Đừng giả vờ nữa mà hãy bắt đầu nhìn nhận phép màu của cuộc sống.
Lại đến giờ tắm rồi.
Hồi xưa tôi rất thích tắm.
Bây giờ đó là thời điểm tồi tệ nhất trong ngày của tôi. Mỗi sáng, hai y tá khiêng tôi ra khỏi giường, đặt tôi lên một cái bàn có bánh xe và đẩy tôi dọc theo một hành lang dài rồi vào trong một căn phòng bốc mùi, nóng nực, có một cái bồn tắm to bằng thép nằm giữa phòng.
Họ khiêng tôi xuống bàn và từ từ đặt tôi xuống nước.
Toàn thân tôi được che phủ bằng những lớp băng dày. Dưới những lớp băng là những miếng gạc. Và dưới những miếng gạc là một vết thương lớn, đỏ au, hở hoang hoác mà trước đây đã từng là cơ thể tôi.
Mỗi chỗ nước chạm vào đều… đau.
Mỗi lần họ cố gắng bóc một lớp băng ra… tôi đau. Mỗi lần họ chà một vết thương… tôi đau.
Và bởi vì toàn thân tôi không còn da… nên mọi chỗ đều đau.
Họ nói rằng tắm là điều cần thiết. Họ bảo tôi đó là cách duy nhất để giữ cho tôi an toàn. Họ còn nói họ làm vậy là để giữ tính mạng cho tôi.
Được thôi. Tốt. Cứ làm đi. Nhưng tôi vẫn ghét tắm.
Sau khi họ tắm xong cho tôi, họ sẽ cạo đầu tôi.
Đây chính là khâu đáng sợ nhất.
Họ bảo tôi vị trí duy nhất sản sinh ra da ghép trên người tôi là da đầu tôi. Điều đó có nghĩa là các bác sĩ phải lấy một lớp da mỏng trên đầu tôi và ghép nó vào những bộ phận không còn da trên người. Các y tá nói tóc bẩn và có dầu, nên có thể sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh trưởng. Vì vậy họ cần cạo đầu tôi.
Họ cạo đầu tôi mỗi ngày.
Việc này chỉ mất một vài phút, nhưng tôi có cảm giác nó kéo dài hàng giờ.
Họ cạo vào chính cái chỗ chết tiệt mà họ vừa lấy một miếng da trước đó.
Cuối cùng, sau khi cạo và rửa ráy xong, họ nhấc tôi ra khỏi bồn rồi đặt tôi lại lên cái bàn kim loại lạnh lẽo.
Tôi lạnh. Tôi trần truồng. Tôi sợ. Và tôi vẫn chưa được yên thân.
Sau khi họ lau người cho tôi, họ sẽ bôi một loại thuốc màu trắng gọi là Silvadene lên người tôi. Nó trông giống kem vani tươi. Nhưng lại hoạt động như kem chống nắng. Và nó rát khủng khiếp. Họ bôi thứ kem đó lên từng centimet trên người tôi.
Rồi họ bọc tôi lại như một xác ướp trắng khổng lồ. Băng gạc che phủ kín toàn thân. Toàn bộ quá trình này kéo dài 2 tiếng.
Họ đã làm công việc đó trong nhiều tuần.
Nhưng hôm nay, trong căn phòng này, tất cả những nỗi đau thể xác không là gì so với điều tôi đang phải đối mặt.
Trong khi quan sát họ tháo băng ra khỏi người tôi, cuối cùng tôi cũng đưa mắt nhìn cái ở dưới tất cả những lớp băng gạc đó. Ý tôi là, cái thật sự nằm ở dưới tất cả những lớp băng gạc đó.
Trận hỏa hoạn đã thiêu trụi da tôi. Tất cả đều biến mất.
Tất cả những gì còn lại là phần bên dưới. Hai bàn tay, hai cánh tay, chân, ngực, bụng - toàn bộ cơ thể tôi - là một đống hỗn độn đỏ au, hở hang và xấu xí.
Việc nhìn thấy nó, thật sự nhìn thấy tất cả, khiến tôi buồn nôn. Cuối cùng, tôi cũng nhận ra rằng tôi sẽ không bao giờ là mình của ngày hôm qua được nữa. Tôi sẽ không bao giờ có thể trông như cũ.
Rồi tôi nhận ra một điều còn tồi tệ hơn.
Một điều còn khiến tôi đau đớn hơn: Không chỉ có toàn thân bị bỏng, mà mặt tôi cũng bị. Khuôn mặt này chắc hẳn sẽ khiến tôi trông giống một con quỷ đau đớn khổng lồ và đỏ hỏn.
Cuộc đời tôi thế là hết.
Khi họ quấn băng xong, tôi thậm chí còn không thể tâm sự với ai. Tôi không thể mở miệng được vì trên cổ có một cái lỗ. Họ gọi đó là ống mở thông khí quản. Nó giúp 2 lá phổi của tôi thở được. Nhưng điều đó có nghĩa là tôi không thể nói. Tôi không thể dùng giọng nói của mình.
Nên tôi chỉ biết khóc.
Khi các y tá đẩy tôi về phòng, mẹ nhìn thấy những giọt nước mắt đang lăn dài trên má tôi.
“Bé yêu, có chuyện gì vậy? Con đau à? Con có cần thêm thuốc giảm đau không?”.
Tôi lắc đầu không. Không, mẹ ơi, không phải thế. Mẹ chẳng hiểu gì cả.
Mẹ thật sự chẳng hiểu gì cả.
“Bé yêu, có chuyện gì vậy? Mẹ lấy cái bảng nhé?”. Tôi gật đầu.
Cái bảng.
“Cái bảng” là một miếng giấy có các mặt chữ cái. Từ A đến Z. Đây là cách chúng tôi nói chuyện với nhau. Mẹ chỉ tay vào các chữ cái và khi bà chỉ đúng, tôi sẽ tặc lưỡi. Bà viết chữ cái đó xuống, rồi tiếp tục tìm một chữ cái khác.
Mẹ đánh vần kém nên câu chuyện của chúng tôi thường kéo dài vô tận.
Nhưng cách này hiệu quả. Nó là lựa chọn duy nhất của tôi.
Mẹ chộp lấy miếng giấy, giơ nó lên, chỉ vào từng chữ cái. “John, cứ từ từ. Nói cho mẹ biết có chuyện gì”.
Bà chỉ vào hàng chữ cái đầu tiên.
ABCDEFGHI
JKLMNOPQR
STUVWXYZ
Không.
Rồi bà chỉ xuống hàng thứ hai. Đúng rồi.
Nên tôi tặc lưỡi.
Nên bà tiếp tục dò dẫm theo chân các chữ cái. J… K… L… M… OK!
M
Rồi tiếp đến, bà lại chỉ vào hàng đầu, rồi hàng thứ hai, rồi hàng thứ ba… OK!
Bà chỉ xuống hàng chữ cái cuối cùng. S… T… U… V… W… X… Y… OK!
MY
Việc này tưởng chừng như kéo dài vô tận, nhưng cuối cùng bà cũng viết được 2 từ đầu tiên:
MY FACE. (Mặt con)
May thay mẹ đoán ra được điều khiến tôi lo lắng trước khi tôi phải đánh vần tiếp.
“Ôi, không, John, đó là một phép màu, nhưng mặt con không sao cả. Con ơi, đừng lo. Trông con vẫn y như xưa, chỉ có điều phải quấn băng quanh mặt thôi.”
Tôi không tin bà.
Tôi đã nghe họ nói tôi bị bỏng toàn thân. Bỏng 100%. Tôi biết mặt mình cũng bị bỏng.
Tôi nhắm mắt lại.
Tôi nghe thấy tiếng bước chân đi qua đi lại và tiếng thì thầm.
Cuối cùng, tôi cảm thấy mẹ tôi đang đứng bên cạnh tôi.
Tôi mở mắt ra và ngước lên nhìn bà. Mẹ vừa chạy đi tìm một chiếc gương. Bà muốn tôi nhìn mình trong gương.
