Thôi đi, bình an trong tâm tưởng ư?
Tôi không thừa thời gian đâu...
Ẩn danh
T
rước khi truyền hình xuất hiện, chúng ta biết rằng phải tốn thời gian để xây dựng một mối quan hệ cũng như giải quyết một vấn đề nào đó. Không có đường tắt; chúng ta phải trực tiếp trò chuyện và giải quyết vấn đề. Mỗi khi các thành viên trong gia đình cãi cọ, các cảm xúc mãnh liệt và những cuộc đối thoại gay gắt sẽ xuất hiện. Nhưng điều này không đáng ngạc nhiên. Chúng ta cũng hiểu rằng việc làm lành cần có thời gian.
Nhưng vô tuyến truyền hình đã thay đổi cách nhìn nhận của chúng ta. Đây là những gì chúng ta đã học được từ thời kì đầu của truyền hình:
• Mọi mối quan hệ đều có những tình huống kịch tính.
• Mọi kịch tính đều có thể được giải quyết trong 60 phút (trừ đi thời gian quảng cáo) và đi đến một kết cục hạnh phúc.
Cũng vào khoảng thời kì đó, chúng ta phát hiện ra yến mạch ăn liền, cơm gạo ăn liền, bánh pudding ăn liền và cà phê hòa tan. Lò vi sóng xuất hiện muộn hơn, và chúng ta có thể mua nó bằng dịch vụ chuyển tiền tín dụng tức thì. Chúng ta đang sống trong một thời kì tiện lợi. Chỉ cần sẵn sàng chi tiền thì bất cứ việc gì đều có thể được thực hiện một cách nhanh chóng trong xã hội hiện đại này.
Do đó chúng ta trở nên mất kiên nhẫn. Bây giờ chúng ta sử dụng điện thoại để tìm bất kì thông tin nào cần thiết. Khi mất một hay hai giây để tải một trang web, chúng ta chuyển sang trang web khác. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến thực tế rằng so với trước đây, chúng ta có nhiều việc để làm hơn bao giờ hết, và chúng ta đã tập hợp hoàn tất tất cả những yếu tố cấu thành của một “công thức tạo ra thảm họa”. Chúng ta làm việc quá sức, hào hứng quá đà và cuối cùng là choáng ngợp. Có quá nhiều thứ “cần” được hoàn thành, vì thế chúng ta phải tận dụng các kĩ năng quản lý thời gian và công nghệ hiện đại để làm việc với năng suất cao.
Việc đó có thể giúp gia tăng hiệu suất công việc của chúng ta trong phần lớn các lĩnh vực của cuộc sống – nhưng không phải trong các mối quan hệ. Không mối quan hệ sâu sắc nào được hình thành theo kiểu mì ăn liền. Các mối quan hệ cần được chế biến trong nồi hầm chứ không phải trong lò vi sóng.
TỔN HẠI ĐẾN TỪ VIỆC QUẢN LÝ THỜI GIAN
Tôi đã dạy nhiều khóa học về năng suất làm việc – tức việc quản lý thời gian – trong suốt 25 năm qua. Tổng cộng hơn 3.000 buổi học. Đây là những gì tôi đã khám phá ra:
• Tất cả chúng ta đều có 24 giờ trong một ngày, chỉ thế thôi.
• Chúng ta không thể quản lý thời gian. Chúng ta chỉ có thể quản lý những lựa chọn mình có trong một quãng thời gian cụ thể.
• Phần lớn những khóa học quản lý thời gian đều tập trung vào việc hoàn thành mọi công việc và thực hiện chúng một cách đúng đắn.
• Tốt hơn là nên tập trung để hoàn thành những công việc cần thiết.
Qua nhiều năm, tôi đã chứng kiến nhiều người say mê việc quản lý thời gian. Họ học hỏi đủ loại công cụ và mánh khóe mới lạ để hoàn thành càng nhiều công việc càng tốt. Việc quản lý thời gian thật sự có tác dụng; đống công việc chồng chất của họ nhỏ hơn, và bàn làm việc của họ sạch sẽ hơn.
