Một người có thể và luôn luôn có thể làm thay đổi thế giới.
Chuyện đó xảy ra hôm qua.
Tôi đang nằm yên trên giường bệnh.
Tôi không thể cử động. (Tôi bị trói vào giường.)
Tôi không thể nói chuyện. (Lỗ thông khí quản cản trở việc này.)
Tôi không thể nhìn. (Hai mắt tôi bị sưng lên híp tịt.) Tôi đang nằm trong bóng tối, đau đớn và hoàn toàn sợ hãi.
Nhưng tôi vẫn ước mơ, hy vọng và cầu nguyện. Và lắng nghe.
Một cách chăm chú.
Tôi nghe thấy mọi chuyện diễn ra xung quanh mình. Tôi không thể làm gì nhiều, nên đó là việc tôi làm. Lắng nghe.
Chính vào lúc lắng nghe, tôi đã quên hết tất cả.
Bạn thấy đấy, tôi thích thể thao. Tất cả các môn thể thao. Nhưng tôi yêu bóng chày. Đội St. Louis Cardinals là đội của tôi. Tôi yêu thích xem bóng chày, nhưng chúng tôi không đến sân vận động thường xuyên.
Và những trận bóng chày chỉ được chiếu trên ti vi một vài lần trong năm.
Thế nên cách chúng tôi xem bóng chày ở nhà mình không phải là bằng mắt. Chúng tôi xem bằng tai.
Chúng tôi nghe đài phát thanh.
Chúng tôi nghe các phát thanh viên.
Chúng tôi nghe một bác tên là Jack Buck. Bác là tiếng nói của đội St. Louis Cardinals. Bác là người tôi lắng nghe trong suốt mùa hè. Người cho tôi biết đội Cardinals của tôi đang làm gì. Bác là người tôi cuộn mình dưới lớp chăn dày trong phòng ngủ để lắng nghe vào những lúc đêm khuya, khi đáng lẽ ra tôi phải đi ngủ từ lâu rồi. Và mặc dù tôi chưa bao giờ gặp bác, nhưng tôi yêu bác!
Và bác cũng là người đã bước vào phòng tôi hôm qua. Đúng vậy. Jack Buck đã đến thăm tôi khi tôi nằm viện. Tôi không thể nhìn thấy bác.
Nhưng tôi không cần nhìn.
Khi nghe thấy tiếng cửa mở, tôi đang nằm yên trên giường, lắng nghe những tiếng bíp của các thiết bị đang giữ mạng sống cho mình.
Tôi nghe thấy tiếng những bước chân.
Tôi nghe thấy tiếng một chiếc ghế bị lôi xềnh xệch trên sàn nhà.
Tôi nghe thấy một tiếng ho.
Và rồi tôi nghe thấy một giọng nói. “Cậu bé. Thức dậy đi nào.”
Tôi nhận ra giọng bác ngay lập tức.
Đó là Jack Buck.
“Hãy nghe bác nói. Cháu sẽ sống. Cháu hiểu không? Cháu sẽ sống sót. Và khi cháu ra khỏi đây, chúng ta sẽ ăn mừng! Chúng ta sẽ gọi đó là Ngày John O’Leary ở sân bóng.”
Jack Buck. Trong phòng tôi? Nói chuyện với tôi? Tôi không thể tin được!
“Cậu bé, cháu có nghe bác nói không?”
Tôi không thể cử động bất cứ bộ phận nào, nhưng cố gắng gật đầu nhiều lần nhất có thể. Tôi muốn bác biết rằng tôi đang lắng nghe.
Bác chắc hẳn đã để ý vì bác nói: “Tốt.”
Bác không nói gì trong một lúc lâu. Tôi đoán bác đã đi. Nhưng rồi tôi lại nghe thấy bác nói: “Tiếp tục chiến đấu nhé, cậu bé.”
Tôi nghe thấy tiếng ghế bị đẩy lùi, tiếng những bước chân rời xa tôi, tiếng cửa trượt mở và Jack Buck đã đi ra khỏi phòng.
Đó là một cuộc thăm hỏi ngắn ngủi.
Khi bác đi khỏi, tôi vẫn bị trói xuống giường, hai mắt vẫn sưng híp, không thể cử động, không thể nói chuyện, không thể làm bất cứ việc gì.
Nhưng tôi đã tuyệt đối, hoàn toàn bừng cháy!
Đúng vậy, người anh em, chúng tôi sẽ có một bữa tiệc! “Ngày John O’Leary ở sân bóng!” Tôi thích âm thanh của những từ này.
Đó là hôm qua. Và tôi đã suy nghĩ về những từ ngữ ấy, lời hứa ấy và giọng nói ấy từ hôm qua đến giờ. Trên thực tế, đó là tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến hôm nay. Đúng, tôi vẫn đang đau. Đúng, tôi vẫn đang nghe thấy những tiếng bíp. Đúng, tử thần Darth Vader1 vẫn thở phì phò sau chiếc máy hô hấp. Nhưng tôi không còn tập trung vào điều đó nữa. Tôi đang nghĩ đến cuộc thăm hỏi ấy và ngày lễ của tôi ở sân bóng.
1 Một nhân vật hư cấu trong tác phẩm Star Wars, xuất hiện như là một trong những nhân vật phản diện chính.
Thế rồi tôi nghe thấy tiếng cửa phòng mở ra. Tiếng bước chân ai đó đi vào.
Một chiếc ghế bị kéo lê trên sàn. Một tiếng ho vang lên.
Rồi tôi nghe thấy một giọng nói.
“Cậu bé. Thức dậy đi nào. Bác đã trở lại!” Ôi chúa ơi! Bác lại đến nữa.
“Cậu bé, hãy nghe bác nói. Cháu sẽ sống, hiểu không? Cháu sẽ sống sót. Và khi cháu ra khỏi đây, chúng ta sẽ ăn mừng. Chúng ta sẽ gọi đó là Ngày John O’Leary ở sân bóng. Cậu bé, hãy tiếp tục chiến đấu.”
Bác ngừng lại một lúc lâu.
Rồi tôi nghe thấy: “Sớm gặp lại cháu.” Chiếc ghế bị đẩy lùi lại trên sàn.
Cánh cửa mở ra.
Tôi lại một mình. Căn phòng tràn ngập những tiếng bíp.
Bíp. Bíp. Bíp.
Tôi vẫn nằm trong bóng tối. Bị trói vào giường.
Không thể cử động. Không thể nhìn.
Không thể nói chuyện. Chỉ có một mình.
Với một suy nghĩ duy nhất: Đợi cho đến khi lũ bạn tôi nghe được chuyện này!
Jack Buck đã thay đổi cuộc đời tôi.
Bác bước vào đời tôi chỉ một vài ngày sau khi tôi bị bỏng.
Tỉ lệ sống sót vẫn cực kỳ nhỏ nhoi. Vì khả năng nhiễm trùng cao, những cá nhân duy nhất được phép vào phòng tôi là các nhân viên bệnh viện chủ chốt và bố mẹ tôi. Tại thời điểm đó có một quy định nghiêm khắc: Tuyệt đối cấm người tới thăm.
Điều đó đã thay đổi khi Jack Buck bước vào khoa bỏng tìm một cậu bé đã bị bỏng vào kỳ nghỉ cuối tuần trước. Nhân viên bệnh viện tham khảo ý kiến bố mẹ tôi và nhắc nhở họ rằng khách đến thăm có thể mang mầm bệnh vào phòng. Nhưng một cuộc thăm hỏi của một phát thanh viên huyền thoại mà cậu con trai bé bỏng thần tượng, nuốt từng lời phát ra từ miệng người ấy vào mỗi mùa bóng chày, chắc chắn cũng sẽ mang đến hy vọng. Lựa chọn được đưa ra là cho phép bác vào.
Bác chưa bao giờ gặp tôi hay gia đình tôi. Bác chỉ vừa được nghe kể rằng một cậu bé đã bị thương, phải đối mặt với những thử thách khủng khiếp và cần một vài lời động viên. Chỉ thế thôi là đủ với Jack.
Bác đeo găng tay y tế, mặc áo khoác cách ly, bước vào phòng tôi và vào cuộc đời tôi.
Bác không chuẩn bị tinh thần để đối diện với những tiếng bíp, những chiếc đèn báo, những tiếng ọc ạch ồn ào của máy hô hấp, cậu bé bị duỗi thẳng đơ ra trên giường, từ đầu đến chân bị băng kín mít. Sau này tôi biết được cuộc thăm hỏi đầu tiên của bác diễn ra chóng vánh vì bác đã xúc động đến nghẹn lời. Sau khi động viên tôi tiếp tục chiến đấu, bác rời khỏi phòng, xé rách đôi găng y tế và bật khóc ngoài hành lang.
Một y tá đến bên an ủi bác. Dù sao, không phải ngày nào họ cũng được tiếp đón một người nổi tiếng đến thăm khoa bỏng. Và tất nhiên họ cũng không thể nhìn thấy người nổi tiếng nhất St. Louis ngồi òa khóc trên sàn!
