Nếu có một loại hàng hóa nào đó có giá trị hơn dữ liệu, đó chính là thời gian. Tôi ước gì mình có thể thức dậy muộn ba mươi phút, hoặc thảnh thơi cầm tờ báo trên tay (vâng, loại báo giấy ấy) và ngồi cà phê hàng giờ mà không phải nghĩ đến danh sách những việc cần làm trong ngày, không phải kiểm tra email vào cuối ngày để xem mình còn gì chưa làm, hoặc thậm chí có thể dành ra vài năm (thay vì chỉ có mười hai tháng) để viết một quyển sách giống như quyển bạn đang cầm trên tay. Đáng buồn thay, trong thế giới kỹ thuật số tốc độ cao và luôn luôn hoạt động này, sống chậm quả là điều khó thực hiện nhất.
Nhưng nếu có một chút thời gian để dừng lại và nghỉ ngơi, đó chính là ngay bây giờ, khi chúng ta bắt đầu hiểu và vật lộn với sự trỗi dậy của Big Tech, cũng như tất cả những thứ – tốt và xấu – mà họ mang đến. Vấn đề ngày càng trở nên cấp bách, nhưng không có nghĩa là chúng ta nên phản ứng thái quá. Trên thực tế, trước những thay đổi lớn mà chúng ta phải đối mặt và những hậu quả có thể xảy ra nếu chúng ta làm sai, chúng ta cần dành thời gian để suy ngẫm một cách thấu đáo về hành động tiếp theo của mình với tư cách là một xã hội. Suy cho cùng, tác dụng phụ tệ hại đi kèm với kỷ nguyên Big Tech chính là sự hấp tấp và hời hợt trong cách tư duy của mỗi người. Chúng ta thường xuyên có những lập trường “vững chắc” sau khi lướt qua các bài đăng trên Facebook hoặc Twitter, những lập trường được đưa ra dựa trên cảm tính nhiều hơn là dựa trên sự thật.
Tôi cũng lo rằng chúng ta có thể đi vào vết xe đổ của mô hình quản lý trong lĩnh vực tài chính sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Thời gian đó, các nhà vận động hành lang và các nhóm lợi ích ở cả hai phe chính trị đã đưa ra hàng loạt đạo luật mới, phức tạp. Một số có tác dụng, một số phản tác dụng. Sự phức tạp thái quá đó đã tạo ra rất nhiều kẽ hở để luật sư của các công ty có thể lách qua. Mặc dù mức độ rủi ro đối với một số tổ chức riêng lẻ đã được giảm thiểu, nhưng toàn bộ hệ thống vẫn không trở nên an toàn hơn. Giữa các cuộc tranh luận kỹ trị phức tạp, chúng ta đã quên mất câu hỏi quan trọng duy nhất: Làm thế nào để xây dựng một nền tài chính vững mạnh, có thể giúp ích cho sự phát triển của nền kinh tế?
Ngay bây giờ, chúng ta cần đặt nghi vấn về những công nghệ mới đang phát triển mạnh mẽ xung quanh mình. Trước sự chuyển dịch cơ cấu từ nền kinh tế hữu hình sang vô hình – một sự thay đổi lớn hơn nhiều so với cuộc cách mạng công nghiệp năm xưa – chúng ta cần suy ngẫm về một loạt các chủ đề lớn như: quyền sở hữu kỹ thuật số, quy định thương mại, quyền riêng tư cá nhân, luật chống độc quyền, trách nhiệm pháp lý, quyền tự do ngôn luận, tính hợp pháp của hoạt động giám sát, tác động của dữ liệu đối với khả năng cạnh tranh kinh tế và an ninh quốc gia, tác động của thuật toán đối với thị trường lao động, khía cạnh đạo đức của trí tuệ nhân tạo, sức khỏe thể chất và tinh thần của những người dùng công nghệ kỹ thuật số.
Kể cả khi được cân nhắc riêng lẻ, từng vấn đề trên đây vốn đã rất sâu xa và phức tạp. Nhưng vì mỗi vấn đề đều có thể tác động đến những vấn đề khác, nên chúng cần được suy xét cùng nhau. Thách thức này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải thận trọng tham vấn ý kiến của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau để xác lập khuôn khổ mới cho sự tăng trưởng kinh tế, tính ổn định chính trị, tự do cá nhân, sức khỏe và sự an toàn của chúng ta trong thế giới kỹ thuật số mới và phức tạp. Trớ trêu thay, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, những nhà hoạch định chính sách cố gắng sửa chữa hệ thống tài chính lại bị tác động bởi chính Phố Wall – phần lớn những ý kiến tham vấn về các quy định gây tranh cãi nhất hậu khủng hoảng tài chính đều được đưa ra bởi chính những người sẽ chịu sự quản lý của các quy định đó. Điều này khiến người dân có cái nhìn không tốt về hệ thống chính trị, gây ra những sự rẽ nhánh lớn và khiến người Mỹ cảm thấy hệ thống này đã bị thao túng. Chúng ta cần đảm bảo không phạm lại những sai lầm đó. Khi nghĩ về cách khai thác sức mạnh của công nghệ vì lợi ích cộng đồng thay vì làm giàu cho một vài công ty, chúng ta phải đảm bảo giới lãnh đạo của những công ty đó không phải là những người duy nhất có tiếng nói trong quá trình xây dựng các luật lệ.
Một việc cần làm trong quá trình này có thể là thành lập một ủy ban quốc gia (lý tưởng nhất là một ủy ban lưỡng đảng và độc lập) về tương lai của dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số, chịu trách nhiệm báo cáo tất cả vấn đề rủi ro trước Quốc hội. Những ủy ban “cấp cao” như vậy thường phải hứng chịu nhiều chỉ trích chính trị – họ quá lớn, quá mơ hồ và quá ì ạch... Như một nhà quản lý cũ của tôi từng nói: “Các ủy ban cấp cao này chẳng làm được gì tới nơi tới chốn”. Nhận định đó cũng có phần đúng. Nhưng với mức độ phức tạp, tầm quan trọng và tính liên kết của các vấn đề cấp thiết này, tôi nghĩ việc thành lập một ủy ban quốc gia – không phải để làm luật, mà đơn thuần đặt ra các vấn đề – là bước đầu tiên cần thực hiện. Tôi thường không khỏi ngỡ ngàng khi thảo luận về những chủ đề này với các nhà hoạch định chính sách ở Washington: cả những người nhận thức rõ và suy nghĩ kỹ càng nhất cũng có khuynh hướng chỉ tập trung vào một hoặc hai vấn đề liên quan đến các công ty Big Tech, thay vì xem xét bức tranh toàn cảnh. Còn các công ty, tất nhiên, sẽ muốn giữ nguyên hiện trạng, bởi tầm nhìn của các chính trị gia càng hạn chế thì sẽ càng có lợi hơn cho họ.
