Dập tắt sự thờ ơ, châm ngòi tiềm năng và khám phá sức mạnh của một cuộc sống có mục đích.
Con sẽ đỡ hơn thôi.
Bố và mẹ liên tục nói vậy với tôi.
Họ liên tục bảo tôi rằng không lâu nữa có thể rút ống thông khí quản ra khỏi cổ họng tôi - và rồi tôi sẽ có thể nói trở lại.
Họ liên tục bảo tôi rằng chẳng bao lâu nữa tôi sẽ có đủ sức khỏe để họ có thể cho phép nhiều người vào thăm hơn - và rồi tôi sẽ không cảm thấy chán như bây giờ nữa.
Họ liên tục bảo tôi rằng tôi đang khỏe lên - và rồi tôi sẽ có thể về nhà sớm thôi.
Nhưng có những ngày tôi cảm thấy khó sống vì bị trói chặt xuống chiếc giường này, không thể làm một việc gì, bất lực bởi biết bao đau đớn.
Có những ngày tôi không cảm thấy sẽ có lúc tôi có thể khỏe lên được.
Hôm nay là một trong những ngày đó.
Cố gắng động viên tôi, mẹ bắt đầu đọc một trong những tấm bưu thiếp được gửi đến cho tôi.
Đây luôn là thời điểm dễ chịu trong ngày. Lúc đó chúng đã tôi nhận được cả hộp bưu thiếp mỗi ngày. Người người ở khắp nơi trên thế giới viết thư thăm hỏi. Tôi thấy khá vui.
Chúng tôi nhận được thư từ những em học sinh và cả những cụ già mộ đạo. Chúng tôi không rõ họ biết về chuyện đã xảy ra với tôi như thế nào, nhưng mọi người ở khắp nơi dường như đều đang suy nghĩ và cầu nguyện cho chúng tôi. Chúng tôi còn nhận được cả một bức thư gửi từ Nhà Trắng có chữ ký của Tổng thống Reagan. Và chúng tôi cũng nhận được một bức từ Tòa Thánh Vatican.
Những bức thư không làm cho ngày dài dễ thở hơn, nhưng có bao nhiêu đứa trẻ có một căn phòng có tường dán đầy bưu thiếp động viên như tôi? Có bao nhiêu đứa trẻ nhận được thư của Đức Giáo Hoàng?!
Khi mẹ mở thư đọc cho tôi nghe, bố đứng dậy. Ông bước tới và hôn đầu tôi.
Ông nói ông sẽ quay lại ngay và đi ra khỏi phòng. Mẹ ở lại.
Bà tiếp tục đọc to những tấm bưu thiếp.
Một vài phút sau, cánh cửa trượt to bằng kính dẫn vào phòng tôi mở ra.
Bố quay trở lại.
“John, có một vị khách đặc biệt thật sự muốn gặp con hôm nay.”
Tôi nhìn thấy một anh chàng bước vào, trên người mặc áo choàng vàng của bệnh viện, đi giày len vàng, đeo khẩu trang vàng, đội mũ vàng và đeo găng tay cao su.
Bố và mẹ luôn mặc bộ trang phục này. Các bác sĩ và các y tá cũng luôn mặc bộ trang phục này. Tất cả bọn họ đều mặc bộ trang phục này để tôi không bị nhiễm trùng.
Tôi đã quen nhìn họ đến và đi ra khỏi phòng tôi. Nhưng người này là người mới. Tôi có thể nhận ra điều đó.
Không gì vừa vặn với thân hình của anh ta.
Mọi bộ phận đều bị che kín, chỉ trừ đôi mắt. Trông anh hơi giống một tên trộm to cao màu vàng.
Anh bước tới gần hơn. Tôi không biết anh là ai.
Cho đến khi tôi nghe thấy giọng nói của anh. “Em thế nào rồi, tiểu bạo chúa?”
Ôi chúa ơi.
Chỉ có một người duy nhất gọi tôi bằng cái biệt danh ngu ngốc đó.
Anh trai tôi, Jim, đã đặt cho tôi biệt danh này khi tôi còn nhỏ.
Tôi ghét nó.
Tôi đã bảo anh phải dừng lại ngay. Anh không bao giờ dừng.
Và tôi ghét anh mỗi lần anh dùng từ đó.
Tôi đánh anh bất cứ khi nào anh gọi tôi như vậy.
Và tôi càng làm thế thì ông anh trai ngu ngốc lại càng trêu tôi.
Nhưng lần này, khi tôi nghe thấy tên gọi đó, tôi không nổi điên.
Tôi không muốn đánh anh. Tôi không muốn đấm anh. Tôi không ghét anh.
Tôi muốn ra khỏi chiếc giường này để ôm anh. Tôi muốn dùng giọng nói của mình để cảm ơn anh.
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy Jim là vào ngày xảy ra trận hỏa hoạn.
Anh đã cố nhảy lên đằng sau xe cứu thương để đi cùng tôi đến bệnh viện, nhưng nhân viên cứu thương đã không cho phép.
Người đàn ông đã đóng cánh cửa bên trái.
Tôi đã cầu xin người đàn ông cho Jim lên xe. Tôi bảo anh ta rằng đó là anh trai tôi và tôi cần anh tôi đi theo. Tôi không thể đi một mình.
Gã đàn ông nói xin lỗi. Rồi đóng cánh cửa kia lại. Và rồi hét lên: Đi thôi. Và chúng tôi lăn bánh.
Ôi, tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn đến vậy. Nhìn qua một ô cửa sổ nhỏ, hình chữ nhật của xe cứu thương khi một người lạ mặt đặt cho tôi những câu hỏi, nhìn Jim hai tay chống nạnh đứng giữa lòng đường nhìn chúng tôi rời xa, tôi đã sợ hãi biết bao.
Kể từ khoảnh khắc đó, tôi muốn nói cho Jim biết một điều. Suốt mấy tuần nay tôi đã muốn nói với anh điều đó.
Tôi tặc lưỡi ra hiệu cho bố lấy bảng chữ cái.
Ông chạy đi lấy bảng. Chỉ vào hàng chữ cái đầu tiên, hàng thứ hai, rồi hàng thứ ba.
A B C D E F G H I
J K L M N O P Q R
S T U V W X Y Z
Tôi tặc lưỡi. Vì thế ông dò hàng thứ ba. S… T… U… V… W… X… Y… OK!
Y
Ông viết chữ cái này xuống.
Rồi một lần nữa, ông bắt đầu chỉ vào hàng thứ nhất, rồi hàng thứ hai. OK!
J… K… L… M… N… O… OK!
YO
Một lần nữa ông chỉ vào hàng đầu tiên, rồi hàng thứ hai, rồi hàng thứ ba. OK!
S… T… U… OK!
Thế là ra được từ đầu tiên: YOU.
Tôi rời mắt khỏi tấm bảng và ngước lên nhìn anh tôi.
Mặc dù mọi bộ phận khác đều bị bịt kín và che đi, nhưng tôi vẫn có thể nhìn thấy đôi mắt của Jim.
Và đôi mắt anh đang mỉm cười.
Tôi lại nhìn tấm bảng và với sự giúp đỡ của bố, tôi tặc lưỡi ra từ thứ hai: SAVED.
Tôi chưa bao giờ biết Jim có thích tôi không.
Anh hơn tôi 8 tuổi. Đôi khi anh có thể trở nên ngu ngốc. Không cho tôi đi chơi với các bạn anh, gọi tôi bằng những biệt danh đáng xấu hổ và bắt tôi ngửi tất của anh sau khi anh cắt cỏ.
Nhưng khi nằm đó trên giường, ngước mắt lên nhìn Jim, suy nghĩ về tất cả những việc anh đã làm cho tôi, tôi nhận ra một điều khác về anh:
Anh thích tôi.
Không, thực ra anh yêu tôi.
Và không còn nghi ngờ gì nữa, bây giờ anh đã là người hùng của tôi.