Tôi lại nhắm mắt lại. Tôi không dám mở mắt. Tôi đã nhìn đủ để biết mặt tôi trông sẽ như thế nào rồi.
“John, không sao đâu, con yêu. Con mở mắt ra đi. Khuôn mặt bé bỏng của con không sao cả. Nó hoàn hảo.”
Thế nên tôi căng thẳng mở mắt ra.
Chiếc gương nhỏ, tròn, có viền nhựa trắng, khuôn mặt trong gương gần như bị quấn kín bởi băng gạc. Một cái ống truyền thức ăn màu xanh lá cây bò ngoằn ngoèo lên mũi, mũi tôi bị tróc da, nhưng vẫn nguyên vẹn. Môi tôi bị nứt và khô, nhưng nó cũng còn nguyên. Những gì tôi có thể nhìn thấy của hai má tôi trông hồng hào và bong tróc. Hai hàng lông mày và lông mi hơi bị cháy, nhưng chúng vẫn ở chỗ cũ.
Tôi không thể nhìn thấy nhiều, nhưng những gì tôi có thể nhìn thấy đã đủ rồi.
Mẹ nói đúng - mặt tôi không sao. Ít nhất một phần, có lẽ là phần tốt nhất của tôi, vẫn khá ổn.
Tôi vẫn ở đó. Tôi vẫn là tôi.
Tôi ngoảnh mặt nhìn bố mẹ. Bố đang đứng ngay bên cạnh mẹ. Tôi gật đầu và cố gắng nói cảm ơn họ bằng cách tặc lưỡi.
Thế rồi bố mẹ tôi nhìn thấy một thứ mà đã lâu họ không được nhìn thấy trên khuôn mặt tôi: một nụ cười.
Có một khoảng thời gian bố mẹ tôi không chắc rằng mình có còn được nhìn thấy đứa con trai bé bỏng mỉm cười một lần nữa hay không.
Buổi sáng hôm hỏa hoạn, ít phút với nhau trong phòng cấp cứu là tất cả những gì chúng tôi có, nhưng điều đó đã củng cố quyết tâm đấu tranh của chúng tôi.
Bố và mẹ sau đó được dẫn ra khỏi phòng cấp cứu và vào đợi trong khu vực chờ.
Trong khi các nhân viên bệnh viện chuẩn bị một phòng nội trú, trấn an tôi rồi ổn định mọi thứ cho cuộc hành trình phía trước, bố mẹ tôi lo lắng chờ đợi. Các bác sĩ giải thích điều chúng tôi phải đối mặt. Họ giải thích những hiểm họa rình rập với một bệnh nhân bị bỏng 100%. Họ thảo luận về sự biến đổi của cơ thể tôi, việc bị mất da, việc phải quấn băng để bảo vệ cơ thể, hiện tượng sưng tấy dữ dội và khả năng tôi không qua khỏi.
Dù vậy, không gì chuẩn bị tinh thần cho bố và mẹ đối diện với cái họ phải nhìn thấy khi được phép vào thăm tôi buổi chiều hôm đó.
Khi ở trong phòng cấp cứu, đứa con trai bé bỏng vẫn còn tỉnh táo, hiếu kỳ, liến thoắng và lạc quan. Hai mắt tôi mở to, giọng tôi khò khè, nhưng rõ ràng. Một miếng chăn mỏng được đắp lên người tôi.
Nhưng chỉ một vài tiếng sau, tất cả đều thay đổi. Tất cả.
Toàn thân tôi bị quấn băng kín mít, chỉ một phần nhỏ trên khuôn mặt là còn hở. Rất nhiều các loại máy móc chằng chịt đang theo dõi các dấu hiệu trên cơ thể tôi và phát ra những tiếng bíp cảnh báo. Các nhân viên bệnh viện bận rộn chạy khắp phòng, cố gắng trong tuyệt vọng hòng duy trì sự sống cho tôi. Họ tiêm các chất lỏng vào trong tĩnh mạch với hy vọng cung cấp đủ lượng nước rất cần thiết cho da và các mô đã bị cháy khô. Vì bị tiêm nhiều nước, nên người tôi trương phình lên. Đầu tôi nở to bằng quả dưa hấu. Hai mắt sưng húp. Hai cánh tay và hai cẳng chân bị trói xuống giường theo hình chữ X để ngăn cản mọi cử động của tôi. Vì phổi bị tổn thương do khói, nên tôi được cho thở bằng ống. Một cái lỗ được khoét trên cổ họng để đưa không khí vào trong hai lá phổi tôi không thể nói được.
Đây là cảnh tượng bố mẹ tôi nhìn thấy.
Đây là đứa con của họ đang nằm ngủ - mê man, trắng, bất động.
Đây là cuộc sống mới của chúng tôi.
Nghe những lời cảnh báo cùng những chẩn đoán và khó khăn trong việc điều trị là một chuyện.
Nhưng nhìn thấy tôi như vậy lại là một chuyện khác và điều đó vượt quá sức chịu đựng của bố mẹ tôi. Họ mất một vài phút để thì thầm động viên, vỗ về cái đầu bị băng bó của tôi và nói rằng họ yêu tôi. Cũng nhanh như lúc họ được dẫn vào thăm tôi, bố và mẹ bị đưa đi ngay để các y tá có thể chuẩn bị cơ thể tôi cho cuộc phẫu thuật đầu tiên.
Sự trầm trọng của vấn đề làm bố mẹ tôi choáng váng.
Mẹ đi nhà thờ cầu nguyện. Bố đi ra ngoài khóc.
Cuộc hành trình tiến lên phía trước có vẻ như sẽ vô cùng ác liệt.
Thế nhưng những dải băng đã bao bọc tôi vào buổi chiều đầu tiên đó đã thực hiện nhiệm vụ của chúng một cách hiệu quả trong 5 tháng tiếp theo.
Những lớp băng đó giữ cho cơ thể tôi khỏi bị nhiễm trùng. Chúng cho phép da tôi từ từ tái tạo, cung cấp một nơi trú ẩn an toàn trong những tháng ngày ở bệnh viện và tạo cơ hội cho các bác sĩ thực hiện hàng chục cuộc phẫu thuật. Chúng bảo vệ tôi khỏi nguy cơ tử vong cao khi sự sống chầm chậm quay trở lại.
Kể cả sau khi ra viện, những dải băng đó vẫn ở lại che chở cho những phần thân thể còn bị bỏng, bị đau, bị thương của tôi.
8 tháng sau khi bị bao bọc trong những miếng vải u sầu đó, cuối cùng tôi cũng được thả tự do.
Những vết thương cuối cùng đã lành lại. Lớp băng cuối cùng được tháo ra.
Tôi không cần bôi Silvadene nữa.
Tôi không cần băng bó nữa.
Tôi không cần giấu mình nữa.
Bây giờ, tôi cần để cho da mình thở. Bây giờ là lúc tôi cho những vết sẹo nhìn thấy ánh sáng.
Nhưng dù những miếng băng đã được tháo ra, tôi vẫn phải giấu mình.
Tôi đổi những miếng băng được dùng để bảo vệ những vết thương hở bên ngoài để lấy những miếng băng che giấu một quá khứ đau đớn, một hiện tại khó khăn và một tương lai bấp bênh. Bạn có nhớ khoảnh khắc mẹ giơ chiếc gương lên cho tôi soi, khoảnh khắc tôi nhìn thấy khuôn mặt mình vẫn ổn không? Đó là một điểm uốn. Tôi đã quyết định rằng khi tôi xuất viện, thay vì chia sẻ kỳ tích hồi phục, mà điều đó cũng đồng nghĩa với việc tôi phải phơi bày những vết thương của mình, tôi sẽ giả vờ rằng mọi chuyện vẫn ổn. Tôi sẽ giả vờ rằng tôi chưa bao giờ bị bỏng.
