Một con hổ không bao giờ mất ngủ chỉ vì ý kiến của một con cừu.
Ngạn ngữ châu Phi
C
huyến taxi đưa tôi đến sân bay Minneapolis ngốn nhiều thời gian vì nó rơi vào giờ cao điểm buổi chiều. Nhưng tôi không vội vã. Vẫn còn khối thời gian mới tới giờ khởi hành. Tôi mệt đừ người vì vừa mới kết thúc cuộc hội thảo thứ năm trong vòng năm ngày trở lại đây. Diễn thuyết trước đám đông suốt tám tiếng một ngày là công việc tổn hao sức lực, đặc biệt đối với một người sống nội tâm. Tôi đã khua môi múa mép trong suốt một tuần, vì thế tôi hy vọng được thư giãn, lơ đãng đưa mắt qua cửa sổ trong lúc xe chạy.
Nhưng tài xế của tôi lại có một lịch trình khác. Anh ta là một trong những tài xế ưa chuyện trò nhất mà tôi từng gặp trong nhiều năm qua, và anh ta nhất quyết muốn nói chuyện với tôi. Chất giọng Uganda đặc sệt của anh ta rất khó nghe nhưng anh ta thao thao gần như không nghỉ (và thường xuyên rời tay khỏi vô lăng để diễn đạt, điều khiến tôi thấy hơi lo lắng). Ban đầu, tôi chỉ trả lời nhát gừng, với hy vọng giữ được chút thời gian yên lặng. Tuy nhiên, anh ta bỏ qua cách gợi ý nhẹ nhàng của tôi và liên tục đặt câu hỏi.
Tôi phục anh ta là người giỏi nói chuyện. Cứ như anh ta đang thực hành theo các bước mà tôi từng mô tả trong cuốn Làm thế nào để giao tiếp một cách tự tin của tôi vậy, từ bước bắt đầu, tìm những điểm chung, khám phá, mở rộng, v.v… Cuối cùng anh ta hỏi: “Ông làm nghề gì?” Tôi trả lời rằng tôi hay đi thuyết giảng cho nhân viên ở nhiều công ty khác nhau. Anh ta liền muốn biết tên những chủ đề, những chi tiết và cách sắp xếp một buổi thuyết giảng như thế nào.
Cuối cùng, anh ta tìm được một câu hỏi “nóng”: “Khi ông đứng diễn thuyết trước hàng trăm người. Họ ở cùng trình độ như ông, họ cũng biết nhiều như ông biết. Vậy ông làm cách nào để giữ cho mình không cảm thấy nhút nhát?”
“Nhút nhát ư?” Tôi hỏi anh ta.
“Đúng vậy, nhút nhát, ngượng ngùng. Ví dụ khi tay ông run lên, người ta nhìn thấy và họ không thích ông nữa.”
Tôi liền hiểu anh ta muốn đề cập đến cảm giác lo lắng và sợ hãi.
Tôi nói: “Tôi nghĩ rằng bất cứ ai cũng cảm thấy như thế khi họ đứng trước đám đông lần đầu tiên. Nếu làm việc đó nhiều lần, anh sẽ cảm thấy tự tin hơn.”
Tới lúc này, cảm thấy bản thân đã nói đủ nhiều, tôi quyết định rằng mình sẽ dành chút thời để gian nghỉ ngơi sau khi đến sân bay.
“Ông làm sao vượt qua được?” Anh ta hỏi. Rồi chúng tôi tiếp tục bàn luận về những lựa chọn khác, bởi hình như anh ta rất muốn tìm được giải pháp.
Khi chúng tôi gần đến sân bay, anh ta nói: “Có người nói với tôi rằng khi căng thẳng, bạn nên nhìn lên đỉnh đầu thay vì vào mắt đối phương. Việc đó sẽ giúp bạn cảm thấy đỡ ngại hơn.”
“Được rồi”, tôi đáp lại. “Tôi đã nghe điều đó và những điều ná ná như vậy vài lần. Nhưng từ kinh nghiệm, tôi không đồng tình.”
“Nhưng không phải là nhìn vào mắt người khác sẽ đáng sợ hơn sao?”
