Nỗi sợ và tình yêu là hai động lực lớn. Trong khi nỗi sợ bóp nghẹt, thì tình yêu giải phóng.
Tôi nghe thấy tiếng một người đàn ông bên ngoài phòng bệnh.
“Cháu nó đã sẵn sàng chưa?” Là bố.
Ông đang nói chuyện với một y tá. Tôi không đợi cô y tá trả lời.
Tôi hét lên từ trong phòng: “Rồi! Nó sẵn sàng rồi. Bố vào đón con đi!”
Đúng vậy, tôi đã sẵn sàng.
Tôi ngồi trên xe lăn nhìn quanh phòng bệnh. Căn phòng đã là nhà của tôi trong suốt 5 tháng qua. Một cửa sổ duy nhất, chiếc ti vi nhỏ, cái giường lớn bằng kim loại, tờ lịch trên tường, những bức tường vàng và mùi thuốc sát trùng.
Tôi sẽ không nhớ nó. Chúng tôi sắp về nhà. Nhà.
Cánh cửa kính lớn trượt mở. Tôi nhìn thấy bố bước vào phòng.
Ông đang đẩy một chiếc xe cút kít.
Chiếc xe cút kít chở đầy rượu vang và kẹo Life Savers1. Đó là món quà ông tặng cho tất cả các y tá đã làm biết bao nhiêu việc cho tôi. Xem chừng tôi không phải là người duy nhất ăn mừng hôm nay.
1 Một loại kẹo dẻo vị trái cây, tên kẹo Life Savers có nghĩa là: Những người cứu mạng.
Bố đẩy chiếc xe cút kít đến bên giường tôi, cúi xuống và hôn vào má tôi.
“Thế nào, John?”, ông nói. “Con nghĩ sao? Con đã sẵn sàng cho chuyện này chưa?”
“Chuyện này” có nghĩa là một chuyến đi bằng xe lăn đến cầu thang máy, xuống phía dưới 4 tầng và ra ngoài cửa chính, đến trước chiếc xe tải của chúng tôi. “Chuyện này” có nghĩa là không còn những kỹ thuật viên lấy máu vào phòng mỗi sáng sớm, không còn những ngày kín đặc các hoạt động vật lý trị liệu, thay băng và phải cố nuốt xuống những thứ đồ ăn chán chết, không còn những đêm nằm nhớ bố mẹ, lắng nghe những tiếng bíp và khao khát được trở về về nhà. “Chuyện này” có nghĩa là rời khỏi bệnh viện, trở về nhà và tổ chức một bữa tiệc với bố mẹ, các anh chị em, người thân cùng bạn bè.
Tôi ngẩng đầu nhìn bố, mỉm cười rồi nói với ông: Tôi đã hoàn toàn sẵn sàng.
Trong khi chúng tôi đợi bệnh viện ký xác nhận những giấy tờ xuất viện cuối cùng, ông nói: “Này, bố chỉ muốn con biết bố tự hào về con. Tất cả chúng ta. Các bác sĩ. Các y tá. Mọi người. Con đã làm được, con khỉ nhỏ ạ. Con đã làm được.”
Ông ngừng lại.
“Bố tự hào về con biết bao. Và bố yêu con biết bao, John.”
Những lời nói đó.
Chúng gần như giống hệt những lời ông đã nói vào 5 tháng trước, những lời đã cứu sống tôi.
Việc nghe thấy chúng đã đưa tôi trở lại ngay khoảnh khắc đó…
Sau khi xe cứu thương cấp tốc chở tôi đến bệnh viện, các trợ y đẩy tôi vào trong một phòng chờ nhỏ. Họ kéo kín màn quanh tôi. Một vài y tá đi vào và khám cho tôi. Họ nói với tôi rằng tất cả rồi sẽ ổn, rằng mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp thôi.
Rồi họ bước ra khỏi phòng. Và tôi nằm trên giường. Không có ai xung quanh. Chỉ một mình tôi.
Tôi sợ hãi, đau đớn và buồn tủi.
Nhưng tôi chủ yếu chỉ nghĩ về một chuyện.
Về cơ bản, tôi chỉ có một suy nghĩ vào buổi sáng hôm đó.
Bố sẽ giết chết tôi ngay lập tức nếu ông phát hiện ra chuyện tôi đã làm.
Bố ghét việc tôi không nghe lời. Việc tôi phớt lờ những quy tắc của ông.
Tôi không được phép nghịch lửa.
Thế mà buổi sáng hôm đó, tôi đã làm nổ tung cả ngôi nhà của ông.
Tôi đã gây ra một chuyện động trời.
Lần cuối cùng tôi gây chuyện là 2 tuần trước đó. Đó là một buổi sáng Chủ Nhật. Tôi đi lễ rồi đi ăn sáng với gia đình.
Sau khi về nhà, bố bảo tôi thay quần áo trước khi đi chơi.
Nhưng bữa sáng đã kéo dài cả thế kỷ. Tôi đã trễ hẹn với các bạn tôi rồi.
Thế nên khi xe vừa đỗ trước cửa và mọi người khác vừa đi vào nhà, tôi chuồn ngay đến nhà bạn tôi.
Tất cả các bạn tôi đều đã có mặt và chúng tôi chơi bóng bầu dục cả chiều.
Đó là một ngày tuyệt vời.
Cho đến khi tôi về nhà và nhìn thấy bố tôi. Người tôi đẫm mồ hôi.
Bê bết bùn đất.
Những vết ố xanh màu cỏ làm lem luốc bộ lễ phục nhà thờ.
Ông không vui.
Ông chộp cổ tay tôi, lôi tôi về phòng, bắt tôi ngồi xuống, rồi nói với tôi rằng ông thất vọng về tôi.
Tôi cúi đầu.
Ông hỏi tôi có biết mặc lễ phục Chủ Nhật đi chơi là chẳng hay ho gì không.
Tôi gật đầu.
Ông hỏi tôi có nghe ông dặn đi thay quần áo sau khi chúng tôi về nhà không.
Tôi gật đầu.
Ông hỏi tại sao tôi không nghe lời. Tôi nhún vai.
Ông nói với tôi rằng ông rất thất vọng về tôi và rằng chuyện này không bao giờ nên lặp lại nữa.
Rồi ông bước ra khỏi phòng và đóng cửa lại.
Tôi phải ngồi một mình trong căn phòng đó suy nghĩ về việc mình đã làm. Suốt cả đêm!
Đấy là hình phạt cho việc làm bẩn một cái quần âu. Bây giờ thì tôi đã làm một việc còn tồi tệ hơn. Tồi tệ hơn nhiều.
Quần kaki bị bẩn ư? Thử nổ tung nhà bạn xem? Tôi đã gây ra trận hỏa hoạn.
Tôi đã làm bỏng chính mình.
Tôi đã phá hủy cả ngôi nhà của ông.
Tôi đã đẩy gia đình mình vào nguy hiểm. Bố sẽ giết chết tôi ngay lập tức mất.
Thế rồi, tôi nghe thấy tiếng ông, như một con sư tử, gầm lên ngoài sảnh.
“Con trai tôi John O’Leary đâu?” Ôi chúa ơi.
Ông đã phát hiện ra.
Và ông đang đến để kết liễu đời tôi.
Một y tá cuối hành lang không giúp gì cho tôi. Cô ta dẫn ông đến ngay chỗ tôi đang nằm. Tôi nhìn thấy bóng ông lớn dần qua tấm màn khi ông đến gần. Tôi nhìn thấy cánh tay ông thọc vào và rồi tấm màn được vén lên.
Đừng để ông ấy giết tôi! Đừng để ông ấy giết tôi! Tôi đã nghĩ như thế trong khi chuẩn bị đối diện với cơn thịnh nộ của bố.
Nhưng tôi đã sẵn sàng chịu sự trừng phạt. Và tôi xứng đáng phải nhận sự trừng phạt ấy.
Ông nhanh chóng bước tới giường tôi. Rồi ông lên tiếng.
Một cách nhẹ nhàng.
“Xin chào, khỉ con của bố!”
Một nụ cười xuất hiện trên khuôn mặt ông. Tôi nhắm mắt.
Cái quái gì đang xảy ra thế này? Sao ông lại tử tế thế?
Rồi ông nói: “John, nhìn bố đi”.
Tôi mở mắt ra và ngước lên nhìn bố tôi.
“Bố chưa bao giờ cảm thấy tự hào như thế này về bất kỳ ai trong toàn bộ cuộc đời của bố. Con có nghe bố nói không?”
Tôi nhìn đi chỗ khác. Ông đang nói đến chuyện gì vậy?
Ông lặp lại một lần nữa: “Nhìn bố đi, John. Bố yêu con biết bao. Bố yêu con.”
Tôi không thể tin được điều ông đang nói.
Tôi không thể tin rằng ông đã không tức giận. Và rồi tất cả bắt đầu trùng khớp.
Tất cả đều trở nên rõ ràng. Tôi đã hiểu.
Chưa ai báo cho ông biết chuyện gì đã xảy ra! Vào hôm ấy, đó là cảm giác của tôi.
Ôi, nhưng bố biết.
Ông biết.
Và trong năm tháng tiếp theo nằm trong bệnh viện, tôi thường nghĩ về buổi sáng hôm đó.
Về những lời nói đó.
Tôi sẽ không bao giờ quên những gì mà lời nói đó đã làm cho tôi.
