Hầu hết những cuộc đối thoại chỉ là những màn độc thoại với sự có mặt của một nhân chứng.
Margaret Millar
A
i cũng có câu chuyện riêng của mình. Bạn cũng có. Và cả tôi nữa. Hiển nhiên là tất cả chúng ta đều muốn có ai đó lắng nghe câu chuyện của mình. Chính vì thế chúng ta luôn cố gắng kể nó ra, nhưng không ai nghe nó. Những người khác cũng đang bận kể câu chuyện của mình.
Tôi đang viết ra những nhận xét này khi đang ngồi ghế số 8B trên chuyến bay dài hai tiếng đồng hồ từ Portland đến Ontario thuộc bang California. Thỉnh thoảng trên máy bay, tôi đọc sách hoặc làm việc. Tối nay, tôi đang quan sát những người xung quanh tôi đang làm những công việc khác nhau. Tôi tự hỏi những câu chuyện của họ là gì.
Ngay kế bên tôi là hành khách ghế 8A đang ngủ say. Tôi thậm chí chẳng thể đoán được câu chuyện của anh ta ra sao bởi anh chàng đang dựa cửa sổ ngủ ngon lành. Nhưng tôi vẫn rất băn khoăn về câu chuyện của anh ta.
Ở ngay phía trước, ghế 7A, là một cụ bà gần 90 tuổi. Qua cặp kính dày gọng đen bà cụ đang đọc một bài báo với tựa đề “Những Cách Thức Hẹn Hò Trong Thời Hiện Đại”. Bà cụ đã đọc mẩu báo đấy suốt mười lăm phút rồi. Tôi ước được biết câu chuyện riêng của bà.
Ở hai ghế 9C và 9D xéo sau lưng tôi là hai chị em, hai cụ bà gần tám mươi tuổi. Họ đang nói chuyện không ngừng. Tôi nghe lóm được cuộc đối thoại của hai người.
“Sao vẫn chưa cất cánh nhỉ?”
“Em không biết nữa. Để em kiểm tra xem sao.” “Cô có thấy gì không?”
“Có chiếc máy bay khác đang hạ cánh. Em thấy nó ở tít đằng xa kia. Ít nhất là em thấy được những ánh đèn.”
“Vậy chắc nó là cái máy bay nhỉ?”
“Hoặc là một con chim. Một con chim có gắn đèn.” Liền đó cả hai cười khúc khích. Rồi cười sằng sặc, cười chảy cả nước mắt nước mũi.
Máy bay đã cất cánh được hơn một tiếng rồi mà hai chị em vẫn cười không ngớt về những điều họ vừa nói với nhau. Tôi cực kì muốn bắt chuyện với hai bà. Nhưng chắc hẳn dù chúng tôi có đủ thân để trò chuyện thì họ cũng sẽ quá mải cười để có thể kể cho tôi nghe bất cứ điều gì.
Ở ghế 8C kế bên, cách lối đi giữa máy bay, là một người mẹ tuổi gần ba mươi đang chơi với đứa con hai tuổi. Thằng bé mặc áo thun xám, đeo một chiếc cà vạt thêu họa tiết đỏ trắng và đội mũ quả dưa xám. Bạn cứ tra từ điển tìm từ “dễ thương” thì hình của thằng bé có lẽ sẽ nằm ở đó để minh họa. Thằng bé đang nghịch ngợm cái máy tính bảng tập vẽ tranh hiệu Etch A Sketch cùng với mẹ nó. Đứa trẻ đó cũng có câu chuyện của mình. Dù không dài nhưng đó vẫn là một câu chuyện.
Người phụ nữ lên máy bay cuối cùng ngồi ở ghế 7C – thêm một người phụ nữ lớn tuổi khác. Bà ăn mặc như thể đây là chuyến đi tuyệt vời nhất cuộc đời mình vậy. Một cái áo khoác nỉ đỏ, chiếc quần dài màu cát sậm, được tô điểm bằng một đôi món nữ trang bằng vàng, chứng tỏ rằng lúc trẻ bà là người có gu ăn mặc khá thời thượng. Bà có câu chuyện riêng của mình. Và bà đang kể nó qua trang phục của mình.
