“Đừng trở nên xấu xa” (Don’t be evil) là câu mở đầu nổi tiếng trong Quy tắc Ứng xử nguyên bản của Google, điều mà ngày nay có vẻ giống như một di tích cổ của những ngày đầu thành lập công ty, khi các sắc màu trên logo của Google vẫn truyền tải tinh thần vui vẻ và giàu lý tưởng của họ. Cảm giác đó thật sự đã quá xưa cũ! Tất nhiên, sẽ không công bằng nếu chúng ta kết tội Google cố ý trở nên xấu xa. Nhưng cái xấu được thể hiện qua hành động, và một số việc mà Google cũng như các công ty Big Tech khác đã làm trong những năm gần đây lại không mấy tốt đẹp.
Khi Larry Page và Sergey Brin còn là sinh viên của Đại học Stanford và bắt đầu nảy sinh ý tưởng về Google, có lẽ họ đã không tưởng tượng có ngày công cụ tìm kiếm được ví như “quả táo” kiến thức ngon lành này có thể khiến một người nào đó bị trục xuất khỏi “thiên đường” (như nhiều nhà quản trị của Google đã bị sau nhiều vụ bê bối trong những năm gần đây). Page và Brin có lẽ cũng không dự đoán được rằng Googleplex sẽ là nơi khởi nguồn của nhiều tai tiếng: Google cố tình điều chỉnh thuật toán để loại đối thủ cạnh tranh khỏi trang đầu tiên và quan trọng nhất trong kết quả tìm kiếm. Trang YouTube thuộc quyền sở hữu của Google cho phép người dùng đăng tải video hướng dẫn cách chế tạo bom. Google bán quảng cáo, cho phép sử dụng nền tảng này để truyền bá thông tin sai lệch và thao túng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Google nỗ lực phát triển một công cụ tìm kiếm dành riêng cho thị trường Trung Quốc, đáp ứng mọi yêu cầu của nước này trong vấn đề kiểm duyệt và loại bỏ những kết quả họ không mong muốn. Theo tờ New York Times, cựu giám đốc điều hành Eric Schmidt của Google đã can thiệp quá mức vào dự án phát triển chính sách chống độc quyền ở một tổ chức nghiên cứu đang được tài trợ bởi chính quỹ đầu tư của gia đình Schmidt và Google; thậm chí ông còn gây áp lực để sa thải một chuyên viên phân tích chính sách, người đã dám suy đoán về việc Google có hay không có tham gia các hoạt động chống cạnh tranh (điều mà Schmidt đã phủ nhận). Vài tháng sau khi bài báo được đăng tải, Schmidt rời vị trí chủ tịch điều hành ở tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google. Đến tháng Năm năm 2019, Schmidt tuyên bố sẽ rời khỏi hội đồng quản trị của Alphabet.
Tất cả những vụ việc trên có thể không hẳn là xấu xa, nhưng chắc chắn rất đáng lo ngại.
Tội lỗi thật sự của Google cũng như của nhiều gã khổng lồ khác ở Thung lũng Silicon có lẽ đơn giản là sự kiêu ngạo. Những lãnh đạo cấp cao của Google luôn muốn công ty đủ lớn mạnh để xác lập luật chơi riêng, và đây chính là mặt xấu của Google cũng như của rất nhiều công ty Big Tech khác. Nhưng quyển sách này không chỉ xoay quanh Google, mà còn bàn về việc những công ty quyền lực nhất ngày nay đang phân mảnh nền kinh tế, cản trở tiến trình chính trị và che mờ tâm trí của chúng ta như thế nào. Mặc dù Google thường là cái tên nổi bật nhất khi nhắc đến ngành công nghệ, nhưng quyển sách này sẽ đề cập đến cả bốn công ty còn lại trong nhóm FAANG là Facebook, Apple, Amazon và Netflix, cũng như những ông trùm đã chiếm lĩnh vị trí nhất định trong mảng nền tảng bổ sung như Uber. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ bàn về những cách mà nhiều công ty lâu đời như IBM hay General Motor đang phát triển để ứng phó trước những đối thủ cạnh tranh mới. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ xem xét sự trỗi dậy của thế hệ những gã khổng lồ mới trong lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc với những nước đi mà ngay cả nhóm FAANG cũng không dám thực hiện.
Có rất nhiều công ty – cả ở Thung lũng Silicon lẫn những nơi khác – đã cho ta thấy được mặt tích cực cũng như tiêu cực của cuộc chuyển đổi kỹ thuật số; nhưng dù sao đi nữa, các công ty lớn về nền tảng công nghệ vẫn là bên được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình chuyển đổi mang tính lịch sử mà chúng ta đang trải qua. Những công ty này đã thay thế nền kinh tế dựa vào công nghiệp của thế kỷ 19 và 20 bằng nền kinh tế dựa trên thông tin vốn đã và đang định hình thế kỷ 21.
Cuộc chuyển đổi này đã tạo ra vô số tác động, và nhiều tác động sẽ được tôi đề cập trong quyển sách này, chủ yếu thông qua những câu chuyện về Google – cái tên vốn luôn là tâm điểm của những biến đổi lớn trong toàn ngành công nghệ. Suy cho cùng, Google chính là công ty tiên phong trong mảng dữ liệu lớn (big data), quảng cáo nhắm đối tượng (targeted advertising), cũng như cái gọi là chủ nghĩa tư bản giám sát (surveillance capitalism) mà tôi sẽ nói đến. Họ đã theo đuổi triết lý “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ” từ rất lâu trước khi Facebook bắt đầu áp dụng.
Tôi đã theo dõi công ty này hơn hai mươi năm, và lần đầu tiên tôi gặp những nhà sáng lập nổi tiếng của Google, Page và Brin, không phải ở Thung lũng Silicon, mà là ở Davos – một thành phố ở Thụy Sĩ, nơi tụ họp của giới thượng lưu toàn cầu – khi họ tổ chức cuộc họp mặt với một nhóm truyền thông chọn lọc tại một ngôi nhà gỗ. Đó là thời điểm năm 2007 khi Google vừa mua lại YouTube được vài tháng, và có vẻ như họ muốn thuyết phục những phóng viên đầy hoài nghi rằng thương vụ này sẽ không giáng thêm một đòn chí tử vào bản quyền, nội dung có tính phí và khả năng tồn tại của những ấn phẩm tin tức mà chúng tôi đang làm ra.
Không giống như những chuyên gia tư vấn cúc-cài-tận-cổ đến từ McKinsey hay BCG, càng không giống giám đốc điều hành của các tập đoàn đa quốc gia lâu đời đang mặc bộ đồ vét chỉnh tề và rảo bước trên các con phố băng giá ở Davos trong những đôi giày lười có núm tua, hai anh chàng đến từ Google trông khá “ngầu” và “chất”. Họ mang những đôi giày thể thao năng động, hợp thời trang; ngôi nhà gỗ của họ có màu trắng, trông rất bóng bẩy và bề thế với phần chỗ ngồi được sắp xếp bằng những hình khối khổng lồ trong một không gian như mới được cải tạo trong buổi sáng hôm đó bởi những nhà thiết kế vừa được mời đến từ Thung lũng Silicon. Thực tế rất có thể là như vậy, và nếu vậy thì Google cũng không phải là kẻ duy nhất vung nhiều tiền cho các cuộc hội họp. Tôi nhớ mình từng tham dự một bữa tiệc ở Davos do nhà sáng lập Napster kiêm cựu chủ tịch Facebook là Sean Parker tổ chức, và ngoài sự góp mặt của những chú gấu nhồi bông khổng lồ, buổi tiệc hôm đó còn có cả phần trình diễn âm nhạc của nam ca sĩ John Legend3.
3 John Legend là nghệ danh của John Roger Stephens, một ca sĩ, nhạc sĩ kiêm diễn viên người Mỹ. Anh từng giành được 10 giải Grammy, 1 giải Quả cầu vàng và 1 giải Oscar.
Trở lại cuộc gặp gỡ ở ngôi nhà gỗ, Brin và Page tỏ ra rất nhiệt tình khi giải thích về sự liên quan giữa công ty với chính quyền Trung Quốc và khẳng định rằng Google không bao giờ giống như Microsoft, tập đoàn lúc bấy giờ bị coi là độc quyền và hay chèn ép các công ty khác. Vậy còn tương lai của ngành báo chí thì sao? Sau khi thừa nhận Page chỉ đọc tin tức miễn phí trên mạng còn Brin thường mua ấn bản phát hành ngày Chủ nhật của New York Times (“Đó là một tờ báo thú vị!”, Brin hứng khởi nhận xét), hai người họ đã khẳng định chính xác những gì phóng viên chúng tôi muốn nghe: họ đảm bảo rằng Google sẽ không bao giờ đe dọa sinh kế của giới báo chí. Đúng vậy, nhiều đơn vị mua quảng cáo đã đồng loạt rút khỏi các ấn phẩm in và chuyển sang sử dụng các trang mạng, nơi họ có thể nhắm đến người tiêu dùng mục tiêu với độ chính xác mà thế giới in ấn khó có thể tưởng tượng. Nhưng chúng tôi không cần phải lo! Google rất sẵn lòng giúp điều chỉnh mô hình kinh doanh của chúng tôi để chúng tôi cũng có thể phát triển mạnh mẽ trong thế giới kỹ thuật số mới.
Khi đó tôi còn khá trẻ và chưa phải là một phóng viên kinh doanh đầy hoài nghi như hiện tại, nhưng tôi vẫn có cảm giác nghi ngờ trước bài thuyết trình về “tương lai tươi sáng của tin tức” đó. Bất kể Google có thật sự muốn phát triển một mô hình doanh thu tuyệt vời nào đó hay không, điều khiến tôi lo lắng hơn cả chính là không ai trong chúng tôi đặt ra một câu hỏi vô cùng quan trọng. Nhận thức được vị thế và thâm niên của mình còn tương đối thấp, tôi ngồi ở cuối phòng, do dự, chờ đợi đến những giây phút cuối cùng của cuộc họp mới giơ tay.
“Thưa ông, tất cả những gì chúng ta đang nói nghe cứ như thể điều duy nhất chúng ta cần quan tâm là báo chí. Nhưng chẳng phải điều chúng ta cần đặt lên hàng đầu là nền dân chủ sao?”. Tôi lập luận: nếu các tờ báo và tạp chí đều bị Google hoặc những công ty tương tự làm cho sụp đổ, làm thế nào mọi người biết được chuyện gì đang xảy ra mỗi ngày?