Và bây giờ, khi bố đứng kia, với chiếc xe cút kít chở đầy kẹo, hai mắt tràn đầy niềm vui, tôi biết rằng ông là lý do ngày này đã đến. Bố tôi đã cứu sống tôi.
Và bây giờ, tôi cuối cùng cũng đang trở về nhà.
Trước khi Jack Buck xuất hiện.
Trước khi các bác sĩ trị liệu co duỗi cho tôi. Trước khi y tá Roy bước vào.
Trước khi các nhân viên bệnh viện hành động để cứu tôi.
Trước khi mẹ xuất hiện và đặt câu hỏi phi thường và đầy cảm hứng đó.
Trước khi bất cứ ai có cơ hội làm bất cứ điều gì, người đầu tiên vào thăm tôi trong phòng cấp cứu là bố.
Đó là một điểm uốn to lớn đối với ông cả ông và tôi.
Bố chưa được ai thông báo về mức độ của các vết thương trên người con trai ông. Chưa được khuyến cáo về cảnh tượng mà ông sắp phải chứng kiến. Ông chỉ biết rằng tôi vừa bị bỏng và đang nằm trong phòng cấp cứu.
Ông xông vào, vén màn lên và nhìn thấy tôi nằm đó.
Cảnh tượng ấy có thể khiến cho ngay cả những chuyên viên y tế dày dạn nhất cũng phải nín thở. Bố trông thấy đứa con trai 9 tuổi bé xíu nằm trên chiếc giường bệnh dành cho người lớn, đầu trọc, trần truồng và trụi da. Ông nhìn thấy đứa con trai bé bỏng đơn độc đang nằm khóc thút thít với một tấm chăn mỏng che nửa người.
Không gì có thể chuẩn bị cho ông đối diện với cảnh này.
Đứa con trai bé bỏng của ông đang sắp chết.
Nỗi sợ tràn đến. Ông tê dại vì sợ. Ông có thể nói gì đây? Tại sao chuyện này lại xảy ra?
Thế rồi bố đã nhìn xa hơn những vết thương, đẩy lùi nỗi sợ, ngắm nhìn con trai và ngay lập tức bước vào với tình yêu.
Dũng cảm, chân thành, âu yếm, ông đi xuyên
qua nỗi sợ hãi, sửng sốt, và đau buồn để bước ngay đến bên tôi, cúi xuống rồi mỉm cười. Ông nói với tôi ông tự hào về tôi. Và ông còn nói rằng ông yêu tôi nữa.
Bố yêu con.
Ba từ đơn giản đã thay đổi thế giới của tôi.
Và chúng cũng có thể thay đổi cả thế giới của bạn
BƯỚC CHUYỂN
Bố không phải là người duy nhất bị tê liệt vì sợ hãi.
Thật nực cười khi nhìn lại, nhưng trong khoảnh khắc đó, tôi không hề sợ chết. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ được là tôi đã làm bố thất vọng, làm tổn thương gia đình, làm hư hại ngôi nhà và hủy hoại đời tôi một cách tồi tệ như thế nào.
Tôi đã nghĩ cả nhà tôi sẽ giận điên lên. Và tôi thật sự đã nghĩ bố sẽ giết tôi.
Hãy nghĩ về hồi bạn còn nhỏ. Bạn đã bao giờ làm một việc gì đó ngu xuẩn chưa? Đã bao giờ làm gia đình bạn thất vọng chưa? Bạn có nhớ họ đã phản ứng như thế nào khi bạn mang về một bảng điểm kém không? Hay khi bạn đá bóng làm vỡ cửa sổ? Hay khi về nhà sau giờ giới nghiêm?
Được rồi. Bạn đã gặp rắc rối vì những chuyện như thế, đúng không?
Họ đã nổi giận với bạn, đúng không?
Thế thì thử nổ tung ngôi nhà của họ vào dịp cuối tuần này xem sao.
Để xem họ phản ứng với chuyện đó như thế nào. Đó tất nhiên là điều tôi chờ đợi.
Nhưng trên thực tế, tất cả những giây phút tôi dành vào việc khiếp sợ bố đúng là vô cùng lãng phí.
Tuy rằng chuyện đó cũng là bình thường thôi, nhất là khi tôi đang sợ hãi đến vậy.
Có lẽ Mark Twain là người đã diễn tả vấn đề này hay nhất: “Tôi đã trải qua một số chuyện khủng khiếp trong đời, trong số đó một số chuyện đúng là đã xảy ra thật.”
Hãy suy nghĩ về điều này một lúc.
Nỗi sợ bám rễ vào cái có thể xảy ra, một cái gì đó thậm chí còn không tồn tại trong hiện thực. Thế mà chúng ta thường rất hay cho phép cảm xúc này thiêu đốt ý nghĩ của mình, để rồi dựa vào nó để quyết định đường hướng cuộc đời chúng ta.
Nhưng bố hiểu đời hơn.
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng khi bố buông bỏ nỗi sợ và bước vào với tình yêu, những lời nói của ông là một tia nắng ấm áp xuyên thủng màn đêm đã bao bọc tôi suốt buổi sáng. Những lời nói đó đã đưa tôi từ một nơi vô vọng đến nơi tôi có thể hít thở và xông lên phía trước. Những lời nói đó đã truyền sức mạnh cho tôi ít phút sau đó, khi bố ra khỏi phòng, rồi mẹ bước vào và hỏi: “Con có muốn chết không?”
Không, mẹ ơi. Con muốn sống. Con muốn sống.
Trước khi bố bước vào buổi sáng hôm đó, tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng và muốn chết. Tôi nghẹt thở vì sợ hãi.
Sau khi ông đi khỏi, tôi có một tia hy vọng le lói và một khát khao sống mãnh liệt.
Tôi đã được cứu bởi tình yêu.
Và tình yêu có thể cứu tất cả chúng ta. Tôi sẽ để Pedro Arrupe giải thích:
Điều mà bạn yêu… sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ. Nó quyết định cái gì sẽ lôi bạn ra khỏi giường vào buổi sáng,… cách bạn nghỉ ngơi cuối tuần, cái bạn đọc,… cái làm tan vỡ trái tim bạn và cái làm bạn kinh ngạc cùng niềm vui và lòng biết ơn. Yêu, sống trong tình yêu và nó sẽ quyết định mọi thứ.
Đó là một cảm xúc đẹp về sức mạnh của tình yêu. Tình yêu ảnh hưởng đến mọi thứ xung quanh.
Nhưng bây giờ, bạn hãy đọc lại đoạn trích trên và thay thế từ yêu bằng từ sợ. Làm đi, ngay bây giờ. Thay thế từ yêu bằng từ sợ và đọc đoạn trích trên một lần nữa.
Điều mà bạn sợ… sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ. Nó quyết định cái gì sẽ lôi bạn ra khỏi giường vào buổi sáng,… cách bạn nghỉ ngơi cuối tuần, cái bạn đọc,… cái làm tan vỡ trái tim bạn và cái làm bạn kinh ngạc cùng niềm vui và lòng biết ơn. Sợ, sống trong sợ hãi và nó sẽ quyết định mọi thứ.
Đoạn trích vẫn không bị sai nghĩa.
Việc bạn lựa chọn để bản thân bị chiếm đoạt bởi tình yêu hay nỗi sợ sẽ ảnh hưởng đến mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống của bạn.
Yêu, sống trong tình yêu và nó sẽ quyết định mọi thứ. Sợ, sống trong sợ hãi và nó sẽ quyết định mọi thứ.
HÂN HẠNH ĐƯỢC LÀM QUEN
Lần đầu tiên gặp gia đình Beth, tôi đã nhận được một lời khuyên mà tôi sẽ không bao giờ quên.
Lúc đó là gần Giáng Sinh và chúng tôi đang chào đón mùa lễ bằng một bữa tiệc gia đình lớn. Beth và tôi đã hẹn hò được 2 tháng, điều đó có nghĩa là đã đến lúc tôi gặp gia đình cô ấy. Nhà cô ấy có đến vài chục người chú, người dì và các anh chị em họ. Bữa tiệc ồn ào, tràn ngập tiếng cười, đồ ăn, đồ uống và niềm vui. Tôi cảm thấy thoải mái ngay lập tức.
Gần cuối bữa tiệc, tôi được nói chuyện với một trong những người bạn lớn tuổi của gia đình. Tuy tuổi cao, ông vẫn có một quai hàm vuông vức, tóc cắt húi cua, hai bàn tay to, rắn chắc và đôi mắt ánh lên sự tinh nghịch. Chúng tôi đang đứng trong nhà ông, gần chiếc bàn ăn ngập tràn các loại đồ ăn
Ông nhoài người nhót một chiếc bánh quy nữa, cắn một miếng, rồi nói: “Cậu có biết tôi làm gì khi tôi gặp ai đó lần đầu không, John?”
Không, ông. Nói cho cháu biết đi.
“Ừ, John, tôi luôn quay sang một bên.” Ông quay sang một bên.
“Tôi giơ bàn tay trái lên.”
Ông nắm chặt tay thành nắm đấm.
“Bằng cách đó, tôi sẽ có thể sẵn sàng trong trường hợp người kia định đánh tôi. Tôi có thể ra tay trước và hạ đo ván anh ta.”
Tôi bối rối im lặng.
“Cậu có hiểu không?”
