Một số người nên đổi trạng thái Facebook của họ thành “Cần sự chú ý”
Khuyết danh
N
gày bé, tôi sinh sống tại vùng Phoenix. Đa số người dân nơi đây đều trồng cỏ gà trên sân nhà mình. Ở bất cứ nơi nào khác, cỏ gà đều bị coi là một loại là cỏ dại cần phải tiêu diệt. Loại cỏ này cần rất ít nước và có thể mọc trên bất kì loại đất nào. Chính đặc tính này đã khiến nó trở thành một lớp che chắn lý tưởng để bảo vệ mặt đất khỏi cái nóng gay gắt của mùa hè.
Vào mùa đông, cỏ gà sẽ ngừng phát triển và rơi vào trạng thái ngủ đông. Khi đó, lá cỏ héo khô, quắt lại và đổi sang màu nâu, khiến chúng trông chẳng khác gì đã chết. Tuy nhiên, khi mùa xuân tới, lớp cỏ tưởng như không còn dù chỉ một chút sức sống kia sẽ lại xanh tươi trở lại chỉ với một chút nước.
Một số người chấp nhận để cỏ có màu nâu vào mùa đông, nhưng một số khác muốn bãi cỏ của họ xanh tươi quanh năm. Thường thì có 2 giải pháp:
1. Người ta có thể trồng một lớp cỏ hắc mạch lên trên lớp cỏ gà đang ngủ đông. Loại cỏ này mọc tốt vào mùa đông và sẽ héo vào đúng thời điểm mà cỏ gà bắt đầu sinh trưởng trở lại.
2. Họ có thể sơn xanh bãi cỏ của mình.
Hầu hết các gia đình đều chọn giải pháp sử dụng giống cỏ hắc mạch, trong khu các trung tâm mua sắm và các cửa hàng, nhà hàng lại thường chọn cách sơn xanh bãi cỏ của mình. Khi còn sống ở Phoenix, chúng tôi chưa từng hết ngạc nhiên mỗi lần đến thăm trung tâm mua sắm vào mùa đông, giẫm lên trên bãi cỏ tưởng như xanh mướt tươi tốt – và nghe tiếng lạo xạo giòn rụm vang lên dưới chân. Đôi khi, chúng tôi cũng được chứng kiến cảnh những người làm vườn dùng bình chứa và vòi để phun sơn lên các bãi cỏ. Màu sắc của những lá cỏ thay đổi một cách kì diệu theo từng bước chân của họ.
Một bãi cỏ có cấu tạo gồm 2 phần: những thứ trên mặt đất (phần mà chúng ta thấy bề ngoài bằng mắt thường), và những gì nằm ở dưới mặt đất (phần mà chúng ta không nhìn thấy được). Những gì xảy ra dưới mặt đất quyết định những gì xảy ra trên mặt đất. Nếu thấy cỏ bị héo, chúng ta sẽ biết rằng rễ của chúng cần được tưới thêm nước. Trong trường hợp các ngọn cỏ ngả màu nâu, nhiều khả năng chúng đã hấp thụ quá nhiều nước. Lại có những bãi cỏ trông bên ngoài như đã chết nhưng thực ra lại chỉ đang ngủ đông. Điểm mấu chốt nhất để có một bãi cỏ khỏe mạnh là xử lý tốt những việc xảy ra dưới mặt đất.
Điều đó cũng đúng với con người. Những điều xảy ra dưới bề mặt sẽ quyết định cái nhìn của người khác về chúng ta. Và chúng ta luôn muốn được người khác đánh giá tốt mình, muốn được nhìn nhận như những người cao quý và chính trực. Chúng ta luôn muốn được xem như là những người thật sự biết quan tâm.
Có 2 cách để thực hiện điều đó:
1. Chúng ta có thể bắt chước những việc mà người cao thượng hay làm và hy vọng rằng người khác sẽ nghĩ ta thật sự là một người như vậy (giống như việc sơn màu cho bãi cỏ).
2. Chúng ta có thể bí mật trau dồi nhân phẩm của bản thân và thực sự trở thành một con người có đạo đức. Theo thời gian, tính cách đó sẽ bắt đầu lớn dần và nở rộ ra bên ngoài.
