Sự an phận thịnh hành, nhưng lòng dũng cảm mới tạo ra thay đổi.
Anh lại đến rồi.
Anh đã ở bên tôi trong suốt thời gian tôi ở đây. Anh là người phụ trách thay băng cho tôi. Anh là người bế tôi xuống giường, đặt tôi lên cáng, đẩy tôi dọc hành lang, thả tôi vào bồn và đưa tôi trở về.
Anh là một gã đàn ông khổng lồ. Trông anh giống hệt Apollo Creed. Bạn có biết tay võ sĩ quyền Anh vạm vỡ quyết đấu với Rocky không? Đúng rồi, khi anh không đánh nhau với Rocky, anh làm việc ở đây. Tôi gọi anh là Roy Khổng lồ.
Và anh từng là y tá yêu thích nhất của tôi.
Anh từng là người tôi yêu cầu vì anh hết sức nhẹ nhàng. Anh là người giỏi nhất trong việc cẩn thận bế tôi xuống giường, đẩy tôi đến nhà tắm và nhẹ nhàng đặt tôi vào bồn.
Anh từng là người giỏi nhất.
Nhưng bây giờ anh là người kém nhất. Anh đã thay đổi.
Tôi không chắc tại sao.
Trong vài ngày gần đây, anh vẫn vào phòng tôi, nhưng anh không đặt tôi lên cáng.
Thay vào đó anh vào phòng, tháo chiếc băng dán Velcro dùng để cố định tôi xuống giường, bế tôi lên, giữ cho tôi đứng thẳng và ra sức bắt tôi tự bước đến phòng thay băng.
Hai chân tôi treo lủng lẳng giữa hai chân anh.
Anh không biết tôi không thể đi à? Anh không biết chân tôi không hoạt động à?
Hai bàn chân tôi thậm chí còn không chạm xuống sàn. Bàn chân và cẳng chân tôi nhức nhối tột độ. Tất cả máu trong người đổ dồn xuống phía dưới. Tình trạng này làm hai chân tôi nóng khủng khiếp. Tôi bảo anh đặt tôi xuống. Đẩy tôi về phòng. Tôi bảo anh tôi đau. Tôi bảo anh dừng lại.
Thay vì nghe lời tôi, anh trở nên nhỏ mọn.
Hai chân tôi bị kéo lê trên sàn giữa hai chân anh và anh nói với tôi: “Cậu bé, em sẽ đi trở lại. Em nên quen dần với việc này đi. Cố lên, anh sẽ đi cùng em.”
Nghiêm túc đấy. Bạn có tin được không? Ý tôi là, anh ta đang nghĩ cái quái gì vậy?
Hai chân tôi vẫn bị băng bó kín mít. Và dưới những lớp băng đó là một đống phế thải.
Tôi không thể cử động hai cẳng chân. Tôi không thể dồn lực xuống hai bàn chân. Tôi không còn cơ nữa.
Tôi sẽ không thể đi được nữa.
Và tôi bằng lòng với chuyện đó.
Bố và mẹ sẽ chăm sóc tôi. Các chị em gái của tôi cũng sẽ giúp tôi.
Tôi không cần đi. Hay làm bất cứ việc gì nữa. Tôi sẽ ổn khi cứ là tôi bây giờ.
Thế mà giờ anh lại đang ở trong phòng tôi.
Anh tháo dây buộc cánh tay phải của tôi. Rồi cánh tay trái.
Anh gỡ dây buộc cẳng chân trái của tôi. Rồi cẳng chân phải.
Anh nhẹ nhàng đỡ tôi dậy, bế tôi ra khỏi phòng. Và rồi anh lại làm việc đó.
Anh hạ hai chân tôi xuống sàn. Hai bàn chân tôi chỉ hơi sượt lên sàn. Anh ôm chặt tôi. Anh bắt đầu di chuyển tôi về phía phòng thay băng. Hai chân tôi lủng lẳng vô hồn giữa hai chân anh.
Và rồi anh bắt đầu nói chuyện với tôi.
“Cậu bé, hãy nghe anh: Em sẽ đi trở lại. Em nên quen dần với việc này đi. Cố lên, cử động hai chân đi. Đấy được rồi. Cậu bé, cố lên, anh sẽ đi cùng em”.
Tôi cố phớt lờ anh và phớt lờ cơn đau mà anh đang gây ra.
Tôi cúi gằm mặt xuống sàn.
Gì cũng được, Roy.
Em sẽ không đi trở lại.
Một chiếc xe bán tải cũ dừng lại trên đường, người lái xe vào nhà tôi.
Tôi đang chờ đợi khoảnh khắc này, chiếc xe tải này và người đàn ông lái nó. Tôi ngồi trên một chiếc ghế trong phòng chính quan sát một ông lão bước xuống xe. Ông đóng cửa xe lại, quay người và đi về phía nhà chúng tôi.
Lúc đó là cuối đông, khoảng 1 năm sau khi tôi bị bỏng. Mặc dù cuối cùng tôi cũng thoát khỏi xe lăn, người tôi khom về phía trước, hai cánh tay tôi khuỳnh ra thành góc vuông, những chiếc nẹp vẫn tô điểm cho hai cánh tay, cổ và hai cẳng chân, tôi bước đi rất tập tễnh. Các bài tập vật lý trị liệu đang diễn ra làm tôi đau đớn và có tác động chậm. Chắc chắn rồi, tôi vẫn đang “đi”, nhưng không như bình thường. Giờ đây, khi tôi đã ra viện, tôi mong mỏi được trở lại là một đứa trẻ bình thường. Được chạy nhảy. Chơi bóng chày. Ném bóng rổ. Theo kịp những đứa trẻ khác. Quá trình hồi phục đã kéo dài quá lâu và tôi cảm thấy nản lòng.
Thế rồi một quý ông gọi điện cho bố mẹ tôi. Ông đã nghe nói về câu chuyện của tôi và muốn đến thăm tôi. Ông muốn đi dạo một vòng với tôi. Một đối một. Đàn ông với đàn ông.
Đó là tất cả những gì tôi biết khi tôi mở cửa đón ông. Chúng tôi đứng làm quen trong phòng chính, bố mẹ tôi chúc chúng tôi đi dạo vui vẻ và hai người “đàn ông” chúng tôi đi tập tễnh ra ngoài. Chúng tôi có dáng đi giống nhau, ông là vì tuổi cao tôi là vì bị sẹo toàn thân.
Và ông lão này đã kể cho tôi nghe câu chuyện của mình.
Tên ông là Glenn Cunningham.
Ông hỏi tôi có biết gì về ông không. Tôi lắc đầu.
Vậy nên ông kể cho tôi nghe một chút về bản thân.
Khi còn trẻ ông là siêu vận động viên của Mỹ. Có thời điểm ông đã giữ kỷ lục thế giới trong môn điền kinh. Là một vận động viên điền kinh tham dự Thế vận hội, ông đã giành huy chương bạc tại Thế vận hội năm 1936.
Ông dừng lại và quay đầu nhìn tôi.
“Nhưng cháu biết gì không? Cháu và ông, John ạ, chúng ta không khác nhau mấy. Khi ông còn nhỏ, ông cũng bị bỏng trong một trận hỏa hoạn. Ông đang cố nhóm lò sưởi trong trường với anh trai. Trời thì lạnh và bọn ông là những đứa trẻ đầu tiên đến trường ngày hôm đó. Bọn ông muốn nhóm lò sưởi để phòng học ấm lên khi các bạn khác đến lớp. John, bọn ông không hề biết rằng đêm hôm trước người ta đã thay bình dầu hỏa bằng bình xăng. Điều đó không hay, đúng không?”
Tôi lắc đầu. Không, ông ơi. Không hay một tí nào.
“John, buổi sáng hôm đó, trong ngôi trường đó, ngay cạnh chiếc lò sửa đang cháy, bình xăng đã phát nổ. Tất cả mọi thứ đều bốc cháy. Toàn bộ căn phòng đều… đều biến thành lửa.”
