Cứ nhảy múa như không có ai nhìn bạn…
bởi vì chẳng có ai xem bạn múa…
mọi người đang bận bấm điện thoại.
Khuyết danh
B
ạn sắp có một kì nghỉ được chờ đợi từ lâu và đã có mặt ở sân bay. Đã gần tới giờ lên máy bay, bạn thò tay vào túi lấy điện thoại. Nó không ở trong túi của bạn. Bạn kiểm tra túi bên kia, rồi chiếc cặp đeo rồi nhận ra mình đã bỏ quên điện thoại trên xe hơi đậu trong bãi xe của sân bay. Bạn có thể quay lại lấy điện thoại nhưng sẽ phải đi qua kiểm tra an ninh lần nữa và có khả năng sẽ lỡ chuyến bay. Khi đó, bạn sẽ làm gì?
Một vài năm trước, chuyện này không phải vấn đề lớn. Chúng ta có điện thoại di động nhưng chúng ta chỉ dùng nó để nói chuyện với nhau hoặc gọi hỗ trợ khẩn cấp. Nếu quên mang điện thoại, chúng ta có thể sử dụng các bốt điện thoại công cộng. Tuy nhiên, hiện nay những chiếc điện thoại đã trở thành công cụ kết nối đa năng giữa chúng ta với thế giới xung quanh.
Giả sử rằng bạn quyết định không quay lại lấy điện thoại, bạn sẽ bỏ lỡ những điều gì nếu không có nó? Chắc chắn rằng bạn sẽ cảm thấy bất an vì người khác không thể nhanh chóng tiếp cận và giúp đỡ bạn khi bạn cần. Nếu bạn chỉ dùng điện thoại như máy ảnh, bạn có thể mua một cái máy ảnh rẻ tiền để dùng trong chuyến đi.
Bạn có thể phải kiểm tra tình trạng chuyến bay và xem thời tiết bằng cách khác, việc đó vẫn có thể làm được làm được mà không cần điện thoại.
Điện thoại của chúng ta có nhiều công năng khác nhưng chúng không thật sự cần thiết. Chúng ta đã quá quen với việc có quyền truy cập điện thoại 24/7. Hãy tưởng tượng đến một kì nghỉ sẽ như thế nào nếu chúng ta không thể truy cập vào các mạng xã hội, các công cụ tìm kiếm hay nhắn tin.
Và chúng ta vẫn phải nói chuyện với nhau.
CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA ĐÃ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO
Làm cách nào báo với lũ trẻ rằng đã đến giờ ăn tối?
Vài năm trước, chúng ta chỉ cần đơn giản hét lên phía trên cầu thang: “Bữa tối xong rồi!” Nếu chúng không xuống ngay, chúng ta sẽ đi lên lầu, vào phòng báo cho chúng. Có lẽ vì chúng bật nhạc to quá hoặc đang nói chuyện điện thoại. Hay có lẽ vì chúng chỉ đang cư xử như những đứa trẻ vị thành niên.
Bây giờ thì khác. Một người mẹ sẽ nói: “Tôi chỉ cần nhắn tin cho lũ trẻ. Chúng luôn ở trong phòng mình, cắm tai nghe để nghe nhạc hoặc chơi trò chơi điện tử. Chúng sẽ chẳng nghe thấy tiếng tôi hét đâu. Nhưng tôi biết rằng nhắn tin là cách chắc chắn nhất làm chúng chú ý. Chúng chẳng bỏ lỡ tin nhắn nào cả.”
Nghe có quen tai không? Đây là một vài tình huống mà ta đã từng chứng kiến:
Một người chồng nghiện điện thoại, luôn lôi nó ra khi có bất cứ khoảng lặng nào trong cuộc đối thoại. Những đứa trẻ chơi điện tử liên tục hàng giờ trong khi xe đạp của chúng nằm yên trong ga-ra. Một bữa ăn tối gia đình với tất cả thành viên dán mắt thiết bị điện tử nào đó của riêng mình. Một cái tivi chỉ được bật để tạo âm thanh làm nền, cho dù có người xem hay không.
Một người đang cố bắt đầu một cuộc đối thoại với một người khác không chịu rời mắt khỏi chiếc laptop hay máy tính bảng của mình. Tất cả chúng ta đều cần và muốn có những mối quan hệ lành mạnh. Chúng ta trân trọng những cuộc đối thoại đơn giản có thể giúp xây dựng những mối quan hệ như vậy. Khi những cuộc đối thoại ấy lành mạnh, chúng có thể trở thành điều thỏa mãn nhất trong cuộc đời ta. Tuy nhiên, khi không lành mạnh, chúng cũng có thể gây ra những tổn thương rất nặng nề – bởi vì chúng ngăn cản sự kết nối mà nội tâm ta thèm khát.
