Có những quyển sách ra đời từ những ý tưởng trừu tượng, to tát; một số quyển khác bắt đầu từ những điều gần gũi hơn. Quyển gần đây nhất của tôi, Makers and Takers (tạm dịch: Người lao động và kẻ cưỡng đoạt), xuất phát từ những cuộc đối thoại chính sách cấp cao về ngành tài chính. Còn quyển sách bạn đang cầm trên tay nói về các tổn hại kinh tế, chính trị và nhận thức do ngành công nghệ gây ra trong hai mươi năm qua dưới một lăng kính rộng hơn. Nhưng sự ra đời của nó cũng khá gần gũi.
Mọi chuyện bắt đầu vào một buổi chiều cuối tháng Tư năm 2017, khi tôi đi làm về, mở sao kê thẻ tín dụng và bị sốc: có hơn 900 đô-la các khoản phí trên trời rơi xuống từ cửa hàng ứng dụng của Apple (App Store). Ban đầu, tôi nghĩ tài khoản của mình đã bị trộm mật khẩu. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ hơn, tôi phát hiện ra cậu con trai mười tuổi của mình chính là “tác giả” của những khoản chi này: thằng bé đã mua “cầu thủ” cho trò chơi bóng đá trực tuyến mà nó yêu thích.
Tất nhiên, tôi đã lập tức tịch thu các thiết bị di động của con trai và thay đổi mật khẩu. Nhưng trong khoảng thời gian này, những sự việc tương tự và có tác động lớn hơn cũng bắt đầu xảy ra và thu hút sự chú ý của tôi, khiến tôi tốn nhiều thời gian hơn cho chúng, dù là theo một cách khác. Lúc đó, tôi mới vào làm cho tờ báo kinh tế lớn nhất thế giới Financial Times với tư cách là người phụ trách chuyên mục kinh doanh toàn cầu. Nhiệm vụ của tôi là viết về những câu chuyện hoặc sự kiện kinh tế ấn tượng nhất mỗi tuần. Kết quả là hầu hết các bài viết của tôi đều có liên quan đến những tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) như Google, Facebook, Amazon, và dĩ nhiên không thể thiếu Apple.
Rõ ràng trong vài thập niên trở lại đây, việc một số công ty nắm trọn quyền lực thị trường đã ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều ngành công nghiệp và tác động đến mọi thứ, từ làm gia tăng sự chênh lệch về thu nhập, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế, cho đến cổ xúy chủ nghĩa dân túy1. Khi đã quen với công việc mới của mình tại Financial Times và bắt đầu nghiên cứu dữ liệu tài chính, tôi phát hiện một sự thật khá sốc: 80% tổng tài sản doanh nghiệp đang được nắm giữ bởi chỉ 10% công ty. Và những công ty làm nên con số 10% này cũng không phải là những tập đoàn sở hữu nhiều tài sản hay hàng hóa vật chất như General Electric, Toyota hay ExxonMobil... mà là những công ty đã biết cách tận dụng loại “dầu mỏ” mới của nền kinh tế: thông tin (information) và mạng lưới (networks).
1 Về lý thuyết, chủ nghĩa dân túy là những tư tưởng và hoạt động chính trị đại diện cho nguyện vọng cũng như nhu cầu của người dân bình thường, nhằm kêu gọi thay đổi hệ thống chính trị-xã hội và xác lập sự bình đẳng với giới thượng lưu. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân túy thường được xem là những thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo và tranh thủ sức mạnh quần chúng.
