Hạnh phúc là có một gia đình lớn, yêu thương, chăm sóc, gắn bó… ở một thành phố khác.
George Burns
"C
ác cháu nhà anh thật tuyệt vời,” chúng ta thường nghe được lời khen đó từ cha mẹ của bạn của các con mình. “Chúng thật lễ phép và ngoan ngoãn. Chắc anh chị tự hào về chúng lắm!”
Lúc đó chúng ta đang nghĩ: Họ đang nói về con nhà ai vậy? Con cái của chúng ta xưa nay vẫn tuyệt vời và sẽ luôn là như vậy. Nhưng cha mẹ thường thấy được những điểm mạnh nhất và yếu nhất của con mình. Khi các ông bố bà mẹ thăm hỏi gặp gỡ nhau, họ thường muốn tạo ra ấn tượng tốt đẹp nhất với người đối diện. Khi về nhà, họ cảm thấy thoải mái hơn. Khi đó, chúng ta sẽ được thấy cả bộ mặt tốt đẹp bên ngoài lẫn bộ mặt khi thả lỏng và thư giãn của họ. Và nó không phải lúc nào cũng tốt đẹp.
Chúng ta có xu hướng tỏ ra dễ chịu với người lạ hơn là với những người sống cùng mình. Chúng ta cư xử một cách lễ phép. Chúng ta quan tâm trò chuyện về những chuyện xảy ra trong cuộc sống của họ. Nếu được mời đến ăn tối, ta có thể mang theo một món quà nhỏ. Dù chẳng bận tâm mình được thết đãi món gì, chúng ta vẫn cứ ăn và hết lời khen ngợi. Ngày hôm sau, ta sẽ gửi một tấm thiệp, tin nhắn hay email cảm ơn họ về buổi tối tuyệt với hôm trước.
Cách xử sự nói trên là phép lịch sự thông thường. Chúng ta tôn trọng người khác không bởi họ hoàn hảo tới đâu, mà chỉ đơn vì họ là con người. Ta chỉ đang thực hành Quy tắc Vàng của Thiên Chúa: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ” (Kinh Thánh). Đây là cách con người chung sống và làm việc hòa hợp với nhau trong xã hội.
Trong quan hệ gia đình đôi khi ta quên đi Quy tắc Vàng. Chúng ta đã viết lại quy tắc trên thành: “Hãy đối xử với kẻ khác theo cách mà ta nghĩ họ đáng được (phải) nhận.”
KHI KỲ TRĂNG MẬT ĐÃ QUA ĐI
Bất cứ chuyện gì mới đều trải một thời kỳ trăng mật. Dù là một mối quan hệ, công việc, căn nhà hay chiếc xe mới, tất cả đều bắt đầu với sự hào hứng. Nhưng theo thời gian, sự mới mẻ này sẽ dần biến mất. Mùi xe mới không còn nữa và những tiếng lách cách khó hiểu bắt đầu xuất hiện. Công việc mới trở nên tẻ nhạt, căn nhà mới tinh dần trở nên bụi bặm và mối quan hệ cũng trở nên dễ dãi hơn. Trong tất cả những trường hợp trên, chúng ta thường sẽ nảy sinh suy nghĩ muốn tìm đến một thứ gì đó mới mẻ hơn.
“Mới mẻ” là điều tốt và thú vị trong một mối quan hệ. Nhưng khi kỳ trăng mật kết thúc, chúng ta cần có một mức độ cam kết nhất định để duy trì nó. Chúng ta thường xem nhẹ những mối quan hệ của mình khi chúng dần trở nên thoải mái. Sự thoải mái là điều tốt vì nó cho phép chúng ta thư giãn và sống đúng với bản chất thật của mình. Nhưng dù có tận hưởng điều đó đến đâu, ta vẫn cần đối xử với nhau bằng sự lễ phép và tôn trọng.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta đến nhà ai đó ăn tối và hành xử như cách mà đôi khi ta vẫn thường làm ở nhà? Chúng ta bước vào không thèm chào hỏi chủ nhà, ngồi phịch xuống ghế và hỏi: “Tối nay ăn gì đấy?” Tiếp theo, có lẽ chúng ta sẽ phàn nàn về một ngày của mình, than vãn về việc chúng ta mệt mỏi ra sao và kể lể toàn bộ những rắc rối ta gặp phải trong ngày mà chẳng thèm bận tâm hỏi han đến họ. Nếu không thích bữa ăn tối đang được mời, chúng ta sẽ châm chọc: “Tôi chắc là đồng hồ đếm giờ của lò nướng hỏng rồi, đúng không?” Chúng ta ra về mà không nói một lời cảm ơn và xuất hiện bất thình lình ngày hôm sau trước cửa nhà họ để tiếp tục một vòng tuần hoàn tương tự.
