Thay đổi cách đặt câu hỏi để biến hóa câu trả lời - và cả cuộc đời của bạn.
Hai mắt tôi không chịu mở ra.
Tôi vừa trải qua một cuộc phẫu thuật nữa. Cuộc phẫu thuật thứ bảy.
Đến bây giờ, tôi đã biết tất cả các thủ tục.
Họ đưa tôi đi khỏi phòng vào buổi sáng.
Đẩy tôi xuống cầu thang.
Tất cả bọn họ tập hợp xung quanh tôi, trên mặt đeo mặt nạ màu xanh da trời và đầu đội mũ nhỏ cũng màu xanh da trời.
Một người trong số họ đeo vào mặt tôi một chiếc mặt nạ nhựa.
Họ huyên thuyên với tôi về thời tiết, bóng chày hay gia đình họ.
Tôi ngủ thiếp đi.
Họ tiến hành phẫu thuật.
Tôi tỉnh dậy sau đó, cảm thấy quay cuồng. Siêu quay cuồng.
Và những người đầu tiên tôi nhìn thấy luôn luôn, luôn luôn, là bố và mẹ tôi. Họ luôn ở đó.
Họ bón cho tôi ăn đá vụn, chúc mừng tôi đã vượt qua một cuộc phẫu thuật nữa và nhắc tôi rằng chúng tôi đã tiến thêm một bước nữa để về nhà.
Thỉnh thoảng, họ còn mua cho tôi một món đồ chơi mới ở cửa hàng quà tặng.
Phần lớn các cuộc phẫu thuật của tôi được thực hiện để lấy da từ một phần ít bị bỏng nhất trên người và đầu tôi, để ghép vào những nơi thịt da bị bỏng trên khắp cơ thể.
Tôi không hiểu họ làm việc đó như thế nào, nhưng họ nói họ đang vá tôi lại.
Họ nói làm thế là để cho tôi có thể về nhà. Và đó là tất cả những gì tôi muốn.
Tôi muốn về nhà với bố mẹ.
Một y tá kiểm tra các bộ phận thiết yếu trên cơ thể tôi. Cô nói chuyện với tôi, nhưng tôi quá mệt để nhìn cô. Hai mắt tôi không mở ra nổi.
Rồi tôi nghe thấy một tiếng động ở góc phòng - nơi bố mẹ tôi thường đứng.
Những lời thì thầm lí nhí. Họ đang nói chuyện với nhau.
Tôi cạy mắt mình ra một lần nữa. Và nhìn thấy mẹ tôi đang khóc.
Chuyện gì đang xảy ra? Tại sao mẹ khóc? Tôi không bao giờ nhìn thấy mẹ tôi khóc. Mẹ không khóc.
Mẹ giúp tôi khi tôi khóc.
Bà luôn lạc quan. Luôn tích cực. Luôn khích lệ.
Bà siêu mộ đạo - nên nhìn thấy những giọt nước mắt của bà khiến tôi… sợ.
Bố tôi để ý thấy hai mắt tôi đang mở.
Bố vỗ vai mẹ. Mẹ lau nước mắt. Mẹ ngẩng đầu lên mỉm cười.
Họ bước đến bên giường tôi và nhẹ nhàng chạm vào vai tôi.
“Xin chào, bé yêu”, mẹ nói. “Con thấy thế nào?” Tôi gật đầu để nói tôi vẫn ổn.
Nhưng tôi tự hỏi có chuyện gì xảy ra với họ. Bố tôi bước lên phía trước.
Ông cúi xuống.
Giọng ông nghe hơi lạ… như thể ông có một con ếch trong cổ họng.
“John, bố mẹ phải cho con biết một chuyện. Cuộc phẫu thuật lần này diễn ra tốt đẹp. Một bước nữa để về nhà… Nhưng, John, họ… họ phải cắt bỏ các ngón tay của con. Chúng bị bỏng quá nặng và họ không thể cứu chúng. Chúng đã bắt đầu bị nhiễm trùng và có thể sẽ lây lan…”
Bố tôi tiếp tục nói.
Tôi thì đã ngừng nghe.
Bố đang nói gì vậy?
Tôi nhìn xuống hai bàn tay bị băng bó của mình. Trông chúng không có gì khác trước. Từ khi tôi nhập viện, chúng đã bị che kín bằng gạc.
Chúng vẫn bị băng bó bằng gạc.
Bố nói tôi không còn các ngón tay nữa là sao? Tôi cắt ngang: “Chúng có mọc lại không?” Ông lắc đầu. Không.
Tôi nói với ông móng tay mọc lại mà. Móng chân mọc lại.
Tóc móc lại.
Làm sao bố biết các ngón tay của con không mọc lại? “Bố xin lỗi, John, chúng sẽ không mọc lại. Chúng sẽ
không mọc lại được đâu”.
Não tôi tua nhanh đến cuộc sống bên ngoài những bức tường này.
Không có các ngón tay, tôi sẽ không thể chơi bóng chày, không thể viết tên mình, không thể đi học.
Điều đó có nghĩa là tôi sẽ không thể làm việc hay kiếm tiền.
Tôi sẽ không thể có con, có vợ và có một cuộc sống vì làm gì có cô gái nào muốn cầm tay một chàng trai bị cụt ngón?
Tôi cảm thấy người mình bắt đầu run lên, vì giận dữ, vì sửng sốt.
Sao bố có thể để họ làm thế?
Bố, tại sao bố lại để cho họ làm chuyện này với con!? “John, bố mẹ làm thế là để cứu tính mạng con. Bố mẹ yêu con, nhiều hơn bao giờ hết”.
Tôi lắc đầu và ngả người xuống gối. Tôi nhắm mắt lại.
Tôi khóc.
Cuộc đời tôi, thôi thế là hết.
Sự khác nhau giữa bi kịch và chiến thắng là gì? Có điều gì khác biệt giữa một người có vẻ bị những bất hạnh liên tiếp đè bẹp, sống cuộc đời như một bi kịch và một ai đó dường như trải qua những khó khăn, chịu đựng chúng một cách anh hùng và sống một cuộc đời oanh liệt như sử thi?
Tại sao một số người dường như liên tục vấp, ngã và thất bại trong cuộc sống, nhưng những người khác dường như bật lại, trở nên mạnh mẽ hơn và bay cao hơn?
Bạn của tôi ơi, cuộc sống đúng là khó khăn.
Tất cả chúng ta đều hiểu điều đó.
Cơn bão của sự đổi thay, thách thức và bi kịch sẽ thổi bay cuộc sống của tất cả chúng ta.
Chúng ta từng quan sát những người chịu đựng khó khăn và lún sâu trong bùn lầy. Chúng ta cũng biết những người cả đời bị mắc bẫy trong thất vọng, bế tắc, không thể bật lại, không thể tiến lên.
Nhưng chúng ta cũng từng chứng kiến những người bay lên từ đống tro tàn. Chúng ta từng nhìn thấy những cá nhân sống sót qua những thử thách khủng khiếp và đạt được những thành công lạ thường.
Vậy thì điều gì khiến một số người trở thành nạn nhân của hoàn cảnh còn những người khác trở thành kẻ chiến thắng? Liệu có điều gì đó tồn tại bên trong họ, một nguồn sức mạnh ẩn giấu nào đó thuộc về bẩm sinh không?
Không.
Câu trả lời nằm ở cách bạn đặt một câu hỏi đơn giản.
BƯỚC CHUYỂN CỦA NGƯỜI CHIẾN THẮNG
Tôi có rất nhiều người hùng trong đời.
Bạn đã gặp một vài người trong số họ rồi. Và khi đọc tiếp, bạn sẽ gặp thêm nhiều người nữa.
