Sự tiến hóa của nhân loại từ thuở hồng hoang đến nay là một đề tài không phải là không gây tranh luận. Những khám phá mới giúp lật lại lý thuyết đương thời và làm xê dịch mốc thời gian phát triển của loài người hàng trăm nghìn năm qua bằng cách này hay cách khác. Bộ môn khoa học xã hội này là sự kết hợp giữa cổ sinh vật học và di truyền học. Tuy nhiên, nhìn chung, các chuyên gia nhất trí rằng cách đây khoảng hai triệu năm, tổ tiên đầu tiên của chúng ta, Người khéo léo - Homo habilis (sở dĩ có cái tên này là do họ biết sử dụng công cụ đồ đá) đã rong ruổi đến châu Phi. Cuối cùng, Người khéo léo - Homo habilis nhường chỗ cho Người đứng thẳng - Homo erectus và sau đó là Người tinh khôn - Homo sapiens, chủng người thống trị trái đất từ đó đến bây giờ.
Tôi viết cuốn sách này để công bố một điều mới mẻ và quan trọng cần bổ sung vào lịch sử tiến hóa của nhân loại. Dù không phải là một nhà khảo cổ học, tôi vẫn có thể đảm bảo với bạn rằng chúng ta không nhất thiết phải đào bới hóa thạch ở tận Ethiopia xa xôi mới có thể đưa ra phát hiện mang tính đột phá mà tôi sắp chia sẻ với bạn sau đây. Bằng chứng phong phú về một hình thái mới của con người có ngay trên những con đường của thành phố New York, trên tàu điện ngầm London, trong những tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh và trong những tiệm cà phê của São Paulo. Như cách Homo sapiens thay thế Homo erectus, loài người hiện đại cũng đang nhường chỗ cho một hình thái người mới: FOMO sapiens – FOMO tinh khôn.
Có thể bạn đang tự hỏi tại sao tôi lại có thể chắc chắn như vậy về giai đoạn tiến hóa tiếp theo này của nhân loại. Câu trả lời thật ngắn gọn: Vì tôi cũng là một cá thể thuộc giống người đó.
Tôi là Patrick J. McGinnis, người đầu tiên được biết đến dưới cái tên FOMO sapiens. Tôi nhận ra điều này lần đầu vào đầu thập niên 2000, khi vừa tốt nghiệp đại học. Nhưng mặc dù là người đầu tiên, chắc hẳn tôi không phải là người cuối cùng của loài người mới mẻ và kỳ lạ này. Ngày nay có đến hàng trăm triệu, nếu không muốn nói là hàng tỷ FOMO sapiens. Giống như cách mà bạn có thể xác định Homo habilis bằng các công cụ đồ đá, FOMO sapiens cũng biểu hiện một vài đặc tính rõ ràng. Trong môi trường sống tự nhiên, có thể thấy FOMO sapiens mong muốn có được tất cả những thứ khiến cuộc sống của họ trở nên hoàn hảo, dù là thực hay ảo, ngay cả khi những thứ đó chỉ mang lại cho họ cảm giác hoàn hảo trong tích tắc. Ham muốn đó điên cuồng đến mức nếu có bất kỳ kẻ săn mồi nào ngoài tự nhiên, họ sẽ dễ dàng trở thành con mồi.
Nếu bạn chưa từng nghe đến FOMO, hãy để tôi cập nhật thông tin cho bạn. Bạn đã bao giờ cảm thấy áp lực khi vô tình trông thấy những bức ảnh thú vị (được lựa chọn, xử lý màu chuẩn và cắt xén kỹ càng) mà bạn bè, người thân và những người nổi tiếng đăng trên mạng xã hội chưa? Lúc lướt bản tin, bạn có thể nhận thấy một cảm giác dấy lên trong mình, có lẽ gọi tên chính xác nhất là: một nỗi bất an. Bạn cảm thấy trong khi mình đang nghịch điện thoại thì tất cả những người đó đang sống một cuộc sống thú vị, sôi nổi, thành công và nói toẹt ra là đáng để đăng lên trang Instagram hơn cuộc sống của bạn. Cảm giác này được gọi là FOMO, viết tắt của cụm từ Nỗi sợ bỏ lỡ - Fear of Missing Out, và những ảnh hưởng của nó đang lan rộng.