Vừa ngồi xuống, bà ấy liền bắt chuyện với một cô gái tầm ba mươi lăm tuổi ngồi ghế 7D kế bên cửa sổ. Do chiếc máy bay khá nhỏ (mỗi bên chỉ có hàng hai ghế) nên cô gái ở 7D trở thành người nghe bất đắc dĩ của bà ghế 7C. Nhưng cô ấy đang rất chăm chú lắng nghe.
Ban đầu tôi rất thông cảm cho cô ta vì phải nghe bà ngồi ghế 7C kể lể chuyện đời mình. Bà nói về tuổi thơ của bà, chuyện con cái, về người chồng mới nhất, sự nghiệp và những trải nghiệm tuổi mới lớn của mình. Bà kể về nơi bà từng sống và những gì bà đã tận hưởng trong đời mình. Những câu hỏi của cô gái ngồi ghế 7D lại càng thôi thúc bà nói nhiều hơn nữa.
Bà ở ghế 7C không ngừng nói, và cô gái ghế 7D thì không ngừng lắng nghe.
Xin Chúa ban phước cho cô gái 7D. Cô ta đã tặng bà cụ ở ghế 7C một món quà đầy ý nghĩa, đó là sự lắng nghe. Tối nay, bà ở ghế 7C sẽ về nhà với cảm giác mình được trân trọng bởi có một người lạ dành thời gian quan tâm đến mình. Cho dù bà ngồi ghế 7C nói suốt 90% thời gian, nhưng bà sẽ nhớ mãi rằng cô gái ngồi ghế 7D là người giỏi dẫn dắt cuộc đối thoại.
Là người hướng nội, tôi không định ép mình trò chuyện với những người khác trên các chuyến bay. Thường thì tôi đã phải nói suốt cả một ngày trong khi huấn luyện nên tôi muốn nghỉ ngơi. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng thật tuyệt vời khi có ai đó chịu lắng nghe câu chuyện của mình. Tất cả những gì tôi cần phải làm bắt tay ngay vào việc, gạt lịch trình của mình qua một bên và chăm chú lắng nghe một câu chuyện thú vị.
Tôi rất muốn biết tại sao một bà cụ gần chín mươi tuổi lại đọc bài báo về bí kíp hẹn hò. Tôi muốn biết điều gì có thể khiến một người cười đến độ không thở được. Tôi muốn biết hành trình của cậu họa sĩ bé bỏng kia. Tôi muốn lắng nghe cũng như muốn ai đó lắng nghe tôi nói.
TẠI SAO CHÚNG TA MUỐN ĐƯỢC LẮNG NGHE
Thực là khó chịu khi bị kết tội trong khi không có lấy một cơ hội để kể ra câu chuyện của mình. Sếp của chúng ta la lối chúng ta vì tội đi làm trễ giờ và nói rằng lẽ ra theo phép lịch sự thì ít nhất chúng ta phải gọi điện thông báo. Nếu ông ấy hỏi chuyện gì đã xảy ra, chúng ta có thể giải thích rằng chúng ta đã gọi nhưng hộp thư thoại của ông ấy chật ních tin nhắn rồi. Khi những cuộc đối thoại bắt đầu bằng những lời kết tội và quy chụp, chúng ta nhận ra ngay rằng việc giao tiếp sẽ khó mà trôi chảy.
Con người luôn khát khao được lắng nghe. Chúng ta có thể nói chuyện với nhau rất nhiều nhưng thực sự lắng nghe nhau thì không nhiều. Những cuộc đối thoại liên miên kiểu đó cũng giống như bạn đang cố gắng tồn tại nhờ một thực đơn chỉ toàn những món đồ ăn vặt. Trong khi đó, việc lắng nghe lại giúp cho chúng ta có những dưỡng chất cân bằng trong tâm hồn vậy.
