Hãy giữ trái tim không bao giờ chai cứng,
tâm tính không bao giờ kiệt sức,
và bàn tay không bao giờ gây sự tổn thương.
Charles Dickens.
L
ớn lên tại bang Arizona, tôi nhớ mình thường bắt gặp các đoạn quảng cáo mua bán xe hơi cũ. Chúng hay kèm câu: “Chỉ có tại Pheonix¨. Lúc đó, vì tôi không hiểu tại sao mấy chữ ấy lại quan trọng, tôi đã hỏi cha mình.
¨Đó là vì ở những vùng khác của nước ta, xe hơi sẽ không giữ được tuổi thọ lâu như ở đây,” cha tôi nói. “Khi mặt đường có băng, người ta rải muối làm nó tan ra. Khi thứ bùn loãng mặn chát đó bắn tung tóe dưới gầm xe, thân xe sẽ bị rỉ sét. Nhưng ở Pheonix không có băng tuyết nên không cần rải muối và xe không bị rỉ. Những chiếc xe hơi sẽ không được bền lâu nếu chúng bắt đầu rỉ sét.”
Bây giờ khi sống ở Nam California, chiếc xe của chúng tôi vẫn ổn. Nhưng nếu tôi để bất cứ dụng cụ nào ở ngoài trời, chúng sẽ nhanh chóng bị rỉ sét. Ban đầu, lớp kim loại bên ngoài mờ dần. Rồi thì những vết rỉ sét xuất hiện. Một khi việc đó xảy đến, những công cụ của tôi sẽ bị hư hỏng nhanh hơn đáng kể. Tôi có thể lau sạch những vết rỉ sét bằng miếng vải len và dầu nhớt, nhưng tôi vẫn có thể nhận ra dấu hiệu hư hại. Quá trình rỉ sét kéo dài đến thời điểm nào đó thì kim loại sẽ mất đi các tính chất ban đầu và bị gãy.
Vì thế, nên ngăn chặn quá trình rỉ sét ngay từ ban đầu. Công cụ càng quý giá thì việc giữ gìn nó càng quan trọng.
KHOA HỌC VỀ CÁC MỐI QUAN HỆ
Định luật Thứ hai của Nhiệt Động lực Học nói rằng khi ở trạng thái bị tách biệt hoàn toàn, tốc độ của một vật có xu hướng di chuyển chậm dần. Điều đó có nghĩa là nếu ta xô một chiếc lăn xe đựng hàng mua ở siêu thị cho nó chạy trên mặt sàn của tầng để xe thì nó sẽ chạy chậm dần và đến một lúc nào đó thì dừng lại (thường là khi nó va phải cửa xe hơi của chúng ta). Cách duy nhất để khiến chiếc xe tiếp tục di chuyển là ta phải tiếp tục đẩy nó.
Điều đó cũng đúng trong các mối quan hệ. Một mối quan hệ tốt sẽ không thể tự nhiên mà tốt mãi. Nếu ta bỏ qua, không đầu tư hoặc tiếp thêm năng lượng cho nó, nó sẽ chậm dần và dừng hẳn. Ngay cả những mối quan hệ tốt nhất cũng sẽ sớm kết thúc nếu ta để mặc nó. Mối quan hệ càng quý giá thì việc chăm sóc nó càng quan trọng.
Đó là sự thật trong mọi loại quan hệ. Như chúng ta đã bàn luận ở chương trước, chúng ta phải xếp hạng ưu tiên những mối quan hệ sao cho phù hợp với quỹ thời gian mình có. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể bỏ mặc mối quan hệ hôn nhân, mối quan hệ với con cái hoặc mối quan hệ với đối tác làm ăn thân cận nhất. Nếu xem nhẹ người bạn đời, con cái hay sếp của mình, chúng ta có thể phải lãnh chịu những hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta không thể cho phép một người bạn mới quen hay một mối quan hệ thất thường trên mạng xã hội chiếm mất thời gian đáng lẽ phải dành cho những mối quan hệ quan trọng kia.