Tôi hoàn thành từ cuối cùng: ME. YOU SAVED ME. (Anh đã cứu em)
Jim lắc đầu: “Ôi, anh không cứu em. Em mới là anh hùng thật sự. Em mới đang phải nỗ lực hết mình. Giờ nhanh chóng khỏe lại nhé, tiểu bạo chúa”.
KHÔNG. ANH ĐÃ CỨU EM.
Ý nghĩ gì nảy ra trong đầu khi bạn nghe thấy từ anh hùng?
Có lẽ bạn nghĩ đến những siêu anh hùng. Siêu nhân?
Người dơi?
Nữ thần chiến binh?
Có lẽ bạn nghĩ đến một ai đó trên thời sự như cơ trưởng Chesley Sullenberger, người đã an toàn hạ cánh máy bay trên dòng sông Hudson, cứu sống tính mạng của tất cả các hành khách trên chuyến bay.
Bạn còn nghĩ đến ai khác nữa?
Những người lính cứu hỏa, những sĩ quan cảnh sát hay lực lượng quân đội?
Đúng vậy, những người anh hùng hẳn nhiên có thể là những người mạo hiểm tính mạng của chính mình để cứu sống người khác. Những người bước tới, hành động dũng cảm, lãnh đạo quên mình, kể cả khi phải đối diện với nỗi sợ hãi. Họ có thể là những người chạy đến khi mọi người khác chạy đi.
Nhưng phần lớn những người anh hùng không phải lúc nào cũng siêu phàm. Phần lớn họ không sống trong truyện tranh hay trên những tít báo.
Phần lớn đều rất người, không tiếng tăm và giống Clark Kent1 nhiều hơn là Siêu nhân.
1 Nhân vật chính trong bộ phim Thị trấn Smallville.
Họ là người bình thường, rất giống bạn và tôi. Và tôi đã tận mắt chứng kiến một ví dụ khó tin vào ngày tôi bị bỏng.
SEMPER FIDELIS2
2 Câu khẩu hiệu của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, có nghĩa là luôn luôn trung thành.
Luôn luôn trung thành.
Đây là khẩu hiệu của Hải quân Hoa Kỳ.
Tôi may mắn được nói chuyện tại các sự kiện của Focus Marines Foundation3 được tổ chức mỗi quý và rồi được trực tiếp thăm hỏi những người anh hùng của lực lượng Hải quân trong vài tiếng đồng hồ. Đây là hoạt động chuyên môn nổi bật diễn ra hàng năm của tôi. Trong hơn 5 năm làm đối tác với họ, tôi đã phát hiện ra rằng, đối với lính hải quân, Semper Fi không chỉ là một thành ngữ dễ nhớ, nó còn là một lối sống.
3 Một tổ chức được thành lập từ năm 2010 bởi các cựu chiến binh của Hải quân Hoa Kỳ.
Tổ chức này ra đời khi một số người lính hải quân về hưu nhận thấy cần phải hỗ trợ những người lính trở về từ chiến tranh. Nhóm sáng lập hiểu rằng đối với nhiều cựu chiến binh, các trận chiến không kết thúc khi họ trở về nhà.
Sang chấn tâm lý.
Hậu chấn tâm lý.
Mặc cảm tội lỗi của người sống sót. Những chấn thương thể xác.
Thất nghiệp. Nghiện ngập. Tuyệt vọng.
Đây là một số thách thức mà vài trăm nghìn cựu chiến binh phải đối mặt. Mỗi quý, có hàng chục những chiến binh dũng cảm mệt mỏi với cuộc sống lay lắt nên đã bỏ nhà ra đi. Họ tìm đến Missouri và tụ họp ở một nơi không có mấy người sinh sống. Được lôi ra khỏi sự bận rộn của cuộc sống hàng ngày và đặt vào trong lòng thiên nhiên tươi đẹp, những người anh hùng này học các kỹ năng cốt yếu để đương đầu với đau thương, chế ngự cảm xúc và trưởng thành hơn trong kinh nghiệm sống. Họ cũng nhận ra rằng tuy nghĩa vụ quân sự đã kết thúc, nhưng cuộc chiến quan trọng nhất của họ vẫn đang tiếp diễn.
Tại một buổi tập hợp gần đây nhất, tôi hỏi một quý ông đến từ Alabama rằng điều tốt đẹp nhất trong tuần này của ông là gì. Ông nói rằng ông cảm thấy hạnh phúc vì được sống lại.
Được sống lại, điều đó có nghĩa là gì?
Ông trả lời: “Tôi đã từng biết giờ nào mình sẽ thức dậy và sẽ ăn sáng ở đâu. Tôi từng biết rằng mỗi ngày sẽ bận rộn, rằng nguy hiểm là có thật và rằng tôi có đồng đội ở sau lưng hỗ trợ, rằng tôi cũng ở sau lưng hỗ trợ họ. Tôi biết việc gì phải làm và rằng việc chúng tôi đang làm là rất quan trọng.
Nhưng khi quay trở lại cuộc sống ‘thật’, cuộc sống sau khi trở về từ chiến trường, tất cả những thứ đó đều biến mất. Tôi không còn quan tâm đến bất kỳ ai hay bất kỳ thứ gì nữa. Tôi không biết mình đang chiến đấu vì cái gì. Tôi gần như đánh mất cuộc đời. Nhưng tuần này, tôi đã giành lại nó. Tôi được sống lại. Tôi được sống lại. Và tôi cảm thấy thật tuyệt.”
Là những người lính hải quân tại ngũ, những người đàn ông và phụ nữ khó tin này được thôi thúc bởi một cảm giác mạnh mẽ về sứ mệnh. Họ biết giá trị của việc “Luôn luôn trung thành”. Họ sống theo nguyên tắc đó hàng ngày.
Thế nhưng, sau khi về nhà, một số người vật lộn vì thiếu tình đồng đội khăng khít và một mục đích sống rõ ràng. Không có sứ mệnh, họ có thể trở nên hoàn toàn vô định.
Không có gì như một sứ mệnh mới để nhắc nhở về những gì đáng đấu tranh.
Chính tôi cũng đã trải nghiệm sự biến đổi cuộc sống giống như những người lính hải quân dũng cảm này.
Và tôi cũng đã trải nghiệm sự thay đổi sâu sắc trong cuộc sống của anh trai tôi.
Là chàng trai 17 tuổi, Jim là một thanh niên điển hình, chỉ biết đến bản thân mình. Có thể anh quan tâm đến loại xe ô tô anh thích sở hữu một ngày nào đó, hay kiểu con gái anh thích dẫn tới buổi dạ hội tốt nghiệp, hay việc thỉnh thoảng trúng thưởng một két bia 6 lon để chia đều cho 7 thằng bạn.
Thanh thiếu niên nổi tiếng là những người ích kỷ, nổi loạn, hay tỏ thái độ. Họ giả vờ mình ngầu để không phải quan tâm đến điều gì khác. Họ lùi bước. Họ rút lui vào trong phòng, trong âm nhạc, trong công nghệ và trong thế giới của riêng mình.
Một số hành động là có thể hiểu được. Họ đang học cách trở nên độc lập trong cuộc sống. Họ đẩy gia đình ra xa, lường trước tương lai khi họ sẽ không còn gia đình để dựa dẫm. Nhưng điều này cũng sản sinh ra một thái độ thờ ơ, một nhân sinh quan nhún vai cho qua chuyện và nói: Thế thì sao? Tôi không quan tâm, thế nào cũng được. Phòng tôi bừa bộn thì sao, bạn đang hét vào mặt tôi thì sao. Thế thì sao, ai thèm quan tâm, tôi trên cơ tất cả những chuyện này.
Nhưng Jim đã thôi không nhún vai vào buổi sáng tôi bị bỏng.
Anh có một sứ mệnh. Đứa em trai bé bỏng của anh đang bốc cháy. Anh có một lựa chọn. Cứu em trai. Hay nhìn nó chết.
Việc anh làm sau đó sẽ làm thay đổi cuộc đời anh.
Và cuộc đời tôi.
Tôi nhớ ngày tôi bị bỏng rõ đến từng chi tiết.