Larry Page nhìn tôi với vẻ kỳ quặc, như thể ông ngạc nhiên không hiểu tại sao lại có kẻ hỏi một câu ngây ngô như vậy: “Ồ, vâng. Rất nhiều người trong đội ngũ của chúng tôi đang suy nghĩ về vấn đề đó”.
Giọng điệu của Page như thể muốn nói: “Đừng lo lắng. Google đã cho kỹ sư của họ nghiên cứu về vấn đề ‘dân chủ’ đó rồi. Mời người tiếp theo đặt câu hỏi”.
Thực tế cho thấy chúng ta đã phải lo lắng về nền dân chủ; và kể từ tháng Mười Một năm 2016, chúng ta càng phải lo lắng nhiều hơn. Đồng thời, chúng ta cũng không thể nào bỏ qua một sự thật hiển nhiên: khi các công ty công nghệ càng sở hữu sức mạnh không gì lay chuyển nổi, nền dân chủ của chúng ta càng trở nên bấp bênh. Báo chí đang dần bị nuốt chửng bởi Google và Facebook – hai công ty nắm giữ 60% thị trường quảng cáo trên Internet trong năm 2018. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự biến mất của khoảng 1.800 tờ báo tính từ năm 2004 đến năm 2018, khiến 200 hạt4 ở Mỹ hoàn toàn không còn báo chí, cản trở việc cung cấp những thông tin đáng tin cậy vốn là “nguồn oxy” của nền dân chủ. Và với thực tế là quảng cáo kỹ thuật số đã vượt qua quảng cáo truyền hình vào năm 2017, dĩ nhiên các bản tin truyền hình cũng sẽ có kết cục tương tự. Mặc dù từng được hưởng lợi từ “cú hích Trump”5 nhưng đến cuối cùng, kênh tin tức này cũng sẽ phải đối mặt với một cái kết hiển nhiên: bị Big Tech “ngắt kết nối” như các ấn phẩm truyền thông từng bị.
4 Hạt (county) là một đơn vị hành chính ở Mỹ, thường nhỏ hơn thành phố và lớn hơn quận (district).
5 “Cú hích Trump” (“Trump Bump”) là thuật ngữ xuất hiện trong giai đoạn Donald Trump tranh cử tổng thống Mỹ, dùng để chỉ sự gia tăng đột biến ở một lĩnh vực nào đó mà lý do có liên quan đến hoạt động chính trường của Trump. Chẳng hạn, “Cú hích Trump” trong lĩnh vực kinh tế ám chỉ sự gia tăng đạt mức kỷ lục về số lượng và giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán khi Trump đắc cử tổng thống.
Nhưng vấn đề do Big Tech gây ra không chỉ gói gọn trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến khía cạnh chính trị và nhận thức. Tuy những vấn đề này thường được đề cập một cách riêng lẻ nhưng trên thực tế, chúng có liên quan mật thiết với nhau. Mục đích của tôi khi viết quyển sách này là kết nối mọi thứ để nói lên toàn bộ câu chuyện, một phần tổng thể lớn hơn nhiều so với tổng của từng chi tiết nhỏ.
MỌI THỨ SỤP ĐỔ: TÁC ĐỘNG CHÍNH TRỊ CỦA BIG TECH
Sau khi có thông tin tiết lộ rằng những nền tảng công nghệ lớn nhất thế giới đã bị giới hoạt động chính trị Nga và các đại diện tư nhân của họ lợi dụng để thay đổi cục diện cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Facebook chính là công ty bị chỉ trích nhiều nhất, không phải Google. Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg một mực phủ nhận khả năng Facebook bị những đặc vụ nguy hiểm nước ngoài thâm nhập – dĩ nhiên tuyên bố này hoàn toàn trái ngược với thông tin được tiết lộ. Như tờ New York Times sau đó đưa tin, Zuckerberg và giám đốc vận hành Sheryl Sandberg đã bí mật thuê một công ty PR cánh hữu sử dụng những kỹ thuật ám muội để hạ uy tín của George Soros – chuyên gia tài chính dám chỉ trích Big Tech.
Google không có phản ứng gì đáng kể khi những thông tin đầu tiên về hoạt động thao túng bầu cử năm 2016 bị rò rỉ, nhưng hóa ra họ cũng đóng một vai trò không hề nhỏ. Công ty con của họ, YouTube, là nền tảng chủ yếu khuấy động sự căm ghét trước bầu cử bởi những kẻ thao túng ở cả trong lẫn ngoài nước Mỹ (bao gồm cả các đặc vụ Nga đang hoạt động trên Facebook).
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, sự kiện Brexit khi nước Anh rời Liên minh châu Âu (European Union - EU) và vai trò của Nga trong việc phát tán những thông tin sai lệch đã làm nổi bật một thực tế: sự gắn kết xã hội đang bị đe dọa trong cuộc cách mạng kỹ thuật số mới. Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin. Chúng ta không tin tưởng các tổ chức, các nhà lãnh đạo và cả các hệ thống đang được áp dụng để vận hành xã hội. Dù chúng ta thường có khuynh hướng muốn đổ lỗi cho nhà nước hoặc thể chế, nhưng bản chất của vấn đề không nằm ở chính quyền. Trên thực tế, nghiên cứu đã cho thấy khi mạng xã hội càng phát triển, niềm tin của người dân đối với nền dân chủ tự do sẽ càng suy giảm. Một phần nguyên nhân có liên quan đến vấn nạn tin giả – theo một số nghiên cứu hàn lâm, tin giả được chia sẻ nhiều hơn tin thật đến 70%. Nhưng đồng thời, sự sụt giảm lòng tin cũng có liên quan đến cảm giác rằng mọi thứ đều có thể được dàn xếp và có một khoảng cách ngày càng lớn về kinh tế và xã hội giữa người sở hữu nhiều và người không sở hữu gì, một sự chia rẽ không chỉ do Phố Wall tạo ra mà còn có sự góp phần của Thung lũng Silicon. Năm 2008, chính phủ Mỹ từng chi ngân sách để hỗ trợ các ngân hàng lớn nhất và quyền lực nhất, nhưng lại để mặc cho những chủ nhà đang vay nợ ngân hàng phải chịu nhiều tổn thất. Tất nhiên, chúng ta có thể bàn về khía cạnh kinh tế của quyết định này; nhưng về mặt chính trị, câu chuyện trước mắt vẫn là chính quyền đã bị thâu tóm bởi một nhóm nhỏ những người giàu có và quyền lực. Hệ quả là cử tri của cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ đều ngày càng mất lòng tin vào chính đảng của mình.
Giờ đây, giống như sự phẫn nộ của công chúng đối với Phố Wall sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 từng khiến chủ nghĩa dân túy bùng lên mạnh mẽ và góp phần dẫn đến chiến thắng của Donald Trump, lối suy nghĩ rằng Thung lũng Silicon đang chế tạo rô-bốt thay vì xây dựng nhà máy, hoặc tạo ra triệu phú giấy thay vì việc làm, cũng đang thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan ở cả hai chính đảng: từ chủ nghĩa phát xít được ủng hộ bởi giới da trắng ở các bang đỏ, đến chủ nghĩa xã hội ngày càng phổ biến giữa những thanh niên trẻ tuổi và giận dữ thuộc thế hệ Millennials ở các bang xanh6 (hay nói cách khác là những cảm giác được chia sẻ công khai và được nhiều người ủng hộ trên chính các nền tảng công nghệ đã khơi gợi những cảm giác đó). Nếu dành thời gian để suy ngẫm về điều này, chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên khi ngày càng nhiều chuyên gia tin rằng chính sự đột phá bắt nguồn từ công nghệ và hoạt động thương mại đã đẩy cử tri ở Vành đai rỉ sét7 về phía Donald Trump.
6 Ở Mỹ, màu xanh tượng trưng cho Đảng Dân chủ, màu đỏ tượng trưng cho Đảng Cộng hòa.
7 “Vành đai rỉ sét” là thuật ngữ được dùng để chỉ một khu vực rộng lớn của Mỹ, trải dài qua một số bang ở miền Trung Tây. Đây là khu vực từng có rất nhiều thành phố công nghiệp lớn trong thời hoàng kim của ngành công nghiệp Mỹ, nhưng đến đầu những năm 1980 thì bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái khi ngày càng nhiều doanh nghiệp rút khỏi khu vực do thuế và chi phí lao động công đoàn cao.
Tương tự, không còn gì để nghi ngờ khi nói rằng lĩnh vực công nghệ đã gây ra sự phân cực đáng kinh ngạc về mặt kinh tế. Một báo cáo năm 2016 của Nhóm Đổi mới Kinh tế cho thấy chỉ 75 trong hơn 3.000 hạt của Mỹ đã chiếm đến 50% tổng số việc làm mới. Big Tech hoạt động nhiều nhất ở một số thành phố như San Francisco, Austin, Palo Alto... Song, những thành phố có sự hiện diện của các công ty công nghệ lớn lại thường trở thành những “khu vườn kín cổng cao tường”. Ở San Francisco, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra sau khi bong bóng bất động sản khiến cả tầng lớp trung lưu cũng không có khả năng mua nhà.
Thêm vào đó, thao túng bầu cử thông qua các nền tảng công nghệ tiếp tục là một vấn đề nan giải của toàn thế giới, khi Google và Facebook vẫn được sử dụng để áp chế tiếng nói của người dân, hoặc thậm chí là ủng hộ các cuộc diệt chủng hay giết người ở nhiều quốc gia, từ Myanmar ở châu Á đến Cameroon ở châu Phi. Một số người tin rằng công nghệ khiến chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa phát xít hơn. Đây là một trong những lý do đã khiến George Soros – chuyên gia tài chính kiêm nhà sáng lập Quỹ Xã hội Mở – tập trung nghiên cứu về Big Tech như một mảng chính trong hoạt động từ thiện của ông.
Sinh ra ở Hungary, Soros rất nhạy cảm với tác động chính trị của cuộc cách mạng kỹ thuật số. Ông nhìn ra trong cuộc cách mạng đó một chế độ độc tài luôn thu thập dữ liệu cá nhân của chúng ta để phục vụ những mục đích đen tối, tương tự những dự đoán đã được tác giả George Orwell đề cập trong quyển tiểu thuyết 1984. Trong một bài phát biểu tại Davos vào tháng Một năm 2018, Soros nhấn mạnh rằng Big Tech đang tước đoạt quyền tự chủ của mọi người: “Chúng ta phải thật nỗ lực để khẳng định và bảo vệ cái mà John Stuart Mill gọi là ‘sự tự do tâm trí’. Một khi những người lớn lên trong thời đại kỹ thuật số đánh mất sự tự do này, sẽ rất khó để họ có thể tìm lại”. Ông lo sợ “chính quyền độc tài sẽ bắt tay với những gã trùm công nghệ đang sở hữu nhiều dữ liệu để hợp nhất hệ thống giám sát cấp doanh nghiệp vừa được phát triển với hệ thống giám sát cấp quốc gia vốn đã được nhà nước tài trợ phát triển từ lâu”.