Ông ngừng lại và nhìn đi chỗ khác.
“Anh trai ông, Floyd, là người bạn thân nhất của ông. Anh ấy là một phần trong mọi ký ức tuổi thơ mà ông có và anh ấy đã ở cùng ông trong ngồi trường đó vào buổi sáng hôm đó. Anh ấy đã qua đời 9 ngày sau trận hỏa hoạn.”
7 thập kỷ sau sự mất mát đó, nỗi đau vẫn chất chứa trong giọng nói của Glenn, nỗi buồn vẫn hiển hiện trong mắt ông. Thời gian đã không chữa lành những vết thương đó.
“John, ông bị bỏng khắp người. Mặc dù ông biết ơn vì được sống, nhưng ông bị đau dữ dội đến mức đôi khi ông muốn chết. Cháu có hiểu ông nói gì không?” Tôi không trả lời ngay lập tức. Chúng tôi tiến thêm một vài bước nữa. Cuối cùng, tôi ngước mắt nhìn ông và khẽ khàng trả lời.
Có. Cháu hiểu.
Chúng tôi tiếp tục đi chầm chậm trên vỉa hè. “Toàn thân ông bị bỏng, nhưng hai chân ông bị bỏng nặng nhất. Bác sĩ muốn cưa chân ông vì chúng bị bỏng nặng quá. Nếu chúng bị nhiễm trùng, ông chắc chắn sẽ chết. May mắn thay mẹ ông đã cầu xin bác sĩ cứu chúng, bà hứa sẽ chăm chỉ thay băng, mỗi ngày, miễn là ông có cơ hội tập đi trở lại”.
Ông ngừng lại một lần nữa. “Ông đã mất nhiều thời gian, John. Ông đã mất nhiều thời gian để có thể ra khỏi giường. Ông đã mất nhiều thời gian để có thể đứng lên, để có thể đi lại và để có thể nghĩ đến việc chạy”.
Sao ông làm được?
“Ban đầu mẹ ông bế ông ra ngoài và đặt ông đứng cạnh hàng rào chạy quanh nhà ông. Ông bám vào hàng rào cho đến khi bị ngã. Ông đứng dậy, bám lâu hơn và lại ngã. Rồi bà bế ông quay vào nhà. Sau một thời gian, ông tự đi cà nhắc ra khỏi nhà. Ông đến bên cạnh hàng rào và bám vào cái hàng rào chết tiệt đó bằng cả hai tay và chầm chậm dò dẫm theo hàng rào, từng bước từng bước vòng quanh trang trại. Rồi buông cả hai tay! Ông bắt đầu đi bộ quanh hàng rào, rồi chạy bộ và cuối cùng là chạy nước rút. Ông chạy nhanh hơn. Có thể chạy xa hơn. Rồi ông bắt đầu chạy đua. Ông không nghĩ mình sẽ tham gia Thế vận hội. Tất cả những gì ông biết là, ông sẽ không chịu ngồi mà sống. Thế nên ông đứng dậy, đặt một bàn chân xuống trước bàn chân kia. Và ông không bao giờ nhìn lại phía sau và cũng không bao giờ từ bỏ. Khi sống trong trang trại đó. Khi chạy ở trường đại học. Khi chạy đua ở Thế vận hội Berlin.”
Glenn quay đầu nhìn tôi và vụng về cúi xuống để ông có thể nhìn vào mắt tôi. Giọng ông rắn rỏi và kiên quyết.
“John, ông không lái xe đến tận đây để nói về bản thân mình. Ông ở đây là vì ông tin cháu. Ông đã nghe nói về những gì cháu đã trải qua - và ông hiểu những gì cháu đang trải qua bây giờ. Đây là một cuộc chiến. Mỗi ngày là một cuộc vật lộn. Nhưng hãy nghĩ về quãng đường dài mà cháu đã đi qua kể từ ngày đầu tiên trong bệnh viện. Mọi người không nghĩ cháu sẽ sống sót qua đêm đó! Và giờ cháu ở đây, chứng minh rằng họ đã sai!”.
Tôi gật đầu.
“Cháu đã đi xa biết bao, John. Và cháu chỉ đang bắt đầu. Hãy mường tượng cháu đang làm bất cứ việc gì mà cháu khao khát. Hãy hình dung việc đó. Đừng thỏa mãn với sự tầm thường. Cháu sẽ làm được bất cứ việc gì miễn là cháu tin rằng mình có thể làm được. Hãy đặt ra những mục tiêu cao xa và mong chờ những thành tựu to lớn. Đừng lùi bước khi cuộc sống trở nên khó khăn. Đừng bao giờ từ bỏ những ước mơ của mình. Đó là chìa khóa: Đừng bao giờ từ bỏ.”
Chúng tôi quay trở về nhà và trên đường về, Glenn đã đặt những câu hỏi và cho tôi những lời động viên.
Tôi cần Glenn vào thời điểm đó. Tôi cần biết có một người khác đã từng đi trên con đường giống tôi. Là một đứa trẻ 10 tuổi, được đi dạo cùng một vận động viên đoạt huy chương Thế vận hội, một người sống sót sau hỏa hoạn và ông đã thay đổi cảm nhận của tôi về hoàn cảnh hiện tại của mình. Đó là lần đầu tiên tôi thật sự tin rằng nếu ông có thể làm điều đó, tôi cũng có thể.
Đến lúc ông phải ra về, tôi tiễn ông từ hiên nhà ra đến chỗ đỗ chiếc xe bán tải màu đỏ của ông. Ông nổ máy một vài lần, nhưng cuối cùng động cơ cũng khởi động được. Ông quay cửa kính xuống, thò đầu ra ngoài, vẫy tay và vừa lái xe đi vừa hét: “John, đừng bao giờ từ bỏ!”
Đó là một cuộc trò chuyện khó tin. Nó đã làm thay đổi cuộc đời tôi.
Và nó đã suýt không xảy ra.
Chỉ 2 tuần sau khi Glenn lái xe đi khỏi nhà tôi, ông đã qua đời tại nhà riêng ở Arkansas. Ông hưởng thọ 78 tuổi. Một người đàn ông đã dành cả đời vượt qua thử thách và rộng lượng quan tâm đến người khác đã phân phát một món quà cuối cùng, một tia hy vọng cho một cậu bé nhạy cảm vẫn đang tập đi.
Chuyến đến thăm của Glenn xảy ra hơn 1 năm sau khi lời nói của y tá Roy thúc giục tôi tiến lên phía trước, giọng nói sâu lắng của anh vang lên bên tai tôi và mơn trớn hy vọng trong tim tôi. “Cậu bé, em sẽ lại đi được. Anh sẽ đi cùng em.”
Những cuộc thăm bệnh của Roy cũng cần thiết. Dù ban đầu tôi ghét anh đến mấy, không tin việc đó là có thể và không thích sự đau đớn do những bước đi đến bồn tắm gây ra, nhưng đến một ngày, mọi chuyện đã thay đổi. Đến một ngày, khi chúng tôi quay lại phòng thay băng, tôi đã tin. Đến một ngày, tôi đã tin việc anh đang cố gắng làm. Có lẽ, chỉ là có lẽ thôi, tôi sẽ làm được. Tôi sẽ lại đi được.
Đôi khi, chúng ta cần người khác đi cùng chúng ta, cùng hình dung những gì có thể trong cuộc sống.
Tôi sẽ không là tôi ngày hôm nay nếu không có Glenn và Roy. Hai người đàn ông này đã gặp tôi ngay tại chỗ tôi đứng, nhưng dứt khoát không cho phép tôi cúi đầu trước những thách thức của hiện tại. Họ cổ vũ tôi tiến lên, chỉ cho tôi nơi tôi có thể đến. Họ vạch ra một viễn cảnh lớn lao, táo bạo. Họ tin trước khi tôi tin.
Hai người đàn ông này đã dạy cho tôi một điều kỳ diệu.
Họ chỉ cho tôi sức mạnh của việc nhìn lên.
HỌC BAY
Tôi yêu những lúc tan sở trở về nhà.