Ai cũng có cảm giác thoải mái khi hoàn thành được nhiều công việc hơn. Chúng ta cảm thấy mình hữu ích, và điều đó khiến chúng ta cảm thấy mình đáng giá. Nhưng cảm giác đó có thể gây nghiện. Khi chúng ta thấy những mánh khóe này có tác dụng, chúng ta nghĩ: “Nếu mình chỉ cố thêm một chút, mình có thể có năng suất cao hơn.” Những suy nghĩ này bắt đầu len lỏi vào những lãnh vực khác của cuộc sống. Chúng ta phát triển tư duy chạy theo năng suất và tìm cách thực hiện mọi việc nhanh hơn và hiệu quả hơn. Chúng ta ngủ ít hơn và làm việc nhiều hơn. Tuy nhiên, việc gia tăng năng suất cũng có mặt trái của nó. Trên thực tế, tồn tại một lãnh vực trong cuộc sống nơi năng suất và hiệu quả có thể gây hiệu ứng trái chiều: Giao tiếp.
Trong các mối quan hệ quan trọng, càng cố đạt hiệu suất cao, chúng ta sẽ càng cố gắng lướt nhanh qua những vấn đề khó khăn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mối quan hệ của chúng ta càng chịu nhiều tổn hại và càng tốn nhiều thời gian để giải quyết vấn đề. Chúng ta có thể sẽ cảm thấy khó chịu vì dường như đối phương đang tỏ thái độ không chịu hợp tác. Rốt cuộc, mọi việc khác trong cuộc sống đều được giải quyết ổn thỏa bằng cách thực hiện chúng nhanh hơn, ngoại trừ những cuộc đối thoại. Tại sao?
Điều khiến một cuộc đối thoại trở nên hiệu quả chính là thứ ngược lại của năng suất. Các mối quan hệ không lớn lên khi chúng ta thực hiện những cuộc đối thoại nhanh và đã được lên kế hoạch trước. Những cuộc đối thoại thật sự diễn ra một cách tự nhiên dưới mái hiên hay trong phòng nghỉ giải lao, vào những khoảng lặng trong lúc chúng ta cùng nhau vật lộn với đời. Hiệu quả nghĩa là bạn hiện hữu trong cuộc sống của người khác. Sự quan tâm được thể hiện qua từng trang lịch, không phải qua kim đồng hồ. Chúng ta không thể thúc hối mối quan hệ. Và đặc biệt là chúng ta càng không thể vội vã lướt nhanh qua những cuộc cãi vã.
Vợ tôi và tôi vừa mới dành năm ngày tuyệt vời với ba đứa cháu trong khi bố mẹ chúng du lịch. Thông thường, cứ vài tuần chúng tôi mới được gặp bọn trẻ một lần và chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Nhưng lần này, bọn chúng thức dậy và ngủ lại nhà của chúng tôi. Chúng ở bên chúng tôi suốt 24/7.
Trong thời gian đó, tôi đã học được một điều. Với vài giờ ngắn ngủi, chúng tôi sẽ chỉ kịp cập nhật về tình hình cuộc sống của chúng – nghe chúng kể về trường học và bạn bè, ngắm những bức tranh chúng vẽ, và cùng chơi đùa với chúng. Chúng tôi yêu thích những khoảnh khắc đó và nó là cơ hội để chúng tôi kết nối với nhau.
Nhưng khi được ở bên bọn trẻ trong suốt nhiều ngày, chúng tôi sẽ có cơ hội được lắng nghe tâm sự của chúng. Chúng tôi không lên kế hoạch trước cho những cuộc đối thoại, chúng tôi nêu những câu hỏi đã nghĩ sẵn. Chúng tôi đã ở bên nhau, trong cùng một không gian, suốt một thời gian dài không bị gián đoạn.
Việc đặt câu hỏi về suy nghĩ của con cái, bạn đời, bạn bè cũng như những người quan trọng khác trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta học hỏi được nhiều điều bằng cách đó. Nhưng lại càng quan trọng hơn nếu chúng ta dành nhiều thời gian hơn để tự do thư giãn với họ mà không có lịch biểu trang trọng nào. Khi chúng ta không vội vàng, những “mảy vàng” quý báu mới có thể được tìm thấy trong các cuộc đối thoại.
CÔNG THỨC CHO CÁC MỐI QUAN HỆ
Thật khó để có những khoảnh khắc quý giá, không bị gián đoạn với người khác khi những nhu cầu của cuộc sống đã hút cạn sức lực của chúng ta. Công việc cần nhiều tiếng đồng hồ, những ngôi nhà cần bảo trì, và những nghĩa vụ luôn khiến chúng ta phải không ngừng bận rộn. Việc đó giống như khi cố gắng thư giãn giữa cơn giông bão. Nếu muốn xây dựng các kết nối, chúng ta phải biết phân biệt những thứ gì có ích và những thứ gì chỉ khiến chúng ta phân tâm.