Soros đã đúng khi có cảm giác lo sợ. Trung Quốc cũng có nhóm những ông lớn trong ngành công nghệ được gọi là BAT – Baidu, Alibaba và Tencent. Những công ty này thường xuyên theo dõi người dân Trung Quốc trong các “thành phố thông minh”, một cách gọi có vẻ quá “trong sáng” đối với những khu vực có gắn cảm biến để phục vụ cho việc giám sát 24/7 (trên thực tế, bài phát biểu năm 2019 của Soros tại Davos là về những hệ lụy xuất phát từ hệ thống giám sát của chính phủ Trung Quốc). Cần lưu ý rằng những công nghệ đã cung cấp sức mạnh cho các thành phố thông minh đó không chỉ được sản xuất và lắp đặt bởi công ty Trung Quốc như Huawei, mà còn bởi công ty Mỹ như Cisco. Tất nhiên, những thông tin thu về một phần là để phục vụ cho nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc phát triển và dẫn đầu những lĩnh vực vốn phụ thuộc vào khối lượng dữ liệu khổng lồ như trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI). Hoặc những thông tin đó sẽ được sử dụng trong hệ thống “tín dụng xã hội” đáng sợ của Vương quốc Trung tâm (Middle Kingdom)8 nơi công dân sẽ được giám sát và cho điểm – những điểm số có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ, từ khả năng vay vốn đến nơi sinh sống. Những thông tin chưa được thu thập bởi công ty Trung Quốc sẽ được thu thập thông qua quan hệ đối tác với những doanh nghiệp nước ngoài như Facebook (vào năm 2018, Facebook đã bị vạch trần về việc cho phép Huawei cũng như nhiều công ty Trung Quốc khác truy cập dữ liệu không công khai của người dùng).
8 “Trung Quốc” có nghĩa là “Quốc gia Trung tâm” hay “Vương quốc Trung tâm”, khi dịch sang tiếng Anh sẽ là “Central Country” hoặc “Middle Kingdom”. Tên gọi này không chỉ mang ý nghĩa là phần lãnh thổ của Trung Quốc nằm ở giữa những nước khác mà còn là hàm ý rằng Trung Quốc là quốc gia ở trung tâm “thiên hạ”, có sức mạnh quân sự và văn hóa hơn hẳn các nước.
Mọi chuyện càng trở nên “thú vị” khi trước mối lo ngại ngày càng tăng của công chúng về quyền riêng tư và các hoạt động kinh doanh phản cạnh tranh, một số công ty Big Tech đã đánh vào nỗi sợ hãi lâu đời của người Mỹ bằng cách so sánh với Trung Quốc. Nhiều tập đoàn Mỹ như Google và Facebook ngày càng cố gắng thể hiện bản thân là những “người hùng quốc gia” đang chiến đấu để bảo vệ vị trí số một của Mỹ trong một cuộc chiến giống như trò chơi điện tử, trong đó người thắng cuộc sẽ có tất cả khi đánh bại Middle Kingdom bạo tàn trong tương lai. Mùa xuân năm 2018, khi Mark Zuckerberg đang trình bày trước Thượng viện Mỹ về việc công ty của ông ta có liên quan thế nào đến vụ thao túng bầu cử, một phóng viên của tờ Associated Press đã chụp được cận cảnh tờ ghi chú của Zuckerberg. Nội dung tờ ghi chú cho thấy trong tình huống bị hỏi về sự độc quyền của Facebook, Zuckerberg sẽ trả lời rằng nếu công ty của ông ta bị chia nhỏ, Mỹ sẽ rơi vào thế bất lợi khi cạnh tranh với những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Theo những gì nhân viên quốc hội và chính trị gia ở Washington đã nói với tôi, Google cũng dùng lá bài an ninh quốc gia để đẩy lùi những lời kêu gọi chống độc quyền. Nhưng đồng thời, Google lại có một cơ sở nghiên cứu ở Bắc Kinh và từng dự định phát triển một cỗ máy tìm kiếm phiên bản có kiểm duyệt để phù hợp với các nguyên tắc của chính quyền sở tại (một đại diện truyền thông từng cho tôi biết dự án này hiện đang “tạm dừng”, sau cuộc “nổi dậy” của chính các kỹ sư Google cũng như sự phản đối từ Nhà Trắng và Quốc hội).
Apple dường như cũng không mấy đắn đo khi “tuân theo luật chơi” của Trung Quốc. Tại Mỹ, công ty này có thể đã bảo vệ gắt gao dữ liệu người dùng, từ chối giúp FBI phá khóa một chiếc iPhone trong quá trình điều tra vụ khủng bố ở Thành phố San Bernardino năm 2015; nhưng ở Trung Quốc, mọi thứ lại khác. Khi chính quyền Bắc Kinh buộc Apple chuyển tất cả trung tâm dữ liệu iCloud của khách hàng Trung Quốc sang đại lục – nơi chúng sẽ được vận hành bởi một công ty địa phương và không cần tuân thủ luật pháp Mỹ về vấn đề bảo mật thông tin – Apple đã nhanh chóng chấp thuận. Động thái này cho thấy khi đứng trước những mối đe dọa có thể ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh của công ty tại các thị trường trọng điểm, Apple sẽ có những giới hạn nhất định đối với nguyên tắc của họ về bảo vệ quyền tự do dân sự. Ngay cả Netflix, công ty ít bị chỉ trích nhất trong nhóm FAANG nhờ mô hình kinh doanh dạng đăng ký và chỉ tập trung vào những dữ liệu ít nhạy cảm hơn như sở thích giải trí của người dùng, cũng cúi đầu trước các nhà kiểm duyệt nước ngoài. Đầu tháng Một năm 2019, có thông tin rằng Netflix đã rút một tập của chương trình hài châm biếm nổi tiếng Patriot Act (tạm dịch: Đạo luật yêu nước) khỏi nền tảng của họ ở Saudi Arabia, sau khi các quan chức nước này phàn nàn về việc một diễn viên trong chương trình đã chỉ trích Thái tử Mohammed bin Salman vì có liên quan đến vụ ám sát nhà chính trị bất đồng chính kiến với ông là Jamal Khashoggi và tiến hành cuộc chiến tranh tàn bạo với Yemen.
Trong khi đó trên đất Mỹ, Big Tech lại đảm nhận vai trò “ông lớn” và bắt tay với chính quyền các cấp từ địa phương, tiểu bang đến quốc gia để tạo nên một đất nước ngày càng giống như “quốc gia giám sát” (surveillance nation). Amazon bán công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho cảnh sát. Palantir – một công ty big data do doanh nhân Peter Thiel của PayPal đồng sáng lập – làm việc với Sở Cảnh sát Los Angeles để nhắm vào người dân bằng một cách tiếp cận rất đáng lo ngại, giống như trong bộ phim khoa học viễn tưởng đen tối Minority Report (Bản báo cáo thiểu số). Không ai đoán được dữ liệu cá nhân của chúng ta còn có thể được sử dụng cho những mục đích gì, nhất là khi tất cả đều thường được tiến hành trong bí mật. Hệ quả là nền dân chủ Mỹ ngày càng bị Big Tech lấn át, từng chút một.
*
Cuối cùng các nhà lập pháp cũng chú ý đến những vấn đề do Big Tech gây ra. Vào mùa hè năm 2019, khi quyển sách này được xuất bản, Google, Facebook, Amazon cùng với Apple đang bị Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission – FTC) điều tra. Tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện cũng bắt đầu hành động bằng những kế hoạch chất vấn Big Tech kéo dài nhiều tháng liền. Tại thời điểm đó, tôi vẫn không chắc là các vấn đề có được giải quyết trước khi cuộc bầu cử năm 2020 diễn ra hay không. Suy cho cùng, hầu hết các đảng viên Đảng Cộng hòa đều bất đắc dĩ mới phải đụng đến vấn đề này, dù họ vẫn công khai thể hiện sự phẫn nộ (nhuốm màu chính trị) trước việc Google và Facebook thao túng các thuật toán theo hướng có lợi cho các chính trị gia Đảng Dân chủ. Lý do là vì Big Tech bị điều tra sẽ làm dấy lên câu hỏi về tư cách tổng thống của Donald Trump, khi mà giờ đây người ta đã biết rằng chính sự can thiệp của Nga qua Google và Facebook đã giúp ông chiến thắng.
Ở phía còn lại của cán cân chính trị, khi nói đến Big Tech, các đảng viên Đảng Dân chủ thường bày tỏ những quan điểm khác biệt nhau. Cánh ủng hộ Big Tech với những đại biểu như Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của New York tin vào “sự tự điều chỉnh” của Thung lũng Silicon, như ông từng đặt niềm tin vào các ngân hàng lớn tại bang nhà của mình. Người ta nói Schumer là một trong những chính trị gia mà Facebook đã kết nối trong nỗ lực hạn chế những tiếng xấu bắt nguồn vụ thao túng bầu cử. Và Schumer đã rất sẵn lòng ủng hộ Facebook, thậm chí ông còn khuyên những người đồng cấp như Thượng nghị sĩ Mark Warner – vốn cũng là nhà phê bình Facebook nổi tiếng – nên bớt chỉ trích công ty này (không biết có phải chỉ là trùng hợp không, nhưng con gái của Schumer lại đang làm việc cho Facebook). Trái lại, cánh cấp tiến (và kể cả một số đảng viên bảo thủ ủng hộ thị trường tự do, không liên minh với Trump) có xu hướng sẽ “làm cho ra lẽ” với Thung lũng Silicon. Một số ứng viên Dân chủ năm 2020 đã coi đó là một vấn đề nền tảng quan trọng. Nhưng thay đổi lĩnh vực công nghệ là một quá trình rất phức tạp, đòi hỏi các cấp chính quyền phải điều chỉnh hàng loạt các nguyên tắc và quy định, những gì vốn được ủng hộ (hoặc phản đối) bởi vô số các nhóm lợi ích khác nhau.