Cô y tá hỏi bác có sao không.
Jack trả lời bác không dám chắc. Bác hỏi cậu bé có qua khỏi không.
Người y tá lắc đầu và giải thích mức độ nghiêm trọng của các vết thương trên người tôi. Rồi cô chia sẻ: “Ngài Buck, tôi xin lỗi, cậu bé hoàn toàn không có cơ hội. Đã đến lúc cậu ấy phải đi rồi.”
Bác rời khỏi khoa bỏng với thông tin này.
Jack đã làm xong một việc thiện. Bác đã đi thăm một đứa trẻ đang nằm chờ chết trong bệnh viện. Bác không nợ gì tôi cả.
Bác đã làm đủ rồi.
Bác đã biết được rằng có một số đỉnh núi quá cao và cậu bé sẽ không thể leo lên đỉnh núi này được. Không có cơ hội nào cả.
Không một cơ hội nào.
Và bất chấp tất cả những lý do để từ bỏ hy vọng và tiếp tục với cuộc sống của mình, ngày hôm sau, Jack quay trở lại.
Một tình bạn khó tin đã diễn ra trong quãng thời gian tôi nằm viện. Jack thường xuyên đến thăm, kể về tôi trong những buổi phát thanh, đưa các cầu thủ bóng chày, bóng bầu dục, khúc côn cầu chuyên nghiệp đến phòng tôi sau khi bệnh viện cho phép khách vào thăm. Jack làm mọi việc trong khả năng của mình để động viên tôi tiếp tục chiến đấu, chiến đấu vì Ngày John O’Leary ở sân bóng.
Trong những ngày đáng sợ, ảm đạm nhất trong cuộc đời, tiếng nói của một người đàn ông đã thắp sáng màn đêm của tôi. Một cuộc thăm hỏi đã cho tôi một lời hứa để bấu víu. Một giọng nói đã dội lại hy vọng trong tôi.
Và bác đã tạo ra một tác động như vậy chỉ bởi vì một ai đó đã kể cho bác nghe câu chuyện của tôi.
CHÂM MỒI LỬA
Lửa là nguyên tố có sức hủy diệt khủng khiếp nhất trong tự nhiên.
Những cơn sóng lửa cuồn cuộn nuốt chửng mọi vật cản trên đường. Tất cả đều bị cháy trụi, không chừa lại thứ gì.
Ví dụ như trận hỏa hoạn Buckweed ở một vùng nông thôn ở phía bắc Los Angeles vào năm 2007. Được thổi bùng lên bởi những cơn gió mạnh và thời tiết hanh khô, lửa lan đi nhanh chóng. Ngọn lửa đơn lẻ này đã đẩy 15.000 người ra đường, phá hủy hàng chục công trình và thiêu cháy hơn hơn 15.000 hécta đất. Và tất cả bắt đầu chỉ vì một cậu bé nghịch một que diêm. Một người đưa ra một quyết định tồi có thể gây ra một tác động như thế đấy.
Ôi, nhưng một tia lửa đơn lẻ cũng có thể được khai thác vì mục đích tốt.
Lửa, một nguồn cung cấp nhiệt, nấu chín thức ăn cho chúng ta, sưởi ấm ngôi nhà của chúng ta và nướng chín kẹo xốp. Nó tôi luyện thép, hình thành thủy tinh và cung cấp năng lượng cho động cơ. Và trong tự nhiên, bất chấp sự tàn phá ban đầu, rừng cần lửa để sinh sôi.
Bạn thấy đấy, lửa dọn sạch gỗ mục, loại bỏ cây chết, cung cấp dưỡng chất cho đất, đập vỡ vỏ hạt và kích thích sinh trưởng. Một số hạt giống cần lửa làm mềm lớp vỏ ngoài sau khi rơi xuống đất để có thể bén rễ và mọc cây. Chỉ 1 năm sau những trận cháy rừng tàn khốc, sự sống mới sẽ bắt đầu nảy nở. Trong vòng 1 thập kỷ, khu rừng sẽ lại một lần nữa căng tràn nhựa sống.
Đó là sức mạnh của một tia lửa đơn lẻ khi được nhóm lên, được khai thác, được châm ngòi và kích hoạt những điều đúng đắn.
Vào ngày tôi bị bỏng, tin tức về trận hỏa hoạn và những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua đối với sự sống còn của một cậu bé đã lan truyền nhanh chóng. Nhiều năm trước khi có mạng xã hội, bi kịch này đã lây lan như vi-rút trong cộng đồng của chúng tôi. Hàng xóm, bạn bè và họ hàng là những người đầu tiên biết tin. Rồi họ chia sẻ với những người khác, động viên mọi người cầu nguyện và hành động để giúp đỡ một gia đình đã mất đi ngôi nhà và có thể sẽ mất thêm một đứa con.
Trong một ví dụ làm thay đổi cuộc đời, người hàng xóm kế bên nhà tôi gọi điện cho một người bạn, người này lại kể chuyện cho một người bạn khác, người bạn này sau đó đã chia sẻ tin tức với hàng xóm của mình tên là Colleen Schoendienst. Như bỏ thêm củi vào lửa, cô Colleen đã gọi điện cho bố mình và nhờ ông nhắc đến một cậu bé trong những lời cầu nguyện của ông.
Cú điện thoại đó đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Bố của Colleen, cầu thủ bóng chày vĩ đại của
Red Schoendienst, đi dự một sự kiện từ thiện vào buổi tối hôm đó. Ông ngồi cạnh bạn mình là Jack Buck và đề cập đến chuyện một cậu bé không có hy vọng sống sau khi bị bỏng nặng.
Đó là của cuộc nói chuyện.
Nhưng thế là đủ rồi.
Tác động của một tia lửa đơn lẻ thật sâu sắc. Đôi khi những hành động, những lời nói và những việc làm nhỏ nhất cũng có thể thay đổi cuộc sống. Chắc chắn rằng những cuộc thăm hỏi ngắn ngủi và những lời động viên của Jack Buck đã làm thay đổi cuộc đời tôi.
Nhưng chuyện đó thật ra không chỉ nhờ Jack, đúng không?
Còn cả Red nữa.
Nếu ông không chia sẻ tin tức, Jack đã không bao giờ biết, không bao giờ đến thăm, không bao giờ truyền cảm hứng cho tôi. Vậy nên công đầu là của Red.
Thôi nào, thật ra, đó cũng không phải là công của Red.
Đó là công của Colleen.
Cô đã gọi điện thoại. Cô đã kể cho bố mình nghe về trận hỏa hoạn. Cô là lý do Red biết. Cô là lý do Jack hay tin. Cô là lý do tôi sống.
Đúng không nhỉ?
Hay đó là người hàng xóm của cô?
Hay người bạn của người hàng xóm đó? Hay người hàng xóm kế bên nhà tôi?
Bạn của tôi ơi, chúng ta thường xuyên coi rẻ khả năng tạo ra những thay đổi cơ bản của bản thân. Chúng ta đánh giá thấp khả năng có thể trở thành một tia lửa châm ngòi của mình, khi mà điều đó có thể ảnh hưởng đến thế giới một cách quan trọng và sâu sắc.
Chúng ta sở hữu khả năng và cơ hội đem lại sự đổi thay tích cực và lâu dài cho cuộc sống quanh ta.
Những hành động đơn giản và những con người bình thường có thể thay đổi cả thế giới.
Việc này bắt đầu một cách đơn lẻ. Nó bắt đầu với bạn.
Nhưng bạn phải quan tâm.
MỘT CÂU HỎI ĐƠN GIẢN
Tôi đã có thể trả lời ngắn gọn.
Tôi vừa kết thúc bài nói chuyện trong một phòng hội thảo chật kín các nhà giáo. Khi tôi gặp các giáo viên và ký tặng sách sau đó, một người phụ nữ tuổi tứ tuần tiến lại gần, tự giới thiệu và ôm tôi một cái. Chị đưa sách cho tôi ký. Tôi viết tên chị, một lời động viên, ký tặng và đưa trả cuốn sách cho chị.
Chị nhìn mặt tôi, nhìn xuống hai bàn tay tôi và hỏi: “Em học làm việc này như thế nào? Em học viết như thế nào?”
Chị có một phút không?
Chị gật đầu và tôi chia sẻ với chị tôi đã học viết mà không cần các ngón tay như thế nào.
Một tháng sau khi tôi từ bệnh viện trở về nhà, chúng tôi xếp đồ lên xe tải. Bố và mẹ ngồi đằng trước, 6 đứa trẻ diện áo đỏ chen chúc phía sau. Lúc đó là đầu giờ tối và trời nóng nực, lưng chúng tôi dính vào những chiếc ghế bọc giả da đỏ trên xe khi chúng tôi hướng về phía trung tâm thành phố. Đây là ngày mà chúng tôi mong đợi kể từ lần đầu tiên Jack Buck đến thăm tôi. Đây là Ngày John O’Leary ở sân bóng. Chúng tôi sẽ có một đêm tuyệt vời!