Goethe từng nói: “Không bao giờ được phó mặc những thứ quan trọng nhất cho bàn tay định đoạt của những thứ ít quan trọng nhất.” Tôi thích câu nói đó. Nó cần được trích dẫn lên “tường” của trang mạng xã hội, trên màn hình chờ của máy tính, hay bảng điều khiển kỹ thuật số công việc của chúng ta. Tôi nghĩ nó còn có thể trở thành một hình xăm vô cùng ý nghĩa. Nó không cung cấp cho ta một câu trả lời dễ dàng mà nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của việc có những lựa chọn tốt và tránh không cho những xao lãng của thế giới xung quanh ảnh hưởng đến các mối quan hệ của chúng ta.
Việc quản lý thời gian cố gắng làm lấp đầy mọi khoảnh khắc bằng năng suất. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta sẽ hoàn thành được nhiều việc hơn, điều này nghe có vẻ rất tốt. Nhưng nếu muốn tận dụng mọi khoảnh khắc để cố gắng hoàn thành thêm một công việc nào đó trong danh sách của mình, chúng ta sẽ phải từ bỏ những khoảnh khắc mà chúng ta có thể dành cho những người quan trọng nhất đối với mình. Không có những khoảnh khắc đó, chúng ta sẽ khó mà lắng nghe được những điều mà trái tim của họ muốn nói. Cuộc sống không diễn ra theo lịch trình. Nếu chúng ta tiếp tục giữ lịch trình của mình quá cố định, ta sẽ không còn dư thời gian. Chúng ta không còn chỗ cho những khoảnh khắc nhân văn.
Có người từng nói: “Khi bạn chết đi, sẽ có những thứ trong danh sách cần làm mà bạn chưa hoàn thành. Vì thế hãy đảm bảo rằng bạn đã thực hiện được những thứ quan trọng.” Những thứ quan trọng đó tạo nên công thức cho những mối quan hệ và những cuộc đối thoại lành mạnh, và công thức đó có ba thành phần.
Thành phần thứ nhất: Thời gian
Hầu hết mọi người đều biết cách đảm bảo nhất để tích lũy tài sản chính là đầu tư từ rất sớm, tích trữ từng chút nhỏ đều đặn trong một thời gian dài. Một khi đã sở hữu thói quen đó, số tiền lãi từ khoản đầu tư của chúng ta sẽ lớn dần theo cấp số nhân.
Nhưng chúng ta có thể bị dụ dỗ bởi những con đường tắt. Một cơ hội nhanh chóng kiếm được cả một gia tài có thể thu hút sự chú ý của chúng ta, và nó lôi kéo chúng ta ra khỏi quyết tâm vững vàng mà chúng ta đang có. Có vẻ như cơ hội đó hoàn toàn hợp lý, và chẳng vấn đề gì có thể xảy ra được. Một sự thật quá đỗi hiển nhiên.
Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đã ngừng suy nghĩ. Cảm xúc của chúng ta giành được quyền kiểm soát, và chúng ta nhắm đến những phần thưởng nhanh chóng. Đôi khi mọi việc diễn ra ổn thỏa, nhưng thường thì chúng ta sẽ bị chệch hướng khỏi con đường đến sự giàu sang đích thực. Sự vội vàng khiến tiến trình của chúng ta bị gián đoạn, và chúng ta mất đà.
Chúng ta thường bị cám dỗ bởi những phương án “giải quyết nhanh” trong các cuộc cãi vã như sau:
• Chúng ta hứa hẹn với cấp trên của mình những điều mà chúng ta biết rằng không thực tế, nhưng hiện tại, chúng ta đang muốn ông ta có thiện cảm với mình.
• Chúng ta tâng bốc một người bạn để chiếm được thiện cảm của cô ấy trong khi vẫn luôn biết rằng đó là một mối quan hệ kiểu độc hại.
• Chúng ta ép bản thân mình gọi điện cho ai đó để họ không nổi giận chứ không phải vì muốn biểu lộ tình bạn chân thành.
• Chúng ta cảm thấy có trách nhiệm phải dành thời gian cho người bạn đời hay thành viên gia đình của mình để giả vờ rằng mối quan hệ với họ vẫn tốt.