Các mối quan hệ lành mạnh có đủ sức để đối phó với những thử thách khó khăn. Chúng có khả năng như vậy vì được giữ gìn kĩ lưỡng trong thời gian yên bình.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NGĂN RỈ SÉT
Hãy cứ nghĩ rằng các mối quan hệ của chúng ta giống như các dụng cụ quý giá. Chúng ta không mua chúng chỉ để trưng bày. Chúng ta mua chúng để sử dụng vào một mục đích nào đó. Nếu được giữ gìn, chúng sẽ có khả năng tồn tại lâu dài và tạo nên sự khác biệt đích thực.
Có bốn cách để giữ các mối quan hệ lành mạnh và không bị rỉ sét.
Học hỏi từ đối phương
Lúc mua chiếc điện thoại thông minh hiện đang dùng, tôi có mua một cuốn sách phân tích chi tiết cách sử dụng nó. Trong suốt một thời gian dài, tôi chỉ biết một số thao tác cơ bản như truy cập hộp thư điện tử, lên mạng tìm kiếm thông tin, đặt báo thức, gửi tin nhắn và tải ứng dụng. Tôi đã rất sung sướng khi biết rằng chiếc điện thoại này có thể làm được nhiều việc thú vị khác. Tôi thậm chí khám phá rằng mình có thể gọi điện nói chuyện – một tính năng bổ sung. Dần dà tôi cảm thấy rất thoải mái với chiếc điện thoại. Cảm giác mới mẻ ngày càng phai đi nhưng tôi đã nắm được những thao tác cơ bản.
Một thời gian sau, tôi đọc lại cuốn sách và bắt đầu đi sâu hơn. Tôi lướt qua vài trang để biết thêm những tính năng mới và thực hành nó trên điện thoại. Đến giờ tôi vẫn cố gắng mỗi ngày học thêm một điều mới. Càng hiểu hơn về chiếc điện thoại của mình, tôi càng cảm thấy thỏa mãn và hào hứng hơn. Càng học, càng áp dụng, tôi lại càng có thêm sự hào hứng mà tôi đã từng trải qua khi chiếc điện thoại còn mới.
Các mối quan hệ có khả năng phát triển theo cấp số nhân vì cuộc sống của chúng ta luôn tràn ngập những điều độc đáo và mới lạ. Nếu chúng ta đặt mục tiêu của mình là khám phá, nghiên cứu và học thêm những điều mới về nhau, chúng ta sẽ càng hào hứng về khả năng phát triển ấy. Ta sẽ không cần phải đi tìm nhưng mối quan hệ mới thú vị hơn vì đã đầu tư quá nhiều vào những mối quan hệ đang có – và ở đó vẫn còn rất nhiều bí mật khác cần được khám phá và học hỏi.
Đừng quen với sự rỉ sét
Một người bạn của tôi ở Torrance, California đã mua một căn nhà có đường ray chạy qua phía sau hàng rào sân sau. Đêm nào các đoàn tàu cũng chạy ngang qua sân nhà anh khoảng năm đến sáu lần. Những tháng đầu tiên, anh ta hầu như không ngủ được (nhưng cũng nhờ vậy mà nhận ra tại sao căn nhà lại rẻ thế). Nhưng chỉ sáu tháng sau, anh ấy hầu như chẳng để ý đến tiếng ồn nữa.
Nếu anh ấy mời bạn bè tới ăn tối thì có lẽ họ sẽ hỏi: “Làm sao anh chịu đựng được cảnh này vậy?¨
Anh ta sẽ trả lời: “Chịu đựng gì cơ?¨
Nếu chúng ta sống trong sự bất thường đủ lâu, nó sẽ trở thành điều bình thường.