Một vài tuần trước, khi dừng xe trên đường lái xe vào nhà, tôi được 3 đứa con, Jack, Patrick và Grace chào đón ở ngay cửa xe. Tôi lần lượt ôm các con, chơi đuổi bắt một lúc, rồi vào nhà để tìm Henry và vợ tôi.
Beth đang chuẩn bị bữa tối. Chúng tôi hôn chào nhau, nói chuyện một chút về một ngày của chúng tôi và về buổi tối phía trước. Rồi cô ấy nhờ tôi đi gọi bọn trẻ vào ăn tối. Vẫn không nhìn thấy Henry, tôi ra ngoài hành lang gọi con. Không có tiếng trả lời.
Con mới 4 tuổi nên tôi bắt đầu thấy hơi lo.
Tôi đi lên cầu thang gọi con.
Vẫn không có tiếng trả lời.
Tôi đi thẳng lên đầu cầu thang, vào trong phòng sinh hoạt gia đình, căn phòng trên cao nhìn xuống sân sau. Phòng này có cửa sổ ở 3 mặt và một tầm nhìn toàn cảnh đẹp. Và tối nay, đứng trên thành sau của ghế sô pha, trán ép vào cửa sổ, là một chú bé tí hon đeo mặt nạ Thiếu niên Ninja Rùa đột biến, khoác áo choàng Siêu nhân và tay phải cầm một thanh gươm ánh sáng.
Chú bé quay đầu và vung thanh gươm ánh sáng trước mặt tôi đầy đe dọa.
Tuần trước, chúng tôi đã phải đưa người đàn ông nhỏ tuổi này đến phòng cấp cứu khâu vài mũi. Đó không phải là lần đầu tiên con đến đó. Từ những vết cắt sâu, rộng miệng trên hai bàn tay cho đến một đồng 25 xu bị nuốt vào trong bụng, chúng tôi đã trở nên thân quen với các y tá phòng cấp cứu trong mấy năm qua. Vì không muốn phải đến chỗ những người bạn y tá một lần nữa, tôi liền quát:
Henry, bỏ gươm ra và bước xuống ghế ngay! Nếu con ngã từ cửa sổ, con sẽ nhanh chóng phát hiện ra con không thể bay. Xuống ngay, Hen!
Henry nhảy xuống đất, chạy đến bên tôi và tấn công tôi bằng những đòn chặt tay karate và những cái ôm. Tình yêu của con khiến tôi ngừng lại, xoa dịu trái tim tôi và nhắc nhở tôi rằng chẳng bao lâu nữa con sẽ thật sự tin những lời tôi nói.
Chẳng bao lâu nữa con sẽ hạ thanh gươm sáng choang kia xuống và vứt nó đi mãi mãi. Con sẽ nghĩ:
Làm gì có ai gọi là siêu nhân.
Chẳng bao lâu nữa con sẽ cởi áo choàng ra, bước xuống ghế sô pha, đi về phòng, nhét áo choàng vào trong một góc tủ quần áo và nghĩ: Tất cả chỉ là giả vờ. Trò trẻ con.
Nói một cách khác, chẳng bao lâu nữa tất cả sự đùa nghịch hết mình, sự sáng tạo và hy vọng cuồng nhiệt cho từng khoảnh khắc sẽ bị hút ra khỏi tâm hồn con. Chẳng mấy chốc, con sẽ như tất cả chúng ta. Áo nhét trong quần. Chân trái bước trước chân phải. Sống như mọi người khác. Tin rằng một cuộc sống lý thú điên rồ, tràn đầy niềm vui, nơi bất cứ cái gì cũng có thể, là không thể.
Là một phụ huynh, tôi chỉ muốn giữ cho Henry được an toàn. Nhưng khi chúng ta cố gắng chọn an toàn và ra sức sống an phận, chúng ta đã bỏ lỡ những cơ hội lớn lao trong cuộc đời.
Tất cả đều đã phải đối diện với những khoảnh khắc khi chúng ta chỉ muốn giữ nguyên vị trí của mình. Dù chúng ta quá tổn thương, hay quá muộn, hay quá sợ hãi, những lý do bao biện đó xuất hiện vì chúng ta được đào tạo để cúi mặt xuống đất, săm soi mặt đất đầy sỏi đá trước mắt, cố sao cho khỏi vấp. Chúng ta phải sống an toàn, chúng ta nghĩ. Nhìn xuống là thiết thực. Không muốn trông ngu ngốc. Không muốn ngã.
Nhưng khi nhìn chằm chằm xuống chỗ mình đang đứng, ta không thể nhìn thấy những nơi ta có thể đi. Chúng ta bỏ lỡ vẻ đẹp của điều có thể. Và chúng ta chắc chắn không thể nhìn thấy con đường dẫn đến đó.
Việc chúng ta cần làm là hãy thì thầm với bản thân rằng: “Cái gì cũng có thể.” Việc chúng ta cần làm là dũng cảm quay trở lại chiếc ngăn kéo nơi chúng ta đã cất áo choàng đi. Bạn nhớ không, chiếc áo choàng bạn đã mặc khi còn nhỏ, khi cuộc sống còn tràn đầy tiềm năng vô hạn? Chúng ta cần có đủ dũng cảm để khoác lại chiếc áo choàng đó. Để ngước mắt nhìn chân trời. Để trèo lại lên ghế sô pha. Và để dám bay.
Đã đến lúc dám trở lại. Nó có thể gây đau đớn.
Nhưng nó sẽ hoàn toàn đáng giá.
NHỮNG BÀI HỌC TRONG KHO DỤNG CỤ
Trong 5 tháng trời, tôi đã bị trói vào giường bệnh. Trong những tháng ngày chiến đấu chỉ để sống sót sau trận hỏa hoạn đó, phần cơ của tôi teo đi và người tôi không còn cơ nữa. Bên cạnh việc thiếu cơ, phần da ghép trên người đang cứu sống tôi, nhưng cũng đặt ra một thách thức khác. Những miếng da ghép to như những con tem lấy từ da đầu tôi được đặt một cách chiến lược, để che phủ những khu vực trên cơ thể nơi da đã hoàn toàn bị cháy trụi. Lớp da mới này đem theo một chướng ngại mới: sẹo. Những vết sẹo dày bắt đầu co kéo các khớp xương của tôi. Đây là lý do tại sao tôi bị trói xuống giường theo hình chữ X với hai cánh tay và hai cẳng chân duỗi thẳng ra. Nếu lớp da ghép co lại, người tôi hoặc sẽ khó cử động hoặc sẽ dần quay trở về tư thế bào thai.
Để ngăn chặn điều này, tôi cần được co duỗi. Tôi cần vật lý trị liệu.
Hàng ngày, Maureen và Brenda xuất hiện trong phòng tôi, tháo dây trói, gỡ máy móc ra và đặt tôi lên một chiếc xe lăn. Họ đẩy tôi ra khỏi phòng, ra khỏi khoa bỏng, đi dọc hành lang, vào trong thang máy. Họ ấn nút ghi chữ B và chúng tôi đi xuống tầng hầm. Đó không bao giờ là một dấu hiệu tốt cả.
Họ đẩy tôi vào trong một phòng vật lý trị liệu rộng lớn, nhẹ nhàng nhấc tôi lên và đặt tôi nằm xuống một tấm chiếu màu vàng. Ngồi giữa nhiều bệnh nhân khác, họ bắt đầu chầm chậm duỗi từng khớp xương trên người tôi ra. Thường bắt đầu với hai mắt cá nhân và các ngón chân, họ cố gắng vận động các khớp xương của tôi càng nhiều càng tốt.
Họ luyện tập mỗi khớp xương trong một vài phút.
Nghỉ một lúc.
Bẻ nó theo hướng ngược lại. Nghỉ một lúc.
Rồi chuyển sang khớp xương tiếp theo. Rồi tiếp theo. Hai mắt cá chân. Hai hông. Hai cánh tay. Hai cẳng chân. Toàn bộ cơ thể.