Những người anh hùng quan trọng. Họ giúp
chúng ta tập trung vào những gì có thể. Họ nhắc nhở chúng ta về sức mạnh vượt khó. Họ nhắc chúng ta nhớ điều mà sâu thẳm trong lòng, chúng ta biết là có thể đạt được. Họ nhắc chúng ta nhớ những gì bản thân có thể làm được trong đời nếu ngừng bao biện. Họ cũng nhắc chúng ta nhớ rằng những người anh hùng hiếm khi khoác áo choàng.
Một số người bình thường quyết định sống một cách phi thường, bất chấp những khó khăn họ đối diện. Một trong những ví dụ hay nhất về việc này là bố tôi.
Tôi hình dung rằng đối với nhiều đứa trẻ, người bố chính là người hùng đầu tiên. Khi còn nhỏ, chúng ta kính trọng, tôn sùng, kinh sợ và yêu thương bố. Chúng ta muốn bố đứng trên đường biên khi chơi thể thao, muốn bố hài lòng với bảng điểm của mình và hy vọng bố sẽ luôn cảm thấy tự hào về chúng ta.
Trong những ngày này, bố lại chính là người khiến tôi tự hào. Ông vừa bước sang tuổi 70 và trong suốt 23 năm, ông đã phải chiến đấu với bệnh Parkinson.
Có lẽ bạn nghe nói nhiều về bệnh Parkinson là nhờ diễn viên nổi tiếng Michael J.Fox. Ông vẫn xuất hiện trước công chúng và diễn xuất, bất chấp tất cả những gì bệnh Parkinson đã lấy đi của ông. Parkinson là một hội chứng rối loạn thoái hóa sẽ từng bước tác động đến mọi bộ phận trong cơ thể bạn. Sớm hay muộn, Parkinson sẽ tước đi khả năng đánh máy, viết lách, lái xe, đi lại, nói năng và ăn uống của người bệnh. Kết quả là bạn sẽ cảm thấy càng ngày càng khó hòa nhập với xã hội. Khó làm việc. Khó theo đuổi các sở thích cá nhân. Khó hoạt động như một người bình thường.
Khó sống.
Cho đến khi bị chẩn đoán, bố tôi là một người vô cùng chăm chỉ. Bố không bao giờ nghỉ một buổi nào hồi học cấp một, cấp hai, cấp ba, đại học, trường luật hay khi đi làm. (Tôi thường nghỉ học chỉ để đề phòng tôi có thể bị ốm).
Ông lấy làm tự hào khi ông luôn phụ giúp mọi việc trong nhà và ngoài sân (mặc dù năng lực làm vườn và sửa chữa đồ đạc của ông phải nói là hơi kém… xin lỗi, bố ơi, đó là sự thật!).
Ông luôn là người thức dậy sớm nhất, đi ngủ sau cùng, thành công trong công việc, có mặt ở nhà, yêu vợ, thương con và mộ đạo. Ông là định nghĩa của một người đàn ông thành công.
Thật khó khi phải nhìn tất cả nguồn sức khỏe, năng lượng và sinh lực này bị rút dần ra khỏi cơ thể ông. Bây giờ bố, gần như không thể làm gì được, nhưng ông là người thủy chung, có tình nghĩa và lạc quan nhất mà tôi biết. Mặc dù căn bệnh này rõ ràng đang làm khó bố, nhưng tôi lấy làm lạ là chưa bao giờ tôi nghe thấy ông phàn nàn.
Giờ tôi hỏi bạn, lần cuối cùng bạn phàn nàn là khi nào?
Có lẽ là khi cửa hàng cà phê quên không bỏ sữa? Khi đường tắc?
Khi nhân viên giặt khô để quên một chiếc áo sơ mi?
Khi thịt nướng bị sống?
Nhiều người trong chúng ta là những chuyên gia săm soi lỗi lầm và phàn nàn về chúng với người khác.
Nhưng tôi cố gắng học hỏi từ bố tôi. Bố đã đương đầu với căn bệnh suy nhược này hơn 2 thập kỷ. Ông đã ngã hết lần này đến lần khác, gãy xương, chịu đựng nhiều cuộc phẫu thuật và uống thuốc không ngừng nghỉ. Bệnh tật đã làm cuộc sống của ông cực kỳ khó khăn và gần đây là cực kỳ đau đớn.
Nhưng không một lần nào ông than phiền về nó. Ông là một người đàn ông đáng kinh ngạc.
Khi về già, tôi hy vọng mình có thể giống như ông. Với lượng thời gian rong ruổi trên đường vì sự nghiệp diễn thuyết, tôi thèm khát những ngày nghỉ cuối tuần ở nhà. Nhiều khi tôi náu mình ở nhà với gia đình đông đúc và luôn hiếu động của mình. Những tiếng la hét và những trò chơi điên cuồng của 4 đứa nhỏ đầy ắp những căn phòng. Chúng tôi chia nhau bánh quế vào buổi sáng, chơi thể thao suốt ngày dài và thỉnh thoảng hẹn hò với những người bạn nhỏ.
Đôi khi chúng tôi xả hơi sau cuộc chạy đua cuối tuần, xếp hành lý lên xe và đi thăm bố mẹ. Mẹ có thể chơi với lũ cháu không biết mệt. Beth thích thú có thêm một đôi tay giúp kiểm soát sự hỗn loạn. Còn tôi thì chỉ đơn giản là thích đi thăm bố và mẹ.
Vào một dịp như thế, bố và tôi ngồi ngoài hiên nhà có cửa che. Những cốc trà lạnh được đặt trên bàn cà phê trước mặt. Đó là một trong những ngày đặc biệt khó khăn của bố. Bố rõ ràng đang đau. Ông đã không thể đứng lên khỏi xe lăn để chào đón chúng tôi. Nói chuyện đối với ông cũng khó. Vì vậy chúng tôi ngồi đó trong im lặng.
Khi bạn thật sự biết một ai đó, bạn thậm chí không cần lên tiếng để có thể trò chuyện.
Nhưng tôi có một điều muốn thổ lộ. Ngày hôm trước, tôi vừa diễn thuyết tại một sự kiện và đã thách thức học viên của mình nói cho những người anh hùng trong đời họ biết về cảm nghĩ của họ.
Ngồi đó bên cạnh bố, tôi nhận ra rằng có lẽ tôi nên làm theo lời khuyên của chính mình. Hiếm khi chúng tôi có thời gian ngồi một mình với nhau. Hiếm hơn nữa là việc tôi chia sẻ tình cảm của mình.
Tình cảm thật của tôi.
Vậy nên tôi nhìn bố và nói cho ông biết rằng tôi yêu ông. Nói cho ông biết ông là một người bố tuyệt vời. Nói cho ông biết rằng tôi tự hào về ông.
Có lẽ bố nghĩ có chuyện gì xảy ra với tôi và đang chuẩn bị hỏi. Con ốm à? Con đã uống rượu à? Con định chuyển nhà à? Chuyện là thế nào?
Thay vì đợi câu hỏi của bố, tôi nói tiếp: “Bố, con nghĩ như vậy mỗi khi con ở bên bố, nhưng con chỉ muốn nói cho bố biết”.
Tuy tôi cảm thấy không thoải mái khi phải thổ lộ, nhưng nụ cười trên khuôn mặt bố chính là một phần thưởng xứng đáng.
Chúng tôi ôm nhau. Bố nói với tôi rằng ông cũng yêu tôi. Rồi ông tiện thể nói cho tôi biết tôi là đứa con cưng của ông. (Không, ông không làm thế! Ông thường nói với mỗi đứa con của mình rằng nó là con cưng của ông… và ông thật lòng với tất cả 6 đứa!)
