Sống không phải là tránh xa cái chết, mà là lựa chọn sống một cách đích thực.
Các y tá cuống cuồng vào việc.
Họ không ngừng trấn an tôi rằng mọi chuyện vẫn ổn và tôi sẽ khỏe lại. Họ nói họ sẽ ở bên tôi và tôi không phải lo gì cả.
Vậy thì tại sao họ lại chạy như bay xung quanh tôi? Tại sao trông họ lại hoảng loạn đến thế?
Tại sao họ lại liên tục chọc tay vào người tôi, châm kim vào da tôi và thì thầm về tôi?
Tôi nhìn họ bay lượn trước mắt.
Rồi tôi nhìn xuống cơ thể mình. Nó trông không giống tôi.
Tôi nhìn bàn tay mình, nhưng trông chúng không giống tay tôi. Tôi đưa ánh mắt xuống những gì còn sót lại của bộ đồ thể thao màu xanh lá cây và đôi giày chạy, chúng đã dính chặt vào tay chân tôi.
Cơn đau thật dữ dội.
Trận hỏa hoạn sáng nay đã làm thay đổi tất cả. Tất tần tật.
Một cô y tá lại an ủi tôi rằng tình hình rồi sẽ ổn thôi. Tôi biết là cô ấy đang nói dối.
Tôi đã thật sự gây ra họa lớn. Hôm nay, tôi đã làm nổ tung ga ra của bố mẹ.
Tôi không cố ý.
Thật ra, tôi còn không có lỗi gì trong chuyện này.
Chỉ đơn giản là hồi đầu tuần, tôi đã đứng xem mấy anh hàng xóm nghịch lửa. Họ đổ một ít xăng lên vỉa hè, bước lùi lại, rồi một anh lớn học lớp 7 ném một que diêm xuống đất.
Vũng xăng bùng cháy. Thật tuyệt vời!
Tôi đoán nếu họ có thể làm vậy mà không bị mắng thì tôi cũng làm được.
Vì thế sáng nay, sau khi bố mẹ ra khỏi nhà, tôi đi vào ga ra. Tôi châm lửa đốt một miếng bìa các tông nhỏ, bước đến bên cái thùng gỗ đựng năm galông1 xăng, rồi nghiêng thùng để đổ một ít lên miếng bìa.
1 Galông: đơn vị đo chất lỏng ở Mỹ, bằng 3,78 lít.
Cũng như các anh lớn, tôi muốn phù phép cho ngọn lửa.
Nhưng cái thùng gỗ đỏ to nặng quá khiến tôi không nhấc lên được.
Vì thế tôi đặt miếng bìa các tông đang cháy dở xuống sàn bê tông.
Tôi quỳ xuống, dang hai tay ôm lấy cái thùng và từ từ nghiêng miệng thùng về phía ngọn lửa.
Tôi đợi xăng chảy ra.
Xăng đã không chảy ra.
Tôi nhớ cái xảy ra sau đó là một tiếng bùm lớn. Tôi bị quăng vào bờ tường phía trong ga ra.
Hai tai tôi ù lên.
Toàn thân tôi nhức nhối.
Quần áo tôi bị tẩm xăng ướt sũng. Tôi đang bốc cháy.
Tôi đang bốc cháy!
Tôi cảm thấy choáng váng. Tất cả mọi thứ xung quanh tôi đều rực cháy. Cách duy nhất giúp tôi thoát ra khỏi ga ra là lao qua biển lửa.
Đúng, tôi vẫn còn nhớ đã được dạy kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn: đứng yên, nằm xuống và lăn đi.
Nhưng tôi đã sợ hãi biết bao. Người tôi thì đau đớn quá. Tôi cần ai đó đến cứu tôi.
Thế nên tôi chỉ biết chạy. Tôi chạy qua biển lửa.
Tôi chạy lên 2 bậc thềm và mở cửa vào nhà. Tôi vừa chạy vào trong nhà vừa vùng vẫy la hét. Tôi chạy tán loạn dưới tầng một mà không biết phải làm gì hơn. Tôi la hét gọi ai đó, bất kỳ ai, đến cứu tôi.
Tôi đứng giữa phòng khách, la hét.
Tôi vẫn đang bốc cháy.
Chị và em gái tôi chạy xuống cầu thang. Họ nhìn tôi, ôm mặt và hét lên vì khiếp đảm.
Rồi tôi nhìn thấy anh trai tôi, Jim. Anh lao về phía tôi. Anh nhấc tấm thảm chùi chân ngoài cửa trước lên và bắt đầu dùng nó đánh tôi. Anh quật tấm thảm lia lịa vào người tôi. Rồi anh đè tôi xuống đất, quấn tấm thảm quanh người tôi và bế tôi ra ngoài.
Ngọn lửa đã được dập tắt.
Nhưng điều tồi tệ nhất đã xảy ra trước đó rồi. Một vài phút sau, xe cứu thương lao đến.
Tôi cố gắng chạy về phía chiếc xe, nhưng chân tôi gần như bất động. Nên tôi đi tập tễnh. Trần truồng. Da và quần áo đã bị cháy rụi.
Tôi tha thiết hy vọng không ai nhìn thấy mình. Tôi xấu hổ. Tôi sợ hãi. Tôi lạnh.
Tôi chỉ muốn nhảy vào trong xe cứu thương.
Tôi leo lên xe còn Jim đứng ngay đằng sau tôi cũng định nhảy lên theo. “Xin lỗi, cậu không được đi theo”, người nhân viên cứu thương vừa nói vừa đóng một bên cửa xe.
Jim ra sức tranh cãi, anh giải thích rằng chúng tôi là anh em, nhưng người đàn ông chỉ nói: “Tôi xin lỗi”. Và kéo nốt cánh cửa kia lại.