Jack đón chúng tôi tại cổng dành cho báo giới và đích thân đẩy xe lăn của tôi vào trong sân vận động. Bác đưa tôi vào trong những khu vực thâm sâu nhất của sân, dọc theo một hành lang hẹp, đi qua một vài cầu thủ và nhân viên chỉ lối. Rẽ sang tay trái, con đường hầm tối và hẹp mở ra một khu vực có ghế ngồi dành cho các cầu thủ và huấn luyện viên. Leo lên 3 bậc cầu thang là sẽ thấy những thảm cỏ nhân tạo Astro Turf màu xanh lá cây, những chiếc ghế ngồi màu đỏ và sân bóng chày hình kim cương. Bố và Jack khiêng xe lăn của tôi lên cầu thang và vào trong sân bóng.
Đội bạn đang đỡ bóng. Tôi trố mắt nhìn sân vận động vĩ đại từ phía bên dưới.
Rồi Jack đẩy tôi đi ra khỏi sân, quay trở lại đường hầm tối tăm, đi qua một nhóm các sĩ quan cảnh sát và người chỉ lối, rồi đi vào trong một căn phòng có biển đề TRỤ SỞ CÂU LẠC BỘ ĐỘI ST. LOUIS CARDINALS. Bác đẩy tôi vào, đưa tôi đi một vòng quanh phòng và giới thiệu tôi với từng cầu thủ. Điều duy nhất tuyệt vời hơn việc gặp gỡ những thần tượng thời thơ ấu là việc gặp họ khi họ trần như nhộng! Y như một nhà tắm Hy Lạp! Tất cả các cầu thủ đều đang thoát y ở một mức độ nào đó, hoàn toàn thoải mái với việc này và đối xử vô cùng tốt bụng với cậu bé bất ngờ lăn ập vào không gian của mình trước trận đấu.
Đó là một trải nghiệm tôi sẽ không bao giờ quên. Rồi chúng tôi đi thang máy lên tầng cao cấp.
Đây tất nhiên là một sự thiết đãi không thể tin được dành cho gia đình chúng tôi.
Mẹ và các anh chị em của tôi được hộ tống đến một lô để nhìn xuống chốt gôn 3.
Jack dẫn bố và tôi vào văn phòng của bác, lô của phát thanh viên được đặt ngay sau gôn nhà. Nó có một tầm nhìn toàn cảnh và hoàn hảo hướng về phía sân vận động. Lô này được chia thành tầng với 2 khu vực ngồi, một là ở hàng ghế thứ nhất, còn khu vực kia là ở sau đó 5 bậc thang. Tối hôm đó, ngồi trên hàng ghế đầu tiên là nhà sản xuất chương trình, một phát thanh viên tên là Mike Shannon, cùng một phát thanh viên khác tên là Jack Buck và một cậu bé 9 tuổi ngồi xe lăn với làn da đỏ au, nẹp đeo đầy tay, chân và cổ, băng gạc che kín phần lớn cơ thể, mũ Cardinals đội trên đầu và miệng thì đang toe toét cười rạng rỡ.
Ngày John O’Leary ở sân bóng giống như mọi thứ tôi đã mơ.
Sau gần 4 tiếng chiến đấu, đội Cardinals giành chiến thắng trong những lượt chơi phụ với một cú đánh bóng trực tiếp. Tôi về nhà với 8 chiếc cốc nhựa trống không mà trước đó đã đựng soda. Tôi về nhà với những món quà lưu niệm: những quả bóng chày, những chiếc áo bóng chày và những cây gậy bóng chày. Và tôi về nhà với một đoạn băng thu lại chương trình phát thanh mà trong đó Jack đã liên tiếp mớm cho tôi những câu hỏi tuyệt đẹp và tôi đáp lại bằng những câu trả lời cộc lốc tầm thường đáng quên cho mỗi câu hỏi đó.
“Nào, hôm nay là một ngày mà tất cả chúng ta đều mong đợi. Sau một trận chiến dài trong bệnh viện, người bạn nhỏ của tôi đã có đủ sức đến đây với chúng ta đêm nay. Hôm nay là Ngày John O’Leary ở sân bóng và cậu bé dũng cảm ấy đang ngồi ngay bên cạnh tôi. Cậu bé, cháu có vui không?”
Bằng chất giọng the thé và căng thẳng, tôi nói vào chiếc micro quá khổ.
Có.
“Cháu đã bị bỏng trong một trận hỏa hoạn vào tháng Một, nằm nhiều tháng trong bệnh viện và chịu đựng hàng chục cuộc phẫu thuật. Bác cá là cháu đã rất vui mừng khi được ra viện và trở về nhà phải không?”
Vâng.
“Bác hiểu cháu yêu bóng chày. Cardinals là đội của cháu. Cháu có nghĩ đội tuyển này sẽ đem về cho chúng ta chức vô địch Word Series năm nay không?”
Có.
Và buổi phỏng vấn diễn ra như thế đó. Đúng là một chương trình phát thanh mê ly.
Nhưng bạn biết gì không? Jack không tập trung vào những câu trả lời của tôi. Bác quá bận rộn chú ý đến một chuyện quan trọng hơn nhiều.
Bác nhìn thấy một đứa trẻ nhỏ không thể đứng lên khỏi xe lăn, không thể sử dụng hai cánh tay hay cơ thể cùng hai bàn tay. Càng ngồi lâu, Jack càng nhận ra rằng đứa bé này đã sống sót, nó đã về nhà, nó đang ăn mừng ở sân bóng.
Nhưng cuộc chiến thật sự chỉ mới bắt đầu.
Và bác đã lựa chọn động viên tôi tiếp tục chiến đấu.
Một vài ngày sau, tôi nhận được một bưu kiện. Mẹ giúp tôi mở hộp ra và nằm ngay đó, được bọc bằng giấy, là một quả bóng chày có chữ ký của siêu sao chặn ngắn, Ozzie Smith. Bên dưới quả bóng là một bức thư ngắn của Jack.
Cậu bé, nếu cháu muốn có quả bóng thứ hai, cháu sẽ phải viết thư cảm ơn cầu thủ đã ký tên trên quả bóng thứ nhất. Bạn cháu, Jack Buck.
Viết một lời cảm ơn? Ừm, bác đang đùa à?
Tôi gần như không thể cầm một cái gì, nói gì đến cầm bút. Bác không nhìn thấy bố tôi đã cầm cốc cho tôi để tôi có thể uống hết 8 phần soda đó à?
Tất nhiên bác đã để ý. Jack Buck quan tâm.
Và đó là lý do tại sao bác gửi cho tôi quả bóng chày. Bố và mẹ đã van xin tôi cố gắng học viết trở lại.
Các bác sĩ trị liệu đang giúp tôi viết trở lại. Họ liên tục nhắc nhở tôi rằng tôi càng sớm biết viết chừng nào thì tôi càng có thể quay lại trường học sớm chừng ấy.
Mọi người coi đây là động lực à? Tôi thì không thích học!
Nhưng tôi yêu bóng chày.
Đương nhiên tôi muốn có một quả bóng có chữ ký nữa.
Đây là một ví dụ nữa về việc khi bạn biết tại sao, bạn có thể chịu đựng biết bao.
Với hai bàn tay vẫn bị băng bó, tôi nhờ mẹ cầm giúp một chiếc bút lên trước một tờ giấy và viết thư cảm ơn. Bức thư khiến tay tôi đau, phải viết lại mấy lần mới xong và lần cuối trông như gà bới. Nhưng bức thư đã cảm ơn Ozzie vì quả bóng, được gửi bưu điện và có đề tên tôi.
Mặc dù lúc đó chưa nhận ra, nhưng đó chính là một điểm uốn vĩ đại trong cuộc hành trình của tôi. Bước đầu tiên đến với chữ nghĩa, đến với trường học, đến với sự bình thường, đã được thực hiện vào ngày hôm đó. Nhưng tại thời điểm ấy, tôi đơn giản chỉ nghĩ về chuyện lấy quả bóng chày thứ hai.
Ba ngày sau, tôi nhận được quả bóng chày thứ hai trong thùng thư, với bức thư ngắn thứ hai.
Cậu bé, nếu cháu muốn có quả bóng thứ ba, tất cả những gì cháu phải làm là viết thư cảm ơn. Bạn cháu, Jack Buck.
“Mẹ ơi! Đến đây đi. Nhanh lên. Và mang cho con cái bút!”
Một lời cảm ơn nữa lên đường.
Một vài ngày sau một quả bóng chày nữa đến nơi:
Cậu bé, nếu cháu muốn có quả bóng chày thứ tư…
Bạn đã bắt đầu nhìn thấy quy luật ở đây chưa?!
Đến khi đội St. Louis Cardinals chơi ở World Series vào tháng Mười năm đó, một cậu bé ở St. Louis đã nhận được 60 quả bóng chày và đã gửi đi 60 lời cảm ơn.