TRĂM MẮT NHÌN VÀO
Chúng ta không thể làm giả tính cách. Nếu bản thân chúng ta là một con người tiêu cực thì dù có cố gắng che giấu đến đâu, qua thời gian, nó sẽ thể hiện ra bên ngoài. Bên cạnh đó thì việc sống một cách giả tạo như vậy cũng tốn rất nhiều công sức.
Bản chất thực sự của một con người được hình thành và phát triển từ sâu trong nội tâm. Nếu chúng ta chịu khó trau dồi và phát triển nó, người ngoài sẽ có thể dễ dàng nhận ra mà chẳng cần ta phải bỏ công phô diễn.
Cũng như với cây cối và thực vật, để nhận biết một người có đang gặp vấn đề hay không, chúng ta cần phải đào sâu nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu chỉ nhìn lướt qua bề ngoài thì ai trông cũng hạnh phúc và có vẻ mọi thứ đều ổn. Hỏi thăm bâng quơ tình hình cuộc sống của họ và ta chắc chắn sẽ nhận lại được một câu trả lời đại loại như: “Tuyệt vời. Không có gì tốt hơn.”
Nhưng nếu chúng ta nhìn thẳng vào mắt họ, chúng ta có thể mơ hồ cảm nhận rằng có một điều gì đó không ổn; có thể là đôi mắt thiếu đi sự lấp lánh, hoặc cũng có thể là nét ủ rũ thoáng qua trong nụ cười của họ. Đó là những chi tiết rất tinh tế và dễ bị bỏ qua. Nếu chúng ta kết nối với nhau qua công nghệ, những dấu hiệu nhỏ đó sẽ trở nên càng khó nhận biết hơn nữa.
Nếu chịu bỏ thời gian quan sát, chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận được liệu một ai đó có đang được thỏa mãn từ những nhu cầu cơ bản nhất hay không. Dù có hay không, câu trả lời đều có thể được nhận biết qua các dấu hiệu thể hiện bên ngoài.
Con người tìm đến những mối quan hệ nhằm mục đích thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của bản thân. Vì một số lý do nhất định, những nhu cầu cơ bản nhất của chúng ta không thể được thỏa mãn trong sự cô lập mà chỉ có thể được đáp ứng thông qua việc giao tiếp với người khác.
Vào giai đoạn đầu của một mối quan hệ, những nhu cầu đó buộc chúng ta tìm kiếm sự kết nối. Lúc này, nhu cầu của chúng ta được đáp ứng, và chúng ta hài lòng với mối quan hệ của mình. Tuy nhiên, sau một thời gian, các nhu cầu đó dần bị bỏ qua. Có thể do chúng ta bận, bị phân tâm, hay đơn giản vì vô tâm coi nhẹ nhu cầu của đối phương. Chúng ta dần trở nên quen thuộc với lẫn nhau và không hăng hái đáp ứng các nhu cầu đó như ban đầu nữa. Tuy nhiên, trên thực tế những nhu cầu ấy đều có thật và vẫn luôn hiện hữu. Giống như khi người vợ trách móc: “Anh chẳng còn nói yêu em như ngày xưa nữa.” Người chồng sẽ trả lời: “Anh đã nói điều đó với em khi anh cưới em rồi còn gì. Nếu có gì thay đổi, anh sẽ cho em biết.”
SÁU NHU CẦU CƠ BẢN
Khi quan sát thấy những dấu hiệu tiêu cực ở những người xung quanh, chúng ta có thể kết luận được rằng những nhu cầu nào của họ chưa được đáp ứng?
Chắc có lẽ số cư dân của toàn nhân loại cũng chẳng thể nhiều hơn số lượng của các lý thuyết về nhu cầu của con người là bao. Dưới đây, tôi xin được dẫn chứng ra một số cách tiếp cận từ các góc nhìn khác nhau:
• Trong “Tháp nhu cầu con người” của mình, Abraham Maslow đã nhận định rằng việc đáp ứng được các nhu cầu cơ bản phải ở những cấp bậc thấp nhất (sinh lý, an toàn, tình yêu/cảm giác sở hữu) là một điều kiện bắt buộc để con người có thể được thỏa mãn ở các cấp bậc cao nhất (cảm giác được tôn trọng, thể hiện bản thân).
• Manfred Max–Neef xếp loại các nhu cầu thiết yếu của con người vào các nhóm chính, gồm: tồn tại, bảo vệ, tình cảm, kiến thức, cống hiến, giải trí, sáng tạo, bản sắc, và tự do.