Dĩ nhiên là vào cuối ngày, ai cũng đều rất mệt mỏi. Dù làm việc ở văn phòng, làm việc từ xa hay chỉ ở nhà quán xuyến gia đình, chúng ta cũng đều phải tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Chính vì thế, ta thường dễ dàng xem nhẹ các thành viên trong gia đình bởi họ sẽ chẳng đi đâu cả. Khách hàng sẽ làm ăn với những công ty khác nếu ta không đối xử tốt với họ, nhưng các thành viên trong gia đình có xu hướng gắn bó bên nhau, dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa.
Nhiều năm trước, tôi được nghe một nhà tâm lý kể rằng sau một ngày dài lắng nghe những người khác, việc cuối cùng trên đời mà ông muốn làm là giảng bài tập toàn cho cô con gái đang học lớp sáu của mình. Nhưng cuối ngày, sau khi dừng xe trước cổng nhà, ông lại tắt động cơ và ngồi im lặng một lúc trước khi xuống xe vào nhà. Lúc đó, ông tự nhắc bản thân không được phép bỏ qua công việc quan trọng nhất trong ngày, với người quan trọng nhất trong cuộc đời mình.
Nếu chúng ta xem nhẹ các thành viên trong gia đình mình, thân xác họ sẽ không biến đi đâu cả, nhưng về mặt tinh thần họ sẽ dần xa cách chúng ta. Chúng ta cần không gian để là chính mình và cảm thấy thoải mái, cần một nơi để xả hơi thư giãn. Nhưng hãy nhớ rằng những người khác trong nhà cũng cần điều đó. Không chỉ riêng chúng ta mà cả họ cũng cần được có một không gian gia đình thoải mái.
Trước khi kết hôn, tôi và vợ tôi từng tham gia một vài buổi tư vấn tiền hôn nhân. Có một câu nói mà tư vấn viên thường xuyên nhắc lại và đến nay chúng tôi vẫn còn nhớ: ‘’Gia đình phải là nơi có những vòng tay rộng mở chờ đón và những ổ bánh mì ngon trong lò.’’ Ông ta muốn nói rằng mục tiêu của mối quan hệ của chúng tôi là tạo nên một không gian an toàn khi phần còn lại của thế giới không an toàn. Vài người có thể hiểu câu nói đó theo nghĩa phân biệt vai trò, một người ra ngoài làm việc và người còn lại ở nhà nấu nướng. Nhưng đó không phải là vấn đề chính. Vấn đề mọi người cần phải biết là khi họ bị thế giới bên ngoài đánh gục, họ vẫn có thể về nhà, nơi mà họ biết chắc rằng mình sẽ được yêu thương (với vòng tay rộng mở) và những nhu cầu cơ bản được đáp ứng (chiếc bánh mì ấm trong lò nướng).
Tuy nhiên, cảm giác an toàn này không đồng nghĩa với việc sẽ chúng ta sẽ không có những giây phút căng thẳng hay những cuộc tranh cãi. Nhưng với nó, chúng ta sẽ tạo ra được một nơi sẵn sàng chấp nhận không điều kiện, nơi mà mọi người trân trọng và đối xử với nhau bằng sự tôn trọng. Nếu như chúng ta có thể xây dựng tổ ấm của mình thành chốn an toàn và chân thành, nó sẽ là nơi diễn ra những cuộc đối thoại chân thành và thẳng thắn.
Đó chính là mục tiêu mà chúng ta muốn nhắm tới. Không gia đình nào là hoàn hảo, và mỗi chúng ta đều còn rất nhiều điểm cần cải thiện. Có thể, trong một vài trường hợp cực đoan, các gia đình đổ vỡ có thể cần phải nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia để có thể bắt đầu xây dựng hệ thống an toàn đó. Nhưng chúng ta luôn có thể bắt đầu đối xử với những người trong gia đình bằng sự tôn trọng bất chấp cách mà họ đối xử với mình. Ta có thể cần đến những cuộc đối thoại thẳng thắn, nhưng khi làm việc đó với sự tôn trọng, chúng ta có thể bắt đầu tác động lên những người xung quanh. Nếu kiên định thực hành Quy tắc Vàng, chúng ta sẽ tạo được ảnh hưởng tích cực lên những mối quan hệ quan trọng của mình – bất kể chúng có đang bất ổn đến mức nào.