Đa số các siêu sao mới nổi này đều hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, và lĩnh vực này cũng là minh họa rõ ràng nhất về sức mạnh độc quyền trong thế giới ngày nay. Số lượt tìm kiếm trên Google chiếm 90% tổng lượt tìm kiếm toàn cầu. Trong số những người trưởng thành dưới ba mươi tuổi đang sử dụng Internet, có đến 95% là người dùng Facebook và/hoặc Instagram – trang mạng được Facebook mua lại vào năm 2012. Thế hệ Millennials – những người có năm sinh từ 1981 đến 1996 – dành thời gian cho YouTube nhiều gấp đôi tổng thời gian họ dành cho các dịch vụ phát video trực tuyến khác. Số tiền Google và Facebook nhận được cho dịch vụ quảng cáo chiếm khoảng 90% chi tiêu quảng cáo mới của thế giới. Hệ điều hành của Google và Apple đang chạy trên 99% tổng số điện thoại di động toàn cầu. Apple và Microsoft cung cấp 95% hệ điều hành máy tính cho cả thế giới. Amazon chiếm 50% tổng doanh số thương mại điện tử của Mỹ. Danh sách những con số ấn tượng cứ thế tiếp nối. Mọi thứ trong Big Tech hoặc duy trì không đổi hoặc trở nên lớn mạnh, và một khi đã bắt đầu lớn mạnh, rất có thể nó sẽ càng lớn mạnh hơn.
*
Số tài sản mà những gã khổng lồ kỹ thuật số đang nắm giữ là cực kỳ lớn. Giá trị vốn hóa thị trường của nhóm năm công ty được gọi là FAANG – Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google – hiện đã lớn hơn cả nền kinh tế của Pháp. Riêng số người dùng của Facebook cũng đã lớn hơn số dân của quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc. Nhưng trong khi các công ty này ngày càng lớn mạnh, phần còn lại của nền kinh tế ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề. Khoảng hai mươi năm trở lại đây khi Big Tech liên tục phát triển, hơn một nửa số công ty đại chúng đã biến mất. Khi nền kinh tế trở nên tập trung hơn, tính năng động và tinh thần tự chủ của doanh nghiệp không ngừng giảm.
Càng nghiên cứu, viết bài và nêu mối lo ngại về những vấn đề này trên Financial Times, tôi càng có cảm giác bất an khi nghe nhiều người chia sẻ rằng Big Tech đang đặt sinh kế của họ, cuộc sống của họ cũng như của những người họ yêu quý vào thế khó. Đó là những bậc cha mẹ có con nghiện đồ công nghệ hoặc những công nhân mất việc vì doanh nghiệp họ đang công tác bị vỡ nợ khi cố gắng cạnh tranh với Amazon. Đó là một doanh nhân không có đủ năng lực tài chính để đâm đơn kiện khi bị đối thủ cạnh tranh đánh cắp ý tưởng và tài sản trí tuệ, hoặc một người không thể mua bảo hiểm nhà vì các thuật toán của đơn vị bảo hiểm xác định trường hợp của anh có mức rủi ro quá cao. Đó cũng có thể là những người đơn giản cảm thấy ngành công nghệ đã không chia sẻ “miếng bánh” lợi nhuận một cách công bằng.
Và đó là một miếng bánh béo bở. Nhóm Big Tech hiện là những công ty giàu có và quyền lực nhất hành tinh. Nhờ cung cấp nhiều sản phẩm và nền tảng có sức hấp dẫn, biết lợi dụng tác động của hiệu ứng mạng để thu hút thêm người dùng và thu thập ngày càng nhiều dữ liệu, những công ty này đã mở rộng quy mô đến mức không ai có thể tưởng tượng. Họ dùng chính quy mô của mình để nghiền nát hoặc nuốt chửng đối thủ, kiểm soát dữ liệu cá nhân của người dùng và tận dụng kho dữ liệu này để chạy quảng cáo nhắm đối tượng có độ chính xác cao vì lợi ích của riêng họ (như những gì Google, Facebook và Amazon đã làm). Không những thế, Big Tech còn tìm cách đưa phần lớn lợi nhuận ra nước ngoài để lách luật và né tránh những quy định về thuế mà mọi công dân bình thường đều phải tuân thủ. Theo thống kê được thực hiện bởi Ngân hàng Credit Suisse vào năm 2019, mười công ty hàng đầu nước Mỹ – trong đó có Apple, Microsoft, Oracle, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Qualcomm – cũng là những công ty đã chuyển tiền ra nước ngoài nhiều nhất, với tổng số tiền lên tới 600 tỷ đô-la. Giới tài phiệt ở Thung lũng Silicon đã ráo riết tiến hành các cuộc vận động hành lang để đảm bảo các lỗ hổng thuế luôn tồn tại. Điều này gợi nhớ lời cảnh báo của nhà kinh tế học Mancur Olson, theo đó nền văn minh sẽ dần suy tàn khi hệ thống chính trị bị chi phối bởi lợi ích tài chính.