• Anthony Robbins nhận định rằng mọi lựa chọn của con người đều được đưa ra dựa trên mong muốn đáp ứng nhu cầu của họ trong sáu lĩnh vực sau đây: sự chắc chắn, sự không chắc chắn, ý nghĩa, sự kết nối/tình yêu, sự phát triển, và sự đóng góp. Ông cũng cho rằng tất cả những biến đổi bất thường ở con người đều bắt nguồn từ việc thiếu khả năng đáp ứng các nhu cầu này.
Có rất nhiều thứ để bàn luận về những cách tiếp cận nói trên, nhưng ở đây chúng ta chỉ đang nói về các mối quan hệ. Rắc rối nảy sinh từ các nhu cầu chưa được đáp ứng trong các mối quan hệ, do vậy, việc mà chúng ta cần phải làm bây giờ là xác định và phân chia các nhu cầu vào từng lĩnh vực tương ứng. Biết được về nhu cầu của một người có thể giúp chúng ta trả lời câu hỏi tại sao họ lại hành xử theo cái cách mà họ vẫn thường làm.
Dựa trên nhiều năm kinh nghiệm làm việc với con người cũng như các mối quan hệ, tôi đã thành lập một danh sách của riêng mình, bao gồm sáu nhu cầu có mặt trong hầu hết các mối quan hệ. Mỗi người đều có một mức độ nhu cầu khác nhau trong từng lĩnh vực. Vấn đề nảy sinh khi một người có nhu cầu ở mức thấp trong một lĩnh vực nào đó lại có quan hệ với một người khác có mức nhu cầu cao trong cùng lãnh vực đó.
Nội dung của bản danh sách này có thể chưa được đầy đủ hoặc toàn diện, nhưng nó có thể cung cấp cho chúng ta một điểm khởi đầu trên cuộc hành trình khám phá những thử thách cơ bản xuất hiện trong mối quan hệ giao tiếp giữa người với người.
Sự an toàn
Từ khi ra đời, con người đã có bản năng tìm kiếm sự an toàn và che chở. Chúng ta muốn biết mình có thể trông cậy vào cái gì, từ đó có một điểm tựa tinh thần chắc chắn trong quá trình khám phá tương lai. Điều đó cũng giống như khi xe buýt hoặc tàu điện đột ngột dừng lại, các hành khách đang đứng trong khoang theo bản năng sẽ nắm chặt các móc bám an toàn. Họ tin rằng chúng sẽ không biến đi đâu cả.
Hãy thử lấy một ví dụ: Tôi có một tài khoản vãng lai và một tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng. Giả sử rằng số dư tài khoản vãng lai của tôi đang ở mức thấp. Vẫn còn đủ tiền để thanh toán các hóa đơn vào cuối tháng, nhưng ngoài ra, tôi sẽ chẳng còn thừa xu nào cho những khoản chi phát sinh hay phòng khi khẩn cấp.
Ngay lúc này, chiếc tủ lạnh của tôi bị hỏng. Nếu chỉ có 10 USD trong tài khoản tiết kiệm, chắc hẳn, tôi sẽ phát hoảng lên và rơi vào trạng thái căng thẳng cực độ. Nhưng nếu có đến 100.000 USD trong tài khoản tiết kiệm, tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Số dư trong tài khoản vãng lai của tôi không thay đổi, nhưng việc có tiền dự trữ, kể cả trường hợp tôi không có kế hoạch sử dụng nó, sẽ cho tôi một cách nhìn khác. Đằng sau những gì đang diễn ra, tôi vẫn còn một điểm tựa an toàn để có thể dựa vào.
Các mối quan hệ đều phát triển dựa trên sự an toàn. Nếu chúng ta biết rằng cấp trên thực sự muốn nâng đỡ mình trên con đường công danh sự nghiệp, chắc hẳn ta sẽ bớt sợ hãi hơn khi lỡ phạm phải một sai lầm nghiêm trọng nào đó. Hay nếu chúng ta biết bạn đời của mình là một người vô cùng chung thủy và gắn bó với mối quan hệ này, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái khi trò chuyện thẳng thắn với đối phương mà không phải lo nghĩ quá nhiều về những gì có thể xảy ra sau đó.