Một lý do quan trọng khác của việc thành lập một ủy ban quốc gia là công luận sẽ có cảm giác rằng những vấn đề nhức nhối này đang được đưa ra mổ xẻ ở một cơ quan được bầu cử một cách dân chủ, thay vì một nhóm người quyền lực trong một căn phòng bí mật ở đâu đó. Một cơ quan như vậy sẽ phải hoàn thành đúng hạn các báo cáo rõ ràng, ngắn gọn và có ngôn từ đơn giản để sau đó có thể được phổ biến cho công chúng cùng tranh luận. Tôi cảm thấy khó hình dung làm thế nào mà các nhà hoạch định chính sách (chưa nói đến công chúng) có thể hiểu được mọi tác động của thời đại kỹ thuật số khi họ không có một lộ trình rõ ràng để bắt đầu cuộc thảo luận.
Một ủy ban như vậy sẽ không chỉ đặt ra vấn đề mà còn xem xét các vấn đề này trong mối tương quan giữa bốn bên: công dân, người lao động, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tiếp đến, chúng ta cần có một cuộc thảo luận thẳng thắn trên quy mô quốc gia về việc làm thế nào để tạo ra một nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo về kinh tế, chính trị và xã hội. Tất nhiên, đây là một quá trình có thể và nên được tiến hành ở bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta cần tìm lời giải đáp thấu đáo cho những câu hỏi lớn như: Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo kỷ nguyên kỹ thuật số sẽ nâng cao phúc lợi, tạo ra tăng trưởng bền vững, và củng cố chứ không làm xói mòn nền dân chủ tự do của chúng ta?
Trên cơ sở đó, thay vì trình bày nhiều giải pháp chung chung cho các vấn đề phức tạp và có khả năng tác động đến nhiều thế hệ, tôi sẽ dành chương này để nêu một số phương diện mà tôi tin là cần được xem xét cẩn thận, đồng thời chia sẻ quan điểm của bản thân tôi về việc chúng ta có thể bắt đầu suy nghĩ về những vấn đề này như thế nào.
ĐỊNH RA RANH GIỚI CHO BIG TECH
Điều quan trọng cần nhớ là các nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản nói chung không được tạc trên bia đá – chúng ta tạo ra những nguyên tắc này và chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi chúng. Tôi tin rằng cả nền dân chủ tự do lẫn sự tự do và an toàn cá nhân đều có thể bị đe dọa, trừ khi chúng ta đặt ra một số ranh giới ràng buộc các công ty Big Tech. Sau đây là ý kiến của cá nhân tôi về việc các quy định kỹ thuật số nên được thiết lập thế nào.
Trước hết, chúng ta cần nhớ lại những gì mình vốn biết từ lâu nhưng dường như đã dần quên lãng: chính sách để cho một ngành công nghiệp tự điều tiết hiếm khi phát huy tác dụng. Có rất nhiều ví dụ minh họa cho điều này, từ ngành đường sắt vào đầu thế kỷ 20, thị trường năng lượng ở thập niên 90, đến ngành tài chính vào khoảng năm 2007. Ngành công nghệ chỉ là cái tên mới nhất được thêm vào danh sách. Các giám đốc điều hành của Big Tech đã thừa nhận và xin lỗi trước Quốc hội nhiều lần kể từ năm 2016, nhưng tất cả đều không thực hiện bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào, cả về mô hình lẫn triết lý kinh doanh. Thay vào đó, những lời hứa mơ hồ (“sẽ làm tốt hơn”) cũng như những tuyên bố thiếu thành thật của họ (rằng họ đơn giản là không thể kiểm soát tất cả hoạt động diễn ra trên nền tảng của mình) chỉ càng nhấn mạnh sự cần thiết của một khuôn khổ pháp lý để quản lý các công ty tư nhân đã thâu tóm quá nhiều quyền lực này.
Cần phải nói rằng việc soạn thảo các quy định quản lý thông minh là rất khó. Một lần nữa, ngành tài chính là một ví dụ hoàn hảo: sự phức tạp và tình trạng phân mảnh của hệ thống luật pháp sau cuộc khủng hoảng 2008 đã đưa những rủi ro của chính nó vào hệ thống. Đó là một trong những lý do mà chính quyền Trump đã viện dẫn khi bãi bỏ một số quy định. Nhưng đó không phải là lý do để bỏ mặc cho thị trường tự vận hành. Trong những năm gần đây, nếu có điều gì tệ hơn các điều luật không hoàn hảo, đó chính là việc bãi bỏ các điều luật. Vậy làm thế nào chúng ta có thể tạo ra một khuôn khổ pháp lý để chính phủ giám sát các công ty Big Tech nhằm bảo vệ lợi ích của cả người tiêu dùng lẫn xã hội và hạn chế sức mạnh độc quyền đang kìm hãm tăng trưởng, trong khi vẫn duy trì các tiện ích kỹ thuật số mà đa số chúng ta đều đang phụ thuộc vào chúng?
Một trong những cách để thực hiện điều đó là xem xét lại các quy định miễn trừ pháp lý đang cho phép Big Tech không phải chịu trách nhiệm đối với những gì xảy ra trên nền tảng của họ. Đây là chủ đề được Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand đặc biệt quan tâm, sau khi vụ thảm sát 50 tín đồ tại hai nhà thờ Hồi giáo ở Thành phố Christchurch của nước này được phát trực tiếp trong một video dài mười bảy phút vào tháng Ba năm 2019. Video này sau đó đã được các cá nhân đăng lại với tốc độ chóng mặt: 1,5 triệu lượt tải lên trong vòng hai mươi bốn giờ trên Facebook, và một lượt mỗi giây đối với YouTube. Trong một bài phát biểu sau vụ thảm sát, bà Ardern cứng rắn tuyên bố: “Chúng ta không thể đơn giản ngồi đó và chấp nhận việc những nền tảng này chỉ tồn tại mà không cần phải chịu trách nhiệm với những gì được đăng trên đó. Họ là nhà xuất bản, chứ không chỉ là người đưa thư. Không thể có chuyện ôm tất cả lợi nhuận mà không cần phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào”.
Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại các trường hợp ngoại lệ được đề cập ở Mục 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông – cho phép các nền tảng trực tuyến được miễn trừ trách nhiệm theo cách mà không có loại phương tiện truyền thông nào khác có được trong việc truyền bá các nội dung thù địch và bạo lực. Việc xem xét lại điều luật sẽ không dễ dàng: dưới áp lực pháp lý, các nền tảng có nguy cơ quá đà trong việc kiểm soát những ngôn từ thù địch, và điều này sẽ có thể ảnh hưởng đến sự tự do ngôn luận nói chung. Nhưng rõ ràng, tình trạng hiện tại cũng đang không ổn. Một số quốc gia, như Đức, đã thông qua luật yêu cầu các nền tảng hoặc phải xóa những nội dung bất hợp pháp trong vòng hai mươi bốn giờ, hoặc phải chịu khoản tiền phạt lớn. Những nước khác, như Úc, cũng đang xem xét các điều luật tương tự. Mặc dù bất kỳ điều luật nào tương tự cũng sẽ bị thu hẹp bởi Tu Chính án Thứ nhất của Hoa Kỳ, và sự đánh đổi giữa “quá ít” với “quá nhiều” trong việc kiểm duyệt nội dung vẫn còn tồn tại, nhưng thực tế là đã đến lúc các nền tảng phải thừa nhận rằng họ không phải là một “quảng trường thành phố” mà là các doanh nghiệp quảng cáo đang kiếm tiền từ nội dung, giống như bất kỳ loại hình kinh doanh truyền thông nào khác. Rõ ràng là không công bằng – nếu không muốn nói là nguy hiểm – khi họ được quản lý theo những điều luật khác với những người khác.
Một thay đổi lớn khác mà chúng ta nên xem xét là tách bạch giữa nền tảng với thương mại để tạo ra một bức tranh toàn cảnh kỹ thuật số công bằng và cạnh tranh hơn. Quyền lực của Big Tech ở hiện tại rất giống với quyền lực mà các ông trùm đường sắt từng nắm giữ ở thế kỷ 19. Họ cũng chi phối nền kinh tế và xã hội. Họ cũng có thể tự do đội giá, đẩy các đối thủ cạnh tranh vào con đường phá sản. Họ cũng né thuế và lách luật, phần lớn bằng cách mua chuộc các chính trị gia. Nhưng cuối cùng, các ông trùm đường sắt cũng đã chịu sự kiểm soát từ một số thay đổi về quy định, trong đó có quyết định thành lập Ủy ban Thương mại Xuyên bang (Interstate Commerce Commission – ICC), đồng thời ban hành cả những điều khoản mà ngành công nghiệp này ủng hộ lẫn nhiều điều khoản họ nỗ lực vận động để chống lại. Thay vì chèn ép sự đổi mới, ICC đã mở ra một thời kỳ thịnh vượng bằng cách tạo điều kiện để lợi ích của công nghệ được chia sẻ rộng rãi.
Nhiều chuyên gia lập luận rằng các công ty Big Tech có hiệu ứng mạng mạnh mẽ chính là những nhà độc quyền tự nhiên, vì thế họ cần được quản lý giống như các doanh nghiệp tiện ích để đảm bảo họ không thể ngăn cản đối thủ cạnh tranh sử dụng mạng lưới của mình, hoặc phá giá hay đưa ra các điều khoản không hợp lý nhằm độc chiếm quyền kiểm soát Internet (đường sắt của thế kỷ 21). Quan điểm này có thể khiến nhiều người nhớ lại những ý tưởng chống độc quyền của thời kỳ trước, chẳng hạn như khái niệm về cơ sở hạ tầng thiết yếu mà Tối cao Pháp viện đã sử dụng vào năm 1912 để buộc các hãng đường sắt đang kiểm soát những cây cầu duy nhất bắc qua sông Mississippi ở St. Louis phải cho đối thủ của họ sử dụng. Ngày nay, Google, Amazon, Facebook và Apple cũng đều nắm giữ quyền lực rất lớn trong hệ sinh thái công nghệ của họ. Quan điểm trên tất nhiên đã được giới thiệu trước công chúng và được đề xuất bởi một số nhà hoạch định chính sách, trong đó có Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren. Bà so sánh Big Tech với ngành đường sắt và nhận định rằng các công ty có doanh thu toàn cầu hơn 25 tỷ đô-la không nên được cho phép vừa sở hữu nền tảng “thiết yếu” vừa tham gia kinh doanh trên nền tảng đó.
Cuối cùng, chúng ta nên xem xét chính sách chống độc quyền dưới một góc độ rộng hơn về quyền lực chính trị, như tôi đã mô tả chi tiết trong Chương 9, một góc độ không chỉ tính đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn tính cả phúc lợi xã hội. Đây là cách duy nhất để đảm bảo sự công bằng và khả năng cạnh tranh kinh tế trong thời đại mà các công ty công nghệ lớn – những người đang che mắt Washington bằng tiền và các nhà vận động hành lang – đang giật dây toàn bộ nền kinh tế chính trị.
AI HƯỞNG LỢI TỪ DỮ LIỆU? LÀM THẾ NÀO CHÚNG TA CÓ THỂ CHIA SẺ LỢI ÍCH TỐT HƠN?
Tôi có thể chắc chắn rằng ngay cả khi được quản lý chặt chẽ, Big Tech vẫn có khả năng thu về khoản lợi nhuận khổng lồ, vì như chúng ta đã biết, nguyên liệu đầu vào chủ yếu của họ – dữ liệu của chúng ta – được cung cấp hoàn toàn miễn phí! Trong thời đại mà hầu hết tài sản đều nằm trong dữ liệu, sở hữu trí tuệ cũng như các tài sản vô hình khác, chúng ta phải tìm ra những cách công bằng hơn để chia sẻ miếng bánh lợi nhuận.
Có những người tin rằng ngay khi bàn đến chuyện chia sẻ chiến lợi phẩm của chủ nghĩa tư bản giám sát một cách tốt hơn, chúng ta đã đầu hàng trước chủ nghĩa này. Bạn hoàn toàn có thể nghĩ vậy. Nhưng thực tế là “bò đã mất” và giờ ta mới “lo làm chuồng”. Nhưng trong khi dành thời gian để tìm ra chính xác cách quản lý và hạn chế sức mạnh của Big Tech, chúng ta cũng nên đảm bảo rằng các công ty này không khai phá nguồn tài nguyên lớn nhất của chúng ta mà không mất đồng nào.
Như đã nói ở những chương trước, trích xuất dữ liệu cá nhân là ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất nước Mỹ. Nếu dữ liệu là một loại dầu khí mới, nước Mỹ sẽ trở thành Saudi Arabia của kỷ nguyên kỹ thuật số, và các công ty nền tảng hàng đầu sẽ trở thành những Aramco hay ExxonMobil của thời đại mới. Tuy nhiên, các công ty nền tảng không phải là những tay chơi duy nhất hoạt động trong lĩnh vực giám sát kỹ thuật số. Các trung gian dữ liệu như văn phòng tín dụng, công ty chăm sóc sức khỏe hay công ty thẻ tín dụng cũng thu thập và bán mọi loại dữ liệu nhạy cảm của người dùng cho các doanh nghiệp và tổ chức không có quy mô đủ lớn để tự thu thập. Các tổ chức này bao gồm các nhà bán lẻ, ngân hàng, tổ chức cho vay thế chấp, trường cao đẳng, đại học, tổ chức từ thiện, và tất nhiên là các chiến dịch chính trị.