Trong khi đó, các ông trùm Big Tech – những tập đoàn thường bị kết tội là “dân chủ lệch” (dù thật ra, họ nghiêng về phía dân chủ nhiều hơn) – đang bận rộn ủng hộ bất kỳ bên nào có thể mang lại nhiều lợi ích cho họ nhất. Ví dụ, cựu giám đốc điều hành Eric Schmidt của Google từng ủng hộ cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa, thân thiện với chính quyền Trump và từng ngồi trong Ban Đổi mới của Bộ Quốc phòng dưới thời cả Obama và Trump. Schmidt cũng là cố vấn chính đối với những hoạt động có liên quan đến kỹ thuật số trong chiến dịch tranh cử của Obama và Hillary Clinton; ít nhất là ông đã vận dụng sức mạnh của Google để giúp Obama đắc cử và sau đó gây ra tác động đáng lo ngại về mặt chính sách.
Mặc dù những tác động này rõ ràng là không nghiêm trọng như việc tạo điều kiện để chiến dịch của Trump lan truyền sự phân biệt chủng tộc và tin giả trong cuộc bầu cử năm 2016, nhưng đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy các công ty này có sức ảnh hưởng quá lớn đối với toàn bộ hệ thống chính trị của chúng ta, theo những cách có thể làm xói mòn lòng tin của công chúng. Schmidt chắc chắn không phải là người duy nhất đi “nước đôi” với cả hai phía của hàng rào chính trị. Hãy nhìn lại cuộc họp đầu tiên giữa những gã trùm công nghệ ở Thung lũng Silicon với Donald Trump vào năm 2017, bạn sẽ thấy Sheryl Sandberg, Tim Cook và nhiều đảng viên nổi tiếng khác của Đảng Dân chủ đang nghiêng về Tổng thống Trump, theo đúng nghĩa đen. Tương tự, dù thuộc quyền sở hữu của giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos, nhưng The Washington Post – tờ báo thường xuyên chỉ trích Trump – vẫn lên án Amazon vì đã chuyển giao công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan của Bộ Nội an Mỹ, đơn vị đã giam giữ trẻ em trong lồng sắt ở biên giới Mexico.
Đa số đảng viên Dân chủ và ngày càng nhiều đảng viên Cộng hòa đều bị mua chuộc bởi những cuộc vận động hành lang rộng rãi của Big Tech. Thung lũng Silicon đang nắm quyền lực trong tay, và đương nhiên là họ muốn tiếp tục. Đó là lý do vì sao họ âm thầm tăng cường việc vận động hành lang ở Washington, cả công khai lẫn bí mật. Nếu chúng ta gộp tất cả các mảng như công nghệ thông tin, công nghệ nền tảng và điện tử, Big Tech hiện là nhóm chi tiền vận động hành lang nhiều thứ hai (chỉ đứng sau Big Pharma) ở Washington, trong đó tập đoàn Alphabet thường được xem là nhà vận động hành lang riêng lẻ lớn nhất.
Khi Google nổi lên như nhà vận động hành lang khối doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất – thậm chí còn là công ty có thời gian tiếp xúc giới cầm quyền tại Nhà Trắng nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác trong nhiệm kỳ thứ hai của Barack Obama – các cơ quan điều tra tội phạm cũng bắt đầu để ý đến Big Tech như “đối tượng quan tâm”. Đó là khi Google, Facebook và nhiều công ty Big Tech khác bắt đầu dùng tiền để vận động cả các nhóm lợi ích khó phân loại, ví dụ như Hiệp hội Thư viện Mỹ, Hiệp hội Người khuyết tật Mỹ, Liên minh Truyền thông Quốc Gia gốc Tây Ban Nha và Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ... Dù có thể không phải là đồng minh của cuộc cách mạng công nghệ, nhưng những tổ chức này đã ủng hộ một số quy định có lỗ hổng mà Big Tech có thể tận dụng, chẳng hạn như các nguyên tắc bảo vệ họ khỏi trách nhiệm pháp lý với những điều người dùng nói và làm trên không gian mạng.
Tuy những nhóm này có thể có lý do để phản đối những gã khổng lồ công nghệ về nhiều vấn đề chính sách khác nhau, nhưng những khoản đóng góp khổng lồ từ các mạnh thường quân ở Thung lũng Silicon thường sẽ khiến họ chuyển sang đồng tình hoặc có khi còn công khai ủng hộ. Ví dụ, khác với đa số tổ chức đại diện cho tác giả hoặc nhà xuất bản, Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ (American Library Association – ALA) đã đứng về phe Google trong cuộc chiến giành quyền sao chụp và số hóa toàn bộ sách trên thế giới. Dù đúng là người làm trong thư viện thường ủng hộ tự do ngôn luận và muốn mọi người đều có thể tiếp cận với sách, nhưng cũng không sai khi nói Google đã tài trợ tiền cho ALA và thường xuyên hợp tác với họ trong nhiều dự án lập chỉ mục cũng như mã hóa. Không những vậy, Google còn lấn sân sang lĩnh vực học thuật, tài trợ cho nhiều dự án nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề công nghệ cao, từ đó nhận được nhiều lời khen từ các học giả, những người mà trong nhiều tình huống khác sẽ thường tỏ ra rất ngờ vực. Khi viết về những vấn đề này, tôi thấy thật sự rất khó để xác định đâu là những tiếng nói hoàn toàn độc lập, vì hầu hết các chuyên gia đều được tài trợ theo một cách nào đó bởi các công ty Big Tech hoặc các đối thủ của họ – bằng chứng cho thấy những cuộc tranh luận dân sự ở Mỹ hoàn toàn có nguy cơ bị dập tắt bởi các nhóm lợi ích đang chịu sự chi phối của đồng tiền. Giới công nghệ muốn có những cuộc thảo luận về vấn đề sinh thái, chính trị và xã hội theo cách riêng của họ, hoặc không thảo luận gì cả.
Nói tóm lại, Big Tech đã thao túng cả hệ thống để đảm bảo họ có thể tiếp tục hoạt động tự do mà không bị chính phủ can thiệp. Kết quả là các công ty công nghệ thường “sống” trong vũ trụ của riêng họ, một vũ trụ đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia và bành trướng xuyên biên giới. Chính trên tinh thần này, Peter Thiel của Palantir cùng nhiều nhà đầu tư và doanh nhân quyền lực khác trong lĩnh vực công nghệ đã kêu gọi bang California ly khai khỏi Liên bang. Ông trùm công nghệ này cũng từng tài trợ cho kế hoạch xây dựng một hệ thống đảo nổi hoạt động bên ngoài quyền tài phán của chính phủ Mỹ, trong khi vẫn cùng các tỷ phú công nghệ khác duy trì những nơi ẩn náu ở New Zealand.
*
Ở thời điểm hiện tại, giống như Big Finance trước kia, Big Tech cũng đang “nắm đằng chuôi” và lợi dụng sự phức tạp để làm xáo trộn mọi thứ. Tôi không tài nào đếm được mình đã có bao nhiêu cuộc trò chuyện với những nhà công nghệ nói nhanh như gió và cố “phun ra” càng nhiều thuật ngữ càng tốt để xem tôi có hiểu gì không. Nhưng những câu hỏi đơn giản nhất mới là những câu khó trả lời nhất. Và tôi vẫn đang chờ câu trả lời rõ ràng cho những câu hỏi cơ bản như: “Bạn có đang tuân thủ luật chơi giống như những người khác không? Và nếu không thì tại sao?”.
Thung lũng Silicon vốn luôn mang trong mình chủ nghĩa tự do kiểu Ayn Rand9 bên trong cái vỏ bề ngoài hippie: sự kết hợp có thể giúp họ thoát khỏi “trách nhiệm xã hội đắt đỏ” vì những vấn đề mà các sản phẩm và dịch vụ của họ gây ra. Như Jonathan Taplin, Jaron Lanier và một số nhà phê bình Big Tech khác đã viết, các gã khổng lồ công nghệ có thể có xu hướng bỏ phiếu cho cánh tả, nhưng những người nghiêng hẳn về chủ nghĩa tự do trong giới kỹ thuật số lại có khả năng sẽ chuyển sang ủng hộ cánh hữu. Không những đề cao tư tưởng “Tham lam là tốt” của thập niên 80, những người này còn tỏ thái độ khinh miệt đối với các CEO trẻ tuổi – thế hệ chưa bao giờ thấy chính phủ làm bất cứ điều gì tham vọng ngoài cắt giảm thuế. Tất cả những điều này đã dẫn đến tâm lý tư lợi và thiển cận “đột phá mọi thứ”. Tất nhiên, việc phá vỡ mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc sửa chữa chúng.
9 Ayn Rand (1905-1982) là một tiểu thuyết gia và triết gia người Mỹ gốc Nga nổi tiếng với học thuyết Chủ nghĩa hiện thực khách quan. Mặc dù không ủng hộ chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism), nhưng Rand vẫn thường được đề cập khi nhắc đến phong trào tự do ở Mỹ.
NHỮNG NHÀ ĐỘC QUYỀN MỚI: BIG TECH VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG KINH TẾ
Trong gần ba mươi năm làm phóng viên kinh tế, tôi đã học được một nguyên tắc điều tra: lần theo dòng tiền. Ngày nay, Big Tech có nhiều tiền hơn bất kỳ ngành nào khác. Và mặc dù thiết kế sản phẩm tỉ mỉ, chiến lược quảng bá tích cực và quy mô kinh tế đại trà chắc chắn là những nhân tố chính tạo nên khối tài sản khổng lồ của Thung lũng Silicon, nhưng sự giàu có của họ cũng đồng thời là kết quả của một sự chuyển dịch kinh tế cơ bản hơn: từ một nền kinh tế dựa trên công cụ (và dịch vụ cung cấp công cụ) sang nền kinh tế dựa trên bit và byte. Big Tech đang định nghĩa lại điều gì là quan trọng và đáng giá trong nền kinh tế của chúng ta; và với các công ty này thì không có gì giá trị hơn dữ liệu cá nhân của chúng ta, những thông tin được thu thập một cách bí mật từ hầu như mọi ký tự chúng ta gõ ra trên không gian mạng, cũng như từ những động tác và sự dịch chuyển mà chúng ta thực hiện ngày càng nhiều trong thế giới thực. (Nếu bạn có một chiếc điện thoại Android, nó biết bạn đang ở đâu ngay lúc này; nếu các sản phẩm gia dụng của bạn có cảm biến, chúng cũng có thể theo dõi mọi thứ.)