Nếu một người có ít nhu cầu về phương diện an toàn an toàn, người này sẽ cảm thấy phấn khởi trước mọi thay đổi có thể xảy đến. Mặt khác, một người có nhu cầu cao về sự an toàn lại sẽ hoảng loạn trước ngay cả một thay đổi nhỏ tới mức không đáng kể. Hãy thử tưởng tượng mà xem, nếu đặt cả hai người đó vào trong cùng một mối quan hệ thì sẽ thú vị biết bao.
Chìa khóa để giải quyết vấn đề không nằm ở việc xác định kẻ đúng người sai mà chính là lắng nghe nhu cầu cũng như cố gắng thấu hiểu quan điểm của người còn lại. Chỉ khi đó, họ mới có thể tìm ra giải pháp chung, đáp ứng được nhu cầu của cả hai.
Sự mạo hiểm
Thoạt nghe tưởng chừng như mạo hiểm và an toàn là hai khái niệm hoàn toàn trái ngược, tuy nhiên, trên thực tế, chúng lại luôn luôn song hành với nhau. Sự mạo hiểm buộc chúng ta phải rời khỏi khu vực an toàn của bản thân. Nếu dành quá nhiều thời gian trong khu vực đó, chúng ta sẽ trở nên... ừm, hơi quá thoải mái. Khi đó, ta chẳng còn chút động lực nào để khám phá những điều mới lạ.
Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta chỉ có thể phát triển sau khi rời khỏi vùng an toàn của bản thân. Việc đó đòi hỏi ta phải bỏ ra khá nhiều nỗ lực, đồng thời cũng phải gánh chịu không ít rủi ro. Những người với nhu cầu phiêu lưu mạo hiểm cao không bao giờ thích đợi một chỗ mà lúc nào cũng muốn khám phá những thứ mà họ chưa từng trải nghiệm. Họ là những người bẩm sinh có tính tò mò và luôn hăm hở tiến về phía trước. Ngược lại với đó, những người có nhu cầu phiêu lưu mạo hiểm thấp lại thường có xu hướng sợ hãi những điều bí ẩn. Một phần trong con người họ muốn khám phá, nhưng họ muốn làm điều đó trong một môi trường an toàn.
Những người ít tính phiêu lưu mạo hiểm muốn ngắm nhìn sa mạc khi an vị trên ghế xe buýt của đoàn du lịch, trong khi những người thích phiêu lưu lại muốn được rong ruổi trên lưng loài báo đốm. Bất cứ ai cũng có thể nhận ra rằng khi ta đặt hai loại người này cạnh nhau, mâu thuẫn sẽ nảy sinh. Cả hai đều có đủ lý do để nổi cáu với người còn lại do người thì di chuyển quá nhanh, người thì lại quá chậm. Họ cần phải giao tiếp ở cấp độ sâu hơn để có thể hiểu rõ quan điểm của lẫn nhau. Khi một trong hai người cảm thấy mình thật sự được lắng nghe, họ tin tưởng người còn lại và sẵn sàng đi đến một giải pháp sáng tạo theo hướng hai bên cùng có lợi.
Trước đây, một cặp đôi mà tôi biết đã từng sợ đi nghỉ chung với nhau. Cả hai đều muốn thư giãn, nhưng một người thư giãn bằng việc luôn chân đi khám phá khắp nơi suốt chuyến đi, trong khi người kia lại chỉ muốn được im lặng ngồi đọc sách trên bãi biển. Một người thì năm nào cũng muốn tới một nơi nào đó mới, trong khi người kia lại luôn muốn quay lại những địa điểm quen thuộc. Hai người họ từng cân nhắc phương án đi du lịch riêng, nhưng cuối cùng, họ đã nhận ra rằng điều đó chỉ có thể nới rộng thêm khoảng cách giữa đôi bên. Thay vào đó, họ đã cùng nhau lập kế hoạch cho những chuyến đi phù hợp với sở thích của cả hai trong khi vẫn có thể tìm cách đáp ứng nhu cầu của nhau.