Chúng ta không dạy chúng cách để lái xe, cân bằng thu chi hay trang trí phòng ốc cho những đứa trẻ mới sinh. Ta dạy chúng giao tiếp. Chúng có thể sống mà không cần phải học lái xe nhưng giao tiếp là kỹ năng cơ bản nhất phải dùng hằng ngày trong cuộc sống. Chúng ta gọi nó là “kỹ năng sinh tồn”. Càng giỏi giao tiếp, cuộc sống của chúng sẽ càng suôn sẻ.
Một số người cho rằng công nghệ là kẻ thù vì chúng cướp đi kỹ năng giao tiếp của con người. Thực ra, đây không phải là chủ đề tranh luận mới. Xuyên suốt lịch sử, con người đã than phiền về bất cứ công cụ nào không giống với những thứ họ đã quen dùng:
Sách vở từng bị tẩy chay vì chúng cho phép con người tiếp nhận tri thức theo cách không được chấp nhận vào thời đó.
Trước đây, khi điện thoại (trên tường) reo lên, mọi người chạy đến nhấc máy. Chẳng ai để cho nó reo không mà không trả lời. Ngày nay thì các thành viên trong gia đình bắt đầu trò chuyện với nhau qua điện thoại ở ngay trong nhà họ thay vì đi vài bước để gặp mặt nhau.
Vào những năm 1960, trẻ con bắt đầu đi vòng vòng trong xóm, áp sát những chiếc máy thu thanh vào tai. Mọi người than phiền rằng việc đó làm chúng xao lãng với cách giao tiếp bình thường.
Truyền hình từng bị chỉ trích vì nó giúp con người giải trí một cách thụ động vào buổi tối.
Nhưng trong mọi trường hợp, lợi ích đều sẽ lấn át những lời chỉ trích. Con người luôn tìm cách sử dụng công cụ để kết nối với nhau một cách hiệu quả hơn. Các công cụ cũng không ngừng thay đổi và những lợi ích mà chúng đem lại ngày càng lớn. Nhưng cũng vì thế số người than phiền về chúng cũng tăng theo.
Một người bạn kể với tôi rằng suốt thời ấu thơ của mình, ông của anh ấy luôn xem vợ mình như một thiết bị điều khiển tivi. “Đổi kênh đi,” ông cụ nói, và cụ bà sẽ đứng dậy chuyển kênh. Bà cụ phải xoay một cái núm để có thể bật sang kênh khác.
Còn chúng tôi thì lại từng có những người hàng xóm thành thạo kỹ thuật hơn. Họ có một thiết bị cầm tay kết nối với núm chuyển kênh bằng dây cáp dài kéo đến ghế sofa. Thiết bị đó cũng có một cái núm. Khi họ xoay nó thì cái núm gắn trên chiếc tivi ở phía bên kia của căn phòng cũng thay đổi theo. Chúng tôi đã rất bất ngờ. Lúc đó, chúng tôi thậm chí còn chưa biết rằng có một công nghệ như thế tồn tại.
MẶT TRÁI CỦA CÔNG NGHỆ
Trong quá khứ nếu chúng ta đứng xếp hàng tại một bưu cục, ta sẽ có hai lựa chọn:
1. Trò chuyện với ai đó.
2. Suy nghĩ.
Tôi viết đoạn này khi đang trong một quán cà phê Starbucks. Trong quán hiện đang có mười ba người xếp hàng. Mười một người đang nhìn vào màn hình điện thoại. Tôi đoán rằng nếu hai người còn lại cố bắt chuyện với một trong số mười một người kia, sẽ có ai đó nghĩ rằng: “Anh không thấy tôi đang bận ư?” Tôi không trách họ. Nếu là tôi, tôi cũng sẽ có phản ứng như thế.
Một trong những lĩnh vực lớn nhất mà công nghệ đã ảnh hưởng tới chính là phương thức giao tiếp giữa người với người.
Gần đây, một nữ giám đốc nhân sự đã kể lại cho tôi nghe nỗi bực bội của cô ấy: “Vấn đề lớn nhất mà tôi gặp phải chính là các ứng viên hoàn toàn không biết ứng xử thế nào khi dự phỏng vấn xin việc. Họ có kỹ năng tốt và bằng cấp cao, tốt nghiệp từ các trường danh giá. Nhưng họ lại không biết cách giao tiếp. Hầu như chẳng bao giờ họ nhìn thẳng vào mắt người đối diện và cũng không biết làm thế nào để kết nối với tôi khi đang nói chuyện. Thực tế là,” cô ấy tiếp tục, “tuần trước, khi đang phỏng vấn một ứng viên, tôi đã bị ngắt lời vì anh ta phải trả lời một tin nhắn vừa tới.”