Trái với quan điểm phổ biến, FOMO không chỉ giới hạn trong những gì bạn nhìn thấy trên mạng xã hội. Nó thâm nhập sâu hơn, với những tác động vượt xa cả việc định hình cuộc sống hằng ngày của những con người thời đại kỹ thuật số, như thế hệ Millennials (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) và Gen Z (những bạn trẻ được sinh từ năm 1996 trở đi). Hai nhóm này có khuynh hướng tự nhiên là tiến hóa thành FOMO sapiens, nhưng bố mẹ của họ rõ ràng cũng là những ứng cử viên. Hội chứng FOMO đeo bám các nhà điều hành trung niên đang mắc kẹt trong văn phòng, trong khi những đồng nghiệp trẻ tuổi của họ được mời đến một cuộc hội thảo ở Vegas. Nó cũng quấy rầy một phụ nữ sáu mươi tuổi khi bạn bè của bà chia sẻ quá chi tiết về cháu của họ đến nỗi bà ao ước con mình cũng sinh cháu cho rồi. Tuy các phương tiện mạng xã hội làm tăng hội chứng FOMO, nhưng không nhất thiết cứ phải dính chặt lấy điện thoại di động thì bạn mới rơi vào cái bẫy của nó. Tất cả những gì bạn đang làm giờ đây là dồn quá nhiều thời gian và năng lượng vào những thứ bạn muốn có, thay vì trân trọng những gì đang có. Cám dỗ đối với những thứ muốn có đó ngày càng phổ biến đến mức rất nhiều người hiện đang sống trong một thế giới cung cấp cho họ quá nhiều lựa chọn, cả thực tế lẫn tưởng tượng, cho hầu như mọi thứ.
Trước khi đi xa hơn, tôi muốn làm rõ một điều: Lý do còn lại khiến tôi biết mình là FOMO sapiens đầu tiên vì chính tôi là người đưa ra thuật ngữ FOMO. Năm 2004, tôi giới thiệu thuật ngữ này trong bài báo có tiêu đề “Lý thuyết xã hội tại Trường Kinh doanh Harvard: Hai FO (nỗi lo sợ - Fear Of) của McGinnis” trên tờ The Harbus của sinh viên Trường Kinh doanh Harvard (HBS). Mười lăm năm sau, thuật ngữ có bốn chữ cái đó giờ đây đã trở thành một chủ đề nổi cộm. Nó xuất hiện trong nền văn hóa đại chúng, không những thế, nó còn được đưa vào những từ điển chính thống như Oxford hay Merriam-Webster. Trong suốt cuộc đời tôi, thành quả dễ nhận thấy nhất của thành tựu này là có rất nhiều người muốn chụp ảnh selfie cùng với tôi. Lẽ tự nhiên, họ sẽ đăng nó lên những trang mạng xã hội để khiến bạn bè họ cảm thấy FOMO… Nếu bạn suy nghĩ về điều này đủ lâu, bạn sẽ cảm thấy nó thật là trớ trêu.