Vài tháng sau Ngày John O’Leary ở sân bóng, một “cậu bé” bị bỏng mất hết các ngón tay đã có thể quay trở lại trường học.
Tất cả là nhờ một người đàn ông đã quan tâm. Và rồi bác đã đặt một câu hỏi đơn giản nhưng thiết yếu: Mình có thể làm gì hơn không?
Khi đặt câu hỏi này bác đã nhìn thấy khả năng ở những nơi người khác chỉ nhìn thấy giới hạn, đã hành động khi người khác chỉ đứng nhìn vẩn vơ và đã tập trung vào việc tạo ra sự khác biệt cho mọi người.
Câu hỏi đơn giản này đã đòi hỏi hành động ngay tại thời điểm bác ngồi xuống một cuộc bán đấu giá từ thiện và được biết rằng một cậu bé đã bị bỏng. Mình có thể làm gì hơn không? Được rồi… Mình sẽ đi thăm cậu bé.
Câu hỏi đơn giản này khiến bác kiên trì sau cuộc thăm hỏi đầu tiên khi nhân viên bệnh viện nói cho bác biết rằng cậu bé đang sắp chết. Họ nghĩ không còn hy vọng. Nào, mình có thể làm gì hơn không? Được rồi… Mình sẽ đi thăm cậu bé một lần nữa để cậu bé tin rằng là còn hy vọng.
Câu hỏi này đã dẫn đường cho bác đến thăm tôi trong suốt thời gian tôi nằm viện, giữ lời hứa về Ngày John O’Leary ở sân bóng và gửi 60 quả bóng chày sau đó. Mình có thể làm gì hơn không?
Người đàn ông này có một sự nghiệp thành công, một cuộc sống gia đình bận rộn, có lẽ có cả những cuộc vật lộn của riêng mình nữa, nhưng bác đã dành thời gian để đặt câu hỏi xem bản thân có thể làm gì hơn cho một cậu bé hay không. Đây là điều tôi mãi mãi biết ơn.
Bạn đang quan tâm đến điều gì? Phần lớn chúng ta đều chỉ quan tâm đến những vấn đề của bản thân. Chúng ta nhìn vào danh sách những việc phải làm của chúng ta, bảng cân đối thu chi của chúng ta, vòng eo của chúng ta, con cái của chúng ta. Chúng ta dành cả ngày nhìn vào điện thoại của chúng ta, kiểm tra thư điện tử của chúng ta, đọc các bài viết trên Facebook của chúng ta.
Nhưng Jack đã làm gì? Bác đã nhìn người khác.
Bác quan tâm đến những gì đang xảy ra xung quanh.
Không phải vì những gì bác có thể nhận được. Mà vì những gì bác có thể cho đi.
Đây là sự khác biệt giữa một cuộc đời thành công và một cuộc đời có ý nghĩa.
Đây là sự khác biệt giữa một bàn thắng nhanh gọn và một chiến thắng thật sự.
CHIẾN THẮNG THẬT SỰ
Tôi đã giới thiệu bạn với Glenn Cunningham rồi. Bạn có nhớ không, người đàn ông bị bỏng khủng khiếp khi còn nhỏ, phải học đi, bắt đầu chạy, trở thành vận động viên Thế vận hội và nhiều thập kỷ sau đã động viên tôi đừng bao giờ từ bỏ?
Nếu bạn đọc bài viết trên Wikipedia về ông, đó là tất cả những gì bạn biết, bởi vì nó chỉ miêu tả những vết bỏng của ông khi còn nhỏ và quá trình hồi phục sau đó. Nó miêu tả sự vươn lên của ông trong môn điền kinh - bắt đầu ở trường trung học, rồi đại học, tiến lên Thế vận hội và đỉnh cao là việc Glenn được xem là vận động viên điền kinh số một thế giới. Nó liệt kê các cuộc chạy đua, địa điểm, thời gian và kết quả. Nó đề cập đến việc ông giải nghệ vào năm 1940. Nhưng tôi sẽ tranh luận rằng khoảng thời gian 48 năm từ sau khi ông giải nghệ cho đến khi ông qua đời là giai đoạn tráng lệ và ấn tượng nhất của cuộc đời ông - và có lẽ của bất kỳ ai khác.
Bạn thấy đấy, sau khi trở về từ Thế vận hội, Glenn kết hôn và bắt đầu xây dựng tổ ấm trên một trang trại lớn ở Kansas. Ông và vợ mình, bà Ruth, đã có 3 con khi họ nghe tin về một gia đình người Nga phải tha hương trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Glenn và Ruth thảo luận về gia đình này, những nhu cầu của họ và cuối cùng là mời gia đình đang phải vật lộn đó về sống trong nhà trọ của mình trong một vài năm.
Sau khi ông giải nghệ, Glenn bắt đầu diễn thuyết cho các nhóm khán giả trên cả nước. Ông truyền cảm hứng, sự nhiệt thành và rõ ràng là có nhân cách cao đến mức khán giả đã bắt đầu viết thư cho ông. Họ cảm ơn vì thời gian ông đã bỏ ra, vì câu chuyện của ông, những thành thích của ông và sự động viên của ông. Một bức thư còn kể về một đứa bé đang sống chật vật, những thách thức cậu bé phải đối mặt và kết thúc với việc phụ huynh của cậu bé khốn khổ này ngỏ lời: Tommy có thể đến ở trang trại của ông một thời gian được không?
Glenn và Ruth đã có 3 con rồi. Họ bận rộn với công việc trang trại và quay cuồng với những cuộc rong ruổi trên đường.
Nhưng họ cũng cảm thấy có chút bất mãn vì họ tin rằng mình có thể làm hơn thế. Dù sao, họ cũng có nhiều đất, sở hữu một ngôi nhà 12 phòng và không dùng hết số phòng đó. Với một chút sáng tạo và tằn tiện, họ quyết định rằng mình có thể hỗ trợ tài chính cho một đứa bé nữa trong một thời gian. Có một đứa trẻ nữa để lấp đầy những căn phòng và tham gia vào gia đình thì có hại gì cơ chứ?
Nên họ đã gật đầu.
Glenn và Ruth tỏ ra là những phụ huynh và người bảo hộ xuất sắc. Chẳng bao lâu, các gia đình khác viết thư hỏi con họ có thể đến ở trong trang trại được không. Câu trả lời của nhà Cunninghams luôn nhất quán: Được.
Không lâu sau, tòa án bắt đầu gửi gắm những đứa trẻ có vấn đề tới nhà Cunninghams. Trong chớp mắt, tổ ấm của họ ngập tràn trẻ em đủ mọi lứa tuổi. Một số em ở một vài ngày hoặc một vài tuần. Một số em thì ở trong suốt mùa hè. Một vài em khác thì ở đó trong nhiều năm.
Cuối cùng, Glenn và Ruth có tất cả 12 người con. Nhưng họ không phân biệt những đứa trẻ họ cưu mang từ bên ngoài và những đứa con họ dứt ruột đẻ ra. Tất cả bọn trẻ đều được coi là con cái của gia đình Cunninghams và nhận được tình yêu thương vô điều kiện. Bù lại, những đứa trẻ này phải tuân theo quy tắc, làm việc nhà và phụ chăm sóc động vật trong trang trại. Nói một cách khác, chúng là một phần của gia đình.
Ruth và Glenn đã mở rộng trái tim và cả tổ ấm của họ. Trong hơn 4 thập kỷ, họ đã phục vụ, nuôi dạy, chăm lo và động viên hơn 9.000 đứa trẻ. 9.000 đứa trẻ lũ lượt đến và đi!
Ngày nay không có nhiều người có thể được làm việc đó.
Đầu tiên là mọi việc không hề dễ dàng về mặt tài chính. Công việc dường như là không bao giờ có điểm dừng đối với cả hai người. Nhưng họ đã tìm chỗ cho những đứa trẻ ấy. Hai người hiểu rằng tình thương và sự tôn trọng mà họ có thể dành cho bọn trẻ sẽ tạo ra sự khác biệt cho cuộc đời chúng.
Glenn rõ ràng biết sức mạnh của câu hỏi Mình có thể làm gì hơn không?
Nó đã dẫn dắt ông đi từ giường bệnh với những vết bỏng nghiêm trọng trên chân để bước lên bục danh dự nhận những chiếc huy chương đeo quanh cổ. Nó thúc đẩy ông từ một người cha an nhàn của 3 đứa con trở thành một tác nhân thay đổi tích cực, tác động đến hàng nghìn thanh thiếu niên khác. Và nó còn nâng tầm cuộc đời ông từ thành công và địa vị lên ý nghĩa và ảnh hưởng.
Thế giới tán dương địa vị. Huy chương Thế vận hội. Ngôi nhà to. Khuôn mặt đẹp. Chiến thắng. Nhưng những chiếc huy chương sẽ rỉ sét. Ngôi nhà sẽ xuống cấp. Khuôn mặt đẹp sẽ nhăn nheo. Những chiến thắng chúng ta tung hô thường trở nên rỗng tuếch.