Ông tiếp tục ăn bánh quy khi tôi gật đầu. Liếc nhìn nắm đấm bên tay trái của ông, tôi hỏi: Có phải ông đang nói rằng mỗi khi ông gặp ai đó lần đầu ông đều sẵn sàng nghênh chiến?
“Đúng rồi. Và tôi sẽ đo ván anh ta. Anh ta sẽ không thể làm gì được, tuyệt đối không thể làm gì được.”
Ông không chia sẻ tuyên bố này như một cách để hăm dọa tôi, mà thay vào đó là như một lời khuyên ông coi là đáng giá. Phải nói rằng đây là một người đàn ông đáng kinh ngạc, một người bạn tuyệt vời và khiến chúng tôi luôn nhớ về sự ngọt ngào lập dị của ông.
Ông lớn lên trong một khu dân cư phức tạp, sống trong cuộc Đại khủng hoảng, từng chiến đấu trong chiến tranh và tàn dư của những trải nghiệm đó đã định hình mọi cuộc gặp gỡ mới của ông.
Bạn có thể tưởng tượng mình sẽ sống theo cách đó không? Bạn có thể tưởng tượng mỗi lần gặp ai đó, bạn lại giơ nắm đấm lên và sẵn sàng động thủ không? Bạn có thể tưởng tượng mỗi lần bắt tay ai đó, bạn lại siết chặt bàn tay trái và sẵn sàng thụi cho người ta một cú không?
Thật là quá đáng.
Mặc dù chúng ta có thể phá lên cười về câu
chuyện này, nhưng phần lớn chúng ta lại giống ông hơn mức độ mà bản thân sẵn sàng thừa nhận.
Đôi khi chúng ta bắt đầu một ngày mới với hai nắm đấm sẵn sàng vung xuống. Đôi khi chúng ta chào đón người khác bằng cách giơ khiên lên, đeo mặt nạ vào và chuẩn bị nghênh chiến. Chúng ta có thể quen với việc tiếp đón tai ương và cơ hội, điều bình thường và điều phi thường, nắng ấm và mưa bão - nhưng không phải là với một trái tim rộng mở bừng cháy với tình yêu, mà là với một con tim bị đóng băng vì sợ hãi.
Phải nói rằng nỗi sợ có thể là một điều tốt. Chúng ta nên sợ chạm vào một vật còn nóng, sợ làm một ai đó thất vọng, sợ một con sư tử đói. Trong tôn giáo của tôi, kể cả nỗi sợ Chúa cũng là một điều tốt vì nó thúc đẩy các tín đồ tránh xa sự hủy diệt và tiến đến gần sự sống.
Nỗi sợ là một phần của trải nghiệm làm người và cần thiết cho sự sinh tồn của chúng ta.
Tuy nhiên, mục đích cuối cùng không phải là sống với một tâm lý dựa trên nỗi sợ. Nếu chúng ta trú ngụ trong sợ hãi, chúng ta sẽ chẳng bao giờ đi đến đâu.
CHỊ TÔI
Tôi đang chuẩn bị ra viện.
Sau 5 tháng nằm viện, đã đến lúc tôi có thể bước chân ra thế giới bên ngoài. Mọi người đều đang ăn mừng cho phép màu ấy. Bố mẹ tôi vui mừng khôn xiết trước viễn cảnh tôi trở về nhà. Bố tôi cúi xuống vào một buổi chiều, nhiều ngày trước khi tôi xuất viện, đặt một bàn tay lên vai tôi, nhìn vào trong mắt tôi rồi nói: “John, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy cả thôi.”
Ngồi trên xe lăn, ở trong tình trạng phải kết nối với một máy đo nhịp tim cùng một ống dẫn thức ăn và đương nhiên là vẫn bị băng kín mít, tôi ngẩng đầu nhìn ông. Chắc hẳn là hôm ấy tôi đã có một ngày tồi tệ vì tôi nhớ mình đã đáp trả:
Bố nói thì dễ lắm, tôi gắt. Bố có vợ, có gia đình, có công việc và một tổ ấm. Còn con thì có thể sẽ không bao giờ có được những thứ đó.
Tôi là một chàng trai nhỏ tuổi sôi nổi, hiểu biết và dũng cảm. Nhưng tại một số thời điểm trong tuổi thơ, nhất là sau trận hỏa hoạn, tôi đã bị nỗi sợ hãi chế ngự. Sợ những gì mọi người có thể nói về mình. Sợ những gì tôi có thể không làm được. Và rõ ràng nhất là sợ rằng tôi sẽ không bao giờ có những thứ mà mọi người dường như đều phấn đấu đạt được… một công việc, một người vợ, một tổ ấm và một gia đình.
Tôi e rằng mình còn chẳng bao giờ có được một cơ hội.
Lo sợ bản thân sẽ không bao giờ tìm thấy tình yêu đích thực.
Sợ rằng tôi sẽ không bao giờ có được một cuộc sống bình thường.
Nỗi lo đó lớn lên cùng tôi. Tôi học trường Trung học Dòng Tên DeSmet, một trường nam sinh (cảm ơn bố mẹ, hai người đã không giúp gì được cho con trong chuyện này!). Nhưng tôi vẫn xây dựng tình bạn với một số bạn gái học trường Công giáo nữ sinh gần nhà.
Thậm chí còn đến dự một vài buổi dạ hội đón năm học mới.
Nhưng đó luôn “chỉ là bạn thôi”.
Tôi ra vẻ ngầu và cư xử như thể tôi không quan tâm. Đầy thằng con trai lên đến đại học mà vẫn chưa được hôn. Không có gì to tát. Tôi chắc chắn sẽ có gì đó xảy ra ở đại học.
Nhưng sâu thẳm trong lòng, tôi lại hoảng sợ. Tôi thường nhìn xuống hai bàn tay mình. Và nguyền rủa việc các bác sĩ đã cắt bỏ những ngón tay của mình.
Bởi vì mặc dù tôi có thể viết, lái ô tô, chơi bóng rổ, ném bóng chày… nhưng tôi hoàn toàn không biết phải làm sao để cầm tay con gái.
Sẽ không có cô gái nào thèm muốn tôi.
Nỗi sợ này luôn vang vọng trong đầu khi tôi vào đại học. Tình trạng này tiếp diễn hết năm thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Chỉ trừ bạn gái ra, còn đâu thì tôi có rất nhiều những người bạn đồng hành dịu dàng mang tên sợ hãi luôn thì thầm bên tai: Cô gái đó không phải là định mệnh.
Thế rồi tất cả đều thay đổi. Tôi gặp cô ấy.
Ở một bữa tiệc trong học kỳ II của năm ba, tôi đã nhìn thấy cô ấy đứng phía bên kia phòng.
Cô ấy tuyệt đẹp.
Tóc nâu, mắt nâu to tròn và một nụ cười đẹp rạng rỡ, cô ấy trông giống Jackie Kennedy2 hay Julia Roberts3… chỉ có điều xinh hơn.
2 Là vợ của Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ John F. Kennedy.
3 Nữ diễn viên nổi tiếng của Mỹ.
Tôi hỏi cô ấy là ai và được biết cô ấy là một sinh viên năm nhất tên là Elizabeth Grace Hittler. Tôi bước về phía cô ấy, tự giới thiệu và chúng tôi nói chuyện một lúc. Tôi mời cô ấy nhảy và kéo cô ấy lên sàn trước khi cô ấy kịp trả lời. Chúng tôi nhảy theo bài “Sweet Caroline” của Neil Diamond mà tôi yêu thích nhất. Chúng tôi có một khoảng thời gian tuyệt vời ở bên nhau cả đêm và tôi biết chắc rằng tôi đã gặp người vợ tương lai của mình.
Nhưng càng về khuya, tôi càng nghi ngờ bản thân. Tại sao cô ấy lại muốn hẹn hò với tôi chứ? Nếu hai bàn tay tôi khiến cô ấy ghê sợ thì sao, đấy là chưa nói đến những vết sẹo phủ đầy trên người đấy nhé? Nếu cô ấy phát hiện ra tôi thật sự không hề hoàn hảo thì sao?
Tôi quyết định không mời cô ấy đi chơi. Sao phải mạo hiểm bị từ chối chứ?
Nỗi sợ hãi đã đóng sầm mọi cánh cửa lại.
Chúng tôi đường ai nấy đi vào đêm hôm đó. Nhưng lâu dần, chúng tôi trở thành bạn thân. Tôi dành cả 1 năm trời tìm hiểu cô ấy, để cô ấy tìm hiểu tôi và hy vọng một cách tuyệt vọng rằng cuối cùng chúng tôi sẽ ở bên nhau. 1 năm dần trôi, tình bạn của chúng tôi trở nên vững chắc, những cảm xúc tôi dành cho cô ấy trở nên mãnh liệt và tôi biết tôi phải mời cô ấy đi chơi.
Tôi đã sẵn sàng.
Vì thế tại một sự kiện ở trường, tôi kéo Beth ra một bên, bỏ lại phía sau tất cả lưỡng lự, nỗi sợ hãi, sự lo ngại và quyết định liều lĩnh thể hiện bản thân.
Đến thời điểm này, tôi biết cô ấy sẽ đồng ý. Đó là lý do tại sao tôi đợi lâu đến thế để ngỏ lời. Tôi cần biết chắc cô ấy sẽ đồng ý.
Tôi đoán cô ấy sẽ trả lời: “Sao đến bây giờ anh mới nói?!”