Rồi họ lật người tôi xuống và bắt đầu co duỗi mọi bộ phận một lần nữa.
Tôi đau như bị tra tấn.
Sau 45 phút là đến giờ giải lao. Họ nhấc thân thể mềm nhũn của tôi lên khỏi chiếu và đặt tôi trở lại xe lăn. Họ đẩy tôi dọc theo một hành lang, rẽ sang tay trái, mở một cái cửa và đẩy tôi vào trong. Căn phòng chất đầy giẻ lau, xô, chổi và chất tẩy rửa.
Đó là kho để dụng cụ của người lao công.
Bạn thấy đấy, họ đang chuẩn bị bắt tay vào phần gay go nhất của quá trình trị liệu của tôi: gập đầu gối tôi. Nếu đến một lúc tôi có thể đi trở lại, hai đầu gối của tôi phải gập lại được. Nhưng bây giờ chúng đang bị khóa trái một chỗ.
Các bác sĩ trị liệu này dẫn tôi vào kho dụng cụ vì tôn trọng tôi (và những bệnh nhân khác). Họ muốn tôi có thể kêu gào trong đau đớn. Và họ không muốn làm những người khác sợ.
Chúng tôi có một quy trình. Maureen sẽ đi về phía tôi, nhét một cái khăn vào miệng tôi để tôi có gì đó mà cắn. Cô sẽ khóa phanh xe lăn lại và giữ chặt hai bên hông tôi. Rồi bác sĩ trị liệu kia, Brenda, sẽ đến bên tôi, cúi xuống và bắt đầu làm việc với hai đầu gối tôi.
Tôi đã bị thoát vị, gãy xương, bỏng, thay băng, nhiễm trùng áp xe và viêm mô tế bào. Tôi đã bị cưa các ngón tay, bị duỗi xương, bị rút máu từ các đầu ngón chân và bị lấy da ghép trên đầu. Tôi đã chịu đựng mọi nỗi đau thể xác ngoài sinh đẻ - và vợ tôi nói nếu tôi muốn có đứa thứ năm, tôi sẽ phải tự đi mà đẻ. Nhưng thao tác trị liệu này là trải nghiệm đau đớn khủng khiếp nhất trong đời tôi.
Các bác sĩ trị liệu kéo giãn lớp da đã bị căng cứng vì da tôi không co lại được. Họ duỗi các khớp xương đã bắt đầu rắn đanh lại vĩnh viễn. Họ đang co kéo một cậu bé vừa cắn răng khóc lóc vừa la hét van xin họ dừng lại.
Tôi nhớ đã cúi xuống nhìn họ trong nước mắt. Tôi nhớ đã nhìn thấy nỗi đau của tôi phản chiếu trên gương mặt họ. Tôi nhớ đã nhìn thấy nước mắt trong mắt họ. Và tôi nhớ rằng mình đã nghĩ: Vì cái quái gì mà hai cô khóc? Cháu mới là người đang bị tra tấn đây này!
Ôi, các bác sĩ trị liệu đó thật tuyệt vời biết bao trong quá trình hồi phục của tôi.
Ngày hôm nay, tôi đang được sống một cuộc đời năng động đến khó tin và có rất nhiều người đã đóng góp sức cho điều này. Nhưng không một ai góp phần to lớn hơn các bác sĩ trị liệu đó, dưới tầng hầm đó, trong kho dụng cụ chết tiệt đó, khi họ phải đau khổ gồng mình nhìn một cậu bé đau đớn để họ có thể giải thoát cậu khỏi những vết sẹo đang trói buộc cậu.
Nhiều thập kỷ sau, chỉ nghĩ đến họ thôi cũng khiến tôi xúc động.
Sao họ có thể làm được việc đó?
Sao không chọn con đường dễ dàng hơn? Sao không dừng lại khi cậu bé kêu: “Ối!”
Các bác sĩ trị liệu này biết rằng co duỗi không bao giờ dễ dàng. Không ai muốn nó. Nó khiến người ta đau đớn. Nó khó khăn với tất cả các bên liên quan và trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Bị co duỗi không dễ chịu và co duỗi người khác cũng không hề thú vị. Thế nhưng nỗi đau của hôm nay lại vén màn cho khả năng của ngày mai.
Co duỗi dẫn đến trưởng thành.
Sự trưởng thành thường gây đau đớn.
Nhưng “sự trưởng thành là bằng chứng duy nhất của sự sống.”
John Henry Newman là một nhà thần học thông tuệ, một nhà tư tưởng xuất chúng và là một nhà văn viết rất nhiều. Đó là một trong những câu nói đáng chú ý nhất của ông. Hãy nghĩ mà xem. Sự trưởng thành hoàn toàn xoay quanh một khởi đầu mới, một đường hướng khác, một mối quan hệ chớm nở, một bước đi lớn, một vị trí mới, một cuộc trò chuyện táo bạo, một dự án liều lĩnh và một chương mới trong cuộc đời bạn.
Sự trưởng thành là bằng chứng duy nhất của sự sống.
Điều ngược lại cũng đúng. Sự trì trệ là bước đi đầu tiên dẫn xuống nhà mồ.
Bạn sẵn sàng cho lựa chọn thứ năm chưa?
Lựa chọn thứ năm mà bạn phải đưa ra để sống một cuộc đời nhiệt huyết là đây: Khước từ sự trì trệ bằng cách trưởng thành có mục đích và chủ ý vươn duỗi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Khi một cặp đôi ngừng tích cực hẹn hò, ngừng theo đuổi đối phương, ngừng lựa chọn thật sự yêu, ngừng lựa chọn trưởng thành cùng nhau, ngừng lựa chọn liên tục tha thứ - họ bắt đầu chết. Họ không hết yêu. Họ ngừng trưởng thành trong tình yêu.
Khi một tổ chức ngừng đổi mới, ngừng sáng tạo, ngừng đầu tư vào con người và ngừng ước mơ táo bạo, nó sẽ không thể phát triển nữa và bắt đầu chết.
Khi chúng ta ngừng chú ý đến sức khỏe, khi chúng ta đưa ra những lựa chọn tồi trong cách ăn uống, cai nghiện hay tập thể dục, chúng ta đã lựa chọn sự an phận, trì trệ và tụt hậu. Những lựa chọn này dẫn chúng ta rời xa sức khỏe và sinh khí. Và mặc dù con đường chỉ đang hơi dốc xuống, nhưng sớm muộn gì nó cũng dẫn đến bệnh tật và chết chóc.
Cái chết hiếm khi đến chỉ sau một đêm. Nó luôn xuất hiện một cách chậm rãi. Những thay đổi có thể rất khó nhận ra, nhưng đừng nhầm lẫn: Khi lựa chọn không lớn, chúng ta đã lựa chọn cái chết.
Trong văn hóa ngày nay, khi có gì đó khiến bản thân không thoải mái, chúng ta thường coi đó là dấu hiệu của việc đang có điều gì đó không ổn.
Nhưng cá nhân tôi biết rằng chúng ta phải học cách nhìn nhận sự bực bội khác đi. Nó có thể là dấu hiệu của đúng đắn. Nó có thể là bằng chứng cho việc chúng ta đang trưởng thành theo một hướng mới. Đứa trẻ đáng thương cắn khăn trong miệng sẽ vẫn bị khóa trên giường không đi lại được nếu không nhờ Brenda và Maureen, nếu không nhờ kho dụng cụ đó.
Không chỉ những ai trải qua vật lý trị liệu mới hưởng lợi từ việc vươn duỗi. Bạn có thể đạt được những bước tiến xa nhất trong cuộc sống khi bạn bị chọc tức. Hãy nghĩ đến những giáo viên giỏi nhất ở trường. Họ có thể là những người năng động, nhưng lý do bạn học được nhiều nhất là vì họ bắt bạn suy nghĩ. Những điều đến một cách dễ dàng thì hiếm khi xứng đáng. Vươn duỗi về phía trước có lẽ không mấy vui vẻ, nhưng nó có thể là một cái gì đó quan trọng hơn nhiều: Nó truyền sự sống.