Tôi nhớ vụ nổ. Vụ nổ đã chẻ can xăng ra làm đôi, bắn tôi vào góc trong của ga ra, làm nổ tung các cửa sổ trong ga ra và rung chuyển các ngôi nhà trên cùng con phố.
Tôi nhớ hai tai mình đã ù lên, những chiếc chuông báo cháy kêu inh ỏi và những ngọn lửa nổ tanh tách nghe nghèn nghẹt, lạ tai như khi có thứ gì đó đang cháy trong lò sưởi. Âm thanh ấy, tiếng tách tách xì xì ấy bủa vây và nhấn chìm tôi.
Tôi nhớ mình đã chạy xuyên qua đám cháy trong ga ra đến lối đi dẫn vào nhà. Sau khi vào trong nhà và vẫn bốc cháy, tôi chạy xuyên qua bếp và phòng sinh hoạt gia đình rồi vào trong phòng khách.
Tôi đứng trong phòng khách bốc cháy. Đau đớn.
Khiếp sợ.
La hét và cầu nguyện ai đó, bất kỳ ai, đến giải cứu tôi.
Và tôi nhớ đã nhìn thấy Jim chạy về phía mình. Đây là cái gã đặt cho tôi những biệt danh tôi ghét.
Đây là cái gã làm bánh mỳ kẹp đậu phộng-bơ-mứt... rưới thêm nước sốt Tabasco cay xè để đánh lừa tôi. Đây là cái gã ghét tôi vì luôn làm quẩn chân gã. Đây là một người anh trai điển hình.
Vậy nên khi đứng trong phòng khách bốc cháy van nài cầu xin một người anh hùng, Jim không chính xác là người mà tôi hình dung sẽ chạy đến cứu tôi. Không, tôi hình dung một người lính cứu hỏa, bố tôi, một người hàng xóm, một người anh hùng, một ai đó, bất kỳ ai, người có thể thật sự giúp tôi. Không phải Jim!
Nhưng đây chính là điểm uốn của anh. Là khoảnh khắc của anh. Là cơ hội anh có để thay đổi, để bước tới, để di chuyển mau lẹ, để hành động dũng cảm và để mạo hiểm tính mạng mình cứu tính mạng tôi.
Jim chạy quanh tôi, dùng một tay che mặt để bảo vệ bản thân khỏi những ngọn lửa đang nhảy ra từ người tôi. Anh cầm tấm thảm chùi chân ở phòng chính lên, tiến về phía tôi và bắt đầu quật tôi bằng tấm thảm.
Mỗi lần anh quăng tấm thảm, những ngọn lửa nhảy từ phía tôi sang phía anh.
Việc này trở nên quá đau, quá khó, quá sức.
Sau vài lần quăng thảm vào người tôi, anh lùi lại. Anh ngừng quăng.
Anh thả tấm thảm xuống.
BƯỚC VÀO BIỂN LỬA
Jim đã có một lựa chọn vào buổi sáng hôm đó. Lùi lại khi ngọn lửa trở nên quá nóng, để tôi
cháy và cứu bản thân mình.
Hoặc quay lại trận chiến, bị bỏng và cố gắng cứu tôi.
Anh đã làm việc mà tôi nghĩ phần lớn mọi người sẽ làm. Anh lùi lại.
Hãy nghĩ mà xem. Bạn đã bao giờ chạm vào vật gì nóng chưa? Khi bạn chạm vào nó, phản ứng tự nhiên của bạn là gì?
Bạn rụt tay lại.
Bạn nói gì?
Ối.
Thôi nào, bạn thật sự nói gì?
Được rồi, bạn biết không, tôi không quan tâm bạn nói gì.
Lời nói là thứ rẻ tiền, hành động mới quan trọng. Trong cuộc sống, việc chúng ta làm quan trọng hơn nhiều lời chúng ta nói.
Khi cuộc sống tăng nhiệt, khi lửa đời ngùn ngụt bủa vây và tấn công bạn, bạn có thể lùi lại, rút lui và để cho tất cả bị hủy hoại.
Hay bạn sẽ quay trở lại và cứu vớt những gì quan trọng khỏi trận hỏa hoạn đang đe dọa hủy hoại hôn nhân của bạn, sự nghiệp của bạn, niềm vui của bạn cuộc sống của bạn.
Chiếc chìa khóa dẫn tới lựa chọn đó, con đường duy nhất để tái tham chiến, là biết một cách chắc chắn tại sao bạn quay trở lại.
Một trong những câu trích dẫn yêu thích nhất của tôi về vấn đề này đến từ Patanjali. Ông viết vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên:
Khi bạn được thôi thúc bởi một mục đích lớn lao, một sự việc phi thường nào đó, tất cả suy nghĩ của bạn phá vỡ mọi ràng buộc. Trí tuệ của bạn vượt lên trên giới hạn, nhận thức của bạn mở rộng khắp tứ phương, và bạn tìm thấy mình trong một thế giới mới mẻ, rộng lớn và kỳ diệu.
Những sức mạnh, những khả năng, những năng khiếu ngủ quên trở nên sống động, và bạn phát hiện ra mình là một người vĩ đại hơn nhiều những gì bạn ao ước.
Đó là những câu văn tuyệt vời. Mỗi từ đều đẹp, mỗi câu đều nên thơ và tất cả đều đúng.
Tuy nhiên, chúng ta nên nhận ra một chi tiết quan trọng là mặc dù câu văn trên rất tuyệt vời, nhưng toàn bộ giá trị của nó lại xoay quanh dòng đầu tiên: “Khi bạn được thôi thúc bởi một mục đích lớn lao…”
Tất cả chúng ta đều muốn biết phần còn lại của câu văn, phần hay ho nhất kìa. Chắc chắn là chúng ta luôn muốn suy nghĩ của mình phá vỡ mọi ràng buộc để có thể tưởng tượng, kết hợp, khởi xướng và sáng tạo một cách nhiệt huyết. Chúng ta mong mỏi được sống trong một thế giới mới mẻ, rộng lớn và kỳ diệu.
Nhưng chúng ta sẽ không đạt được bất cứ thứ gì ở trên cho đến khi chúng ta “được thôi thúc bởi một mục đích lớn lao”, cho đến khi chúng ta biết cái gì khiến cho bản thân mình thực sự tồn tại. Cho đến khi chúng ta có được điều đó, lý tưởng đó, con người đáng chiến đấu để bảo vệ đó, có khi nào chúng ta sẽ chỉ biết bế tắc hỏi: “Thế thì sao?”.
Điều đó, lý tưởng đó, con người đó.
Để sống một cuộc đời nhiệt huyết, bạn phải lựa chọn hoàn toàn Nhập Cuộc mỗi ngày với một mục đích lớn hơn bản thân mình.
Sau khi thả tấm thảm xuống, Jim quan sát những ngọn lửa tiếp tục nhảy ra từ người tôi.
Anh cúi xuống đất, cầm tấm thảm lên và quay trở lại cuộc chiến.
Jim quăng thảm, cố gắng bóp nghẹt những ngọn lửa đang nhảy múa.
Rồi anh quăng một lần nữa. Và một lần nữa.
Anh làm suy yếu những ngọn lửa ở mức đủ để có thể quấn tấm thảm quanh người tôi và bế tôi ra ngoài. Anh đặt tôi lên mặt đất ẩm ướt, đầy tuyết và đè lên người tôi rồi lăn đi. Anh đã dập tắt đám cháy.
Rồi với những vết bỏng độ một trên hai bàn tay và hai cánh tay, Jim quay trở vào ngôi nhà đang ngập ngụa khói, gọi 911 rồi kiểm tra xem những người khác đã ra khỏi nhà chưa.
Buổi sáng hôm đó, anh đã trở thành một người vĩ đại hơn nhiều những gì anh từng ao ước.
Anh đã cứu sống tôi.
Anh đã trở thành một anh hùng.
KHÔNG BAO GIỜ BUÔNG TAY
Nhưng Jim không phải là người duy nhất.