Xe cứu thương lăn bánh. Qua lớp cửa kính đằng sau xe, tôi nhìn anh trai cùng chị và em gái tôi đứng trên sân, sau lưng họ khói đang bay nghi ngút lên trời.
Chúng tôi lên đường.
Đó là tất cả những gì xảy ra sáng nay.
Còn bây giờ tôi đang nằm đây trong một phòng cấp cứu nào đó.
Mọi thứ đã thay đổi.
Tôi cảm thấy cô đơn khủng khiếp.
Và rồi, tôi nghe thấy một giọng nói ngoài hành lang. Mẹ!
Cuối cùng thì mẹ cũng đến!
Bà luôn làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Tôi biết bà có thể giải quyết chuyện này.
Tôi nghe thấy tiếng bước chân của bà.
Tôi nhìn thấy tấm màn bao quanh tôi được vén lên. Mẹ bước ngay đến bên giường, nắm một bàn tay đang bị bỏng trong tay bà, nhẹ nhàng vỗ cái đầu trọc trần trụi của tôi.
“Chào con, bé yêu”, bà vừa nói vừa mỉm cười.
Tôi nhìn mẹ tôi. Những giọt nước mắt mà tôi thậm chí còn không nhận ra là mình đang cố nén bắt đầu rơi xuống má. “Mẹ ơi”, tôi gọi, giọng run lên vì sợ hãi. “Con sắp chết có phải không?”
Tôi biết mình bị thương nặng. Và tôi muốn nghe những lời động viên ấm áp của bà biết bao nhiêu. Tôi muốn bà xua tan đi nỗi sợ hãi trong tôi. Tôi muốn được âu yếm dỗ dành trong niềm tin và hy vọng. Tôi muốn bà hôn tôi và rồi thổi bay đi mọi rắc rối theo cách mà chỉ có Mẹ mới làm được.
Tôi đợi bà hứa sẽ giải quyết mọi chuyện. Bà luôn làm vậy.
Bà luôn giải quyết mọi chuyện. Mẹ siết nhẹ tay tôi trong tay bà. Bà nhìn vào trong mắt tôi.
Tập trung suy nghĩ.
Và hỏi: “John, con có muốn chết không? Đây là lựa chọn của con, không phải của mẹ”.
Vào một ngày hè, 3 năm trước khi trận hỏa hoạn xảy ra, tôi đi bơi ở một bể bơi công cộng gần nhà.
Đó là một chiều hè tháng Bảy miền Trung Tây, vô cùng lý tưởng để đi bơi. Trời rất ẩm. Nóng tàn bạo. Nắng chói chang. Tuyệt hảo!
Hồ bơi đầy kín trẻ con và thành hồ thì chật cứng những bậc phụ huynh. Còn 2 tuần nữa là tôi tròn 7 tuổi, tôi cũng chỉ đang học bơi và yêu sự độc lập chớm nở của mình. Đúng rồi đó, tôi không cần dùng phao nữa!
Nhưng sự tự tin thái quá có thể gây ra nguy hiểm chết người.
Tôi đã bơi đến quá gần mép nước sâu. Dò dẫm bước đi trong nước, đầu tôi chỉ bập bềnh cao hơn mặt nước một chút và rồi đột nhiên sàn hồ bơi trơn tuột như sàn băng khiến tôi trượt chân. Phần dốc nhẹ của hồ bơi đột ngột dốc thẳng xuống. Tôi chới với. Mất điểm tựa. Và rồi chìm xuống.
Tôi bị trượt hẳn xuống đến tận đáy hồ bơi. Nhưng thậm chí tôi còn không thèm quẫy. Không rõ vì tôi nghĩ có cố cũng vô ích hay vì biết ai đó sẽ đến cứu mình, nhưng tôi chỉ ngồi im dưới đáy hồ bơi.
Nhìn lên. Đợi chờ. Hy vọng.
Mong ngóng. Biết.
Và rồi mặt nước vỡ òa ra trên đầu và có ai đó nhanh chóng túm lấy tôi, lôi tôi lên rồi kéo tôi ra xa. Và thế là tôi thoát chết. Tôi ngước lên nhìn vị cứu tinh, nheo nheo mắt vì nắng.
Đó là mẹ tôi.
Bà đã mặc nguyên quần áo nhảy xuống hồ bơi và lôi tôi lên khỏi mặt nước.
Bà đã cứu sống tôi ngày hôm đó.
Bà nhanh nhẹn lau người cho tôi, choàng khăn tắm lên người, mua cho tôi một que kem, tháo đồng hồ bị ướt ra và tiếp tục làm những việc khác.
Bà đã cho tôi thấy vào ngày hôm đó và trong vô số các dịp khác rằng bà sẽ ở bên tôi. Bà sẽ cứu tôi. Tôi chỉ cần giơ tay ra nắm lấy tay bà.
Chính vì thế vào cái ngày tôi bị bỏng, khi bà cầm tay tôi và tôi hỏi bà tôi có sao không, tôi đã chắc mẩm việc bà sẽ làm và những lời bà sẽ nói.
“Bé yêu, con không sao. Bố mẹ sẽ đưa con về nhà ngay hôm nay. Nếu con dũng cảm mẹ sẽ mua cho con sữa lắc trên đường về. Giờ con chỉ cần nghĩ xem mình thích vị sô-cô-la hay vani thôi”.
Tôi muốn nghe lời hứa thưởng sữa lắc!
Nhưng thay vào đó, tôi lại phải nghe những lời này: “John, con có muốn chết không? Đây là lựa chọn của con, không phải của mẹ”.
Khoan đã. CÁI GÌ CƠ?
Tại sao lại đặt một câu hỏi như vậy cho một cậu bé đang nằm sợ hãi trong phòng cấp cứu?!
