo thủ. Cảm xúc có lỗi bởi nó thực sự tồn tại. Vấn đề là ở cách chúng ta bộc lộ cảm xúc ra sao. Việc công kích người khác bằng lời nói sẽ khiến họ cảm thấy họ bị đe dọa, không an toàn. Họ cảm thấy chúng ta đang chỉ trích cá nhân họ thay vì cố gắng giải quyết vấn đề.
Chúng ta có thể biểu lộ cảm xúc của mình nhưng chúng ta cần làm việc đó với sự chân thành và bình tĩnh. Thay vì nói với họ rằng: “Sao anh dốt thế. Tại sao lại làm vậy?”, chúng ta có thể nhẹ nhàng nói rằng: “Tôi rất buồn và giận khi bạn làm điều đó. Tôi cảm thấy thực khó mà tin tưởng bạn.” Trong những cuộc xung đột, cảm xúc không được kiểm soát không khác gì châm dầu vào lửa. Nó chỉ làm xung đột leo thang. Bản thân cuộc xung đột đã là một vấn đề khó khăn, cách ta tiếp cận và đối mặt với nó có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn.
Dù là bạn đời hay cấp trên, cuộc đối thoại hiệu quả sẽ kết thúc ngay khi một người bắt đầu nổi cáu và trút giận lên người còn lại. Khi đó, ta rất muốn phản bác cách hành xử của họ, tuy nhiên làm vậy cũng đồng nghĩa với việc sử dụng logic để đối phó với một người đang không kiểm soát được cảm xúc của mình. Chúng ta có thể nói chuyện với nhau sau, khi mọi người đều đã bình tĩnh lại – không phải trong không khí của trận chiến.
Đó là lúc ta có thể nói: “Liệu chúng ta có thể nói về những chuyện xảy ra ngày hôm qua được không? Tôi thực sự muốn biết chắc chắn rằng chúng ta có thể chân thành với nhau về những vấn đề khó khăn kia. Nhưng tôi nghĩ có điều gì đó đang ngáng đường chúng ta. Chúng ta có thể xem xét nó tỉ mỉ không?” Rồi sau đó hai bên có thể cùng thảo luận về từng quan thay vì phòng thủ hay công kích lẫn nhau.
Chúng ta làm rõ những kỳ vọng
Hãy thử cùng xem xét một hoàn cảnh cụ thể như sau: một hôm, sếp của bạn nói: “Tôi cần thu xếp một cuộc gặp với Phil vào trưa mai.” Thế là bạn gọi điện cho Phil và dàn xếp để anh ta gặp sếp bạn tại văn phòng của ông ấy vào buổi trưa.
Khi sếp bạn hay tin này, ông ấy nói: “Tôi muốn có một buổi gặp mặt trong bữa ăn trưa chứ không phải ở văn phòng. Buổi trưa là lúc dùng bữa. Tôi tưởng điều đó là hiển nhiên chứ.”
Bạn có làm đúng theo những gì sếp bạn yêu cầu không? Có. Và sếp bạn có vui không? Không.
Đúng ra vị lãnh đạo đó nên nói rõ hơn, nhưng ông ta đã không làm thế, và bạn đã thực hiện chính xác những gì được yêu cầu. Hiểu lầm giữa đôi bên xảy ra khi các kỳ vọng không được nêu rõ.
Thật dễ dàng khi cho rằng vị sếp đã có lỗi, đúng ra ông ấy cần nói rõ hơn. Nhưng chúng ta không thể kiểm soát được những gì ông sếp làm. Thay vào đó, khi được giao nhiệm vụ chúng ta cần nắm thế chủ động để làm rõ các dự định của ông ấy. “Tôi sẽ đặt một cuộc hẹn vào buổi trưa cho ông. Ông muốn gặp anh ta ở đâu? Cuộc gặp mặt dự tính sẽ kéo dài bao lâu? Và anh ta có cần chuẩn bị gì cho cuộc gặp này không?”
Sẽ tốt hơn nếu mỗi người đều diễn đạt rõ ràng mong muốn của mình. Nhưng trong bất kì mối quan hệ nào, người duy nhất mà chúng có thể kiểm soát được chỉ có chính bản thân mình. Nếu chịu bỏ thời gian để chủ động làm rõ trước những điều đó, chúng ta sẽ tránh được không ít phiền toái có thể xảy ra trong tương lai.
Chấp nhận lỗi lầm Không ai là hoàn hảo, kể cả chúng ta. Thật dễ để cảm thấy khó chịu khi thấy người khác làm không giống với cách mình làm, nhất là khi chúng ta “biết” rằng mình đúng. Tuy nhiên, trên thực tế, con người lại thường cảm thấy an toàn trong một mối quan hệ khi họ biết rằng những hành động của họ không ảnh hưởng tới giá trị con người họ. Họ sẽ cảm nhận được sự an toàn cần thiết để duy trì mối quan hệ với chúng ta khi biết rằng dù họ có lỡ phạm sai lầm, chúng ta vẫn sẽ luôn sẵn sàng chấp nhận họ vì bản chất con người họ.
