• Vì nhớ lại những sự việc xảy ra trong quá khứ nên bạn mới giữ những cảm xúc tiêu cực.
• Nếu giữ những cảm xúc tiêu cực trong thời gian dài, bạn có thể sẽ bị bệnh.
• Nhận thức được rằng không thể thay đổi quá khứ là điều vô cùng quan trọng.
Những người mãi mang theo mãi những cảm xúc tiêu cực
Phàm là con người, ai cũng có lúc phát sinh cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, thời gian giữ trong lòng những cảm xúc tiêu cực đó giữa mỗi người lại khác nhau.
Chẳng hạn, khi bị cấp trên mắng thậm tệ, có người sẽ thấy buồn bã một lúc nhưng sau đó nhận thức được rằng, “Ủ rũ, chán nản cũng không giải quyết được vấn đề.” Bên cạnh đó, lại có người cứ mang theo tâm trạng buồn bã đó và mãi chẳng thể vui vẻ trở lại.
Bác sĩ Morita Seiba đã đưa ra một quy luật về cảm xúc như sau: Cảm xúc của con người nếu cứ để nó nguyên như vậy thì nó sẽ dần giảm đi giống như đường cong của cánh cung, và rồi một lúc nào đó nó sẽ hoàn toàn biến mất.
Tóm lại, cảm xúc tức giận hay buồn bã rồi sẽ được hóa giải theo thời gian.
Tuy nhiên, với những người giữ mãi trong lòng những cảm xúc tiêu cực, khi gặp chuyện gì họ cũng sẽ nhớ lại những việc đã xảy ra trong quá khứ. Trong một thoáng, họ nhớ lại hình ảnh bị cấp trên cằn nhằn và họ lại trở nên ủ rũ, chán nản. Nếu bạn giữ trong lòng những cảm xúc tiêu cực trong thời gian dài, chức năng miễn dịch của cơ thể sẽ suy giảm, có thể dẫn đến bệnh trầm cảm. Khả năng kiểm soát cảm xúc, không để cảm xúc tiêu cực kéo dài quá lâu là yếu tố cần thiết để bạn sống một cách vui vẻ, thoải mái.
Bạn có buồn phiền thì cũng không thể thay đổi quá khứ
Vậy phải làm gì để cảm xúc về những sự việc xảy ra trong quá khứ không còn kéo dài và ảnh hưởng đến bạn?
Điều quan trọng đầu tiên là chúng ta phải nhận thức được rằng quá khứ không thể nào thay đổi được. Cứ ôm lấy quá khứ cũng không có gì tốt đẹp. Chừng nào còn có suy nghĩ bi quan như, “Mình bị sếp mắng vì để xảy ra lỗi. Mình đúng là người vô tích sự”, lúc đó bạn còn bị lệ thuộc vào quá khứ.
Quá khứ không thể thay đổi được nhưng cách nhìn nhận quá khứ có thể thay đổi được.
Bạn chỉ cần phát huy suy nghĩ rút kinh nghiệm, chẳng hạn như, “Lần này mình đã để xảy ra lỗi. Nhưng mình sẽ cố gắng để lần tới không thất bại nữa.”
Bạn có buồn phiền vì những việc xảy ra trong quá khứ thì cũng chẳng ích gì.