Chúng tôi ngồi im lặng trong chốc lát. Một gánh nặng đã được nhấc lên khỏi người tôi. Tôi đã chia sẻ một điều đã khắc sâu trong tim, nhưng chưa bao giờ được diễn đạt thành lời một cách rõ ràng. Việc tôi chia sẻ là quan trọng và dựa vào tia sáng trong mắt bố, tôi hiểu rằng bố cũng cần nghe điều đó.
“Bố, con biết hôm nay không phải là một ngày dễ dàng với bố. Hình như mọi chuyện đang trở nên khó khăn hơn. Làm sao bố có thể giữ cho mình… à thì, tích cực như vậy?”.
Ông gật đầu và mỉm cười.
Ông nhấp một ngụm trà lạnh, đằng hắng và nói khẽ khàng: “Ừ, John, bố không biết làm sao bố có thể suy nghĩ tiêu cực khi bố có quá nhiều thứ để biết ơn”.
Bố nói điều này khi đang ngồi xe lăn. Khi ông phải vật lộn để giao tiếp.
Khi trước đó ông vừa đánh đổ một cốc nước vì run tay.
Khi cánh tay phải của ông đã phải bó bột sau một lần bị ngã gần đây.
Thế nhưng ông nói điều này một cách thành thật với một nụ cười trên mặt.
“Ví dụ như gì? Hay thế này được không, bố có thể kể tên 3 điều khiến bố cảm ơn bệnh Parkinson không?”.
Tôi biết bố đang hạnh phúc. Nhưng tôi hiếu kỳ muốn biết ông lý giải căn bệnh khủng khiếp này như thế nào.
Một nét nghiêm trang và suy tư xuất hiện trên
khuôn mặt ông. “Được rồi, đầu tiên, bố biết ơn vì nó không phải là một bệnh nghiêm trọng hơn.”
Tôi gần như không hiểu ông nói gì vì giọng ông nhỏ quá.
Ông nhấp một miếng nước nữa, đằng hắng và nói tiếp.
“Và bố biết ơn vì giờ đây đã có thời gian ngồi suy ngẫm mình là ai và Chúa là ai. Trước đây, bố bận quá. Bố biết ơn vì khoảng thời gian suy ngẫm này.”
Trong một khoảng lặng dài trước câu trả lời thứ ba, ông vụng về đưa chén nước lên miệng và nuốt một cách khó khăn. “Và, John, bố luôn yêu mẹ con.”
Tôi cười khúc khích. “Con vui vì bố yêu mẹ, bố ạ. Bố đã cưới mẹ được 45 năm rồi còn gì!”
“Con không hiểu ý bố. Căn bệnh này khiến bố mất đi 1 số bạn bè. Làm gì cũng khó khăn hơn. Ra khỏi nhà đã khó. Di chuyển trong nhà còn khó hơn. Nhưng mẹ con, vợ bố, tiếp tục bước tới ngày một gần hơn. Bố yêu mẹ con. Và bố biết ơn vì mối quan hệ với mẹ con.” Ông quay mặt đi và nhìn ra vườn.
Tôi suy nghĩ về những câu trả lời của ông. Đây là một căn bệnh tước đi mọi thứ của người gánh chịu nó, thế mà ông còn biết ơn vì nó không nặng hơn.
Căn bệnh này buộc ông phải sống cô lập, thế mà ông biết ơn vì có thời gian suy ngẫm.
Căn bệnh này khiến ông hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, thế mà ông biết ơn vì các mối quan hệ của mình, đặc biệt là mối quan hệ ông chia sẻ với vợ.
Tôi đứng dậy để ôm bố thật chặt một lần nữa. Ông nói khẽ khàng nhưng kiên quyết: “John, ngồi xuống. Bố chưa nói xong. Bố còn muốn nói nữa. Ngồi xuống.”
“Bố biết ơn công nghệ y học và những người cung cấp nó.”
“Bố biết ơn sự thấu cảm bố có được đối với những người chịu nhiều thách thức.”
“Khi bố không thể đi lại hay nói chuyện, bố biết ơn những ngày bố có thể.”
“Khi chúng ta lái xe, bố biết ơn khu vực dành riêng cho người khuyết tật.”
“Bố biết ơn vì đã có để thời gian viết nên cuốn sách Những Thử thách Nghiệt ngã.”
“Bố biết ơn mỗi ngày vì bố vẫn có thể nhìn, nghe, học, cười, yêu và sống.”
“Và John ơi, bố biết ơn vì mình đã được chữa lành, dù không thể khỏi hẳn. Bệnh Parkinson có thể cuối cùng sẽ giết chết bố, nhưng bố vẫn thức dậy mỗi ngày và hiểu rằng Chúa đã chữa lành bệnh cho bố.”
Tôi không còn gì để đáp lại. Câu trả lời của ông làm tôi im bặt.
Tất cả những gì tôi có thể làm là nâng cốc biểu lộ sự kính trọng, uống một ngụm nước, cố gắng nuốt trôi cái cục trong cổ họng và nhìn ra bên ngoài trong nước mắt.
Căn bệnh của bố là như vậy. Chúng tôi không thể làm được gì nhiều với nó. Nhưng bố sở hữu sức mạnh phản ứng với nó theo cách của bố. Căn bệnh kinh khủng này, nỗi đau thể xác dữ dội, sự bất lực trong việc kiếm tiền và những khó khăn về tài chính kéo theo, đã dẫn đến những món quà vĩ đại nhất trong đời bố - bởi vì ông lựa chọn tìm kiếm chúng.
Ông lựa chọn tìm kiếm chúng.
Ông là một ví dụ tuyệt đẹp về một người bừng cháy trong cuộc sống. Và ông minh họa cho lựa chọn thứ tư chúng ta phải đối diện nếu có ý định sống một cuộc đời nhiệt huyết. Chúng ta lựa chọn một cách có chủ ý cách nhìn nhận cuộc sống, tất cả cuộc sống, những điều tưởng chừng tốt đẹp hay tồi tệ, như một món quà.
Bởi vì bất cứ cái gì chúng ta tập trung vào trong cuộc sống đều sẽ lớn lên.
Tập trung vào điều tồi tệ và nó được nhân lên ở khắp mọi nơi (Hãy xem tin tức tối nay nếu bạn không tin tôi. Phóng viên là chuyên gia về việc này.) Tập trung vào điều tốt đẹp, nó sẽ lan tỏa ở khắp xung quanh.
Thay vì nhìn vào cái ông không còn, bố tôi tìm kiếm cái ông vẫn có.
Thay vì tìm kiếm cái ông thiếu, ông tìm kiếm cái ông có phúc được hưởng.
Tất cả chúng ta đều biết có những người sở hữu mọi thứ nhưng không biết ơn bất cứ thứ gì. Chúng ta cũng biết những người không có gì trong tay nhưng lại biết ơn tất cả.
Vậy bạn là kiểu người nào? Và quan trọng hơn, bạn định trở thành kiểu người nào?
CÂU HỎI ĐÓ LÀ GÌ?
Tôi đã nói ở trên rằng sự khác biệt giữa nạn nhân và người chiến thắng là cách họ đặt một câu hỏi đơn giản. Để tôi giải thích.
Câu hỏi yêu thích nhất của nạn nhân là gì?
Hãy nghĩ đến những người mà bạn biết dường như luôn có tâm lý nạn nhân… cuộc sống luôn chống lại họ và họ luôn có kịch tính nào đó để kêu ca. Dù có nhận ra hay không, một điệp khúc luôn được tua đi tua lại trong đầu họ. Họ luôn có một câu hỏi đặt cho chính mình và cho bất cứ ai khác muốn nghe:
Tại sao là tôi?
Tại sao là tôi? Tại sao chuyện này lại xảy ra với tôi?
Tại sao là tôi? Tại sao mọi chuyện luôn trở nên tồi tệ với tôi?