BƠI HAY CHÌM
Có thể bạn đang nghĩ rằng mẹ tôi là vị phụ huynh lạnh lùng và tàn nhẫn nhất trong lịch sử.
Tôi sẽ không tranh luận với bạn về điểm này.
Ý tôi là, có bố mẹ nào lại không động viên an ủi cậu con trai bé bỏng đang nằm chờ chết trong bệnh viện? Có kiểu phụ nữ nào lại tuyệt đối thờ ơ và lạnh lùng đến thế? Chả nhẽ người phụ nữ đó không biết rằng cu cậu bé bỏng tội nghiệp này chỉ muốn có một tia hy vọng thôi sao?
Nhưng tôi đang thực sự cần điều gì?
Bởi vì khi nhìn lại, đó chính là cái bà đã trao cho tôi.
Tôi nhớ mình đã ngước mắt nhìn mẹ và trả lời: “Con không muốn chết. Con muốn sống”.
Mẹ nói tiếp: “Nếu vậy, John, con cần chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Con cần nắm lấy bàn tay của Chúa và con cần đi hết cuộc hành trình này với Người. Tiến về phía trước với mọi thứ con có. Bố và mẹ sẽ bước đi từng bước cùng con. Và, John, nghe mẹ nói này: Con cần chiến đấu để được sống”.
Con cần chiến đấu để được sống.
Trước ngày hôm đó, tôi chỉ là một đứa trẻ con 9 tuổi bình thường. Tôi trốn tránh trách nhiệm và hành động vô ý thức, thậm chí hầu như không bao giờ nghĩ đến hậu quả của những việc mình làm. Tôi dọn phòng vì tôi phải dọn. Tôi học bài vì họ bắt tôi. Tôi đi lễ vì họ bảo tôi phải làm thế.
Bố mẹ tôi chỉ huy.
Tôi chỉ làm theo lệnh.
Họ cho tôi mọi thứ tôi cần và tôi sung sướng đón nhận tất cả. Tôi hơi… được chiều.
Tôi là con thứ tư trong một gia đình đầm ấm. Bố mẹ tôi yêu chiều cả 6 đứa con.
Tôi sống trong một ngôi nhà đẹp đẽ.
Tôi có một người bố tài giỏi, một người mẹ đảm đang.
Đi học trường xịn.
Mỗi sáng Chủ Nhật chúng, tôi đều đi lễ, sau đó thì ăn bánh kếp nhân việt quất xanh và sau cùng là thưởng thức bữa tối với gà rán ở nhà bà.
Chúng tôi còn nuôi cả một chú chó săn Golden Retriever quý hiếm.
Chúng tôi có tất cả.
Cuộc sống thật hoàn hảo.
Và rồi cuộc sống thay đổi.
Cuộc sống luôn như vậy.
Khi cuộc sống thay đổi, chúng ta có thể cầu khẩn được trở về quá khứ. Cảm thấy có quyền được hưởng hiện thực đó. Chờ đợi ai đó vung chiếc đũa thần biến mọi thứ trở lại bình thường, trở lại cuộc sống trước đây.
Hay là chúng ta bước tiếp, nhận ra rằng đã đến lúc phải tiến lên phía trước và đón nhận toàn bộ trách nhiệm cùng chủ quyền đối với cuộc đời mình.
Hãy làm chủ cuộc đời con, John. Hãy chiến đấu vì nó.
Đây là lựa chọn của con. Không phải của mẹ.
Câu trả lời của mẹ đòi hỏi sự tự chủ. Sẽ không có quyền lợi nào nữa, sẽ không thể trốn tránh trách nhiệm được nữa. Bà đã cho tôi sự thật.
Ngồi nghĩ về câu hỏi của Mẹ ngày hôm đó, tôi cho rằng nó chính là một điểm uốn - một thời khắc làm thay đổi mọi thứ đến sau.
Ngày hôm đó, vào lúc quan trọng nhất, khi mà tôi đang đứng ngấp nghé bên bờ vực của cái chết, mẹ đã dũng cảm bước đến bên mép vực và nhìn xuống dưới cùng tôi. Chỉ một chút sơ sẩy thôi là tôi sẽ đầu hàng, buông tay và rơi xuống vực thẳm.
Nhưng còn một con đường khác, con đường tiến lên phía trước. Bà chỉ tay về phía đó. Nhìn theo tay bà, tôi trông thấy một ngọn núi khổng lồ. Ngọn núi ấy cao đến mức tưởng như không thể vượt qua. Nhưng bà nói rằng tôi có thể làm được. Rằng tôi có thể lựa chọn lùi xa bờ vực, lê những bước chân nhỏ bé lên đỉnh núi và quay trở về cuộc sống.
Tất cả chúng ta đều có lựa chọn đó. Hoặc là chúng ta lựa chọn sống hết mình, tận hưởng từng khoảnh khắc, đón nhận và ca ngợi cuộc sống, hoặc là không. Không một ai khác có thể đưa ra quyết định này thay chúng ta.
Chúng ta chỉ có một sinh mạng. Chúng ta có thể chọn sống. Hoặc là chết.
BẠN CÓ MUỐN CHẾT KHÔNG?
Nhìn dưới góc độ nào, tôi cũng không thể sống sót.
Sau vài phút bị nhấn chìm trong biển lửa, tôi bị bỏng gần như trên 100% cơ thể.
87% vết bỏng của tôi là bỏng độ ba.
Độ bỏng nặng nhất.
Chúng là những vết bỏng sâu, đốt thủng 3 lớp da, lớp cơ và thậm chí thiêu đến tận xương ở một số chỗ trên cơ thể.
Da bị bỏng sẽ không bao giờ liền lại nếu không có da thay thế. Và mỉa mai thay, da thay thế phải đến từ chính cơ thể người bị bỏng. Vì tất cả da của tôi đều bị bỏng, nên vị trí duy nhất có thể lấy được da thay thế là phần bị bỏng nhẹ nhất trên người tôi: đó chính là da đầu. Đây là một nhiệm vụ gần như bất khả thi.