Dẹp chuyện selfie sang một bên, tôi cảm thấy đôi chút tội lỗi khi biến FOMO thành một khái niệm hữu hình. Bất kể nó có phổ biến rộng rãi và trở thành một hashtag thường xuyên được sử dụng đi chăng nữa, FOMO suy cho cùng không phải chuyện đùa. Nó tạo ra sự căng thẳng, nỗi bất an, lòng đố kỵ, thậm chí cả trầm cảm. Nó cũng đe dọa sự thành công trong công việc, cám dỗ bạn đưa ra sự đầu tư chỉ dựa trên phỏng đoán và buộc những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, từ giám đốc điều hành đến những người khởi nghiệp chạy theo những chiến lược sai lầm và lãng phí đáng kể những nguồn lực quý giá. Nói một cách đơn giản, FOMO khiến bạn xao nhãng trầm trọng, làm hao tổn thời gian quý giá cũng như năng lượng của bạn.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất. Tôi rất tiếc phải thông báo với bạn rằng FOMO không phải là FO duy nhất mà bạn phải đối mặt. Nếu chú ý, bạn có thể nhận thấy bài báo mà tôi viết có tựa đề “Hai FO của McGinnis”. Vậy thì, FO thứ hai kia là gì? Trong khi FOMO liên quan đến danh vọng và tài sản, thì FO thứ hai vẫn chưa có ảnh hưởng gì quá to tát, ít nhất là tới thời điểm này.
FOBO, hay Nỗi sợ còn có lựa chọn tốt hơn (Fear of a Better Option) là một nỗi bất an rằng điều gì đó tốt hơn sẽ xuất hiện, dẫn đến việc những quyết định đã được đưa ra trước đó có thể bị lung lay. FOBO là một nỗi khổ do có quá nhiều sự lựa chọn, cản trở bạn đi đến quyết định cuối cùng. Rốt cuộc, bạn sẽ sống trong một thế giới chỉ toàn giả định, đánh lừa chính bản thân và cả mọi người. Bạn trì hoãn việc không thể tránh né thay vì đánh giá, lựa chọn và tiếp tục làm việc. Điều đó chẳng khác gì việc nhấn nút giữ trên đồng hồ báo thức chỉ để trùm chăn kín đầu và tiếp tục ngủ. Bạn sẽ nhận ra rằng nếu bạn nhấn nhiều lần nút giữ, bạn sẽ bị trễ giờ và phải vội vã lao đến văn phòng, ngày làm việc của bạn sẽ bị đảo lộn và tinh thần cũng tuột dốc. Nhấn nút giữ đồng hồ báo thức có thể đem đến cảm giác dễ chịu trong chốc lát nhưng cuối cùng lại khiến bạn phải trả giá.
FOBO là một vấn đề nghiêm trọng có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn cả FOMO. FOMO có thể được xem là một sự đấu tranh nội tâm, ngược lại, FOBO khiến không chỉ bạn, mà cả những người bên cạnh bạn cũng phải trả giá. Nếu bạn xem cuộc sống của mình như một mẩu tin trên Tinder, hờ hững lướt qua nó mà không hề xem xét đến những lựa chọn mà bạn có, bạn sẽ biến tất cả mọi thứ xung quanh mình, từ cơ hội cho đến con người, thành một thứ hàng hóa. Bạn cũng đồng thời gửi một thông điệp rõ ràng đến người khác rằng: Bạn là một người trì hoãn đến phút chót. Bạn không đặt ra cho bản thân một chương trình hay kế hoạch hành động cụ thể nào. Thay vào đó, bạn chất chồng những cơ hội và chỉ đưa ra quyết định khi cảm thấy nó phù hợp với bạn, có thể là vào phút cuối cùng. Những khuyết điểm cá nhân đó có thể phá hủy quỹ đạo sự nghiệp của bạn, tạo ra những thách thức to lớn hơn về mặt quản lý, đẩy những công ty vừa và nhỏ vào tình trạng tê liệt phân tích1, dập tắt sự đổi mới và cướp lấy quyền lực của các lãnh đạo.
1 Tê liệt phân tích (analysis paralysis) là tình trạng một cá nhân hoặc nhóm không thể phân tích, ra quyết định trước một tình huống.