Để thích nghi, tôi mặc quần áo dài quanh năm suốt tháng để không ai nhìn thấy các vết sẹo của mình. Tôi muốn có một bộ da bình thường, một đôi bàn tay bình thường và một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác. Tôi không thích ngồi xe lăn, tôi không thích những mắt cá chân gần như bất động và những khớp xương bị cố định một chỗ. Tôi ghét việc hai cánh tay và hai cẳng chân tôi đã bị mất hết mỡ, mất hết cơ, chỉ còn lại lớp xương khô.
Vì vậy tôi giấu mình.
Tôi tự băng bó tâm hồn mình lại. Không chỉ trong mùa hè đầu tiên. Mà trong cả 2 thập kỷ sau đó.
ĐEO MẶT NẠ VÀO
Nhổ tóc sâu. Trát son phấn. Cạo lông mày. Uốn lông mi. Tẩy trắng răng.
Chúng ta dành hàng tiếng đồng hồ mỗi tuần săm soi mình trong gương để sẵn sàng cho một cuộc họp hay chuẩn bị cho một buổi hẹn hò.
Tăng cường vẻ đẹp tự nhiên một chút là chuyện tuyệt đối không sai. Nhưng mọi người thường không phải đang cố gắng tăng cường hình ảnh mà bản thân mình nhìn thấy trong gương. Mà thật ra chỉ là đang cẩn thận nhào nặn một chiếc mặt nạ để che giấu những cái mà ta không nghĩ sẽ được thế giới bên ngoài đón nhận.
Như những diễn viên xiếc, để nguyên trát phấn lên mặt để trở thành một người khác. Không chỉ đơn giản là đánh một ít son bóng hay nhuộm một ít màu lên tóc, chiếc mặt nạ ấy là để chúng ta cố gắng che giấu đi con người thật của mình ở bên trong. Chiếc mặt nạ đó còn che đậy những gì chúng ta đã trải qua, những gì chúng ta biết là quan trọng và những gì chúng ta sợ phải chia sẻ với người khác. Chiếc mặt nạ của chúng che đậy những vết sẹo, những câu chuyện độc nhất vô nhị, những nuối tiếc và những giấc mơ. Nó che giấu sự hổ thẹn và sự đau khổ.
Nó bóp nghẹt tiềm năng.
Nó che giấu những điều tốt đẹp nhất trong mỗi con người.
Nó giấu đi sự ấm áp mà chúng ta có thể dành tặng người khác.
Nó che khuất ánh sáng mà chúng ta có thể phản chiếu lại cho một thế giới khát sáng.
Nó kiểm duyệt câu chuyện làm mỗi người trở nên độc đáo và nếu được chia sẻ, sẽ kết nối chúng ta với người khác một cách mật thiết.
Chiếc mặt nạ của tôi ảnh hưởng đến cách sống của chính bản thân tôi sau khi xuất viện, trong những năm tháng học cấp một, cấp hai và cả sau đó nữa.
Bố mẹ ơi, xin đừng đọc những đoạn tiếp theo. Được rồi.
Giờ thì họ đang nhìn đi chỗ khác rồi, tôi có thể nói cho bạn biết chuyện hồi học cấp ba và đại học của mình. Hồi đó, tôi không có năng khiếu đặc biệt gì về nghệ thuật, âm nhạc, các môn học trên lớp, hay thể thao. Tôi không đi làm, không hẹn hò, không mộ đạo, không tự tin về bản thân. Tôi cực kỳ cần một cái gì đó để gây sự chú ý.
Vì thế tôi đã chọn ra và đeo vào một chiếc mặt nạ mới.
Chiếc mặt nạ che giấu những vết sẹo của tôi, kết nối tôi với người khác và thả tự do cho tôi mài giũa để trở thành bậc thầy trong một lĩnh vực nào đó chính là: nhậu nhẹt.
Tôi sống vì những ngày cuối tuần.
Và ở trường đại học, cuối tuần bắt đầu từ thứ Tư và kéo dài đến hết Chủ Nhật.
Không hẹn hò, không làm việc, không quá cố gắng trên lớp và không dựa dẫm vào một điều gì đó vĩ đại bản thân mình, tôi ra sức đi chơi thường xuyên hơn, uống rượu nhanh hơn, tiêu tiền nhiều hơn và về nhà muộn hơn bất cứ đứa bạn nào.
Tôi không chỉ cố. Tôi đã thành công.
Cách sống đó là thiếu chín chắn. Nó nguy hiểm. Nó ngu ngốc.
Và nó là một cơ chế tự vệ.
Đối với tôi, sự say sưa và nghiện ngập thật sự không hẳn là vì rượu, mà còn vì cảm giác được chấp nhận, được sở hữu, được nhìn thấy.
Được giống như mọi người khác.
Được yêu.
MẠNH MẼ LÊN
Khi lớn hơn một chút, tôi mong muốn biết bao được coi là một đứa trẻ bình thường và tôi tin giá trị của mình đến từ quan điểm của người khác.
Điều đó là điên rồ, tôi biết.
Nhưng vấn đề là ở chỗ: Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều tin vào điều này ở những mức độ khác nhau. Khi chúng ta đang lớn, chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè và những gì họ nghĩ về mình.
Ai còn nhớ tất cả những buổi hội họp hồi cấp hai về áp lực nhóm? Tôi còn nhớ. Tôi chắc chắn hồi đó mình đã ngồi cùng đám bạn của mình, bắn đạn giấy, phớt lờ người thuyết trình và cố làm ra vẻ mình ngầu. Thực chất lúc đó chúng tôi đang làm đúng những gì mọi người nói rằng chúng tôi không nên làm.
Chúng ta biết áp lực nhóm là có thật. Chúng ta thoải mái thừa nhận mình đã chịu thua nó hồi đi học. Chúng ta vẫn còn nhớ bản thân đã cố gắng tìm hiểu xem chúng ta là ai và chúng ta hợp nhất với nhóm nào. Hồi đó chúng ta thử đeo đủ loại mặt nạ khác nhau… vận động viên, phong cách kinh dị, thành viên ban nhạc, câu lạc bộ kịch. Và giờ đây khi nghĩ lại, chúng ta phá lên cười về nó.
Nhưng điều chúng ta không nhận ra rằng đây là một giai đoạn mà… chúng ta chưa bao giờ tốt nghiệp.
Hãy nghĩ về nó mà xem.
Chúng ta vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem bản thân là ai và hợp nhất với nhóm nào. Chúng ta vẫn thèm muốn được ngồi vào những chiếc bàn phù hợp, nhận được cả đống “like” trên mạng, đi chơi với những nhóm phù hợp, được mời đến những bữa tiệc phù hợp, kiếm được một số tiền phù hợp và được sánh vai cùng những người phù hợp.
Chúng ta đã tốt nghiệp cấp ba. Nhưng chúng ta chưa trưởng thành.
Thậm chí có cả một ngành công nghiệp chỉ chuyên tâm vào việc duy trì áp lực này lên chúng ta.
Tất cả những sản phẩm quảng cáo khiến chúng ta tự hỏi… chúng ta có đang theo kịp thời đại không? Chúng ta có đang hòa nhập không? Chúng ta cần gì để đảm bảo rằng bản thân mình thật sự được chấp nhận?
Chắc chắn rồi, ngành công nghiệp quảng cáo tồn tại là để bán hàng. Nhưng công việc của họ, lý do tồn tại của họ, là gieo những hạt mầm bất mãn vào trong lòng mỗi chúng ta - và quảng cáo sản phẩm của họ như là giải pháp cho những vấn đề làm chúng ta đau khổ.
Bạn nghĩ tại sao lại có quá nhiều người nợ tín dụng chồng chất như vậy? Đó là một trong những cái giá phải trả cho tất cả những chiếc mặt nạ kia.
Chúng ta mua sắm cả đống thứ. Và chúng ta đeo mặt nạ vào.
Chúng ta làm điều mà bản thân ta muốn người khác nhìn thấy.
Chúng ta không sợ con người thật của mình. Chúng ta sợ người mà mình nghĩ sẽ không thể trở thành.
Như vậy, chúng ta nỗ lực không phải để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Mà thay vào đó, chúng ta nỗ lực vì cái mà chúng ta nghĩ sẽ khiến bản thân trở nên đáng giá hơn trong mắt và trong suy nghĩ của người khác.