Thêm vào đó, 2 lá phổi của tôi cũng bị tổn thương vì hít khói.
Kiểm soát thân nhiệt của tôi cũng khó khi không còn da. Nhiễm trùng rất dễ xảy ra.
Mọi thứ thật kinh khủng.
Ngày nay, tỉ lệ tử vong đối với bệnh nhân bỏng được tính bằng cách lấy tỉ lệ bị bỏng trên cơ thể cộng với tuổi của bệnh nhân. Như vậy đối với trường hợp của tôi, gần 3 thập kỷ trước khi có nhiều tiến bộ trong việc chữa bỏng, thì tỉ lệ tử vong của tôi được tính như sau: 100% cơ thể bị bỏng cộng 9 năm tuổi, tương đương với khả năng sống sót là con số không tròn trĩnh.
Trận hỏa hoạn là một bản án tử hình.
Mẹ tôi không hề biết tất cả những điều này khi bà bước vào phòng bệnh buổi sáng hôm đó. Bà không biết gì nhiều về nguyên nhân của trận hỏa hoạn, quá trình điều trị bỏng hay những gì sẽ xảy đến tiếp theo.
Tại thời điểm đó, bà không hề lường trước được sự đau đớn của việc hàng đêm nằm trên giường hoang mang tự hỏi khi ngày mới đến, liệu đứa con trai bé bỏng của bà có còn sống hay không. Bà không bao giờ tưởng tượng được cảnh mình sẽ đi đi lại lại mỗi đêm ngoài hành lang bệnh viện, ngồi khóc trong những góc khuất tối tăm, hay chịu đựng hàng giờ chờ đợi thống khổ của hàng chục cuộc phẫu thuật quyết định tính mạng của con trai bà.
Tất cả những gì bà biết - tất cả những gì chúng tôi biết - là trận chiến đã bắt đầu.
Còn bây giờ, tôi cảm thấy cần chia sẻ với bạn một bí mật và một tin vui trước khi chúng ta tiếp tục.
Khuyến cáo: Đừng đọc câu văn tiếp theo nếu bạn không muốn biết trước cái kết của cuốn sách.
Cậu bé đã sống sót.
Đúng vậy, mặc dù những khoảnh khắc trong bệnh viện mà tôi miêu tả đau buồn xé ruột, là cơn ác mộng đáng sợ nhất của các bậc cha mẹ, nhưng cuốn sách này vẫn có một kết thúc có hậu. Hiển nhiên rồi, nếu không thì bạn sẽ không đọc được những dòng này!
Nhưng nó không phải là ngẫu nhiên.
Tôi tin vào sức mạnh của những lời cầu nguyện. Và tôi biết hàng nghìn lời cầu nguyện đã được dâng lên Chúa vì tôi đêm hôm đó, cũng như mỗi ngày trong suốt những năm tháng tiếp theo khi tôi nằm trong bệnh viện. Nhưng tôi cũng tin rằng lời cầu nguyện không hẳn là để thay đổi Chúa, mà để định hình và thôi thúc những bước tiếp theo của những cá nhân đang nguyện cầu.
Tôi sống sót là nhờ hành động và sự động viên của những con người phi thường đã ở bên tôi trên mỗi bước đi, thúc giục tôi đấu tranh, van xin tôi tin tưởng và trao quyền cho tôi làm chủ cuộc đời mình.
Và cậu bé tưởng chừng đã chết hồi đó hiện giờ đang sống rất khỏe mạnh.
Tôi đã kết hôn được 12 năm. Vợ tôi, Beth, và tôi có một cuộc hôn nhân bền vững cùng 4 đứa con khỏe mạnh, kháu khỉnh nhưng cũng khá hiếu động. 3 cậu con trai và 1 cô con gái. Chúng tôi sống giữa những con người yên bình, tham gia vào một giáo hội năng nổ và hưởng thụ một cuộc sống kỳ diệu.
Cuộc sống khó tin này là thành quả của một câu hỏi táo bạo:
Con có muốn chết không?
Một câu hỏi dũng cảm nhắc nhở mỗi người rằng chính bản thân chúng ta mới là chủ thể nắm giữ sức mạnh lựa chọn con đường phía trước. Chúng ta có thể không kiểm soát được mọi chuyện xảy ra, nhưng chúng ta luôn kiểm soát được cách chúng ta phản ứng.
Quyết định nghịch lửa liều mạng của tôi rõ ràng là một điểm uốn trọng đại.
Tôi đã đưa ra một lựa chọn đơn giản khi còn nhỏ. Và trong một khoảnh khắc, cuộc sống của tôi và của cả gia đình tôi, đã thay đổi vĩnh viễn. Chúng tôi không thể quay đầu lại.
Nhưng đó không phải là điểm uốn duy nhất mà chúng tôi phải đối mặt. Vì hằng ha sa số các thách thức khác cũng kéo đến sau đó. Những thời khắc làm thay đổi mọi chuyện. Những lựa chọn chúng tôi đưa ra sẽ dẫn đến một cuộc sống đầy hy vọng và nhiều khả năng hoặc một cuộc sống chỉ toàn lo sợ và tiếc nuối.
Tất cả chúng ta đều đưa ra những lựa chọn như vậy trong cuộc sống.
Tôi hy vọng sẽ giúp bạn mở mắt để thật sự nhìn thấy con đường bạn lựa chọn và chỉ cho bạn con đường đầy tiềm khả năng.
Lựa chọn đầu tiên bạn phải đưa ra để châm ngòi một cuộc đời nhiệt huyết là sở hữu cuộc đời bạn. Có nghĩa là bỏ lại quyền lợi phía sau và nhận ra rằng chỉ có chính bạn mới có thể tạo ra những thay đổi trong cuộc sống của mình.