Không phải ngẫu nhiên mà tôi đồng thời khám phá ra hai khái niệm FOMO và FOBO. Nếu bạn là kiểu người có khuynh hướng sợ bỏ lỡ thì bạn cũng là một ứng cử viên tiềm năng có xu hướng đưa ra những lựa chọn mở. Điểm chung của hai khái niệm này – trong đó bạn đều có quá nhiều sự lựa chọn và cơ hội, cả thực tế lẫn tưởng tượng – chính là chúng đều là sản phẩm phụ của một kỷ nguyên công nghệ hiện đại. Nhưng trong khi hầu như mọi người đều có thể phát hiện ra FOMO trong cuộc sống và công việc hằng ngày, thì FOBO lại khó đoán hơn nhiều. Không thể nhìn ra nó bằng mắt thường.
Đây là lúc bạn phải thừa nhận rằng một khi sống với những ảnh hưởng tiêu cực của FOMO hay FOBO, thậm chí cả hai, bạn có nguy cơ làm sự nghiệp của mình tan tành, phá hỏng công việc kinh doanh, hủy hoại những mối quan hệ mang tính cá nhân, công việc và rốt cuộc sẽ khiến cho bản thân trở nên thảm hại. Bất chấp những hệ lụy lâu dài và kinh khủng đó, FOMO và FOBO vẫn ăn sâu vào tận mọi ngóc ngách trần tục trong cuộc sống hằng ngày và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả làm việc của bạn. Những mối lo sợ này có thể khiến bạn bị phân tâm, làm lu mờ mục đích rồi kéo bạn đi từ hiện tại đến một thế giới hỗn độn những giả thiết, tính toán và thỏa hiệp. Chúng còn khiến bạn mất đi sự tự tin, tiêu hao năng lượng và suy giảm phong độ. Mỗi nỗi lo sợ đã là vấn đề, nhưng nếu gộp chung lại với nhau thì chúng chính là thảm họa. Nếu bạn mắc cả hai hội chứng FOMO và FOBO, thì cuối cùng bạn sẽ tê liệt với một tình trạng còn trầm trọng hơn là chứng Làm gì cũng sợ (FODA – Fear of Doing Anything).
Bạn đã bao giờ nghe nói đến người chữa lành vết thương chưa? Nó là một nguyên mẫu tính cách được nhà tâm lý học Carl Jung sáng tạo ra nhằm giải thích lý do tại sao một số người trở thành nhà trị liệu tâm lý. Jung tin rằng nhiều nhà trị liệu chọn nghề nghiệp này bởi vì chính trải nghiệm khi là bệnh nhân đã mang lại cho họ một thiên hướng đặc biệt muốn giúp người khác giải quyết các kiểu vấn đề tương tự. Họ có thể chỉ đi trước vài bước so với bệnh nhân trên con đường hồi phục, nhưng với những bước tiến đó, họ là những người duy nhất giúp đỡ bệnh nhân. Tôi nghĩ mình cũng có liên quan đến vấn đề này. Tôi thích nghĩ rằng mình là nhà trị liệu FOMO đầu tiên trên thế giới. Tôi đã nghiên cứu những nguyên nhân, bản chất và những gì liên quan đến nó. Quan trọng hơn, sau mười lăm năm sống chung với FOMO và FOBO, cuối cùng tôi đã biết cách chế ngự chúng, mặc dù cuộc đấu tranh đó vẫn không ngừng tiếp diễn.
Tôi viết những dòng này trong một kỳ nghỉ phép, khi tôi đang ở thành phố Mexico. Tại sao tôi lại quyết định kinh doanh tại một quốc gia khác và chọn làm việc ở một nơi cách nhà hơn 2.000 dặm? Ngoài việc có thể dễ dàng thưởng thức món bánh taco và rượu tequila ra, lý do chính là FOMO. Tôi biết rằng nếu ở lại thành phố quê hương của mình, New York, và đối mặt với những vấn đề khó khăn, tôi có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của chứng xao nhãng vì nỗi lo sợ bỏ lỡ. Sau khi đã quyết định dứt khoát điều đó, tôi còn phải đương đầu với những dằn vặt của FOBO trong lúc cố gắng thu xếp thời gian, rời bỏ một căn hộ tiện nghi thuê trên Airbnb2 và tìm một quán cà phê yên tĩnh nhất để viết. Tôi đưa ra tất cả những quyết định trên trong khi nhận thức rõ rằng hành vi của mình đang bị FOMO và FOBO điều khiển như thế nào. Sau đó, tôi đã vượt qua được nhờ vào những chiến lược mà tôi sắp trình bày với bạn trong cuốn sách này đây.