“Có vẻ là như vậy, nhưng tôi thấy hoàn toàn ngược lại. Nếu tôi cố tránh nhìn người khác, việc đó nhắc nhở rằng tôi đã cảm thấy lo sợ như thế nào. Nó giống như việc anh không muốn mở mắt ra khi đang xem phim kinh dị, bởi vì anh sợ rằng anh sẽ trông thấy thứ gì đó làm anh kinh hãi. Nhưng khi anh dám nhìn thẳng vào mắt mọi người, anh đang kết nối với họ. Anh sẽ có được những khoảnh khắc mà ở đó họ là con người thực chứ không phải thứ gì đó khác đáng sợ. Họ sẽ cảm thấy gắn bó với anh và anh thấy mình thoải mái. Nếu anh có “nhút nhát” thì họ cũng thường chẳng để ý đến chuyện đó. Và nếu anh đã kết nối được với họ rồi, họ còn chẳng để tâm đến chuyện ấy nữa.”
“Lỡ như anh đang nói chuyện với ngài thị trưởng thành phố thì sao? Làm như thế nào để không phải lo sợ khi gặp ông ấy?” Anh ta hỏi.
“Hãy nhìn vào mắt ông ta.” Tôi nói. “Tuy là thị trưởng, nhưng khi anh nhìn vào mắt ông ấy, thì ông ấy cũng chỉ là một người bình thường thôi.”
LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG RỤT RÈ NHÚT NHÁT
Trong một cuộc đối thoại, ánh mắt quả quyết là một biểu hiện rất rõ rệt của sự tự tin. Trong trường hợp gặp một. Chúng ta so sánh bản thân với họ và cảm thấy mình thấp kém hơn. Một khi điều đó xảy ra, khó mà có được một cuộc đối thoại lành mạnh. Chúng ta nhìn họ qua lưới lọc “họ hơn ta”, vì thế không có sự cân bằng đích thực. Chúng ta đã nhường cho họ lợi thế cạnh tranh.
Những căng thẳng và bế tắc chỉ có thể được tháo gỡ bằng sự chân thành, dù bạn có đang trong mối quan hệ ai. Tôi không nói với bạn về việc đừng nói dối mà theo hướng giữ cho mối quan hệ luôn thẳng thắn, chân thành. Chúng ta cần nhìn thấy con người thật của đối phương chứ không phải hình ảnh mà ta luôn áp đặt lên họ.
Bất cứ ai khác trên thế giới đều chỉ thuộc vào hai loại: hoặc hơn ta, hoặc kém ta. Nếu thấy mình yếu thế hơn bạn, tôi sẽ rất bối rối và thiếu tự tin khi tranh luận. Khi thấy bạn không bằng tôi, tôi sẽ không tôn trọng bạn. Cách duy nhất để duy trì một mối quan hệ là nhìn nhận lẫn nhau như những con người với giá trị đích thực của họ. Chính nội tâm mới là thứ quyết định giá trị của chúng ta chứ không phải vẻ bề ngoài.
Cuối tuần trước, vợ tôi, Diane, và tôi đến xem gian trưng bày những cơ thể người được bảo quản bằng các loại hóa chất. Chúng là cơ thể người thật nhưng không còn lớp da nên bạn có thể thấy rõ cơ bắp, các cơ quan, mạch máu, dây thần kinh,... Thật thú vị khi được tận mắt chứng kiến cận cảnh các bộ phận bên trong cơ thể con người.
Chẳng có cách nào biết được những người đó trông như thế nào khi còn sống. Một người có thể cao lớn hay có khung xương to hơn một người khác, nhưng nhìn chung, tất cả đều có cấu tạo như nhau.
Tôi nghĩ đó là một bài học tốt về nỗi lo sợ. Chúng ta có xu hướng hoảng sợ trước những gì chúng ta thấy ở bên ngoài. Nhưng dưới lớp da ấy, tất cả chúng ta đều như nhau, đều là con người. Bạn có thể nhận rõ điểm khác nhau khi đặt hình ảnh của một vị tổng thống của một đất nước bên cạnh một ông lão vô gia cư. Nhưng bên trong, họ như nhau cả.