Sự trưởng thành thực sự thường không được chào đón vì nó mang theo nỗi đau đớn tột cùng nhưng lại hoàn toàn đáng giá.
NHẢY MỘT ĐIỆU ĐI NÀO
Ôi, cuộc sống đang trở nên tươi đẹp.
Sau 7 năm gây dựng sự nghiệp phát triển bất động sản, tôi cũng đã tìm ra cách thật sự làm công việc này như thế nào. Tôi có thể lên kế hoạch xây dựng, vận hành một đội thợ và thậm chí kiếm một ít tiền. Cuối cùng, tôi cũng đã được an nhàn một chút.
Đội của tôi đang sửa lại một công trình lịch sử dành cho nhiều hộ gia đình. Những bản thiết kế của tòa nhà được trải ra trên capô xe tải của tôi. Người quản đốc trung thành, Harold và tôi đang thảo luận kế hoạch và lên danh sách những vật liệu cần dùng cho ngày hôm sau.
Bỗng nhiên điện thoại reo.
Người gọi là một phụ nữ phụ trách một đội Nữ hướng đạo lớp 3. Cô và con gái của mình vừa đọc xong cuốn Những Thử thách Nghiệt ngã của bố mẹ tôi. Câu chuyện làm cả hai cảm động sâu sắc và cô hỏi tôi có sẵn lòng chia sẻ câu chuyện của mình với đội hướng đạo không.
Tôi đi từ chỗ Harold ra phía sau xe. Im lặng vụng về một lúc lâu.
Ý cô là, cô muốn tôi diễn thuyết trước các em?
“Chính xác. Chúng tôi sẽ tập hợp các em lại sau giờ học, ăn một bữa nhẹ, anh có thể diễn thuyết và các em sẽ đặt một số câu hỏi. Thứ Tư tới được không?”
Lại im lặng.
Đến giờ phút này, chắc hẳn bạn đã biết khoảnh khắc đó là gì.
Cú điện thoại ấy là một điểm uốn trong đời tôi. Nó tưởng như chỉ là một điểm uốn nhỏ tại thời điểm đó, một câu trả lời có hoặc không cho lời đề nghị của cô. Nhưng nếu đọc tiếp, bạn sẽ thấy nó thật sự quan trọng như thế nào. Nó đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời tôi.
Tôi cố gắng nói “có” thường xuyên nhất có thể với những khả năng mới. Nói “có” với việc phục vụ. Nói “có” với việc tạo ra sự khác biệt. Nói “có” với những món ăn mới, những đồ vật mới, những con người mới và những ý tưởng mới. Khi bạn nói “có” và sống “có”, mỗi ngày lại mở ra những khả năng lớn hơn những gì bạn có thể hình dung.
Nhưng lúc ấy, mọi tế bào trong cơ thể tôi đều đang gào xin tôi nói “không”.
Tôi nhìn xuống hai bàn chân mình. Nhìn chăm chăm xuống đất.
Rồi tôi ngẩng đầu lên. Tôi nhìn thấy tòa nhà của tôi, rồi những hàng cây tươi tốt và rồi một bầu trời xanh thẳm.
Hít thở thật sâu và thì thầm: Được. Chắc chắn rồi. Tôi sẽ làm thế. Nghe thật hoàn hảo.
Chúng tôi nhất trí ngày giờ, cô hướng dẫn tôi và chúng tôi kết thúc cuộc gọi.
Tôi quay lại nhìn tòa nhà, nhìn về phía chiếc xe tải của mình, nhìn Harold và rồi nói to: “Ôi, tệ thật. Mình vừa làm gì vậy?!”
Đúng vậy, cuốn sách của bố mẹ tôi đã được xuất bản, nhưng tôi vẫn chưa bao giờ thật sự kể cho ai nghe câu chuyện đó. Tôi vẫn chưa kể cho các bạn thân hồi cấp một, cấp hai, cấp ba hay đại học. Chưa kể cho những anh chàng cùng tôi thi công mỗi ngày. Kể cả vợ tôi và tôi cũng hiếm khi bàn về trận hỏa hoạn. Cô ấy đã đọc cuốn sách, khóc như một đứa trẻ và không thể tin được tất cả những gì chúng tôi đã trải qua, nhưng chúng tôi không nói nhiều về nó. Nó đã xảy ra trong quá khứ. Nó đã kết thúc. Nó không chi phối chúng tôi. Chúng tôi đang sống tốt.
Và bây giờ tôi phải tìm cách chia sẻ câu chuyện của mình với một nhóm con gái… và tôi không hề biết phải bắt đầu từ đâu.
May mắn thay, tôi vẫn còn giữ một cuốn sách giáo khoa về nghệ thuật diễn thuyết từ hồi đại học. Ở trường Đại học Saint Louis, tôi buộc phải học một lớp nói chuyện trước công chúng để hoàn thành chuyên ngành kinh doanh. Cái ý niệm nói chuyện trước đám đông khiến tôi kinh hãi. Nên tôi trì hoãn học lớp học đó lâu hết mức có thể. Cuối cùng, vào học kỳ II năm cuối, tôi không thể đủng đỉnh được nữa. Bây giờ hoặc không bao giờ.
Giáo sư đến lớp ăn mặc không chê vào đâu được. Mái tóc của ông hoàn hảo và nhất quán đến nỗi tôi chắc chắn rằng ông đã đi làm tóc mỗi ngày trước khi đi dạy. Giọng ông trầm, vang, thắp sáng cả phòng học mỗi khi ông cất tiếng. Ông dạy rằng các bài thuyết trình có thể giáo dục, truyền cảm hứng, thu hút, thúc đẩy và thậm chí thay đổi người nghe. Ông có thể bán bất cứ thứ gì cho bất kỳ ai. Nhưng ông không thể bán cho tôi cái ý niệm rằng sẽ có một ngày tôi trở thành diễn giả.
Vào những ngày tôi phải thuyết trình trước lớp, tôi thường giả vờ ốm. Khi tôi thật sự thuyết trình, tôi mở giấy ra đọc, tỉ mẩn săm soi từng từ từng chữ cốt để không nhìn vào mắt thầy hay các sinh viên khác. Tôi còn không chắc mình có qua được lớp đó hay không.
Vào ngày cuối cùng ở trường, giáo sư yêu cầu được nói chuyện với tôi. Thôi rồi.
Ông đi cùng tôi về văn phòng, trả tôi bài luận cuối kỳ, nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói: “O’Leary, cậu được điểm C trong lớp tôi. Hãy nghe đây: Cậu được điểm C là vì tôi yêu quý cậu. Còn bây giờ thì đi tốt nghiệp đi!”
Vậy nên khi nói “có” với bài diễn văn cho đội Nữ hướng đạo kia, trong thâm tâm tôi hiểu rằng tất cả đã kết thúc.
Tôi mất hơn 40 tiếng cho công tác chuẩn bị bài diễn văn đầu tiên ấy. Buổi sáng, tôi báo cho Beth là tôi có một ngày bận túi bụi và có thể sẽ về nhà muộn. Rồi tôi báo cho các nhân viên rằng tôi có hẹn ở ngoài cả ngày. Nhưng thật ra là tôi ngồi trong một bãi đỗ xe trống, hi hoáy viết, diễn tập, ghi âm và nghe lại bài diễn văn của mình.
Trong suốt một tuần.
Chỉ cho một bài nói chuyện dài 45 phút. Trước 4 nữ hướng đạo lớp 3!
Vào ngày thứ Tư tôi phải diễn thuyết, tôi dậy sớm. Lái xe ra một bãi đỗ xe bỏ hoang và luyện tập thêm vài tiếng nữa. Tôi lái xe đến trường lúc gần trưa để do thám nơi xảy ra sự kiện. Biết rõ địa bàn và biết những gì bạn phải đối mặt luôn là một chiến thuật khôn ngoan.