Dưới đây là những lý do khiến cuộc đối thoại bị đình trệ:
• Tất cả chúng ta đều có nhu cầu được người khác trân trọng.
• Khi có người lắng nghe chúng ta, chúng ta cảm thấy được trân trọng. Nếu không, ta cảm thấy mình chẳng là gì cả.
• Nhu cầu muốn được trân trọng rất mạnh mẽ. Khi không có ai lắng nghe chúng ta, ta lại càng nói nhiều hơn với hy vọng thu hút được sự chú ý của đối phương, hy vọng họ sẽ nghe mình nói.
• Mọi người đều hành động như nhau, tất cả đều cố gắng thu hút người khác nghe mình. Thế nên ai cũng nói, không ai chịu lắng nghe.
Trải qua nhiều năm, con người ta đã tạo cho mình văn hóa của những người chỉ biết nói nhưng không biết lắng nghe. Chúng ta hình thành cho mình một tư duy tập thể cho rằng việc khuyên bảo người khác đáng giá hơn việc lắng nghe đối phương. Khi chúng ta muốn giúp ai đó, ta chỉ nghĩ đến việc đưa ra lời khuyên họ phải làm gì. Nghe ra rất có ích, đúng không? Họ gặp vấn đề và ta đưa ra giải pháp thích đáng. Quả là một phương trình hoàn hảo.
Nhưng vấn đề thực sự ở đây là lời khuyên hầu như chẳng bao giờ giúp giải quyết được các vấn đề. Chính việc lắng nghe mới làm được việc đó. Nghe thì nghịch nhĩ nhưng nó đúng trong đa số trường hợp. Chúng ta thường không mấy hứng thú khi phải nghe lời khuyên từ ai đó. Nhưng nếu họ chịu lắng nghe chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy mình muốn tìm kiếm lời khuyên từ họ.
Hãy thử nghĩ lại về lần gần nhất một ai đó muốn cho bạn lời khuyên – hoặc sử dụng các sự thật và con số để chứng minh rằng bạn sai và họ mới là người đúng. Có lẽ bạn không nói: “Ồ, như vậy là tốt hơn cách nhìn của tôi. Rõ ràng là quan điểm của tôi đã sai. Tôi sẽ thay đổi suy nghĩ của mình ngay và làm theo khuyên của bạn.” Không, hẳn là bạn đã nghĩ rằng họ quá ngạo mạn và điên rồ. Lúc đấy, bạn chắc chắn là bạn đã tranh cãi hoặc đơn giản là từ chối đối thoại.
Đó là lý do chúng ta lưỡng lự chưa chịu mở cửa khi có ai đó đến chào mời mua tạp chí, truyền giáo hay bán kẹo lấy tiền làm thiện nguyện. Người đang đứng trước cánh cửa nhà bạn sẵn sàng đứng đó để thuyết phục bạn. Họ có thể đã luyện tập từ trước những cách ứng xử thích hợp khiến bạn cảm thấy rằng họ đang lắng nghe nhưng cuối cùng họ vẫn để lộ ra mục đích thật sự của mình.
Khi chúng ta muốn người khác lắng nghe mình, xu hướng tự nhiên của chúng ta là nói nhiều hơn. Nói cho cùng, chúng ta nói thì đối phương mới có cái mà nghe, đúng không? Nhưng sự thật thì ngược lại hoàn toàn. Cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của ai đó là lắng nghe họ. Theo bản năng, mọi người đều muốn nghe điều mà một người phải nói khi người đó bày tỏ trước mối quan tâm đích thực của họ.
Vì thế chìa khóa là nói ít đi, không phải là nói nhiều hơn. Hãy để cho việc im lặng và việc lắng nghe thay thế những câu nói dư thừa kia.
GIÁ TRỊ CỦA SỰ IM LẶNG
Trong suốt những năm đứng trên giảng đường đại học, sinh viên thường ghé văn phòng của tôi để nói chuyện. Một số người thắc mắc về bài tập, trong lúc những người khác băn khoăn về việc chọn môn học cho học kỳ tiếp theo.