“VẬY CÒN NẾU HỌ KHÔNG HỢP TÁC?”
Sau khi tôi viết cuốn Đừng để cảm xúc thôi miên lý trí, đa phần mọi người đều nói với tôi rằng điều ngạc nhiên nhất mà họ rút ra được từ cuốn sách chính là chúng ta không thể thay đổi người khác. Nếu để hạnh phúc của mình phải phụ thuộc vào cách hành xử của người khác, chúng ta sẽ phải dành gần như toàn bộ cuộc đời sống trong bực bội. Chúng ta sẽ được tự do khi biết tập trung vào người duy nhất mà mình có khả năng kiểm soát: Bản thân. Tôi chịu trách nhiệm với hành động của tôi, không phải hành động của bạn.
Chúng ta không thể ép ai đó thay đổi. Nhưng ta có thể tạo ảnh hưởng lên họ. Bằng cách nào ư? Hãy thay đổi bản thân. Khi ta thay đổi, những người khác sẽ có xu hướng phản ứng lại theo những cách khác nhau, có thể tích cực hay tiêu cực.
Ví dụ như tôi bực với bội bạn nhưng không nói ra. Mỗi khi bạn nói gì đấy, tôi sẽ trả lời bằng những lời mỉa mai châm chọc. Dù ban đầu chúng chỉ như những lời bình phẩm thông thường nhưng dần dà bạn đâm ra mệt mỏi với chúng. Bạn sẽ tìm cách để ngăn tôi lại, nhưng tôi vẫn tiếp tục. Bạn cảm thấy mình bị công kích và rốt cục bạn xây một bức tường ngăn cách giữa chúng ta. Bạn phải bảo vệ bản thân để không bị tổn thương.
Về phía mình, tôi cũng phản ứng theo cách tiêu cực do quá khó chịu trước rào cản vô hình đó. Tôi cảm thấy chua xót vì bạn không bao giờ chịu lắng nghe. Tôi bắt đầu cằn nhằn đòi bạn phải thay đổi. Điều đó khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn vì khi đó, toàn bộ sự chú ý của bạn sẽ tập trung vào nhu cầu muốn tôi phải thay đổi. Cả hai bên đều cảm thấy vô vọng. Chúng ta tự cho rằng tình hình chẳng thể khả quan hơn cho đến khi một trong hai người thay đổi. Chính vì thế, bức tường ngăn cách càng cao và dày hơn, và chúng ta vẫn không ngừng gia cố nó.
Một ngày nào đó, tôi nhận ra rằng tôi đang đóng một vai trò lớn trong vấn đề này. Thay vì chờ đợi động thái từ phía bạn, tôi quyết định dừng nói ra những lời mỉa mai châm chọc. Tôi quyết định sẽ suy nghĩ kĩ trước khi nói bất cứ điều gì. Tôi học cách biểu lộ chân thật các cảm xúc của mình mà không hạ thấp hay làm tổn thương thanh danh của bạn.
Liệu bạn có nghi ngờ tôi không? Tất nhiên là có. Bạn sẽ thắc mắc tôi đang tính toán gì, liệu có mưu tính ngầm nào không, hay cách đối xử mới này sẽ kéo dài bao lâu. Nhưng nếu cách đối xử này vẫn tiếp diễn, dần dà, bạn sẽ bắt đầu tin rằng tôi đã thay đổi. Không có gì chắc chắn rằng bạn sẽ đổi ý và đồng quan điểm với tôi vì mối quan hệ đã bị tổn thương quá sâu. Nhưng thay vào đó, bạn sẽ cảm thấy không cần phải giận dữ nữa do áp lực đến từ phía tôi đã không còn tồn tại.
Tuy nhiên, động cơ thay đổi của tôi phải chân thành. Tôi không thể giả vờ tỏ ra dễ chịu trong lúc lảng tránh những vấn đề thực tại với hy vọng là bạn sẽ phản ứng khác đi. Qua thời gian, sự chân thành giả tạo đó sẽ bị lật tẩy vì nó chính là thứ mà bạn đang tìm kiếm. Tôi cần đối xử với bạn bằng sự tôn trọng vì đó là điều đúng đắn, cho dù bạn có phản ứng ra sao. Việc để cho hạnh phúc cá nhân và sự thoải mái của bản thân phụ thuộc vào bạn cũng có nghĩa là tôi đã từ bỏ quyền kiểm soát cảm xúc của chính mình.