Đừng bao biện nữa.
Đây là cuộc đời của bạn. Bạn có muốn chết không? Không?
Tốt. Nếu vậy hãy hành động như thể bạn muốn sống.
VĨNH BIỆT SỰ MAY RỦI
Một trong những bộ phim yêu thích nhất của tôi là Chàng Will tốt bụng.
Trong phim có một phân cảnh kịch tính về một thanh niên có vẻ xấc xược, kiêu ngạo, ra vẻ ta đây cái gì cũng biết đang được một bác sĩ tâm lý điều trị sâu về những ẩn ức trong quá khứ. Cuối cùng, bác sĩ tâm lý nói với chàng trai bị bệnh:
Đó không phải là lỗi của cậu. Đó không phải là lỗi của cậu. Đó không phải là lỗi của cậu!
Phân cảnh cảm động này là một khoảnh khắc mấu chốt trong phim. Đón nhận sự thật sảng khoái trong những lời nói đó sẽ giúp ích nhiều cho chúng ta trong cuộc sống.
Tuy nhiên, lời động viên tôi dành cho bạn hơi khác.
Khi tôi và gia đình mình nhớ lại trận hỏa hoạn đã làm thay đổi cuộc đời chúng tôi, chúng tôi gọi nó là “tai nạn của John” hoặc chỉ đơn giản là “tai nạn”. Từ tai nạn xuất hiện đến cả chục lần trong một cuốn sách mà bố và mẹ tôi viết về trận hỏa hoạn có tên là Overwhelming Odds2.
2 Overwhelming Odds (tạm dịch: Những Thử thách Nghiệt ngã) của Susan và Denny O’Leary, Nhà xuất bản BookSurge, Charleston, South Carolina, Mỹ (2004).
Tai nạn.
Để tôi hỏi bạn một câu: Bạn nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra khi ai đó giơ một ngọn lửa ra trước một thùng xăng?
Chuẩn.
Đó không phải là một tai nạn: Đó là một quy luật tự nhiên. Đó là kết quả của việc đặt một vật thể đang cháy ở gần môi trường dễ bắt lửa.
Đúng, tôi chỉ là một đứa trẻ.
Đúng, tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Và đúng, tôi đương nhiên không đoán trước được vụ nổ khủng khiếp ấy, nhưng gọi nó là một tai nạn thì coi rẻ vai trò của tôi trong sự kiện đó quá.
Khi mẹ tôi động viên rằng tôi là người lựa chọn số phận cho mình, bà đã làm được một việc cực kỳ quan trọng. Bà đã thách thức tôi đứng lên nhận hoàn toàn trách nhiệm không chỉ đối với chuyện đã xảy ra, mà quan trọng hơn, còn đối với cả chuyện sẽ xảy ra sau đó. Đây là một điểm uốn quyết định đối với tôi. Tôi có 2 lựa chọn… chịu trách nhiệm đối với việc chữa trị và xông lên phía trước, hay tin một ai khác sẽ cứu mình và chịu đựng một cách bị động.
Mẹ tôi biết đây là vấn đề sống chết và tôi đang đứng trên bờ vực thẳm. Nếu tôi không chủ động cầm cương, tôi sẽ rơi xuống vực và biến mất. Bà biết mình không thể ép đứa con trai bé bỏng làm việc đó. Bà hiểu rằng tôi cần tự chịu trách nhiệm.
Tinh thần trách nhiệm bị mang tiếng xấu ngày nay. Bạn hướng tới điều gì khi bạn nghĩ đến tinh thần trách nhiệm? Có thể bạn nghĩ đến những nghĩa vụ, những trọng trách, những gánh nặng bạn phải cõng trên lưng. Có thể bạn nghĩ đến những tập đoàn trốn tránh trách nhiệm, phá hoại cuộc sống con người và nhún vai cho qua chuyện sau đó.
Thật không may, đôi khi mọi người luôn cảm thấy mình đang sống trong một xã hội thích trốn tránh trách nhiệm và trông chờ người khác đưa tay ra cứu giúp.
Ôi, nhưng tinh thần trách nhiệm không chỉ giữ cho bạn khỏi sẩy chân tuột dốc trong cuộc sống, mà nó còn chắp cánh cho bạn chủ động lèo lái con đường phía trước. Hơn nữa, nó còn trao cho bạn sức mạnh làm chủ cuộc đời mình.
ĐỪNG NHÚN VAI CHO QUA CHUYỆN
Tinh thần trách nhiệm cá nhân là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ một thành quả xứng đáng nào.
Cách đây vài năm, tôi may mắn được mời đến nói chuyện truyền cảm hứng về cách vượt lên thách thức trong thị trường bất động sản cho công ty Staubach, một công ty bất động sản được sáng lập bởi cựu sĩ quan hải quân và tiền vệ vĩ đại của đội bóng bầu dục Dallas Cowboys, Roger Staubach. Sau 3 thập kỷ phát triển, công ty này đã thành công đến mức Roger có thể bán nó với giá hơn 600 triệu đô la vào năm 2008.
Tôi bay đến Dallas để diễn thuyết tại một buổi tụ họp của các lãnh đạo cấp cao của công ty. Khi chiếc xe taxi chở tôi dừng trước đại bản doanh của công ty này, một người phụ nữ trẻ trong ban tổ chức sự kiện ra cửa đón tôi. Tôi mỉm cười và chúng tôi tán chuyện trên đường đi vào phòng chuẩn bị.
Mặc dù đã nghiên cứu thông tin cơ bản về công ty và nói chuyện với vài nhân viên tổ chức sự kiện này, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng mình nên tận dụng thời cơ để hỏi cô gái này về điều cô cảm thấy là quan trọng nhất đối với thành công lâu dài của công ty.