Do tính chất công việc của mình, tôi đã từng có cơ hội gặp gỡ một số lãnh đạo giữ chức vụ khá cao tại các tập đoàn lớn hoặc cơ quan chính phủ. Đã từng có một thời, tôi đã sợ hãi trước những tình huống đó bởi họ ở một giai tầng khác. Tuy nhiên, kinh nghiệm đã dạy cho tôi một bài học rằng họ cũng chỉ là những con người bình thường, nhưng đạt được một số thành tựu xuất sắc và lãnh đạo nhiều người khác. Những vị đấy có thể cao hơn, nhiều kinh nghiệm hơn, giàu có hơn và quyền lực hơn tôi rất nhiều. Nhưng suy cho cùng, khi mặc quần, họ cũng phải đút từng chân một vào như tôi. Còn ở bên trong, họ cũng chỉ là con người, giống như tôi.
Việc bạn đang nói chuyện với bạn đời của mình, một vị sếp lớn, một đứa trẻ, người thân trong gia đình, hàng xóm, chính trị gia hay doanh nhân, tất cả đều không quan trọng. Họ có thể khiến ta lo sợ bởi tính tình hay cách tiếp cận của họ. Nhưng tất cả chúng ta đều là con người, đó là điểm chung giúp ta kết nối được với nhau.
TẠI SAO CHÚNG TA THƯỜNG TẬP TRUNG CHÚ Ý VÀO NHỮNG ĐIỀU TIÊU CỰC
Khi đi dạy, vào cuối mỗi khóa học, tôi thường cho học viên điền vào các phiếu đánh giá. Họ sẽ cho ý kiến của họ về nội dung, tính thực tiễn của bài giảng và về diễn giả. Họ đánh giá các vấn đề theo thang điểm từ một đến mười. Khi nói chuyện với những diễn giả khác, chúng tôi phát hiện ra rằng chúng tôi đang tiếp cận những đánh giá đó theo cùng một cách:
• Chúng tôi thường nhìn vào điểm số mọi người cho chúng tôi (tức diễn giả) hơn là đánh giá về buổi thuyết giảng (nội dung).
• Chúng tôi có thể nhận được 50 điểm mười, nhưng chỉ cần một người đánh giá chúng tôi bốn điểm, chúng tôi vẫn buồn phiền vì điểm bốn đó.
• Chúng tôi quan tâm tới những gì người khác nghĩ về mình hơn là về nội dung buổi thuyết giảng, và chúng tôi sẽ bực bội nếu dù chỉ một người không thích mình.
Nếu 50 người thích buổi thuyết trình và chỉ một người không thích thì chắc chắn suy ra rằng người không thích kia có vấn đề. Ngược lại, nếu chỉ có một người thích buổi thuyết trình thì tôi phải chấp nhận rằng mình mới là người có vấn đề. (Đã từng có câu rằng: Nếu ai đó nói bạn là con ngựa, thì hãy kệ anh ta. Nhưng nếu tới năm mươi người đều bảo bạn là con ngựa, lúc đó hãy đi tìm cho mình cái yên.)
Lúc đầu tôi cứ nghĩ mình là kẻ duy nhất luôn tập trung vào những điều tiêu cực. Dần dà, trong suốt quá trình huấn luyện và cố vấn cho những diễn giả khác suốt vài năm, tôi khám phá ra đó là một hiện tượng chung. Tại sao việc để ý đến điều tiêu cực và bỏ qua điều tích cực lại có thể dễ dàng đến vậy?
Tương tự với đó, tại sao những trải nghiệm tiêu cực đơn lẻ mà chúng ta chứng kiến trong quá trình trưởng thành lại có thể định hình các lăng kính đánh giá mối quan hệ trong tương lai? Lúc nhỏ, nếu có ai nói rằng bạn hay gây phiền phức, lớn lên bạn sẽ cố gắng tránh trở thành nỗi phiền phức cho người khác.
Hóa ra có những nguồn gốc sinh lý học cho hiện tượng này. Một số nghiên cứu gần đây về não bộ đã chỉ ra rằng não của chúng ta được trang bị để phản ứng với những kích thích tiêu cực nhiều hơn là những kích thích tích cực. Một nhà nghiên cứu nói rằng não của chúng ta giống như miếng băng dính Velcro hút chặt lấy những trải nghiệm tồi tệ và giống miếng nhựa Teflon trơn với những trải nghiệm tốt đẹp. Chúng ta thường hay đánh giá quá mức những hiểm họa khi chúng xảy ra và đánh giá thấp giá trị mà một trải nghiệm tích cực mang lại. Không những thế, chúng ta cũng đánh giá thấp khả năng của bản thân để vượt qua những trải nghiệm tiêu cực và khả năng tận dụng những cơ hội mới để phát triển chính mình. Nói cách khác, con người ta luôn suy nghĩ với những thành kiến tiêu cực. Theo bản năng, chúng ta dễ tiêu cực hơn là tích cực.