Tôi về nhà. Đi tắm. Mặc áo vest và thắt cà vạt chỉnh tề. Cuối cùng dừng xe trước cổng trường vào lúc 3 giờ 15 phút, mở cửa xe, bước tới đầu xe, cúi xuống như thể tôi đang chuẩn bị buộc dây giày và nôn thốc nôn tháo. Áp lực khủng khiếp của việc diễn thuyết trước nhóm khán giả này đã làm tôi phát ốm.
Một giọng nói nhỏ nhẹ thì thầm vào tai tôi: Mày đang làm gì vậy? Về nhà đi. Chuyện này thật ngu xuẩn và câu chuyện của mày cũng vậy.
Nhưng tôi vẫn đứng dậy, bỏ tọt một miếng kẹo cao su vào miệng, bước về phía trường học và tìm cửa ra vào. Giọng nói nhỏ nhẹ tiếp tục thì thầm: Chúng thật sự không muốn nghe mày nói đâu.
Nếu chúng thấy chán thì sao? Nếu chúng ném bánh quy dừa vào mặt mày thì sao? Thông minh lên. Quay đầu đi. Từ bỏ đi.
Điểm uốn. Tôi có 2 lựa chọn. Lê bước ra xe và nói dối là có việc đột xuất. Hay bước qua cánh cửa đó.
Hết lần này đến lần khác trong cuộc sống, tôi đã học được rằng chúng ta có thể lựa chọn dũng cảm hoặc an phận. Nhưng bạn không thể làm cả hai cùng một lúc. Tuy sự an phận có thể phổ biến hơn, nhưng chính lòng dũng cảm mới làm thay đổi cuộc sống. Tôi đã nhìn thấy điều này ở các anh chị em của mình vào ngày tôi bị bỏng. Cảm nhận điều này khi y tá Roy đỡ tôi đi dọc hành lang. Nhìn thấy điều này trong mắt các bác sĩ vật lý trị liệu trong bệnh viện. Và nghe nói đến điều này từ Glenn Cunningham khi ông đi dạo với tôi.
Tôi phớt lờ giọng nói đó, chộp lấy nắm đấm cửa, ngẩng cao đầu và bước vào trong. Tất cả các cô bé đều đang ngồi tại bàn uống nước hoa quả và ăn đồ ăn nhẹ. Người phụ trách đứng lên giới thiệu. Tôi đứng sau bàn giáo viên, vừa đọc vừa ứng khẩu câu chuyện của mình. Giọng tôi đều đều và run rẩy. Tôi bị vấp và mất tập trung vài lần. Bài nói chuyện không hề hoàn hảo. Khi tôi nói xong, các em đặt một số câu hỏi, vỗ tay ngọt ngào, đứng thành hàng và ôm tôi trước khi rời khỏi lớp.
Bài diễn văn đầu tiên của tôi.
Không thù lao. Không kèn trống. Không, thậm chí các em còn không tặng tôi một hộp bánh quy nào.
Nhưng cú điện thoại đó, bài diễn văn đó, đã chuyển hướng toàn bộ cuộc đời tôi. Tất cả là vì tôi đã sẵn sàng nhìn lên, dũng cảm vươn ra và thách thức bản thân.
Tôi đã nói “có”.
NẾU THẾ THÌ SAO?
Tôi chia sẻ câu chuyện của mình thêm 2 lần nữa trong năm đó.
Một trường Công giáo nhỏ mời tôi nói chuyện với các học sinh lớp 4. Và một câu lạc bộ Rotary địa phương mời tôi nói chuyện tại một bữa tiệc trưa.
Khi cuốn sách của bố mẹ tôi tiếp tục lưu hành, những cuộc điện thoại từ các nhóm hứng thú nghe câu chuyện của tôi cũng tăng lên. Lần nào tôi cũng cố gắng gật đầu. Tôi diễn thuyết 13 lần trong năm tiếp theo. Một vài sự kiện trong số đó còn “trả công” cho tôi. Tôi nhận được một thẻ mua xăng từ một khách hàng, một thẻ uống cà phê từ một khách hàng khác và một chậu bỏng ngô từ một khách hàng thứ ba. Mọi người ạ, tôi đang trở thành đại gia!
Giờ đây, không còn ai nhầm tôi với Tony Robbins nữa. Nhưng sau mỗi bài diễn văn, tôi trở nên trau chuốt hơn một chút, tự tin hơn một chút và cảm nhận chắc chắn hơn một chút rằng đây chính là duyên nghiệp của tôi.
Mặc dù chậu bỏng ngô không phải là lý do chính đáng, nhưng sau năm đó, khi tôi nhìn thấy tác động mà câu chuyện của mình có thể tạo ra với người khác, tôi cảm thấy thôi thúc phải làm nhiều hơn là chỉ đáp lại những người muốn tôi diễn thuyết. Tôi cảm thấy bản thân phải chủ động tìm kiếm cơ hội chia sẻ câu chuyện của mình, hay đơn giản hơn chính là tạo ra một doanh nghiệp diễn thuyết.
Tôi không biết mình đang làm gì. Vì vậy tôi thuê một công ty tiếp thị giúp mình xây dựng tên công ty, biểu tượng và một trang mạng.
Tôi mua tên miền cho trang mạng. Chúng tôi thành lập công ty. In danh thiếp. Và tôi đã có tất cả các yếu tố bề ngoài của một doanh nghiệp thật sự.
Và khi bạn vun trồng một doanh nghiệp thật sự, những chi phí thật cũng đâm chồi nảy nở. Tiền thuê văn phòng, tiền mua máy tính xách tay, mua phần mềm, lắp điện thoại, tiếp thị và nếu bạn định phát triển thì phải… thuê nhân viên.
Trong những năm đầu, tôi được giới thiệu với một ứng cử viên hoàn hảo để làm việc cùng mình. Nhưng tôi không làm sao có đủ tiền để trả lương cho một nhân viên. Cô yêu cầu mức lương đúng bằng số tiền mà tôi đã kiếm được trong cả năm trước đó. Tôi nhìn xuống cuốn sổ cái. Và thật sự tôi không có cách nào giải quyết được vấn đề này.
Ba ngày sau cuộc gặp mặt đầu tiên ấy, tôi nhận được một bức thư cô gửi để cảm ơn tôi vì đã mời cô uống cà phê, dành thời gian nói chuyện và cân nhắc trường hợp của cô. Bức thư kết thúc bằng một câu nói của Abraham Lincoln: Hãy xác định rằng việc đó có thể và sẽ được thực hiện và rồi chúng ta sẽ tìm ra cách.
Tôi cầm bức thư và đọc nó một lần nữa.
Được rồi, tôi nghĩ. Tốt thôi, tôi sẽ suy nghĩ về việc này.
Và tôi đã làm thế.
Tôi cầu nguyện về nó. Tôi hỏi một số bạn bè có công ty riêng rằng họ sẽ làm gì nếu là tôi. Và tôi thảo luận quyết định này với Beth. Chúng tôi xem xét khả năng thất bại, mắc nợ, phải thế chấp căn nhà. Chúng tôi lên một danh sách những kịch bản tốt nhất và những kịch bản xấu nhất. Chúng tôi nhận ra điều duy nhất tồi tệ hơn việc thất bại trong công việc kinh doanh này có thể là việc nhìn lại quyết định không đầu tư và hỏi: “Nếu mình đầu tư thì sẽ thế nào nhỉ?”
Nếu tôi thật sự hoàn toàn nhập cuộc thì sao? Nếu công việc này có thể thật sự lớn mạnh thì sao? Nếu chúng tôi có thể truyền cảm hứng cho người khác thức tỉnh nhờ những món quà từ câu chuyện của họ thì sao? Nếu đây thật sự là duyên nghiệp của tôi thì sao?
Bạn thấy đấy, việc bạn cuối cùng cũng ngẩng đầu lên và nhìn thấy thứ có thể đạt được không quan trọng, nếu bạn không tiếp tục sẵn sàng lựa chọn vươn ra, thách thức bản thân và chấp nhận khả năng thất bại trên đường.
Tầm nhìn là vô giá trị nếu bạn không dũng cảm mạo hiểm và hành động.