Trên thực tế, khi các tập đoàn công nghệ hùng mạnh làm cho chúng ta gắn chặt với các thiết bị của mình, điều họ thật sự muốn không phải là theo dõi tâm trí của chúng ta, mà là thu thập những dữ liệu tạo nên hồ sơ người tiêu dùng của ta: tuổi tác, vị trí, tình trạng hôn nhân, sở thích, xuất thân, học vấn, khuynh hướng chính trị, lịch sử mua hàng, và còn nhiều nữa. Sau đó, dữ liệu sẽ được bán cho bên thứ ba là các công ty tiếp thị, những đơn vị có thể sẽ tiếp tục bán dữ liệu cho bất kỳ bên nào khác muốn tiếp cận chúng ta, từ các nhà bán lẻ đến những kẻ muốn thao túng kết quả bầu cử. Tiếp đến, những dữ liệu này có thể được sử dụng cho các quảng cáo siêu mục tiêu (hyper-targeted ads), hoặc sẽ được tổng hợp để cho ra những dự báo siêu chi tiết về nhiều xu hướng xã hội và thương mại cực kỳ giá trị đối với người sở hữu dữ liệu.
Dữ liệu chính là “dầu mỏ” của thời đại thông tin, là “nhiên liệu” thúc đẩy sự phát triển của những công ty có thể vận hành bằng dữ liệu – trong bối cảnh hiện tại là hầu hết mọi công ty trong hầu hết mọi ngành. Và đây là một điểm rất quan trọng, vì dù những vấn đề tôi nêu ra trong quyển sách này (chẳng hạn như mất quyền riêng tư, sức mạnh độc quyền của các tập đoàn, sự suy thoái của nền dân chủ tự do...) thường được minh họa rõ nhất bởi các ví dụ về nhóm FAANG, nhưng chắc chắn mọi chuyện không chỉ dừng ở đó. Người ta nói khi tạo hồ sơ nghiên cứu cử tri, công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica của Anh được Trump sử dụng trong chiến dịch tranh cử năm 2016 đã dùng không chỉ những thông tin từ Facebook mà còn từ hàng chục nguồn khác, bao gồm cả các tổ chức giáo dục và nhóm nhà thờ. Trên thực tế, bạn có thể lập luận rằng các công ty công nghệ đơn giản là “những chú chim hoàng yến trong mỏ than”10, dấu hiệu cảnh báo sớm cho những gì cuối cùng sẽ là một sự thay đổi lớn hơn nhiều nhằm xây dựng một hệ thống tư bản giám sát, trong đó các doanh nghiệp và tổ chức thuộc mọi lĩnh vực đều sẽ tham gia. Giống như những doanh nghiệp biết cách sử dụng thiết bị cơ giới hóa đã phát triển vượt bậc trong thời đại công nghiệp, những công ty có khả năng tận dụng dữ liệu cũng sẽ đạt được những thành công tương tự trong thời đại của chúng ta. Google và Facebook đã tìm ra cách khai thác dữ liệu và làm cho các quảng cáo nhắm mục tiêu của họ có độ chính xác không kém gì một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ nhắm vào một chỉ huy của tổ chức khủng bố ISIS, người vừa bước ra khỏi một boong-ke ở đâu đó trong lãnh thổ Syria vào lúc 3:13 chiều để hút một điếu thuốc.
10 Chim hoàng yến là một loài chim nhỏ, nhạy cảm, và sẽ sớm có biểu hiện nếu hít phải khí độc. Năm 1913, nhà sinh lý học John Scott Haldane đã đề xuất ý tưởng mang theo chim hoàng yến vào mỏ than để nếu trong mỏ phát sinh khí độc thì các thợ mỏ có thể dựa vào phản ứng của chim để nhận biết và sớm rời khỏi đó.
Trước nay, dữ liệu người dùng chủ yếu được thu thập thông qua máy tính và thiết bị di động. Tuy nhiên, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các trợ lý ảo như Alexa của Amazon, Home Mini của Google và Siri của Apple – những sản phẩm hiện đã có mặt ở một phần ba số hộ gia đình ở Mỹ, với mức tăng trưởng doanh thu lên đến ba con số một năm – tiếng nói của con người đã trở thành một loại vàng mới. Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc Alexa và Siri đang “nghe lỏm” các cuộc trò chuyện cũng như các cuộc gọi điện thoại của chúng ta, nhưng không có gì phải tranh cãi về việc chúng có thể nghe mọi thứ ta nói (và trong tích tắc, những gì chúng ta nói ra đã có thể được sử dụng để định hướng quyết định mua hàng của ta). Không bao lâu nữa, chúng ta cũng sẽ thấy được các tác động về mặt chính trị. Một số nhà nghiên cứu lo ngại rằng các trợ lý kỹ thuật số sẽ trở thành công cụ thao túng bầu cử mạnh hơn cả mạng xã hội.
Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều sẽ bị ảnh hưởng. Hãy nghĩ đến các chủ nhà bị từ chối bảo hiểm, một ví dụ hoàn toàn không phải là số ít. Kể từ ngày được khai sinh đến nay, lĩnh vực bảo hiểm đã hoạt động dựa trên cơ sở chia sẻ rủi ro: lấy tổng chi phí bảo hiểm cho các nhóm nhà cửa, xe hơi và nhân mạng rồi chia đều cho số tài sản. Trong thời đại dữ liệu hiện nay, các tập đoàn bảo hiểm sẽ có thể truy xuất thông tin từ thiết bị theo dõi trong xe hơi hoặc các cảm biến trong nhà bạn – chẳng hạn như cảm biến của máy điều nhiệt “thông minh”, máy báo khói, hay camera an ninh (có thể được sản xuất bởi Nest Labs, công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản phẩm nhà thông minh, được tạo ra và thuộc sở hữu của Google) – và sử dụng những thông tin đó để định giá hợp đồng bảo hiểm dành riêng cho bạn, phù hợp với thói quen và phong cách cá nhân của bạn. Có thể bạn sẽ được hưởng một ưu đãi gì đó nếu dữ liệu cho thấy bạn vừa gắn một hệ thống ống nước mới có cảm biến đo lường hiệu suất hoạt động hoặc bạn thường thận trọng dừng xe lúc đèn giao thông vừa chuyển sang màu vàng. Nghe cũng có vẻ tốt đẹp, đúng không?
Còn đây là những gì không mấy tốt đẹp. Bạn sẽ phải trả giá nếu cảm biến phát hiện cậu con trai mười sáu tuổi của bạn đang hút thuốc trong phòng ngủ (máy báo khói sẽ lập tức gửi thông báo đến công ty bảo hiểm của bạn), hoặc không kịp dọn tuyết ở hiên nhà trước khi nó đóng băng (cảm biến sẽ ghi lại thời điểm bạn dọn tuyết và gửi đến công ty bảo hiểm để những công ty này có thể hạn chế rủi ro phải bồi thường nếu một người qua đường bị trượt chân té ngã). Có thể bạn sẽ được quyền chọn không sử dụng các thiết bị giám sát đó, nhưng công ty bảo hiểm sẽ không để việc đó diễn ra dễ dàng. Tương tự, khi lướt những trang mạng như Facebook hay Google, bạn sẽ không thể từ chối cấp quyền truy cập thông tin cá nhân mà không bị tước bỏ quyền sử dụng nhiều dịch vụ.
Rõ ràng, những hoạt động nhắm mục tiêu có độ chính xác cao này có thể tác động mạnh đến những người yếu thế và dễ bị tổn thương. Ví dụ, Google từng cho phép những người cho vay nặng lãi quảng cáo trên nền tảng của mình – nơi thông tin người dùng có thể bị lợi dụng để nhắm đến những người có nhu cầu vay nóng – rất nhiều năm trước khi chấm dứt tình trạng này. Tương tự, hoạt động bảo hiểm như trong ví dụ trên đã phá vỡ cơ chế chia sẻ rủi ro giữa một tập thể lớn hơn và khiến cho nhiều cá nhân phải tự xoay xở, từ đó có thể dẫn đến sự ra đời của một tầng lớp cấp thấp không được bảo hiểm, phải trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước hoặc tìm đến những người cho vay nặng lãi. Điều này cũng khơi gợi một bí mật bẩn thỉu khác của thời đại kỹ thuật số: chính phủ có thể sẽ trở thành nhà cung cấp bảo hiểm cuối cùng, và người đóng thuế sẽ phải nhận lãnh trách nhiệm bảo hiểm cho những người bị công ty bảo hiểm tư nhân xem là rủi ro cao.
Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu. Facebook và Google không phải là những công ty duy nhất đang thu thập dữ liệu về tất cả chúng ta và tận dụng sức mạnh của dữ liệu để có được những lợi ích lớn nhất, mạnh mẽ nhất. Với sự dẫn đầu của Big Tech, rất nhiều doanh nghiệp cũng đang tự phát triển kỹ thuật khai thác dữ liệu để cùng tận hưởng sự giàu có – những vòi bạch tuộc đang len lỏi khắp nền kinh tế. Các nhà môi giới dữ liệu như văn phòng tín dụng, công ty dữ liệu sức khỏe hay công ty cung cấp thẻ tín dụng... đang thu thập và bán mọi loại dữ liệu nhạy cảm của người dùng cho những doanh nghiệp và tổ chức không có khả năng tự thu thập dữ liệu. Đó có thể là các nhà bán lẻ, ngân hàng, công ty cho vay thế chấp, trường đại học, tổ chức từ thiện, và chắc chắn là không thể thiếu những tổ chức thực hiện các chiến dịch chính trị.
Mỗi khi khởi động điện thoại, bạn đã mở hàng loạt ứng dụng theo dõi vị trí và hoạt động của bạn trong từng giây. Riêng những ứng dụng này đã đại diện cho một ngành công nghiệp “tọc mạch” trị giá đến 21 tỷ đô-la; và bên hưởng lợi không chỉ là các công ty công nghệ lớn nhất (hệ điều hành Android của Google có đến 1.200 ứng dụng theo dõi như vậy), mà còn là một loạt tổ chức bạn chưa bao giờ nghĩ tới như tập đoàn Goldman Sachs hay kênh dự báo thời tiết Weather Channel. Và đó chỉ mới là khía cạnh tiêu dùng. Internet thương mại kiểu cũ đang dần chuyển thành “Internet vạn vật” công nghiệp và sẽ thu thập dữ liệu trong cả thế giới thực – ở các công ty thiết kế, nhà máy sản xuất, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính, bệnh viện, trường học, và thậm chí ở nhà của chúng ta.