Tại sao là tôi? Tại sao người khác luôn gặp may mắn hơn tôi?
Nhưng bạn biết gì không? Những người chiến thắng cũng có một câu hỏi yêu thích nhất. Một câu hỏi hoàn toàn khác.
Câu hỏi đó coi cốc nước không chỉ đầy một nửa, mà là tràn trề. Những người chiến thắng đặt một câu hỏi để nhìn nhận quá khứ như một người thầy tuyệt vời. Họ thấy tương lai đặc biệt xán lạn. Và họ coi thách thức, dù thách thức đó là gì, là một món quà.
Câu hỏi những người chiến thắng đặt ra cho bản thân cũng là… Tại sao là tôi?
Tại sao chuyện này xảy ra với tôi? Nó dạy cho tôi bài học gì? Làm sao tôi có thể chinh phục hoàn cảnh này, không cho phép nó kéo tôi xuống, mà cho phép nó nâng tôi lên và giúp ích cho người khác?
Tại sao là tôi? Phải có một lý do, một điều gì đó để học hỏi.
Tại sao là tôi? Không, mọi chuyện không hoàn hảo. Nhưng chắc chắn cuối cùng chúng sẽ đâu vào đấy.
Tại sao là tôi? Tại sao tôi lại kết thúc ở nơi này, với cuộc sống này và khả năng sáng tạo tuyệt vời này?
Thay đổi cách bạn đặt câu hỏi cũng sẽ làm thay đổi những câu trả lời bạn nhận được, những gì bạn làm với chúng và cuối cùng là cách bạn sống như thế nào.
Chất lượng cuộc sống của chúng ta không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Chất lượng cuộc sống của chúng ta, mức độ hân hoan và khả năng biến hóa thách thức thành cơ hội, nằm ở cách chúng ta nhìn vấn đề.
Mọi chuyện ở đây không chỉ là “Khi cuộc sống vứt cho bạn những quả chanh, hãy pha nước chanh”. Vấn đề chúng ta đang nói tới lớn hơn bất kỳ tấm áp phích quảng cáo nào đó và nó hay hơn bất kỳ khẩu hiệu dán sau xe rẻ tiền nào đó.
Cách chúng ta lựa chọn nhìn nhận những sự kiện hàng ngày, những mối quan hệ cá nhân, những cuộc gặp gỡ tình cờ và những khoảnh khắc quan trọng ảnh hưởng sâu sắc không chỉ đến cuộc sống, mà còn cả tuổi thọ và sinh lực của chúng ta. Đây không chỉ là ý kiến của riêng tôi. Đúng vậy, một vài số liệu xác thực đã ủng hộ kết luận này.
Vào năm 1986, những nhà nghiên cứu tại trường Đại học Minnesota đã tiến hành một cuộc thí nghiệm mà sau này nhanh chóng được biết đến với cái tên Nghiên cứu về nữ tu sĩ. Các nữ tu sĩ được coi là một nhóm dân cư thích hợp để nghiên cứu bởi vì do phải tuân thủ những quy định nghiêm khắc của cuộc sống trong tu viện, cuộc sống của họ có ít biến số hơn mặt bằng dân số nói chung. Hãy nghĩ mà xem - vì những lời thề của mình, những người phụ nữ này sống những cuộc đời giống nhau, ăn những bữa ăn giống nhau, làm việc vào những khung giờ giống nhau và ở trong những hoàn cảnh giống nhau. Khi tìm kiếm một nhóm đồng nhất, khó có nhóm nào đạt tiêu chuẩn hơn nhóm này.
Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu điều tra và phân tích nhật ký cùng cuộc sống của 180 nữ tu sĩ ở Nhà thờ Nữ tu Đức Bà ở Milwaukee. Các nhà nghiên cứu tự hỏi thái độ sống và tuổi thọ có liên quan đến nhau không. Sàng lọc những trang nhật ký của các nữ tu sĩ, các nhà nghiên cứu theo dõi những bình luận tích cực và tiêu cực. Một mục ghi “Thức ăn ở đây thật kinh tởm” được tính là tiêu cực. Ngược lại, “Biết ơn một bữa tối nữa có đậu và cơm!” được đánh dấu tích cực.
Vậy họ có tìm thấy bất cứ mối liên hệ nào không? Cách các nữ tu sĩ đặt câu hỏi Tại sao là tôi có quan trọng không?
Thái độ sống có tác động đến tuổi thọ không?
Lòng biết ơn thật sự có quan trọng không???
Bạn đang nghĩ đến điều gì?
Nghiên cứu kỹ lưỡng này cho thấy 34% những người ít vui vẻ nhất trong nhật ký vẫn sống đến độ tuổi 85.
Không tệ.
Cho đến khi bạn so sánh số liệu này với những người tích cực nhất.
Đáng kinh ngạc là 90% các nữ tu sĩ viết những câu vui vẻ nhất vẫn sống ở độ tuổi 85. Một thập kỷ sau đó, 54% những người vui vẻ nhất vẫn sống ở độ tuổi
94, so với chỉ 11% những người ít vui nhất. Những con số này khiến người ta choáng váng. Các nhà nghiên cứu tìm kiếm những nhân tố khác có thể giải thích điều này… các nữ tu sĩ mộ đạo như thế nào, tích cực về trí tuệ, thể lực ra sao.
Nhưng chỉ có một nhân tố duy nhất tiên đoán được một cách rõ ràng tuổi thọ và sinh khí của cuộc sống: đó chính là số lượng cảm xúc tích cực hay tiêu cực được biểu lộ.
Đây là một phát hiện lớn.
Hiển nhiên tất cả chúng ta đều được sinh ra với những nét tính cách riêng biệt, một số người tự nhiên vốn đã lạc quan và vui vẻ hơn những người khác.
Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể học cách kết hợp lòng biết ơn vào trong cuộc sống của mình. Khi cuộc sống trở nên mệt mỏi và trong đầu chúng ta bắt đầu vang lên điệp khúc Tại sao lại là tôi? Khổ thân tôi, chúng ta có thể dừng lại và nhìn nhận thời điểm đó như một điểm uốn. Chúng ta có thể đi tiếp với thái độ cũ hoặc chúng ta có thể chủ động cố gắng xoay ngược tình thế.
Chúng ta có thể đi từng bước để vượt qua thử thách.
Chúng ta có thể tìm kiếm lý do để biết ơn. Nhưng chúng ta phải đưa ra lựa chọn đó.
MỘT BÀI HỌC KHẮC GHI
Tôi yêu mùa Giáng Sinh.
Thời tiết lạnh giá, thời gian thoải mái cho gia đình, những ngày nghỉ, những món ăn ngon, những bản nhạc vui tươi, những buổi lễ nhà thờ, những trang hoàng cho ngày lễ, những chùm đèn Giáng Sinh… Tôi yêu tất cả. Và không ngày nào trong mùa lễ dễ chịu hơn Đêm Giáng Sinh.
Vào ngày 24 tháng 12 năm 1998, khi tuyết bắt đầu rơi, gia đình tôi quây quần bên trong ngôi nhà của bố mẹ. Lửa nổ tanh tách bên trong lò sưởi trong khi mọi người chuẩn bị đón Giáng Sinh. Những món quà được gói lại, những chiếc bánh quy đã nướng xong, rượu nóng đánh trứng được mang ra thưởng thức và niềm vui mùa lễ lan tỏa khắp nơi.
Những khoảnh khắc như thế này với mỗi gia đình sẽ sống mãi trong ký ức.
Thời gian ở bên nhau quan trọng biết bao nhiêu. Có những thứ bạn không thể bỏ lỡ.
Nhưng tôi đã bỏ lỡ nó.