Những cá nhân đạt được loại thành tựu cao nhất trong cuộc sống không chạy nước rút về phía thành công, mà là ý nghĩa. Họ không chạy đua để xây dựng doanh nghiệp, nuôi dạy con cái và sống cho bản thân mình, mà là họ làm những việc này để tạo ra sự khác biệt cho người khác. Họ cầm tay, lay động, yêu thương và tạo ra sự ảnh hưởng. Thông qua những hành động này, khi đạt tới chiến thắng, ngọn lửa mà họ nhóm lên sẽ cháy mãi về sau.
Glenn Cunningham kiến tạo một cuộc đời khó tin, không phải bằng những việc ông làm, mà bằng những thứ ông trao.
Bạn không cần phải là một vận động viên Thế vận hội để bắt đầu.
Bạn chỉ cần hành động ở những nơi mà bạn có thể.
Bạn chỉ cần gật đầu với cuộc sống.
SỐNG HẾT MÌNH
Tôi làm giáo sĩ bệnh viện trong ba năm.
Đó là công việc bán thời gian chủ yếu vào buổi tối và cuối tuần. Năm đầu tiên tôi phục vụ người lớn. Hai năm tiếp theo, một trong những thời kỳ có nhiều biến đổi nhất trong cuộc đời tôi, được dành cho trẻ em và gia đình của các bé ở một bệnh viện nhi.
Trong những cuộc thăm hỏi những em bé bị thương, bị ốm, hay đang nằm chờ chết, điều gì là thực sự quan trọng bỗng hiện ra rõ ràng trước mắt tôi. Đối với những gia đình này, những mối quan tâm trước đây về điểm số hoàn hảo, thể lực tốt, những môn thể thao phù hợp và sự nổi tiếng đã trở nên phai nhạt. Áp lực và cuộc chạy đua của một thời khóa biểu dày đặc để nâng tầm đứa trẻ trong càng nhiều lĩnh vực càng tốt, chuẩn bị cho chúng thành công trong cuộc sống, bỗng chốc bị xóa sạch. Thay vào đó, thời gian của họ được dành cho việc lường trước các kết quả xét nghiệm, cầu nguyện trong phòng chờ, mơ ước về một tương lai, bất cứ tương lai nào và thèm thuồng những cuộc nói chuyện mặt đối mặt. Những phụ huynh đang sợ hãi này và những đứa trẻ đáng kinh ngạc của họ sẽ cùng nhau chiến đấu vươn lên vì sức khỏe, sự bình thường và cuộc sống.
Họ hoàn toàn thức tỉnh trước những gì thật sự quan trọng.
Nhiều lần tôi đã rời khỏi những cuộc tương tác này, đi ra xe, đóng cửa xe và khóc. Tim tôi như vỡ vụn ra trước những thách thức to lớn trước mắt họ, nhưng tôi cũng được thôi thúc mãnh liệt bởi niềm say mê họ dành cho cuộc sống và tình yêu họ dành cho nhau.
Có một trải nghiệm vẫn còn đọng lại trong ký ức tôi cho đến tận ngày hôm nay.
Trong khi đi thăm một bé gái cùng chia sẻ với tôi niềm đam mê lớn với môn bóng chày và tình yêu đối với kem vani, máy nhắn tin của tôi rung lên. Tôi nhìn xuống màn hình và thấy số phòng kèm theo dãy số 4444. Tôi cảm thấy buồn nôn.
Đây là mật mã chúng tôi sử dụng khi trái tim của một bệnh nhân vừa ngừng đập, tức là một em bé đã không còn thở nữa. Nó báo hiệu cho một đội y tế lao ngay đến phòng bệnh. Họ cùng nhau làm việc để hồi sinh đứa bé.
Giáo sĩ là một phần của đội, có nhiệm vụ hỗ trợ các bác sĩ về mặt tinh thần và cầu nguyện cho những đứa trẻ. Nếu có bố mẹ chúng ở đó, thì chúng tôi sẽ ngồi bên họ để cùng vượt qua cơn khiếp sợ.
Trong những bộ phim truyền hình như ER1 hay Grey’s Anatomy2, khi mật mã xuất hiện thì ngay lập tức sẽ có một cặp bác sĩ ưa nhìn chạy như bay về phía phòng bệnh. Nền nhạc của Sarah McLachlan vang lên kịch tính. Các bác sĩ thường tiêm một vài loại thuốc, ấn một vài cái nút và sự sống quay trở lại một cách thần kỳ. Bài hát kết thúc, các bác sĩ ôm nhau và chúng ta chuyển sang phần quảng cáo.
1, 2 Hai bộ phim truyền hình dài tập của Mỹ về đề tài y khoa.
Cuộc sống thật không có âm nhạc, nó là một quy trình tàn bạo và sự sống hiếm khi quay trở lại.
Tất cả những điều này hiện lên trong đầu tôi khi phi như bay từ chỗ cô bạn 7 tuổi, dọc theo một hành lang, vào trong khoa Hồi sức tích cực và tiến về phía phòng bệnh. Tôi nhìn thấy bố mẹ của bệnh nhân nhỏ tuổi này đứng bên ngoài. Theo dõi. Quan sát một điều khủng khiếp mà không một bậc cha mẹ nào nên bị bắt phải nhìn.
Tôi bước đến bên họ, tự giới thiệu, giải thích chuyện gì đang xảy ra và ngỏ ý mời họ đến một phòng chờ riêng tư. Tôi không muốn cho họ nhìn thấy cảnh này. Tôi không muốn những ký ức có thể là cuối cùng của con họ là những khoảnh khắc này.
Người mẹ trẻ quay đầu về phía tôi, nghiêm nghị nhìn vào mắt tôi rồi nói: “John, chúng tôi không đi đâu cả. Dù anh thích hay không, chúng tôi sẽ ở bên con mình. Sống… hay chết.”
Cô ngoảnh mặt đi, ngả người vào chồng và hướng mắt trở lại nhìn con.
Chúng tôi đứng bên ngoài phòng bệnh theo dõi. Chúng tôi theo dõi các bác sĩ lần lượt trèo lên giường ấn mạnh vào ngực đứa bé. Chúng tôi theo dõi các nhân viên bệnh viện liên tiếp tiêm các loại thuốc khác nhau. Chúng tôi theo dõi các y tá lần lượt bóp oxy vào trong hai lá phổi của em. Cuối cùng, chúng tôi nhìn thấy một bác sĩ trẻ, trông tan nát vì mất mát, tiến lại gần và giải thích rằng họ không thể làm gì hơn: “Con của anh chị đã về với Chúa.”
Người mẹ lao qua bác sĩ, qua các nhân viên bệnh viện đang tập hợp xung quanh để lao về phía đứa con trai hai tuổi. Cô cúi xuống giường, vuốt tóc con ra sau, bế con lên và ôm con trong vòng tay.
Cô nhẹ nhàng đu đưa đứa bé trên tay và thì thầm hát ru.
Những nhân viên còn lại đi ra khỏi phòng. Người bố và tôi đi vào.
Chúng tôi không nói một lời nào.
Chúng tôi chỉ đứng bên nhau trong khoảnh khắc thiêng liêng và bi kịch ấy. Tất cả dường như chỉ là một giấc mơ.
Tôi đã phát hiện ra rằng trong những lúc xúc động mạnh, im lặng thường là hình thức giao tiếp tốt nhất. Một cặp đôi trẻ tuổi có thể đi dạo trong công viên, tay trong tay và không một lần lên tiếng. Một bậc cha mẹ có thể ngồi bên con, nhìn sóng đánh vào bờ, mặt trời lặn dần, đàn chim bay qua và không nói gì cả. Hai người bạn thân có thể ngồi đu đưa trên ghế trước hiên nhà mà không cảm thấy cần lấp đầy thời gian bằng những từ ngữ không đâu.
Gặp bi kịch cũng giống như vậy. Khi bị chẩn đoán là mắc bệnh hiểm nghèo, khi mất đi một người bạn thân, khi cuộc sống tan vỡ, chúng ta hiếm khi mong mỏi một ai đó bước vào và sửa sai bằng những lời nói. Không từ ngữ nào có thể xua tan đi nỗi đau trong lòng. Chúng ta chỉ mong mỏi một ai đó có đủ can đảm để ở bên, ngồi cạnh và khóc cùng chúng ta. Nói một cách khác, chúng ta chỉ muốn có một ai đó hoàn toàn hiện diện bên cạnh mà thôi.
Vậy nên chúng tôi chỉ đứng bên nhau, lặng lẽ. Cuối cùng, người bố khoác tay lên vai tôi và nói:
“John, anh có biết rằng chàng trai bé bỏng này là duy nhất và không thể thay thế không? Chúng tôi có 3 con, 9 tuổi, 7 tuổi và đứa bé này. Con là người làm gia đình chúng tôi hoàn chỉnh. Con chỉ mới 2 tuổi, nhưng con đã dạy chúng tôi cuộc sống là gì. Con thắp sáng mỗi ngày của chúng tôi và khiến nó rực rỡ hơn những ngày trước đó.”