Đây là lý do vì sao chúng ta không thấy nhiều công ty bên ngoài Thung lũng Silicon kêu gọi các hành động chống độc quyền chống lại các công ty công nghệ lớn, vì họ chính là những người mua dữ liệu do Thung lũng Silicon bán ra. Sự ra đời của Internet vạn vật, với các cảm biến có khả năng kết nối Internet được cài vào vô số thiết bị xung quanh chúng ta, sẽ mở rộng việc khai thác tài nguyên kỹ thuật số theo cấp số nhân. Mọi công ty đều đang nhảy vào lĩnh vực này. Hệ quả là có lẽ chúng ta sẽ không thể kiểm soát mọi vấn đề xuất phát từ chủ nghĩa tư bản giám sát.
Đó là lý do vì sao chúng ta cần cân nhắc xem liệu các công ty đang khai thác loại “dầu khí” kỹ thuật số này có nên trả tiền cho chúng hay không. Bang California từng đề xuất rằng những công ty thu thập dữ liệu phải trả “cổ tức kỹ thuật số” cho chủ sở hữu của loại tài nguyên này – tức là tất cả chúng ta. Tương tự, bang Alaska và nhiều quốc gia khác như Na Uy cũng đã tạo ra các quỹ đầu tư, sử dụng phần trăm doanh thu từ hàng hóa để đầu tư cho lợi ích của thế hệ tương lai. Các công ty khai thác dữ liệu hoàn toàn có thể làm được điều đó. Google và Facebook có tỷ suất lợi nhuận cao ở mức hai con số vì họ không trả tiền cho các nguyên liệu thô đầu vào – dữ liệu của chúng ta. Nhưng chúng ta cần có quyền sở hữu đối với thông tin cá nhân của mình. Và nếu những công ty thu thập dữ liệu đang sử dụng dữ liệu của chúng ta, thì chúng ta nên được đền bù vì việc đó.
Có bốn loại doanh nghiệp thu thập dữ liệu chính – nền tảng, nhà môi giới dữ liệu, nhà cung cấp thẻ tín dụng và công ty chăm sóc sức khỏe – và họ có thể trả cho mọi người Mỹ đang sử dụng Internet một khoản phí cố định trích từ một phần doanh thu của chính họ. Hoặc chúng ta cũng có thể khiến những công ty này phải bỏ một phần số tiền lợi nhuận vào công quỹ để đầu tư cho giáo dục và cơ sở hạ tầng. Sẽ rất tuyệt vời nếu các quỹ này có thể được đầu tư cho giáo dục, vì tất cả những thay đổi mà tôi đã nêu trong quyển sách này đều đòi hỏi việc đào tạo lại lực lượng lao động của thế kỷ 21. Việc sử dụng tiền của Big Tech để đầu tư cho giáo dục âu cũng là chuyện công bằng, bởi những công ty này vẫn thường phàn nàn về hệ thống giáo dục ở Mỹ. Cùng lúc đó, khoản thuế 50% đối với doanh thu kỹ thuật số cũng có thể bù đắp một phần lớn cho khoản chi tiêu cơ sở hạ tầng của nước Mỹ, ước tính khoảng 135 tỷ đô-la vào năm 2022. Đó là một sự trao đổi công bằng để cho phép những người thu thập dữ liệu truy cập miễn phí vào nguồn tài nguyên quý giá nhất của quốc gia. Nếu dữ liệu là một tài nguyên thì có lẽ chúng ta cần một quỹ đầu tư quốc gia cho nó.
Mặc dù vậy, việc đánh thuế các nhà khai thác dữ liệu không thể là một “kim bài miễn tử” cho phép họ phớt lờ quyền riêng tư của cá nhân hoặc quyền tự do dân sự. Đối với người dùng của công nghệ nền tảng, tính minh bạch có thể được tăng cường với các điều khoản “chấp nhận chia sẻ”, cho phép họ kiểm soát nhiều hơn về cách dữ liệu của họ được sử dụng (như Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung của EU hay các đề xuất thậm chí còn khắt khe hơn của California). Từ ngữ được dùng để mô tả các điều khoản này phải rõ ràng và đơn giản, và các công ty chính là bên có nghĩa vụ đưa ra các bằng chứng vi phạm chứ không phải các cá nhân. Big Tech cũng cần lưu giữ nhật ký về những dữ liệu họ đã đưa vào các thuật toán và phải sẵn sàng giải thích các thuật toán của họ với công chúng.
Frank Pasquale tại Đại học Maryland cho biết: “Có một khuôn mẫu không ngừng lặp lại, theo đó một số tổ chức phàn nàn về cách hoạt động của một công ty Internet lớn, và công ty này tuyên bố những người chỉ trích không hiểu cách thức các thuật toán của họ sắp xếp và xếp hạng nội dung, còn giới quan sát ngớ ngẩn thì bị thu hút bởi các bài viết từ đối thủ của họ”. Theo đề xuất của nhà toán học kiêm nhà phê bình công nghệ Cathy O’Neil, các công ty nên chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với các cuộc “thanh tra” về thuật toán, trong trường hợp có khiếu nại hoặc ý kiến lo ngại rằng sự thiên vị trong thuật toán có thể dẫn tới phân biệt đối xử tại nơi làm việc, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…
Các quyền về kỹ thuật số của cá nhân cũng nên được hợp pháp hóa. Cựu biên tập viên John Battelle của tạp chí Wired đã đề xuất một dự luật về quyền kỹ thuật số, trong đó xác định quyền sở hữu dữ liệu thuộc về chủ sở hữu thực sự của nó, và đó tất nhiên là người dùng và người tạo ra dữ liệu, chứ không phải công ty thu thập dữ liệu đó. Ông tin rằng khái niệm này cần được quan tâm đặc biệt, thậm chí là cần được bổ sung vào Hiến pháp. Như ủy ban chống độc quyền của EU từng nói, mọi người đều có “quyền được lãng quên”, và các công ty phải xóa bất kỳ dữ liệu nào có liên quan đến những cá nhân “muốn được lãng quên”. Hai triệu người châu Âu đã chọn xóa bỏ dữ liệu của họ như vậy. Cuối cùng, tôi hy vọng nước Mỹ sẽ có một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng kỹ thuật số với các quy định cứng rắn để đối phó với việc phân biệt đối xử bằng các thuật toán, cũng như có một hệ thống có thể đảm bảo các cá nhân sẽ truy cập được và hiểu được cách mà dữ liệu cá nhân của họ đang được sử dụng, tương tự những gì chúng ta có thể làm với điểm tín dụng ngày nay.