Khi anh biến mất vào trong ngôi nhà đang cháy để gọi 911, chị và em gái tôi, Amy, 11 tuổi cùng Susan, 8 tuổi, chạy bổ ra ngoài. Vụ nổ đã khiến họ giật mình tỉnh giấc. Khi chạy từ phòng ngủ xuống cầu thang, họ nhìn thấy tôi đang đứng trong phòng khách, chìm trong biển lửa và la hét. Họ chứng kiến Jim đánh tôi một cách man rợ bằng tấm thảm khi cố gắng bóp nghẹt những ngọn lửa đó. Họ chạy theo Jim khi anh bế tôi ra ngoài. Và nhìn thấy tôi đứng trên sân, người cúi gập xuống, quần áo và da nhỏ xuống từng giọt.
Nghiêm túc này, bạn có thể đọc đoạn trên và chuyển ngay sang câu tiếp theo được không?
Hãy đọc lại nó đi.
Hãy tưởng tượng nào: Tưởng tượng bạn bị đánh thức bởi một tiếng nổ vang trời ngay trong nhà mình, các ô cửa sổ vỡ tung và chuông báo cháy kêu inh ỏi. Tưởng tượng nhìn xuống cầu thang và trông thấy em trai bạn đang bốc cháy như một ngọn đuốc ngay trước mắt. Tưởng tượng bạn vừa thở hổn hển vừa tìm đường thoát ra khỏi căn nhà nghi ngút khói. Tưởng tượng bạn phải lao ra sân, chân trần đứng trên tuyết, trên người vẫn mặc bộ váy ngủ. Và tưởng tượng bạn nhìn thấy thằng em trai bé bỏng, thằng bé ngày hôm qua thôi vẫn còn cùng bạn vui đùa và cãi vã, nay chỉ cách bạn một vài bước chân, người bị cháy đen thui, cúi gập xuống, quằn quại trong đau đớn.
Bạn sẽ làm gì?
Bạn sẽ phản ứng như thế nào?
Tôi không biết bạn sẽ làm gì, nhưng tôi sẽ vắt chân lên cổ chạy theo hướng ngược lại.
Đó là tôi.
Tôi biết mình sẽ rất sợ hãi để làm bất cứ việc gì ngoài việc chạy trốn khỏi mọi thứ. Hay chạy đi tìm một ai khác đến giúp. Đây là cách tôi xử lý vấn đề khi còn nhỏ. Khi trung thực với bản thân, tôi nhận ra đây đôi khi cũng là cách tôi giải quyết những khó khăn khi đã trưởng thành.
Không phải tất cả chúng ta đều như vậy hay sao? Rút lui. Đó là một cách xử lý thách thức trong cuộc sống.
Nhưng có một cách khác tốt hơn.
Con đường đó chính là đối diện, sở hữu, nhập cuộc và hành động. May mắn cho tôi, Amy đã lựa chọn con đường đó.
Chị ngay lập tức bước đến bên tôi, vòng hai tay ôm lấy tôi và kéo sát vào lòng rồi nói: “Em sẽ ổn thôi, John. Em sẽ ổn thôi. Hãy tin tưởng và chiến đấu”
Bây giờ bạn nghe này, đây không phải là điều tôi trông đợi ở chị.
Đây đơn giản không phải là điều ta trông đợi ở một đứa trẻ 11 tuổi.
Tôi tin đó là những từ ngữ tốt đẹp thiêng liêng
và hành động của Amy vào buổi sáng hôm đó là dũng cảm. Nhưng tôi chưa sẵn sàng cho chúng. Tôi không nghĩ chị đúng.
Sau khi nghe chị nói xong, tôi nhìn xuống. Và khi ấy, tôi đã nhìn thấy hai bàn tay mình. Các ngón tay co quắp lại thành một nắm đấm.
Da tôi trông đỏ, ma mị và tôi không thể cử động các ngón tay. Hai cánh tay tôi đang bong tróc và nhập nhằng giữa những sắc đỏ tươi và một màu đen thui. Quần áo và lớp da của tôi đã dính vào làm một. Tôi cảm thấy cơ thể mình đang dần co lại và căng lên kể cả khi tôi đứng trong vòng tay của chị. Tôi sẽ không ổn.
Rồi tôi nhìn lên. Đó là ngôi nhà thơ ấu của tôi. Ngôi nhà hai tầng xinh đẹp này đã lưu giữ gần như mọi ký ức của cuộc đời tôi. Những bữa sáng quây quần, những bữa tối Tạ Ơn, những buổi sáng Giáng Sinh, những buổi tiệc sinh nhật, những bữa ăn của gia đình mỗi tối và những tranh luận về chuyện đi ngủ thường xảy ra sau đó. Ngôi nhà này là cuộc sống của tôi. Tôi yêu nó.
Giờ đây, những ngọn lửa đang nhảy ra từ nóc ga ra, khói đang tuôn ra từ các cửa sổ và cửa trước. Tôi đã châm ngòi những ngọn lửa ấy và tôi đã thổi bùng đám cháy này.
Điều đó vượt quá sức chịu đựng của tôi.
Giữa nỗi thống khổ đã làm cả gia đình thất vọng và những vết bỏng đau đớn, tôi nhìn đi chỗ khác. Tôi nhìn Amy. Tôi quát vào mặt chị: “Amy, em cần chị giúp em một chuyện. Quay vào trong nhà. Không cần biết nó có đang cháy hay không. Đi vào bếp, lấy cho em một con dao, quay lại đây và giết chết em đi. Amy, hãy giết chết em đi!”.
Tôi sẽ nói cho bạn biết, chỉ đánh máy những từ này cũng đã khó với tôi rồi.
Tôi yêu cuộc sống của mình ngày hôm nay. Tôi tuyệt đối yêu mỗi ngày mình đang sống. Tôi là người may mắn, có phúc nhất mà tôi biết.
Nhưng trong khoảnh khắc đó, bị trói chặt trong nỗi tuyệt vọng, sức nặng của toàn bộ vấn đề đã đè bẹp tôi. Tôi không chắc mình có muốn chết hay không, nhưng tôi biết chắc rằng không biết bản thân có còn muốn sống hay không. Chỉ đơn giản là tôi không thể nhìn thấy con đường phía trước. Tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vọng.
Bạn không cần trải nghiệm một hoàn cảnh kịch tính như tôi để cảm thấy hoàn toàn bị nhấn chìm trong tuyệt vọng. Chính bản thân bạn cũng có câu những chuyện của riêng mình về các mối quan hệ đổ vỡ, bạn bè bội bạc, sức khỏe suy yếu, tiền bạc tiêu tan. Bạn cũng có trải nghiệm riêng khi những thứ bạn trân quý nhất trên đời bỗng nhiên hóa thành mây khói.
Bạn hiểu cuộc sống rất khó khăn. Bạn cũng từng ở đó.
Bạn biết cuộc sống là sự kết hợp những đỉnh cao cùng những thung lũng và rất, rất nhiều những thời điểm bấp bênh, nửa vời.
Bạn cũng biết rằng những khoảnh khắc đau đớn có thể đẩy bạn về phía trước hoặc kéo bạn lại phía sau. Chúng là những điểm uốn kiến tạo nên cuộc sống của bạn.
Và bạn cũng hiểu rằng trong những khoảnh khắc này, việc có một người sẵn lòng ở bên bạn, không buông tay bạn ra, nói cho bạn nghe sự thật, có thể tạo ra mọi sự khác biệt.
Người duy nhất đó đối với tôi là chị Amy.
Khi nghe tôi nói rằng mình muốn chết, chị còn ôm tôi chặt hơn. Rồi Amy hét vào mặt tôi những câu mà tôi hoan nghênh bạn hét vào mặt tôi khi chúng ta gặp nhau: “John, im miệng đi. Em làm sao vậy? Hãy nghe chị, em ổn mà. Hãy tin tưởng và chiến đấu.”
Một lời khuyên tuyệt vời.
Nhưng khó thực hiện.
GIỮ VỮNG TINH THẦN
Khi cuộc sống trở nên khó khăn, có đôi lúc chúng ta sẽ muốn từ bỏ.