Chồng bạn muốn làm bạn ngạc nhiên bằng việc lên kế hoạch tổ chức một bữa tối lãng mạn. Dù không phải là đầu bếp giỏi nhưng anh ấy đã tìm được một công thức nấu ăn tuyệt ngon. Và kết quả… ừm, không được xuất sắc cho lắm. Khi đó, bạn sẽ nói gì với chồng mình?
Nếu cả hai người đều hiểu rằng bữa tối vừa rồi chẳng ngon lành thì hãy chấp nhận sự thực đó. Nhưng bên cạnh đó, hãy nhận xét chân thành nhất về cả thức ăn lẫn về chồng bạn: “Em không biết dùng lời lẽ nào để bày tỏ sự cảm động khi thấy anh đã mất bao công sức chuẩn bị cho bữa ăn này. Em biết rằng anh cũng không vui với thành quả của mình. Nhưng với em, niềm vui lớn nhất không đến từ các món ăn mà là được ở bên anh. Cảm ơn anh nhiều lắm.”
Những sai lầm không thể bị bỏ qua vì chúng hiện hữu một cách rất rõ ràng. Nhưng chúng không đánh giá hết được một con người như thế nào. Các mối quan hệ được xây dựng trên sự chân thành giữa hai con người không hoàn hảo. Khi cố biến một con người trở thành hoàn hảo hoặc ép buộc họ phải trở nên phù hợp với hình ảnh mà chúng ta muốn, chúng ta đang vô tình phá hoại tiến trình phát triển của mối quan hệ.
Thiết lập ranh giới trong các mối quan hệ Robert Frost đã từng viết rằng: “Những bờ rào vững chắc tạo ra những người hàng xóm tốt.” Chúng ta có thể đủ tin tưởng người sống cạnh nhà mình để không dựng một lớp rào ngăn cách giữa hai ngôi nhà. Nhưng kết cục cuối cùng là chúng ta sẽ phải bực bội khôn nguôi khi thấy cỏ dại bắt đầu mọc tràn sang vườn nhà mình. Hàng rào không phải là dấu hiệu của sự ngờ vực; nó là thứ công cụ giữ cho mối quan hệ lành mạnh.
Chúng ta cần phải học cách bảo vệ mối quan hệ với những người mình yêu quý khỏi những tác động từ bên ngoài có thể đẩy chúng ta xa nhau. Chúng ta giữ kín những bí mật của nhau. Chúng ta không bàn luận đến những vấn đề nhạy cảm của nhau ở chốn đông người. Và khi ta cảm thấy khó chịu với người đó, ta không tìm đến người khác để tìm kiếm sự ủng hộ. Ta phải học cách nói chuyện trực tiếp với người đó, không phải với những người khác.
THỜI ĐIỂM THẮT DÂY AN TOÀN
Khi máy bay đi vào vào vùng nhiễu động không khí, phi công luôn yêu cầu hành khách phải thắt dây đai an toàn. Tôi nhận ra rằng có ít hành khách làm vậy.
Nhưng khi máy bay bất ngờ chúi mũi xuống thì việc đầu tiên mọi người làm là siết chặt dây đai an toàn. Trong trường hợp này, những hướng dẫn của các phi công chưa đủ để kích thích phản ứng này vì lúc đó, vấn đề dường như không nghiêm trọng đến vậy. Nhưng khi mọi người cảm nhận được là họ đang gặp nguy hiểm, ngay lập tức họ sẽ phòng vệ.
Mối quan hệ kéo càng dài bao nhiêu thì những nhiễu loạn mà con người phải đối mặt cũng gia tăng bấy nhiêu. Sẽ luôn có những vụ đụng độ lớn xảy ra. Đó là một phần trong sự phát triển của mối quan hệ. Khi chúng xảy đến, chúng ta mới bắt đầu tìm kiếm giải pháp. Nhưng đến khi chúng ta muốn giải quyết các vấn đề đó thì chúng đã phát triển vượt quá khả năng xử lý của chúng ta.
Thời điểm để choàng dây đai an toàn là lúc bắt đầu chuyến bay, không phải khi gặp vùng nhiễu xáo động. Làm vậy là nhằm tạo ra cảm giác an tâm, xuất phát từ việc chúng ta đã được chuẩn bị.
Khi cảm nhận được sự an toàn trong một mối quan hệ, họ sẽ có nền tảng nhất định để ứng phó với những nhiễu động. Sự an toàn tạo ra một môi trường tạo điều kiện cho sự phát triển dài hạn cũng như sự trưởng thành. Nó chuẩn bị cho con người trước cơn bão sắp đến.
NHỮNG LƯU Ý KHI TRANH CÃI
Khi căng thẳng xuất hiện, đừng để vấn đề trước mắt trở thành rào cảm giữa chúng ta và đối phương. Chúng ta cần hợp tác để giải quyết vấn đề đó.
Đừng trông cậy vào việc người khác sẽ thay đổi. Chúng ta có thể yêu cầu họ phát triển, nhưng họ cũng cần biết rằng chúng ta chấp nhận họ cho dù họ có thay đổi hay không.
Hãy bày tỏ sự tôn trọng đối với người khác thậm chí khi chúng ta bất đồng quan điểm. Chúng ta không nên để những vấn đề gặp phải hủy hoại mối quan hệ của mình.