Tất cả những điều này đều có liên quan đến yêu cầu về sự minh bạch và mức độ đơn giản cao hơn trong cuộc thảo luận về Big Tech. Sự phức tạp (hoặc ảo tưởng phức tạp) rất thường được sử dụng để né tránh những câu hỏi chính đáng về lợi ích công chúng, chẳng hạn như các nhà vận động đang truyền tải thông điệp của họ như thế nào hoặc người dùng đang bị theo dõi và đánh giá ra sao. Các công ty cần giúp chúng ta hiểu được những điều đó bằng cách mở chiếc “hộp đen” chứa đựng thuật toán của họ. Đây không nhất thiết là một bất lợi trong cạnh tranh; nghiên cứu cho thấy lượng dữ liệu đưa vào thuật toán mới là tài sản, chứ không phải tính hữu dụng của chính thuật toán đó. Thậm chí, tính minh bạch cao hơn cũng có thể là một yếu tố tạo ra doanh thu, vì nếu người dùng càng tin tưởng vào những gì các công ty đang làm thì họ càng sẵn sàng chia sẻ những dữ liệu giá trị hơn. Và các nhà đầu tư vốn đã mất rất nhiều niềm tin cũng có thể tin tưởng và rót nhiều tiền hơn vào các nền tảng Big Tech. Như trợ lý cấp cao của một nhà hoạch định chính sách đã chia sẻ với tôi khi tôi bắt đầu nghiên cứu cho quyển sách này, dữ liệu là hàng hóa có giá trị nhất trên hành tinh, nhưng các công ty đang truyền tải các dữ liệu đó lại không phải khai báo giá trị rõ ràng trên báo cáo tài chính của họ. Hiện tại, giá trị tiền tệ vẫn được xem là chỉ số cho thấy “lợi thế thương mại” trên báo cáo tài chính, hoặc thậm chí thường không được nêu ra.
Điều này nhất định phải được thay đổi, và lý do chính là vì các nhà đầu tư không thể có được bức tranh chính xác về giá trị của một công ty công nghệ nếu không hiểu được giá trị của loại hàng hóa mà công ty đó đang kinh doanh. (Hãy tưởng tượng nếu bạn không nhìn thấy giá trị của các tài sản do GM hay Ford nắm giữ trên bảng cân đối kế toán của họ.) Nhưng quan trọng hơn, khi chúng ta là sản phẩm, khi dữ liệu của chúng ta được thu thập, chúng ta có quyền biết giá trị của nó là bao nhiêu. Và sau đó, với tư cách là một xã hội, chúng ta có thể quyết định xem có nên nhận lại một phần giá trị đó hay không.
Chúng ta cũng nên xem xét liệu nên hay không nên biến khu vực công thành nơi lưu trữ dữ liệu thay vì khu vực tư nhân, qua đó đảm bảo những người ở khu vực tư nhân vẫn có quyền truy cập dữ liệu bình đẳng và các công dân có quyền kiểm soát nhiều hơn trong việc dữ liệu của họ đang được dùng để kinh doanh. Mọi người thường cho rằng trong thế giới mới của big data và AI – yếu tố sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng toàn cầu trong vài thập niên tới – chỉ có thể có hai mô hình: nhà nước giám sát của Trung Quốc nơi chính phủ biết và chỉ đạo tất cả; hoặc một nước Mỹ với các quy định nhẹ nhàng hơn vốn đã tạo ra một nhóm sức mạnh độc quyền, có thể gây khó khăn cho việc tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng trong một nền kinh tế lớn hơn.
Nhưng chúng ta vẫn còn một cách thứ ba, cách mà Pháp và các quốc gia khác đang theo đuổi nhằm hướng tới một điểm trung hòa. Ở châu Âu, khu vực công đã nắm giữ một lượng lớn dữ liệu về y tế, giao thông, quốc phòng, an ninh và môi trường... những dữ liệu cần thiết để phát triển AI và các ứng dụng big data khác. Các công ty có thể truy cập vào kho big data do các tổ chức nhà nước quản lý dưới sự giám sát của công chúng. Công dân sẽ có tiếng nói – thông qua các quan chức họ bầu cử – trong việc nghiên cứu phát triển các ứng dụng big data cần đến kho dữ liệu này. Các công ty cả lớn lẫn nhỏ đều sẽ có quyền truy cập bình đẳng vào mỏ vàng này và góp phần giải quyết một trong những lời phàn nàn tôi thường nghe nhất từ các công ty khởi nghiệp dựa trên dữ liệu ở Mỹ (rằng các tay chơi lớn đã ngăn cản họ truy cập vào những dữ liệu quan trọng).
BIỂU THUẾ CÔNG BẰNG CHO KỶ NGUYÊN KỸ THUẬT SỐ
Tương tự tài chính, công nghệ đã hưởng lợi rất nhiều từ những tài nguyên quý giá và vô hình như dữ liệu và thông tin – những tài sản vốn có thể dễ dàng được miễn giảm thuế vì chúng vô hình, những tài sản có thể được đặt ở bất cứ đâu vì chúng là ảo chứ không phải tài sản vật lý (như nhà xưởng, máy móc hoặc các cửa hàng thực tế). Nhưng những tiết lộ trong Hồ sơ Panama – bộ tài liệu khám phá cách các công ty và cá nhân giàu có trên khắp thế giới kiếm được những khoản tiền khổng lồ – đã góp phần khơi dậy cuộc tranh luận công khai xoay quanh việc làm thế nào để tạo ra một hệ thống thuế công bằng hơn trong thời đại thông tin. Anh, Pháp, Ấn Độ và nhiều nước khác hiện đang đề xuất những thay đổi cơ bản về thuế doanh nghiệp trong nỗ lực bình đẳng hóa nền kinh tế.
Giáo sư Joseph E. Stiglitz của Đại học Columbia – nhà kinh tế đoạt giải Nobel, người đứng đầu Ủy ban Độc lập về Cải cách Thuế Doanh nghiệp Quốc tế gồm các học giả và các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy cải cách thuế toàn cầu – cho biết: “Hệ thống hiện tại có lợi cho các công ty giàu có kiếm tiền từ tài sản vô hình hơn hữu hình, và có lợi cho các công ty đa quốc gia hơn công ty địa phương nhỏ. Các công ty như thế có thể vận dụng kỹ thuật tài chính để bày ra đủ loại chiêu trò”. Ông ủng hộ việc đánh thuế phẳng toàn cầu đối với các công ty như vậy để họ không thể tháo chạy đến các thiên đường thuế hòng đạt được mức thuế thấp nhất có thể.