Có một phần nhỏ trong não chúng ta được gọi là hạch hạnh nhân và đó là cơ quan chịu trách nhiệm về các suy nghĩ tiêu cực và tích cực. Khi chúng ta thu nhận một trải nghiệm tiêu cực nào đấy, nó truyền trải nghiệm đó vào bộ nhớ lâu dài của não bộ. Nhưng chúng ta sẽ phải mất mười hai giây tập trung vào một trải nghiệm tích cực trước khi lưu được nó vào bộ nhớ của mình.
Não bộ của chúng ta được thiết kế để truy tìm tin xấu và bỏ qua tin tốt. Đó là lý do tại sao chúng ta dù đang sống trong thế giới với 99% những trải nghiệm là tốt đẹp nhưng chúng ta vẫn luôn tập trung chú ý đến dù chỉ một chuyện xấu xảy ra. Chúng ta để tâm đến các mối đe dọa hơn là những cơ hội. Khi để vuột mất một cơ hội, não bộ của chúng ta ta tự an ủi rằng không sao đâu, ngày mai cơ hội khác sẽ tới. Nhưng nếu chúng ta cảm nhận được một mối đe dọa, não bộ lại luôn nhắc nhở ta rằng nó có thể sẽ kéo dài rất lâu.
Vậy chuyện này thì có liên quan gì tới các cuộc tranh cãi trong các mối quan hệ quanh ta? Có nhiều điều tích cực đang xảy ra trong những mối quan hệ của chúng ta. Tuy nhiên, khi có chuyện tiêu cực xảy ra, ta lại tập trung vào nó. Chúng ta thường đánh mất sự sáng suốt do quá tập trung vào một việc tiêu cực và bỏ qua hàng tá chuyện tích cực khác.
Ví dụ, một lần, chúng ta vô tình bắt gặp một người bạn tại nhà thờ và lên tiếng chào, nhưng lại chẳng nhận được một lời đáp lễ hay thậm chí là một nụ cười, dù chắc chắn là anh ta đã nhìn thẳng vào mắt mình. Vậy là chúng ta nghĩ: “Tại sao anh ta không chào mình?” Chúng ta dành thời gian còn lại trong ngày băn khoăn tự hỏi mình đã làm gì khiến người bạn đó mích lòng, và việc đó làm hỏng cả một ngày của chúng ta. Nhưng cuối cùng khi chúng ta có cơ hội nói chuyện với người bạn này, chúng ta mới phát hiện ra rằng lúc đó anh ta thậm chí còn không nhìn thấy mình. Anh ta đã quá mải mê nghĩ ngợi việc gì đó và ý thức của anh ta không hề ghi nhận sự có mặt của chúng ta.
Chúng ta thường bắt lấy tín hiệu từ người khác và hiểu chúng theo cách suy nghĩ của mình mà không xác nhận lại liệu điều ta nghĩ có đúng hay không. Từ đó, ta đinh ninh rằng nhận định của mình là đúng đắn và việc đó ảnh hưởng đến những mối quan hệ với những người khác. Nhưng sự thật là tất cả những suy nghĩ đó chỉ diễn ra ở trong đầu ta thôi, và đối phương không hề biết chút gì về chúng.
Cảm giác lo sợ mà ta cảm thấy khi đứng trước ai đó thường không bắt nguồn trực tiếp từ hành động hay lời nói của họ. Đó là vì chúng ta tự suy diễn từ những gì họ nói và làm. Ta tự cho rằng người kia đang suy nghĩ điều gì mà không xác nhận xem liệu nó có đúng hay không.
Để làm ví dụ, chúng ta hãy quay lại chủ đề về các tính khí khác nhau. Những người hướng ngoại có xu hướng nhanh chóng nói ra những ý nghĩ trong đầu. Ngược lại, người hướng nội sẽ suy nghĩ sâu hơn, cần thời gian để xử lý thông tin trước khi biểu đạt ý kiến của mình.