Chung quy lại: Nếu tôi thật sự thay đổi, nhiều khả năng là bạn cũng sẽ thay đổi. Cách duy nhất để bắt đầu chữa lành cho mối quan hệ xuất phát từ bản thân tôi, không phải bạn. Cách hành xử của tôi là thứ duy nhất tôi có thể thật sự thay đổi để tạo nên chuyển biến.
ĐỐI PHÓ VỚI ĐÁM ĐÔNG
Có thể chúng ta thấy những mối quan hệ đơn lẻ một-đối-một đã đủ rắc rối, nhưng chúng vẫn chưa thấm vào đâu so với những tình huống khi cả một đại gia đình cùng nhau tụ họp. Những cuộc hội họp, nhất là vào dịp nghỉ lễ, thường sẽ là nơi bộc lộ mặt tốt và xấu của mỗi cá nhân trong gia đình. Chúng ta thường mong đợi kì nghỉ lễ sẽ giống như bức họa của Thomas Kinkade với những chú bồ câu đậu trên bệ cửa sổ hót gọi bạn tình, tất cả mọi người cùng nhau nhấm nháp những ly rượu táo và vui vẻ cười vang khi nghe những câu chuyện hài. Chúng ta đều biết rõ sự thật, nhưng việc xem quá nhiều quảng cáo của Hallmark đã biến chúng ta trở thành những kẻ mộng mơ.
Thực tại không tốn quá nhiều thời gian để chen ngang vào các sự kiện gia đình. Trong một gia đình bất hòa, ai cũng nói nhưng chẳng ai lắng nghe. Tất cả mọi người đều chờ xem cuộc tranh cãi đầu tiên sẽ xuất phát từ đâu. Một gia đình hòa thuận luôn có nền móng của sự tin tưởng. Nhưng mỗi gia đình đều có một hoặc hai thành viên cá biệt luôn khiến mọi người phát điên. Ngay cả những bữa tiệc tuyệt vời nhất cũng có nguy cơ thất bại khi phải gánh chịu mức kỳ vọng quá lớn trong khi các thành viên tham gia lại thiếu kỹ năng giao tiếp.
Hầu hết chúng ta đều yêu âm nhạc, ánh đèn và đồ trang trí vào những ngày lễ cũng như các sự kiện đặc biệt. Tuy nhiên, vào ngày gia đình tụ họp, ta lại căng thẳng về sự kiện này suốt cả ngày hôm đó, và cả những ngày sau đó nữa. Vậy chúng ta phải làm gì để có thể tận hưởng buổi tiệc này?
• Ngừng kỳ vọng. Nếu khăng khăng tin rằng mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ, ta sẽ chỉ tự chuẩn bị sẵn cho mình kết quả thất vọng. Vì vậy tốt nhất là chúng ta chỉ nên hy vọng, nghĩa là dù không biết chắc chắn chuyện gì sẽ xảy ra ngày hôm đó nhưng chúng ta vẫn can đảm tiếp cận nó với tâm thế của một nhà thám hiểm. Việc đó không có nghĩa là buổi gặp gỡ sẽ diễn ra hoàn hảo, nhưng chúng ta sẽ chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để đón nhận bất cứ điều gì.
• Đừng sửa lưng người khác ngay giữa bữa tiệc. Những người không lành mạnh vốn đã như vậy trong một thời gian dài. Nếu họ cố tình làm hỏng buổi gặp mặt, tình hình sẽ không mấy khả quan. Theo thói quen, chúng ta sẽ chất vấn: “Anh bị làm sao vậy?¨ Sau đó ta sẽ phê phán lối sống của họ cũng như ảnh hưởng của nó đến những người khác. Cuộc đối thoại đó nên để khi khác, không phải trong buổi gặp này. Tốt nhất ta nên kéo họ ra một bên và giải quyết ngay lập tức lối hành xử của đối phương nhưng đừng cố gắng thay đổi tính cách của họ.
• Vạch rõ ranh giới. Chúng ta nên quyết định trước những ranh giới mà mình cần để có thể tận hưởng ngày lễ. Nếu cảm thấy nấu ăn một mình trong bếp có thể giúp đạt hiệu quả tối đa, đừng đợi đến lúc đám đông làm mình khó chịu. Tốt hơn cả là nói với mọi người: “Tôi sẽ chuẩn bị đồ ăn ở trong bếp thêm bốn mươi lăm phút nữa, trong lúc đó mọi người cứ tụ tập bên ngoài. Tôi sẽ nhờ ai đó giúp chuẩn bị bàn ăn sau.” Chúng ta không nhất thiết phải độc đoán, nhưng ta có thể tạo ranh giới để làm việc một cách tỉnh táo.