Anh tiếp tục: “Có lẽ anh không biết điều này, nhưng con sinh ra đã bị ốm rồi. Đáng lẽ con không được rời bệnh viện, nhưng chúng tôi đã đưa con về nhà. Chúng tôi phải có cơ hội để được yêu thương con chứ. Và chúng tôi đã có con trong hai năm. Hai năm tuyệt vời.”
Người vợ tiếp tục đu đưa đứa con và anh tiếp tục chia sẻ những chi tiết về cuộc đời đứa bé. Tôi đứng bên cạnh người đàn ông, tay anh trên vai tôi, nước mắt chảy ròng ròng trên má tôi.
“Không, mọi chuyện không hề dễ dàng. Con không bao giờ ngồi thẳng được, không bao giờ nói được, không bao giờ giao tiếp được, nhưng như tôi nói, con là duy nhất và không thể thay thế.”
Một sự im lặng đặc quánh lại tràn ngập căn phòng. Người mẹ tiếp tục đu đưa đứa bé. Rồi cô ngẩng đầu lên và nói với chồng: “Anh kể cho anh ấy nghe về bức thư Hiệu trưởng gửi đầu tuần đi.”
Vào chiều thứ Hai, một bức thư đã được gửi về nhà từ vị Hiệu trưởng ở trường của 2 cậu con trai lớn đang học. Bức thư cảm ơn họ vì đã nuôi dạy được những người đàn ông trẻ tuyệt vời như vậy và nó còn giải thích niềm vui khi có được 2 học sinh này trong trường, rồi vị Hiệu trưởng đưa ra 2 ví dụ sinh động: “Các con trai của ông bà là những cậu bé duy nhất trong toàn trường đẩy xe lăn cho những em bị khuyết tật từ lớp này sang lớp khác. Các em làm việc này mà không cần ai nhờ vả hay đền đáp. Và các con trai của ông bà là những cậu bé duy nhất trong trường ngồi ăn trưa với các bạn cần được chăm sóc đặc biệt. Những đứa trẻ hạnh phúc, hiếu động ngồi đầy một phòng ăn lớn, nhưng những em có khó khăn chỉ ngồi đủ một bàn. Các con trai của ông bà luôn ngồi ở bàn đó cùng các bạn.”
Người bố nói xong và tôi nghẹn lời vì xúc động.
Khi còn nhỏ, tôi cũng từng cần được chăm sóc đặc biệt.
Khi trưởng thành, tôi kết hôn với một người phụ nữ làm việc với những đứa trẻ cần được chăm sóc đặc biệt.
Nghe người bố đau khổ tự hào kể chuyện, trong khi nhìn người mẹ đu đưa cậu con trai đã qua đời, làm tôi cảm động sâu sắc.
Tôi hỏi người bố: Có phải nhờ cậu bé tí hon này, nhờ phép màu bé bỏng này, mà hai cháu kia của anh chị mới có thể trưởng thành đến vậy không?
Người mẹ trả lời: “John, nhờ con, tôi trở thành một người mẹ tốt hơn, chồng tôi trở thành một người bố tốt hơn, các con trai tôi trở thành những cậu bé ngoan hơn. Và tất cả chúng tôi sẽ luôn luôn trở nên tốt hơn.”
Tôi trở thành một người mẹ tốt hơn. Chồng tôi trở thành một người bố tốt hơn.
Các con trai tôi trở thành những cậu bé ngoan hơn. Và tất cả chúng tôi sẽ luôn luôn trở nên tốt hơn. Tôi sẽ không bao giờ quên trải nghiệm đó, cuộc trò chuyện đó, những bậc cha mẹ đó cùng cậu bé hoàn hảo đó. Cậu bé đó đã dạy các anh mình biết quan tâm. Đứa em trai bé bỏng ấy đã khai sáng cho các anh trai của mình trước câu hỏi “Mình có thể làm gì hơn không?”. Cậu bé là tia lửa đã thổi bùng cuộc sống của gia đình đó. Họ sẽ mãi nhớ về cậu bé trong mỗi ngày họ sống chứ?
Chắc chắn rồi.
Nhưng họ sống mỗi ngày một cách hứng khởi là bởi vì cậu bé đã bước vào cuộc đời họ.
Cuộc đời cậu bé có phải là một thành công không? Nhiều người sẽ nói không.
Nhưng cuộc đời cậu bé có ý nghĩa không? Cậu bé có tạo ra sự khác biệt không?
Cậu bé có tác động tích cực đến người khác không? Một cách sâu sắc.
SỨC MẠNH CỦA MỘT NGƯỜI
Tôi có một nguyên tắc đơn giản: Không tranh luận với các nữ tu sĩ.
Tôi dần dần học được điều này từ những nữ tu sĩ mà tôi đã tiếp xúc hồi học tiểu học và trung học cơ sở, khi tôi nằm viện và trong những năm tháng làm giáo sĩ.
Một nữ tu sĩ giản dị từng viết: “Một mình tôi không thể thay đổi thế giới. Nhưng tôi có thể ném một hòn đá lên mặt nước để tạo ra nhiều gợn sóng.”
Câu nói này đến từ một người phụ nữ Albania nghèo túng và yếu ớt, người đã đi tàu đến một trong những đất nước nghèo nhất thế giới, tìm đến thành phố nghèo nhất, liều mình đi vào những ngõ hẻm nghèo nhất và bắt đầu lặng lẽ phụng sự những người mà bà tìm thấy ở đó. Từng người từng người một được bà chăm bón, âu yếm, nhân tính hóa và yêu thương. Bà thu hút những người khác đi theo lý tưởng của mình. Một phong trào bắt đầu. Hiện nay, dòng tu bà sáng lập, dòng Truyền giáo Bác ái, có 4.500 nữ tu sĩ phụng sự tại hơn 130 nước trên khắp thế giới. Mặc dù người lãnh đạo của họ đã ra đi, nhưng dòng tu do bà khởi xướng vẫn tiếp tục chăm sóc người tị nạn, trẻ em, người bị bệnh hủi, người mắc bệnh AIDS, người già và cả những người đang chờ chết. Họ là một tác nhân thay đổi vĩ đại trong một thế giới khốn khổ.
Tất cả là nhờ một người phụ nữ.
Nhiều giấy mực đã viết về Mẹ Teresa. Các cuốn sách chia sẻ về tuổi thơ, sự cải đạo, những thách thức, đam mê, tình yêu, niềm tin và thậm chí cả việc bà đã vật lộn với hoài nghi trong phần lớn cuộc đời mình như thế nào.
Nhưng chúng ta đừng hoài nghi điều này: Cuộc đời bà là ví dụ điển hình về việc một người có thể và luôn luôn có thể thay đổi thế giới.
Chúng ta không cần du hành đến Ấn Độ để tìm ví dụ.
Tất cả chúng ta đều có những ví dụ trong cuộc sống của chính mình. Nếu chúng ta chịu bỏ công ra tìm kiếm.
Sau khi tôi thuyết trình xong, các khán giả thường đến gần và chia sẻ những câu chuyện riêng của họ. Họ chia sẻ những câu chuyện về việc cuộc sống của mình đã được cải thiện như thế nào nhờ những con người bình thường đã ủng hộ, động viên và hành động.
Một tuần nọ, tôi được 3 tổ chức khác nhau mời diễn thuyết vào 3 thời điểm khác nhau trong 3 ngày liên tiếp. Địa điểm là ở New York, Missouri và Illinois. Sau mỗi buổi diễn thuyết, mọi người xếp hàng để kể câu chuyện của mình và về những người đã tác động tích cực đến họ trên đường đời.
Ở New York, một người đàn ông kể chuyện ông đã có mặt ở sân bay JFK nhiều năm trước, đang mua đồ ăn trưa và chuẩn bị trả tiền. Và rồi ông nghe thấy một giọng nói trầm, gay gắt vang lên ngay sau lưng: “Tôi sẽ trả tiền cho anh ấy.” Ông quay lại và nhìn thấy một người đàn ông mà ông nghĩ là mình đã nhận ra. Người lạ mặt giới thiệu mình là Jack Buck. Trước khi người đàn ông kịp lên tiếng, Jack đã đưa tiền cho người bán hàng. Người đàn ông chia sẻ rằng ông là một cổ động viên cốt cán của đội Mets, nhưng ngày hôm đó ông đã thôi ghét đội Cardinals và bắt đầu thích Jack Buck.
Thật tuyệt vời khi được nghe thêm một ví dụ nữa về việc Jack Buck đã thắp sáng cho một ngày của một ai đó. Kể cả khi ai đó là cổ động viên của Mets.
Ngày hôm sau ở Missouri, một người đàn ông tiến đến và kể về những năm tháng ông còn là một nghệ sĩ nghèo túng. Ông sống chật vật đến nỗi phải nhận sơn nhà để kiếm tiền. Ông chỉ kiếm được hơn đồng lương tối thiểu một chút.