Cô gái dừng tay khi đang pha cho tôi một tách cà phê.
Cô đưa tách cà phê cho tôi.
Rồi nói: “Thật ra, ở công ty có một câu chuyện đã trở thành huyền thoại”.
Cô giải thích Roger Staubach đã kiên quyết đòi hỏi tinh thần trách nhiệm từ mỗi nhân viên trong công ty như thế nào. Ông đã học được tầm quan trọng của tinh thần trách nhiệm khi còn là sĩ quan hải quân, nhiều lần nhìn thấy giá trị của nó trên sân bóng và biết rằng điều đó là thiết yếu trong việc gây dựng doanh nghiệp và cuộc sống.
Ông đã trao quyền cho mỗi nhân viên tự vận hành công việc của mình, hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời xử lý một cách có trách nhiệm mọi vấn đề nảy sinh, ngay cả khi làm việc với khách hàng lẫn đồng nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng suôn sẻ như vậy.
Có một hôm 2 nhân viên môi giới tìm gặp Staubach vì không thể thỏa thuận được cách chia một khoản hoa hồng trị giá 16,000 đô la. Người nào cũng cho rằng toàn bộ khoản hoa hồng phải thuộc về mình.
2 người đã tranh cãi trong bế tắc trong vài ngày và cuối cùng tìm gặp sếp, giơ tay đầu hàng và nói: “Chúng tôi không thể giải quyết chuyện này. Sếp có thể xử lý cho chúng tôi được không?”.
Staubach đặt một vài câu hỏi.
Sau đó, ông cảm ơn 2 nhân viên môi giới vì đã chia sẻ.
Ông hỏi họ có thể cố gắng bỏ qua khúc mắc, nhìn vấn đề từ quan điểm của người kia và cùng nhau sở hữu khoản thu nhập có lợi cho cả đôi bên đó không.
Họ không thể.
Ông hỏi họ có sẵn lòng chia đôi khoản hoa hồng, thừa nhận rằng cả hai đều đã góp phần quan trọng để ký được hợp đồng đó không. Họ không sẵn lòng.
Staubach không nao núng. Ông bắt tay cả 2 người, cảm ơn thành quả lao động và còn cảm ơn cả về sự hào phóng của họ nữa.
Thế rồi ông làm một việc đã trở thành huyền thoại là đem toàn bộ khoản hoa hồng đó đi quyên từ thiện.
Ông muốn cho 2 nhân viên môi giới đó biết rằng chính bản thân họ sẽ phải chịu trách nhiệm cùng nhau thành công hoặc cùng nhau thất bại. Đó là lựa chọn của họ.
Sau này, không còn ai tìm gặp ông để phàn nàn như thế nữa. Những vấn đề lớn được xử trí ngay ở mức độ cá nhân.
Tôi cảm ơn cô gái vì đã chia sẻ câu chuyện đó. Nó giúp tôi hiểu được văn hóa của công ty và kiểu lời khuyên về vai trò lãnh đạo phù hợp. Nhưng câu chuyện đó còn vượt ra khỏi khuôn khổ của giới kinh doanh.
Bạn đã bao giờ bị cám dỗ như những người môi giới đó chưa?
Thỉnh thoảng trong cuộc sống, bạn có từng muốn nhún vai, giơ tay đầu hàng và đi tìm một ai khác giải quyết vấn đề cho bạn không? Muốn tìm kiếm ai đó không phải mình và đùn đẩy trách nhiệm là điều dễ hiểu.
Chúng ta thường xuyên đổ lỗi cho những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.
Chúng ta đổ lỗi cho hoàn cảnh: Đó không phải là lỗi của tôi. Đường tắc quá. Thị trường thật be bét. Thế giới quá hỗn loạn.
Chúng ta đổ lỗi cho người khác: Đó không phải là lỗi của tôi. Cô ta khó tính quá. Đám nhân viên của tôi thật ngu dốt. Các bệnh nhân của tôi nghèo quá. Tất cả khoản hoa hồng là của tôi.
Nhưng sự bao biện chỉ dẫn bạn vào ngõ cụt.
Đây là lời thách thức của tôi: Hãy xóa câu “Đó không phải là lỗi của tôi” ra khỏi vốn từ vựng của bạn. Mỗi khi bạn cảm thấy nó đang dâng trào lên, chuẩn bị rơi ra khỏi đầu lưỡi - hãy dừng lại. Thay vào đó hãy nói: “Đây là cuộc đời tôi và tôi chịu trách nhiệm về nó”.
Tư duy này sẽ làm thay đổi tất cả.
Đây là cuộc đời tôi và tôi chịu trách nhiệm về nó.
Sẽ không có ai đến cứu bạn.
Có tinh thần trách nhiệm có nghĩa là bạn làm chủ cuộc đời của chính mình. Nhận ra rằng chính bản thân bạn mới là người nắm giữ chìa khóa để thay đổi mọi chuyện, giải quyết các vấn đề, cải thiện cuộc sống và tạo ra sự khác biệt. Phẩm chất này không chỉ bao gồm hành động và việc sửa chỗ này chữa chỗ kia. Tinh thần trách nhiệm còn cho bạn sức mạnh để buông bỏ, để đầu hàng những gì bạn không thể thay đổi, để tha thứ cho những sự kiện và con người đã làm tổn thương bạn trong quá khứ. Nó đòi hỏi chúng ta ngừng nhún vai, giơ tay đầu hàng và nghĩ rằng chúng ta không thể làm gì được.
Cuộc sống mỗi ngày đều mang đến những điểm uốn để bạn thôi tìm kiếm ai đó không phải mình, thôi đợi chờ người khác thay đổi, thôi bị động chờ đợi một ai đó bước lên giúp đỡ.