Điều luật này sẽ hoạt động thế nào trong thực tế? Một ý tưởng được nhiều người ủng hộ cải cách thuế nói đến khi đưa ra đề xuất là đánh thuế doanh thu ngay tại điểm bán thay vì đánh vào lợi nhuận, và điều này sẽ khiến các công ty sở hữu trí tuệ giàu dữ liệu như Apple và Google không thể vận dụng các kỹ thuật tài chính để đẩy lợi nhuận ra các thiên đường thuế nước ngoài như Ireland hay Hà Lan.
Vấn đề này lần đầu tiên được nêu ra ở cấp độ toàn cầu bởi OECD vào năm 2012 thông qua đề xuất Xói mòn Cơ sở và Dịch chuyển Lợi nhuận; hiện nó đang được thảo luận trong các diễn đàn như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Vấn đề này ngày càng được quan tâm mạnh mẽ khi nhiều người càng nhận thức được rằng các công ty nắm giữ phần lớn tài sản ngày nay không nhất thiết có sự hiện diện lớn, hoặc thậm chí là một trụ sở cố định, trên các thị trường khác nhau của họ.
Một trong những điểm chính mà những người ủng hộ cải cách thuế đưa ra là việc Big Tech phá vỡ thị trường lao động (như tôi đã trình bày ở Chương 8) đang buộc các bang phải cải tiến hệ thống giáo dục, đào tạo nghề và đầu tư nhiều hơn để tạo ra lực lượng lao động thế kỷ 21 – dĩ nhiên, tất cả những việc này đều được thực hiện bằng tiền thuế. Nhưng dù hầu hết các quốc gia đều đồng ý rằng hệ thống hiện tại không hiệu quả, họ vẫn chưa có sự đồng thuận về việc hệ thống mới nên như thế nào.
Chẳng hạn, nước Anh tuyên bố nếu không có sự đồng thuận quốc tế, họ sẽ đơn phương thông qua mức thuế tối thiểu cho các dịch vụ số. Một số bộ trưởng tài chính trong khối EU đã ủng hộ việc đánh thuế vào thu nhập thay vì lợi nhuận. Những quốc gia khác, chẳng hạn như Ấn Độ, đã thực hiện các khoản thu “cân bằng” các khoản thanh toán vượt quá 1.500 đô-la đối với các công ty nước ngoài, không có cơ sở thường trú tại nước này. Điều này có nghĩa là khi Amazon bán hàng ở Ấn Độ, một khoản thuế nhất định sẽ được khấu trừ dựa trên khoản thanh toán họ nhận được. Trung Quốc và Đức có khuynh hướng chọn cách đánh thuế doanh nghiệp tối thiểu của Mỹ, vì họ cũng cần bảo vệ các công ty lớn (cả các công ty công nghệ lẫn hãng sản xuất xe hơi). Anh và Pháp muốn xác định giá trị của dữ liệu và người dùng. Và tại Mỹ, khi Trump đặt ra mức nền về thuế đánh vào các dịch vụ số, ông cũng đã làm bùng nổ cuộc tranh luận về biểu hiện của giá trị trong thời đại kỹ thuật số. Tất cả những điều này đã chỉ ra thực tế rằng trong một thế giới chia rẽ và phân cực về mặt chính trị, thuế đánh vào hàng hóa kỹ thuật số có thể trở thành khía cạnh sẽ được vũ khí hóa trong quan hệ thương mại toàn cầu.
Bất kể điều gì xảy ra tiếp theo, nó chắc chắn sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn trong trật tự cũ, và những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon tất nhiên đang không ngừng kêu ca về điều đó. Tại một hội nghị năm 2017 của OECD tại Đại học California, Thành phố Berkeley, Robert Johnson – người đại diện của Nhóm Quản lý Thuế ở Thung lũng Silicon – nhấn mạnh: “Dữ liệu thô về người dùng không giống như dầu khí… Giá trị được tạo ra bởi sự phát triển và hình thành hàng hóa, dịch vụ, chứ không phải từ tiêu dùng”.
Nhưng dữ liệu thực chất giống hệt dầu khí. Trên thực tế, dữ liệu có giá trị thậm chí còn cao hơn dầu khí. Việc xây dựng một hệ thống chặt chẽ và công bằng để đánh thuế các dịch vụ kỹ thuật số sẽ không dễ dàng, vì sẽ vấp phải sự phản đối kịch liệt của các tổ chức quốc tế khác nhau. Nhưng vào thời điểm mà các tập đoàn đang nắm giữ quyền lực kinh tế cao hơn bao giờ hết so với chính phủ, việc tìm cách đòi lại một phần của cải cho công dân sẽ là điều cần thiết để nhà nước có thể đảm bảo một nền dân chủ đúng đắn.
ĐỀ XUẤT MỚI CHO THỜI ĐẠI KỸ THUẬT SỐ
Viễn cảnh việc làm bị công nghệ thay thế hàng loạt là nguyên nhân chính khiến công chúng lo lắng về các công ty Big Tech. Nỗi lo đó lớn đến mức doanh nhân ít được nhiều người biết đến Andrew Yang – người sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận nhằm kết nối sinh viên tốt nghiệp đại học với việc làm khởi nghiệp – đã đưa ra một đề xuất cho Nhà Trắng vào năm 2020 về một nền tảng chống trí tuệ nhân tạo. Dĩ nhiên Yang có thể sẽ không thành công, nhưng vấn đề – cái giá về mặt con người để đổi lấy trí tuệ nhân tạo, big data và tự động hóa – vẫn sẽ là chủ đề thường xuyên được đưa ra bàn luận tại Hoa Kỳ. Câu trả lời cho câu hỏi liệu trí tuệ nhân tạo sẽ giúp ích hay làm tổn thương người lao động trước hết phụ thuộc vào việc bạn đang xem xét theo khung thời gian nào. Công nghệ luôn là thứ tạo ra việc làm về lâu dài, nhưng – như nhà kinh tế học Keynes đã nói – về lâu dài thì chúng ta cũng đã chết từ lâu.
Có lẽ yếu tố nổi bật hơn cả xếp sau hệ quy chiếu thời gian chính là giai cấp kinh tế xã hội của bạn. Trong vòng năm năm tới, khi công nghệ số tiến vào mọi ngành nghề, nó sẽ mang lại lợi ích cho những người có sẵn trình độ và kỹ năng để tận dụng lợi thế năng suất mà họ có được, và do đó sẽ thúc đẩy xu hướng “được ăn cả ngã về không” trên thị trường lao động toàn cầu. Điều này dẫn đến những hậu quả lớn. Mặc dù có tiềm năng kích thích năng suất và tăng trưởng, nhưng hoạt động số hóa cũng có nguy cơ kìm hãm nhu cầu tiêu dùng nếu nó làm giảm tỷ trọng thu nhập của lao động và làm tăng tình trạng bất bình đẳng. Một cuộc khảo sát năm 2018 của Viện McKinsey về các giám đốc điều hành toàn cầu cho thấy đa số tin rằng họ sẽ phải đào tạo lại hoặc thay thế hơn một phần tư lực lượng lao động vào năm 2023 để số hóa doanh nghiệp của họ. Tại một hội nghị cũng trong năm 2018, tôi đã chứng kiến giám đốc điều hành của các công ty đa quốc gia lớn ở Mỹ thảo luận về việc công nghệ có thể thay thế từ 30% đến 40% lao động trong công ty của họ trong vài năm tới, đồng thời băn khoăn về tác động chính trị của việc cắt giảm với quy mô lớn như vậy.