Thường thì những cuộc nói chuyện đó từ từ chuyển sang chủ đề cuộc sống đời thường. Các sinh viên đang phải thu xếp để thích ứng với thế giới thực xa cha mẹ và họ đang cố gắng khám phá nhiều điều. Vì vậy, họ cần một người đáng tin cậy để cùng thảo luận những ý tưởng của mình.
Tôi rất thích những cuộc trò chuyện ấy. Chúng là một trong những phần tuyệt vời nhất trong công việc của tôi. Không những thế, những cuộc đối thoại đó để lại nhiều ấn tượng cho tôi. Các sinh viên thường chia sẻ về những suy nghĩ, giấc mơ và thách thức mà họ phải đối mặt. Họ sẽ nói… vâng, bất cứ điều gì. Và tôi hầu như chưa bao giờ trả lời. Tôi chỉ im lặng lắng nghe. Tôi luôn cảm thấy mình chưa đủ tầm. Tôi nghĩ giá như mình đưa ra được những lời khuyên tốt hơn hay có những điều hay hơn để nói với họ. Giá như tôi có thể đúc kết lại những bài học quý đủ để khiến lũ học trò phải ngỡ ngàng từ tất cả những trải nghiệm và học thức của bản thân! Nhưng sự thực là tôi chẳng mấy khi có gì để nói.
Chính vì thế tôi chỉ lắng nghe. Khi có cơ hội, tôi khẳng định lại điều mà tôi nhận thấy là điểm mạnh của từng sinh viên. Thật ngạc nhiên là các em thường nghĩ rằng mình không có điểm mạnh. Đối với các em, đơn giản là nó không tồn tại. Đối với tôi, đó là những cuộc đối thoại thông thường. Nhưng đối với họ, đó là những bước ngoặt.
Con người luôn khao khát được lắng nghe. Hành động tưởng chừng như vô cùng nhỏ bé đó có thể khiến họ, những con người không mấy khi coi trọng bản thân, cảm nhận được giá trị của chính mình. Nếu họ không đủ tin tưởng vào bản thân, họ sẽ vay mượn niềm tin đó từ hành động lắng nghe của chúng ta – đến tận khi nó trở thành một niềm tin nguyên bản xuất phát từ chính nội tâm con người họ.
Giá trị của sự lắng nghe tỉ lệ thuận với tầm quan trọng của mối quan hệ tương ứng. Trong các cuộc xung đột, việc cố nói cho nhiều thêm nữa cũng chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Nhưng khi chịu bình tĩnh lại và học cách lắng nghe, ngọn lửa của sự bất hòa sẽ dần cạn kiệt năng lượng và dịu xuống.
HỌC CÁCH LẮNG NGHE
Lắng nghe là một kỹ năng mà bất cứ ai cũng có thể học được. Nó không chỉ dành riêng cho những mẫu người hướng nội và nhạy cảm. Những người ồn ào nhất trong chúng ta vẫn có thể học lắng nghe nếu họ thực sự muốn. Chúng ta cần phải nhận thức được hai điều sau:
• Tại sao chúng ta không lắng nghe.
• Bằng cách nào chúng ta có thể cải thiện khả năng lắng nghe của bản thân.
Tại sao chúng ta không lắng nghe
Có rất nhiều trường hợp chúng ta thường nói thay vì lắng nghe:
• Chúng ta tin rằng mình đúng. Nếu bị thuyết phục bởi quan điểm của chính mình, chúng ta sẽ dễ dàng cho rằng người khác là kẻ cứng đầu hoặc ngu dốt. Chúng ta hoàn toàn không muốn nghe quan điểm của họ bởi khi đó, lắng nghe chỉ là vô ích.
• Chúng ta nghĩ rằng vấn đề là lỗi của đối phương. Khi tin rằng đối phương là người có lỗi và chúng ta chẳng có gì đáng phải chê trách, chúng ta sẽ cảm thấy không cần nhìn nhận về trách nhiệm của bản thân trong vấn đề gặp phải. Chúng ta chỉ muốn người khác phải thay đổi hành vi của họ.