Một năm nọ, họ quyết định dành dụm để tham gia một một chuyến du lịch bằng du thuyền trên sông ở châu Âu. Mỗi ngày, chuyến tàu này lại dừng chân ở một vài thành phố khác nhau để du khách có cơ hội khám phá văn hóa và thưởng thức đặc sản của từng địa phương trong khoảng vài tiếng đồng hồ. Đến khi thuyền phải rời bến để tiếp tục cuộc hành trình, một người trong họ thư giãn đọc sách trong buồng ngủ và quan sát các tòa lâu đài khi chiếc thuyền lướt qua chúng, trong khi người còn lại lên boong tàu tham gia các hoạt động giải trí được tổ chức ở đó. Họ đã được tận hưởng một kì nghỉ đẳng cấp thế giới đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mỗi người.
Sự phát triển
Sự phát triển là một phần tự nhiên của trạng thái lành mạnh cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Nhưng phát triển đòi hỏi nỗ lực. Tuy nhiên, khi phải nỗ lực quá nhiều, một số người lại cho rằng họ đang phải trả một cái giá quá lớn so với những gì bản thân nhận lại được.
Chúng ta có thể cố phớt lờ bản năng tự nhiên để phát triển, nhưng, trên thực tế, quá trình này vẫn sẽ diễn ra dù ta có nỗ lực đến đâu. Ngăn chặn sự phát triển cũng giống như cố dìm một quả bóng chuyền xuống nước. Chúng ta có thể giữ nó như vậy trong một thời gian, nhưng cuối cùng, nó vẫn sẽ luôn nổi lên mặt nước.
Con người thường chọn cách làm cho bản thân bị phân tâm để né tránh việc phải nỗ lực để phát triển. Để quên đi cảm giác bức thiết phải phát triển, họ sẽ cố hướng sự tập trung của mình vào một thứ gì đó khác như những trò giải trí hay tìm cách để khiến bản thân bận rộn. Nhưng đằng sau tất cả những lớp ngụy trang tự tạo đó, nhu cầu phát triển vẫn luôn tồn tại.
Có người từng nói: “Sự bận rộn là liều thuốc tê giúp xoa dịu nỗi đau gây ra bởi sự trống trải trong đời.” Thường thì việc phớt lờ nhu cầu phát triển – một nhân tố cơ bản hình thành nên nền tảng của mỗi con người – sẽ mang lại kết quả là một cuộc sống đầy ắp các hoạt động, nhưng song hành với đó cũng là một thế giới nội tâm cô lập, tách rời và chán nản.
Khi ngừng phát triển, các mối quan hệ sẽ rơi vào một trạng thái đình trệ, giống như Biển Chết – một vùng biển không có cửa ra với lượng muối đọng lại lớn đến mức không sinh vật nào có thể sống trong đó.
Sự chấp nhận
Sâu thẳm bên trong, chúng ta không muốn thừa nhận những vấn đề của bản thân (dù chúng có nhiều tới mức nào). Chúng ta muốn biết rằng vẫn có ai đó ngoài kia tán đồng và chấp nhận con người thực sự của chúng ta. Chúng ta không phải che giấu các khuyết điểm của bản thân trước họ. Họ biết chúng ta là ai, và vẫn trân trọng chúng ta.
Những trải nghiệm đầu đời là yếu tố chính hình thành nên cách nhìn nhận bản thân của mỗi người. Nếu được thương yêu vô điều kiện bởi những người quan trọng trong cuộc sống, chúng ta sẽ cảm thấy mình được coi trọng. Ngược lại, nếu thiếu đi trải nghiệm đó, chúng ta sẽ cảm thấy bản thân chỉ là một kẻ thừa thãi và vô giá trị. Những trải nghiệm ban đầu đó sẽ theo chúng ta suốt cả cuộc đời và ảnh hưởng đáng kể đến cách chúng ta gắn kết với những người xung quanh.
Nhiều năm trước, cuốn sách Tôi ổn, bạn cũng thế đã nhanh chóng trở thành một cuốn sách bán chạy nhất nhờ đánh trúng vào tâm lý cần được thừa nhận của phần đông con người trong xã hội hiện nay. Khi nhận được sự quan tâm chân thành từ một ai đó, chúng ta sẽ có sức mạnh để đương đầu với những nỗi thất vọng trong cuộc sống. Tất cả mọi người đều cần có ai đó thật sự quan tâm tới họ chỉ vì bản thân họ chứ không xuất phát từ bất kì nguyên do nào khác.
Sự kết nối
Con người không thể sống thiếu lẫn nhau. Sống có nghĩa là chia sẻ, và những ý nghĩa đẹp đẽ nhất chỉ có thể được tìm thấy trong mối quan hệ gắn kết với cộng đồng.