Tôi không hề chuẩn bị tinh thần khi cô ấy nhìn vào trong mắt tôi, cười ngọt ngào rồi bảo: “John, anh giống như một người anh trai của em.”
Thế này nhé, tôi không biết bạn đã nghe nói gì về Missouri.
Nhưng điều đó không đúng đâu. Đây là cách cô ấy nói không!
Đây là cách cô ấy cho tôi biết, một cách ân cần nhất có thể, rằng cô ấy không hứng thú, rằng tôi không có cơ hội và rằng tôi sẽ không bao giờ có cơ hội.
Tôi xoa dịu tình hình bằng một câu nói đùa nhạt nhẽo. Tôi nói với cô ấy rằng tôi luôn muốn có thêm một cô em gái nữa. Tôi hy vọng cô ấy sẽ quên chuyện này đi. Nhưng sâu thẳm trong lòng, lời từ chối của cô ấy làm tôi tan nát.
Đây là lần đầu tiên tôi thật sự phơi bày bản thân. Sự từ chối của cô ấy đã gợi lại những nỗi sợ hãi của một đứa bé 9 tuổi. Chả nhẽ tôi sẽ luôn phải một mình hay sao? Nếu những vết sẹo không chỉ trói buộc tôi vào một trải nghiệm đau đớn trong quá khứ, mà còn vào một cuộc sống đơn độc trong tương lai thì sao? Nếu việc có cả đống chị em gái là điều tốt đẹp nhất mà tôi được hưởng thì sao?
Một năm nữa trôi qua.
Chúng tôi vẫn là bạn.
Thế nhưng tình cảm tôi dành cho cô ấy vẫn còn nguyên.
Cảm thấy rằng nó đang bắt đầu được đáp lại, tôi nói với Beth rằng tình cảm tôi dành cho cô ấy vẫn không thay đổi. Tôi nói với cô ấy rằng tôi vẫn rất thích cô ấy và sau 1 năm biết thêm về cô ấy tôi còn khiến thích cô ấy hơn.
Cô ấy quay lại nhìn tôi trong im lặng một lúc lâu. Mẹ kiếp, cô ấy có một khuôn mặt lạnh tanh tuyệt vời.
Và cô ấy tuyệt đẹp. Rồi cô ấy lên tiếng.
“John, không có gì thay đổi cả. Em thích anh và nghĩ anh rất tuyệt. Nhưng như một người bạn, hoặc một người anh trai hơn.”
Nghiêm túc đấy. Đến tận bây giờ mà cô ấy còn chưa biết tôi đã có đến 4 chị em gái chết tiệt rồi à? Tôi không cần một đứa em gái nữa!
Giờ đây tôi phá lên cười vì câu chuyện này. Nhưng là một gã đàn ông trẻ tuổi, vốn dĩ không tự tin về bản thân hay tương lai của mình, chuyện này thật sự làm tôi tan nát.
Tôi chán ngấy việc phải cho đi mọi thứ tôi có.
Tôi chán ngấy việc bị đánh giá vì hai bàn tay và những vết sẹo mà tôi không thể nào thay đổi. Tôi chán ngấy việc phải cố gắng. Và tôi chán ngấy việc thất bại.
C.S.Lewis đã viết: “Yêu tất sẽ tổn thương. Yêu bất cứ thứ gì thì trái tim bạn cũng sẽ bị giày xéo và có thể tan vỡ một cách đương nhiên. Nếu bạn muốn chắc chắn tim mình sẽ được nguyên vẹn, bạn không được trao tim mình cho bất cứ ai, kể cả một con vật. Bọc nó lại cẩn thận bằng những sở thích cá nhân và những thú vui xa xỉ nho nhỏ. Tránh xa mọi vướng bận. Khóa chặt nó trong chiếc bình đựng tro cốt hay chiếc quan tài của sự ích kỷ. Nhưng trong chiếc bình đựng tro cốt đó - an toàn, tối tăm, bất động, lặng gió - nó sẽ thay đổi. Tuy sẽ không bị tan vỡ nữa, nhưng trái tim sẽ trở nên rắn chắc, dày đặc và không thể cứu chữa.”
Tôi đã sẵn sàng tôi luyện cho trái tim mình trở nên rắn chắc.
Dày đặc.
Không thể cứu vãn. Tôi phủi tay.
Phủi tay với Beth.
Phủi tay với hẹn hò.
Phủi tay với khước từ.
Phủi tay với tình yêu.
TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC
Đây là một nơi mà đôi khi trong cuộc sống tất cả chúng ta đều tìm thấy mình.
Chủ trì một bữa tiệc than thân. Cảm thấy đơn độc và đau đớn, tan nát vì thất vọng, chỉ có những suy nghĩ tiêu cực bầu bạn. Nhưng bạn có từng để ý rằng đó là bữa tiệc duy nhất mà chưa bao giờ có ai khác tham dự cùng bạn không?
Đó là một buổi tụ tập chỉ có chỗ cho duy nhất một người.
Khi bạn hoàn toàn đơn độc, tiếng nói của nỗi sợ hãi có thể lấn át. Bạn có thể bắt đầu cảm thấy nó là điều duy nhất có thật. Khi chúng ta dành quá nhiều thời gian lo nghĩ cho bản thân mình, tiếng nói trong đầu chúng ta bắt đầu vang vọng đúng không? Dội từ bên này sang bên kia sang bên kia nữa, tiếng nói này càng lúc càng to hơn.
Tiếng vọng của nỗi sợ hãi làm câm nín các cơ hội. Thế nhưng tình yêu lại có thể mở tung căn phòng tiếng vọng ấy.
Nỗi sợ hãi là một cái lồng khiến chúng ta cảm thấy hoàn toàn tù túng, nhưng niềm tin là chiếc chìa khóa thả chúng ta tự do. Vì thế tôi bắt đầu cầu nguyện, suy ngẫm và viết nhật ký về bản chất của tình yêu. Tôi bắt đầu tự hỏi: Một cuộc sống thành công, có ý nghĩa và đầy niềm vui thật ra trông như thế nào? Và tôi bắt đầu suy xét đến điều mà tôi thật sự muốn ở Beth - hay bất cứ một mối quan hệ nào - trong cuộc sống.
Tôi không cần quá nhiều thời gian để nhận ra rằng ham muốn của mình là ích kỷ.
Nói thật là tôi đã luôn chăm chăm đòi hỏi ở phần lớn các mối quan hệ rằng chúng có thể làm được gì cho tôi. Tôi quá tập trung vào điều tôi muốn. Tôi muốn Beth hẹn hò với tôi, là bạn gái của tôi, là vợ tôi, là sự bảo đảm cho tôi, thậm chí là bằng chứng để chứng minh rằng tôi bình thường. Nhưng khi tập trung mọi thứ vào những ham muốn đối với các mối quan hệ đó, tôi đã không thể tự nhiên thưởng thức con người của Beth và mối quan hệ tuyệt vời mà chúng tôi có.
Tôi quyết định mình sẽ ngừng cố gắng thuyết phục cô ấy rằng tôi đáng yêu.
Tôi buông bỏ nỗi sợ hãi rằng bản thân có thể sẽ luôn phải đơn độc.
Tôi mở cửa trái tim mình và yêu cô ấy, mặc dù đó không phải chính xác là những gì mà tôi đã dự tính.
Khi làm vậy, tôi đã mở khóa lựa chọn thứ bảy để châm ngòi một cuộc đời nhiệt huyết: Lựa chọn buông bỏ nỗi sợ hãi, thay vào đó hãy hành động, dẫn dắt và học cách sống với xuất phát điểm là tình yêu vô điều kiện.
Đó là một điểm uốn lớn lao.
Khi chúng tôi đi chơi với nhau, tôi ngừng lo nghĩ về bản thân mình. Trọng tâm chuyển thành sự quan tâm thật lòng dành cho cô ấy. Thay vì cố gắng thu được gì đó từ mối quan hệ, tôi bắt đầu tận hưởng bất cứ khoảng thời gian nào chúng tôi ở bên nhau. Thay vì tập trung vào việc hẹn hò hay những ham muốn, trọng tâm chuyển thành chỉ yêu cô ấy và thưởng thức từng khoảnh khắc thôi.
Không ràng buộc. Không kỳ vọng. Không động cơ che giấu.
Và thế là đủ rồi.
Thế là hơn cả đủ. Thế là tuyệt vời.
Thế nhưng, vào một buổi tối tháng Chín mát mẻ, chuyện đó lại thay đổi.
Beth và tôi đang ngồi trong một nhà hàng Ý tuyệt vời (cô ấy thích đồ ăn kiểu Ý nhất), ngồi ở sân trong (chỗ ngồi ưa thích nhất của tôi). Không lâu sau khi gọi món, cô ấy nhoài người về phía tôi và nói cô ấy có chuyện muốn nói với tôi.
Rồi cô ấy nhấp một ngụm rượu vang.
Không, để tôi nói lại cho chính xác: Cô ấy nuốt ực một ngụm to.
Cô ấy nói rằng trong 6 tháng vừa qua, mỗi lần nhìn thấy tôi, cô ấy lại cảm thấy hồi hộp. Cô ấy không biết tại sao như vậy và đôi khi ao ước cảm giác này sẽ bay đi. Nhưng nó vẫn chưa bay đi.
Cô ấy im lặng.
Rồi cô ấy nhìn vào mắt tôi.