Làm việc với tư cách sinh viên thực tập tại một công ty tài chính lớn ở St. Louis, tôi đã phải dành Đêm Giáng Sinh để ngồi sắp xếp giấy tờ dưới ánh đèn huỳnh quang. Năng suất làm việc của tôi sụt giảm nghiêm trọng vào ngày hôm đó. Trong trạng thái mê man đáng thương, tôi nhìn chòng chọc qua cửa sổ, quan sát những bông tuyết rơi và mong mỏi được ở bên gia đình.
Nhưng những nỗi buồn nho nhỏ có thể là người thầy và động lực tuyệt vời cho chúng ta.
Trong khi ngồi tại bàn làm việc của mình, tôi hạ quyết tâm đây sẽ là Đêm Giáng Sinh cuối cùng tôi phải làm việc. Vì tôi chẳng biết có công ty nào trao cho nhân viên quyền kiểm soát thời gian biểu của mình, nên tôi đã tự thành lập công ty riêng. Tôi cân nhắc giữa việc mở một ga ra rửa xe ô tô hay một quán cà phê, nhưng cuối cùng quyết định trở thành một nhà phát triển bất động sản.
Đối với một anh chàng thậm chí còn chưa từng sơn phòng ngủ của mình, cầm một dụng cụ trên tay, hay quản lý bất cứ một dự án quan trọng nào, đây là một lựa chọn khác thường. Một lựa chọn kỳ lạ đối với một chàng trai bị cụt ngón tay. Nhưng khi xem trên ti vi, công việc này nghe có vẻ thú vị và khá dễ dàng.
Thế nên tôi đã mua một số dụng cụ và hợp tác với một người bạn thân để bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp môi giới bất động sản. Cả hai chúng tôi cộng lại chỉ sở hữu 3 tuần kinh nghiệm và cuộc hành trình tìm kiếm một căn nhà xuống cấp hoàn hảo bắt đầu.
Chỉ trong vài tuần, chúng tôi đã tậu được một công trình 130 năm tuổi dành cho 6 gia đình ở ngay trung tâm một khu dân cư lịch sử. Chúng tôi bồi hồi xúc động. Dự án này sẽ suôn sẻ, dễ sinh lời và vô cùng thú vị. Tôi có thể tự làm chủ, thuê bạn bè, kiểm soát thời gian biểu của mình và đi xem bóng chày giữa ban ngày. Tôi có thể sống như mơ. Điều gì có thể đi sai hướng được cơ chứ?
Tất.
Tất cả đã biến thành một đống hỗn độn.
Tôi nhớ rõ ngày đầu tiên làm việc. Một ổ điện không hoạt động, nên tôi cho rằng công tắc ngắt mạch dưới tầng hầm bị sập. Sau khi chật vật tìm được chìa khóa mở tầng hầm, tôi mở cửa hầm và được chào đón bởi bóng tối và mùi hôi thối tràn ngập xung quanh. Vì không có bóng đèn nào bật được, tôi vớ lấy một chiếc đèn pin và nhón chân bước xuống những bậc thang mục nát.
Bạn có nhớ hồi bạn còn nhỏ, tầng hầm là một nơi đáng sợ không? Bạn có nhớ bản thân đã khiếp sợ nó và không muốn đi xuống dưới không? Ý tôi là, ai mà biết dưới đó thật ra đang chứa cái gì cơ chứ?
Đúng vậy, đó hoàn toàn là cảm giác của tôi ngày hôm ấy.
Lấy hết can đảm, tôi tiếp tục cuộc hành trình, chĩa đèn xuống bậc thang cuối cùng và nhìn thấy 3 con chim bồ câu đã chết. 3 cái xác chết tiệt. Tôi không hợp với xác chim một tí nào hết. Bước qua chúng, nhảy xuống bậc thang cuối cùng và an tọa trên sàn hầm, tôi bỗng nhận ra rằng không hiểu sao tôi lại bỏ qua một chi tiết khi đi xem nhà lần đầu tiên: Nền tầng hầm ở đây bằng đất.
Có lẽ đây là một dấu hiệu.
Nếu đúng vậy, tôi đã bỏ sót nó.
Sau khi dọn dẹp những cái xác chim chết dẫm đó, tôi bước về phía bảng điện, bật lại bộ công tắc ngắt mạch và quay về làm việc.
Và mỗi ngày lại hé lộ những thách thức mới, những thách thức lớn hơn.
Đường ống nước bị rỉ sét. Đường điện và hệ thống nhiệt-thông gió-điều hòa không khí cần thay mới hoàn toàn. Những mặt sàn gỗ đã hấp dẫn tôi lúc đầu, sau nhiều năm bị lạm dụng, đã ở tình trạng hư hỏng nặng đến nỗi không thể cứu vãn nổi. Mái nhà bị dột và gạch ở nhiều chỗ trên những bức tường ngoài bị nứt.
Dù làm việc điên cuồng trong 2 tháng, tôi vẫn bị chậm tiến độ. Cần một vài lời động viên và khuyên nhủ, tôi nhờ một anh bạn ở nhà thờ thật sự là dân phát triển bất động sản đến thăm công trình của mình.
Dick đến nơi. Nhìn thấy xe của anh dừng ngay trên đường lái xe vào nhà, tôi liền đi ra cửa, đứng chống nạnh như siêu nhân và sẵn sàng dẫn anh đi tham quan tòa nhà đẹp đẽ của mình.
Anh mở cửa xe, bước xuống, liếc nhìn tòa nhà một lần rồi quay sang nhìn tôi. “Chúa ơi, John. Cậu trả lại nó được không?”
Tôi không nghĩ tòa nhà của mình đã làm anh ấn tượng.
Những ngày này vừa dài vừa nóng. Mùa hè thì ngột ngạt và tôi thì không có điều hòa. Hai bàn tay tôi bị chà đỏ ửng lên vì không quen với loại công việc này. Đôi ủng làm việc cọ vào những vết sẹo khiến hai mắt cá chân và hai bàn chân tôi bị sưng nặng đến nỗi tôi phải băng bó chúng mỗi ngày trước khi đi làm.
Công việc xây cất tiến triển chậm chạp.
Ngân sách tài chính và thời gian dự toán bị tính sai khủng khiếp.
Khi dự án gần hoàn thành, tôi thuê luật sư để chuyển tòa chung cư thành những căn hộ có thể bán riêng rẽ. Việc này quá tốn kém. Và nó đã vắt kiệt sức của tôi.
Cuối cùng, tất cả đã thất bại thảm hại.
Các căn hộ không bán được. Không bán được với giá chúng tôi mong đợi. Không bán được kể cả khi chúng tôi giảm giá 10%. Thậm chí 20%. Không giải pháp nào đem lại kết quả.
Cuối cùng, tôi phải thuê luật sư một lần nữa, lần này là để chuyển những căn hộ riêng lẻ trở lại thành chung cư cho thuê. Người phụ nữ ở tòa thị chính nói với tôi rằng bà chưa từng nghe ai chuyển căn hộ riêng lẻ trở lại thành chung cư.
Đúng rồi, tôi cũng vậy, thưa bà.
Tôi đã học được quá nhiều điều về việc không thể kiếm tiền từ bất động sản trong thời kỳ khó khăn đó. Trải nghiệm ấy đã làm tôi trở nên khiêm tốn hơn, cắt bỏ đôi cánh của tôi, suýt đánh gục tôi, nhưng cuối cùng lại dạy cho tôi những bài học sống còn, mà sau này sẽ giúp tôi trong công việc phát triển bất động sản 1 thập kỷ sau đó.
Trong giai đoạn này nhiều lúc câu hỏi Tại sao là tôi? đã bắt đầu vang lên trong đầu tôi. Tại sao là tôi? Chả nhẽ không việc gì đi đúng hướng trong đời tôi hay sao?