Bạn phải buông tay để có thể vươn xa. Việc này giống như một vài bước đi vụng về đầu tiên mà tôi đã thực hiện với sự giúp đỡ của các bác sĩ trị liệu. Họ đã nhẹ nhàng đỡ tôi đứng dậy, từ từ buông tôi ra và thách thức tôi đặt một bàn chân lên phía trước. Đằng sau mỗi bước đi vụng về, đau đớn và mạo hiểm là sự thoải mái mà tôi có để đổi lấy, cùng khả năng về một thời hạn mới trong cuộc sống.
Đây có phải là một khoảnh khắc như thế không?
Có.
Vì thế tôi đã thuê Deanna.
Quyết định này sẽ đẩy tôi vào một tư thế không thoải mái trừ khi công việc này cất cánh. Đổi đôi ủng công trường, quần bò xanh và đai lưng đeo dụng cụ để lấy đôi giày tây, bộ vest và máy tính xách tay, tôi bán tất cả các hạng mục bất động sản của mình vào năm 2007 để hoàn toàn tập trung cho nghề diễn thuyết. Tôi thấy sợ. Tôi thấy mình hơi điên. Tôi đã hoàn toàn nhập cuộc.
Và đó là quyết định nghề nghiệp sáng suốt nhất của đời tôi.
Công việc kinh doanh của chúng tôi tăng lên gấp 3 lần một năm sau khi tôi thuê Deanna. Và nó tăng lên hàng năm kể từ thời điểm ấy. Chúng tôi chuyển văn phòng nhiều lần và tuyển thêm những đồng nghiệp tuyệt vời như Molly, Abby và một số nhân viên khác trong những năm qua. Văn phòng nhỏ, ẩm mốc chỉ có duy nhất một chiếc bàn đã phát triển thành một doanh nghiệp lấy sứ mệnh làm trung tâm. Hơn 7 năm qua, nhờ sự làm việc chăm chỉ của đội ngũ nhân viên, tôi đã có vinh dự được nói chuyện với hơn nửa triệu người trên khắp nước Mỹ và thế giới. Chúng tôi vẫn bừng cháy với sứ mệnh của mình, công việc của mình và khát khao châm ngòi những cuộc đời nhiệt huyết.
Tôi 28 tuổi khi tôi thành lập Rising Above. Tôi đang sống tốt. Tôi không cần thách thức mình làm gì đó không thoải mái.
Sự an phận thịnh hành, nó dễ dàng, nó là thứ tiền tệ nhiều người trao đổi.
Nhưng táo bạo vươn xa là cách vạn vật phát triển và là nơi phép màu xảy ra. Nó kích thích sự trưởng thành trong quan hệ, công việc và tình cảm. Nó là nơi cuộc sống của chúng ta thay đổi. Bắt đầu từ chính bạn.
GIỌNG NÓI ĐẾN TỪ QUÁ KHỨ
Trong 4 ngày khủng khiếp vào tháng 4 năm 2011, 355 cơn lốc đã đổ bộ xuống dải đất từ Texas đến New York. Alabama bị tác động trực tiếp nhất, với hơn 200 cơn lốc hoành hành khắp bang.
Chúng là những cơn lốc có sức hủy diệt lớn nhất trong lịch sử bang, làm 238 người thiệt mạng, gây thiệt hại lên đến hàng tỉ đô la và tàn phá hoàn toàn nhiều cộng đồng.
Khi các cộng đồng từng bước bắt đầu thu dọn, công ty Năng lượng Alabama gánh trên vai trọng trách xây dựng lại mạng lưới điện trong bang. Nhiệm vụ không tưởng này chỉ có thể thành công nếu toàn bộ tổ chức cống hiến hết mình.
Để động viên các nhân viên của công ty giữ an toàn, đoàn kết và tập trung vào nhiệm vụ trước mắt, đồng thời cũng là để nhắc nhở họ rằng bất chấp những cơn bão khủng khiếp đó những ngày tốt đẹp nhất vẫn đang ở phía trước, tôi được mời nói chuyện với các đơn vị kinh doanh khác nhau.
Dù đã từng diễn thuyết hơn 30 lần ở khắp nơi trong bang, nhưng tôi vẫn phải lòng với Năng lượng Alabama cùng các nhân viên và những con người khó tin mà công ty này đang hỗ trợ.
Sau khi dành một phần quan trọng của mùa hè làm việc với họ, tôi chuẩn bị bài thuyết trình cuối cùng cho công ty với những cảm xúc lẫn lộn. Bài nói chuyện diễn ra tại một nhà nghỉ xinh đẹp nằm ngay ngoại ô thành phố Eufaula, Alabama. Tôi đến nơi muộn, làm một số việc và đi ngủ. Không có gì đặc biệt.
Vào buổi sáng sau ngày tôi kết thúc bài thuyết trình cuối cùng, người đàn ông đã lái xe cho tôi trong chuyến đi diễn thuyết và đã trở thành một người bạn thân thiết, Keith, bước lên sân khấu. Anh ôm và cảm ơn tôi. Khi bắt đầu đi về chỗ ngồi, tôi nghe thấy anh gọi tôi bằng giọng nói kéo dài đúng chất miền Nam: “Anh bạn, quay lại, lên đây đi nào.”
Quay trở lại sân khấu và không nghĩ ra anh định làm gì tiếp theo, tôi nhìn Keith, chờ đợi. Anh nói: “Anh bạn, trong suốt mùa hè anh đã soi rọi vào đêm tối của chúng tôi. Chúng tôi muốn phản chiếu lại một chút ánh sáng lên con đường anh đi. Vì thế, anh bạn, chúng tôi muốn làm một việc tốt cho anh.”
Keith đang ôm 12 bông hồng. Anh trao chúng cho tôi.
Ôi chao, cảm ơn, Keith.
Rồi anh nói: “Anh bạn, hãy là một đứa con ngoan và tặng những bông hồng này cho mẹ”.
Ở phía cuối phòng, tôi nhìn thấy bố mẹ bước ra từ đằng sau một tấm màn. Không thể tin được. Bố không đi du lịch nhiều được nữa vì bệnh Parkinson. Mẹ yêu bất cứ lý do gì được đi chơi xa, nhưng vì phải chăm sóc bố, nên bà hiếm khi đi đâu. Khi họ tiến về phía sân khấu, mấy trăm người thợ điện đang ngồi đã đứng bật dậy.
Tôi ôm bố mẹ tôi, trao bó hoa cho mẹ và cảm ơn Keith.
Đây là một sự ngạc nhiên tuyệt vời.
Kieth tiếp tục: “Anh biết đấy, nhìn thấy anh bước về phía bố mẹ anh như thế nhắc tôi nhớ về câu chuyện mà anh đã kể cho chúng tôi nghe về người y tá khổng lồ khi anh còn nhỏ. Anh ấy tên là gì nhỉ?”.
Ý anh là y tá Roy?
“Đúng rồi, đó là tên anh ấy. Câu mà Roy từng nói với anh là gì nhỉ?”
Cậu bé, em sẽ đi trở lại. Anh sẽ đi cùng em.
Keith gãi đầu và nói: “Câu mà anh ấy từng nói là gì ý nhỉ?”.
Tôi nói to hơn một chút: Cậu bé, em sẽ đi trở lại. Anh sẽ đi cùng em.
“Không, anh bạn. Tôi cá là anh ấy không nói giống như thế một tí nào cả. Tôi cá với anh là anh ấy nói giống như thế này hơn nhiều.”
Tôi nghe thấy tiếng một chiếc micrô bật lên. Một giọng nói oang oang tràn ngập căn phòng: “Cậu bé, em đang đi lại rồi. Và anh tự hào được đi cùng em.”
Tôi sửng sốt quay người lại.
Họ vén một tấm màn ở cuối phòng lên và rồi tôi nhìn thấy anh. Một người đàn ông tôi đã không gặp trong 24 năm trời. Y tá Roy chết tiệt!
Anh không hề già đi. Trông anh vẫn giống hệt Apollo Creed.