“John, điều em đang cố gắng nói là… em đã phải lòng anh. Đã quá muộn chưa? Anh còn hứng thú… hẹn hò không?”
Tôi sốc.
Tôi không chờ đợi chuyện này nên hoàn toàn không biết phải trả lời thế nào.
Thế nên tôi nhìn vào mắt Beth và nói với cô ấy một cách ngọt ngào nhất có thể: Xin lỗi, Beth. Anh không hẹn hò với em gái.
Thôi nào.
Bạn thật sự nghĩ đó là điều tôi nói à?!
Dĩ nhiên là không rồi, vì thực ra thì tôi đã ỏn ẻn thèm thuồng:
Có! Chúng ta hãy thử đi, Beth!
Thế là chúng tôi thử.
Ba năm sau, chúng tôi kết hôn.
Chúng tôi có một cuộc hôn nhân khó tin. Không một cuộc hôn nhân nào, không một mối quan hệ nào là không có một vài thách thức. Chúng tôi phải xử lý những vấn đề phức tạp cùng sự thỏa hiệp giống bất kỳ một cặp đôi nào khác. Chúng tôi có sóc nhảy vào gác mái, kiến bò trong nhà bếp và nước ngập dưới tầng hầm. Chúng tôi thỉnh thoảng sẽ phải vất vả với bọn trẻ, thường xuyên thiếu thời gian và đôi khi còn tranh cãi.
Nhưng không có gì đáng giá mà lại dễ dàng. Chúng tôi tận tâm sâu sắc với nhau, có chung một niềm tin mãnh liệt và vẫn hoàn toàn yêu thương nhau. Cô ấy là một người mẹ phi thường. Chúng tôi có 4 đứa con khỏe khoắn từ 4 đến 10 tuổi. Cô ấy phải đối mặt với những việc vặt vãnh liên miên như lái xe chung, giúp bọn trẻ làm bài tập, chăm sóc những đầu gối bị trầy xước, giảm bớt những tiếng la hét, chấm dứt cãi cọ, tắm rửa cho lũ trẻ, giặt giũ quần áo bẩn, cho bọn trẻ lên giường, cầu nguyện và say giấc. Cô ấy làm tất cả những việc này cho dù tôi có rong ruổi đi làm hay không, còn tôi thì không thể làm việc của mình nếu không có sự nỗ lực và tình yêu mà cô ấy dành cho mỗi ngày.
Và mỗi khi tôi ở bên Beth hay bất cứ đứa nào trong 4 đứa con cưng bé bỏng của mình, lòng tôi lại tràn ngập sự biết ơn. Họ tuyệt đối đáng để chờ đợi.
Tình yêu đích thực luôn đáng để chờ đợi.
CHỈ SỐ SỐ 1 CỦA THẤT BẠI
Tôi nhìn lại cuộc đời mình và tự hỏi xem liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi cứ sống mãi với tư duy sợ sệt, chỉ tập trung vào bản thân mình. Nếu tôi không buông bỏ nỗi sợ hãi đó, không mở mắt để nhận ra tình yêu thật sự, cùng sự huy hoàng của cuộc sống đích thực thì mọi chuyện sẽ thành ra như thế nào?
Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng tôi sẽ không thể đứng ở vị trí của mình ngày hôm nay.
Bạn thấy đấy, nỗi sợ hãi là thứ kìm hãm chúng ta ghê gớm nhất.
Nếu không thể chế ngự nỗi sợ hãi, chúng ta không thể sống một cuộc đời nhiệt huyết.
Hãy suy nghĩ về điều này.
Mọi thứ được đề xuất trong cuốn sách này, 7 lựa chọn châm ngòi một cuộc đời nhiệt huyết, đều có thể dễ dàng bị đè bẹp và bóp nghẹt bởi nỗi sợ hãi.
Nỗi sợ hãi ngăn cản bạn tự chịu trách nhiệm. Sẽ dễ dàng hơn biết bao nhiêu nếu đợi một ai khác giải quyết các vấn đề, bước lên phía trước và gánh vác trách nhiệm? Nỗi sợ hãi bóp chết khả năng bằng cách huých bạn về phía trước với câu “Đó không phải là lỗi của tôi… đó không bao giờ là lỗi của tôi.”
Nỗi sợ hãi ngăn cản bạn sẵn sàng đón nhận câu chuyện của mình. Nó dập tắt khả năng trưởng thành, ca ngợi và chia sẻ con người thật của bạn. Nó khích lệ bạn đeo chặt chiếc mặt nạ vào.
Nỗi sợ hãi ngăn cản bạn hoàn toàn nhập cuộc. Nó ngăn cản bạn mạo hiểm một cách táo bạo và tác động một cách sâu sắc. Nó thì thầm bảo bạn hãy kìm nén để đề phòng xem có gì sai sót không.
Nỗi sợ hãi khóa nhốt bạn trong tâm lý nạn nhân. Nó khiến cho sự biết ơn và tận hưởng niềm vui từ những món quà vĩ đại mỗi ngày trở nên bất khả thi. Nó lẩm bẩm rằng bạn nên đổ lỗi cho người khác, chìm đắm trong sự than thân và lún sâu vào tuyệt vọng.
Nỗi sợ hãi ngăn cản bạn trưởng thành và vươn xa. Nó khiến cho những cải thiện và bước tiến liên tục trong các mối quan hệ, công việc và cuộc sống của bạn trở nên đáng ngờ. Nó khiến chúng ta cảm thấy việc giậm chân tại chỗ là điều dễ dàng hơn cả.
Nỗi sợ hãi khiến bạn chỉ tập trung vào bản thân mình. Nó khiến cho ý nghĩa thật sự, thành công thật sự và một cuộc sống thật sự quên mình là tuyệt đối không thể xảy ra. Nỗi sợ hãi nhắc bạn rằng trong thế giới này cá lớn luôn nuốt cá bé và bạn nên quan tâm đến những nhu cầu, quyền lợi và ham muốn của bạn trước tiên.
Nỗi sợ hãi làm bạn bị mắc kẹt ở hiện tại, băn khoăn nếu-thì, than vãn ôi-không và lo nghĩ tôi-còn- có-thể-làm-gì-được-đây. Nó khiến bạn khoanh tay, trang bị giáp mũ và sẵn sàng đánh đấm.
Nhưng còn có một cách khác. Luôn có một cách khác.
Sẽ ra sao nếu bạn có thể bắt tay vào mọi việc với một nụ cười trên môi, một người bạn mới và một sự kết nối thật sự? Nếu mỗi khoảnh khắc đều được xem là một phép màu thì sao? Nếu mỗi sự tương tác được nhìn nhận không phải từ góc độ chuyện gì xấu có thể xảy ra tiếp theo, mà từ một niềm tin vững chắc rằng những gì tốt đẹp nhất vẫn đang ở phía trước thì sao?
Nỗi sợ hãi. Hay tình yêu.
Đó là một lựa chọn.
Bạn sẽ chọn gì?
HÒA VÀO BẢN GIAO HƯỞNG
Những vết sẹo sẽ lưu dấu suốt đời.
Chúng có thể mờ đi một chút theo thời gian, chúng có thể giảm đi một chút về kích thước, nhưng chúng không bao giờ hoàn toàn biến mất. Những vết sẹo của tôi dày đến nỗi thỉnh thoảng chúng lại bị nhiễm trùng. Các áp-xe4 đã hình thành sâu bên trong mô sẹo.
4 Một bọc mủ hình thành trong các mô của cơ thể.
Sự nhiễm trùng bắt đầu với một cơn sốt nhẹ, cảm giác nhức nhối râm ran trong cơ thể và cảm giác đau ở xung quanh khu vực bị nhiễm trùng. Trong 1 ngày, thân nhiệt sẽ tăng vọt, cả người sẽ đau nhức nhối. Tôi thậm chí còn chẳng thể ra khỏi giường vì các vùng xung quanh ổ nhiễm trùng cứ đau nhói lên.
Khi tôi còn nhỏ, bằng cách nào đó mẹ có thể phát hiện ra tôi bị nhiễm trùng hay không chỉ dựa vào vẻ mặt của tôi, cách tôi đi lại, hay điệu bộ cư xử của tôi.
Khả năng phát hiện ra những ổ nhiễm trùng chết tiệt tinh tường đó giờ đây được truyền lại một cách hiệu quả cho vợ tôi. Đôi khi Beth biết tôi bị nhiễm trùng trước cả khi tôi nhận ra điều đó.
Một ngày, lúc đó chỉ mới là vài tháng sau ngày cưới, trong khi Beth đang chuẩn bị đi làm, tôi vẫn lần lữa một chút, nằm trên giường đắp chăn. Mặc dù tôi đã bảo cô ấy mọi thứ đều ổn, nhưng cô ấy lại linh cảm được có chuyện gì đó đang xảy ra. Cô ấy ngồi xuống giường, vuốt tóc tôi và hỏi có phải tôi lại bị đau không.
Tôi không trả lời.
Kéo áo phông của tôi lên, cô ấy nhìn thấy một vùng nhiễm trùng da lớn đang sưng trên bụng tôi. Những vùng nhiễm trùng này thật kinh khủng. Chúng làm cho toàn bộ khu vực xung quanh chuyển sang màu đỏ au. Các áp-xe có thể sưng lên cao hơn 2 centimét và có bán kính lan ra gấp vài lần như thế. Chúng gây đau đớn và trông xấu xí khủng khiếp.