“Rồi cô làm gì tiếp theo?” tôi hỏi
“Tôi bảo anh ta ra ngoài để trả lời tin nhắn. Rồi sau đó tôi khóa cửa lại.”
Trong tình huống này có một sự rủi ro. Nhưng người thuộc các thế hệ lớn tuổi hơn sẽ dễ dàng chỉ trích người nhỏ tuổi hơn khi những vấn đề giao tiếp này xuất hiện. “Chúng dành quá nhiều thời gian vào mấy thứ thiết bị điện tử đến mức không biết cách giao tiếp đàng hoàng. Tất cả những gì chúng làm là chỉ biết chơi game và làm sao đạt điểm cao thôi.”
Đó có lẽ là sự thật. Một người đàn ông lớn tuổi mà tôi trò chuyện ngày hôm qua mô tả cảnh đi ra khỏi nhà vào ngày Giáng sinh và đường phố vắng tanh. “Vài năm trước, bạn sẽ thấy lũ trẻ con ở khắp nơi trên đường đạp thử những chiếc xe đạp hay tấm ván trượt mới,” ông ta nói. “Nhưng năm nay đường lại trống không. Chẳng có bóng dáng đứa trẻ con nào. Tôi chắc chắn chúng đang ở trong nhà chơi mẫu trò chơi điện tử mới nhất.”
Nhưng người lớn cũng chẳng kém lũ trẻ con. Có thể họ không chơi điện tử hay dành hàng giờ lướt mạng xã hội. Nhưng có bao nhiêu lần họ rút điện thoại ra để kiểm tra email trong bữa ăn? Họ có thể không nghiện thuốc lá hay rượu nhưng họ đã tự tạo cho mình một kiểu nghiện mới: Nghiện công nghệ.
Nói một cách khác, tất cả chúng ta đang sử dụng sai một công cụ hữu ích. Công nghệ là nguồn tài nguyên tốt để tăng cường hiệu quả đối thoại. Nó chưa bao giờ được thiết kế để thay thế đối thoại.
CẦN MỘT CHIẾN LƯỢC
Tin tốt là gì? Nhờ công nghệ, cuộc sống trở nên dễ dàng hơn nhiều. Thông tin luôn có sẵn ngay lập tức mà không cần phải đến thư viện và ta có thể tiếp cận chúng ngay cả khi đang mặc đồ ngủ.
Nhưng tin xấu là gì? Cũng chính vì công nghệ mà cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Nhiều thông tin hiện hữu khiến ta bị ngợp và chỉ muốn dành cả ngày trong bộ đồ ngủ.
Chúng ta cần một kế hoạch hành động – một kế hoạch có chủ đích được xây dựng kỹ càng để tiếp cận công nghệ. Kế hoạch này bắt đầu bằng việc chúng ta phải đảm bảo rằng mình có thể kiểm soát được tầm ảnh hưởng của công nghệ trong cuộc sống của bản thân.
Sau đó, ta cần lên kế hoạch với những người xung quanh mình. Chúng ta tập trung vào những mục tiêu mà chúng ta đã xác định trong những mối quan hệ quan trọng nhất của mình, xây những nền móng mà ta đã đề cập đến trong cuốn sách này nhằm làm cho chúng trở nên chân thành và hiệu quả. Rồi chúng ta thiết kế một kế hoạch công nghệ phù hợp với mối quan hệ đó. Nói đơn giản là công nghệ phải giúp cho các mối quan hệ của ta trở nên tốt hơn.
Trao đổi bằng chữ viết cũng là một hình thức giao tiếp, tuy nhiên nó không thể truyền tải cảm xúc qua âm điệu của giọng nói, biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ hình thể. Chữ viết không thể cầm nắm hay ôm ấp được. Một người bạn của tôi từng nói với bà của anh ấy rằng: “Vì bà lắng nghe cháu nên cháu biết được bà yêu cháu. Và chính vì thế, cháu lắng nghe bà.”
Những người trẻ tuổi có thể cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp do họ chưa thực hành đủ nhiều để cơ thể có thể tự ghi nhớ nguyên tắc “có qua có lại” của đối thoại. Khi chúng ta đã quen đối thoại trực diện suốt cả cuộc đời, chúng ta sẽ hình thành phong cách giao tiếp mặt đối mặt giữa người với người. Ta học cách trân trọng sự đặc biệt của mỗi người – khám phá ra rằng họ không suy nghĩ như chúng ta và rằng đó là một điều hoàn toàn bình thường. Chúng ta trưởng thành từ việc trân trọng sự khác biệt đấy thay vì cảm thấy cần phải thay đổi họ.