Lúc nào cũng vậy, khi mua nhà, chúng ta thường phải xem xét căn nhà một cách kỹ lưỡng trước khi ký hợp đồng mua. Chúng ta nhìn ra nhiều điểm không hài lòng và cương quyết thay đổi chúng: “Miếng ván gỗ chân tường đó trông như từ thời thập niên 70 vậy. Chúng ta cần thay nó ngay lập tức.” “Mấy cái bản lề rỉ sét hết rồi, chúng phải ra đi thôi.” “Cửa ga-ra gần như chẳng hoạt động được nữa. Nó có thể gây nguy hiểm, cần được thay thế.¨
Nhưng sau khi dọn vào nhà mới, chúng ta sẽ phải quay trở lại với công việc, và những bộn bề của cuộc sống chiếm trọn thời gian của chúng ta. Những vấn đề khiến ta từng nôn nóng muốn giải quyết dường như không còn gây áp lực nữa. Chúng vẫn ở đó, nhưng chúng ta đã dần quen với chúng. Chúng ta chẳng để ý đến chúng nữa.
Mối quan hệ càng kéo dài, ta càng cảm thấy thoải mái. Thoải mái là điều tốt trừ khi ta bắt đầu xem nhẹ mối quan hệ của mình. Chúng ta đã quen dần với việc bỏ qua những phương thức giao tiếp vốn cần được chú ý đến. Chúng ta cần để ý đến vấn đề này và đừng để mình cảm thấy quá quen thuộc với nó.
Sử dụng một dụng cụ hay thiết bị mới có thể rất thú vị và hào hứng. Ta thấy được kết quả ngay lập tức và hài lòng với hiệu quả của nó. Nhưng việc giữ gìn các dụng cụ đó thì chẳng thú vị chút nào. Chúng ta mất thời gian để lau rửa, làm sạch chúng sau khi sử dụng và ta chẳng thấy được tầm quan trọng của việc làm những điều đó. Phần thưởng sau cùng sẽ rất lớn nhưng chúng ta không nhìn thấy chúng ngay lập tức.
Điều đó đúng trong công tác phòng cháy chữa cháy. Chữa cháy là công việc nguy hiểm, tiêu tốn vô cùng nhiều sức lực và cân não. Phòng cháy là hoạt động yêu cầu ít năng lượng hơn và có vẻ tẻ nhạt. Tuy nhiên theo thời gian, nó lại cho kết quả rất lớn.
Các mối quan hệ trở nên thú vị khi ta có những cuộc gặp gỡ tích cực và tràn đầy năng lượng giúp đẩy mọi thứ tiến về phía trước. Những cuộc đối thoại thường nhật hay những trận tranh cãi thì chẳng thú vị bằng, nhưng chúng lại là phần quan trọng trong việc giữ gìn sự kết nối bền lâu và lành mạnh.
Khi mọi việc diễn ra suôn sẻ, chúng ta sẽ được tiếp năng lượng để bàn luận. Ngược lại, khi mọi thứ khó khăn, chúng ta cạn kiệt sức lực để tiếp tục đối thoại. Sự trao đổi trong hai hoàn cảnh ấy đều quan trọng nếu muốn cho một mối quan hệ phát triển và bền vững. Các mối quan hệ chặt chẽ xuất phát từ những đợt bảo trì đều đặn ấy.
Nhanh chóng loại bỏ rỉ sét
Trong một cuộc kiểm tra thường nhật tuần trước, bác sĩ da liễu của tôi đã làm sinh thiết một điểm đáng ngờ mà ông ta tìm được trên tai tôi. Kết quả cho ra một tế bào ung thư và vị bác sĩ đó sẽ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ nó. Tôi hỏi: “Liệu tôi có giống những người bị mất nửa cái tai sau phẫu thuật mà tôi từng thấy ngồi ở phòng chờ không?”
“Không,” ông ta đáp. “Ở giai đoạn này thì không. Nhưng nếu anh đợi bảy năm nữa trước khi đến gặp tôi thì anh cũng sẽ như họ đấy.”
Khi ta nhận diện được những chi tiết nhỏ cần được chú ý trong mối quan hệ, chúng ta cần nhanh chóng giải quyết chúng để không phải trải qua những cuộc phẫu thuật lớn hơn về sau.
Vua Solomon từng nói: “Hãy bắt cho chúng tôi những con chồn, Những con chồn nhỏ phá hại vườn nho; Vì vườn nho chúng tôi đương trổ bông.” (Kinh Thánh). Những con chồn nhỏ thường phá phách. Nếu bắt được chúng khi còn nhỏ, ta ta sẽ chẳng phải đối phó với chúng khi đã lớn lên.