Tất nhiên, nhiều quan chức công quyền tôi từng trò chuyện cũng có những nỗi lo như tôi. Nói cho cùng, dù Thung lũng Silicon thường tìm cách qua mặt chính phủ (hay chính xác hơn là những người đóng thuế), nhưng đó đồng thời cũng là nơi tài trợ cho các ý tưởng sáng tạo. Từ bản đồ GPS, màn hình cảm ứng đến cả mạng Internet, tất cả đều xuất phát từ những nghiên cứu ban đầu được thực hiện hoặc tài trợ bởi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, sau đó được thương mại hóa bởi Thung lũng Silicon. Nhưng không như nhiều quốc gia khác, trong đó có những thị trường tự do đang phát triển mạnh như Phần Lan và Israel, người đóng thuế Mỹ không được hưởng một xu nào từ lợi nhuận mà các sản phẩm sáng tạo mang lại. Thay vì vậy, những gã khổng lồ công nghệ đã mang cả tiền lẫn việc làm ra nước ngoài, trong khi vẫn không ngừng yêu cầu chính phủ chi nhiều ngân sách hơn cho những việc như cải cách giáo dục để đảm bảo lực lượng lao động của thế kỷ 21 có kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật số. Hậu quả do những công ty này gây ra không chỉ tác động đến kinh tế mà còn khiến xã hội có nguy cơ bị chia rẽ, khi sự bất mãn giữa những người theo chủ nghĩa dân túy với người theo chủ nghĩa tư bản và dân chủ tự do ngày càng gia tăng.
Nếu đã theo dõi ngành tài chính từ năm 2007 đến nay, bạn sẽ nhận ra nhiều điểm tương đồng thú vị giữa hiện tại với quá khứ. Chúng ta đang chứng kiến một ngành công nghiệp mới to lớn đến mức không thể sụp đổ và phức tạp đến mức không thể quản lý, một ngành công nghiệp đang phát triển nhanh như cỏ dại ngay trước mắt chúng ta. Nó có nhiều tài sản hơn và có giá trị vốn hóa thị trường lớn hơn bất kỳ ngành nào khác trong lịch sử, nhưng lại tạo ra ít việc làm hơn so với những gã khổng lồ trong quá khứ. Nó tái định hình nền kinh tế và lực lượng lao động theo những cách sâu sắc, biến mọi người thành sản phẩm thông qua việc thu thập và kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân của họ, nhưng lại không bị ai kiểm soát. Và tương tự hệ thống ngân hàng vào thời điểm năm 2008, nó cũng vận dụng sức mạnh về cả kinh tế lẫn chính trị để đảm bảo mọi thứ được giữ nguyên theo cách nó muốn.
Khi nghiên cứu kỹ hơn về Big Tech – những công ty vốn đang bị công kích sau vụ lùm xùm về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 – tôi bắt đầu thấy được một bức tranh lớn hơn. Có lẽ bạn cũng biết những tập đoàn lớn nhất thế giới về nền tảng công nghệ gồm Google, Facebook và Twitter đã bị các nhà hoạt động Nga lợi dụng để thao túng kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ theo hướng có lợi cho Donald J. Trump. Các nền tảng của họ không còn là những trang mạng chỉ phục vụ cho những mục đích như tìm vé máy bay giá rẻ, đăng ảnh chuyến nghỉ mát hoặc kết nối với các thành viên trong gia đình và bạn bè. Thay vào đó, chúng trở thành những công cụ để thao túng chính trị, xoay chuyển số phận của các quốc gia, trong khi vẫn làm giàu cho giám đốc điều hành cũng như cổ đông của công ty. Sự “ngây thơ” của thời đại ban đầu đã không còn nữa.