Beth hỏi cô ấy có thể làm gì cho tôi.
Tôi nhờ cô ấy lấy một cốc nước đá, một ít thuốc và mở nước tắm cho tôi. Nước ấm làm giảm bớt cơn đau nhói. Cô ấy biến mất và tôi nghe thấy tiếng nước tắm xả vào bồn. Một lúc sau, cô ấy quay lại mang theo một cốc nước đá và một ít thuốc. Cô ấy đặt chúng xuống và ngồi lại lên giường với tôi.
Cô ấy nhẹ nhàng kéo áo phông của tôi lên một lần nữa. Nhìn xuống vùng bị sưng đỏ, rồi quay sang tôi và nói: “Em ghét những thứ này. Nhưng em yêu anh”.
Rồi cô ấy cúi xuống và dịu dàng hôn lên chỗ đau. Kéo áo phông của tôi xuống, cô ấy bảo tôi cứ gọi điện cho cô ấy nếu tôi cần bất cứ thứ gì trong ngày.
Bây giờ tôi tự hỏi, liệu đó có phải là một hành động đòi hỏi sức mạnh phi thường không?
Không.
Nhưng những ai trong chúng ta đã từng bị đau và chỉ muốn có ai đó thừa nhận điều đó, chia sẻ điều đó với mình đều hiểu sức mạnh của nụ hôn ấy. Cái phần mà tôi ghét nhất trên cơ thể mình, cô ấy đã ban phúc cho nó bằng một nụ hôn.
Cô ấy có buộc phải hôn vết sẹo gớm ghiếc, đau đớn đó không?
Không.
Nhưng cô ấy muốn làm thế.
Cô ấy không buộc phải làm thế, nhưng cô ấy muốn làm thế.
Những từ chúng ta trao nhau trong lễ đường là gì?
Tôi đồng ý.
Ba từ xuất phát từ tình yêu này qua năm tháng thường chuyển thành ba từ dựa trên nỗi sợ hãi: Tôi phải làm.
Đây là một bước chuyển nguy hiểm.
Và tất cả chúng ta đều phải đối mặt với lựa chọn này vô số lần trong ngày.
Làm một việc gì đó vì nghĩa vụ, vì sợ hãi, vì tôi phải làm.
Hay làm một việc gì đó vì vui thích, vì tình yêu, vì tôi muốn làm.
Hãy suy nghĩ về điều này trong một phút nào. Muốn làm một việc gì đó tự do hơn nhiều so với việc phải làm một việc gì đó. Tôi phải làm bị bao bọc trong nỗi sợ hãi ‘‘liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không làm theo cách mà bạn phải làm’’. Còn Tôi muốn làm lại là một món quà đẹp cho bất cứ ai quanh bạn.
Sự căng thẳng và áp lực gắn liền với việc tôi phải đi làm, phải tha thứ cho cô ấy, phải tiến lên phía trước, phải theo dõi cân nặng, phải dọn dẹp nhà cửa, phải đi đón lũ trẻ, phải về nhà ăn tối… sẽ tiêu tan hoàn toàn khi bạn bắt đầu bằng câu Tôi muốn.
Cứ thử mà xem.
Tôi muốn dọn dẹp nhà cửa có nghĩa là bạn háo hức chờ đợi xem nhà của bạn trông sẽ sạch đẹp như thế nào khi bạn xong việc, niềm vui mà mọi người sẽ có khi họ bước vào nhà, cảm giác thành công bạn sẽ cảm thấy khi công việc hoàn thành.
Hay tôi phải dọn dẹp nhà cửa. Lại một nhiệm vụ tẻ nhạt nữa khiến cuộc sống của bạn giống như lao dịch.
Tôi muốn về nhà ăn tối có nghĩa là bạn sốt ruột muốn gặp gia đình, chờ đợi những món ăn ngon miệng mà gia đình bạn có thể cùng nhau thưởng thức, háo hức muốn có ngay cơ hội kể về một ngày của bạn.
Hay tôi phải về nhà ăn tối - mọi thứ bỗng trở nên bực dọc, bạn ước có thể làm nhiều việc ở cơ quan hơn, bạn ước có thể uống thêm một ly nữa với bạn bè, bạn miễn cưỡng thu dọn đồ đạc ra về, bực mình với cái nghĩa vụ mà bạn phải thực hiện.
Hai câu chỉ khác nhau một từ. Nhưng mọi sự khác biệt là ở đây.
Động lực tình yêu thả tự do cho bạn. Không có nghĩa vụ. Chỉ có niềm vui. Cuộc sống không chỉ còn xoay quanh bạn. Thay vào đó, nó có thể xoay quanh người khác. Và để tôi nói cho bạn biết, khi bạn bày tỏ tình yêu với mọi thứ xung quanh, bạn có thể tạo ra một thứ niềm vui lan nhanh như cháy rừng.
Jack Buck có phải giúp đỡ tôi, hay tất cả những người đó, khi bác bước vào cuộc đời họ một cách giản dị không?
Không. Nhưng chắc chắn bác muốn thế.
Glenn Cunningham có phải đón nhận 9.000 đứa trẻ không?
Không. Nhưng chắc chắn là ông muốn thế.
Y tá Roy có phải hứa với tôi rằng tôi sẽ đi trở lại không?
Không. Nhưng chắc chắn anh muốn thế.
Đây là lựa chọn cuối cùng tạo ra mọi sự khác biệt, cho phép bạn bắt đầu sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết.
BẠN ĐÃ SẴN SÀNG CHƯA?
BẠN KHÔNG THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC GÌ ĐÂU
Bí quyết là thế này.
Nếu bạn định biến đổi cuộc đời bạn từ một chuỗi nghĩa vụ thành một danh sách dài của những khoảnh khắc hân hoan, thì bạn phải biết bí quyết.
Tình yêu không phải chỉ dành riêng cho những người gần gũi với chúng ta, tức là bạn bè và người thân. Nó được sinh ra là để trở thành tiền tệ của thế giới. Là để tặng cho tất cả những người mà bạn gặp.
Để tôi giải thích.
Trong cả một ngày dài, chúng ta được lựa chọn cách tiếp cận mỗi khoảnh khắc như thế nào?
Chúng ta được tự do sống trong sợ hãi: Gã này sẽ lợi dụng mình như thế nào? Mình có nên thủ sẵn một quả đấm. Hoặc mình nên đề phòng, gã này có thể ăn cắp tài khoản của mình. Hoặc, được rồi, mình đã muộn lắm rồi, mình sẽ cắt đuôi mọi người, cúi đầu bước đi và khiến cuộc sống quay quanh mình. Những nhu cầu của mình. Những mong muốn của mình. Cuộc sống của mình. Mình.
Cảm giác sợ hãi, thất vọng, bực bội thậm chí còn đến trước cả khi chúng ta cho bất cứ ai một cơ hội.
Nhưng chúng ta nắm giữ sức mạnh mở ra những cánh cửa dẫn tới khả năng y như bố tôi vào buổi sáng hôm đó trong phòng cấp cứu.
Vậy, bạn đã sẵn sàng nghe bí quyết chưa?
Đây là câu mà bạn luôn nhủ thầm trong đầu với mỗi người bạn gặp.
Bạn sẽ không thích nó đâu. Làm sao tôi biết ư?
Bởi vì đây là những gì xảy ra khi tôi chia sẻ bí quyết này trong những buổi thuyết trình của mình.
“Quay sang người ngồi bên cạnh bạn và nói: ‘Chào’.”
Dù học viên nhiều hay ít, mọi người đều biết làm bài tập này. Vậy nên tôi đã được nghe thấy một bản hợp xướng “Chào” khá nồng nhiệt.
“Rất tốt. Còn bây giờ hãy nói những từ này:
‘Ừm, tôi cũng cảm thấy ngượng nghịu lắm’.”
Mọi người phá lên cười và nói những từ đó. “Tuyệt vời! Các bạn đang làm rất tốt! Đây là câu tiếp theo: ‘Tôi yêu bạn và bạn không thể thay đổi được gì đâu!’”
Một khoảng im lặng đầy bối rối. Mọi người cựa quậy trên ghế.
“Được rồi”, tôi nói, “hãy thử một lần nữa. ‘Tôi yêu bạn và bạn không thể thay đổi được gì đâu!’.”
Một cách chậm chạp, mọi người bắt đầu lẩm bẩm câu này.
Có gì đó trong văn hóa của chúng ta khiến cho mọi người không thoải mái bày tỏ tình yêu đến vậy? Tại sao tình yêu lại là một thứ mà chúng ta luôn khăng khăng giữ chặt như thể đó là một món hàng quý giá? Chẳng lẽ là vì nếu cho nó đi, chúng ta sẽ không bao giờ lấy lại được ư?
Bạn thấy đấy, tình yêu là thứ có thể nhân lên. Vậy nên đây chính là thời điểm mà tôi phải thúc giục mọi người.
“Ôi, thôi nào. Chuyện gì vậy? Đó thật sự là cách bạn thổ lộ với ai đó rằng bạn yêu người ta à? Hãy nói to lên, với sức thuyết phục! Tôi yêu bạn và bạn không thể thay đổi được gì đâu!”.