Nhưng có một bí mật đã giúp tôi vượt qua nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí là nhiều năm gian khổ:
Khi bạn biết tại sao, bạn có thể chịu đựng biết bao.
Tôi ước rằng có thể tự nhận mình đã viết ra câu văn đó. Nhưng tôi sẽ kể cho bạn nghe về người đầu tiên đã giới thiệu nó cho tôi.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Viktor Frankl đã sống nhiều năm tại nhà tù của Đức Quốc Xã ở châu Âu. Frankl bị giam cầm trong 4 trại tập trung khác nhau với điều kiện sống tồi tệ và phi nhân tính. Trong 3 năm, tất cả những người ông yêu thương đều bỏ mạng. Tất cả.
Frankl mất bố mẹ, em trai và người vợ đang mang thai.
Ông mất hàng xóm và bạn bè.
Ông bị bỏ đói, đánh đập và làm nhục.
Ông đã phải trải qua nỗi đau mà tôi không thể hiểu được.
Thế mà khi được thả tự do, ông vẫn tiếp tục làm bác sĩ tâm lý để giúp người khác tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Ông cũng viết một cuốn sách kể lại hành trình tìm kiếm ý nghĩa và mục đích giữa những đau khổ khôn cùng của mình: Man’s Search for Meaning4. Ban đầu cuốn sách được đặt tên là: Nevertheless, Say Yes To Life: A Psychologist Experiences the Concentration Camps5. Bạn có biết điều đó không? Ý tôi là, tôi yêu tên sách hiện nay, nhưng có điều gì đó về cái tựa đầu tiên đã nói trúng vấn đề.
4 Tạm dịch: Hành trình đi tìm ý nghĩa.
5 Tạm dịch: Dù vậy, hãy nói có với cuộc sống: Một bác sĩ tâm lý trải nghiệm cuộc sống trong trại tập trung.
Cuốn sách đã cách mạng hóa ngành tâm lý học và soi sáng một bi kịch mà nhiều người từ chối thảo luận. Nó cũng tác động sâu sắc đến cuộc đời tôi khi tôi đọc nó trong trường đại học - và đọc lại nhiều lần từ đó đến nay.
Và câu văn đó, Khi bạn biết tại sao, bạn có thể chịu đựng biết bao, đã giúp Viktor Frankl vượt qua những điều kiện sống không thể tha thứ, sự đói khát, sự hành hạ của Đức Quốc Xã, cái chết của bạn bè và nỗi sợ phải thức dậy trước một cơn ác mộng lặp đi lặp lại mỗi buổi sáng.
Vào buổi sáng bị Đức Quốc Xã bắt giữ, ông đã nhét bản thảo một cuốn sách ông đang viết dở vào trong túi áo. Khi ông đặt chân đến trại tị nạn, ông đã bị lột quần áo… và bản thảo quý giá của mình.
Frankl biết rằng mình sẽ không bao giờ lấy lại được thành quả lao động khó nhọc đó. Rằng rất có thể nó đã bị thiêu thành tro ngay sau khi bị lấy đi.
Nhưng ông quyết tâm tái tạo cuốn sách. Trong suốt thời gian bị giam cầm, ông tranh thủ viết lên những mảnh giấy nhỏ. Ông xây dựng các chương sách trong đầu. Cuốn sách đó, tác phẩm đó, trở thành mục đích khiến ông tồn tại, khiến ông đấu tranh để sống.
Việc ông sống sót khiến người ta sững sờ. Và kể cả sau khi ông được thả tự do, nếu người đàn ông đó muốn lắc đầu với cuộc sống thì cũng là điều dễ hiểu. Ông đã nhìn thấy góc tối nhất của màn đêm. Sự xấu xa thật sự. Sự độc ác không thể diễn tả thành lời.
Thế nhưng ông vẫn lựa chọn gật đầu với cuộc sống. Lựa chọn đi tìm ý nghĩa. Đi tìm một con đường để vượt khó và sống tiếp. Tin tưởng và đấu tranh.
Chúng ta tập trung phần lớn nỗ lực và cuộc sống của mình vào biết bao. Biết bao bao gồm những công việc, những nghĩa vụ, những trách nhiệm, hay chất liệu của cuộc sống.
Biết bao là những hành trình đi chung xe, những cuộc gặp gỡ và những ca trực ở cơ quan. Nó là đóng thuế, thanh toán hóa đơn và trả giá cho việc trót ăn một món tráng miệng khó cưỡng. Nó là chiến lược, là bản đồ chỉ đường, là kế hoạch. Nó là một danh sách những việc phải làm.
Và nó luôn ở đó.
Luôn làm bạn mệt mỏi.
Và chúng ta rất hay quên mất lý do tại sao mình phải làm những việc đó. Chúng ta quên mất tại sao chúng ta làm việc, tại sao chúng ta sinh con, tại sao chúng ta phục vụ, tại sao chúng ta yêu, tại sao chúng ta mạo hiểm. Kể cả tại sao chúng ta đấu tranh để sống. Dường như phần lớn cuộc sống gồm toàn những thứ vụn vặt, những công việc chúng ta phải hoàn thành mỗi ngày.
Ôi, nhưng sống đầy nhiệt huyết không phải là tiểu tiết.
Việc vặt vẫn cần thực hiện, nhiệm vụ vẫn phải hoàn thành, nhưng mọi thứ về việc vặt, về nhiệm vụ, về cuộc sống sẽ thay đổi khi bạn biết tại sao. Khi lý do ở ngay trước mắt bạn, nhắc bạn nhớ mục đích của mình, tất cả sẽ đều thay đổi.
Khi bạn biết tại sao, bạn có thể chịu đựng biết bao. Đơn giản và mạnh mẽ, câu nói của Frankl nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc sống có mục đích.
Bởi vì những lý do tại sao sẽ là nguồn năng lượng cho chúng ta khai thác khi cuộc sống trở nên quá đỗi khó khăn.
Mục đích chính là ánh sáng giúp chúng ta vượt qua ngay cả những đường hầm tối tăm nhất.
Nó cho phép chúng ta nắm chặt, kể cả khi bị bỏng, kể cả khi rất khó, kể cả khi quá đau.
Các anh chị em của tôi đã mô phỏng điều này cho tôi thấy vào ngày xảy ra trận hỏa hoạn. Sau khi xe cứu thương đi khỏi, các anh chị em của tôi được dẫn đến ở nhờ nhà hàng xóm và rồi lúc xế chiều được đưa vào bệnh viện để đoàn tụ với bố mẹ chúng tôi.
Nhân viên bệnh viện dẫn Amy và các anh chị em khác của tôi đi qua một mê cung hành lang. Họ đi cầu thang máy lên tầng 4. Họ bước ra ngoài và ngay trước mắt họ, một phòng đợi chật kín bạn bè và người thân, tụ họp để giúp đỡ, khóc và cầu nguyện cùng bố mẹ tôi.
Amy tìm quanh phòng, nhìn thấy bố tôi và chạy về phía ông.
Họ ôm nhau.
Chị khóc nức nở. Bố ôm chặt chị.
Qua những tiếng thì thầm yếu ớt và những tiếng nức nở, bố lắng nghe khi Amy chia sẻ những gì chị đã nhìn thấy buổi sáng. Chị kể về vụ nổ, về việc nhìn thấy tôi trong nhà, về những ngọn lửa nhảy ra từ người tôi, về việc đứng ngoài trời, về cảm giác lạnh cùng sợ hãi và về việc chị hiểu rằng tôi cần chị, về việc chị đã giữ chặt lấy tôi.
“Bố ơi, trông John như sắp tan ra thành tro bụi sáng nay. Người em ấy nóng đến nỗi con nghĩ hai cánh tay con sau lớp váy đang bốc cháy. Nhưng, bố ơi, con không bao giờ buông tay. Con không bao giờ để em ấy ra đi.”
Vào một thời điểm nguy kịch, khi tôi muốn chết, chị đã giữ chặt lấy tôi.
Chị từ chối quay đi. Chị từ chối buông tay.