Đó là một điểm quan trọng cần lưu ý, bởi lẽ ngành công nghệ không phải lúc nào cũng chỉ quan tâm đến tiền. Trên thực tế, Thung lũng Silicon chịu nhiều ảnh hưởng của các phong trào đổi mới văn hóa từ những năm 1960 của thế kỷ trước, và nhiều doanh nhân nơi đây đã được truyền cảm hứng bởi tầm nhìn về một tương lai mà công nghệ nắm giữ sức mạnh biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn cho mọi người. Những người theo “giáo phái kỹ thuật số” từng rao giảng tầm nhìn này luôn tuân thủ một nguyên tắc nghiêm ngặt: thông tin phải được miễn phí và Internet sẽ là một “lực lượng dân chủ” tạo lập sân chơi “công bằng” cho tất cả chúng ta. Đã có thời, tên tuổi của các “giáo sĩ” Internet không được liệt kê trong danh sách những người giàu nhất hành tinh trên tạp chí Forbes, mà chỉ được nhắc đến trong thế giới Blog vừa được khai sinh với tư cách là người sáng lập của hệ điều hành Linux, bách khoa toàn thư Wikipedia, các nền tảng mã nguồn mở, cũng như các cộng đồng được xây dựng dựa trên lý tưởng rằng lòng tin và sự minh bạch sẽ chiến thắng lòng tham và lợi nhuận.
Câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào mọi chuyện lại trở nên như hôm nay? Làm thế nào một ngành công nghiệp từng rất nhiệt huyết, cách tân và lạc quan lại trở nên tham lam, phiến diện và cao ngạo chỉ sau vài thập niên? Làm thế nào một thế giới của “thông tin phải được miễn phí” lại trở thành nơi mà mọi dữ liệu đều được quy ra tiền? Làm thế nào một phong trào ra đời vì mục đích “dân chủ hóa” thông tin lại phá hủy cấu trúc nền dân chủ của chúng ta? Và làm thế nào các nhà lãnh đạo của phong trào đó lại đi từ việc nghiên cứu bo mạch chủ trong tầng hầm nhà họ đến chỗ thống trị nền kinh tế chính trị của chúng ta?
Câu trả lời – như tôi sớm nhận ra – là chúng ta đã đến một điểm tới hạn khi lợi ích của các công ty công nghệ lớn nhất không còn khớp với lợi ích của những người dân lẽ ra họ phải phục vụ và của khách hàng. Hai mươi năm qua, Thung lũng Silicon đã mang đến cho chúng ta những phát minh tuyệt vời, từ các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, đến những thiết bị di động với sức mạnh vượt trội của máy tính. Ngày nay, mỗi cá nhân đều sở hữu nhiều trí tuệ máy tính hơn so với những gì cả một công ty của thế hệ trước có thể tiếp cận. Nhưng những tiện ích hiện đại này cũng đi kèm với những cái giá phải trả rất đắt: chúng ta bị chứng nghiện công nghệ hút cạn thời gian và sức lực, thông tin sai lệch và ngôn từ tiêu cực được lan truyền vô tội vạ, nhiều thuật toán săn mồi được viết ra để nhắm vào các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương, quyền riêng tư cá nhân bị xâm phạm, và ngày càng nhiều của cải chảy vào túi một bộ phận ngày càng nhỏ trong xã hội.
Quan trọng hơn, tuy những vấn đề này dù thường được đề cập một cách riêng lẻ, nhưng tất cả đều liên quan mật thiết với nhau và có liên đới đến một vấn đề duy nhất, không thể tránh khỏi: mô hình kinh doanh của ngành công nghệ chủ yếu là giữ cho mọi người “sống” trên không gian mạng càng lâu càng tốt và kiếm tiền từ sự chú ý của họ. Đây cũng là điều mà nhiều người ở Thung lũng Silicon không muốn thừa nhận. “Các thương gia kinh doanh sự chú ý” – cách gọi do nhà nghiên cứu Tim Wu của Đại học Columbia đặt cho các công ty Big Tech – vận dụng các phương pháp dẫn dắt hành vi và lợi dụng hàng loạt dữ liệu cá nhân cũng như hiệu ứng mạng để đạt sức mạnh độc quyền, từ đó thâu tóm quyền lực chính trị và tiếp tục duy trì đế chế độc quyền.