Những người hướng ngoại thường giành phần thắng trong các cuộc tranh luận do những người hướng nội không thể đưa ra câu trả lời hợp lý cho vấn đề. Người hướng nội sẽ cảm thấy bị lấn át bởi họ không bao giờ có thể đứng vững trong những cuộc tranh luận. Họ sẽ nghĩ rằng: “Mình thật vô dụng. Mình chẳng biết nói gì cả nên chẳng bao giờ có thể thắng được. Mỗi lần tranh cãi về một vấn đề gì đó, mình đều thua cả.”
Vấn để quay trở lại cách nhìn nhận. Những người hướng nội cho rằng người khác tự tin hơn vì họ nhanh chóng nói ra những ý nghĩ trong đầu. Nhưng họ quên mất đi điểm đặc trưng khác nhau của hai loại tính cách này:
• Người hướng ngoại sẽ định hình các ý kiến của họ trong quá trình giao tiếp. Họ thường quyết định quan điểm của mình trong lúc cuộc đối thoại diễn ra, chứ không phải trước khi nó diễn ra. Khi họ đang nói, có thể một ý tưởng đặc biệt nào đó nảy ra trong óc họ. Chính vì có thể suy nghĩ nhanh chóng, họ cho rằng tất cả những người khác đều có thể làm như họ. Vì vậy, khi thấy những người hướng nội không thể phản hồi ngay được, họ liền cho rằng mình đã thắng.
• Ngược lại, người hướng nội phát triển các ý kiến của họ bằng cách suy tư. Họ tiếp nhận rất nhiều thông tin trong một cuộc đối thoại nhưng cần thời gian để cân nhắc, xử lý những gì mình nghe được trước khi đưa ra nhận định. Họ chưa thể đưa ra bất cứ quan điểm nào ngay được. Và khi không thể nhanh chóng phản biện lại đối phương, họ liền cảm thấy mình ở thế yếu.
Như chúng ta đã biết, người hướng ngoại suy nghĩ nhanh hơn trong khi người hướng nội suy nghĩ sâu sắc hơn. Một cuộc đối thoại sẽ thành công hơn khi đôi bên nhận ra được bản chất tính cách của nhau thay vì mãi cho rằng đối phương cần phải thay đổi. Những người hướng nội phải nhận ra được thực tế đó. Những luận điểm chớp nhoáng và hùng hồn của những người thuộc nhóm hướng ngoại không phải lúc nào cũng chính xác. Đó chỉ là do họ có một phong cách tư duy khác mà thôi.
Cụ thể thì những người hướng nội nên có cách phản hồi thực tế hơn khi đối thoại cùng những người hướng ngoại để tránh cảm giác bị lấn át. “Chà, các quan điểm của bạn khá thú vị đấy. Tuy nhiên, hiện tôi chưa biết nên đáp lại ra sao. Tôi cần chút thời gian để suy nghĩ những điểm này. Hãy cho tôi một hai ngày để suy nghĩ thông suốt và tôi sẽ quay lại nói chuyện với bạn. Có lẽ tôi sẽ gửi email cho bạn về phản hồi của tôi hoặc chúng ta có thể hẹn nhau uống cà phê ở đâu đó. Sau đó tôi muốn nghe bạn nghĩ gì về quan điểm của tôi.”
Viết lách và suy nghĩ cân nhắc là cách giúp cho người hướng nội có cơ hội suy nghĩ trước và sau đó đưa ra những lời phản hồi mà không sợ bị lấn át. Đó chính là sức mạnh của những người hướng nội và không có việc gì bạn phải băn khoăn vì nó. Cách tiếp cận này cho cả người hướng ngoại lẫn người hướng nội cơ hội xử lý thông tin theo cách của riêng mình.
VẬY CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?
Khi biết não bộ của chúng ta vận hành với thiên kiến tiêu cực, chúng ta cần tỉnh táo trong cách xử lý các mối đe dọa được ghi nhận. Chúng ta nên nhìn nhận lại cảnh báo trong gương chiếu hậu bên tay phải của xe hơi: Mọi vật được phản chiếu trong tấm kính này đều nhỏ hơn ta tưởng.