Tôi bắt đầu bước xuống lối đi giữa hai hàng ghế dẫn về phía anh. Khán giả đứng bật dậy một lần nữa và một tràng pháo tay vang lên giòn giã.
Tôi đã giữ liên lạc với nhiều y tá và bác sĩ từng chăm sóc tôi trong những tháng ngày xa xôi đó. Những người bạn đó đã ngồi chật cả một chiếc bàn tại tiệc cưới của tôi. Nhưng Roy đã rời khỏi bệnh viện ít lâu sau khi tôi xuất viện. Chúng tôi đã không thể tìm thấy anh. Các nhân viên của Năng lượng Alabama đã lần ra dấu vết của người đàn ông tuyệt vời đã đóng vai trò quan trọng biết bao trong câu chuyện của tôi. Họ liên lạc với anh, giải thích cho anh hiểu tôi đã kể về anh ra sao và hỏi họ có thể mua vé máy bay cho anh đến đoàn tụ với tôi không.
Rõ ràng, anh đã gật đầu bởi vì giờ đây anh đang dang rộng vòng tay ôm tôi thật chặt.
Tôi im bặt.
Nước mắt dâng trào hai mắt.
Đúng là một khoảnh khắc tuyệt vời.
Bố, mẹ, Roy và tôi ngồi xuống ăn tối vào buổi tối hôm đó. Lần cuối cùng chúng tôi ăn cùng nhau, tôi đã phải tiêm moóc-phin, bị trói vào giường và chất dinh dưỡng được truyền vào người bằng một ống dẫn thức ăn. Giờ đây, chúng tôi đang ngồi ăn tối, hai bên là những người bạn mới đến từ Năng lượng Alabama cùng nhau kỷ niệm cuộc hội ngộ đáng kinh ngạc này và đang hoàn toàn bừng cháy trong niềm vui. Đó là một buổi tối tôi sẽ không bao giờ quên.
Gần cuối buổi tiệc, Roy và tôi có một vài phút riêng tư để kết nối lại với nhau. Chúng tôi nói về quãng thời gian tôi nằm viện, những lần thay băng tàn bạo đó và những bước đi chập chững hàng ngày đến bồn tắm. Chúng tôi nói về những y tá khó tính và những người bạn cũ. Chúng tôi chia sẻ những gì chúng tôi đã làm trong 24 năm qua. Tôi kể cho anh về gia đình tôi, anh chia sẻ với tôi về gia đình anh. Rồi anh nghiêng người về phía tôi rồi nói: “Em biết đấy, John, anh ngạc nhiên vì những gì em đã làm với cuộc đời mình.”
Cảm nghĩ này cũng đã từng được các giáo viên cấp ba của tôi chia sẻ với tôi mấy lần rồi. Nhưng lần này, tôi cảm thấy nó là một lời khen. Bạn thấy đấy, khi một đứa trẻ bị bỏng, đôi khi nó có thể sống sót ra viện, nhưng không quay trở lại được cuộc sống. Cuộc hành trình cảm xúc thường quá đau đớn. Tôi hiểu điều Roy đang nói.
Nên tôi nói: “Cảm ơn, Roy.”
“Nhưng em biết điều gì còn khiến anh ngạc nhiên hơn không?”
Tôi lắc đầu không.
“Làm sao em có thể lấy được một phụ nữ xinh đẹp như vậy!” Anh cười khúc khích.
“Ôi chao. Cảm ơn, Roy. Em mừng vì họ tìm được anh!”
Hai chúng tôi phá lên cười.
Rồi anh nói: “John, nói một cách nghiêm túc, em có biết điều gì làm anh ngạc nhiên nhất về tất cả chuyện này không? Về bữa tối này, cuộc hội ngộ này, toàn bộ chuyện này?”
“Em không nghĩ em muốn nghe điều này, Roy!” “Thôi nào, anh sẽ nói cho em nghe.”
Anh nhấp một ngụm nước lạnh. Anh nhìn vào trong mắt tôi, ngừng một lúc lâu, rồi nói: “Đó là việc biết được rằng sau 24 năm, anh quan trọng. John, anh thực hiện nhiệm vụ của mình, anh yêu công việc của mình, anh yêu các bệnh nhân của mình. Nhưng cho đến ngày hôm nay, anh chưa bao giờ thật sự hiểu được rằng mình là người quan trọng.”
“Anh ơi, anh quan trọng. Anh quan trọng.” Tôi nuốt ngược vào trong, cái cảm xúc đang dâng lên trong cổ họng. Nhưng đây là khoảnh khắc để tôi nói cho Roy biết việc anh thật sự đã làm cho cậu bé đó.
“Roy, em yêu tất cả những y tá của mình. Tất cả bọn họ đều rất tốt với em. Nhưng nói thật, một số người thường thì thầm với nhau về cái chết. Họ không thật sự tin. Chính anh, Roy, đã đi vào chính căn phòng đó, đến bên chính cậu bé bị thiêu cháy đó, bế em lên và về cơ bản hét vào mặt em: ‘Quên cái chết đi! Cậu bé, em sẽ đi được!’ Roy, anh đã thay đổi cuộc đời em. Đúng vậy, anh quan trọng. Em sẽ không bao giờ quên anh.”
Một lời nhắc nhở tuyệt vời không chỉ cần thiết đối với một đứa trẻ đang nằm trong khoa bỏng, mà còn đối với mỗi người khi chúng ta vươn lên phía trước trong công việc, sức khỏe, niềm tin, các mối quan hệ và cuộc sống. Quên cái chết đi. Bạn sẽ sống. Bạn sẽ đi. Và tôi sẽ đi cùng bạn.
Hãy ngẩng cao đầu. Bước về phía trước.
Đừng tồn tại, hãy sống!
TRÌ TRỆ HAY TRƯỞNG THÀNH
Người đáng thương nhất trên đời là có mắt, mà không có tầm nhìn.
- Helen Keller -
Cái gì thật sự là “có thể” trong đời bạn?
Đây là một câu hỏi không thể trả lời đầy đủ, nếu bạn đang nhìn xuống dưới chân mình.
Đây là điểm uốn của bạn.
Lo lắng và sợ hãi sẽ khiến bạn trì trệ. Nếu tôi thất bại thì sao? Nếu tôi già quá thì sao? Nếu tôi không bao giờ bước đi được nữa thì sao? Khi nhìn xuống, tất cả những gì bạn nhìn thấy là đôi giày của mình, là bùn đất. Tất cả những gì bạn cảm thấy là sự chán nản, sự vật lộn.
Nhưng thay vào đó, bạn có thể lựa chọn nhìn lên, vươn ra và thổi sinh khí vào những khả năng trong từng khoảnh khắc.
Đây là ngày của bạn. Hãy mặc lại chiếc áo choàng siêu nhân. Hãy nhớ lại khả năng mãnh liệt đã từng sống trong tim bạn khi còn nhỏ. Hãy bắt đầu dám mơ một lần nữa.
Nếu đây mới chỉ là khởi đầu thì sao? Nếu tôi thật sự có thể thành công thì sao? Nếu tôi có thể tác động sâu sắc đến cuộc đời một người khác thì sao? Nếu tôi chủ động vươn lên phía trước mỗi ngày thì sao?
Không phải đã đến lúc bạn mạo hiểm tất cả để xây dựng một cái gì đó có thể truyền cảm hứng cho một ai đó và trở thành một người vĩ đại hay sao?
Không phải đã đến lúc bạn dũng cảm vươn tới những khả năng vô hạn của cuộc sống hay sao?
Không phải đã đến lúc bạn bắt đầu chuyển động, bắt đầu mơ ước và bắt đầu trưởng thành hay sao?
Sự trưởng thành là bằng chứng duy nhất của sự sống.
Hãy lựa chọn trưởng thành.
Hãy làm một việc tốt nho nhỏ ở ngay nơi bạn sống, chính những việc tốt nho nhỏ đó khi đặt cạnh nhau sẽ làm choáng ngợp thế giới.
- Desmond Tutu -