Vào một ngày hè nóng nực, khi ông đang sơn các cửa sổ tầng 2 của một ngôi nhà, một giọng nói gay gắt gọi ông xuống cầu thang và khăng khăng bắt ông nghỉ ngơi một lúc. Người đàn ông sở hữu ngôi nhà mời người họa sĩ nghỉ ngơi và uống nước. Trong khi ngồi uống nước chanh tại bàn ăn của Jack Buck, Russell Irwin chia sẻ rằng ông yêu hội họa, nhưng thích vẽ trên giá hơn trên cửa sổ. Ông chia sẻ nỗi thất vọng và sự bất lực của bản thân trong việc cố gắng giới thiệu tài năng của mình ra thế giới.
Jack lắng nghe, đặt các câu hỏi, quan tâm và nghĩ ra một kế hoạch. Jack mời họa sĩ vẽ một bức tranh có mặt tất cả các cầu thủ của đội St. Louis Cardinals được lưu danh trong Đại sảnh Danh vọng. Họ sao chép bức tranh thành 250 bản và bán chúng để quyên tiền từ thiện. Nỗ lực này quyên được hơn 500.000 đô. Nó cũng là sự khởi đầu cho sự nghiệp của Russell Irwin.
Tôi không thể tin nổi. Một câu chuyện nữa về Jack Buck và cách bác thay đổi cuộc sống của mọi người bằng những việc đơn giản nhất.
Cuối cùng, sau ngày tôi diễn thuyết ở Illinois, một người đàn ông tiến lại gần tôi. Anh kể về lần đầu tiên diễn thuyết trước một nhóm đồng nghiệp. Anh phải diễn thuyết trước 400 người và đọc lời khai mạc tại một hội nghị về doanh số. Đã chuẩn bị sẵn các ghi chép, anh tiến lên khán đài, nhìn xuống đám đông, nhìn lại các ghi chép và hoàn toàn đóng băng.
Người đàn ông không thể cất lời được. Anh im lặng vụng về một lúc lâu.
Rải rác trong phòng nổi lên những tiếng rì rầm cười nhạo.
Thế rồi một người đàn ông tóc bạc trắng bước lên từ phía khán phòng. Ông tiến lên khán đài rồi khoác vai diễn giả. Ông đọc câu đầu tiên của những ghi chép, rồi nói: “Được rồi, cậu bé, chú nghĩ cháu có thể bắt đầu từ đây.”
Đúng vậy. Đó là Jack Buck.
Quý ông sợ sân khấu sau đó đã đọc được lời khai mạc. Anh nói với tôi rằng đó là bước ngoặt trong sự nghiệp và cuộc đời của anh. Anh bây giờ đã là Giám đốc tác nghiệp của tổ chức và dẫn chương trình cho hội nghị đó trong suốt 13 năm qua. Anh cho rằng mình thành công là nhờ một điểm uốn ngay khi anh bắt đầu sự nghiệp, khi từ ngữ không đến, khi mọi người khác giữ im lặng và khi Jack Buck bước lên phía trước.
Chỉ cần một người.
Làm những việc đơn giản.
Là đã có thể thay đổi cuộc đời của người khác. Jack là một người cực kỳ thành công trong chuyên môn.
Ông là một phát thanh viên được lưu danh trong Đại sảnh Danh vọng, được mọi người yêu mến vì cả giọng nói và sự quyến rũ. Trong nhiều thập kỷ, ông là phát thanh viên thể thao trực tiếp hàng đầu.
Thế nhưng, sau khi quen biết người đàn ông này, gặp gỡ các con ông, nói chuyện với vợ ông và nghe những câu chuyện về tác động của ông từ nhiều người trên khắp đất nước, tôi tin chắc rằng mình đã biết được bí quyết thành công của ông: Cuộc sống của ông không chỉ xoay quanh bản thân ông.
Bí quyết chỉ đơn giản như vậy thôi. Ông không giữ tỷ số. Ông làm việc không phải vì tiền. Ông sống không phải để thu lợi cho mình. Dù là một người nổi tiếng, nhưng ông không đề cao cái tôi.
Ông quan tâm đến những người xung quanh và hành động để giúp cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Những hành động của ông không ồn ào, không quá anh hùng, không quá tốn kém. Nhưng bằng sự đầu tư kiên định vào người khác, hiệu ứng của cuộc đời ông đã lan tỏa rộng khắp, ngay cả sau khi ông qua đời rất lâu.
Jack chắc chắn đã lựa chọn sống một cuộc đời nhiệt huyết. Ông là hiện thân hoàn hảo của lựa chọn thứ sáu: Chìa khóa dẫn tới sự vĩ đại thật sự trong cuộc sống là lựa chọn theo đuổi ý nghĩa, chứ không phải thành công.
Ông đã tìm kiếm ý nghĩa. Và khi làm vậy, ông đã thu hút được sự thành công. Vậy một người có thể tạo ra sự khác biệt không? Câu trả lời là một từ Có! đầy tuyệt đối, vang dội, hân hoan. Nhưng sức mạnh của một người đòi hỏi niềm tin.
Bạn phải tin.
Đến giờ phút này, hẳn là bạn đã quen thuộc với câu chuyện của tôi.
Trận hỏa hoạn.
Những vết bỏng.
Cơ hội mong manh. Phép màu.
Hoặc tôi là anh chàng may mắn nhất thế giới, hoặc có điều gì đó đang xảy ra ở đây.
Sự thật là, trên mỗi bước đi của tôi, một số người đã đưa ra những thực tế như: Bị bỏng 100% có nghĩa là không có cơ hội sống sót. Cậu bé sẽ không qua khỏi. Đến lúc nó phải đi rồi. Không có cơ hội nào cả. Được rồi. Như vậy nó đã sống, nhưng cuộc sống đó thật sự sẽ ra sao? Nó chắc chắn sẽ không đi được, nó sẽ không bao giờ viết được, nó sẽ không tích cực cống hiến được, nó sẽ không bao giờ trở lại “bình thường” được.
May mắn thay, trên mỗi bước đường đi, luôn có những người khác tin tưởng, đấu tranh và cầu nguyện cho tôi.
Jim. Quăng mình vào lửa, liều mạng anh để cứu mạng tôi.
Amy. Ôm chặt tôi và trấn an tôi rằng những gì tốt đẹp nhất vẫn đang đến.
Susan. Chạy đi tìm nước trong ngôi nhà đang cháy. Mẹ. Nắm tay tôi và nhắc nhở tôi hãy nắm tay Chúa. Roy. Bế tôi đứng thẳng lên và nhắc tôi: Cậu bé, quên cái chết đi. Em sẽ đi lại được.
Jack. Cậu bé! Thức dậy đi! Cháu sẽ sống!
Những con người này tin tưởng. Họ có niềm tin.
Họ biết tình hình có thể cải thiện. Và tất cả vẫn chưa phải là kết thúc.
Tin vào sức mạnh của một người cho phép chúng ta nhìn thấy nơi bản thân có thể tạo ra sự khác biệt. Nó cho phép chúng ta nhìn thấy cơ hội Mình có thể làm gì hơn không? Nó làm chúng ta giật mình tỉnh giấc, đánh thức sự quan tâm trong chúng ta và đòi hỏi chúng ta hành động.
Theo kinh nghiệm, việc luôn tin rằng Chúa vận hành vạn vật đã giải phóng cho tôi khỏi việc bị căng thẳng và lo lắng hàng ngày, việc bị đè bẹp bởi những bi kịch xung quanh và châm ngòi cho niềm tin sắt đá rằng những gì tốt đẹp nhất vẫn đang ở phía trước. Tôi tin rằng Chúa biết tất cả, yêu tất cả và sở hữu mọi quyền năng. Và tôi tin rằng bởi vì Chúa thường xuyên hiện hữu trong lời nói, hành động và tình yêu của chúng ta, nên chúng ta phải mở lòng ra để lắng nghe ý Người trong cuộc sống.
Sự tin tưởng mở cửa trái tim bạn trước tình yêu, mở mắt bạn trước khả năng và mở cửa cuộc đời bạn trước một sự thật, đó là cuộc sống của bạn, cũng như cuộc sống của những người khác, đều quan trọng một cách sâu sắc.
VÔ GIÁ
Tôi tốt nghiệp đại học.
Bạn đã đọc đến tận đây mà vẫn không tin phép màu có thể xảy ra à? Vậy thì đó chính là bằng chứng. Bằng cách nào đó, đứa trẻ can đảm nhưng không có động lực học hành này đã tốt nghiệp đại học.
Và một phép màu nữa đã xuất hiện vào đêm tốt nghiệp.
Tôi chưa bao giờ hẹn hò khi học cấp một và cấp hai. Thậm chí là cả cấp ba cũng thế. Và cơn hạn hán tiếp tục trong 4 năm đại học. Nhưng vào đêm tốt nghiệp, trời đã đổ mưa và phép màu của tình yêu xuất hiện.