Chị biết tại sao chị lại đau như vậy. Chị biết nó không là gì so với cái tôi đang phải trải qua. Và chị biết rằng nếu vòng tay của chị giúp ích cho tôi, dù chỉ một chút thôi, thì mọi đau đớn chị phải chịu đựng đều xứng đáng.
Khi bạn biết tại sao, bạn có thể chịu đựng biết bao. Chị tôi biết tại sao.
Và chúng ta cũng phải biết.
Nhưng chúng ta cũng phải nhận ra điều cốt yếu là những thứ tác động lớn nhất tới chúng ta không chỉ xuất hiện trong những khoảnh khắc trọng đại. Chúng ta hiếm khi được gọi đến để trở thành anh hùng trong những trận hỏa hoạn gia đình bi thương. Chúng ta cần những mục đích thường xuyên hơn trong cuộc sống hàng ngày tưởng chừng nhàm chán và bình thường của mình.
MỘT TỜ SÉC KHỔNG LỒ
Trong suốt 5 tháng bị chôn vùi trong bệnh viện, tôi nằm ở khoa bỏng.
Tầng 4. Phòng 404.
Nhìn thẳng xuống một bãi đỗ xe.
Theo truyền thống của tất cả các bệnh viện, mỗi sáng các bác sĩ đi thăm bệnh cùng với các thực tập sinh và một vài trợ lý chủ chốt. Bác sĩ chữa bỏng chính của tôi, Tiến sĩ Ayvazian, sẽ dẫn một nhóm người mặc áo khoác trắng đi qua phòng tôi, nói về phác đồ điều trị và đặt một số câu hỏi. Là một đứa trẻ, tôi không thích bị chú ý, nên tôi thường giả vờ ngủ.
Nói nhỏ với bạn, tôi cũng từng phải dùng đến cơ chế tự vệ này khi vợ tôi đặt cho tôi những câu hỏi khó trả lời vào buổi đêm.
Bao giờ anh mới thay cái bóng đèn phía trên cửa trước?
Khò… ò... ò.. .ò...
Giáng Sinh này chúng ta nên về bên nội hay bên ngoại? Khò.. ò… ò... ò…
Anh thích tóc em bây giờ hay trước khi cắt hơn? Khò... ò... ò... ò…
Dù sao đi nữa, trong một lần đi thăm bệnh với toàn bộ đội ngũ nhân viên, bác sĩ của tôi đã gọi một người đàn ông tiến lên phía trước.
Đó là Lavelle. Ông là lao công.
Ông bật đài lên mỗi sáng sớm rồi quét dọn phòng tôi. Vì là trẻ con, nên tôi không quan tâm phòng tôi sạch hay bẩn. Điều duy nhất quan trọng đối với tôi là Lavelle ngầu. Và ông có gu âm nhạc hay tuyệt.
Hôm nay, bác sĩ Ayvazian gọi Lavelle đến bên giường bệnh của tôi, nhìn thẳng vào mắt ông và nói: “Anh hãy nhìn kỹ cháu bé này. Anh có thấy cháu bé đang nằm đây không? Lavelle, anh đang giúp cháu bé được sống. Anh đang làm việc này. Đây là thành quả lao động của anh. Cảm ơn anh.”
Tại thời điểm đó, tôi thật sự không biết bác sĩ của tôi đang đề cập đến vấn đề gì. Tôi không biết rằng kẻ thù số một của các nạn nhân bỏng là nhiễm trùng.
Nhiễm trùng gây tử vong trong các bệnh viện. Và vì tôi không có da, nhiễm trùng rất có thể sẽ giết chết tôi. Đó là lý do tại sao bố mẹ và anh trai tôi phải che kín từ đầu đến chân trong những bộ đồ màu vàng đó. Chúng được thiết kế để ngăn không cho vi trùng tiếp cận tôi.
Trong khi các bác sĩ làm tất cả những gì có thể để phòng ngừa nhiễm trùng, người quan trọng nhất làm giảm thiểu khả năng nhiễm trùng không phải bác sĩ hay y tá.
Đó không phải là bố mẹ hay anh trai tôi. Đó là người lao công.
Một phòng bệnh sạch sẽ là một phòng bệnh an toàn.
Bác sĩ của tôi biết điều này. Hơn cả thế, ông còn biết tầm quan trọng của mục đích. Lavelle có nhiều phòng phải lau dọn. Thế nhưng bác sĩ vẫn yêu cầu ông ấy đi thăm bệnh cùng mình. Để nhắc ông nhớ một điều quan trọng.
Chúng ta thường rất hay vùi đầu vào công việc hàng ngày. Những thứ nhàm chán. Và khi làm vậy, chúng ta có thể quên những nỗ lực của mình quan trọng đối với đại cuộc như thế nào. Mỗi công việc được thực hiện, mỗi nhiệm vụ được phân công, mỗi trách nhiệm được gánh vác, đều quan trọng.
Bạn có tin điều đó không?
Bạn có tin rằng công việc của bạn quan trọng không?
Nỗ lực nuôi dạy con cái của bạn quan trọng? Cách bạn yêu thương bạn đời quan trọng?
Cách bạn đối xử với một người lạ trên đường quan trọng?
Mọi việc chúng ta làm đều quan trọng. Cuộc sống của chúng ta rất thiêng liêng. Không có người chơi nào nhỏ bé.
Không có công việc nào bé nhỏ.
Đội ngũ y tế chăm sóc tôi là những con người kiệt xuất. Dẫn đầu đội ngũ là một bác sĩ được công nhận rộng rãi là một trong những người giỏi nhất thế giới. Các y tá, bác sĩ trị liệu về đường hô hấp, dược sĩ, chuyên gia ăn kiêng, kỹ thuật viên, toàn bộ đội ngũ nhân viên đều thực hiện công việc của họ một cách hoàn hảo. Các tình nguyện viên thăm hỏi, cộng đồng cầu nguyện, nhưng một lý do quan trọng giúp tôi sống sót là một người lao công được thúc đẩy không phải bởi một công việc, mà bởi một mục đích. Động lực của ông không phải là một tờ séc, mà là tính mạng của một cháu bé.
Tất cả sẽ tan vỡ nếu người đàn ông đó, một cá nhân, một con người bình thường, lựa chọn không quan tâm.
Sự thờ ơ sẽ có thể giết chết một con người.
Nó giết chết các bệnh nhân. Nó giết chết các mối quan hệ. Nó giết chết cộng đồng.
Nhưng chính những mục đích đã thổi hồn vào con người, vào công việc, vào các mối quan hệ và vào sự tồn tại của chúng ta.
TUYÊN NGÔN CHÂM NGÒI
Bạn có con không? Không?
Thôi được, bạn đã bao giờ tiếp xúc với trẻ con chưa?
Tốt.
Hãy nhớ lại quãng thời gian khi chúng khoảng 3 tuổi.
Mà thực ra khi nghĩ lại vấn đề này, thì bất cứ thời điểm nào từ lúc chúng bắt đầu biết nói cho đến ngày hôm nay, không cần biết chúng bao nhiêu tuổi, câu hỏi yêu thích nhất của chúng là gì?
“Tại sao?”
Dù người lớn nói “Đến giờ đi ngủ rồi” hay “Ăn rau đi” hay “Mặc áo khoác vào”, bọn trẻ đều tiếp lời bằng từ “Tại sao?” một cách đầy tò mò. Chuyện này ban đầu thì dễ thương, nhưng trong vai trò bố mẹ, bạn sẽ nhanh chóng chán ngán việc phải trả lời tất cả các câu hỏi, đặc biệt là những câu hỏi hóc búa mà bạn không hề biết phải trả lời như thế nào. Bố ơi, em bé đến từ đâu?
Nhưng bọn trẻ có trực giác tốt.
Khi chúng ta hiểu mục đích của một việc gì đó, chúng ta có thể tiến lên phía trước một cách rõ ràng, không phải rầy rà tự hỏi Việc này có đáng không? hay Việc này khó quá, mình hoàn toàn không nên làm việc này. Khi chúng ta biết tại sao, chúng ta tập trung, thỏa mãn và thẳng tiến.