Hầu như với mọi công ty tầm cỡ như Starbucks, Johnson & Johnson, Goldman Sachs…, việc thành công khai thác dữ liệu luôn đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh của họ. Các công ty bất động sản sử dụng nhiều ứng dụng AI khác nhau để khai thác dữ liệu của người mua và người bán tiềm năng, thậm chí để tự động hóa hoạt động đầu tư lướt sóng. Nhiều công ty khác thu thập dữ liệu từ màn hình điện tử để đánh giá năng suất lao động của nhân viên, tạo những bảng xếp hạng nhân viên được cập nhật liên tục và gửi cho cấp trên của họ. Một số công ty sản xuất đồ thể thao hiện đã gắn thiết bị định vị toàn cầu (Global Positioning System – GPS) vào giày chạy bộ để theo dõi xem khách hàng chạy bộ ở đâu và trong thời gian bao lâu. Goodyear lắp cảm biến vào lốp xe để truyền dữ liệu về hiệu suất lốp cho kỹ sư của họ.
Những công ty này không “kinh doanh sự chú ý” như Google và Facebook. Họ cũng không có mô hình kinh doanh được xây dựng dựa trên việc mua bán và kiếm tiền bằng dữ liệu. Nhưng trên thực tế, họ vẫn tận dụng dữ liệu để tăng lợi tức đầu tư. Có người nói cách nhanh nhất để trở thành một trong 10% công ty hàng đầu đang nắm giữ 80% tài sản doanh nghiệp là tìm ra cách tận dụng những tài sản “vô hình” – chứ không phải vật chất hay thậm chí là vốn – như dữ liệu, bằng sáng chế, tài sản trí tuệ và các mạng lưới. Các công ty trong mọi lĩnh vực đều trông chờ dữ liệu điện tử có thể giúp họ thúc đẩy sự tăng trưởng trong những năm tới. AI theo hướng dữ liệu có thể mang lại khoản doanh thu lên tới gần 6.000 tỷ đô-la cho những công ty triển khai thành công. (Ngành được hưởng lợi nhiều nhất hiện là bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng.) Hầu hết các CEO tôi từng trò chuyện đều cực kỳ lạc quan khi nhắc đến chủ đề này, họ cho rằng các khoản đầu tư vào AI sẽ mang về cho họ từ 10% đến 30% lợi nhuận. Và càng có nhiều dữ liệu, AI càng hoạt động hiệu quả. Điều này tốt cho doanh nghiệp, nhưng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các công dân đang bị xâm phạm quyền riêng tư, cũng như người lao động đang làm những công việc có thể được thực hiện bởi máy móc.
*
Làm thế nào mà chỉ trong vòng hai mươi năm, Big Tech đã có thể định hình lại nền kinh tế của chúng ta như vậy? Đây chính là mấu chốt của vấn đề: nhiều công ty về công nghệ nền tảng hoạt động như những đế chế “độc quyền tự nhiên” – những công ty có thể chi phối thị trường bằng sức mạnh tuyệt đối bắt nguồn từ chính mạng lưới của họ. Nhiều người cho rằng Google, Facebook, Amazon, và có lẽ cả Netflix và Apple đều là những công ty như thế (mặc dù bản thân Apple sẽ phản biện rằng họ có nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường điện thoại di động, trong đó đáng chú ý nhất là Google với thị phần lớn hơn nhiều nếu tính theo tỷ lệ người dùng sử dụng điện thoại chạy hệ điều hành Android). Độc quyền tự nhiên thường là sản phẩm của hiệu ứng mạng – khi một nền tảng càng có nhiều người dùng thì nó càng có sức hấp dẫn đối với người dùng mới. Các rào cản gia nhập, bất kể là chi phí vốn hay đơn giản là có doanh nghiệp đã tham gia trước và kiểm soát lãnh thổ ảo/vật lý, luôn rất lớn và rất hiệu quả trong việc ngăn cản những người khác tham gia thị trường. Chính nhờ những rào cản này mà nhiều công ty đã có thể chi phối lĩnh vực họ hoạt động, từ các doanh nghiệp đường sắt, điện báo và điện thoại trước đây cho đến một số gã khổng lồ truyền thông ngày nay. Với những doanh nghiệp có mạng lưới như vậy, độc quyền có vẻ giống với một quy luật hiển nhiên hơn là một trường hợp ngoại lệ, trừ khi chính phủ can thiệp bằng cách nào đó để ngăn chặn sự độc quyền (như những chính sách từng được đưa ra cho lĩnh vực đường sắt và viễn thông, hoặc vụ điều tra chống độc quyền hai mươi năm trước về Microsoft – sự kiện đã tạo điều kiện cho Google vươn lên).
Mặc dù có ảnh hưởng sâu rộng, nhưng những biến đổi tôi đề cập chỉ mới là khởi đầu. Về mặt lý thuyết, mỗi công ty Big Tech sẽ hoạt động trong một thị trường riêng biệt. Nhưng trong cuộc chiến tranh giành thị phần theo kiểu Darwin, họ chiếm ưu thế trong lãnh địa của mình lớn đến mức họ không chỉ khai thác một thị trường mà còn chiếm giữ toàn bộ thị trường đó. Tiếp đến, họ vận dụng sức mạnh đó để tiến sang những thị trường mới, tạo ra những “mạng lưới meta” (mạng lưới của nhiều mạng lưới) khổng lồ và có sức ảnh hưởng cũng như phạm vi tiếp cận đáng kinh ngạc. Netflix, Amazon, và ở một mức độ nào đó là cả Apple – cái tên tương đối mới trong mảng giải trí – đã không còn hài lòng với việc làm những người dẫn đầu “không đối thủ” trong thị trường phát video trực tuyến. Giờ đây, họ đã trở thành những nhà sản xuất nội dung, hãng phim truyền hình và phim ảnh có tầm ảnh hưởng. Họ chi hàng tỷ đô-la (trong trường hợp của Netflix và Amazon) cho các chương trình truyền hình hoàn toàn mới, khiến những gã khổng lồ trước đây của ngành giải trí phải chật vật tìm cách cạnh tranh (đơn cử là vụ hợp nhất đình đám giữa công ty viễn thông AT&T với tập đoàn truyền thông Time Warner). Tương tự, Google lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh vận tải khi nỗ lực tạo ra một chiếc xe hơi tự lái, Facebook cố gắng phát triển một hệ thống tài chính của riêng mình với đồng tiền ảo Diem, và Apple cũng hợp tác với Goldman Sachs để phát hành một dòng thẻ tín dụng mang thương hiệu của mình.
Nói cách khác, Big Tech không chỉ muốn trở thành người dẫn đầu trong một lĩnh vực, mà còn muốn trở thành nền tảng cho mọi thứ và trở thành “hệ điều hành” cho cuộc sống của chúng ta. Amazon được cho là công ty có chiến lược tốt nhất để theo đuổi tham vọng này từ trước đến nay. Amazon không chỉ là một “cửa hàng mọi thứ” như nhà báo Brad Stone đã gọi trong quyển sách cùng tên, mà còn trở thành một “trang trại máy chủ” khổng lồ – nơi lưu trữ vô số dữ liệu điện toán đám mây – và một đơn vị giao hàng có thể “kết liễu” tất cả các đơn vị giao hàng khác, theo đúng nghĩa đen. Họ chuyển từ việc chỉ vận chuyển sản phẩm của chính mình (sách, vớ, đồ gia dụng) sang vận chuyển bất kỳ món gì mà người tiêu dùng có thể nghĩ tới – từ DVD của Netflix, hộp chuyển đổi dữ liệu truyền hình cáp của Comcast đến các tạp chí Condé Nast – và về cơ bản là thay thế dịch vụ của các ông lớn trong lĩnh vực vận chuyển như FedEx, United Parcel và United States Postal, nuôi tham vọng trở thành dịch vụ mà cả nước Mỹ sẽ sử dụng khi cần vận chuyển các gói hàng hay thư từ.
Amazon theo đuổi mục tiêu trở thành nền tảng của gần như mọi hoạt động thương mại bằng cách lấn sân các kênh phân phối khác. Trong quá trình đó, Amazon có thể chọn cho mình phân khúc cao cấp nhất của mảng vận chuyển, cắt bỏ mọi thứ khác và chừa lại những phân khúc cấp thấp cũng như tốn kém đến các vùng nông thôn cho U.S. Mail, đơn vị vận chuyển của chính phủ Mỹ. Tính đến thời điểm hiện tại, Amazon đã sử dụng hơn một phần ba công suất toàn cầu của hệ thống điện toán đám mây để theo dõi tất cả hoạt động kinh doanh của mình. Doanh nghiệp này thậm chí còn cung cấp tin tình báo chưa được bảo mật cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (Central Intelligence Agency – CIA).
Gần đây nhất, Amazon đã tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe – ngành công nghiệp trị giá 3.500 tỷ đô-la – và thay đổi hoàn toàn cách chúng ta mua thuốc theo toa, chọn và mua các gói bảo hiểm y tế... bằng cách tận dụng chuỗi cung ứng của mình và kho dữ liệu sức khỏe cá nhân có thể dễ dàng được cải tiến nhờ các thông tin được cập nhật tức thời từ máy theo dõi sức khỏe tại nhà, bệnh viện và phòng khám. Chính những tham vọng này đã khiến Amazon có khả năng trở thành ứng dụng “đáng gờm” nhất trong các ứng dụng “đáng gờm”, xét về quyền lực tuyệt đối trên thị trường. Không có gì ngạc nhiên khi Jeff Bezos (với tài sản ròng 112 tỷ đô-la) đã trở thành người giàu nhất trong các nhà tài phiệt công nghệ, hoặc thậm chí là người giàu nhất mọi thời đại.
Một trong những cách giúp những gã khổng lồ này ngày càng bành trướng là vận dụng hiệu ứng mạng. Một cách khác nữa đơn giản là lấn lướt những tay chơi nhỏ hơn và đánh cắp tài sản trí tuệ của họ. Tôi thường nghĩ đến câu chuyện do một doanh nhân kiêm nhà đầu tư mạo hiểm ở Boston từng kể cho tôi nghe. Theo đó, một công ty Big Tech có tên tuổi từng cân nhắc thuê doanh nghiệp của ông thực hiện một dự án phân tích dữ liệu; họ yêu cầu ông lập trình bằng mã nguồn mở như thể để đánh giá chất lượng trước khi hợp tác, nhưng sau đó họ lại lấy ý tưởng của ông để tự triển khai. Tất nhiên, vị doanh nhân đó chỉ kể lại câu chuyện như một lời chia sẻ không chính thức, vì giống như hầu hết những người trong ngành, ông sợ mình sẽ bị tẩy chay.