• Chúng ta sợ bị chỉ trích. Nếu vốn đã không thích xung đột, chúng ta sẽ làm mọi cách có thể để tránh điều đó. Chúng ta nêu lên quan điểm của mình và thủ thế ngay lập tức khi đối phương bắt đầu nói. Việc này có thể chấm dứt mối liên hệ giao tiếp giữa song phương một cách vô cùng hiệu quả.
• Chúng ta cảm thấy mình đáng được đối xử tốt hơn. Khi coi cách tiếp cận của đối phương như một sự chỉ trích, ta sẽ ngay lập tức ngừng tiếp nhận ý kiến. Chúng ta cảm thấy mình không được tôn trọng, vì thế chúng ta không muốn cởi mở để nghe quan điểm của họ.
• Chúng ta sợ đánh mất vị thế nếu thừa nhận sai lầm của bản thân. Nếu hai người đang cố phân định ai đúng ai sai thay vì suy xét tỉ mỉ vấn đề, cuộc đối thoại sẽ bị đình trệ. Nếu thừa nhận lỗi sai của bản thân, chúng ta cảm thấy mình đã thua và chắp tay nhường phần thắng cho đối phương.
• Chúng ta muốn là người kiểm soát tình hình. Chúng ta không thích làm hành khách trên chiếc xe với một gã tài xế điên rồ. Khi tay lái nằm trong tay người khác, chúng ta sợ hãi với những gì sẽ xảy ra. Chúng ta muốn được trở thành người cầm lái.
• Chúng ta nghĩ nhanh hơn tốc độ nói của đối phương. Nếu một người nào đó phải mất một khoảng thời gian để định hình những ý tưởng của họ, chúng ta sẽ muốn nói nốt hộ họ những câu dang dở để cuộc đối thoại tiếp diễn. Chúng ta đâm ra chán ngán, lơ đãng, và không tiếp tục lắng nghe.
Thời điểm thừa nhận rằng bản thân đang không lắng nghe cũng chính là lúc để ta phân tích những điều đang xảy ra trong mối quan hệ của mình. Bước đầu tiên để xây dựng một giải pháp cho vấn đề này là nhận thức được những lý do sâu xa đắng sau sự lơ đễnh của chính chúng ta.
Làm cách nào để cải thiện khả năng lắng nghe
Hầu hết mọi người đều tự xây dựng cho mình một phong cách đối thoại hiệu quả:
Một người nói, và người còn lại lắng nghe chỉ để chuẩn bị cho lời đáp trả của mình.
Người thứ hai đáp lại và người thứ nhất chỉ nghĩ đến việc tiếp theo mình nên phản hồi ra sao.
Sau khi người thứ nhất đáp lời, người còn lại tiếp tục nghe để tìm cách trả lời…
Và cứ thế nó tạo một vòng lặp của sự giao tiếp không hiệu quả. Ai cũng nói nhưng chẳng ai thực sự lắng nghe.
Muốn cải thiện khả năng lắng nghe, chúng ta phải chuyển hướng mối quan tâm ra khỏi bản thân và thành tâm hướng nó về phía đối phương. Điều đó không có nghĩa là ta phải từ bỏ các nhu cầu của mình và đẩy mối quan hệ hoàn toàn ngả về phía họ. Nó có nghĩa là chúng ta phải đổi lượt, tức là tạm thời gạt quan điểm của mình sang một bên để nhìn nhận bằng con mắt của đối phương. Chúng ta đã không lắng nghe vì bận vắt óc nghĩ ra những cách để chống lại quan điểm của họ; nhưng nếu lắng nghe, chúng ta sẽ nhìn thấy vấn đề từ góc nhìn của họ. Điều này có thể xảy ra rất nhiều lần trong một cuộc đối thoại. Trên thực tế, nó là mô hình khá hiệu quả để cuộc trao đổi trở nên ý nghĩa.