Vậy thì bạn sẽ làm thế nào để bắt lửa cuộc sống khi mỗi ngày trở nên dài hơn, mọi chuyện trở nên khó khăn hơn và bạn cảm thấy sống lặng lẽ qua ngày sẽ dễ dàng hơn? Thà rằng không quan tâm và để sự thờ ơ đến trú ngụ trong cuộc sống của bạn?
Bạn phải tìm ra cách giữ mục đích ở ngay trước mắt mình.
Cách đây vài năm, tôi tạo ra một lời nhắc nhở không ngừng để động viên tôi hàng ngày, dù tôi đang làm việc gì đi nữa.
Tôi gọi nó là Tuyên ngôn châm ngòi.
Rất giống tuyên bố sứ mệnh của các tổ chức, một tuyên ngôn châm ngòi sẽ giúp bạn xác định điều bạn đang hướng tới hàng ngày, những lúc thuận lợi cũng như khó khăn. Tuyên ngôn làm bạn bừng sáng và luôn nhắc nhở rằng bản thân bạn là ai.
Bạn thấy đấy, mục đích sống của bạn hoạt động như nhiên liệu xe ô tô. Nó giúp bạn lăn bánh. Nếu bắt đầu chạy chậm lại, bạn sẽ phát hiện ra mình đang hết xăng. Tuyên ngôn châm ngòi sẽ không ngừng nhắc nhở bạn đang làm việc vì cái gì, dù ở nhà, ở cơ quan, hay đâu đó trong khu phố. Nó có thể giữ đầy bình xăng cho bạn.
Việc tôi đi công tác hơn 100 ngày trong năm, hỗ trợ sự phát triển của một đội kinh doanh, nỗ lực gây ảnh hưởng, nhưng đồng thời cũng mong mỏi được ở nhà, thèm muốn được trở thành người chồng, người bố, người con trai tốt nhất, có thể sẽ khiến tôi căng thẳng. Thế nhưng Tuyên ngôn châm ngòi của tôi đã làm giảm bớt phần lớn sự căng thẳng đó bằng cách giữ lửa cho tôi khi rong ruổi trên đường, ở nhà và ở mọi nơi khác. Nó giúp trả lời câu hỏi “Tại sao bạn cố gắng hết sức và dốc toàn bộ sinh lực vào trong tình huống này với mọi thứ bạn có?”
Đối với tôi, câu trả lời thật đơn giản. Tuyên ngôn châm ngòi của tôi tốn nhiều năm trau chuốt, nhưng bây giờ nó đã có thể trôi tuột ra khỏi đầu lưỡi và cuồn cuộn trong những hành động của tôi: Bởi vì Chúa yêu cầu, gia đình tôi xứng đáng và thế giới đang khát sáng.
Nó làm tôi bừng sáng khi đi qua máy khám ở sân bay, khi chào hỏi lái xe taxi ở những thành phố mới, khi diễn thuyết trước khán giả, khi đi chơi với nhân viên khách sạn, khi phi như bay trở lại phi trường, khi tốt bụng với tiếp viên hàng không và các bạn đồng hành trên chuyến bay và khi xuất hiện trước người vợ xinh đẹp và những đứa con của khi tôi về đến nhà.
John, anh có bao giờ thấy mệt không?
Có.
Có những ngày anh thấy người đau nhức không?
Tất nhiên.
Có ngày nào anh cảm thấy không thể gánh vác được nữa không?
Thường xuyên.
Nếu vậy anh giữ lửa như thế nào?
Dễ thôi.
Vì Chúa yêu cầu, gia đình tôi xứng đáng và thế giới đang khát sáng.
Chỉ nghĩ đến nó thôi cũng khiến tôi bừng cháy.
Vậy nên hãy để tôi hỏi bạn: Tại sao bạn ở đây?
Tại sao bạn muốn vĩ đại hơn trong cuộc sống? Tại sao lại cố gắng hết sức và dốc toàn bộ sinh lực vào tình huống này với mọi thứ bạn có?
Bằng cách trả lời những câu hỏi này, bạn đã bắt đầu khơi nguồn ý tưởng cho Tuyên ngôn châm ngòi của mình. Tuyên ngôn này nên bắt đầu với Bởi vì.
Bởi vì tôi quan trọng.
Bởi vì công việc này có ảnh hưởng lớn. Bởi vì bọn trẻ cần tôi.
Bởi vì tôi yêu cô ấy và tôi phải thể hiện điều đó, mỗi ngày.
Bởi vì tôi khỏe mạnh, đang sống và tôi muốn làm một ai đó mỉm cười, dù người đó chỉ là Chúa.
Bởi vì điều đó xứng đáng. Bởi vì cuộc sống thật đẹp.
Nhưng để tôi làm rõ một điều. Tuyên ngôn châm ngòi của bạn, đam mê mà nó mở khóa và mục đích mà nó tiếp lửa, phải được dùng để chỉ dẫn và truyền cảm hứng cho cuộc sống hàng ngày của bạn. Nó không phải là thỉnh thoảng thực hiện một chuyến đi thiện nguyện hay một kỳ nghỉ hạng nhất cùng gia đình. Nó không phải là kế hoạch nghỉ hưu trong 30 năm nữa hay là những chiếc vé xem thể thao đặt mua cho cả mùa sau. Điều tôi đang cố gắng giúp bạn đạt được ở đây là năng lượng giữ cho bạn tránh khỏi sự thờ ơ, trong khi thúc đẩy bạn tiến lên phía trước với những mục đích trong cuộc sống hàng ngày.
Những chuyến đi lớn cũng quan trọng. Việc lên kế hoạch cho ngày mai là rất tốt. Nhưng cuộc sống thật xảy ra giữa đống tã lót và những chuyến đi chung xe, những tấm ga trải giường và lịch làm việc dày đặc, đường tắc giờ cao điểm và những buổi tối bình yên ở nhà. Những điều thuộc về thường ngày chính là thiêng liêng nhất.
Tuyên ngôn châm ngòi của bạn phải nhắc nhở được bạn hành động như thế.
HOÀN TOÀN NHẬP CUỘC
Ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã làm thay đổi cả thế giới.
Nếu bạn đang sống vào thời điểm đó, có thể bạn sẽ nhớ được mình đã ở đâu và đang làm gì khi những chiếc máy bay đâm vào Tháp Đôi, Lầu Năm Góc rồi rơi xuống cánh đồng ở Shanksville, Pennsylvania.
Đang làm việc cách nhà bố mẹ tôi một vài cây số, tôi lao về nhà để theo dõi bản tin và ở bên bố mẹ. Mẹ và tôi ngồi trên ghế sô pha chết lặng nhìn khói bốc lên từ những tòa nhà.
Chúng tôi dõi theo từng tiểu đoàn lính cứu hỏa New York trẻ trung, mạnh mẽ, tràn đầy sức sống, mặc áo khoác, chộp lấy dụng cụ và tiến vào tòa tháp.
Những người khác trong hai tòa nhà làm mọi cách có thể để xuống đất, để chạy đi, để tránh xa nguy hiểm, để cứu bản thân mình. Còn những người anh hùng này thay vào đó lại lựa chọn tiến thẳng vào trong.
Họ không cố gắng trở thành anh hùng. Họ không thức dậy với niềm hy vọng tử vì đạo. Ngược lại là khác. Họ bị đẩy về phía trước bởi tình yêu, bởi nghĩa vụ, bởi hy vọng, bởi sứ mệnh, bởi tại sao. Họ hành động quên thân và cứu sống tính mạng người khác trong khi dâng hiến tính mạng mình.
Họ hoàn toàn nhập cuộc.
Để thực sự trở thành anh hùng, bạn phải sẵn sàng mất đi tất cả.
Bạn sẵn sàng nhập cuộc hoàn toàn vào cuộc sống vì điều gì? Điều gì quan trọng đến mức bạn sẽ mạo hiểm mọi thứ khác - địa vị, sức khỏe, bạn bè, sự an toàn, thậm chí là cả tính mạng mình?
Những người sống một cuộc đời đam mê sẽ biết đáp án cho câu hỏi này.