Ông nói: “Tôi có email cho thấy họ đã lấy phần lập trình của tôi. Tôi không có đủ tiền để đâm đơn kiện họ, nhưng tôi đã đến gặp người nhân viên trước đó từng liên hệ tôi và hỏi: ‘Này, các anh nghĩ sao mà lại hành động như vậy?’. Anh ta đáp: ‘Anh phải hiểu rằng mỗi giây chúng tôi phải xử lý một lượng dữ liệu nhiều gấp sáu lần một ngân hàng lớn, nhưng lợi nhuận chúng tôi kiếm được chỉ bằng 1/100.000 lợi nhuận của họ. Nếu phải trả tiền cho mọi thứ thì làm sao chúng tôi kinh doanh được’”.
Khi các công ty công nghệ ngày càng lớn mạnh, họ càng tận dụng sức mạnh thị trường để đánh bại đối thủ cạnh tranh: họ tìm cách mua lại công ty đối thủ càng sớm càng tốt hoặc săn lùng nhân tài của đối phương. Trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, có cả một phân khúc được dành riêng cho việc tài trợ các công ty khởi nghiệp, những tổ chức được xem như “trang trại nhân tài” của Big Tech thay vì những đơn vị tự phát triển để thành công. Google, Apple và nhiều công ty khác được cho là đã ký thỏa thuận “không săn trộm nhân viên” với các công ty đối thủ, hạn chế hiệu quả tình trạng người lao động nhảy việc để tìm kiếm những công việc tốt hơn.
Tất cả những động thái này không chỉ tác động cực lớn đến các công ty mới thành lập và người lao động, mà còn tàn phá nền kinh tế vốn phụ thuộc vào họ. Trong thế kỷ trước, cứ mỗi hai năm là một làn sóng khởi nghiệp lại nổi lên, làm thay đổi thứ hạng của những công ty hàng đầu nước Mỹ và cải thiện vị thế cạnh tranh toàn cầu của quốc gia này. Nhưng giờ thì không. Kể từ khi Big Tech trỗi dậy, vốn đầu tư mạo hiểm cho giai đoạn đầu cũng như số lượng công ty khởi nghiệp được tài trợ đã giảm mạnh, khiến số lượng việc làm mới – những gì mà nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc vào đó – cũng giảm theo. Theo tổ chức Kauffman, số lượng những công ty dưới một năm tuổi đã giảm đến tận 44% trong khoảng thời gian từ năm 1978 đến năm 2012, trùng khớp với thời kỳ mà Thung lũng Silicon hiện đại đang trỗi dậy. Một số báo cáo hàn lâm khác cũng cho thấy xu hướng tương tự, và không phải chỉ trong một ngành mà là tất cả các ngành. Trong nghiên cứu xem xét quá trình các công ty mới gia nhập hoặc rút lui khỏi thị trường, nhà kinh tế học Robert Litan của Viện Brookings đã viết: “Động lực kinh doanh và tinh thần doanh nhân ở Mỹ đang trải qua một thời kỳ suy thoái trầm trọng, kéo dài”. Nghiên cứu của Litan cho thấy mặc dù xu hướng này đã diễn ra suốt nhiều thập niên qua, nhưng lần giảm mạnh nhất là vào giữa những năm 2000, khi Big Tech thật sự bùng nổ.
Dù xu hướng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau – từ nhân khẩu học, tính linh động cho đến việc nhập cư – nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng phần cốt lõi của câu chuyện chính là sự phát triển của một nền kinh tế siêu sao được thúc đẩy bởi công nghệ, trong đó một số công ty nổi trội đã chiếm được một phần ngày càng lớn trong “miếng bánh kinh tế”. Theo Viện Roosevelt: “Thị trường hiện đang tập trung hơn và ít cạnh tranh hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ Thời Vàng son11”. Và mặc dù Thung lũng Silicon nổi tiếng là nơi tạo ra những điều mới mẻ, nhưng trong khoảng mười năm trở lại đây, không có sự thay đổi đặc biệt lớn nào được tạo ra bởi các công ty công nghệ lớn nhất. Thậm chí, ngay cả thương hiệu đi đôi với sự sáng tạo như Apple cũng không mang đến cho chúng ta bất kỳ sản phẩm đột phá nào kể từ khi ra mắt iPad vào năm 2010, mà chỉ thêm một số tính năng râu ria cho những dòng sản phẩm hiện có. Vậy những nhà sáng tạo của hiện tại đang ở đâu? Thường thì tất cả đều đã bị bóp nghẹt “từ trong trứng nước”.
11 “Thời Vàng son” hay “Thời đại Mạ vàng” (“The Gilded Age”) là thuật ngữ dùng để chỉ một thời kỳ trong lịch sử Mỹ vào cuối thế kỷ 19, khoảng từ 1870 đến 1900. Vào thời kỳ này, kinh tế Mỹ phát triển vượt bậc, từ kinh tế, xã hội đến khoa học kỹ thuật, nhưng kéo theo đó là sự phân chia giai cấp và phân hóa giàu nghèo.
*
Khi biết tất cả những điều trên, nhiều người có thể sẽ đặt câu hỏi tại sao Big Tech vẫn không bị kết luận là độc quyền và không bị buộc phải chia nhỏ như công ty viễn thông Bell Telephone hay tập đoàn đa quốc gia Standard Oil trong quá khứ, hoặc ít nhất là phải thay đổi hay bị hạn chế bởi các quy định như Microsoft của hai mươi năm trước. Lý do là vì sau bốn mươi năm, tư duy kinh tế của chúng ta về chính sách chống độc quyền đã thay đổi, hay ngắn gọn hơn là vì người đàn ông tên Robert Bork. Dù mang tiếng là từng bị Thượng viện bỏ phiếu chống khi ứng cử vào vị trí thẩm phán của Tối cao Pháp viện Mỹ (cũng như đã sa thải Archibald Cox trong “Vụ thảm sát đêm thứ Bảy” có liên quan đến bê bối Watergate những năm trước đó), nhưng Bork cũng đã đạt được một thành tựu quan trọng và có tác động lâu dài khi viết quyển The Antitrust Paradox (tạm dịch: Nghịch lý chống độc quyền) vào năm 1978. Chính quyển sách này đã cung cấp những lập luận theo hướng pháp lý cho sự thống trị trên quy mô toàn cầu và không gì cản nổi của Big Tech, tạo tiền đề cho các quyết định được Tối cao Pháp viện đưa ra vào năm 1979 và vẫn được duy trì đến tận ngày nay. Bork cho rằng độc quyền không nên được định nghĩa như Đạo luật Sherman là một công ty tận dụng vị thế dẫn đầu thị trường để ngăn chặn sự cạnh tranh. Thay vào đó, độc quyền là khi một công ty tăng giá sản phẩm/dịch vụ một cách quá đáng hoặc vô lý. Theo Bork, nếu một tay thống trị không tăng giá thì đó không phải là độc quyền.
Nhưng các công ty Big Tech không cần phải tăng giá. Họ có một mô hình kinh doanh không được trả bằng tiền. Họ được thanh toán bằng dữ liệu, thông qua một hệ thống “đổi chác”. Và trong hệ thống này, nhiều nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản dường như không được áp dụng. Cha đẻ của chủ nghĩa tư bản hiện đại Adam Smith cho rằng để thị trường có thể hoạt động, chúng ta cần có sự minh bạch, quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin và một khuôn khổ đạo đức chung. Nhưng trong thời đại kỹ thuật số, ba khái niệm này hầu như không hoặc rất hiếm khi phát huy tác dụng.
Ngoài việc cung cấp những sản phẩm “miễn phí” hoặc giá rẻ, các ông trùm công nghệ ngày nay cũng thường được ca ngợi vì đã cung cấp sự tiện dụng (một trong những lợi ích được nhiều người công nhận). Nhưng mọi người lại có khuynh hướng bỏ qua một thực tế, đó là những công ty này cũng đồng thời thu hẹp lựa chọn của người tiêu dùng, và quan trọng hơn là làm giảm tính cạnh tranh kinh tế. Dữ liệu không có giá trị tiền tệ, nếu người sở hữu không thể trực tiếp bán nó cho bất kỳ ai (ít nhất là chưa). Dữ liệu không được tính như một loại tài sản trên bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp đang làm giàu từ nó (mặc dù nhiều cơ quan quản lý tin rằng nó nên được liệt kê). Nhưng nhìn chung, dữ liệu rất có giá trị đối với Big Tech khi họ bán nó cho các đơn vị quảng cáo và thu về mức lợi nhuận đáng kinh ngạc.
Không ai có thể xác định giá trị chính xác của một phần dữ liệu riêng lẻ là bao nhiêu. Hầu hết những nhà kinh tế học dữ liệu hàng đầu trên thế giới đều đang làm việc cho Google cũng như các công ty Big Tech khác. Điều này có nghĩa là có rất ít nghiên cứu được thực hiện một cách trung lập và minh bạch để tiết lộ dữ liệu thật sự có giá trị như thế nào. Nhưng gần đây, theo yêu cầu của nhóm chiến lược Future Majority thuộc Đảng Dân chủ, một nghiên cứu đã được nhóm phân tích bảo mật Sonecon thực hiện nhằm cố gắng đưa ra một ước tính sơ bộ về khối tài sản được tạo ra từ việc khai thác dữ liệu cá nhân. Họ phát hiện đó là một con số khổng lồ, xấp xỉ 76 tỷ đô-la doanh thu năm; và những bên được hưởng lợi không chỉ là các ông trùm Big Tech mà còn là những tổ chức đang cùng họ khai thác dữ liệu, chẳng hạn như văn phòng tín dụng, công ty tài chính và cơ sở chăm sóc sức khỏe. Nghiên cứu này cũng cho thấy chỉ trong vòng hai năm (2018-2019), doanh thu từ việc thu thập dữ liệu đã tăng đến 44,9%. Theo dữ liệu của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, tốc độ này đã vượt qua cả những ngành như xuất bản trực tuyến, xử lý dữ liệu và chính ngành dịch vụ thông tin. Nếu xu hướng này không có gì thay đổi thì năm 2022, dữ liệu cá nhân của chúng ta sẽ có giá trị tương đương 197,7 tỷ đô-la, cao hơn tổng giá trị sản lượng nông nghiệp của Mỹ. Đây rõ ràng là hoạt động khai thác tài nguyên trên quy mô cực lớn. Và nếu dữ liệu là loại dầu mỏ mới, Mỹ chính là Saudi Arabia của kỷ nguyên kỹ thuật số, còn các công ty nền tảng Internet hàng đầu chính là Aramco12 hay ExxonMobil13 mới.