CHIẾC CHUÔNG BÁO GIỜ ĂN TỐI TRỊ GIÁ MƯỜI LĂM TRIỆU ĐÔ LA
Quy tắc cơ bản rất đơn giản. Công nghệ là một thứ công cụ. Nếu ta học được cách kiểm soát nó, nó sẽ hỗ trợ ta rất nhiều.
Học cách sử dụng các công cụ của mình dễ hơn việc vứt chúng đi và tự làm mọi thứ. (Tôi đã thử thay lốp xe bằng tay và kết quả của việc cố gắng tháo đai ốc bánh xe ra chẳng tốt đẹp gì.) Thay vì chống lại công nghệ, chúng ta có thể học cách yêu quý chúng vì những gì chúng có thể làm cho chúng ta.
Khi mới kết hôn, chúng tôi từng sống ở ngoại thành Phoenix, cách Căn cứ Không quân Luke vài dặm. Cách chúng tôi vài ngôi nhà có một người đàn ông là phi công trực thăng không quân và hàng ngày anh ta tham gia các cuộc tập trận diễn ra khắp tiểu bang. Anh ta có giờ giấc làm việc ổn định và thường về nhà ăn tối muộn. Nhưng anh ta chẳng bao giờ biết chắc khi nào mình sẽ về tới nhà, vì thế vợ anh ta cũng không bao giờ biết khi nào nên dọn sẵn bữa tối.
Anh ta đã sử dụng công nghệ như một giải pháp.
Mỗi tối khi lái trực thăng về căn cứ, anh ta sẽ cho máy bay hạ xuống độ cao thấp nhất trên nóc nhà. Khi nghe được tiếng động của chiếc trực thăng trị giá mười lăm triệu đô-la ở phía trên đầu, vợ anh ta biết rằng chồng mình sẽ về nhà trong hai mươi tám phút nữa.
Đó là cách ứng dụng công nghệ rất sáng tạo.
KHI RẮC RỐI BẮT ĐẦU NẢY SINH
Vài năm trước, tôi viết cuốn Làm thế nào để tự tin giao tiếp (How to Communicate with Confidence) nhằm cung cấp cho độc giả các công cụ và kỹ năng cho các cuộc đối thoại hằng ngày. Đây là lĩnh vực khiến rất nhiều người phải gặp khó khăn, nhất là những người có tính cách hướng nội.
Khi các mối quan hệ tiến triển và các cuộc đối thoại trở nên căng thẳng, chúng ta cần một bộ công cụ và kỹ năng khác. Những công cụ cơ bản vẫn cần thiết, nhưng nếu chỉ sử dụng chúng một cách đơn thuần, chúng ta sẽ phải đối diện với mức độ rủi ro cao hơn đáng kể. Với các cuộc đối thoại trọng yếu, ta cần nâng kỹ năng của mình lên một tầm cao mới.
Vấn đề ở đây là gì? Chúng ta không thể tranh cãi qua tin nhắn. Nguy cơ xuất hiện tranh cãi càng lớn thì việc gặp mặt trực tiếp lại càng quan trọng. Với nhiều người trong chúng ta, việc gặp mặt trực tiếp dường như rất đáng sợ; vì thế chúng ta cố gắng tránh xung đột bằng cách truyền đạt ý kiến và suy nghĩ của bản thân thông qua các thiết bị điện tử. Chúng ta nghĩ rằng làm như thế sẽ an toàn hơn vì khi đó, ta không phải nhìn thấy phản ứng của đối phương. Ta không cần phải nghĩ cách xoa dịu cảm xúc của họ. Nhưng khi không gặp mặt trực tiếp, chúng ta đã đánh mất đi 93% giá trị của cuộc đối thoại, lúc đó thì sự đối đầu bằng chữ viết cũng giống như đổ xăng vào một đám cháy đang lan nhanh vậy.
Cảm xúc dâng trào, lòng tự trọng cao cùng khả năng giao tiếp kém đã cùng nhau tạo nên một cơn bão hoàn hảo. Chúng chính là công thức của thảm họa.