Nhưng bạn biết gì không?
Cuối cùng, tôi đã có thể tiếp nhận câu hỏi này, câu hỏi đã dẫn tôi đi trên một con đường nhất định và bắt đầu hỏi nó một cách khác đi. Trong những ngày làm việc tăm tối nhất, lê thê nhất, nóng nực nhất tại cái hỏa lò cũ kĩ đó, tôi đã bắt đầu hỏi: Tại sao là tôi? Việc này sẽ trang bị được gì cho tôi trong công việc tiếp theo?
Bạn thấy đấy, lòng biết ơn không chỉ dẫn bạn đến một trái tim biết cảm tạ những gì bạn có, mà nó còn trao cho bạn lòng dũng cảm và quyết tâm vượt qua bất cứ nghịch cảnh nào.
Trong chiếc xe Ford F-250 cọc cạch màu trắng cũ rích của mình, tôi dán một câu trích dẫn phía trên tấm che nắng:
Lòng biết ơn sẽ mở khóa cho cuộc sống tràn đầy. Nó biến những gì chúng ta có thành đủ và đôi khi còn nhiều hơn thế. Nó biến phủ nhận thành chấp nhận, hỗn loạn thành trật tự, rối rắm thành rõ ràng. Nó có thể biến một bữa ăn thành một bữa tiệc, một căn nhà thành một mái ấm, một người lạ thành một người bạn. Lòng biết ơn lý giải quá khứ, đem lại hòa bình cho hiện tại và tạo ra viễn cảnh cho tương lai.
- Melody Beattie -
Nhiều buổi sáng tinh mơ ngồi trong chiếc xe tải đó, tôi đã cần lời nhắc nhở này.
Và không biết bao lần kể từ đó đến nay, tôi đã dựa lưng vào sự thật của câu văn ấy.
Trong cuộc sống tinh thần của mình, khi giông tố kéo đến, khi bản thân đang chất chứa đầy sự hoài nghi, tôi đã cảm thấy tự do biết bao khi ngẩng đầu lên, giơ hai tay lên trời và cầu xin đáp án cho câu hỏi Tại sao lại là tôi?
Nhưng tôi hỏi không phải như một nạn nhân, mà với một nhận thức chân thành, thật lòng về vô vàn những món quà tôi đã nhận và những món quà, mà sâu thẳm trong lòng, tôi biết là đang trên đường tới.
CHỈ SỐ SỐ 1 CỦA NIỀM VUI
Gần đây, tôi có cơ hội nói chuyện tại một sự kiện về vai trò lãnh đạo cho một trong những công ty tôi yêu thích nhất, Southwest Airlines. Cũng được mời tới diễn thuyết là một trong những diễn giả tôi yêu thích nhất, Brené Brown. Trong 5 năm qua, cô đã trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về sự tổn thương, lòng dũng cảm và sống thật.
Điều ấn tượng nhất với tôi trong bài nói chuyện của cô là đây:
Trong khi chờ đợi những khoảnh khắc lớn - những kỳ nghỉ dài, những ngày nghỉ hưu, những bữa tiệc sinh nhật - chúng ta đã mạo hiểm bỏ lỡ những trải nghiệm đáng giá nhất của cuộc sống.
Tôi biết ơn việc giờ đây mình đang lưu ý và ngợi ca những điều nhỏ bé. Tôi hiểu rằng không có những khoảnh khắc nào được coi “bình thường” cả. Tất cả đều là một món quà, tất cả đều là một phép màu. Thói quen này bắt đầu cách đây một vài năm sau khi tôi đi thăm bố của một người bạn đang nằm viện. Ông bị ung thư dạ dày và khối u đã phát triển lớn đến mức ông không thể sử dụng nhà vệ sinh được nữa.
Gần cuối cuộc thăm hỏi của chúng tôi, ông nói: “John, nếu có lúc nào đó chú được dùng nhà vệ sinh một lần nữa, chú sẽ tổ chức một bữa tiệc liên hoan. Những bệnh nhân nằm ở 2 tầng dưới sẽ nghe thấy tiếng chú diễn trò trên này. Đó sẽ là một bữa tiệc - và tất cả mọi người sẽ được mời liên hoan cùng chú!”.
Tôi viết những dòng này gần 5 năm sau cuộc nói chuyện đó, cuộc nói chuyện cuối cùng của tôi với người đàn ông tuyệt vời này. 5 năm qua, tôi đã cố gắng nói cảm ơn suốt 24 giờ một ngày vì tất cả.
Những điều tốt đẹp và những điều tồi tệ. Những điều lớn lao và những điều nhỏ bé. Đúng vậy, kể cả mỗi lần tôi đi vệ sinh, tôi cũng nhảy một điệu tươi vui nho nhỏ. Hành động này khiến mọi người trong nhà vệ sinh công cộng khiếp đảm, nhưng có thể dùng để mào đầu câu chuyện một cách hiệu quả.
Tôi làm việc này một phần là để tôn vinh bạn tôi. Nhưng cũng là vì một khi bạn nhìn thấy những người đã đánh mất khả năng làm những việc mà tất cả chúng ta đều xem thường trong phần lớn cuộc đời, bạn sẽ nhận ra những việc đó thật sự là một món quà quý giá đến thế nào.
PHÁ VỠ NHỮNG BỨC TƯỜNG
Cách đây một vài năm, tôi được mời nói chuyện tại một nhà tù liên bang.
Đó là lần đầu tiên tôi ở trong tù. Tôi không chắc chuyện gì sẽ xảy ra.
Tôi căng thẳng.
Sự lo lắng nặng nề chỉ càng tăng lên khi tôi lái xe về phía đó. Một tấm biển trên đường cao tốc dẫn đến nhà tù viết ĐỪNG CHO AI ĐI NHỜ XE. Phía trước mỗi chỗ đỗ xe là một tấm biển thứ hai: ĐỂ TẤT CẢ ĐỒ DÙNG TRÊN XE. KHÔNG MANG GÌ VÀO TRONG.
Không có điện thoại di động, chìa khóa xe, máy tính xách tay và ví, tôi bước lên cầu thang rồi đi vào trong nhà tù. Một tiếng rè rè vang lên và tôi được cho phép vào khu vực chờ. Một người bảo vệ bảo tôi ký tên, xác nhận thông tin và hướng dẫn tôi phải làm gì nếu có xung đột không mong đợi xảy ra trong đám đàn ông.
Người bảo vệ dẫn tôi đi dọc một hành lang ngắn tối tăm để đến trước một cửa sắt khác.
Cánh cửa kêu rè rè, rồi từ từ mở ra. Tôi bước vào.
Đó là một khu vực trung chuyển nhỏ, 4 mặt được làm bằng kim loại và bê tông, phía trên có gắn một máy quay phim. Để bảo đảm an toàn, cửa dẫn vào nhà tù không thể mở ra trước khi cửa dẫn ra thế giới bên ngoài, cánh cửa tôi vừa bước qua, đóng lại.
Tim tôi đập thình thịch.
Tôi đợi cánh cửa tiếp theo, cửa dẫn ra sân nhà tù, mở ra.
Vậy là tôi sắp sửa nhập đội với quân tù tội và cung cấp một buổi học về vai trò lãnh đạo cho họ.
Với tất cả hơn 66 kilôgam thịt trên người tôi.
Tôi đã diễn thuyết trước các nhóm học viên khác nhau trên khắp thế giới, từ đội ngũ lãnh đạo của các công ty nằm trong danh sách Fortune 500 cho đến những buổi mít tinh bán hàng với hơn 15.000 nhân viên bảo hiểm. Nhưng tôi chưa bao giờ căng thẳng như buổi chiều hôm đó.