Khi ta không thực sự kết nối với những người khác trong đời của chúng ta, tâm trí chúng ta tự vẽ lên những câu chuyện về việc họ đang nghĩ gì (và những câu chuyện đó thường là tiêu cực). Chúng ta sẽ cảm thấy lo sợ nếu chúng ta tin vào những câu chuyện tiêu cực đó.
Nhà tâm lý học Daniel Amen gọi quy luật này là ANTs (Automatic Negative Thoughts) hay suy nghĩ tiêu cực tự động. Những ý nghĩ này xuất hiện tự động trong tâm trí và làm chúng ta lúc nào cũng lo sợ. Ông nói lẽ ra ngay từ thời trung học chúng ta phải được dạy rằng chúng ta không được phép tin tưởng vào bất cứ suy nghĩ nào xuất hiện trong đầu và rằng chúng ta có khả năng để thách thức những suy nghĩ ấy.
Theo ông, bất cứ khi nào cảm thấy buồn, tức giận, lo lắng hay mất kiểm soát, chúng ta có hai việc phải làm:
• Viết ra những suy nghĩ tiêu cực của bạn (một cách giúp ta xả nó ra khỏi tâm trí mình).
• Tự hỏi bản thân rằng liệu những suy nghĩ đó có phản ánh đúng thực tế hay không.
Ông Amen nói: “Một cách để tập thay đổi những ý nghĩ của bản thân là nhận ra được khi nào chúng tiêu cực và phản bác lại chúng. Sửa được những suy nghĩ tiêu cực ấy cũng đồng nghĩa với việc bạn đã tước bỏ quyền năng của nó đối với bạn. Khi chỉ suy nghĩ tiêu cực mà không tự vấn ngược lại, cả tâm trí lẫn cơ thể của bạn đều sẽ vận hành theo hướng đó.“ Chúng ta không muốn trao cho người khác chiếc chìa khóa đóng mở trí óc của mình. Sự lo sợ sẽ xuất hiện khi ta thất bại trong việc chất vấn nhận thức của người khác về bản thân.
Vì vậy, trong các cuộc tranh cãi, mỗi khi cảm thấy lo sợ trước ai đó, ta phải luôn nhắc nhở bản thân cái gì mới thực sự là điều đúng đắn:
• Tôi có thực sự lo sợ bởi những điều họ nói hay không? Hay thực chất là tôi chỉ đang lo sợ những gì mà tôi nghĩ họ là đang muốn nói.
• Họ không giỏi hơn hay thấp kém hơn tôi, họ cũng là người.
• Nếu tôi tập trung chú ý vào sự tiêu cực, tôi cần nhắc nhở mình về những điều tích cực.
• Tôi không muốn suy diễn xem họ đang nghĩ gì, tôi cần tự khám phá điều đó từ chính họ.
Mỗi người có một cách giao tiếp khác nhau, chẳng ai khá hơn và cũng chẳng ai tệ hơn.
Tôi không cần so sánh với họ và buộc mình phải giống họ. Tôi chỉ cần là chính mình.
Vậy làm sao để tránh rơi vào tình trạng lo sợ? Bằng cách tập trung vào những gì có thật hơn là cảm nhận. Tuy làm việc đó tốn rất nhiều thời gian và công sức, nhưng kết quả thu về từ khoản đầu tư này sẽ rất lớn. Đây là một lối suy nghĩ khác biệt, nhưng nó có thể giúp giữ vững lập trường trong các cuộc tranh cãi.
NHỮNG LƯU Ý KHI TRANH CÃI
Phương pháp để tránh cảm giác lo sợ
Luôn nhớ rằng tất cả chúng ta đều là con người. Mỗi chúng ta đều có những nỗi sợ và khó khăn khác nhau, nhưng chúng ta cũng có những cách thức khác nhau để đối phó với chúng.
• Chủ động tập trung vào những mặt tích cực thay vì để bản thân bị ảnh hưởng bởi những quan điểm tiêu cực.
• Phản biện lại những suy nghĩ tiêu cực về bản thân để kiểm nghiệm lại tính chính xác của chúng.
• Nhận ra mỗi kiểu tính cách sẽ có một cách giao tiếp riêng. Chúng không đúng hay sai mà chỉ khác nhau.