ĐỌC HƯỚNG DẪN AN TOÀN
Thực là nguy hiểm khi viết về công nghệ trong một cuốn sách. Những gì đang diễn ra vào thời điểm viết sẽ lỗi thời so với thời điểm bạn đọc cuốn sách này. Vì vậy chúng ta không thể bàn luận về bất cứ loại công nghệ nào. Thay vào đó, ta cần xây dựng cách tiếp cận công nghệ sao cho hiệu quả dù nó có thay đổi đến đâu. Bằng cách đó chúng ta sẽ luôn sẵn sàng cho những thay đổi sẽ diễn ra. Chúng ta có thể nhìn thấy bản chất của công nghệ – đó là công cụ giúp phát triển các mối quan hệ của mình chứ không thay thế chúng. Một khi đã nhận định như vậy, chúng ta sẽ sẵn sàng sử dụng công nghệ một cách hiệu quả thay vì bị nó sai khiến.
Đó chính là mục đích tồn tại của công sụ. Ví dụ như tôi có một máy cưa xích. Nó giúp tôi tiết kiệm thời gian tỉa cây. Nhưng nếu không cẩn trọng, nó có thể trở nên nguy hiểm đối với tôi. Đó là lý do tại sao một phần ba đầu tiên của cuốn cẩm nang sử dụng máy cưa tập trung hướng dẫn tôi cách để tránh bị thương khi sử dụng nó. Tôi đã học thuộc trình tự an toàn đó và cái máy cưa đã làm được những việc khiến tôi sửng sốt.
Công nghệ của chúng ta cũng như thế. Nó có thể mang lại nhiều lợi ích đáng ngạc nhiên cho các mối quan hệ cũng như sự giao tiếp của chúng ta:
• Chúng ta có thể nhanh chóng kết nối với những người khác.
• Chúng ta có thể tìm ra thông tin giúp cho cuộc đối thoại của mình chính xác hơn.
• Chúng ta có thể cập nhật thông tin với nhiều người trong một khoảng thời gian ngắn hơn.
• Chúng ta vẫn có thể kết nối dễ dàng ngay cả khi không ở gần nhau.
Nhưng nếu chúng ta không có nhận thức rõ ràng về mối nguy hại tiềm tàng của công nghệ, ta sẽ tự biến mình thành nạn nhân của nó.
Công nghệ không phải là kẻ thù, nó chỉ là một công cụ. Việc nó tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng nó. Công nghệ cũng giống như một con dao phẫu thuật sắc bén vậy. Trong bàn tay của một bác sĩ phẫu thuật chuyên nghiệp, nó là vật hữu ích. Khi trong tay một tên tội phạm điên rồ, nó có thể trở thành vũ khí giết người.
Ta sẽ luôn có các mối quan hệ. Công nghệ cũng sẽ không biến đi đâu cả. Vì thế chìa khóa chính là tìm ra được cách nào để khiến chúng hợp tác với nhau. Cũng giống như tình yêu giữa hai con nhím – chúng cần có nhau nhưng phải học cách để không làm đối phương bị thương.
HAI MƯƠI CÁCH ĐỂ BIẾN CÔNG NGHỆ THÀNH MỘT NGƯỜI BẠN THÂN THIẾT
Hầu hết mọi người không có trực thăng để sử dụng theo ý mình, nhưng ta có những công cụ khác. Đó là những món công cụ có thể dễ dàng chọc giận người đối diện nếu bị sử dụng sai cách. Để có thể vận dụng chúng một cách hiệu quả, chúng ta sẽ cần đến sự hỗ trợ của óc sáng tạo.
Dưới đây là một danh sách ngắn các ý tưởng, đặc biệt là cho các gia đình (tuy nhiên, chúng vẫn có thể được áp dụng vào các mối quan hệ khác). Ta có thể bắt đầu với một vài ý tưởng trong số đó, sau đó cùng hợp tác với đối phương để đưa ra các phương hướng phát triển khác.
Mỗi Chủ nhật, chúng ta có thể quyết định xem chúng ta sẽ đầu tư vào những mối quan hệ quan trọng nhất của mình vào thời điểm nào trong tuần cũng như bằng cách nào (quan hệ cá nhân và quan hệ công việc). Sau đó, hãy sắp xếp các cuộc hẹn trên lịch làm việc để thực hiện và coi trọng nó như bất kì cuộc hẹn nào khác.
Khi đang lái xe mọi người sẽ không hỏi đường nữa. Thay vào đó, họ sẽ dùng thiết bị định vị GPS hay ứng dụng điện thoại để tìm đường vì nó tiện hơn. Nếu ta khuyến khích việc sử dụng công nghệ, ta sẽ đến nơi nhanh hơn.
Đừng quay phim lại từng khoảnh khắc trong tiệc sinh nhật của con cái hay ngày nghỉ lễ. Khi đứng sau máy quay, chúng ta sẽ bỏ lỡ những khoảnh khắc thương yêu đích thực. Trí nhớ sẽ nhắc chúng ta nhớ lại những khoảnh khắc đó thường xuyên hơn là những đoạn băng ghi hình kia.