Tôi muốn đề xuất một giải pháp triệt để: không sa thải những lao động đó. Tôi không có ý nói các công ty Mỹ nên giữ người lao động lại như một kiểu làm từ thiện. Tôi muốn đề xuất là khu vực công và tư kết hợp với nhau trong một dạng Chính sách Kinh tế Mới của thời đại số. Trong khi nhiều công việc sẽ được thay thế bởi tự động hóa, nhiều lĩnh vực khác vẫn rất cần nhân tài, đơn cử như dịch vụ khách hàng hay phân tích dữ liệu chẳng hạn. Khi các công ty cam kết giữ lại và đào tạo lại người lao động cho những công việc mới, họ nên được miễn giảm thuế để thực hiện điều đó. Mỹ nên học tập kinh nghiệm của Đức sau khủng hoảng tài chính: quốc gia này đã tránh được việc sa thải công nhân hàng loạt, vì cả công ty tư nhân lẫn công ty nhà nước đều tìm cách tiếp tục sử dụng lao động ngay cả khi nhu cầu giảm. Các công ty Đức được chính phủ trợ cấp để giữ chân người lao động, đồng thời còn được cấp vốn để nâng cấp nhà máy, cải tiến kỹ thuật và chi phí đào tạo. Khi Đức tăng trưởng trở lại, tất cả những giải pháp này đều đã giúp các công ty Đức giành thị phần từ các đối thủ Mỹ ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, các tập đoàn cũng luân chuyển nguồn lao động thừa sang khu vực công, góp phần mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế chung.
Tại Hoa Kỳ, giáo sư luật Saule Omarova của Đại học Cornell và đồng nghiệp Robert Hockett của bà đã đề xuất thành lập Cơ quan Đầu tư Quốc gia – một cơ quan lai giữa Công ty Tài chính Tái thiết của thời kỳ Chính sách Kinh tế Mới với quỹ đầu tư tư nhân – nhằm phát triển và thực hiện chiến lược quốc gia về tái thiết nền kinh tế cho thời đại kỹ thuật số. Omarova cho biết: “Đề xuất này được xây dựng dựa trên mục tiêu là phân bổ nguồn lực tài chính cho cơ sở hạ tầng công cộng, nhưng nó rộng hơn và tham vọng hơn nhiều so với đơn thuần là xây những con đường mới. Tầm nhìn của chúng tôi là đề xuất này sẽ đi theo hướng giống như Chính sách Kinh tế Mới, giúp huy động vốn cho các dự án mang tính cấp tiến, có quy mô lớn và có lợi cho công chúng, qua đó tạo ra việc làm bền vững và giúp nước Mỹ lấy lại lợi thế cạnh tranh mà không làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và thâu tóm quyền lực ở khu vực tư nhân. Dù có phạm vi rộng hơn các vấn đề liên quan đến AI, nhưng đề xuất của chúng tôi cũng nhắm đến việc giải quyết các dạng mất cân bằng cấu trúc xuất phát từ mảng công nghệ này trong nền kinh tế. Chúng tôi dự định pháp nhân mới này sẽ như một ‘công ty đầu tư tài chính của nhà nước’, chịu trách nhiệm luân chuyển nguồn vốn và thúc đẩy tiến bộ công nghệ theo những cách có lợi cho tất cả chúng ta chứ không chỉ cho một số người giàu nhất”.
Ở Mỹ hiện có rất nhiều dự án đang cần đến sự điều động nguồn nhân lực như vậy, chẳng hạn như dự án mở rộng mạng lưới Internet băng thông rộng ở vùng nông thôn. Các công ty lớn nhất cũng có thể cam kết bỏ tiền và lao động dư thừa cho những dự án như vậy, vì điều này cuối cùng sẽ giúp họ có nhiều khách hàng hơn bằng cách tạo ra nhu cầu ở các khu vực tăng trưởng thấp. Bạn có thể gọi giải pháp này là 25%, bởi đây là con số thực tế về số lượng công nhân phải có nguy cơ bị cắt giảm. Một cách để các công ty và chính phủ biến thảm họa việc làm thành cơ hội chính là tận dụng thời cơ để đào tạo lực lượng lao động cho thế kỷ 21, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng để hỗ trợ lực lượng lao động đó. Nếu họ không làm như vậy, hậu quả sẽ là tăng trưởng chậm hơn và chính trị trở nên phân cực hơn.
CÁCH ĐẢM BẢO PHÚC LỢI VÀ SỨC KHỎE TRONG KỶ NGUYÊN KỸ THUẬT SỐ
Đây là điều rất khó thực hiện, vì những công nghệ mà chúng ta bàn đến trong quyển sách này đã lan rộng và tác động quá nhiều đến suy nghĩ của chúng ta. Một trong những lý do khiến chúng ta khó giải quyết được những thách thức do Big Tech gây ra là vì chúng ta để nó làm mình phân tâm một thời gian quá dài. May mắn thay, có những người đã theo dõi đủ lâu để bắt đầu một phong trào “đấu tranh du kích”, gây sức ép và buộc các công ty Big Tech phải điều chỉnh mô hình kinh doanh nhằm giảm thiểu những hậu quả về mặt con người khi phát triển sản phẩm công nghệ. Cả các nhà hoạt động lẫn giới lập pháp đều đang nhắm vào các khía cạnh gây nghiện của thiết bị số, kêu gọi đặt ra những quy định nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các loại hành vi độc hại và tiếp thị trực tuyến, đồng thời xem xét liệu tất cả chúng ta – trẻ em và người lớn – có nên dành ít thời gian hơn trên thiết bị của mình hay không.