Đây là khoảnh khắc để bạn chọn sống.
Để thật sự sống.
Hãy sở hữu nó.
HÃY TỰ CẦM NĨA LÊN
Bạn đã bao giờ trải nghiệm cảm giác hân hoan khi cuối cùng cũng đạt được thành công chưa?
Có thể đó là khi bạn tốt nghiệp, tìm được công việc đầu tiên hoặc chuẩn bị kết hôn. Bạn làm việc, nỗ lực, xốc vác và thành công. Bạn chinh phục một đỉnh cao chót vót - và rồi phát hiện ra rằng phần gian khổ của cuộc hành trình chỉ mới bắt đầu?
Đối với tôi trải nghiệm đó là việc về nhà sau khi bị bỏng. Tôi mới 9 tuổi, vừa nằm gần 5 tháng trong bệnh viện, chịu đựng 24 cuộc phẫu thuật và bị cưa hết 10 đầu ngón tay. Sự đau đớn của việc phải xa gia đình, đối mặt với các thủ tục liên miên cuối cùng cũng kết thúc. Cuộc vật lộn chấm dứt. Tiệc ăn mừng bắt đầu.
Cái bệnh viện đã tiếp nhận tôi trong tình trạng vô vọng giờ đây đã trả tôi về với gia đình. Tôi tuy bị bỏng, bị sẹo, bị băng bó và phải ngồi xe lăn, nhưng cảm thấy tràn đầy sức sống và lòng biết ơn.
Chúng tôi lái xe ra khỏi bãi đỗ, chạy trên đường 5 phút rồi rẽ vào con phố nhà mình. Tôi hoàn toàn bị choáng ngợp trước cảnh tượng những chiếc ô tô, xe cứu hỏa, những quả bóng bay và những người bạn đang xếp hàng trước nhà tôi.
Dưới mái hiên là một hàng dài người thân, bạn bè, bạn học, hàng xóm, những người đầu tiên chạy đến giúp đỡ chúng tôi trong trận hỏa hoạn, cùng những thành viên của cộng đồng chào đón chúng tôi về nhà. Nhạc vang lên và mọi người bật khóc.
Phép màu đã xảy ra. Cậu bé đã sống.
Nhưng cuối cùng bạn bè cũng ra về, những chiếc ô tô rời đi, cửa trước đóng lại, chỉ còn gia đình chúng tôi ngồi lại quyết định xem mọi người sẽ tiến lên phía trước như thế nào.
Tối đó, mẹ đã làm món ăn tôi thích nhất: khoai tây nghiền. (Nếu bạn vẫn chưa đoán ra, sở thích này chắc hẳn đã hé mở cho bạn ít nhiều: Tôi là một đứa trẻ kỳ quặc!). Lần đầu tiên kể từ sau đêm trước trận hỏa hoạn, chúng tôi lại được ngồi quây quần quanh bàn ăn giống như một gia đình trong ngôi nhà vừa được xây dựng lại.
Bố và mẹ ngồi ở hai đầu đối diện của bàn ăn. 3 chị em gái của tôi, Laura, Cadey và Susan ngồi một bên, còn anh trai tôi, Jim, chị gái Amy và tôi ngồi bên kia. Gia đình chúng tôi vừa trải qua những thử thách không tưởng trong nhiều tháng trời.
Nhà chúng tôi đã bị cháy trong trận hỏa hoạn.
Các anh chị em của tôi đã phải nhường bố mẹ cho cho việc túc trực gần như cả ngày lẫn đêm ở bệnh viện.
Anh trai và các chị em gái của tôi, tuổi từ 18 tháng đến 17 tuổi, đã phải tách nhau ra, đến ở nhờ nhà bạn bè và họ hàng cho đến khi nhà mới được xây xong.
Bố mẹ tôi đã suýt mất con trai.
Tôi thì đã bị cụt 10 đầu ngón tay, mất khả năng đi lại và bị sẹo từ đầu đến chân.
Thế nhưng chúng tôi vẫn còn đây. Chúng tôi đã trở về.
Nhà.
Cùng nhau. Một gia đình. Đã thay đổi.
Đã tổn thương. Đã lột xác.
Và vẫn sống.
Chúng tôi quay trở về với những chuyện ăn uống, lau dọn sữa đổ và chen chúc quanh bàn ăn. Cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, một phép màu đã xảy ra. Cho nên tối nay, chúng tôi sẽ ăn mừng.
Đồ ăn trông thật hấp dẫn. Tôi nhắm mắt lại và hít hà mùi thơm béo ngậy đang tỏa ra. Rồi tôi mở mắt và nhận ra rằng… tôi không thể ăn bất cứ thứ gì. Vì hai cánh tay tôi bị nẹp và băng bó, nên tôi không còn ngón tay để cầm nĩa và cũng không thể dự phần vào bữa tiệc ăn mừng. Tôi nhìn chằm chằm vào cái đĩa trước mặt, không biết phải làm gì.
Chị Amy nhìn thấy tôi nhăn nhó. Thế nên chị đã tốt bụng chộp lấy cái nĩa, xiên mấy miếng khoai tây, rồi đưa chúng lên miệng tôi.
Thế rồi tôi nghe thấy một tiếng quát.
“Amy, bỏ cái nĩa đó xuống. Nếu John đói, nó sẽ tự ăn.”
Tôi quay đầu nhìn mẹ tôi. Mẹ vừa nói cái gì?
Bỏ cái nĩa đó xuống? Nó sẽ tự ăn?
Cái quái quỷ gì vậy, mẹ? Không phải con đã chịu đựng đủ rồi sao? Mẹ đang đùa đấy à? Con đang đói mà lại không thể ăn!