Kịch bản hoàn hảo nhất chính là khi một người nói và người còn lại tạm gạt sang bên những định kiến của mình và dùng 100% sự chú ý của mình để lắng nghe người kia nói. Và điều đó sẽ xảy ra ngược lại khi người còn lại bắt đầu nói.
”Nhưng tôi sẽ phải làm gì nếu họ không chịu hợp tác? Tôi có thể lắng nghe người khác, nhưng lỡ họ không chịu lắng nghe tôi thì sao? “
Đó là một khả năng có thực. Chúng ta không thể kiểm soát hành động của bất kì ai khác. Điều duy nhất mà chúng ta có thể kiểm soát được là quyết định tập trung lắng nghe dù đối phương có làm gì. Nhưng có điều thú vị là khi một người chân thành lắng nghe, người còn lại cũng sẽ chịu tác động từ việc đó.
Hãy tưởng tượng, có hai người đang đứng đối diện nhau, duỗi thẳng cả hai tay và áp lòng bàn tay vào nhau. Cả hai đều đang dựa toàn bộ trọng lượng lên người đối phương. Chừng nào cả hai bên vẫn còn đẩy, họ sẽ đứng vững nhờ lực đối trọng từ phía đối phương. Nhưng nếu một người lùi lại, người kia chẳng còn gì để tựa lực đẩy của mình vào nữa. Mất điểm tựa, anh ta sẽ ngã chúi về phía trước. Thực khó xử nếu tiếp tục đẩy trong khi người khác không đẩy nữa. Đó là điều sẽ xảy ra trong một cuộc đối thoại căng thẳng. Việc cả hai bên chỉ nói sẽ kéo dài sự căng thẳng và cuộc tranh cãi vẫn sẽ tiếp diễn. Nhưng khi một người bắt đầu thực sự lắng nghe, áp lực đó sẽ biến mất. Người còn lại sẽ cảm thấy lúng túng nếu mình tiếp tục giữ thái độ hung hăng.
Trong Kinh Châm ngôn có trích đoạn rằng: “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận”. Điều đó nghe ra khó mà làm nổi khi chúng ta đang trải qua những cảm xúc mạnh. Nhưng việc học cách xử lý hiệu quả những cuộc tranh cãi căng thẳng đòi hỏi chúng ta phải làm những việc khác thường. Nói cách khác, chúng ta phải hành động có chủ đích thay vì chỉ phản ứng lại những gì người khác nói và làm. Việc đó đưa chúng ta quay lại với định nghĩa của sự điên rồ: Lặp lại điều mà chúng ta thường làm và trông đợi những kết quả khác biệt.
Nếu thật sự muốn đạt kết quả mới trong giao tiếp, chúng ta nên tiếp cận cuộc đối thoại theo những cách thức mới. Những cách thức mới đó có thể như sau:
• Lắng nghe trước khi mở lời. Khi một cuộc đối thoại trở nên gay gắt, ta thường dễ mất bình tĩnh và ngay lập tức phản bác với quan điểm của bản thân. Nhưng sẽ là tốt hơn nếu chuyển quan điểm từ thuyết phục sang thấu hiểu. Khi làm điều đó, chúng ta có thể thay đổi cục diện của cuộc đối thoại.
• Không ngắt lời. Những người biết lắng nghe sẽ không ngắt lời người khác ngay cả khi đối phương mất quá nhiều thời gian để thể hiện quan điểm của mình. Đừng sợ sự im lặng và hãy thể hiện sự tôn trọng của mình bằng cách không hối thúc đối phương. Chúng ta cần điều khiển bản thân mình trong cuộc trò chuyện, chứ không phải cả hai bên.
• Để tâm đến phản ứng của đối phương. Khi nói chuyện, chúng ta rất dễ bị cuốn đi theo dòng suy nghĩ của bản thân và quên đi người còn lại. Một người biết lắng nghe sẽ luôn theo dõi những biểu cảm trên khuôn mặt và những cử động tinh tế của người đối diện để xem họ phản ứng ra sao.