Câu trả lời rất ngắn gọn: có. Nếu đã chọn hạn chế các chất kích thích gây nghiện, tại sao các chính phủ lại không hạn chế luôn cả công nghệ, khi mà nó cũng có tính kích thích và gây nghiện, khi mà tác động của nó thậm chí còn sâu sắc hơn, phổ biến hơn và gây ra mối nguy hại lớn hơn? Sự ra đời của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) vào năm 1906 vốn là một động thái nhằm đáp lại sự phẫn nộ của dư luận trước những chi tiết có thật, được khắc họa trong tiểu thuyết The Jungle (tạm dịch: Rừng) của Upton Sinclair – một bức tranh nhức nhối về những mối nguy hại do ngành công nghiệp chế biến thịt không được quản lý chặt chẽ gây ra cho sức khỏe con người. Tôi hy vọng quyển sách bạn đang cầm trên tay có thể giúp thúc đẩy sự khai sinh của một FDA thời đại số nhằm bảo vệ trí não, giống như FDA hiện tại đang bảo vệ sức khỏe thể chất của con người. Cơ quan này sẽ nghiên cứu ảnh hưởng của công nghệ mới đối với cả sức khỏe tinh thần của chúng ta lẫn sức mạnh kinh tế của quốc gia, từ đó đưa ra các quy định hợp lý nhằm đảm bảo rằng những công nghệ đã ăn sâu vào đời sống của chúng ta ngày nay sẽ phục vụ chứ không phản bội chúng ta.
Như tôi đã nói trong chương đầu tiên, Big Tech là những công ty rất lớn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta không sớm nhận ra những thay đổi mà các công ty này gây ra. Những thay đổi về công nghệ trong hai mươi năm qua rộng và sâu đến mức phần lớn người dân hiện vẫn chưa ý thức được hết các tác động của chúng. Thung lũng Silicon là ngành công nghiệp giàu có nhất trong lịch sử, đủ giàu để dùng tiền thoát khỏi khá nhiều rắc rối. Các sản phẩm của ngành công nghiệp này sáng sủa, bóng bẩy và có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta nhiều đến mức khiến ta sẵn sàng chấp nhận những mặt tối của nó. Đây quả là một nghịch lý: mặt tốt của công nghệ (chia sẻ thông tin, xây dựng mối quan hệ, nâng cao năng suất) lại được hiện thực hóa bởi mặt xấu (giám sát, bán thông tin, bóp méo sự thật và vi phạm lòng tin của công chúng). Và vì mặt tích cực của công nghệ thật sự quá tuyệt vời (giúp người dùng tìm được thông tin hoặc gọi được taxi trong nháy mắt) nên mặt tiêu cực thường bị chúng ta bỏ qua.
Nhưng đã đến lúc chúng ta chấm dứt tình trạng cố tình mù quáng. Sự giàu có và quyền lực của Big Tech đã khiến họ trở nên kiêu ngạo khủng khiếp. Họ cho rằng xã hội nên được định hình lại theo hình ảnh của họ – chuẩn bị sẵn sàng để tiến nhanh hơn, làm việc chăm chỉ hơn và phá vỡ mọi thứ. Nhưng thực tế là Big Tech chịu trách nhiệm trước chúng ta – những người dân. Nước Mỹ có nguy cơ trở thành một quốc gia độc quyền được điều hành bởi những công ty giàu có nhất và quan hệ rộng nhất, còn chúng ta thì thường xuyên cảm thấy bất lực trong việc thay đổi nguyên tắc hoạt động của những công ty này. Chúng ta cần rũ bỏ cảm giác bất lực đó và cần hiểu rằng chúng ta có thể đặt ra các nguyên tắc cho nền kinh tế và xã hội kỹ thuật số dựa trên những gì chúng ta muốn và cần. Nếu chúng ta không làm được như vậy, hậu quả sẽ rất lớn. Lịch sử của công nghệ là lịch sử của sự biến đổi. Và sự biến đổi thì hiếm khi nào trọn vẹn. Công nghiệp hóa mở ra cơ hội ngay cả khi nó gây tình trạng bóc lột lao động, từ đó dẫn đến cải cách chính phủ, tiếp theo đó là thái độ chống đối được thể hiện qua sự phổ biến rộng rãi của Trường phái Kinh tế học Chicago, cũng như của tư tưởng kinh tế tân tự do và chủ nghĩa tự do chính trị – hai hệ tư tưởng đã góp phần khiến Big Tech có những hành vi thái quá. Và mọi chuyện cứ tiếp diễn như thế!
Quy mô và tốc độ phát triển của Big Tech đã gây khó khăn cho việc theo dõi và kiểm soát của chính phủ. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng bắt đầu nhận ra mình đã từ bỏ những gì để có được những thứ mới mẻ, tươi sáng và bóng bẩy hiện tại. Không có công nghệ mới nào có thể duy trì không đổi hoặc luôn có sức mạnh chi phối đối với công chúng. Ngành đường sắt từng có vẻ là một thế lực không ai dám đụng vào, cho đến khi giới lập pháp khôn ngoan đưa ngành này trở về đúng vị trí của nó: một nền tảng phục vụ nền kinh tế rộng lớn hơn, thay vì chỉ phục vụ những kẻ trục lợi đang khoác chiếc áo nhà sáng lập đáng kính. Con người tạo ra những cỗ máy và dù có những tưởng tượng bi quan về việc AI thâu tóm thế giới, con người vẫn là chủ nhân của chúng. Đi kèm với quyền làm chủ là khả năng – hay nói đúng hơn là trách nhiệm – lựa chọn và tạo ra tương lai mà chúng ta muốn từ Big Tech, cho chính chúng ta và cho thế hệ sau này.
Đối với tôi, đó là một tương lai bao gồm ít thời gian sử dụng thiết bị hơn và – ít nhất là trong ngắn hạn – nhiều thời gian thư giãn hơn. Tôi đã xác định rằng sức khỏe tinh thần của bản thân tôi phụ thuộc vào việc kiểm tra email ít hơn, cắt giảm thời gian sử dụng mạng xã hội và tắt thiết bị sau bữa tối. Và sức khỏe tinh thần của con trai tôi cũng vậy. Tôi bắt đầu viết quyển sách này khi phát hiện con trai mình nghiện trò chơi trực tuyến. Kể từ đó, chúng tôi đã cố gắng hết sức để thay đổi cách thằng bé sử dụng thiết bị số. Alex không được sử dụng thiết bị số vào các buổi tối trong tuần và chỉ được phép sử dụng trong hai tiếng đồng hồ vào cuối tuần, tức là thằng bé dành nhiều thời gian hơn để đọc sách cũng như chơi bóng rổ ở nhà văn hóa. Khi Alex lên mạng, tôi cố gắng ở bên cạnh con càng nhiều càng tốt, với tư cách một người mẹ, để xem nó đang làm gì – và với tư cách một nhà báo, để xem những kẻ kinh doanh sự chú ý đang tiếp tục bày ra những chiêu trò gì.
Alex vẫn yêu thích YouTube và các trò chơi trực tuyến.
Nhưng không nhiều bằng tôi yêu thích khả năng kiểm soát của các bậc phụ huynh.