Trước đây, Facebook, Google và Amazon từng được cấp một “kim bài miễn tử” và không phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả mình gây ra. Suy cho cùng thì logic của các nhà làm luật là: Google cung cấp khả năng tìm kiếm “miễn phí”, Facebook gắn kết xã hội “miễn phí”, còn Amazon giảm giá và tặng sản phẩm “miễn phí”; chẳng phải họ đang làm những việc có lợi cho người tiêu dùng sao? Vấn đề là sử dụng dịch vụ “miễn phí” không có nghĩa là chúng ta không trả một cái giá nào đó, bằng một cách nào đó. Đúng là chúng ta không phải trả tiền cho hầu hết các dịch vụ kỹ thuật số, nhưng chúng ta đã phải trả giá đắt bằng các dữ liệu và sự chú ý của mình. Con người trở thành tài nguyên để nhóm Big Tech kinh doanh. Chúng ta nghĩ mình là người tiêu dùng nhưng trên thực tế, chúng ta là hàng hóa.
*
Tất nhiên, đây là những vấn đề mà nhiều nhà lãnh đạo ở Thung lũng Silicon không muốn chúng ta quan tâm. Có quá nhiều nhân vật quyền lực bị kìm giữ trong bong bóng nhận thức2, không sẵn sàng tìm hiểu đến nơi đến chốn những mối quan tâm chính đáng của công chúng, chẳng hạn như làm thế nào để bảo vệ dữ liệu cá nhân, con người có nguy cơ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo và hệ thống tự động hóa, quyền riêng tư bị xâm phạm khi vị trí của chúng ta bị theo dõi từng giây bởi hàng ngàn ứng dụng, hoạt động bầu cử bị thao túng, hay thậm chí là những thiết bị sáng bóng đang hiện diện trong mọi khía cạnh cuộc sống có tác động thế nào đến bộ não của chúng ta. Khi tôi hỏi các nhà công nghệ về những lo ngại này, hầu hết đều có khuynh hướng phản ứng từ phòng thủ sang ngây thơ rồi làm như không biết gì, hoặc tệ nhất là họ sẽ nhếch mép cười ra vẻ bề trên hay nhìn tôi bằng ánh mắt khó chịu như muốn nói: “Cô không phải là dân công nghệ nên cô không hiểu được đâu”.
2 Bong bóng nhận thức (cognitive bubble) hay bong bóng lọc (filter bubble) là một khái niệm do tác giả Eli Pariser đặt ra. Theo đó, khi các kết quả tìm kiếm của bạn được lọc và chỉ hiển thị những gì tương đồng với hành vi của bạn trong quá khứ, bạn sẽ dần bị cách ly với những thông tin mâu thuẫn với quan điểm của mình và bị cô lập trong “bong bóng văn hóa” hoặc ý thức hệ của riêng bạn.
Nhưng có thể chính các giám đốc công nghệ mới là người không hiểu. Có lần, John Battelle – người góp phần ra mắt tạp chí công nghệ Wired – đã nói với tôi: “Cộng đồng công nghệ không tự đề cao chính mình. Chúng tôi không phải là những nhà triết học hay người theo chủ nghĩa nhân văn. Chúng tôi là kỹ sư. Đối với Google và Facebook, con người là những thuật toán”.
Những lời này có vẻ quá quen thuộc. Bản thân tôi cũng đủ già dặn khi từng trải qua một chu kỳ công nghệ bùng nổ rồi suy thoái và từng làm việc cho một “vườn ươm công nghệ cao” ở London từ năm 1999 đến năm 2000 – một trải nghiệm mà tôi sẽ đề cập ở phần sau của quyển sách này. Lúc đó cũng giống như bây giờ, giới công nghệ chủ yếu chỉ qua lại với người trong giới, nhưng sự kiêu ngạo chúng ta đang thấy ở họ đã vượt quá những giới hạn mà chúng ta từng chứng kiến kể từ cuối những năm 1990 khi các công ty dot-com sụp đổ. Và lần này, sự kiêu ngạo đó sẽ gây nhiều thiệt hại hơn, bởi các công ty như Amazon và Apple đã trở thành một phần không thể thiếu trong gần như mọi gia đình ở Mỹ. Tương tự các ngân hàng lớn ở Phố Wall, những gã trùm công nghệ đang nắm giữ một lượng lớn tiền và quyền, cũng như một lượng dữ liệu thậm chí còn lớn hơn. Nhưng khác với giám đốc điều hành Lloyd Blankfein của tập đoàn tài chính Goldman Sachs, giới công nghệ thật sự nghiêm túc khi tuyên bố rằng họ đang làm “công việc của Chúa”. Chỉ cần tham dự một hội nghị công nghệ, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra nhiều người ở Thung lũng Silicon vẫn tin rằng họ đã làm cho thế giới tự do và công khai hơn, dù có rất nhiều bằng chứng cho thấy điều ngược lại.