Cuối cùng, mọi người cũng hoàn toàn nhập cuộc. Cả phòng phá lên cười giòn giã. Tôi cảm nhận được sự thay đổi ngay lập tức. Mọi người hạ vũ khí, buông cái tôi và bắt đầu nhận ra rằng việc tiếp cận bất cứ ai, kể cả một người hoàn toàn xa lạ, bằng một lăng kính của tình yêu là hoàn toàn có thể. Điều đó chính là một món quà cho tất cả những người xung quanh.
Bài tập này dĩ nhiên là không chỉ có mục đích chọc cười mọi người. Nó không phải là một câu tôi khuyên bạn dùng để tán gái ở quán rượu. Không. Thôi nào. Bạn giỏi hơn thế chứ! Ở đây chúng ta có một vấn đề cần xem xét: Nếu mọi người tiếp cận các tình huống trong cuộc sống bằng lăng kính của tình yêu thay vì lăng kính của nỗi sợ hãi thì sao?
Với bạn đời vào buổi sáng: Anh yêu em và em không thể thay đổi được gì đâu!
Người chen lên đầu xe bạn trong lúc tắc đường giờ cao điểm: Tôi yêu bạn và bạn không thể thay đổi được gì đâu!
Nhân viên trực điện thoại thờ ơ: Tôi yêu cô và cô không thể thay đổi được gì đâu!
Đồng nghiệp khó tính ở văn phòng: Tớ yêu cậu và cậu không thể thay đổi được gì đâu!
Người mẹ đứng phía bên kia sân chơi đang nhìn con bạn trừng trừng: Tôi yêu chị và chị không thể thay đổi được gì đâu!
Những từ đó cho phép bạn tập trung vào người khác, vào những nhu cầu của họ và vào những gì họ đang nói. Nó khiến bạn để tâm đến những gì họ có thể cần trong khoảnh khắc đó, thay vì những gì họ có thể lấy đi từ bạn, hay những gì bạn có thể thu được từ họ. Và nó khiến bạn tập trung vào hiện tại, vào khả năng ngự trị bên trong khoảnh khắc thơm nức và linh thiêng này.
Khoảng lặng này, cùng những từ ngữ đó, cũng có thể được dành cho bạn. Những câu từ ấy sẽ cho phép bạn tập trung vào người quan trọng nhất, hơn bất kỳ ai khác trong cuộc đời mình: đó chính là bản thân bạn. Chúng tiếp sức cho bạn thổi sinh khí và khả năng vào trong mỗi khoảnh khắc của bạn. Chúng cho phép bạn dành thời gian cho bản thân mình, cho sức khỏe của mình, cho tinh thần của mình. Bởi vì nếu bạn không thể chăm sóc bản thân trước tiên, bạn sẽ khó, có lẽ là không thể, động viên và phục vụ người khác một cách hiệu quả trong cuộc sống của họ.
Tôi yêu bạn xóa bỏ rào cản của bạn, rồi của tất cả mọi người xung quanh.
Nó cho phép bạn đạt được những điều vĩ đại bằng cách tập trung vào những điều nhỏ bé.
Khi bạn làm thế, cuộc sống của bạn có thể trở thành một chuỗi tôi-muốn-làm, một bản giao hưởng hân hoan.
Hãy nổi nhạc lên nào.
BỐ NHẬN ĐƯỢC TIN
Con có thể mượn xe ô tô không?
Đó là một câu hỏi mỗi đứa con đều đặt ra với bố mẹ chúng. Vào năm cuối đại học, tôi đã hỏi bố câu đó.
Đó là kỳ nghỉ xuân, bọn bạn tôi chuẩn bị đi trượt tuyết, thế nên chúng tôi cần một chiếc ô tô đáng tin cậy để đưa cả bọn qua những con đường phủ tuyết mà chắc chắn chúng tôi sẽ chạm trán. Bố vừa mua một chiếc Toyota 4Runner mới. Nó có máy nghe nhạc, ghế bọc da, cửa sổ trời và chỉ mới chạy chưa đến 1.500 kilômet. Chiếc xe còn có cả hệ dẫn động 4 bánh. Hoàn hảo.
Bố để lại cho tôi chiếc xe đẹp đẽ màu nâu sẫm của mình và lấy con xe cũ nát tàn tạ của tôi. Tôi ôm ông và nói cảm ơn. Tôi hứa sẽ cẩn thận. Rồi tôi chất đồ lên xe, đi đón một đứa bạn đại học rồi tiến về phía Colorado để gặp những người còn lại trong nhóm.
Chúng tôi lên đường lúc chạng vạng.
Tuyết bắt đầu rơi vào khoảng nửa đêm khi chúng tôi đã đi được một nửa chiều dài bang Kansas.
Đến gần biên giới Colorado, tôi tấp vào lề vì quá mệt để lái xa hơn nữa. Bạn tôi, mắt sáng quắc và tỉnh táo nhờ cà phê, tiếp quản vô lăng. Cậu ấy trấn an tôi rằng mình không mệt và xe sẽ sẵn sàng lăn bánh.
Tôi nhắm mắt lại.
Khoảng 10 phút sau tôi tỉnh dậy khi đầu tôi bị đập mạnh vào cửa sổ hành khách phía trước.
Rob đã mất kiểm soát. Chiếc ô tô văng đi trên đường cao tốc, đâm đuôi vào rào chắn phía bên trái, xoay tròn 360 độ, xiên trở lại đường cao tốc, đâm vào lan can chắn đường phía bên phải, bật ra và quay chúng tôi thêm một vòng nữa. Chúng tôi dừng lại… đối mặt với dòng xe cộ đang lào vù vù.
Hai chúng tôi không bị xây xước gì. Nhưng chiếc xe không khởi động. Những ánh đèn pha của chiếc xe 18 bánh khổng lồ lù lù tiến về phía chúng tôi. Từ tứ phía, những chiếc xe tải ấn còi inh ỏi, bao bọc chúng tôi trong tuyết khi chúng chạy vượt qua.
“Chúng ta phải di chuyển chiếc xe này!”, tôi hét lên. Toàn thân tôi tê liệt vì sợ hãi. Làm thế nào để chúng tôi thoát ra khỏi cảnh này đây?
“Cách duy nhất là xuống xe và đẩy, mình nghĩ thế đấy”, Rob nói, khuôn mặt cậu ấy tỏ ra không hề muốn nhúc nhích. Mà chỉ muốn ngồi nguyên ở chỗ chúng tôi nên ngồi và chờ chết.
Chúng tôi xuống xe và cẩn thận đẩy chiếc xe đi trên tuyết, ra khỏi đường cao tốc, táp vào lề đường và thoát khỏi cảnh nguy hiểm. Trời lạnh cóng. Lúc đó đã là nửa đêm, giữa một nơi xa xôi hẻo lánh. Gió rít, tuyết rơi, nhưng ít nhất chúng tôi đã ra khỏi đường cao tốc.
Chúng tôi quay vào trong xe ngồi cho ấm. Nhưng ngay cả chiếc xe cũng bắt đầu bị lạnh.
Sau khi nhiều lần mở máy mà không được, động cơ xe cuối cùng cũng khởi động. Tôi vào số, quay đầu xe theo hướng cần đi và bắt đầu lái xe chầm chậm trên đường cao tốc. Chúng tôi chạy ì ạch, thanh hãm xung kéo lê trên mặt đường và những miếng chắn bùn cọ vào cả hai lốp trước. Chúng tôi đang ở phía đông Colorado, nền văn minh dường như xa cách và chúng tôi lo sợ sẽ bị mắc kẹt giữa đường.
Sau khi thận trọng lái được vài kilômet, chúng tôi nhìn thấy những ánh đèn mờ ở xa xa. Một ốc đảo, một thị trấn nhỏ, một hy vọng. Chúng tôi lắc lư tiến về phía ánh đèn, ra khỏi đường cao tốc, đi vào thị trấn và tìm một khách sạn.
Chúng tôi lấy phòng vào khoảng 3 rưỡi sáng. Leo lên cầu thang.
Thằng nào thằng nấy đổ ập xuống giường. Bạn tôi bắt đầu ngáy gần như ngay tức khắc.
Tôi thì chỉ nằm đó, tim đập thình thịch, đầu nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác.
Tôi mất ngủ cả đêm.
Không phải tôi lo lắng về chuyện đã xảy ra. Không phải tôi biết ơn hai thanh chắn đường đã giữ cho chúng tôi không văng ra khỏi đường và biến mất vào màn đêm. Không phải tôi nghĩ đến cái lạnh thấu xương trong không khí mà cơ thể tôi vẫn cảm nhận được.
Không.
Điều khiến tôi thức trắng là ý nghĩ gọi điện cho bố và báo cho ông biết chuyện gì đã xảy ra.
Chiếc 4Runner là hàng mới cứng. Tôi đã hứa sẽ cẩn thận với nó. Và bây giờ tôi sẽ phải cho ông biết nó đang nằm nát bấy trong một thị trấn nhỏ nào đó ở Colorado. Tôi yêu cả bố lẫn mẹ tôi và không thích làm họ thất vọng. Tôi ghét cái ý nghĩ mình đã phản bội lòng tin của họ.
6 giờ sáng. Tôi rời khỏi phòng, ra ngoài sảnh, làm một cốc cà phê và gọi cho bố.
Ông là một người hay dậy sớm và trả lời vui vẻ: “Xin chào”.
Tôi nhấm nháp một ngụm cà phê thật lâu, hít một hơi thở sâu, rồi chia sẻ: Con chào bố. Rob và con vẫn ổn, nhưng bọn con gặp một tai nạn ô tô đêm qua ở Colorado.