• Chúng ta không muốn làm điều đó, do đó chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm khi không phải dành thời gian cho họ nữa.
Những biện pháp ăn liền này cũng tương tự như việc quấn băng gạc lên một cánh tay bị gãy xương. Không có loại keo siêu dính nào để dán lại được mối quan hệ bị tan vỡ. Quá trình xây dựng, hồi phục và giữ vững mối quan hệ chỉ đến từ những cuộc đối thoại chân thành, không vội vã.
Thành phần thứ hai: Chủ đích
Không có thứ gì có thể thay thế cho thời gian trong bất kì mối quan hệ nào. Nhưng nếu chỉ dành thời gian thì chưa đủ. Tôi từng bỏ ra nhiều giờ đồng hồ ngồi kế bên những người khác trên máy bay, nhưng giữa tôi và họ không có mối quan hệ nào cả. Chúng ta cần phải có chủ ý với người khác, thật sự tập trung vào sự độc đáo và nhu cầu của họ.
Tôi có thể dành nhiều giờ đồng hồ với bạn, nhưng mối quan hệ giữa chúng ta không lớn lên nếu tôi chỉ dùng toàn bộ thời gian đó để nói về bản thân. Cách duy nhất để chúng ta xây dựng được một kết nối thật sự là việc tôi thành thật muốn biết rõ thế giới nội tâm của bạn. Tôi không thể giả vờ tỏ vẻ quan tâm đến bạn; việc này phải thành thật. Tôi phải có chủ đích.
Mọi người nghĩ rằng mạng xã hội là cách hoàn hảo để giữ liên lạc với nhiều bạn bè. Điều đó đúng một phần, bởi vì nó thật sự có thể giúp chúng ta theo dõi và cập nhật thông tin của lẫn nhau. Nhưng bản thân nó cũng có những giới hạn riêng. Trên mạng xã hội, tôi có thể gửi thông điệp đến mười người chỉ trong một giờ đồng hồ. Tôi cảm thấy mình làm việc có năng suất, giống như việc tôi sử dụng hợp lý thời gian của mình. việc đó cũng tạo cho tôi một cảm giác chẳng khác gì khi mình đang cầm trong tay một tờ danh sách và cố liên lạc với thật nhiều người trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể.
Nếu tôi dành một giờ đồng hồ đó với một người ở tiệm cà phê, tôi sẽ không năng suất được như vậy. Có vẻ như tôi làm việc không hiệu quả. Nhưng tôi sẽ có cơ hội để chủ ý kết nối với ai đó ở một cấp độ sâu sắc hơn, và mối giao tiếp sẽ tiến về phía trước.
Mạng xã hội có một tác dụng nhất định, nhưng nó không phù hợp cho việc tạo nên những kết nối sâu sắc hay cho việc phát triển mối quan hệ. Đó là nơi để mọi người ngẫu nhiên cập nhật thông tin về nhau, cũng giống như khi chúng ta đọc báo để biết tổng quan những gì đang xảy ra trên thế giới. Món lãi từ việc đầu tư thời gian của chúng ta là rất nhỏ. Những cuộc đối thoại ngắn gọn giống như việc nhét đồng xu vào máy bán hàng tự động. Khi chúng ta đã xoay nút, những đồng xu sẽ biến mất mãi mãi (và cũng sẽ chỉ tốn vài phút là ta sẽ ăn xong viên kẹo cao su mua được).
Thời gian mà chúng ta chủ động dùng để gặp mặt trực tiếp giống như việc đầu tư vào một hạng mục đầu tư chất lượng cao. Những khoản tiền nhỏ gửi vào đều đặn qua thời quan có thể tạo ra lượng tiền lãi lớn trong tương lai. Chúng ta xây dựng lòng tin và sự thấu hiểu giữa chúng ta với người khác, và sự gắn bó lớn dần. Món lãi từ sự đầu tư của chúng ta có thể tăng lên theo cấp số nhân, cho ta một sự kết nối vững chắc trong tương lai.
Thành phần thứ ba: sự kiên nhẫn
Hồi còn học đại học, tôi từng du lịch tới Ý và ghé thăm nhà nguyện Sistine. Tôi nhớ là mình đã kinh ngạc bởi sự hoành tráng của vòm trần, choáng váng bởi Chủ nghĩa Hiện thực trong các bức tranh tường và các chi tiết của chúng. Người ta luôn cảm thấy mình quá nhỏ bé khi đứng trước một kiệt tác.