2 Airbnb là viết tắt của cụm từ “AirBed and Breakfast”, một mô hình kinh doanh bằng công nghệ. Airbnb là nhà trung gian kết nối người có nhu cầu thuê nhà với những chủ nhà có nhà cho thuê ở khắp nơi trên thế giới thông qua trang web và ứng dụng di động. Việc thanh toán được thực hiện trực tiếp trên Airbnb và nhà trung gian này thu phí từ cả người cho thuê và người thuê.
Hành trình thoát ra (một cách tương đối) khỏi FOMO và FOBO không hề dễ dàng. Tôi đã dành trọn thời trưởng thành của mình để sống tại thành phố New York, ngôi nhà chung của hàng triệu FOMO sapiens, những người không thể nghĩ được chuyện gì khác ngoài việc xếp hàng hàng giờ để bước vào những nhà hàng thời thượng nhất, tham dự những buổi triển lãm tấp nập, hay nghĩ về những bộ sưu tập không thể bỏ lỡ của hãng thời trang nổi tiếng Supreme. Tôi cũng đã từng làm việc trong một ngành nghề vốn thường xuyên bị FOMO và FOBO chi phối: ngành đầu tư mạo hiểm. Tôi đã từng đi vòng quanh thế giới, từ Thung lũng Silicon đến Pakistan, từ Istanbul đến Buenos Aires để tìm kiếm những nhà khởi nghiệp “hot” nhất. Ngay cả khi đã tìm được họ, tôi vẫn thường tê liệt ngay thời điểm phải quyết định có nên đầu tư cho họ một khoản tiền lớn hay không. Sự thiếu quyết đoán đó khiến tôi phải trả giá bằng thời gian, tiền bạc và sự tập trung, tất cả những điều đó khiến tôi thiệt hại cả về tài chính lẫn tinh thần. Chỉ khi nhận ra rằng những nỗi lo sợ của mình khiến mình phải trả giá bằng tiền bạc và sự thanh thản đầu óc, tôi mới đi đến quyết định phải tìm ra cách để giải quyết chúng cho bằng được. Trong thực tế, những bài học từ nghề đầu tư mạo hiểm đã cung cấp cho tôi nhiều thông tin về những chiến lược ra quyết định mà bạn sẽ học được trong cuốn sách này.
Nếu bạn đang đọc những dòng này, tôi cho rằng bạn cũng đang mong muốn chinh phục hội chứng FOMO và FOBO. Dù bạn làm nghề gì, đang ở giai đoạn nào của cuộc đời, cách giải quyết những thử thách trên cũng chỉ có một: Bạn cần phải học cách để có thể trở nên quyết đoán. Một khi quyết đoán, bạn sẽ không còn sợ hãi khi phải quyết định, gạt bỏ cảm xúc khi suy nghĩ cân nhắc và hành động. Nếu làm được như vậy, bạn sẽ nhận ra việc bỏ lỡ một cơ hội nào đó không nhất thiết sẽ hạn chế những lựa chọn của bạn. Trái lại, bạn còn mang đến sự tự do cho bản thân. Thay vì để cuộc sống cứ trôi tuột dần trong khi do dự, bạn sẽ xác nhận mình thật sự muốn gì từ cuộc đời. Bạn sẽ làm cho điều đó thành hiện thực chứ không phải để mặc cho cuộc đời đưa đẩy. Nỗi lo sợ trong bạn được thay thế bằng niềm tin.