“Con có sao không?”
Không, bố, nhưng xe của bố đã bị va đập mạnh. Con cảm thấy tồi tệ. Bố đã để cho bọn con...
“Nghe này, John. Chiếc xe không phải là vấn đề.
Nó dễ sửa thôi. Bố chỉ mừng là các con không sao. Các con có cần bố giúp gọi một xe khác không?”
Bọn con sẽ tìm ra cách, bố ạ.
“Con có chắc rằng mình ổn không?”
Có ạ. Hoàn toàn ổn. Chỉ cảm thấy tồi tệ vì chuyện này xảy ra. Con rất xin lỗi. Con sẽ đền bù cho bố. Khi bọn con về nhà, con sẽ...
“John. Chiếc xe có thể sửa được. Con gọi người kéo nó về, thuê một xe khác và trượt tuyết cẩn thận đấy. Đi chơi vui vẻ. Bố yêu con.”
Con cũng yêu bố. Chúng tôi tắt máy. Thế là xong.
Nỗi lo lắng đè nặng tim tôi về cơn thịnh nộ của bố đã bị đặt sai vị trí.
Một lần nữa.
Ông đã đáp lại bằng tình yêu. Một lần nữa.
Bố yêu con và con không thể thay đổi được gì đâu!
Mặc dù bố không nói chính xác những từ đó, nhưng tình cảm mà ông bộc lộ khi nói rằng ông không quan tâm đến chiếc xe, ông chỉ muốn biết chắc tôi vẫn ổn đã thể nói lên tất cả. Đó là điều ông đã nói khi ông vào thăm tôi vào cái ngày xa xưa đó trong bệnh viện và nói bố yêu con. Con làm nổ tung ga ra, suýt giết chết chính mình, chúng ta không thể sống trong nhà trong nhiều tháng trời, nhưng bố yêu con. Bố yêu con và con không thể làm gì để lấy đi tình yêu đó.
Đó là tình cảm tôi nhìn thấy hiện thân trong Beth khi cô ấy chào đón tôi, mỉm cười với tôi, yêu tôi ngay cả khi tôi ngày càng phải xa nhà nhiều hơn. Tôi luôn về đến nhà trong tình trạng kiệt sức. Tôi không hề hoàn hảo. Em yêu anh và anh không thể thay đổi được gì đâu! Đó chắc chắn là điều tôi nhìn thấy từ cô ấy trong quá trình chúng tôi nuôi dạy bọn trẻ… mặc dù chúng thường xuyên ra sức thử thách tình yêu đó!
Tình yêu đem đến cho bạn một sự tập trung sắc như tia laser vào những gì thật sự quan trọng.
Không có nó, chúng ta đóng băng trong bóng tối. Có nó, chúng ta thắp sáng cả thế giới.
PHÉP MÀU XẢY RA
Tình yêu là sức mạnh lớn nhất trên Trái Đất.
Và sức mạnh đáng kinh ngạc đó chuẩn bị tỏa sáng một lần nữa.
Gần 2 thập kỷ sau khi bố nhìn thấy tôi trong phòng cấp cứu ở bệnh viện St. John’s Mercy, tôi đã phải gọi điện về cho ông từ chính bệnh viện đó. Lúc đó là hơn 2 giờ sáng ngày 14 tháng 11 năm 2005. Tôi gọi điện về nhà và đánh thức bố. Tôi chưa bao giờ trải qua chuyện gì như chuyện này và tôi cần ông ở đó càng sớm càng tốt. Tôi biết bố sẽ với tay nghe điện thoại, đánh thức mẹ tôi, mặc quần áo và nhảy lên xe nhanh nhất có thể.
Chưa đầy 1 tiếng sau, tôi nghe thấy giọng nói thân thuộc của ông vang lên bên ngoài phòng: “John, con trai của tôi đâu?”
Tôi biết là ông sẽ đến.
Và tôi cũng biết ông sẽ phản ứng như thế nào. Cuối cùng, đến thời điểm này trong cuộc đời, tôi đã thật sự hiểu bố.
Tôi đã biết tình yêu là gì.
Ông bước vào phòng, đi về phía giường bệnh nơi Beth đang nằm và hôn vào má cô ấy.
Rồi ông bước về phía chiếc ghế nơi tôi ngồi. Ông cúi đầu nhìn tôi.
Hai mắt ông dâng trào nước mắt. Ông cúi xuống.
Nhìn vào trong mắt tôi.
Một cách chăm chú.
Rồi lên tiếng. Nhẹ nhàng.
“John, bố yêu con biết bao và bố tự hào về con biết bao.”
Rồi ông nhoài người về phía trước, hôn lên lớp tóc xoăn mượt như nhung trên đỉnh đầu đứa con trai khỏe mạnh mới sinh tên là Jack của tôi.
Tôi rạng rỡ nhìn bố, hai mắt tôi cũng ngấn lệ và trái tim tôi thì đang tràn trề kiêu hãnh.
Tôi biết rằng ông đang nghĩ về quãng đường dài mà tôi đã đi qua. Và ông cũng đang nhớ về những nỗi sợ của tôi trước khi tôi rời bệnh viện.
Và bây giờ thì tôi ở đây, sau ngần ấy năm, bế con trai của mình.
Chính tôi cũng sẽ trở thành một người bố. Đó là một phép màu.
Nơi ông đã từng một lần bước vào để đối diện với cơn ác mộng đáng sợ nhất của mỗi bậc cha mẹ, lại chính là nơi ngày hôm nay chúng tôi đang bước vào để chào đón ước mơ của mỗi bậc mẹ cha.
Chúng tôi đã đi được một đoạn đường xa biết bao nhiêu.
Nhân viên bệnh viện, các anh chị em, bố mẹ, những người nổi tiếng, gia đình, bạn bè và những người xa lạ đã nỗ lực vì điều đó.
Một cậu bé đã chiến đấu vì điều đó. Chúa đã sắp đặt điều đó.
Và tình yêu đã tiếp lửa cho điều đó.
Đó là một sức mạnh đáng kinh ngạc, đầy hứng khởi và phóng khoáng để ca tụng. Nó không chỉ dành cho bạn đời và con cái bạn hay bố và mẹ bạn. Nó không chỉ là một cảm xúc dành riêng cho đội bóng, chương trình truyền hình, hay địa điểm du lịch yêu thích nhất của bạn.
Không, nó là một lăng kính mà qua đó bạn có thể nhìn thấy cuộc sống.
Và khi bạn làm vậy, cuộc sống sẽ trở thành một chuỗi những cơ hội, một tiến trình của những phép màu và bạn có thể sống trên đời mà sẽ không phải trở thành một ông già cay nghiệt, sợ hãi những gì có thể rình rập trong từng ngóc ngách, mà bạn sẽ giống như một đứa trẻ háo hức và hạnh phúc như thể đang phải lòng cuộc sống.
Bạn đã sẵn sàng tham gia cùng tôi chưa?
NỖI SỢ HAY TÌNH YÊU
Tôi sẽ yêu ánh sáng vì nó chỉ đường dẫn lối, nhưng tôi sẽ chịu đựng bóng tối vì nó tôn lên các vì sao.
- Og Mandino -
Có một quan điểm hoang đường là tình yêu luôn mềm yếu.
Sự thật là đôi khi tình yêu cũng có thể vô cùng cứng rắn. Tình yêu đòi hỏi hành động. Nó không phải là một cảm giác mập mờ. Yêu là một động từ, nó không ích kỷ và nó thúc đẩy bạn làm một điều gì đó, thường là một điều gì đó cho một người nào khác. Bạn thấy đấy, nỗi sợ hãi luôn ích kỷ. Nó liên quan đến cái bạn thu về, cái bạn cần, cái có thể xảy ra với bạn.
Tình yêu ư? Nó luôn xoay quanh người khác.
Và khi thật sự chăm sóc người khác, chúng ta cũng được chăm sóc.
Đây là điểm uốn của bạn: Nỗi sợ hãi hay tình yêu? Tôi phải làm hay tôi muốn làm?
Bạn chỉ có một cuộc đời để sống. Bạn có muốn sống trên đời mà luôn phải rúm ró vì sợ hãi, căng thẳng vì những chuyện có thể không bao giờ xảy ra, lẩn tránh những khả năng thập thò sau từng ngóc ngách? Sống trong tâm lý tôi phải làm?
Hay bạn muốn đánh thức mỗi ngày để nạp đầy năng lượng vào các khả năng, có thể nắm giữ trong tay sức mạnh thay đổi cuộc đời mình và cuộc đời của người khác bằng cách sống mỗi ngày bừng cháy với tình yêu? Háo hức nhìn xem điều gì ẩn sau từng góc phố? Sẵn sàng nắm dây cương của cuộc sống?
Mỗi ngày chúng ta đều có thể lựa chọn: Đóng sập cánh cửa trước mặt mọi người hay mở cửa trái tim, siết chặt nắm đấm hay giang rộng vòng tay? Lựa chọn chúng ta đưa ra có thể biến đổi cuộc sống.
Bắt đầu với cuộc sống của chính chúng ta.
Bạn thấy đấy, khi bạn buông bỏ nỗi sợ hãi, đôi tay bạn cuối cùng cũng có thể nắm bắt tình yêu và niềm vui vốn đã chờ bạn từ lâu.
Hãy lựa chọn tình yêu.