Thế nhưng cuối cùng, chúng ta vẫn quá béo, quá già, quá nghèo, quá nhăn nheo, quá cô độc và quá đau khổ. Kết quả của sự so sánh với những trang bìa tạp chí, những cuộc đời lý tưởng cùng những người hàng xóm “hoàn hảo” là chúng ta thua.
Luôn luôn thua.
Giờ đây tôi tin rằng chúng ta là những phiên bản hoàn hảo của Chúa. Hoàn hảo. Bao gồm lúm đồng tiền, mụn, sẹo và gì đi nữa. Sự so sánh quan trọng duy nhất là sự so sánh với chúng ta bây giờ, chúng ta trong quá khứ, với con người chúng ta có thể trở thành trong tương lai.
Tôi đã sợ phải nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trong căn phòng đó vào 30 năm trước biết bao nhiêu. Tôi đã sợ mình sẽ luôn bị coi là khác biệt biết bao nhiêu. Ô kìa, đấy là thằng bé bị bỏng. Tôi có thể nghe thấy ngay những lời chế giễu ấy trong đầu.
Nhưng khi phủ nhận những gì đã xảy ra, tôi đã tước đi của thế giới cơ hội được nghe kể về sự sống sót nhiệm màu của mình, về cuộc sống kỳ diệu mà tôi đang trải qua và những tiềm năng phi thường của tất cả mọi người.
CHIẾC ÁO KHOÁC ĐỎ
Tôi học để trở thành giáo sĩ ở bệnh viện khi tôi đã 27 tuổi.
Tôi không định làm nghề này. Nhưng tôi tình cờ biết đến nó và một khi tôi đã bắt đầu việc gì, tôi thường không dừng lại được.
Mặc dù tôi đã có sự nghiệp thành công trong vai trò một nhà phát triển bất động sản, nhưng tôi vẫn luôn mơ ước bằng cách nào đó có thể được làm việc trong khuôn viên trường đại học. Tôi yêu những năm tháng học ở trường Đại học Saint Louis (SLU) và thỉnh thoảng đã cân nhắc việc quay trở lại trường làm việc với sinh viên.
Một buổi tối, trong khi đang lướt trang mạng của trường, tôi đã nhìn thấy đường dẫn về chương trình đào tạo giáo sĩ của SLU. Tôi nghĩ: Hoàn hảo! Làm việc với sinh viên, giúp các em tìm hiểu xem tại sao các em ở đây, nên học ngành gì, phải vượt qua nghịch cảnh như thế nào và khuyến khích các em theo đuổi những gì quan trọng trong cuộc sống. Tuyệt vời! Tôi điền đơn đăng ký ngay tối hôm đó, ấn NỘP và không nghĩ gì nhiều về nó nữa. Hai tuần sau tôi nhận được điện thoại thông báo tôi đã được nhận vào chương trình.
Thật đáng kinh ngạc.
Tôi sẽ có một trải nghiệm tuyệt cú mèo. Đến lúc thay đổi thế giới rồi, tôi ơi! Nhưng tôi đã không đọc phần chữ nhỏ.
Trọng tâm của chương trình là đào tạo học viên trở thành giáo sĩ bệnh viện. Sau khi hoàn thành chương trình, tôi sẽ không được động viên và truyền cảm hứng cho sinh viên, mà sẽ được dạy cách gõ cửa bước vào rồi vỗ về an ủi con người vào những thời khắc đáng sợ và u tối nhất của họ trong bệnh viện.
Ôi không.
Thế mạnh và yếu điểm cá nhân của chúng ta thường chỉ là hai mặt khác nhau của một đồng tiền.
Tôi không phải là người dễ bỏ cuộc. Điều đó có nghĩa là mặc dù tôi biết chương trình này không dành cho tôi, mặc dù nó sẽ dẫn tôi đi trên một con đường mà tôi còn chưa bao giờ nghĩ tới, mặc dù nó đòi hỏi tôi phải đầu tư một lượng thời gian khổng lồ trong 1 năm trời, nhưng tôi đã nhất quyết không bỏ cuộc.
Tôi tham dự các lớp học. Làm việc ca đêm.
Hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ.
Và những trải nghiệm xuyên suốt chương trình, cùng quãng thời gian 3 năm làm việc trong vai trò giáo sĩ bán thời gian sau đó, đã ban phúc lành và thay đổi cuộc đời tôi. Không hề là một sai lầm, đó là một thời kỳ trưởng thành và khám phá khó tin.
Những sai lầm rõ ràng của chúng ta thường dẫn tới những diễm phúc lớn lao nhất.
Sau mỗi chuyến thăm hỏi một bệnh nhân trong bệnh viện, chúng tôi thường gặp một thầy cố vấn để báo cáo hiệu quả công việc. Những cuộc gặp gỡ này giúp cải thiện trọng tâm, khả năng giao tiếp và ảnh hưởng của chúng tôi. Được mời ngồi, nói và lắng nghe những bệnh nhân đang buồn, đang bệnh tật, đang lo lắng, đang cô đơn hay đang hấp hối là một vinh dự to lớn. Nó khiến con người ta phải trở nên khiêm nhường. Nhưng những chuyến thăm hỏi đó cũng thường đầy thách thức và làm tôi kiệt sức.
Sau một cuộc tư vấn đặc biệt khó khăn với một bệnh nhân, tôi kể lại những gì đã xảy ra với thầy cố vấn của mình, bác sĩ Davis. Ông kiên nhẫn ngồi nghe tôi nói. Ông ngả người ra sau ghế rồi vòng tay lên ôm đầu. Ông đặt một vài câu hỏi làm sáng tỏ vấn đề.
Rồi ông nói: “John, anh có biết câu chuyện của anh là gì không?”.
Tôi lập tức nhìn ông, thắc mắc.
Đây không phải là chuyện của tôi. Đây là chuyện của người mà tôi đang cố gắng giúp đỡ!
Hơn nữa, ông có lắng nghe bất cứ điều gì tôi nói trong một vài tháng vừa qua không vậy? Rõ là ông đã biết tôi lớn lên ở vùng này và đã từng học đại học ở SLU.
Ông nhìn tôi. “Nghiêm túc đấy, John, kể cho tôi nghe câu chuyện của anh đi”.
Ừm, thì, tôi lớn lên ở St. Louis. Tôi là một nhà phát triển bất động sản…
Ông cắt lời tôi. “Không, John. Anh có biết câu chuyện của anh là gì không?”.
Tôi dừng lại, vẫn không hiểu ông ta có ý gì.
Được rồi, tôi sẽ lùi sâu hơn vào quá khứ. Tôi là 1 trong 6 đứa con của bố mẹ tôi, họ gặp nhau hồi cấp ba và hiện vẫn là vợ chồng…
Lần này, ông cắt lời tôi bằng cách đứng dậy khỏi ghế, bước về phía tủ tài liệu và lật giở những trang hồ sơ.
Tôi ngừng nói và khoanh tay bất lực.
Cuối cùng ông, cũng tìm thấy cái ông muốn, lôi ra một tờ giấy và đưa nó cho tôi. “Đọc đi”.
Tôi cầm tờ giấy và bắt đầu đọc một cách miễn cưỡng.
Mặc dù việc này đã xảy ra cách đây hơn 10 năm, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên câu chuyện mà tôi đã đọc vào ngày hôm đó.
Câu chuyện kể về một cô bé đi vào lớp học, cởi chiếc áo khoác màu đỏ tươi em đang mặc trên người, ném nó lên sàn, rồi ngồi xuống bàn mình. Cô giáo nhìn thấy hành động này và yêu cầu cô bé, tên là Mary, đứng dậy nhặt và treo chiếc áo khoác lên.
Cô bé nhìn chiếc áo khoác, rồi quay lại nhìn cô giáo và nói: “Đó không phải là áo khoác của em”.