Bạn có muốn nghĩ một lúc xem cô ấy trông như thế nào không?
Không, đừng ăn gian và xem ảnh đằng sau cuốn sách!
Bạn chỉ cần nhắm mắt lại và trong một phút, hãy nghĩ xem tình yêu trông như thế nào.
Bạn có nhìn thấy cô ấy trong đầu không? Không, hãy nghĩ lại đi. Không phải thứ tình yêu đó.
Tình yêu xuất hiện vào đêm tốt nghiệp không phải là vật chất, nó không phải là tình dục, nó không phải là khởi điểm của một mối quan hệ suốt đời. Thay vào đó nó là tấm lòng rộng lượng khó tin của Jack Buck, mà một lần nữa lại chảy vào đời tôi.
Chúng tôi đã duy trì tình bạn trong nhiều năm. Khi biết tin cậu bé không có cơ hội vượt qua trận hỏa hoạn và đương nhiên không có cơ hội viết trở lại, giờ đây đang tốt nghiệp đại học, Jack gửi cho tôi một món quà.
Trong bữa tối mừng tôi tốt nghiệp tại một nhà hàng, bao quanh bởi gia đình, tôi được trao cho một chiếc hộp được bọc đẹp đẽ kèm theo một bức thư ngắn của Jack Buck.
Từ đầu tiên là: “Cậu bé”. (Nhiều khi tôi tự hỏi Jack có bao giờ biết tên tôi không!)
Bức thư viết tiếp: “Vật này có nhiều ý nghĩa với bác. Bác hy vọng nó cũng có nhiều ý nghĩa với cháu.”
Tôi bóc giấy gói quà, mở chiếc hộp, nhìn vào trong và thấy một quả bóng chày nữa. Nhưng quả bóng này khác biệt. Nó nặng. Trông nó tối. Hình như nó được làm bằng thủy tinh. Rời khỏi bàn và phòng ăn tối tăm, tôi đi ra ngoài, tìm chỗ sáng để xem nó là gì.
Tôi mở cửa nhà hàng và vừa lúc mặt trời đang lặn, tôi lôi quả bóng ra khỏi chiếc hộp và giơ nó lên trước ánh sáng. Phản chiếu lấp lánh trên quả bóng chày bằng pha lê là dòng chữ được chạm khắc “Jack
Buck. Đại sảnh Danh vọng môn Bóng chày. 1987.” Đó là năm tôi bị bỏng.
Đó cũng là năm Jack được lưu danh trong Đại sảnh Danh vọng môn Bóng chày.
Đây là quả bóng chày Danh Vọng của Jack Buck. Tôi hụt hơi và đọc lại bức thư của bác.
Cậu bé, vật này có nhiều ý nghĩa với bác. Bác hy vọng nó cũng có nhiều ý nghĩa với cháu. Đây là quả bóng chày bác nhận được khi bác được lưu tên trong Đại sảnh Danh vọng. Nó bằng thủy tinh. Nó vô giá. Đừng đánh rơi nó!
Bạn cháu, Jack.
Tôi nhìn món quà vô giá này một lần nữa.
Tại sao Jack Buck lại tặng tôi một vật quý báu như vậy?
Đứng trước quả bóng sáng lấp lánh, tôi cảm thấy kém cỏi một cách thảm hại. Quả bóng chày này nên được trưng bày trong nhà bác. Nó nên được truyền lại cho thế hệ tiếp theo của gia đình bác. Nó không nên thuộc về tôi.
Tôi là một đứa trẻ 22 tuổi. Tôi sợ cả cái bóng của chính mình. Tôi không hề biết tôi là ai hay cuộc sống là gì. Tôi bị món quà làm choáng ngợp đến mức tôi mang nó về nhà tối hôm đó và vùi nó vào sâu trong ngăn kéo đựng tất.
Tôi không muốn ai nhìn thấy món quà mà tôi cảm thấy không xứng đáng được nhận. Tôi biết nếu ai đó nhìn thấy nó, họ có thể hỏi tôi có nó bằng cách nào. Rồi tôi có thể sẽ phải kể cho họ nghe tôi đã quen biết Jack ra sao. Rồi tôi có thể sẽ phải chia sẻ những vết sẹo và câu chuyện của mình. Tôi chưa sẵn sàng cho việc đó.
Vì vậy tôi giữ nó cho bản thân mình. Tôi giấu nó.
Trong bóng tối. Suốt nhiều năm.
Nhưng ánh sáng luôn chiến thắng bóng tối. Đôi khi chúng ta chỉ cần thời gian để đuổi những cái bóng đi.
Khi Jack tặng tôi quả bóng, bác không hề biết rằng một ngày nào đó bố tôi cũng bị đánh gục bởi căn bệnh mà bác phải chống chọi, bệnh Parkinson. Bác không hề biết bố mẹ tôi sẽ viết một cuốn sách. Bác không hề biết một ngày nào đó đứa trẻ sẽ lớn lên, đón nhận những vết sẹo và chia sẻ câu chuyện của mình.
Jack không hề biết rằng hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới sẽ được truyền cảm hứng bởi món quà của bác, sự rộng lượng của bác và từ cái cách bác bước vào cuộc đời của tôi. Bác chắc hẳn không hề biết ánh sáng của bác có thể tỏa sáng rực rỡ đến thế nào.
Jack cho đi vì một lý do đơn giản hơn nhiều. Bác cho đi vì bác có thể.
Khi làm vậy, bác đã truyền cảm hứng sâu sắc cho cuộc đời tôi.
Lúc nào tôi cũng nghĩ đến Jack. Tôi nghĩ đến ánh sáng mà giọng nói bác đã mang đến cho màn đêm của tôi trong bệnh viện. Tôi nghĩ đến Ngày John O’Leary ở sân bóng. Tôi nghĩ đến 60 quả bóng chày xuất hiện trong thùng thư đã dạy tôi viết trở lại. Mỗi lần tôi nhìn thấy quả bóng chày pha lê của bác chiếu sáng lung linh, phản chiếu ánh sáng quanh phòng, tôi lại nghĩ đến việc một con người có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào.
Tôi cũng nghĩ đến bác mỗi lần tôi chơi với đứa con trai đầu lòng của mình. Jack Buck sẽ yêu đứa con 10 tuổi của tôi. Bác sẽ yêu cả tên con nữa.
Jack.
Đừng tồn tại, hãy sống!
SỰ THÀNH CÔNG HAY Ý NGHĨA
Chúng ta kiếm sống bằng những gì chúng ta có, nhưng chúng ta sống bằng những gì chúng ta cho.
- Winston Churchill -
Tất cả chúng ta đều bận rộn.
Tất cả chúng ta đều có vô số trách nhiệm, nhiệm vụ và hàng trăm những việc lặt vặt khác. Bạn có thể đang cảm thấy: Chúa ơi, tôi không thể làm thêm một việc gì nữa. Tôi đã chạm đến giới hạn với gia đình, công việc và các hóa đơn rồi. Tôi có thể làm gì hơn đây?
Tôi ước mình có thể cho bạn thấy… ánh sáng rực rỡ từ chính của cuộc sống của bạn.
- Hafez -
Đây là điểm uốn của bạn. Thay vì giơ tay lên than vãn: “Chúa ơi, tôi có thể làm gì hơn đây?” - hãy mở rộng trái tim, chìa tay ra và ngỏ lời: “Tôi có thể làm gì hơn không?”
Tôi khuyến khích bạn đặt câu hỏi này ngay tối nay. Hãy viết nó ra. Đòi hỏi một câu trả lời. Tôi có thể làm gì hơn để đạt được những cơ hội trước mắt, để lấy lại sức khỏe, để ca ngợi một cách đầy đủ hơn những phúc lành mà Chúa đã ban, để yêu thương người thân hơn nữa, để quan tâm đến những người có lẽ đang cần một tia hy vọng?
Mọi việc bạn làm hàng ngày trong cuộc sống đều quan trọng một cách sâu sắc.
Khi bạn theo đuổi sự thành công, tia lửa của bạn sẽ cháy sạch nhanh chóng.
Khi bạn làm một việc gì đó có ý nghĩa, tia lửa sáng lên, lan sang người khác và cháy rực rỡ ngay cả khi bạn không còn đó.
Việc bạn lặng lẽ làm có thể không được đăng lên trang nhất, nhưng nó sẽ truyền cảm hứng cho người khác và đem lại ý nghĩa cho cuộc đời bạn.
Ngay hôm nay, bạn hãy quyết định giúp gia đình của bạn, cộng đồng của bạn, tổ chức của bạn và thế giới của bạn trở nên tốt đẹp hơn.
Hãy quan tâm.
Hãy hỏi: “Tôi có thể làm gì hơn không?”
Và nhìn vào những tia lửa đang được nhen nhóm lên để tạo ra sự thay đổi.
Hãy lựa chọn ý nghĩa.