• Không suy diễn. Chúng ta thường có xu hướng cho rằng đối phương đang không đồng tình với mình khi không nhìn thấy họ có bất kì biểu hiện nào. Cách duy nhất để ta biết được chính là hỏi thẳng: “Bạn phản hồi ra sao về điều này? Bạn đang nghĩ gì vậy?”
• Học cách giải thích vừa đủ. Trong các cuộc tranh luận gay gắt, chúng ta thường có xu hướng giải thích dài dòng vấn đề khi thấy đối phương tỏ thái độ không đồng tình. Chúng ta sẽ lặp đi lặp lại vấn đề theo một vòng luẩn quẩn và khiến người đối diện cảm thấy khó chịu. Tốt nhất là chỉ cần nêu quan điểm của mình và để họ hỏi chi tiết.
• Đặt câu hỏi để giữ đà cho cuộc đối thoại. Nếu thấy đối phương dường như không lắng nghe nữa, chúng ta không nên nói tiếp mà thay vào đó nên đặt câu hỏi, ví dụ như: “Tôi nói có dễ hiểu hay không?” Điều đó sẽ giúp đẩy quyền nói chuyện về phía họ và giúp kéo dài cuộc đối thoại.
• Đặt câu hỏi nhằm hiểu rõ hơn vấn đề. Thay vì phản ứng lại với mọi điều người khác nói, hãy bình tâm suy nghĩ và đặt những câu hỏi để làm rõ ý của đối phương. Những câu hỏi như thế giúp ta đào sâu hơn vào chủ đề.
• ”Ý của bạn là gì khi nói tiền bạc là vấn đề?”
• “Bạn có thể cho tôi biết rõ hơn được không?”
• ”Bạn nói rằng tôi không quan tâm tới những nhu cầu của bạn. Bạn có thể nói rõ hơn được không?”
• ”Khi bạn nói rằng bạn muốn công việc của tôi đạt được kết quả tốt hơn. Đối với bạn, kết quả tốt hơn là như thế nào?”
• Bàn luận về những điều mà đối phương quan tâm. Chúng ta sẽ gặp khó khăn khi giải thích với một người ăn chay về việc giá thịt đang gia tăng.
• Tóm tắt lại những gì đối phương vừa nói. Nếu muốn người khác biết rằng chúng ta đang lắng nghe họ, chúng ta nên tóm tắt lại bằng ngôn từ của mình những điều họ nói ra và hỏi họ rằng bạn hiểu như vậy có đúng không. “Nếu như tôi nghe chính xác thì bạn đang nghĩ rằng… Liệu tôi có đang hiểu đúng ý bạn không?”
NHỮNG LƯU Ý KHI TRANH CÃI
Lắng nghe là một trong những cách đơn giản nhất để phá vỡ những rào cản trong một cuộc đối thoại căng thẳng. Chúng ta cần phải nhún nhường để có thể lắng nghe người khác, nhưng đó là một trong những cách nhanh nhất để kết nối chân thành khi ta thực sự đặt tầm quan trọng của mối quan hệ cao hơn vấn đề trước mắt.
• Hãy yêu cầu người khác kể cho chúng ta nghe câu chuyện của họ. Hãy nhìn vào mắt họ trong lúc lắng nghe họ nói.
• Hãy chân thành lắng nghe người khác. Đó là cách nhanh nhất để làm dịu đi sự căng thẳng trong một cuộc đối thoại gay gắt.
• Hãy tập lắng nghe tất cả mọi người. Chúng ta nên những định kiến cá nhân sang một bên và lắng nghe để thấu hiểu.
• Hãy đáp lời bằng cách làm rõ hơn những điều đối phương đang nói thay vì thêm thắt vào đó những suy nghĩ của chúng ta. Dời sự tập trung về phía mình và ta sẽ không còn lắng nghe nữa. Khi đó, chúng ta chỉ đang nói mà thôi.