• Tạo không gian cho bản thân khi cần. Một buổi tụ họp bắt đầu từ sớm và kết thúc trễ với sự huyên náo không ngừng. Nó giống như lái xe tốc độ cao mà không dừng lại nghỉ ngơi. Chúng ta cần dự trữ năng lượng cảm xúc để chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng xảy ra xung đột (dù nhỏ đến đâu). Những khoảng nghỉ nhỏ để duy trì năng lượng là điều quý giá (nhất là đối với những người hướng nội) – ví dụ như vài phút một mình trong phòng riêng hay đi dạo một mình hoặc cùng ai đó. Nếu được hỏi, ta có thể thành thật trả lời: “Tôi cần đi ra ngoài hít thở không khí một chút. Tôi sẽ trở lại sau mười phút nữa.”
• Tập trung vào từng cá nhân. Người ta rất dễ tập trung chú ý tới một đám đông mà quên đi niềm vui từ những mối quan hệ với từng cá nhân. Khi có một thành viên trong gia đình – thường là người làm cho cuộc gặp mặt trở nên căng thẳng – xuất hiện, những người còn lại sẽ lảng ra và tránh tiếp xúc với nhân vật này. Nhưng nếu chịu dành thời gian để ngồi lại và trò chuyện một cách sâu sắc với người đó, đồng thời áp dụng Quy tắc Vàng, chúng ta sẽ có thể dập tắt được nguồn năng lượng tiêu cực lan tỏa giữa những người còn lại. Cho dù là chủ hay khách, chúng ta cần có những cuộc đối thoại tỉnh táo với người mà ta quan tâm nhất cũng như người thách thức ta nhiều nhất.
• Phản hồi thay vì phản pháo. Khi ai đó trở nên tiêu cực, chúng ta nên bình tĩnh để đưa ra phản hồi hợp lý thay vì phản ứng một cách hấp tấp. Cách tốt nhất để đối phó với những lời bình luận mỉa mai chính là dành khoảng vài giây để suy nghĩ: “Được rồi, mình đã cảm thấy mình muốn nói gì. Nhưng đó có phải là lựa chọn tối ưu trong tình huống này không?” Sau đó, chúng ta có thể lựa chọn cách tốt nhất để phản hồi lại đối phương.
HIỆN THỰC VỀ BĂNG THÔNG
Tôi luôn ngạc nhiên trước việc nhiều người phải thuê hẳn một khán phòng hay công viên để tổ chức gặp mặt gia đình. Họ có thể mời cả trăm người tham dự, tổ chức sự kiện như thế không khác gì một hội thảo lớn.
Dòng họ tôi thì không lớn đến thế. Buổi họp mặt đại gia đình gần nhất (và duy nhất) diễn ra tại nhà anh trai tôi và chỉ có mặt anh ấy, chị tôi và tôi. Ba người thôi. Ban đầu chúng tôi tính dùng thẻ in tên kèm ảnh của mỗi người trên đấy, nhưng rồi chúng tôi quyết định rằng việc đó sẽ chỉ gia tăng chi phí tổ chức sự kiện. (Sự có mặt của vợ chồng và con cái của chúng tôi tại buổi họp khiến số người tăng lên gấp bốn.)
Dù gia đình lớn hay nhỏ, chúng ta thường không đủ thời gian để chú ý đến từng người một như nhau. Việc đó rất khó khăn vì nhiều người cảm thấy cần phải đối xử công bằng với từng thành viên. “Dẫu sao thì họ đều là gia đình của mình. Họ đáng nhận được sự quan tâm tốt nhất từ chúng ta, đúng không?¨
Nhưng thực tế là không. Chúng ta chỉ có bấy nhiêu thời gian và sức lực nên chúng ta cần phải tính toán đầu tư vào đâu. Chọn dành một khoảng thời gian nhất định cho một người đồng nghĩa với việc sẽ không dành khoảng thời gian đó cho bất kì ai khác. Điều đó không có nghĩa người này quan trọng hay giá trị cao hơn người khác. Điều đó chỉ có nghĩa là chúng ta không muốn đối xử bất công với những mối quan hệ gần gũi chính yếu của chúng ta chỉ vì những mối quan hệ ngoại vi thứ yếu.