Hãy mua một đầu ghi hình cho tivi nếu chưa có. Bằng cách này, ta sẽ có thể nhấn nút “Tạm dừng” thay vì nói: “Đợi anh/em xem nốt đến đoạn quảng cáo cái đã” mỗi khi được yêu cầu thay tã cho con.
Thiết lập vùng trống công nghệ trong nhà, phòng khách hay phòng sinh hoạt chung của cả gia đình chẳng hạn. Đó là nơi mà không ai được phép sử dụng bất cứ loại thiết bị công nghệ nào. Đây là không gian dành riêng cho các hoạt động nói chuyện/vui chơi/kết nối.
Dùng một ứng dụng cho phép một số người được lựa chọn nhìn thấy vị trí chính xác của chúng ta. Vợ tôi và tôi sử dụng nó để người này biết người kia đang ở đâu nếu họ đến trễ thay vì cứ phải gọi điện hỏi. Tôi cũng có vài người bạn phải di chuyển vì mục đích công việc nhiều không kém tôi. Chúng tôi theo dõi vị trí của nhau trong các chuyến đi như một cách để biểu thị sự minh bạch và chân thực.
Sử dụng Bluetooth hay tính năng tương tự trong xe hơi để kết nối với vợ/chồng mình trên đường về nhà. Bạn tôi hay gọi điện cho vợ và cả hai kể về ngày làm việc của mình. Vì thế họ đã trò chuyện với nhau trước khi anh ta về đến nhà. Điều đó giúp anh ta có thời gian chăm sóc con cái ngay khi vừa về vì anh ta và vợ đã giãi bày với nhau trước đó rồi.
Hãy cùng tổ chức các bữa ăn không-công-nghệ như một gia đình. Tuy nhiên, hãy đặt ra một khoảng thời gian giới hạn cho sự kiện này để họ không cảm thấy quá tù túng. Hãy để cả gia đình cùng quyết định ra một khung thời gian thực tế. Có gia đình đặt chế độ tự động trả lời trong giờ ăn tối. Thông điệp có nội dung: “Cảm ơn bạn đã gọi cho tôi. Hiện giờ tôi đang ăn tối với gia đình nhưng sẽ gọi lại cho bạn trong vòng ba mươi phút nữa sau khi bừa ăn kết thúc.”
Hình thành một tuyên ngôn thể hiện mục tiêu chung và các giá trị chủ đạo của gia đình. Đâu là những quy tắc không thể thỏa hiệp duy trì sự bền vững của cả gia đình? Hãy cùng nhau xây dựng nó, viết ra và treo lên một chỗ dễ thấy. Nó sẽ đóng vai trò là một tuyên bố về sứ mệnh, giúp các thành viên gia đình đánh giá các lựa chọn liên quan đến công nghệ.
Trong các chuyến du lịch, hãy tìm cách tận dụng công nghệ theo một cách nào đó để lũ trẻ con không dán mắt xem video suốt chuyến đi. Chẳng hạn hãy để chúng đưa ra ý tưởng về những trò tiêu khiển sử dụng công nghệ như một công cụ (cần thiết nhưng không phải là duy nhất). Hãy công nhận những nỗ lực của lũ trẻ để giúp chúng cảm thấy bản thân đang có đóng góp nhất định.
Tìm ra những dự án đòi hỏi sử dụng công nghệ theo cách tích cực. Ví dụ như tặng một cô/cậu thiếu niên một thiết bị đọc sách điện tử sau khi đứa trẻ đó đã đọc hết năm mươi cuốn sách mượn từ thư viện. Sau đó hãy dạy nó cách tải sách điện tử vào thiết bị.
Hình thành truyền thống cả gia đình cùng chơi các loại cờ bàn. Hãy đảm bảo rằng đó là những trò chơi thú vị, phù hợp với lứa tuổi của trẻ và nhớ mời cả bạn bè của trẻ tham gia cùng. Chơi cờ theo kiểu truyền thống sẽ không thay thế được trò chơi điện tử. Tuy nhiên chúng sẽ tạo ra cơ hội cho việc giải trí không cần công nghệ và thúc đẩy tương tác trực tiếp giữa người với người.
Tận dụng mạng xã hội để giữ liên lạc với gia đình, bạn bè cũng như chia sẻ hình ảnh của các sự kiện quan trọng. Nếu chúng ta không am hiểu công nghệ thì nên bỏ thời gian để khám phá nó vì việc đó rất đáng giá. Con cái có thể chỉ cho chúng ta. Bằng cách hòa mình vào thế giới của con cái, chúng ta đã bày tỏ sự tôn trọng chúng.