Rõ ràng Thung lũng Silicon đã từ bỏ cái gốc doanh nghiệp khởi nghiệp mang tinh thần tự do của mình. Các giám đốc điều hành của Big Tech hiện cũng là những nhà tư bản tham lam của giới tài chính, nhưng thường có thêm một chút tính cách của các nhà dân chủ. Trong thế giới quan của họ, mọi thứ – chính phủ, chính trị, xã hội và luật pháp – đều có thể và nên được “phá vỡ”. Như nhà phê bình Jonathan Taplin chuyên nghiên cứu về Big Tech từng nói với tôi: “Công chúng, hay nói cách khác là bản thân xã hội, thường bị coi là ‘kẻ cản đường’”.
Vậy tại sao các chính trị gia vẫn chưa áp đặt những quy định chặt chẽ để kiềm chế những suy nghĩ bản năng như vậy? Câu trả lời là họ bị đồng tiền chi phối. Không phải vô cớ mà Big Tech hiện đang cạnh tranh với Phố Wall và Big Pharma (các ông trùm ngành dược) với tư cách là một trong những ngành chi nhiều tiền nhất cho việc vận động hành lang. Trong những năm trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhiều chủ ngân hàng hàng đầu thế giới đã cử đại diện đến Washington, London hoặc Brussels để sinh sống và vận động sự ủng hộ của các nhà lập pháp chịu trách nhiệm quản lý họ. Tương tự, trong vài thập niên vừa qua, những gương mặt cộm cán của Thung lũng Silicon cũng trở thành những nhân vật quen thuộc ở các thủ đô này, riêng Google đã cử nhiều “sứ giả” tới Washington đến mức chỉ có một văn phòng to như Nhà Trắng mới có thể chứa hết tất cả bọn họ.
Nhưng bất chấp mọi nỗ lực ghi điểm của các nhà vận động hành lang cũng như những đội nhóm PR của Thung lũng Silicon, công chúng vẫn lo lắng về tác động của công nghệ đối với kinh tế và xã hội, và những nỗi lo này không hề biến mất. Trên thực tế, chúng tiếp tục gia tăng khi bản thân công nghệ ngày càng lan rộng và len lỏi vào nền kinh tế, chính trị cũng như văn hóa của chúng ta. Big Tech trở thành một Phố Wall mới, đồng thời cũng trở thành mục tiêu công kích hàng đầu của chủ nghĩa dân túy trong một thế giới ngày càng bị chia rẽ giữa kinh tế và xã hội.
Những thay đổi do Big Tech mang lại đã trở thành một trong những vấn đề kinh tế cấp bách nhất thời đại chúng ta. Giáo sư danh dự Shoshana Zuboff của Trường Kinh doanh Harvard và các học giả khác đã công khai chỉ trích sự trỗi dậy của “chủ nghĩa tư bản giám sát”, tức “một trật tự kinh tế mới xem trải nghiệm của con người là nguyên liệu thô miễn phí để phục vụ cho các hoạt động khai thác, dự đoán và bán hàng”. Bên cạnh đó, họ cũng lên án “thứ logic kinh tế ký sinh, trong đó việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ phụ thuộc vào một cơ cấu toàn cầu mới về điều chỉnh hành vi” thông qua công nghệ giám sát kỹ thuật số. Zuboff tin (và tôi cũng đồng tình) rằng chủ nghĩa tư bản giám sát là một mối đe dọa đáng kể đối với hệ thống kinh tế và chính trị, đồng thời cũng là một công cụ có thể được tận dụng để kiểm soát xã hội. Tôi cũng tin rằng, như nhân viên của một Thượng nghị sĩ Dân chủ cấp cao và có ảnh hưởng đã chia sẻ với tôi, việc kiềm chế các “tác dụng phụ” nguy hiểm của Thung lũng Silicon sẽ trở thành “vấn đề kinh tế nổi bật [của các nhà lập pháp] trong năm năm tiếp theo, đặc biệt là khi khuynh hướng tự động hóa gia tăng và [giới công nghệ] đầu tư vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế”.