Cuối cùng, cánh cửa lớn bằng kim loại sau cùng cũng rè rè mở ra.
Tôi bước tới một bước. Cánh cửa đóng sầm sau lưng. Một quý ông ra đón tôi, bắt tay và nhanh nhẹn dẫn tôi vào lớp học.
Khu vực sinh hoạt chung rất ồn ào. Không khí giống như trong công viên - với những tiếng cười, những tiếng chửi rủa và những tiếng chuyện trò. Hàng chục người đàn ông ở bên trái tôi đang chơi bóng rổ, chạy đua, tập thể dục, chơi cờ vua hoặc đứng thơ thẩn trong sân.
Chúng tôi đi qua họ, đến trước một cánh cửa ghi số 8 và bước vào trong một nhà nguyện cũ kỹ. Căn phòng nóng nực và tối mờ, chỉ có một cái quạt duy nhất được giao nhiệm vụ tạo gió.
Ngồi trong phòng là 60 người đàn ông mặc bộ áo liền quần màu da cam.
Không có lời giới thiệu chính thức nào. Tôi được thông báo rằng khi nào tôi sẵn sàng, tôi có thể bắt đầu.
Tôi tập trung suy nghĩ, lẩm nhẩm một lời cầu nguyện và nhìn quanh phòng. Rồi tôi bắt đầu nói. Tôi đoán là mình nên bắt đầu với sự thật. Tôi chia sẻ cảm giác của mình khi dừng xe, nhìn thấy những tấm biển, đi bộ dưới trời nắng tháng Bảy, bước lên cầu thang và đến trước cửa chính. Tôi nói với họ rằng tôi đã sợ điếng người khi đứng đợi cánh cửa cuối cùng đẩy tôi ra trước mặt các cư dân trong tù. Tôi nói với họ rằng tôi đã hoài nghi chuyến viếng thăm đến đây của mình.
Và tôi còn nói với họ rằng ngay bây giờ, trong căn phòng này, không có nơi nào trên thế giới tôi muốn có mặt hơn nơi này.
Chúng tôi dành 3 tiếng đồng hồ cho nhau. Tôi chia sẻ với họ những bài học đã giúp tôi chịu đựng những tháng ngày bị giam cầm trong phòng bệnh và sự tự do mà những bài học đó đã đem đến trong quá khứ - và cả hiện tại - để tôi có thể vượt ra khỏi những bức tường trước mắt. Chúng tôi chia sẻ những câu chuyện, thảo luận về việc vượt qua những thách thức và xem xét những chiến lược khám phá ý nghĩa, hy vọng cùng sự tha thứ kể cả khi bị giam cầm trong 4 bức tường.
Gần cuối buổi học, giá trị của lòng biết ơn xuất hiện. Trong nhà nguyện có một chiếc đàn dương cầm cũ. Tôi ngồi xuống trước đàn và bắt đầu đánh bài “Amazing Grace”. Mọi người luôn sửng sốt khi tôi có thể đánh đàn dương cầm mà không cần các ngón tay. Tôi thích đánh đàn vào buổi đêm để thư giãn, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng chơi trong các buổi thuyết trình để động viên người khác. Vào ngày hôm nay, tôi nghĩ tiếng nhạc nhẹ nhàng có thể đưa những người đàn ông này vào trạng thái suy ngẫm.
Tôi nghĩ về cuộc trò chuyện của tôi với bố chỉ một vài tuần trước đó và quyết định dùng chiến thuật giống như vậy ở đây.
“Tôi muốn các anh nghĩ đến 3 điều khiến các anh biết ơn. Nói một cách cụ thể hơn, 3 điều khiến các anh biết ơn mà các anh có được nhờ thời gian ở tù”.
Tôi nghe thấy một vài tiếng cười và tiếng thì thầm khe khẽ nổi lên khắp phòng. Không thành vấn đề. Tôi biết đây có thể là một bài tập hóc búa.
Tôi không phản ứng. Chỉ tiếp tục chơi đàn.
Một vài phút sau, tôi ngừng chơi, đứng lên, và hỏi:
Ai muốn chia sẻ nào? Những cái đầu cúi xuống. Không ai nói một lời.
Im lặng như tờ.
Cuối cùng, tôi nghe thấy ai đó đằng hắng. Anh giơ tay lên.
Tôi gật đầu và cảm ơn anh. Anh đứng lên.
Nhìn những người đàn ông trong phòng một lượt. Rồi nhìn tôi chằm chằm.
Rồi chia sẻ: “Không có một cái chết tiệt gì”.
Anh ngồi xuống.
Cả phòng phá lên cười.
Câu hỏi Tại sao là tôi? bắt đầu nhảy múa trong đầu tôi!
Tôi cảm ơn anh đã chia sẻ và hỏi có bất kỳ ai khác có cái gì đó trong danh sách của mình không.
Tiếp tục im lặng.
Cuối cùng, một chiếc ghế gấp cọ vào sàn gạch những tiếng ken két.
Một người đàn ông gần cuối phòng đứng lên. “Được rồi, thưa ngài,” người đàn ông cúi gằm mặt xuống đất, giọng anh rõ ràng và rắn rỏi, bộ ria
mép lởm chởm, màu nâu đỏ nhạt che kín miệng khi anh lên tiếng, “Tôi sẽ chia sẻ. Chúng ta bắt đầu nào…” Anh nhìn tờ danh sách anh vừa liệt kê và bắt đầu chia sẻ.
Và chia sẻ.
Anh liệt kê 31 điều khiến anh biết ơn.
Lò sưởi vào mùa đông. Máy lạnh vào mùa hè. Một thư viện. Một chỗ ngả lưng ấm cúng. Dịch vụ giặt sấy. Một cơ hội chuộc tội. Những người bạn mới. Bỏ lại phía sau hoàn cảnh đã qua. Mỗi ngày 3 bữa đều như vắt chanh. Một cái giường. Một cái gối. Một cái chăn. Mạng sống.
Anh ngồi lại xuống ghế.
Không một ai cử động. Căn phòng im bặt trong giây lát.
Rồi một tràng pháo tay nổ tung trong nhà nguyện.
Tình huống đó tuyệt đối kỳ diệu.
Khi người đàn ông đầu tiên ngồi xuống, mọi người cười anh ta.
Khi quý ông này ngồi xuống, những người khác đứng bật dậy, đồng loạt hoan hô.
Cũng những bức tường giống nhau.
Cũng bộ áo liền quần màu da cam giống nhau. Cũng thời điểm giống nhau.
Cũng những bữa ăn giống nhau. Cũng trải nghiệm giống nhau. Cũng câu hỏi giống nhau.
Nhưng thay đổi cách bạn đặt câu hỏi sẽ biến hóa câu trả lời, thay đổi trải nghiệm mỗi ngày, nâng tầm cuộc sống của bạn và truyền cảm hứng cho người khác.
ĐÂY LÀ LỰA CHỌN CỦA CHÁU
Chỉ một vài ngày trước khi tôi xuất viện, có người đến gõ cửa phòng tôi.
Đó là bác sĩ Ayvazian.
Ông đã đón tôi trong phòng cấp cứu nhiều tháng trước. Ông đã cùng tôi trải qua 5 tháng chữa trị, 24 cuộc phẫu thuật và những thủ tục hàng ngày. Bên cạnh bố mẹ tôi, ông là người duy nhất tôi gặp mỗi ngày trong thời gian nằm viện.
Mặc dù tôi vẫn giận vì ông đã cắt các ngón tay của mình, nhưng tôi yêu bác sĩ Ayvazian.
Ông thấp người, đeo kính cận, luôn mỉm cười, có đôi mắt sáng lấp lánh và nói chuyện với tôi như thể ông hiểu tôi đang trải qua những gì.
Và đúng là ông hiểu.