Nhưng khiến tôi cảm thấy hứng thú hơn cả là chi tiết về sự nỗ lực của Michelangelo trong suốt bốn năm để tạo ra tác phẩm này. Bình thường, chúng ta sẽ tưởng tượng ra cảnh một họa sĩ đang chìm đắm trong một nguồn cảm hứng mãnh liệt đến mức gần như rơi vào trạng thái xuất thần trong khi họ truyền tải sự sáng tạo đó lên bức vẽ của mình. Việc tạo ra một tác phẩm xem ra không giống như đang làm một công việc bình thường mà giống hơn với sự biểu đạt của một tâm hồn.
Michelangelo không nghĩ theo cách đó. Ông coi bản thân mình như một nhà điêu khắc thay vì một họa sĩ. Ông được giao nhiệm vẽ tranh khi đang chế tác các bức tượng bằng đá cẩm thạch để trang trí cho mộ của giáo hoàng. Ông miễn cưỡng chấp nhận vì cảm thấy không còn lựa chọn nào khác. Và thế là ông bắt đầu vẽ.
Ông đã dựng lên một giàn giáo bằng gỗ ở một đầu của nhà nguyện bằng cách đút các cây gỗ vào những hốc đá trên bức tường gần cửa sổ thay vì dựng từ mặt đất. Phần lớn mọi người nghĩ rằng ông đã nằm ngửa trên đó suốt thời gian vẽ – một phỏng đoán rất hợp lý. Nhưng thật ra ông đã đứng trên giàn giáo, ngửa cổ lên để vẽ trần nhà. (Hình ảnh ông nằm vẽ xuất phát từ cảnh do diễn viên Charlton Heston diễn nhiều năm về trước trong bộ phim Bức Tranh Thiên Chúa.)
Kỹ thuật của ông gồm việc trát thạch cao ướt lên những khoảng trống nhỏ trên tường, sau đó vẽ màu lên các khoảng trống đó trong khi lớp thạch cao khô đi. Phương pháp đó ban đầu không hiệu quả do độ ẩm trong thạch cao khiến sinh ra nấm mốc trên mặt tường được trát vữa trước đó. Michelangelo đã phải cạo chúng ra và bắt đầu lại từ đầu. Ông đã phải sử dụng lòng kiên nhẫn của mình để bù đắp cho những khoảng thời gian bị mất cảm hứng.
Michelangelo đã nhiều lần muốn dừng lại. Thậm chí ông còn từng viết cả một bài thơ về nỗi khốn khổ của mình trong quá trình vẽ, mô tả nỗi đau mà cơ thể ông đã trải qua và than thở việc mình không phải là họa sĩ thực thụ. Trong bốn năm, ông đã làm việc gian khổ để tạo ra được một kiệt tác. Ngược lại, vào gần cuối, chỉ trong một ngày duy nhất ông đã vẽ xong hình ảnh Chúa đang sáng tạo ra thế giới.
Nhiều thế kỉ sau, hàng triệu người đã tìm đến Vatican để được chiêm ngưỡng tác phẩm vĩ đại này của Michelangelo. Nếu ông dùng bảng màu đánh số hay múa cọ vẽ kín trần nhà chỉ trong một tuần, chắc hẳn, ông đã không nhận được sự ngưỡng mộ đến vậy. Nhưng ông đã kiên nhẫn đấu tranh vượt qua những thời khắc khó khăn, và kết quả thực là thần kì. Để tạo ra những tác phẩm nguyên bản đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn, nhưng chúng cũng mang giá trị rất lớn. Những thứ sao chép có thể được sản xuất hàng loạt một cách rất nhanh chóng và dễ dàng nhưng cũng chỉ có thể được bán với giá vài đồng bạc lẻ ở những hội chợ đồ cũ.
Những mối quan hệ có giá trị lớn nhất không thể bị thúc hối vội vã. Những người trong mối quan hệ đó đã phải bỏ rất nhiều công sức để xây dựng nó. Trong các mối quan hệ, khi sự kiên nhẫn cạn kiệt thì chất lượng của mối quan hệ cũng không còn nữa. Những mối quan hệ quý giá đều được xây dựng trên sự kiên nhẫn và quyết tâm cùng chung tay giải quyết vấn đề khi mọi việc trở nên khó khăn.