Tuy nhiên, đây không phải chỉ là một câu chuyện dành riêng cho các chuyên trang kinh doanh. Trên thực tế, Big Tech là trung tâm của hầu như mọi câu chuyện trong các bản tin ngày nay; và nó chỉ xếp thứ hai, sau những câu chuyện về Donald Trump, trên báo và tạp chí. Mặc dù vị tổng thống này đã được thay thế bằng vị tổng thống khác, nhưng khi công nghệ ngày càng thâm nhập vào nền kinh tế, chính trị và văn hóa, Big Tech sẽ ngày càng biến đổi cuộc sống của chúng ta. Đó là một “thuật giả kim” chỉ mới bắt đầu. Những thay đổi đáng kinh ngạc của hai mươi năm qua chỉ là những bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi kéo dài nhiều thập niên sang một nền kinh tế kỹ thuật số, có thể sánh ngang cuộc cách mạng công nghiệp về sức mạnh chuyển đổi. Và khi quá trình này hoàn thành, hậu quả của nó có thể sẽ còn sâu rộng hơn, làm thay đổi bản chất của nền dân chủ tự do, của chủ nghĩa tư bản, thậm chí của cả nhân loại.
Những gì Big Tech đang làm có thể được tóm gọn trong một chữ: lớn. Và mặc dù tôi đã chỉ trích nhiều khía cạnh của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số (digital transformation), nhưng cũng không có nghĩa là tôi phủ nhận những lợi ích khổng lồ nó mang lại. Thung lũng Silicon là nơi tạo ra nhiều tài sản doanh nghiệp nhất trong lịch sử. Nó kết nối thế giới, khơi mào những cuộc cách mạng chống chính quyền áp bức (nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho sự đàn áp), xác lập những hình mẫu hoàn toàn mới cho phát minh sáng tạo và đổi mới. Công nghệ nền tảng (platform technology) đã cho phép nhiều người làm việc cũng như duy trì các mối quan hệ từ xa, phát triển tài năng, quảng bá thương hiệu, chia sẻ quan điểm, thể hiện sự sáng tạo và/hoặc giới thiệu sản phẩm của chúng ta với cả thế giới. Big Tech đã cung cấp những công cụ giúp chúng ta tiếp cận nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau – từ vận chuyển, thực phẩm cho đến điều trị y tế – bất cứ khi nào chúng ta cần, và nhìn chung đã khiến cuộc sống của chúng ta tiện nghi hơn, hiệu quả hơn bao giờ hết.
Xét về những khía cạnh này cũng như nhiều khía cạnh khác, cuộc cách mạng kỹ thuật số là một bước tiến kỳ diệu, đáng được đón nhận. Nhưng nếu muốn gặt hái được toàn bộ những lợi ích của công nghệ, chúng ta cần một sân chơi bình đẳng để thế hệ các nhà cách tân tiếp theo có cơ hội phát triển. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa sống trong thế giới bình đẳng đó. Big Tech từ lâu đã định hình lại thị trường lao động, khiến tình trạng bất bình đẳng thu nhập trở nên trầm trọng thêm và đẩy chúng ta vào các “bong bóng nhận thức” mà trong đó, chúng ta chỉ nhận được những thông tin xác nhận ý kiến của mình. Nhưng Big Tech không cung cấp giải pháp cho những vấn đề này. Thay vì khai sáng, nó lại thu hẹp tầm nhìn của chúng ta. Thay vì gắn kết, nó lại chia rẽ chúng ta.