Nếu cảm thấy những điều trên đây có lý, thì có lẽ đã đến lúc bạn phải hành động. Mặc dù đã nắm trong tay giải pháp cho những nỗi lo sợ, nhưng sống và làm việc một cách quyết đoán không phải là vấn đề có thể xử lý ngày một ngày hai. Tương tự như việc thiếu quyết đoán có thể dần dần lấn át vào tiềm thức của bạn, bạn cũng sẽ mất thời gian để chấn chỉnh chính bản thân mình. Bạn sẽ thực hiện được điều này bằng cách tuân theo một quy trình bao gồm hai nguyên tắc cơ bản sau:
1. Bạn sẽ học được cách chọn những gì bạn thật sự muốn. Thay vì thu thập tất cả các ý kiến để rồi lãng phí thời gian và năng lượng cân nhắc mọi lựa chọn có thể, bạn sẽ phải quyết định: khép lại tất cả những con đường khác, tiến về phía trước và không ngoái nhìn trong hối tiếc. Khi làm được điều này, bạn sẽ nhận ra rằng quyết định là một con đường thẳng dẫn đến tự do, ngay cả trong một thế giới có quá nhiều lựa chọn.
2. Bạn sẽ tìm thấy được lòng dũng cảm để từ bỏ những thứ khác. Chỉ khi thôi cố gắng làm mọi thứ, bạn mới có thể thật sự có được tất cả − nhờ không có tất cả. Thay vì khao khát có được những gì bạn bỏ lỡ, bạn sẽ cảm thấy thật sự thảnh thơi ngay khi dẹp tất cả mọi thứ khác sang một bên. Bạn sẽ không bao giờ chìm đắm vào những điều mà bạn bỏ lỡ, trái lại, bạn sẽ hướng sự tập trung của mình vào những điều thật sự quan trọng trong đời.
Trong khi FOBO không mang lại cho bạn bất kỳ một giá trị nào nên cần phải bị loại bỏ, thì bạn thật sự có thể tận dụng triệt để FOMO và biến nó thành một động cơ tích cực cho bản thân. Quan trọng hơn cả, bạn có thể thực hiện được điều đó mà không cần phải hy sinh sự tập trung mà bạn đã phải vất vả lắm mới đạt được.
Cuốn sách này được chia làm bốn phần. Hai phần đầu tiên sẽ chỉ cho bạn điều gì dẫn đến FOMO và FOBO, giúp bạn tìm hiểu xem những nỗi lo sợ này có thể ảnh hưởng đến nghề nghiệp, công việc kinh doanh và cuộc sống của bạn như thế nào. Phần thứ ba sẽ chuẩn bị cho bạn bước vào thế giới thực và chiến đấu với những nỗi lo sợ ấy bằng cách sử dụng những công cụ mà bạn cần để khuất phục chúng. Cuối cùng, phần thứ tư sẽ giúp thay đổi cách suy nghĩ của bạn về FOMO và FOBO, để có thể tái định hình và tận dụng chúng nhằm đem lại lợi ích cho bạn. Ngoài cuốn sách này, bạn còn có thể tìm thêm những tài liệu bổ trợ, ý tưởng và các nguồn thông tin khác tại trang web patrickmcginnis.com hoặc trên kênh podcast của tôi: FOMO Sapiens.
Khi học cách vượt qua FOMO và FOBO, bạn sẽ nhận ra rằng những phương pháp luận bạn sẽ sử dụng khác hẳn những chiến thuật mà có lẽ bạn đã dùng để đưa ra quyết định trong quá khứ. Đó là bởi vì khi phải đối mặt với các FO, bạn không phải đang ở trong tình thế cực kỳ khó khăn khi phải lựa chọn một trong hai phương án. Thay vào đó, bạn phải bắt đầu từ vị thế của sự dư dật. Kỳ thực, đây là một vấn đề khá nghiêm trọng, dù hiện thời nó có vẻ không phải như vậy. Nếu bạn có thể thoát khỏi tính thiếu quyết đoán, thì bạn có thể tận dụng sự dư dả này và được lợi từ thực tế là bạn có rất nhiều tùy chọn có thể chấp nhận được.