Vấn đề này liên quan tới băng thông. Kết nối internet băng thông chậm cũng giống như vòi nước đường kính nhỏ vậy. Chỉ một lượng nước (dữ liệu) nhất định có thể chảy qua vào một thời điểm. Vòi tưới lớn hơn sẽ bơm nước ra nhiều hơn, cũng như kết nối internet băng thông rộng hơn sẽ đồng thời xử lý được nhiều dữ liệu hơn.
Chúng ta có một băng thông nhất định cho các mối quan hệ. Đó là lý do chúng ta không thể đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người. Nghe có vẻ lạ nhưng chúng ta cần xếp hạng ưu tiên cho các mối quan hệ của mình. Chúng ta cần xác định thành viên nào trong gia đình sẽ được quan tâm nhiều nhất và ai được ít nhất. Điều đó không phải vì một số người có ích hơn mà vì ta không muốn đối xử bất công với những người ta gắn bó nhất trong đời.
Tôi ví gia đình mình như những vòng tròn đồng tâm – giống một tấm bia tập bắn súng. Các vòng trong cùng đại diện cho những mối quan hệ gia đình gắn bó nhất. Trong trường hợp của tôi, vợ tôi được ưu tiên nhất. Cô ấy chính là tâm điểm trên màn hình radar cá nhân của tôi. Điều đó có nghĩa là cô ấy sẽ luôn được quan tâm nhiều hơn bất cứ ai. Nếu tôi muốn cuộc hôn nhân của mình kéo dài, tôi cần đầu tư thời gian và sức lực vào nó.
Tiếp theo là con cái của tôi. Dù chúng có cuộc sống và gia đình riêng, tôi vẫn muốn đầu tư vào những mối quan hệ đấy vì chúng là những mối quan hệ dài hạn. Các cháu tôi là một phần của vòng tròn đó bởi vì ông bà có cơ hội để làm cho chúng nhiều điều mà cha mẹ chúng không thể. Tôi sẽ gắn bó với chúng suốt cả cuộc đời.
Những vòng tròn khác được mở rộng xa dần tâm điểm, chúng bao gồm mối quan hệ thông gia, anh chị em ruột, cùng những người họ hàng xa khác. Tôi trân trọng những mối quan hệ ấy và thân thiết với một số người hơn một số người khác. Tôi cũng đầu tư vào những mối quan hệ đấy nhưng không nhiều bằng những mối quan hệ ở các vòng trong.
Khi băng thông của tôi đã chạm tới giới hạn, tôi không muốn hy sinh các mối quan hệ ở các vòng tròn bên trong để đổi lấy những mối quan hệ bên ngoài. Năng lượng của tôi luôn tập trung từ trong ra ngoài.
Đôi khi những mối quan hệ bên ngoài sẽ không sóng gió như các mối quan hệ vòng trong vì tôi không tiếp xúc thường xuyên với họ. Chính vì vậy, ta lại thường có xu hướng bị hút về phía họ do những mối quan hệ đó rất vui vẻ, thoải mái, trong khi những mối quan hệ vòng trong lại vô cùng rắc rối. Đó là lúc tôi cần xác nhận lại một lần nữa sự gắn bó của mình đối với các mối quan hệ quý giá ở trung tâm, dành cho họ sự chú ý và năng lượng mà họ đáng được nhận.
GIỮ TẬP TRUNG
Chìa khóa của mối quan hệ gia đình hiệu quả chính là ý thức về chúng. Chúng ta thường rất dễ xem nhẹ các mối quan hệ ấy và quên đi việc phải thường xuyên bảo dưỡng cho chúng. Nhưng thứ gì càng quý giá càng phải được chăm sóc cẩn thận.
Gia đình là nơi có thể mang đến cho ta cả niềm vui lẫn những nỗi đau khổ. Cả hai thái cực trên đều bổ trợ cho các mối quan hệ lành mạnh.
Những lời thề thốt trong hôn lễ thường hứa hẹn sự gắn bó “dù hạnh phúc hay khổ đau” Liệu ta có thể áp dụng lối suy nghĩ đó đối với tất cả các thành viên trong gia đình không? Chắc chắn được. Tuy nhiên đừng trông chờ là họ sẽ thay đổi trước khi chúng ta đối xử với họ bằng sự tôn trọng. Đó là điều ta cần làm bất kể họ đối xử với ta thế nào.
Chúng ta không thể thay đổi các thành viên khác trong gia đình. Ta chỉ có thể thay đổi chính bản thân mình và chờ đợi phản ứng từ phía họ. Đó là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc của một gia đình.