Với mỗi tiếng bíp trên điện thoại, mỗi video được tự động tải xuống hay mỗi thông tin liên lạc mới được thêm vào mạng kỹ thuật số của mình, chúng ta chỉ lờ mờ nhìn thấy một thế giới mới lạ, rộng lớn, hay nói thẳng ra là ngoài tầm hiểu biết của hầu hết mọi người. Đó là một vùng đất kỳ lạ của thông tin cả đúng lẫn sai về các khuynh hướng, xu thế, và về công nghệ giám sát tốc độ cao đã trở nên quá quen thuộc. Hãy nghĩ đến những bản tin về: vụ gian lận bầu cử; các bài đăng gieo thù hận trên Twitter; hành vi trộm cắp danh tính; dữ liệu lớn (big data); tin giả; lừa đảo trực tuyến; chứng nghiện kỹ thuật số; tai nạn do xe hơi tự lái; sự trỗi dậy của rô-bốt; công nghệ nhận dạng khuôn mặt đáng sợ; trợ lý ảo Alexa nghe trộm mọi cuộc trò chuyện; những thuật toán theo dõi chúng ta làm việc, vui chơi và ngủ nghỉ; các công ty cũng như chính quyền đang kiểm soát tất cả những việc này. Danh sách những biến động xã hội xuất phát từ công nghệ có thể kéo dài vô tận, và tất cả chỉ mới xuất hiện trong vài năm qua. Khi đứng riêng lẻ, mỗi bản tin kể trên chỉ như một giọt mưa nhỏ nhoi; nhưng khi tất cả cùng tác động, chúng sẽ trở thành một cơn bão, một màn sương trắng băng giá khiến người ta tê liệt, một lớp sương mù lo âu của thời hiện đại.
Vấn đề là những giai đoạn có sự đột phá lớn về công nghệ luôn đi kèm với biến động mạnh, cần được kiểm soát chặt chẽ vì lợi ích của toàn xã hội. Nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với những sự kiện như các cuộc chiến tranh tôn giáo của thế kỷ 16 và 17 mà nhà sử học Niall Ferguson đã khắc họa trong quyển The Square and the Tower (Quảng trường và tòa tháp). Theo Ferguson, những cuộc chiến này có thể đã không xảy ra nếu không có sự ra đời của các công nghệ mới (như máy in chẳng hạn), những phát minh đã tạo tiền đề cho Thời kỳ Khai sáng nhưng cũng gây không ít hỗn loạn cho trật tự cũ, như cách mà Internet và các phương tiện truyền thông đã và đang thay đổi xã hội chúng ta ngày nay.
Không ai có thể cản trở công nghệ, và cũng không nên làm vậy, nhưng sự đột phá thì có thể được kiềm chế và nên được kiểm soát tốt hơn so với trước đây. Chúng ta đã có sẵn công cụ để làm điều đó. Thách thức của chúng ta bây giờ là tìm cách thiết lập một ranh giới xung quanh ngành công nghệ đang phát triển mạnh mẽ hơn cả nhiều quốc gia riêng lẻ. Nếu chúng ta có thể tạo ra một khuôn khổ để thúc đẩy sự sáng tạo và chia sẻ sự thịnh vượng trên quy mô rộng lớn hơn, đồng thời bảo vệ mọi người khỏi mặt trái của công nghệ kỹ thuật số, những thập niên tới có thể sẽ là kỷ nguyên vàng của sự tăng trưởng toàn cầu.
Quyển sách này là một nỗ lực nhằm làm sáng tỏ những vấn đề có liên quan Big Tech đã khiến chúng ta lo lắng, cũng như những gì chúng ta có thể làm để giải quyết những vấn đề đó. Tôi hy vọng quyển sách này sẽ là một lời cảnh tỉnh, không chỉ cho các nhà điều hành và nhà lập pháp mà còn cho bất kỳ ai tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn, trong đó lợi ích cộng gộp của sự sáng tạo và tiến bộ sẽ lớn hơn nhiều so với các phí tổn của cá nhân và của cả xã hội. Sẽ có ích cho tất cả nếu mỗi người chúng ta đều tin rằng mình có thể tạo ra một tương lai như vậy. Bởi vì trong những năm vừa qua, chúng ta đã thấy quá rõ khi người ta không còn tin một hệ thống nào đó là tốt cho họ, hệ thống đó sẽ sụp đổ.