Tôi rất dễ xúc động khi đi đây đi đó; nguyên nhân có thể bắt nguồn từ rất nhiều thứ – một buổi chiều tà “đẳng cấp thế giới”, một bữa ăn tuyệt vời, hay chỉ đơn giản là một trải nghiệm vui thích ngẫu nhiên. Mỗi lúc như vậy, suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu tôi sẽ là: Ước gì Diane có thể nhìn thấy cảnh này. Thế là, ngay lập tức, tôi sẽ rút điện thoại ra, chụp lại khung cảnh trước mắt và gửi cho Diane để cô ấy có thể cùng tôi chia sẻ trải nghiệm tuyệt vời đó. Đã không chỉ một lần tôi chụp ảnh lại một món ăn chỉ vì cảm thấy mình muốn được thưởng thức nó bên người vợ xinh đẹp của mình.
Roger là một trong những người cho rằng bản thân hoàn toàn không cần đến bất kì ai khác. “Tôi có thể tự chăm sóc bản thân,” anh ta thường nói vậy. “Duy trì các mối quan hệ rắc rối lắm.” Tuy nhiên, tận sâu bên trong, anh luôn biết rằng đó chỉ là một cái cớ. Trên thực tế, anh chỉ đang cố tự bảo vệ bản thân khỏi nỗi sợ bị người khác bỏ rơi.
Giống như Roger, rất nhiều người không muốn phải bỏ công ra để học các kĩ năng mềm có thể giúp họ thật sự tương tác và kết nối với những người xung quanh. Họ cho rằng việc tuyên bố rằng “Tôi không cần ai cả” sẽ dễ dàng hơn là học cách giao tiếp sao cho hiệu quả. Tuy nhiên, ẩn chứa nơi sâu thẳm tâm hồn họ vẫn là khát khao kết nối không bao giờ được lấp đầy. Cuộc sống của một người sẽ phải chịu nhiều tác động vô cùng tiêu cực nếu thiếu đi sợi dây liên kết với thế giới xung quanh.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, những khoảnh khắc giao lưu giữa người với người ngày một trở nên hiếm hoi hơn. Khi giao tiếp thông qua các phương tiện điện tử, con người đã vô tình đánh mất đi sự tinh tế, vốn là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút con người lại gần nhau. Những khoảnh khắc giao thoa giữa người với người chỉ thực sự diễn ra khi chúng ta gặp mặt trực tiếp và dành cho nhau toàn bộ sự chú ý của bản thân. Đó mới thực sự là kết nối.
Mục đích
Tất cả chúng ta cần biết rằng chúng ta sinh ra không chỉ để cho đầy mặt đất. Tất cả chúng ta đều tồn tại theo một cách riêng. Chúng ta muốn tạo ra sự khác biệt. Mỗi người trong chúng ta đều là một tổ hợp độc nhất vô nhị của các loại tính cách, đam mê cũng như sở thích riêng biệt. Không ai khác giống ta, và cũng không ai có thể làm thay sứ mạng của ta.
Chúng ta rất hay so sánh bản thân với những người khác. Chúng ta nhìn vào những đóng góp của họ và cảm thấy những đóng góp của mình chỉ là vô nghĩa. Vì thế, chúng ta sẽ hoặc từ bỏ (do tin rằng bản thân không có thứ gì đáng giá để cống hiến), hoặc cố bắt chước người khác. Chúng ta nghĩ rằng nếu sao chép đúng theo những việc họ làm thì ít nhất, chúng ta cũng có thể phần nào mô phỏng lại được những tác động mà họ đã tạo ra.
Tuy nhiên, vấn đề là khi cố gắng làm điều đó, chúng ta đã vô tình tước đoạt khỏi thế giới tất cả những đóng góp độc đáo mà chỉ ta mới có thể mang lại. Chính sự độc đáo đó là thứ công cụ hữu hiệu để tạo nên sự khác biệt trong xã hội cũng như trong cuộc sống của những người khác.