Cô giáo giải thích rằng đây không phải là chuyện gì lớn, Mary sẽ không bị phạt, nhưng cô giáo đã nhìn thấy cô bé ném chiếc áo khoác xuống đất và việc cô bé cần làm là đi xuống cuối lớp và treo áo lên.
Cô bé cãi lại: “Đó không phải là áo khoác của em. Em đã nói với cô rồi, nó không phải là của em”.
Một bạn học chêm vào: “Nhưng tớ đã nhìn thấy cậu ném nó xuống đất. Đó là chiếc áo khoác cậu vẫn mặc mỗi ngày mà, Mary”.
Cô bé khoanh tay, giậm chân và hét lên: “Nó không phải là áo khoác của tớ. Nó không phải là áo khoác của tớ”.
Tôi đọc xong câu chuyện, đưa trả nó lại và ngây ra nhìn bác sĩ David.
“Anh có hiểu câu chuyện đó nói gì không?”.
Ừm, có phải là cô bé kia cần treo cái áo khoác chết tiệt của nó lên không?
Bác sĩ David lắc đầu. “John, tất cả chúng ta đều có một câu chuyện. Tất cả chúng ta đều có những trải nghiệm độc nhất vô nhị khiến chúng ta là chúng ta. Những trải nghiệm đó tạo thành một món quà mà chỉ có anh, đặc biệt chỉ có anh, mới có thể chia sẻ với người khác”. Ông dừng lại. “John, tôi không biết tại sao anh quyết định học chương trình này, hay tài năng của anh là gì, nhưng tôi biết rằng anh sẽ không thể giúp đỡ những người đang nằm trên giường bệnh hiểu được điều gì là quan trọng nhất đối với họ, nếu trước tiên anh không biết câu chuyện của chính mình, những gì mình đã trải qua và những gì là quan trọng nhất đối với mình”.
Mặc dù sau này tôi đã tốt nghiệp được chương trình giáo sĩ, nhưng tôi vẫn không hiểu câu chuyện về chiếc áo khoác đỏ hay cô bé đó có liên quan gì đến tôi.
Tôi là người tư duy chậm.
May mắn thay, những người hiểu tôi nhất sẽ làm rung chuyển thế giới của tôi, bằng cách đặt chiếc áo khoác đỏ của tôi ở một nơi mà tôi không thể nào khoanh tay phủ nhận được nữa. Dù có thích hay không, tôi sẽ bị ép mặc chiếc áo khoác đỏ ấy vào, kéo khóa, dán keo và phát thanh ầm ĩ cho cả lớp học và cả thế giới biết.
THÁO MẶT NẠ RA. MẶC ÁO KHOÁC VÀO
Như một gia đình, chúng tôi chưa bao giờ ngồi xuống bàn luận về trận hỏa hoạn.
Chúng tôi chịu đựng nó, vượt qua nó và bỏ nó lại phía sau. Chúng tôi lựa chọn không để nó chi phối.
Tức là, cho đến khi bố mẹ tôi ngồi ở hàng ghế đầu trong một nhà thờ vào ngày 22 tháng 11 năm 2003.
Cậu con trai cả Jim, mặc vest thắt nơ đứng trên lễ đường, làm phù rể cho cậu con trai trẻ tuổi hơn, đẹp trai hơn, John.
Nhìn 2 cậu con trai đứng cạnh nhau, với 4 cô con gái làm phù dâu và 1 người phụ nữ mặc váy trắng tuyệt đẹp tên Beth sắp sửa gia nhập đại gia đình, bố mẹ tôi lần đầu tiên nhận ra một điều: Trận hỏa hoạn khủng khiếp nhiều năm trước không phải là kết thúc. Tấn bi kịch mà gia đình chúng tôi phải chịu đựng đã có một cái kết có hậu.
Trận hỏa hoạn đã không tước đi cuộc sống mà đứa con trai bé bỏng của bố mẹ có thể gây dựng cho mình. Ngược lại, nó dẫn đến địa điểm này, nhà thờ này, lễ đường này, cuộc hôn nhân này, thời điểm này một cách hoàn hảo.
Quá trình vật lý trị liệu, những cuộc phẫu thuật, những ngón tay cụt, những vết sẹo cùng những thách thức đã kết thúc bằng một bữa tiệc ăn mừng tưng bừng. Đó là một phép màu chồng lên một phép màu khác.
Nếu một lúc nào đó bạn gặp vợ tôi, bạn hiểu tại sao đó lại là một phép màu. Cậu bé bị bỏng thật có phúc. Vợ tôi là một người xuất sắc. Từ trong ra ngoài.
Vào cuối buổi lễ, khi Beth và tôi tay trong tay bước xuống lễ đường, bố mẹ tôi đã vô cùng biết ơn các bác sĩ, cũng như gia đình và bạn bè đã ủng hộ họ. Và quan trọng hơn cả là Chúa, người mà chúng tôi cảm tạ vì đã ban cho tôi, không chỉ sự sống sót thần kỳ, mà còn cả một cuộc đời khó tin phía trước. Chúng tôi tin rằng Chúa vận hành vạn vật vì một mục đích hoàn hảo, tất cả cuối cùng sẽ được tái sinh, ngay cả một trận hỏa hoạn khủng khiếp thời thơ ấu cũng mang một ý nghĩa tốt đẹp.
1 tuần sau, bố mẹ tôi bắt tay vào viết một cuốn sách về trải nghiệm của họ nhiều năm trước đó.
Đó là câu chuyện của họ với tư cách những bậc cha mẹ, khi phải nghe tin sét đánh rằng con trai của mình vừa bị bỏng. Đó là câu chuyện họ kể về những tháng ngày đau đớn đợi chờ trong bệnh viện, về sự giúp đỡ của cộng đồng và về một thắng lợi nhiệm màu.
Đúng vậy, đó là câu chuyện của họ… nhưng họ lại định đưa ảnh tôi lên trang bìa.
Đó là bức ảnh chụp tôi ít lâu sau khi xuất viện. Một cậu bé đội mũ lưỡi trai, mặt và cổ bị sẹo đỏ au, mang một cái nẹp cổ màu trắng rất dày, trên cổ họng có một vết lõm do một cuộc phẫu thuật mở thông khí quản cùng hai cánh tay bị nẹp lại.
Bức ảnh đó đã luôn nhắc nhở tôi về tất cả những gì đã khiến bản thân tôi trở nên khác biệt. Nó nhấn mạnh trận hỏa hoạn đã làm tôi biến dạng như thế nào và tôi đã phải dành ra 20 năm sau đó để cố gắng trở nên bình thường ra sao. Nó gợi nhớ lại những năm tháng mong mỏi có được vẻ ngoài, cử chỉ và lối sống như mọi người khác của tôi. Nó còn nhắc tôi nhớ lại những thất bại trong việc hòa đồng và sự bất lực trong việc hòa nhập.
Tôi ghét bức ảnh đó.
Trong những giai đoạn đầu quá trình viết sách của bố mẹ, tôi không hề khích lệ họ. Tôi không tin có chuyện gì để nói và thậm chí còn khuyên họ không nên bới móc quá khứ. Tôi đưa ra những lý lẽ sắc sảo nhất để phản đối. Ai sẽ đọc sách của bố mẹ? Tại sao người ta phải quan tâm? Bố mẹ thậm chí có biết dùng máy tính không đấy? Tôi gợi ý họ nên giữ câu chuyện đó trong tim mình.
Họ vẫn viết cuốn sách.
Họ đặt tên cho cuốn sách là Những Thử thách Nghiệt ngã.
Họ phớt lờ lời khuyên của tôi. Họ thật ngớ ngẩn.
Nhưng khi làm vậy, họ đã thay đổi cuộc đời tôi. Hãy tưởng tượng điều này: Chiếc mặt nạ bạn đã rất cẩn thận nhào nặn để che giấu toàn bộ cuộc đời nmình nay lại bị gỡ ra. Bạn biết đấy, chiếc mặt nạ dùng để thông báo với thế giới rằng bạn vẫn ổn, tất cả đều tốt, con cái hoàn hảo, bạn không có vấn đề gì, không nghiện ngập, không lo lắng, không thương tổn? Hãy tưởng tượng xem khi nó được nhẹ nhàng gỡ xuống khỏi khuôn mặt bạn, đặt cẩn thận lên bàn và bị đập vỡ tan tành bằng một chiếc búa tạ khổng lồ.