Hãy sử dụng tin nhắn khi chúng ta cần ai đó phản hồi nhanh chóng. Chúng ta đều hiểu điều đó vì đa số ai cũng mang điện thoại bên mình. Nhưng ta không nên để việc nhắn tin thay thế các cuộc đối thoại trực diện. Tình huống khi mà việc nhắn tin cho người nào đó trở nên thoải mái hơn so với việc trực tiếp gặp mặt chính là lúc có vấn đề nảy sinh trong quan hệ với người đó.
Trận đá bóng vào ngày Chủ nhật thường trùng giờ với việc đi lễ nhà thờ và nhiều người hâm mộ bóng đá bực bội về sự trùng hợp này. Hãy cùng nhau đưa ra một giải pháp chung. Hãy thu hình trận đấu, đi lễ nhà thờ và sau đó cùng xem trận đấu đó sau khi về nhà (hoặc ít nhất thì người yêu thể thao có thể xem nó bất kì lúc nào sau đó).
Dùng Skype hay các ứng dụng gọi điện video trực tuyến khác để giữ liên lạc với những người sống ở xa. Dù không thể hiệu quả bằng việc gặp mặt trực tiếp nhưng cách làm này cho ta cơ hội được trông thấy các biểu cảm trên mặt và nghe được tông giọng của đối phương. Con trai của tôi mất năm năm hẹn hò với vợ của nó bằng Skype khi nó còn sống ở San Diego và con bé thì ở Guadalajara. Đôi khi chúng cùng diện những bộ trang phục yêu thích và chuẩn bị bữa ăn (của mỗi đứa) cho buổi hẹn hò trực tuyến. Con trai tôi mua cho vợ nó một bó hoa và trưng nó ra trước máy quay. Đó là một cách sáng tạo để kết nối với nhau khi khoảng cách khiến cho những cuộc gặp gỡ trực tiếp không thể thành hiện thực.
Hãy để lại điện thoại trong xe hơi khi đang ăn tối với bạn bè. Việc đó ngầm khẳng định với người khác rằng họ vô cùng quan trọng để chúng ta sẵn sàng dành hết 100% sự chú ý.
Tìm các cách đáp ứng nhu cầu của người khác đồng thời với việc sử dụng công nghệ vào đúng chỗ. Nếu người vợ thích được xoa bóp bàn chân, người chồng lại thích bóng đá, anh ta hoàn toàn có thể xoa bóp chân cho vợ mình trong khi đang xem bóng đá. Cả hai người đều thỏa mãn.
Tìm một cuốn tiểu thuyết giả tưởng mà bọn trẻ thích thú và đọc to một chương trong bữa tối. Nếu cuốn sách hay, chúng sẽ mong chờ bữa ăn và chương sách tiếp theo.
Khi thấy thứ gì đó mà bạn nghĩ rằng người còn lại sẽ thích, hãy chụp ảnh lại và gửi nó qua tin nhắn cho họ. Cách này nhanh chóng cho đối phương biết rằng bạn đang nghĩ về họ và quan tâm tới những gì họ thích.
GIÀNH LẠI CÁC MỐI QUAN HỆ CỦA BẢN THÂN
Công nghệ sẽ không đi đâu cả. Và thực tế là nó đang phát triển. Đó là một tiền đề tốt để bắt đầu cải thiện các mối quan hệ của chúng ta. Ta có thể dễ dàng đổ lỗi cho công nghệ về những vấn đề trong mối quan hệ của chúng ta vì chúng ta chứng kiến việc giao tiếp của mình bị bào mòn trong lúc công nghệ tiếp tục phát triển. Có vẻ như công nghệ chính là vấn đề.
Nhưng công nghệ không phải là vấn đề. Công nghệ chỉ là một loại công cụ xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta mà không có cẩm nang hướng dẫn sử dụng. Chúng ta cần học cách sử dụng nó. Nếu tôi lỡ đứt tay khi dùng dao bếp, điều đó không có nghĩa mọi con dao đều nguy hiểm và tôi phải vứt chúng đi. Điều đó chỉ có nghĩa rằng tôi nên học cách dùng dao an toàn. Khi đã thành thục, tôi có thể dùng dao làm mọi việc bếp núc một cách hiệu quả.
Công nghệ bước vào cuộc sống của ta như dòng sông chảy cuồn cuộn sau khi băng tan vào mùa xuân. Con sông có khả năng gây nguy hiểm nếu ta không cẩn thận. Đó là lý do chúng ta không để lũ trẻ chơi gần bờ sông. Nhưng nếu chúng ta khai thác được sức mạnh của dòng sông, nó có thể tạo ra điện đủ cho cả một cộng đồng và cung cấp tài nguyên cho hàng nghìn người. Vì thế chúng ta chẳng được lợi lộc gì khi bực tức với con sông. Tốt hơn cả chúng ta nên đón nhận sự tồn tại của nó và tận dụng nó để phát triển cuộc sống.