Khi con cái của chúng tôi còn nhỏ, chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để thay tã cho chúng. Chúng ta đang nói về tã vải, không phải loại dùng một lần bỏ đi. Điều này đó có nghĩa rằng bạn phải xịt nước gột sạch mảnh tã bẩn đó trong bồn cầu, ngâm chúng vào trong chậu nước tẩy rửa, và giặt chúng mỗi ngày.
Nhiều năm sau, trong một giây phút buồn chán, tôi đã thử ước lượng xem bao chúng tôi đã phải thay tã tổng cộng bao nhiêu lần. Tôi không nhớ chính xác con số, nhưng chắc chắn là hơn 10.000 lần cho cả hai đứa.
Công việc đó đòi hỏi sự kiên nhẫn… và cả quyết tâm. Có nhiều lần, khi chúng tôi vừa làm vệ sinh sạch sẽ cho bọn trẻ, thay tã cho chúng xong thì ngay lập tức sau đó chúng lại làm bẩn tã. Cứ như là một miếng tã sạch chính là thứ kích thích cơ thể của chúng bài tiết chất thải. Đó là một điều vô cùng khó chịu và là một thử thách lòng kiên nhẫn lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi chờ mãi một ngày khi bọn trẻ có thể tự chăm sóc bản thân, nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng điều đó cần thời gian.
Kiên nhẫn với lũ trẻ là một chuyện rất tự nhiên, chúng ta biết rằng bọn trẻ không thể trưởng thành chỉ qua một đêm. Nhưng với người lớn, chúng ta thường mất kiên nhẫn khi họ không phản ứng ngay lập tức theo cách của một người trưởng thành. Chúng ta quên rằng tất cả chúng ta đều cần thời gian để phát triển.
Thời gian, chủ đích và sự kiên nhẫn là những thành phần cần thiết để xây dựng những mối quan hệ vững chắc có đủ khả năng để vượt qua giông bão. Mâu thuẫn và cãi vã luôn đi kèm với khó khăn. Và chính nỗ lực bám trụ trong những lúc khó khăn là thứ đã biến những mối quan hệ quý giá thành vô giá.
CÓ NHỮNG LỰA CHỌN TỐT
Có người từng nói những thói quen tốt khó hình thành nhưng dễ dàng bị phá vỡ. Những thói quen xấu dễ dàng hình thành nhưng khó bị phá vỡ.
Bản chất của con người là luôn lựa chọn con đường ít chông gai nhất. Khi phải đối mặt với hai lựa chọn, chúng ta sẽ thiên về phương án dễ hơn. Nếu tôi được mời thử một đĩa rau cần tây hay một đĩa bánh quy mới ra lò, tôi sẽ luôn chọn bánh quy bất cứ lúc nào (trừ khi bạn đang theo dõi tôi).
Một người có thể sẽ phản bác lại rằng: “Cứ chọn cái gì bạn cho là tốt nhất. Không ai ép bạn phải ăn bánh quy cả. Cứ ăn cần tây đi.” Nhưng có nhiều lý do khác đang diễn ra. Rau cần tây chẳng khơi gợi được chút hứng thú nào trong tôi hết. Những chiếc bánh quy nướng có mùi hấp dẫn hơn nhiều so với đĩa rau cần tây lạnh ngắt.
Ví dụ trên không thành công lắm bởi chúng ta bị giới hạn bởi suy nghĩ rằng mình chỉ có hai lựa chọn. Trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể ứng biến một cách sáng tạo trong từng trường hợp cụ thể.
Chống lại sự cám dỗ của bánh quy có thể vẫn là một lựa chọn khó khăn, nhưng sẽ dễ dàng nhiều hơn nếu tôi thay thế món cần tây bằng một trong những thức ăn yêu thích của tôi mà vẫn có lợi cho sức khỏe.
Chúng ta sẽ có thể dễ dàng chống cự lại cám dỗ hơn nếu đã phát triển các thói quen lành mạnh từ trước đó. Các lựa chọn đơn lẻ đột xuất luôn đòi hỏi sức mạnh của ý chí. Trong khi đó, các phương án tốt hơn đều được phát triển từ các mô-típ đã có sẵn và được nuôi dưỡng trong một thời gian dài.