Họ lột xác trở thành anh hùng vì họ biết tại sao. Những ví dụ trong chương này bao gồm anh trai tôi, chị gái tôi, Lavelle, những người lính cứu hỏa và những người trong quân ngũ. Tôi muốn giới thiệu với bạn một người anh hùng nữa, một cá nhân nữa đã xông vào đám cháy khi những người khác chạy ra ngoài.
Vào ngày tôi bị bỏng, một người anh hùng bé nhỏ đã bước lên phía trước và thay đổi cuộc đời tôi.
Khi những ngọn lửa tiếp tục nhảy ra từ ngôi nhà, chị Amy tiếp tục ôm và động viên tôi. Khi chị nói với tôi rằng mọi chuyện sẽ ổn, mọi chuyện sẽ tốt đẹp, tôi nhắc lại yêu cầu của mình: Quay vào nhà, lấy con dao và giết chết em đi. Mọi chuyện không ổn. Mọi chuyện không đúng. Hãy nhìn việc em đã làm.
Người nghe được cuộc đối thoại sinh tử này là em gái của chúng tôi, Susan.
Em 8 tuổi, có mái tóc đen nhánh, đôi má to phúng phính, cái miệng luôn tươi cười và sự duyên thầm tinh quái. Tôi là anh trai em. Điều đó có nghĩa là mọi chuyện mà các anh chị khác làm với tôi (hãy nhớ món bánh mỳ kẹp thịt có tưới nước sốt Tabasco) khiến tôi ghét họ, thì tôi sẽ học họ và ngay lập tức làm chuyện đó với Susan. Các gia đình đông con vận hành rất giống đường dẫn nước… tất tần tật, tất tần tật, đều được dẫn xuống xuôi dòng.
Susan, vào đây đi. Anh vừa làm cho em một cái bánh mỳ kẹp đậu phộng-bơ-mứt. Em sẽ thích lắm đấy!
Thế nên có lẽ không có gì phải ngạc nhiên khi tôi đứng trên sân đòi một con dao, bé Susan không cần nghe đến lần thứ hai.
Cô gái bé nhỏ này từ bỏ sự an toàn và không khí trong lành ngoài sân. Em quay đầu chạy thẳng vào trong ngôi nhà đang cháy của chúng tôi. Khi khói bay ra từ các cửa sổ và cửa ra vào, em bước vào phòng chính, đi xuyên qua phòng sinh hoạt gia đình và rồi đi tuốt đến tận cuối căn nhà để vào trong bếp.
Em nhìn không rõ. Em không thở nổi.
Nhưng em biết đường đi. Và em biết tại sao.
Susan vớ lấy vật mà em vào nhà để tìm và chạy nước rút trở ra ngoài.
Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc tôi đứng trên sân trong vòng tay âu yếm của Amy, nhìn căn nhà của chúng tôi cháy và thấy đứa em gái bé nhỏ chạy nước rút qua cửa trước.
Cảnh tượng diễn ra như trong phim.
Em chạy về phía tôi, khuôn mặt em tối sầm, biến dạng vì nhăn nhó, vì nước mắt và vì bồ hóng.
Em đứng cách tôi 2 bước chân.
Thở hổn hển.
Nó đang nằm trong tay em. Em hất nó về phía tôi.
Và nước trong cái cốc giấy em cầm được hất thẳng vào mặt tôi.
Tôi đã muốn chết.
Susan đã mạo hiểm tính mạng của em để đi tìm một cốc nước - để cầu xin tôi hãy sống.
Sau khi hất cốc nước thứ nhất vào mặt tôi, em quay đầu chạy thẳng vào trong ngôi nhà đang cháy, quay trở vào bếp, rót cốc nước thứ hai, chạy nước rút ra ngoài và lại tiếp tục hất nó thẳng vào mặt tôi.
Rồi em quay đầu và, vào ngày 17 tháng 1 năm 1987, đã chạy trở vào nhà của chúng tôi lần thứ ba.
Trong Kinh Thánh, Chúa Jesus đã nhắc nhở chúng ta: “Không có tình yêu nào lớn hơn kiểu tình yêu: đặt mạng sống của mình xuống vì bạn bè”.
Khi mới 8 tuổi em đã sẵn sàng làm việc này. Chúng tôi nghĩ việc em có thể quay trở ra ngoài với cốc nước thứ ba, hất thẳng nó vào mặt tôi, là một phép màu.
Hành động của em tạo nên mọi sự khác biệt.
Như bạn biết, tôi bị bỏng độ ba từ cổ cho đến các ngón chân. Tuy nhiên, mặt và da đầu của tôi không bị bỏng độ ba. Một số người cho rằng hành động làm mát những vùng đó trên cơ thể tôi của Susan đã làm giảm bớt tình trạng bỏng. Họ gợi ý Susan đã cứu da đầu và mặt tôi khỏi bị bỏng độ ba. Điều này là tối quan trọng, vì hành động của em không chỉ cứu khuôn mặt, mà còn cả da đầu tôi, nơi trở thành vị trí cung cấp da ghép cho toàn bộ cơ thể trong những tháng ngày phẫu thuật và ghép da sau đó.
Em đã cứu sống tôi.
Đó là một ví dụ có thật và đáng kinh ngạc của việc được chỉ đường dẫn lối bởi một mục đích lớn hơn bất cứ một sự bao biện nào.
Đó là một lời nhắc nhở sâu cay rằng khi bạn biết tại sao, thì bạn thật sự sẽ có thể chịu đựng được biết bao.
Và đó là một lời mời giải mã xem điều gì là thật sự quan trọng trong cuộc sống để chúng ta cũng có thể hoàn toàn nhập cuộc.
SỰ THỜ Ơ HAY MỤC ĐÍCH
Một người anh hùng là một cá nhân bình thường tìm thấy sức mạnh để kiên trì và chịu đựng bất chấp những thử thách nghiệt ngã.
- Christopher Reeve -
Bạn có đang bừng cháy với mục đích của ngày hôm nay không?
Tôi không hỏi lần cuối cùng bạn chạy vào trong một tòa nhà đang cháy hay mạo hiểm tính mạng vì người khác là khi nào. Tôi muốn biết, bạn có đang sống như thể cuộc sống này quan trọng không? Như thể có một điều gì đó trọng đại đang bị đánh cược trong cuộc sống hiện tại của bạn không?
Bạn đã hoàn toàn nhập cuộc chưa?
Hay bạn đã cho phép sự thờ ơ từ từ đánh cắp tất cả niềm vui của mình? Có phải bạn đang để những cái trần tục, những cái bình thường, những cái khó khăn, những cái nhàm chán, hút hết tủy sống của bạn không?
Hãy để đây là điểm uốn của bạn.
Lựa chọn bừng cháy có nghĩa là bạn không chấp nhận sự trung bình.
Bạn có thể tiếp tục rút lui, bảo vệ chính mình, thoát ra và giả vờ không quan tâm. Bạn đương nhiên có thể khoanh tay và nói: “Thế thì sao? Tôi không hề dao động. Thế thì sao? Tôi không còn quan tâm nữa. Thế thì sao? Chuyện đó không quan trọng”.
Hoặc bạn có thể quay trở lại cuộc chiến.
Bạn có thể dấn thân vào thế giới xung quanh, tìm kiếm mục đích và bám lấy nó với tất cả sức mạnh của mình. Bạn có thể tự hào tuyên bố: “Thỉnh thoảng, tôi bị bỏng thì sao? Cuộc sống này đáng thế. Thỉnh thoảng, tôi bị tổn thương thì sao? Còn có những người tôi có thể truyền cảm hứng. Cuộc sống khó khăn thì sao? Tôi chỉ có một lần được sống và tôi sẽ không bao giờ từ bỏ”.
Khi lựa chọn bừng cháy với mục đích, bạn có thể sẽ cứu sống ai đó.
Có thể cả chính bạn.
Hãy lựa chọn mục đích.
Nếu bạn thay đổi cách nhìn nhận vạn vật, vạn vật bạn nhìn thấy sẽ thay đổi.
- Wayne Dyer -