Vậy là cả thế giới sẽ nhìn thấy và đọc được mọi thứ về con người thật của tôi, ngay cả phần đau khổ nhất.
Tôi cảm thấy bị phơi bày.
Nhưng khi tôi tiếp tục đọc, tôi nhận ra một điều khác.
Lần đầu tiên trong đời tôi hiểu rằng mình không phải là người duy nhất bị bỏng trong câu chuyện. Lần đầu tiên trong đời tôi hiểu ra tất cả những gì gia đình tôi đã phải trải qua. Anh trai tôi, Jim, bị thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Các chị em gái của tôi phải uống thuốc ngủ vì đã chứng kiến tôi bốc cháy ngay trước mắt mình và trong nhiều tháng trời, họ không ngừng lo sợ rằng có thể sẽ mất tôi vĩnh viễn. Ôi, và bố mẹ tôi. Bố mẹ đáng thương của tôi. Dù cơ thể tôi đau đớn đến thế nào đi nữa, sự tàn phá về mặt tinh thần mà bố mẹ tôi phải chịu đựng, xét trên nhiều khía cạnh, còn khủng khiếp hơn nhiều.
Hãy tưởng tượng việc bạn biết được rằng câu chuyện của mình bằng cách nào đó đã khiến cả một cộng đồng chung tay hành động. Những người hàng xóm mở rộng cửa đón anh chị em của tôi trong khi chúng tôi chờ sửa xong nhà. Cộng đồng quyên tiền, hiến máu, cầu nguyện và tặng đồ ăn. Trước đây, tôi chưa bao giờ quan tâm một cách đầy đủ đến tất cả những người đã cùng nhau biến phép màu của tôi trở thành hiện thực.
Và bạn hãy tưởng tượng rằng, sau khi đọc hết trang cuối câu chuyện về tấn bi kịch của mình, lần đầu tiên trong đời, bạn nhìn nhận nó theo một cách khác, một cách rõ ràng hơn. Như thể đôi mắt đục thủy tinh thể đã được phẫu thuật, tôi bỗng nhiên hiểu ra rằng,
Ôi chúa ơi… tất cả là một món quà.
Trận hỏa hoạn. Việc nhập viện. Sự đau đớn.
Những nỗi sợ hãi.
Những ngón tay bị cắt cụt. Những vết sẹo.
Tất cả đều là một món quà. Tất cả.
Trận hỏa hoạn đã dẫn dắt tôi đến ngày hôm nay một cách hoàn hảo. Những thách thức đã đưa tôi đến những trải nghiệm định hình tôi, nhân cách thúc đẩy tôi, niềm tin dẫn lối cuộc sống xung quanh tôi và những triển vọng trước mắt tôi.
Không, quá khứ không phải lúc nào cũng hoàn hảo.
Nó không phải lúc nào cũng là cuộc đời tôi muốn. Nhưng nó là cuộc đời của tôi.
Nó là câu chuyện của tôi.
Nó là chiếc áo khoác đỏ của tôi. Và đã đến lúc tôi đòi sở hữu nó.
Ở đây có một vấn đề quan trọng: Chiếc áo khoác đỏ được mặc không phải để tìm kiếm sự thông cảm, mà là để giải phóng cho bạn khỏi sự mong muốn sở hữu nó. Có thể bạn sẽ muốn đọc lại ý trên.
Nó được mặc không phải để nhắc nhở người khác về tuổi thơ tàn khốc của bạn, cuộc hôn nhân tồi tệ của bạn, sức khỏe yếu kém của bạn, công việc tạm bợ của bạn hay cuộc đời thối nát của bạn. Nó đương nhiên không được mặc như một chiếc nạng đỡ cho bạn khỏi suy sụp ngày hôm nay. Không, chúng ta mặc nó một cách tự hào để học hỏi những bài học của nó, để ăn mừng những vết sẹo nó gây ra và thậm chí để làm những việc vĩ đại hơn nhờ nó.
Và như vậy có nghĩa là chúng ta đã lựa chọn đón nhận câu chuyện của mình và thừa nhận những vết sẹo đau đớn do nó gây ra. Sau khi đọc cuốn sách của bố mẹ, những vết sẹo tôi đã che đậy trong 20 năm bỗng biến thành những tấm huy chương.
Những vết sẹo vẫn còn đó, đúng vậy. Nhưng chúng còn đó là vì những vết thương đã lành.
Chúng là bằng chứng của một phép màu.
Che đậy khiến người khác không có cơ hội được nhìn thấy chúng.
Để đặt câu hỏi. Để kết nối.
Để chia sẻ.
Để trưởng thành. Để sống.
Để tỏa sáng.
Sau khi tôi đọc xong cuốn sách của bố mẹ, tôi lật ngược nó lại và chăm chú nhìn vào bức ảnh trên bìa sách.
Tấm ảnh chụp tôi khi còn nhỏ với những vết sẹo và những thanh nẹp tay vẫn ở đó. Nhưng giờ đây, tôi đã nhìn thấy một thứ mà mình chưa bao giờ nhìn thấy trước kia: một tia hy vọng không bị ai kiềm chế. Tôi nhìn thấy một cậu bé hơi bầm dập về thể xác, nhưng đã lựa chọn không để nó chi phối. Tôi nhìn thấy một nụ cười toe toét và một đôi mắt ánh lên niềm vui. Tôi không còn nhìn thấy hình ảnh một cậu bé ở cuối cuộc hành trình suýt giết chết cậu, mà thay vào đó là đang đón đầu một cuộc hành trình mà cậu rất nôn nóng để bắt đầu.
PHÁT HIỆN VÀNG
Bạn đã bao giờ nghe nói đến ngôi chùa Phra Phuttha Maha Suwan Patimakon chưa?
Tôi cũng chưa.
Ý tôi là, gần đây tôi mới biết. Trong một chuyến đi diễn thuyết ở Bangkok, Thái Lan, người lái xe đã chia sẻ với tôi nó là gì, tại sao nó quan trọng và tại sao nó là một nơi tôi phải đến thăm.
Ai cũng biết cách đây 700 năm, một bức tượng vàng khổng lồ đã được đúc theo hình Đức Phật. Cao gần 3 mét và nặng hơn 453 kilôgam, nó là bức tượng vàng lớn nhất thế giới. Ngụ trong một ngôi chùa khiêm tốn, nó truyền cảm hứng và được tôn thờ trong hàng trăm năm.
Tuy nhiên vào giữa thế kỷ XVIII, khi quân xâm lược Miến Điện kéo đến, các nhà sư trong chùa đã nghĩ ra một cách để cứu bức tượng Phật bằng vàng quý giá của họ. Vì nếu quân xâm lược phát hiện ra bức tượng này, chúng sẽ đánh cắp nó, nên các nhà sư đã nhanh trí đắp lên toàn bộ bức tượng một lớp thạch cao dày. Những mảnh kính màu được khảm lên trên. Tác phẩm điêu khắc ngoạn mục nhanh chóng biến thành một vật bình thường.
Giá trị thật của nó được che giấu thành công trước toán quân xâm lược, những kẻ không bao giờ đoán được dưới lớp thạch cao là gì.
Vẻ đẹp nội tại đã được giữ kín trước tai mắt của những tên xâm lược đó.
Và với cả thế giới. Trong suốt 200 năm!
Vào năm 1954, một bức tượng vĩ đại, lâu đời, làm bằng thạch cao nhưng bị đánh giá thấp, chuẩn bị được chuyển đến một địa điểm mới. Bức tượng đã ở đây trong suốt chiều dài lịch sử của ngôi chùa này.
Trong khi một tốp thợ đang chầm chậm nâng bức tượng lên khỏi mặt đất, những sợi dây thừng của họ bỗng bị đứt dưới sức nặng của bức tượng. Bức tượng rơi xuống đất. Một vết nứt nhỏ hình thành.