Tối hôm đó, tôi ngồi khóc bên bàn ăn. Tôi giận mẹ tôi. Tôi nói cho bà biết rằng tôi không thể ăn được, rằng chuyện đó là không công bằng và rằng tôi đã chịu đựng đủ rồi. Không khí tối hôm đó nhanh chóng chuyển từ vui vẻ ăn mừng sang tranh cãi gay gắt.
Bữa tiệc kết thúc.
Mẹ đã làm hỏng tất cả.
Thế nhưng buổi tối hôm đó cũng tạo ra một điểm uốn cho cậu bé 9 tuổi. Trong khi các anh chị em của tôi dọn dẹp bàn ăn, cùng cơn đói và cơn thịnh nộ trào dâng, tôi kẹp cái nĩa bằng những gì còn lại của hai bàn tay mình. Hai bàn tay tôi đã bị cưa đến phía trên đốt đầu tiên một chút. Vì da vẫn chưa hoàn toàn lành lại, nên hai bàn tay tôi được bọc trong nhiều lớp gạc dày. Trông tôi giống một võ sĩ quyền anh đang vật lộn để cầm nĩa bằng cái găng đấm bốc.
Đó là một quá trình cực kỳ chậm chạp. Cái nĩa liên tục rơi ra khỏi tầm tay tôi.
Nhưng cuối cùng, tôi cũng vụng về đâm thủng được mấy miếng khoai tây, đưa chúng lên miệng và nhai trệu trạo.
Tôi nhìn mẹ nảy lửa. Tức giận.
Hai bàn tay tôi nhức nhối.
Bà đã làm hỏng buổi tối của tôi. Tôi ghét bà.
Nhưng tôi đang ăn.
Bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra mẹ đã dũng cảm như thế nào. Chắc hẳn bà đã cực kỳ đau đớn khi phải ngồi cùng cả nhà quan sát con trai. Sẽ dễ dàng và dường như dễ thương hơn biết bao nếu bà đút cho tôi ăn phứt mấy miếng khoai tây đó cho rảnh nợ và mang bánh kem ra.
Sẽ dễ dàng hơn biết bao trong cuộc sống nếu không làm - hoặc đẩy sang cho người khác làm - những việc khó khăn.
Sẽ dễ dàng hơn nếu chụp một tấm ảnh cả gia đình tươi cười quanh bàn ăn, một cậu bé ngồi xe lăn ở phía cuối, đăng lên Facebook và viết: “Đã trở lại bình thường! Chúng tôi đang ở nhà và sống rất tốt!”
Mẹ không lo lắng về những gì người khác nghĩ. Bà không quan tâm đến việc chỉnh sửa từng khoảnh khắc.
Mẹ sử dụng khoảnh khắc này để nhắc nhở rằng mọi người sẽ ở bên động viên, phục vụ và yêu thương tôi. Nhưng đây vẫn là cuộc chiến của tôi, cuộc sống của tôi. Nó có thể đầy rẫy thách thức, nhưng nó cũng là một cơ hội để tôi nhận ra rằng không có chướng ngại nào là không thể vượt qua.
Khoảnh khắc này chỉ là điểm khởi đầu của một cuộc hành trình mà tôi nhiều lần sẽ phải tự tìm lối đi. Mẹ bắt tôi cầm nĩa lên. Và tôi hoàn toàn tin rằng mình sẽ không được sống cuộc sống của tôi ngày hôm nay nếu bà không bắt tôi làm thế.
Vào ngày tôi bị bỏng, bà đã thách thức tôi lựa chọn sự sống.
Buổi tối hôm tôi trở về, bà đã chắp cánh cho tôi lựa chọn sống một cách đích thực.
QUYỀN LỢI HAY SỰ TỰ CHỦ
Trước khi một người có thể nói một cách sâu sắc và trung thực rằng: “Tôi trở thành tôi ngày hôm nay là nhờ những lựa chọn tôi đưa ra ngày hôm qua”, thì người đó không thể nói: “Tôi có lựa chọn khác”.
- Stephen Covey -
Bạn có đang thật sự sống không? Không.
Tôi không chỉ hỏi: “Bạn có đang thở không?”
Tôi không hỏi mạch bạn có đang đập không hay bạn có đang tồn tại hay đang chịu đựng không.
Không, tôi muốn biết bạn có đang thật sự sống không.
Bạn có cảm thấy phấn khích với cuộc sống của mình không? Giống như cách bạn hiện diện trong từng khoảnh khắc vĩ đại hoặc thậm chí nhỏ bé? Giống như cách bạn có thể xử lý những thách thức trong tương lai, đón nhận những cơ hội trước mắt và hoàn toàn thỏa mãn trong bất cứ tình huống nào?
Bạn có đang sống một cuộc đời nhiệt huyết không?
Nếu không, đã đến lúc bạn phải khám phá sức mạnh của việc làm chủ cuộc đời mình. Bất chấp những thách thức phải đối mặt ngày hôm nay, đây chính là một sự lựa chọn. Một lựa chọn châm ngòi bên trong chúng ta sức mạnh đầu hàng những gì chúng ta không thể thay đổi, đấu tranh cho những gì chúng ta có thể và ăn mừng cho mỗi khoảnh khắc trong cuộc hành trình tiến lên phía trước.
Sống không phải là tránh xa cái chết, mà là lựa chọn sống một cách ý nghĩa.
Đây là điểm uốn của bạn.
Đừng nói ‘Đó không phải là lỗi của tôi nữa.’
Hãy đón nhận sự tự do của phương châm ‘Đây là cuộc sống của tôi.’
Bởi vì đây là cuộc sống của bạn. Đây là thời cơ của bạn.
Đây là khoảnh khắc của bạn. Bạn quan trọng.
Hãy hành động như thế.
Hãy lựa chọn tự chủ.
Trong sự tổn thương của chính mình, chúng ta có thể trở thành nguồn sống cho người khác.
- Heri J.M.Nouwen -