Trong các mối quan hệ của mình, chúng ta có thể dễ dàng bảo người khác bỏ điện thoại đi để nói chuyện trực tiếp. Nhưng việc đó đã bỏ qua giá trị của điện thoại. Thay vào đó, chúng ta cần bàn luận về mục đích chung. Chúng ta cần coi công nghệ là phương tiện để đạt được mục đích, công nghệ không phải là kết quả cuối cùng. Công nghệ tồn tại để phục vụ những điều lớn lao hơn.
VẬY TA NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU
Chúng ta bắt đầu từ bản thân. Chúng ta cần phân tích xem làm thế nào để sử dụng công nghệ trong cuộc sống cũng như liệu nó đang giúp ích hay làm chúng ta tổn thương. Chúng ta cần thừa nhận hiện trạng nghiện sử dụng thiết bị điện tử của bản thân (nếu có). Chúng ta có thường xuyên kiểm tra email hay lướt mạng xã hội trên điện thoại không? Nếu tìm ra được cách tận dụng các công cụ đấy, ta sẽ tạo dựng được một nền tảng đáng tin cậy để gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Khi chuyển từ việc cố gắng thay đổi người khác sang thay đổi bản thân, ta đã có một bước tiến đầu tiên và lớn nhất. Thay đổi bản thân là một kỹ năng mà bất cứ ai cũng có thể học được. Khi phát triển kỹ năng đó, sức ảnh hưởng của ta sẽ lớn dần. Chừng nào chúng ta còn thu nhỏ các kỳ vọng của mình đối với người khác và nâng sự chờ đợi lên tối đa, thì những điều tuyệt vời vẫn có thể diễn ra trong các mối quan hệ.
Nhưng sự thay đổi không thể hoàn thành chỉ sau một đêm. Nó đòi hỏi một khoảng thời gian dài. Đó là cả một quá trình. Nếu như chúng ta còn ở mức điểm 3, ta không thể nhảy lên điểm 10 chỉ trong một đêm. Mục đích của ta là vươn đến điểm 4. Một khi đến được đó, ta có thể khám phá điểm 5 và 6. Ta cần tập trung vào quá trình chứ không phải sự hoàn hảo.
Vợ tôi, Diane, và tôi đang học tiếng Tây Ban Nha. Chúng tôi tải các bài học về và nghe từng bài một trong lúc đang lái xe hay đi bộ. Chương trình của khóa học đề xuất rằng trước khi chuyển sang bài tiếp theo, chúng tôi cần nắm vững 80% nội dung của mỗi bài học.
Một hai bài học đầu tiên khá dễ dàng và cả hai đều cảm thấy việc học hành trôi chảy. Chúng tôi hy vọng một ngày nào đó mình có thể giao tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha. Bài học thứ ba thì khó hơn. Chúng tôi phải nghe lại vài lần để thấm. Bài học thứ tư thậm chí còn tệ hơn. Chúng tôi cảm thấy mình sẽ chẳng bao giờ có thể vượt qua những bài học tiếp theo.
Nhưng trong lúc học bài thứ tư, chúng tôi nhận ra rằng mình đã nắm vững bài một và hai, chúng đã trở thành bản năng thứ hai nhờ học được mà có của chúng tôi. Điều đó cho chúng tôi hy vọng rằng khi chúng tôi học bài năm và sáu thì có lẽ chúng tôi sẽ thông thạo bài ba và bốn.
Học cách giao tiếp hiệu quả trong các mối quan hệ quan trọng nhất của chúng ta tuy có vẻ giống như việc tát cạn nước trong bể bơi bằng một chiếc tách cà phê, nhưng bạn đã có bước đi đầu tiên khi đọc cuốn sách này. Quá trình này xem ra sẽ kéo dài không hồi kết, nhưng chìa khóa là bắt đầu cuộc hành trình. Những bước đi nhỏ đều đặn sẽ tạo ra những kết quả to lớn. Chúng ta sinh ra để có các mối quan hệ. Chúng đáng để ta đấu tranh vì chúng.
Khi các cuộc tranh cãi xảy ra, ta có thể tiếp cận chúng bằng sự tự tin. Nhờ các công cụ thích hợp và hiểu được làm thế nào áp dụng các kỹ năng phù hợp, những giai đoạn khó khăn có thể là chất xúc tác cho các mối quan hệ lành mạnh.