Khi những mối quan hệ quý giá nhất của chúng ta trải qua những thời kỳ khó khăn, chúng ta có xu hướng bỏ cuộc. Việc đối mặt với những cuộc trò chuyện thẳng thắn có cảm giác giống như khi đối mặt với đĩa rau cần tây; chúng ta sẽ chọn con đường dễ để rời khỏi cuộc đối thoại thẳng thắn bằng cách rút lui, tố cáo, hay công kích người khác bằng lời nói.
Phương cách duy nhất giúp chúng ta có được những lựa chọn lành mạnh trong cuộc đối thoại chính là việc hiểu rõ giá trị của mối quan hệ. Việc bồi đắp từng chút một trong mối quan hệ đó dần dần sẽ giúp khoản đầu tư của chúng ta sản sinh những món lợi nhuận khổng lồ. Qua thời gian, có khả năng cao rằng những sự bồi đắp đó có thể gây ảnh hưởng đến hành vi của người khác.
THÀNH ROME KHÔNG ĐƯỢC XÂY CHỈ TRONG MỘT NGÀY
Bất kì mối quan hệ nào cũng sẽ có những thời điểm khi mà việc đối thoại sẽ trở nên khó chịu và đầy thách thức. Những thời kỳ khó khăn là chuyện bình thường, bất kể mối quan hệ lành mạnh đến đâu. Cố gắng sửa chữa nhanh trong những thời điểm đó không có hiệu quả, bởi vì làm thế sẽ phá hoại sự phát triển lâu dài.
Đã có những lúc tôi từng nghĩ: Ước gì tôi có thể sống lại đời mình lần nữa, biết hết những gì mình biết bây giờ. Khi đó, có lẽ tôi sẽ sống theo một cách khác.
Tôi không thể quay trở lại quá khứ. Hồi xưa, tôi chỉ đơn giản là không biết những điều mà tôi biết ngày nay. Phải tốn rất nhiều năm của cuộc đời để thu thập được kiến thức đó. Nó cần thời gian, và tôi đã phải cố gắng từng ngày để đạt được vị trí của mình ngày hôm nay
Chẳng có lối tắt nào để trưởng thành. Chẳng có lối tắt nào để có mối quan hệ lành mạnh. Sự trưởng thành cần có thời gian. Khi đã chấp nhận thực tế đó, chúng ta sẽ được tự do trải nghiệm mối quan hệ của mình ở hiện tại. Bây giờ, thay vì mong ước rằng người khác sẽ thay đổi, thì chúng ta đầu tư từng chút một vào hiện tại. Dần dần, chúng ta sẽ thấy được kết quả. Nhưng kết quả lớn nhất luôn luôn sẽ xuất hiện trong tương lai, không phải trong hiện tại.
Khi căng thẳng xảy ra trong các cuộc đối thoại thắn xảy ra, chúng ta muốn giải quyết chúng một cách hoàn hảo. Mọi thứ sẽ không xảy ra như vậy. Chúng ta cần sử dụng các công cụ chúng ta đang có thay vì mơ ước tới những công cụ sẽ chỉ xuất hiện khi chúng ta phát triển hơn. Khi điều đó xảy ra, chúng ta có thể tập trung vào hiện tại thay vì mơ tưởng về tương lai.
Sự phát triển cần có thời gian. Theo đuổi sự phát triển là một việc đáng để theo đuổi vì những lợi ích mà nó có thể mang lại. Nhưng không gì có thể phát triển chỉ trong một đêm. Nó diễn ra khi chúng ta đầu tư từng chút một, đều đặn vào mối quan hệ của mình.
Và hãy bắt đầu ngay từ bây giờ.
NHỮNG BƯỚC HÀNH ĐỘNG THỰC TIỄN ĐỂ SỬ DỤNG THỜI GIAN MỘT CÁCH THÔNG MINH
Vì chúng ta không thể tạo ra thêm thời gian, nên chúng ta phải có những lựa chọn sáng suốt về quỹ thời gian mình có. Đây là một vài điều lưu ý:
• Chúng ta không thể thúc giục các mối quan hệ, hay những cuộc trò chuyện thẳng thắn đi chung với chúng.
• Chúng ta rất dễ bị phân tâm khỏi những điều quan trọng nhất.
• Khi xảy ra tranh cãi, chúng ta cần phải dành thời gian trực tiếp gặp mặt nhau thay vì trao đổi suy nghĩ dưới dạng tin nhắn văn bản.
• Những cảm xúc nhỏ sẽ trở thành các cảm xúc mãnh liệt sau một thời gian dồn nén.