Tốp thợ nhìn thấy một tia sáng le lói phản chiếu từ đằng sau kẽ hở.
Họ đập vỡ một chút thạch cao xung quanh.
Và đập vỡ thêm chút nữa. Từng chút từng chút một, sự uy nghi choáng ngợp của bức tượng Phật bằng vàng, với toàn bộ vẻ đẹp chói lọi bị che giấu trong suốt 2 thế kỷ, đã được vén màn.
Vật đã từng được lưu giữ dưới mái tôn bị dột của một ngôi chùa ít người lai vãng, nay đã được di chuyển đến một trong những địa điểm nổi tiếng và đông khách thăm viếng nhất trên toàn Bangkok. Sự rực rỡ từng bị che giấu giờ đây được phô bày cho cả thế giới chiêm ngưỡng.
Câu chuyện đáng kinh ngạc này khẳng định một sự thật ẩn chứa trong câu chuyện của mỗi chúng ta. Câu chuyện của mỗi chúng ta không chỉ có giá trị và vẻ đẹp khó tin, mà thế giới cũng mong mỏi được nó truyền cảm hứng.
Đã đến lúc đập vỡ lớp thạch cao, gỡ mặt nạ xuống, bóc băng cứu thương ra và cho phép sự màu nhiệm của cuộc đời bạn tỏa sáng rực rỡ.
Nếu bạn muốn sống một cuộc đời nhiệt huyết, thì đã đến lúc bạn phải trân trọng câu chuyện của mình và ăn mừng cho phép màu đáng kinh ngạc của cuộc sống.
Tôi không biết câu chuyện cụ thể của bạn, nhưng tôi biết tất cả chúng ta đều đã từng bị bỏng, từng đối đầu với gian nan và từng chịu đựng sóng gió.
Chúng ta đã mất bố mẹ, con cái và bạn bè. Chúng ta đã thất bại trong kinh doanh, hôn nhân và mơ ước. Chúng ta đã vấp ngã về tinh thần, thể xác và tài chính.
Thế nhưng những vết sẹo từ những trải nghiệm đó, khi chúng ta học cách đứng lên từ chúng, không phải là dấu hiệu của sự yếu mềm cần che giấu, mà là biểu tượng của sức mạnh cần tán dương.
Chúng tối tăm và vô dụng khi bị che kín.
Chúng lấp lánh và truyền hứng khởi khi được phơi bày.
ĐỪNG ĐÓNG KỊCH
Tôi thường bắt đầu những buổi học với các lãnh đạo doanh nghiệp bằng một phần giới thiệu ngắn gọn.
Học viên thường chia sẻ họ tên, công ty, lĩnh vực hoạt động và số lượng nhân sự mà họ có. Tất cả đều là những thông tin hời hợt. Không phải sự sâu sắc thật sự. Không phải sự kết nối chân thực. Không phải sự thật cá nhân.
Vì vậy tôi luôn tiến hành một vòng chào hỏi thứ hai.
Tôi không để cho mọi người giậm chân ở mức độ đầu tiên. Tôi muốn họ tháo mặt nạ ra. Tôi làm một việc đơn giản mà ngay lập tức cho phép những cuộc nói chuyện đi xa hơn, giọng điệu trong phòng thay đổi và những mối quan hệ bắt đầu nảy nở.
“Được rồi, được rồi, hân hạnh được gặp tất cả các bạn. Vì bây giờ tôi còn biết ít về các bạn hơn là trước khi các bạn chia sẻ, nên chúng ta hãy giới thiệu lại. Tôi muốn các bạn lần lượt chia sẻ một điều gì đó một lần nữa. Nếu chúng ta thật sự là bạn bè thì sao? Nếu chúng ta thật sự sống cùng nhau thì sao? Nếu cuộc nói chuyện này thật sự quan trọng, ngày hôm nay thật sự có ý nghĩ gì đó thì sao?
Bây giờ các bạn hãy hoàn thành nốt câu sau:
John, nếu anh thật sự quen tôi, anh sẽ biết rằng…”
Biết rằng mỗi người đều có một câu chuyện và nó thường không phải là câu chuyện mà họ muốn chia sẻ với thế giới, tôi muốn họ đào sâu hơn, cảm nhận nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn và sống nhiều hơn.
Tôi sẽ không bao giờ quên lần đầu tiên tôi giao bài tập và đặt câu hỏi này cho một nhóm gồm 12 chủ doanh nghiệp ở Miami, Florida. Tôi yêu cầu quý ông ngồi bên trái mình bắt đầu và sau đó đến lượt ai thì người ấy nói. Người đàn ông đứng lên, nhìn tôi, và chia sẻ: “Ở bên dưới bộ vest chải chuốt và thái độ tự tin này, tôi hoàn toàn không biết công ty của mình sẽ phải làm gì tiếp theo… và thậm chí không hề biết phải làm gì với cậu con trai 15 tuổi của mình”.
Rồi ông ngồi xuống.
Căn phòng thay đổi. Bạn có thể cảm nhận được điều đó. Những cánh tay đang khoanh lại được buông ra. Những trái tim bắt đầu mở cửa. Căn phòng tràn đầy hy vọng. Ánh sáng bắt đầu tỏa nhiệt.
Người tiếp theo đứng lên. Tôi siêu nhạy cảm với cách con cái, bạn bè và nhân viên của mình đối xử với nhau, vì cái cách tôi đã bị đối xử khi còn nhỏ.
Giờ thì chúng tôi đang hưng phấn. Cuộc trò chuyện đã chuyển từ hời hợt sang chân thực và đầy sinh khí. Mỗi lãnh đạo trong phòng lần lượt lên tiếng:
Một phụ nữ chia sẻ: Tôi cảm thấy trống rỗng trong cuộc sống vì không thể sinh con.
Một phụ nữ khác tâm sự: Hiện tại tôi đang là mẹ của một đứa trẻ 5 tuổi vì 4 năm trước, em trai và em dâu tôi đã chết trong một tai nạn ô tô.
Một chàng trai trẻ nói: Tôi hài hước nhưng không ai biết điều đó vì tôi nhút nhát.
Và rồi đến lượt quý ông cuối cùng. Ông đứng lên, đưa mắt nhìn từng người trong phòng, rồi chia sẻ một cách chậm rãi:
Khi tôi lên 7, bố tôi bị ám sát. Và mẹ tôi và tôi cảm thấy… biết ơn.
Ngay cả tôi cũng sửng sốt trước thái độ sẵn sàng thừa nhận cảm xúc của ông, không chỉ với chúng tôi, mà với cả chính bản thân ông.
Người đàn ông này đã gỡ mặt nạ xuống. Ông đã chia sẻ cuộc đời mình một cách trung thực. Tôi không chắc ông đã bao giờ kể cho ai khác nghe chuyện đó chưa.
Nhưng tia sáng le lói của sự thật đó đã thắp sáng cả căn phòng.
Henri Nouwen, một trong những nhà văn tôi yêu thích nhất, đã từng nói rằng: “Chúng ta thích phân biệt giữa cuộc sống cá nhân và cuộc sống cộng đồng, rồi nói ‘không ai có quyền can thiệp vào bất cứ việc gì tôi làm trong cuộc sống cá nhân của tôi’.
Nhưng ai đang cố gắng sống bằng những giá trị tinh thần, sẽ nhanh chóng phát hiện ra rằng cái cá nhân nhất chính là cái phổ quát nhất, cái bị che giấu nhất chính là cái được công khai nhất…”
Nơi hiu quạnh nhất chính là nơi công cộng nhất.
Ánh sáng sâu thẳm nhất chính là nguồn sáng cho cả thế giới.
Những thời điểm chúng ta suy sụp và phục hồi là những không gian kết nối chúng ta với đồng loại. Chúng ta có thể lớn lên trong những khu phố khác nhau và đi học ở những ngôi trường khác nhau.
Chúng ta có những công việc khác nhau và những gia đình khác nhau. Nhưng tất cả chúng ta đều biết nỗi đau của sự cô đơn. Tất cả chúng ta đều hiểu được sự sợ hãi khi không được yêu thương.