Muốn vượt qua FOMO, bạn phải quyết định rằng mình thật sự muốn chinh phục hay theo đuổi chỉ một trong số muôn vàn cơ hội. Trái lại, khi đối diện với FOBO, là bạn đã có nhiều sự lựa chọn khả thi hơn những gì mà bạn thật sự có thể đảm đương. Thử thách của bạn giờ đây là phải chọn một trong số đó và tiến về phía trước.
Trước khi bắt đầu, ngay cả khi bạn đang học cách để vượt qua FOMO và FOBO, điều đáng để suy ngẫm là liệu trong hai nỗi sợ đó có giá trị nào đáng giữ lại hay không. Thật đáng ngạc nhiên, câu trả lời lại là có. Nếu suy xét kỹ, FOMO có thể mang lại nguồn cảm hứng để mở rộng, chấp nhận mạo hiểm hoặc đem đến thay đổi cho cuộc sống của bạn. Giả sử bạn làm việc bốn mươi tám giờ một tuần và cảm thấy đau khổ vì bị FOMO dằn vặt khi những người đồng nghiệp cũ của bạn bây giờ đã trở thành những doanh nhân đầu tư hàng triệu đô-la vào những dự án mạo hiểm mới. Bạn có thể học được điều gì từ những cảm xúc này? Có thể là rất nhiều đấy. Tôi nghĩ FOMO và việc uống rượu vang cũng có những nét tương đồng. Uống một lượng rượu vừa phải rõ ràng sẽ đem lại lợi ích cho sức khỏe của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể thả lỏng sự kiềm chế một chút (in vino veritas, rượu vào lời ra) để có thể đến gần hơn ranh giới vùng thoải mái của bản thân. Miễn không uống quá nhiều, bạn sẽ cảm thấy thoải mái vào buổi sáng và sẵn sàng cho những cuộc phiêu lưu tiếp theo. Chương 13 sẽ chỉ cho bạn cách tận dụng FOMO để mở rộng những chân trời và tìm kiếm những kinh nghiệm mới một cách bền vững.
Mặt khác, FOBO lại giống như hút thuốc lá. Nó không mang lại bất cứ giá trị tốt đẹp nào. Thứ nhất, nó có tính gây nghiện cao. Thứ hai, mặc dù bạn có thể nhất thời cảm thấy thoải mái, nhưng nó lại có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến tất cả mọi mặt cho hạnh phúc của bạn. Điều tồi tệ nhất là, hậu quả phụ của FOBO giống hệt như việc tái nghiện thuốc lá. Khi tập trung vào nhu cầu cá nhân, bạn cũng có thể làm những người bên cạnh bị tổn thương. Đó là lý do tại sao bạn cần phải đặt ra những phương pháp xử lý tận gốc rễ vấn đề và kiên định với hành động của mình. Bạn sẽ học được nhiều hơn về điều này trong những phần tiếp theo của cuốn sách.
Bây giờ là thời điểm cuộc hành trình của bạn bắt đầu. Bước đầu tiên là đưa ra quyết định: Bạn có muốn lật sang trang tiếp theo, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, và bắt đầu không? Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ chấm dứt FOMO và tiếp tục chuyến hành trình này (nói lời tạm biệt với những video ngắn và hấp dẫn về những chú mèo). Điều này cũng cho thấy rằng bạn đang phớt lờ FOBO (bạn không tìm trên Amazon xem liệu có cuốn sách nào hay hơn để đọc không). Trong hơn ba trăm trang sách tiếp theo, bạn sẽ ở lại đây và tập trung vào những nhiệm vụ được giao. Đó là lý do vì sao bạn sẽ lật hết trang này đến trang kia, cho đến tận trang cuối cùng. Đó là một biểu hiện của tính quyết đoán.