Điều đó đặc biệt đúng trong trường hợp của các mối quan hệ. Không thể mang lại bất cứ giá trị gì cho nhau, cả hai người đều sẽ bị mắc kẹt trong một vòng lặp dài vô tận của những hoạt động vô nghĩa. Họ bận bịu với vô vàn hoạt động khác nhau, nhưng chẳng điều gì trong số chúng có thể thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển ở họ. Đôi khi người ta tìm đến nhau chỉ vì thiếu mục đích sống. Khi đó, họ sẽ để mặc cho bản thân rơi vào một mối quan hệ “an phận thủ thường” theo hướng tiêu cực. Họ khởi đầu với lý tưởng chung tay biến các dự án lớn lao thành hiện thực, nhưng lại chỉ để đi đến kết cục là cùng nằm ườn trên ghế sofa giành nhau cái điều khiển TV.
Hai con người thiếu sót chẳng thể ghép lại thành một cặp đôi hoàn hảo. Các mối quan hệ lành mạnh sẽ không có cơ hội tồn tại nếu bản thân những thành viên của mối quan hệ đó không lành mạnh.
BƯỚC TỚI SỰ TRƯỞNG THÀNH
Khi không đủ khả năng để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của bản thân, con người sẽ trở nên phụ thuộc. Nếu không có ai đó giúp họ thỏa mãn những nhu cầu này, họ sẽ không thể tồn tại. Một đứa bé mới ra đời lệ thuộc vào rất nhiều thứ. Nó cần được cho ăn, thay tã và thỏa mãn những nhu cầu cơ bản nhất. Chúng ta không cảm thấy phiền bởi đó là điều hiển nhiên với một đứa trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, ai cũng mong đợi rằng những đứa trẻ cuối cùng sẽ độc lập. Dần dần, đứa trẻ đó sẽ bắt đầu chập chững tập đi, sau đó trở thành thiếu niên, rồi cuối cùng trở thành một người trưởng thành. Trong quá trình đó, chúng càng ngày càng có thể tự đáp ứng các nhu cầu của riêng mình. Những người trưởng thành không thể tự đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của bản thân sẽ bị coi là “không đạt chuẩn”. Đôi khi sự lệ thuộc đó của họ bắt nguồn từ những vấn đề thể chất hoặc những khuyết tật trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, người ta chỉ đơn giản là không thể sống một cách độc lập do đã quá quen với việc phụ thuộc vào người khác.
Hiện nay, những đứa con của chúng tôi đều ở độ tuổi ba mươi và đã sống tự lập. Chúng tôi vẫn rất thân thiết và thường xuyên liên lạc với chúng khi có thể. Nhưng chúng có cuộc sống riêng và có những lựa chọn riêng. Chúng tôi chia sẻ một mối quan hệ gắn bó vô cùng chặt chẽ – nếu một ngày nào đó vợ chồng chúng tôi không còn nữa, dĩ nhiên, chúng sẽ rất đau lòng, nhưng rồi chúng cũng sẽ ổn thôi.
Những người tự lập là những con người với các nhu cầu cơ bản đã được đáp ứng toàn bộ, từ đó hình thành nền tảng cho những mối quan hệ lành mạnh. Ngược lại với đó, thay vì tự chịu trách nhiệm cho chính bản thân mình, những người phụ thuộc lại luôn mong đợi người khác đáp ứng nhu cầu của họ. Đa phần vấn đề trong mối quan hệ thường là kết quả của việc những người thiếu tính tự lập cố tìm cách để buộc người xung quanh phải đáp ứng nhu cầu của mình. Và mâu thuẫn trong các mối quan hệ đó sẽ nảy sinh khi mọi việc diễn ra không đúng như mong muốn của họ.
Khi cuộc đối thoại trở nên căng thẳng, những người dựa giẫm thường đổ lỗi cho nhau. Có một cách khác tốt hơn là tham gia vào cuộc trò chuyện từ một góc nhìn lành mạnh, độc lập và hỗ trợ nguồn lực cho nhau để giải quyết vấn đề. Những người biết nghĩ sẽ tập trung vào việc giải quyết vấn đề thay vì chỉ chăm chăm sửa lưng người khác.
Trẻ em lớn lên thành người lớn. Nhưng trong quá trình trưởng thành, nếu nhu cầu không được đáp ứng, chúng sẽ trở thành những người lớn cư xử như trẻ em. Đó cũng chính là lúc mối quan hệ bị xáo trộn và việc giao tiếp trở nên khó khăn hơn.
Đã đến lúc để trưởng thành.