Hãy thường xuyên kiểm tra rỉ sét
Khi bận ngập đầu với những đồng nghiệp rắc rối, những đứa trẻ ưa vòi vĩnh, người bạn đời luôn đòi hỏi, người hàng xóm nhiều chuyện và một núi đồ bẩn cần giặt, chúng ta đâm ra mệt mỏi. Bị những áp lực của cuộc sống hút cạn sinh lực, chúng ta không còn đủ sức để lo việc bảo trì thường nhật. Nếu một mối quan hệ chưa hoàn toàn sụp đổ, chúng ta vẫn cho rằng mình có thể giải quyết nó sau. Và khi chuyện đó xảy ra, chúng ta sẽ bị phân tâm, sự tập trung của ta phải dịch chuyển từ những vấn đề quan trọng sang những vấn đề cấp bách. Đó là lúc ta cần phải xây dựng cơ cấu bảo trì thường nhật để chúng ta không phải lo lắng về những vấn đề đó nữa.
Nhờ những tín hiệu hiện ra trên bảng điều khiển xe hơi, tôi không còn phải lúc nào cũng lo lắng về việc bảo trì. Chiếc xe tự động nhắc nhở tôi khi nào cần làm những gì. Chúng ta cũng cần có những tín hiệu nhắc nhở như thế trong các mối quan hệ. Ta có thể lên lịch cho những cuộc hẹn uống cà phê, ăn trưa hoặc ăn tối thường xuyên để trò chuyện với nhau. Ta có thể áp dụng quy luật đơn giản “bắt đầu, dừng lại, tiếp tục” để tìm hiểu những vấn đề khi chúng còn nhỏ:
• Việc gì chúng ta chưa làm và cần bắt đầu?
• Việc gì chúng ta đang làm mà ta cần dừng lại?
• Việc gì chúng ta đang làm hiệu quả và cần tiếp tục?
Rất đơn giản, những cuộc kiểm tra hàng tháng sẽ không để công việc bị dồn đống lại sau một thời gian. Chúng ngăn không cho những mâu thuẫn nhỏ nhặt lớn dần rồi bộc phát.
TẬP ỨNG PHÓ RỦI RO
Tôi từng nghe chuyện một người nọ đưa ra bài trắc nghiệm để trở thành đối tác tốt hơn trong bất kì mối quan hệ nào. Khi đứng ở phương diện trung lập, không có cảm xúc, hãy hỏi câu này: “Trên thang điểm từ 1 đến 10, hãy đánh giá tôi (như một người chồng, vợ, người bạn, cấp trên, anh em,…) và tôi cần phải làm gì để mình có thể được điểm 10?”
Đó là một bài trắc nghiệm đầy rủi ro và có thể không thực tế trong một mối quan hệ bị thương tổn và có độ tin cậy thấp. Nhưng chương này chỉ đề cập đến việc bảo trì, không phải sửa chữa. Vì thế ta giả định rằng mình có một mối quan hệ lành mạnh mà muốn giữ nó như thế.
Nếu điều đó là sự thật, ta có thể cân nhắc thử bài tập này. Chìa khóa mấu chốt chính là lắng nghe và không phân bua giải thích hay bảo vệ ý kiến của mình. Ta chỉ đi tìm những lời đánh giá chân thành mà thôi. Tuy nhiên, ta sẽ không nhận được chúng nếu không tạo ra tình huống an toàn để đối phương được nói. Chúng ta có thể đặt ra câu hỏi, cho đối phương thời gian suy nghĩ (vài ngày nếu cần), cảm ơn họ đã đánh giá và dành thời gian để xem xét chúng. Sau đó ta có thể chờ đợi một vài ngày hay vài tuần để phản hồi lại những đánh giá đó, nhưng chỉ khi chúng ta đã lên được kế hoạch thay đổi dựa vào những câu trả lời thu được.
Đây là cách tốt để thể hiện với mọi người rằng ta thật sự trân trọng quan điểm của họ
Đây cũng là một cách tốt để tránh những mối quan hệ bị rỉ sét.