Đó là những nơi có thể mang chúng ta lại gần nhau. Chúng ta rất hay đẩy mọi người ra xa, lo sợ rằng họ không muốn nhìn thấy sự thật trần trụi. Nhưng sự thật trần trụi là cái chúng ta nên làm cùng nhau. Nó là cái kết nối chúng ta như những con người với con người.
Đây là một điểm uốn cho bạn cho dù bạn có biết hay không. Mỗi khoảnh khắc đều là một điểm uốn. Đây là cơ hội để bạn nhận ra rằng khi bạn đang đương đầu với sự thật trần trụi, bạn không đơn độc.
Đã bao giờ bạn có một ngày làm việc khó khăn ở văn phòng và cảm thấy bầm dập như thể bạn muốn nghỉ việc chưa? Bạn có thể giữ chặt chiếc mặt nạ trên mặt và chịu đựng một mình. Hay là bỏ mặt nạ xuống và nói chuyện với bạn đời của mình về cảm xúc thật của bạn.
Bọn trẻ con có đang làm bạn phát điên không? Bạn có đang vò đầu bứt tai khi còn chưa hết nửa ngày không? Bạn có thể trút giận lên đầu lũ trẻ khi cảm thấy thất vọng và cô đơn hoặc gọi điện cho người hàng xóm lân cận. Hãy chia sẻ những vật lộn của mình và trái tim bạn để tìm thấy sự kết nối thật sự.
Bạn có đang cảm thấy rằng có quá nhiều việc xảy ra cùng lúc, rằng bạn đang bị căng thẳng đến tột cùng và rằng bạn không thể cáng đáng được nữa hay không? Bạn có thể vẫn tiếp tục cày kéo lên phía trước, hoàn toàn kiệt sức, rã rời, nhưng vẫn che giấu nỗi đau khôn cùng của mình. Hoặc bạn có thể nhắn tin cho một người bạn, chia sẻ gánh nặng và nhận ra rằng người bạn ấy cũng cảm thấy như bạn.
Đó là nơi cuộc sống thật được sống. Cùng nhâm nhi ly cà phê trong sân và cùng đầu ấp tay gối khi ngày tàn. Đó chính là khoảnh khắc chúng ta hạ vũ khí xuống, mở cửa cuộc sống cùng trái tim của mình, để cho ánh sáng của chúng ta tỏa sáng và soi rõ đêm tối trong lòng những người xung quanh.
Tôi đã phát hiện ra rằng khi tôi gỡ mặt nạ xuống và cho người khác nhìn thấy những ngóc ngách sâu thẳm nhất trong trái tim mình, thì thay vì đẩy tôi ra xa, họ lại thường xuyên trả lời bằng những từ ngữ tuyệt đẹp: “Bạn cũng thế à?”
Nhưng điều đó không thể xảy ra nếu bạn cứ giả vờ cuộc sống của mình đang hoàn hảo như một bức ảnh trên Instagram, vì như thế có nghĩa là bạn đang xây dựng một vỏ bọc để ngăn cách không cho người khác nhìn thấy con người thật của mình.
Sống một cuộc đời bừng cháy có nghĩa là bạn không sợ được biết hay sở hữu câu chuyện của chính mình. Bạn ca ngợi những vết sẹo mà mình đã tích lũy trên đường đời, đồng thời bạn cũng sẵn sàng và bằng lòng sống một cách trung thực nhất.
Nếu không thì bạn sẽ không bao giờ biết đến giá trị từ câu chuyện của bạn.
Bạn sẽ không bao giờ biết đến sức mạnh từ những trải nghiệm của bạn.
Bạn không thể đón nhận được vẻ đẹp từ những vết sẹo của bạn.
Bạn cũng sẽ không bao giờ là ánh sáng cho một thế giới đang tuyệt vọng mong chờ.
YÊU BẢN THÂN
Đôi khi chúng ta cần một đôi mắt khác để nhắc nhở bản thân mình rằng những vết sẹo đó thật sự đẹp biết bao.
Một buổi sáng, tôi đang chuẩn bị đi làm, đứng cạo râu trong buồng tắm trong khi con trai tôi, Jack, đứng chễm chệ trên bồn cầu quan sát. Tôi vừa đưa cho con một chiếc dao cạo râu bằng nhựa và theo dõi con khi con bắt chước những chuyển động của mình. Khi tôi cạo má trái, con cạo má trái. Khi tôi chuyển sang má phải, Jack cũng chuyển bên. Rồi con dừng tay. Con không cạo nữa và tôi để ý con đang nhìn chằm chằm vào ngực tôi. Bây giờ thế này, bạn phải hiểu rằng toàn thân tôi bị sẹo khủng khiếp. Và không nơi nào trên người tôi có sẹo dày hơn và nhìn rõ hơn là phần bụng.
Tôi tiếp tục cạo râu, vẫn có thể nhận ra cái đầu bé nhỏ của con tôi đang hoạt động. Con trèo xuống bồn cầu, bước đến gần và ngẩng đầu lên nhìn tôi. Con giơ ngón trỏ lên sờ một vết sẹo của tôi rồi hỏi: “Bố ơi?”
Ừ, anh bạn, có chuyện gì vậy?
Tôi gồng mình chuẩn bị tinh thần cho một câu hỏi hay một cuộc trò chuyện vụng về sắp đến… và bắt đầu suy nghĩ cách trả lời các câu hỏi của con… tôi sẽ kể cho con nghe bao nhiêu về trận hỏa hoạn… bao nhiêu thông tin về những vết bỏng… con nên chia sẻ với bạn bè về chuyện xảy ra với bố mình như thế nào… làm sao để nói cho con biết con không cần xấu hổ hay sợ hãi gì cả…
“Bố ơi, bụng bố đỏ, nó gồ ghề và nhấp nhô…” Rồi thêm: “Và con yêu nó!”
Con biết không, Jack, bố cũng yêu nó.
PHỦ NHẬN HAY TỰ CHẤP NHẬN
Nơi nào đổ nát, nơi đó có hy vọng tìm vàng.
- Rumi -
Câu chuyện của bạn là gì?
Không phải câu chuyện bạn chia sẻ ở những bữa tiệc nhẹ. Không phải câu chuyện được in trong hồ sơ xin việc của bạn hay mục tiểu sử được bạn đưa lên mạng.
Đã đến lúc bạn dừng đóng kịch và tháo mặt nạ ra.
Đã đến lúc bạn dám tin rằng con người bạn đằng sau chiếc mặt nạ là đủ.
Bởi vì đó là sự thật.
Thách thức của tôi dành cho bạn là, khi bạn nhìn vào trong gương, nhìn hình ảnh phản chiếu của mình, một ngày của bạn, cuộc đời của bạn, bạn hãy tự tin thừa nhận rằng bạn và câu chuyện của mình là vô giá.
Lần này đừng che giấu nữa, mà hãy kinh ngạc.
Không một ai khác có câu chuyện của bạn, những vết sẹo của bạn, sự hiểu biết của bạn.
Không một ai.
Hãy chào đón chúng.
Hãy chấp nhận chúng.
Hãy học hỏi từ chúng và ca ngợi chúng. Bạn sẽ không ở đây nếu không có chúng. Hình ảnh phản chiếu của bạn có thể hơi đỏ, gồ ghề và nhấp nhô, nhưng nó đã dẫn dắt bạn một cách hoàn hảo đến nơi bạn đang đứng ngày hôm nay - và khả năng về những gì bạn có thể làm trong tương lai. Cho nên hãy xé rách những miếng băng cứu thương. Hãy tháo mặt nạ ra. Hãy nhìn vào trong gương. Yêu những gì bạn thấy. Mỉm cười với hình ảnh phản chiếu. Và chia sẻ nó với người khác.
Hãy lựa chọn tự chấp nhận.
Niềm tin là trong bóng tối, chúng ta vẫn nhớ những gì bản thân mình đã trải nghiệm trong ánh sáng.
- Richard Rohr -