Bạn thấy đấy, khi còn nhỏ ông đã bị bỏng. Ông bị sẹo đầy hai chân. Vì ông luôn mặc quần âu sẫm màu, tôi chưa bao giờ nhìn thấy chúng, nhưng bạn không cần nhìn thấy những vết sẹo của mọi người để biết họ đã bị bỏng. Bạn có thể nhìn thấy điều đó trong mắt họ. Bạn có thể nghe thấy điều đó trong giọng nói của họ. Bạn có thể cảm nhận điều đó trong lòng trắc ẩn của họ. Người đàn ông này hiểu. Ông đồng cảm, thân thiện một cách khó tin và là một bác sĩ phẫu thuật đẳng cấp thế giới. Ông thường kết thúc mỗi cuộc thăm bệnh bằng câu: “Tạm biệt cái đã, đồng chí nhỏ của tôi.”
Tôi chưa bao giờ nói với ông, hay hỏi bất kỳ ai khác, nhưng khi còn nhỏ tôi không hề biết “đồng chí” nghĩa là gì. Lần duy nhất tôi nghe thấy từ này là trong phim. Thường thì nhân vật dùng từ này là người Nga. “Đồng chí nhỏ” hả? Được rồi. Ừm, từ đó có nghĩa tốt hay xấu?
Tôi không biết.
Nên tôi chỉ gật đầu và nói: “Được rồi”.
Trong cuộc thăm bệnh này, 1 tuần trước khi tôi về nhà, ông vào phòng tôi giữa buổi chiều. Ông tắt ti vi của tôi, ngồi xuống giường tôi và mỉm cười với tôi. “John” - hai mắt ông sáng lên vì xúc động - “sự phục hồi của cháu thật kỳ diệu. Bác chưa từng thấy trường hợp nào như cháu trong toàn bộ sự nghiệp của mình. Bác rất vui vì cháu đã được bạn bè và gia đình ủng hộ và cầu nguyện để có thể đến được này hôm nay.”
Ông ngừng lại.
“Nhưng, mặc dù 4 tháng vừa qua rất khó khăn, cuộc hành trình phía trước cũng sẽ đầy thử thách.”
Tôi gật đầu. Tôi hiểu những gì ông nói là quan trọng. Dù nhỏ tuổi, bạn vẫn hiểu. Tôi cũng hiểu rằng ông đang chia sẻ điều này bởi vì chính ông cũng đã từng đi trên con đường đó.
Ông đằng hắng. “John, cháu có biết rằng mình vẫn có thể làm hầu hết mọi việc cháu muốn trong cuộc sống không? Có lẽ cháu sẽ không là phóng viên tòa án, nhưng cháu có thể là luật sư hay thẩm phán. Cháu có thể không chơi bóng chày được nữa, nhưng cháu có thể là người quản lý hay sở hữu một đội bóng của riêng mình. Cháu có thể không là thợ mộc, nhưng cháu có thể là một nhà thầu chung và xây dựng những công trình khó tin. John, nếu cháu muốn kết hôn, nuôi dạy con cái và có một cuộc sống tuyệt vời, cháu có thể! Cháu là một cậu bé đặc biệt, cháu vẫn có thể sống một cuộc đời đáng kinh ngạc. Cháu đã chịu đựng một chuyện khủng khiếp, nhưng những gì tốt đẹp nhất vẫn đang ở phía trước. Cách bác nhìn vấn đề là, cháu có thể là nạn nhân của bi kịch này hoặc là cháu có thể vượt lên trên nó và trở thành người chiến thắng. Đây là lựa chọn của cháu.”
Một lần nữa, tôi gật đầu.
Ông cúi xuống và hôn lên trán tôi.
Ông đứng lên, đi khỏi giường bệnh, đẩy cửa trượt ra ngoài, rồi quay đầu lại. “Tạm biệt cái đã, đồng chí nhỏ của tôi.”
Những lời nói đó, cuộc thăm bệnh đó, đã lưu trong ký ức tôi gần 30 năm nay. Tôi biết ông là một người bận rộn. Ông có thể dễ dàng gạch tên tôi ra khỏi danh sách. Tôi sắp được xuất viện - công việc của ông đã hoàn thành.
Nhưng ông muốn làm hơn thế. Ông muốn diễn đạt cho tôi hiểu rằng thay vì lựa chọn nhìn vào những gì tôi không thể làm được nữa, tôi có thể nhìn thấy những cơ hội vẫn mở ra trước mắt.
Nếu không có người chỉ cho chúng ta những khả năng, chúng ta có thể sẽ quên mất sức mạnh để tất cả mọi người đều có để xây dựng một cuộc sống khó tin.
Người đàn ông này là một lãnh đạo hiếm có. Ông làm việc suốt đêm ngày để chữa trị cho tôi. Ông tuyệt đối tận tụy với tất cả các bệnh nhân của mình. Ông cũng đủ quan tâm để đảm bảo rằng chúng tôi không chỉ bị đẩy ra khỏi bệnh viện, mà một ngày nào đó còn có thể dũng cảm quay trở về cuộc sống.
Bước chuyển của người chiến thắng là chúng ta ngay lập tức hướng tới cái chúng ta có, không phải cái chúng ta thiếu. Với lòng biết ơn, chúng ta mở khóa sinh lực, sự trường thọ và sự lạc quan. Chúng ta trốn chạy những xiềng xích trói buộc và những bức tường giam hãm để đến với một cuộc sống đang bừng cháy và một bữa tiệc đang sục sôi.
Kiểu tiệc tùng mà những bệnh nhân nằm dưới chúng ta 2 tầng có thể nghe thấy tiếng chúng ta hân hoan nhảy múa.
Kiểu tiệc tùng khiến các bạn tù bật dậy hoan hô. Kiểu tiệc tùng châm ngòi một cuộc đời nhiệt huyết. Hãy để cho vũ điệu bắt đầu.
NẠN NHÂN HAY NGƯỜI CHIẾN THẮNG
Cuộc sống không phải là chờ đợi cơn bão đi qua, mà là học cách nhảy múa trong mưa.
- Vivian Greene -
Tại sao là tôi?
Một câu hỏi đơn giản.
Với những hệ quả hết sức quan trọng.
Giông bão sẽ luôn gào thét. Là nạn nhân, chúng ta ngước mắt nhìn trời, giơ hai tay lên trong tuyệt vọng và khóc: “Tại sao là tôi?” Chúng ta nhận thức một cách rõ ràng rằng cuộc sống của mình là một cuộc vật lộn, rằng người khác là xấu xa, rằng hy vọng không tồn tại và rằng những ngày tồi tệ nhất sắp đến.
Nhưng chúng ta có thể lựa chọn một cách khác.
Ngay chính giữa cơn bão đó, chúng ta có thể lựa chọn mình là người chiến thắng. Lựa chọn thừa nhận rằng bệnh tật là một món quà, những bức tường không thể giam giữ tâm hồn, trận hỏa hoạn đã gọt giũa và củng cố nhân cách, những ngày tốt đẹp nhất đang ở phía trước. Chúng ta giơ hai tay lên, cảm nhận nước mưa rơi trên mặt và nhảy múa. Tại sao là tôi? Chúng ta biết tình huống này đang dẫn chúng ta tới đâu. Chúng ta biết cơn bão này không phải là kết thúc. Chúng ta chỉ đang đợi tia nắng đầu tiên.
Tại sao là tôi?
Cách chúng ta đặt câu hỏi này thay đổi mọi thứ xảy ra sau đó.
Hãy lựa chọn sáng suốt.
Hãy lựa chọn là người chiến thắng.
Dù cuộc sống có tồi tệ đến mấy, nếu còn sự sống thì còn hy vọng.
- Sephen Hanwking -