12 Aramco là tên gọi phổ biến của Saudi Aramco, công ty dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên của Saudi Arabia.
13 ExxonMobil là tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ.
Dữ liệu là nguồn nhiên liệu mới cho sự tăng trưởng của nhiều ngành, từ sản xuất, bán lẻ đến các dịch vụ tài chính. Nhưng không giống như các tài sản doanh nghiệp khác, dữ liệu không nhất thiết tạo ra nhiều việc làm, mà chỉ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận. Và khoản lợi nhuận đó có khuynh hướng đi thẳng vào ví của các giám đốc điều hành cũng như cổ đông. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2018 của công ty tài chính JP Morgan cho thấy sau khi Trump cắt giảm thuế, phần lớn số tiền được rút từ các tài khoản nước ngoài về Mỹ đều được dùng cho việc mua lại cổ phần14, giúp cho những công ty và những người giàu có nhất càng thêm giàu có. Nếu chỉ tính riêng mười công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ, số tiền họ bỏ ra vào năm 2018 để mua lại cổ phần của chính họ đã hơn 169 tỷ đô-la. Nếu tính toàn ngành, con số này là khoảng 387 tỷ đô-la.
14 Mua lại cổ phần có nghĩa là một công ty dùng tiền để mua lại những cổ phần mà họ đã bán ra trên thị trường. Bằng cách này, công ty đó có thể lập tức chia cho cổ đông khoản tiền nhàn rỗi, không cần dùng đến trong việc đầu tư hay vận hành.
Dù Big Tech đã thực hiện rất nhiều các thương vụ mua lại và đã tạo ra nhiều tài sản hơn bất kỳ nhóm công ty nào khác trong lịch sử, nhưng tỷ lệ việc làm trên giá trị vốn hóa thị trường họ tạo ra lại ít hơn so với mọi gã khổng lồ trong quá khứ. Năm 2009, hai mươi công ty giá trị nhất nước Mỹ có 1.790 nhân viên trên 1 tỷ đô-la vốn hóa thị trường; đến năm 2009, họ chỉ còn khoảng 656 nhân viên. Có lẽ, ví dụ rõ ràng nhất của xu hướng này chính là WhatsApp. Khi được bán cho Facebook vào năm 2014, công ty truyền thông xã hội này có giá trị vốn hóa thị trường là 19 tỷ đô-la – nhiều hơn bất kỳ công ty nào trong danh sách Fortune 50015 – nhưng chỉ có 35 nhân viên. Facebook có khoảng 30% số nhân viên so với Google, trong khi Google có ít nhân viên hơn nhiều so với Apple, Apple có ít hơn nhiều so với Microsoft, và Microsoft có ít hơn nhiều so với General Motors. Đó là chưa kể các công ty này còn làm ảnh hưởng đến số lượng việc làm. Ví dụ như vào tháng Ba năm 2019, các nhà bán lẻ ở Mỹ đã thông báo cắt giảm hơn 41.000 nhân viên – nhiều hơn gấp đôi so với năm trước – chủ yếu là vì tác động của Amazon.
15 Fortune 500 là bảng xếp hạng năm trăm công ty lớn nhất nước Mỹ theo tổng doanh thu của mỗi công ty, được lên danh sách hằng năm bởi tạp chí Fortune.
Điểm mấu chốt là hầu hết các công ty công nghệ đều đơn giản là không cần nhiều nhân viên (hãy nghĩ về những con rô-bốt đang hoạt động trong các kho hàng của Amazon). Và theo thời gian, điều này sẽ ngày càng đúng. Người ta ước tính rằng trong vài năm tới, 60% tổng số việc làm trên toàn cầu sẽ được tái định nghĩa bởi những công nghệ mới, có tính đột phá.
Không phải chỉ những việc lao động tay chân hay cấp thấp mới được tự động hóa, mà tất cả công việc đều sẽ như thế. Trên thực tế, trong những lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và sản xuất, một số công việc “trí thức” – trong các ngành như X-quang, luật, bán hàng và tài chính – sẽ được tự động hóa sớm hơn so với nhiều công việc tay chân. Và ngay cả trong những lĩnh vực mà con người không thể được thay thế hoàn toàn,nền kinh tế gig16 và nền kinh tế chia sẻ17 vốn được thúc đẩy bởi các công ty công nghệ cũng làm tăng đáng kể số người lao động dự phòng không được hưởng phúc lợi.
16 Nền kinh tế gig (gig economy) là nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm những công việc tự do, tạm thời, bán thời gian, và theo từng dự án thay vì làm cho một công ty cố định.
17 Nền kinh tế chia sẻ (share economy) hay còn gọi là nền kinh tế ngang hàng, nền kinh tế mắt lưới, nền kinh tế cộng tác… là một hệ thống kinh tế-xã hội được xây dựng dựa trên việc chia sẻ giữa con người và các nguồn lực vật chất với nhau.
Đằng sau những con số tương đối dễ theo dõi này có lẽ là một vấn đề sâu xa và đáng lo ngại hơn nhiều, đó là chủ nghĩa tư bản theo hướng dữ liệu đang biến con người thành “nguyên liệu đầu vào” của thời đại kỹ thuật số. Trước kia, các công ty từng phụ thuộc vào con người, những người không chỉ là nguồn lao động mà còn là khách hàng có nhu cầu sử dụng sản phẩm của họ (từ đó thúc đẩy nhu cầu cần thêm lao động mới của các công ty). Trong thời đại của Big Tech, những đơn vị quảng cáo và doanh nghiệp bỏ tiền ra để mua các phân tích dữ liệu và số lượt xem mới là khách hàng, còn con người là sản phẩm. Theo cách hiểu này, Google và big data chính là đại diện tiêu biểu cho những gì đã “phá vỡ” chủ nghĩa tư bản của quá khứ.
Đó là một sự thay đổi gần như không thể nhận thấy, khi chúng ta chuyển từ nền kinh tế dựa trên những thứ hữu hình sang nền kinh tế dựa trên những thứ vô hình. Nhưng đó có lẽ là một sự thay đổi không thể tránh khỏi, khi chúng ta tiến vào kỷ nguyên mới của chủ nghĩa siêu tư bản theo hướng khai thác dữ liệu. Nhiều thập niên trước, trong quyển The Great Transformation (tạm dịch: Đại biến chuyển), nhà sử học Karl Polanyi đã nêu ba “giả định” cần được duy trì để các nền kinh tế thị trường của cuộc cách mạng công nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ. Thứ nhất là cuộc sống con người có thể được tái nhận định như một dạng lao động. Thứ hai là tự nhiên có thể được tái nhận định như bất động sản. Thứ ba là việc tự do trao đổi hàng hóa và dịch vụ có thể được tái nhận định như tiền.
Năm 2015, nhà nghiên cứu công nghệ và khoa học Shoshana Zuboff đã đưa ra giả định thứ tư về thời đại của Big Tech, theo đó bản thân thực tế cũng đang trải qua một sự biến đổi tương tự. Bà nhận định: “Dữ liệu về hoạt động của cơ thể, tâm trí cũng như sự vật đang được lưu trữ trong một bảng chỉ mục động, phổ quát và theo thời gian thực của các vật dụng thông minh, trong mạng lưới vô hạn và trải khắp toàn cầu của những thứ được kết nối với nhau. Hiện tượng mới này tạo điều kiện khả dĩ cho việc điều chỉnh sự việc và hành vi của con người để giành lợi nhuận và quyền kiểm soát”. Ngày nay, chúng ta đang sống trong thế giới đó, dưới sự thống trị của các “chúa tể” Big Tech.
NUÔI DƯỠNG CƠN NGHIỆN CÔNG NGHỆ: KHẢ NĂNG ĐIỀU KHIỂN NHẬN THỨC CỦA BIG TECH
Bất chấp tất cả những bằng chứng cho thấy Big Tech đang xé nát cấu trúc xã hội, chúng ta vẫn chưa tìm ra cách để kìm hãm sức mạnh của các ông trùm này. Một trong những lý do đơn giản là vì chúng ta đang bị xao nhãng bởi những dịch vụ cũng như sản phẩm bắt mắt và bóng bẩy mà họ tạo ra. Đây là một sự mỉa mai kinh khủng: tất cả chúng ta đều nghiện những thiết bị tiện ích, ứng dụng cũng như Facebook nhiều đến mức không thể nhận ra các vấn đề công nghệ. Điều này có liên quan đến phần sức mạnh nguy hiểm nhất của Big Tech: khả năng thao túng suy nghĩ, hành động và cả não bộ của chúng ta. Cậu con trai của tôi biết rõ điều này, nhưng công bằng mà nói, hầu hết chúng ta cũng biết. Theo một nghiên cứu năm 2016, chúng ta chạm vào điện thoại di động của mình khoảng 2.617 lần mỗi ngày. Trong số những người sở hữu điện thoại thông minh, có đến 77% kiểm tra điện thoại trong vòng mười lăm phút sau khi họ thức dậy. Một phần ba người Mỹ nói rằng họ thà từ bỏ tình dục còn hơn là bị mất điện thoại di động.
Tôi nhớ có lần vào một đêm Giáng sinh cách nay vài năm, tôi đã đánh rơi chiếc điện thoại được công ty cấp vào một vũng nước đóng băng khiến nó hư hỏng nặng. Tôi cố gọi cho bộ phận IT của công ty, nhưng họ đã nghỉ lễ và tôi không có điện thoại để sử dụng cho đến ngày 2 tháng Một. Ngay sau đêm Giáng sinh đó là một quá trình “giải độc” khó chịu khỏi sự xao nhãng liên tục do dữ liệu kỹ thuật số gây ra. Khi đi tàu điện ngầm, theo thói quen tôi vẫn lơ đãng đưa tay vào túi để tìm điện thoại. Năm phút chờ đợi dường như kéo dài vô tận khi tôi xếp hàng trong cửa hàng tạp hóa mà không có gì để lướt, gõ, trả lời hoặc “thích”. Tôi thử vận dụng các phương pháp thiền định trong lúc di chuyển để đánh lạc hướng bản thân khỏi chuyện không có điện thoại. Nhưng bất chấp việc tôi cố hít thở sâu và mường tượng những viên đá rơi xuống nước, tâm trí tôi vẫn nhanh chóng quay cuồng với câu hỏi có bao nhiêu email đang “chất đống” trong hộp thư. Tôi bỗng cảm thấy rầu rĩ. Những khi không có thứ gì đó trong tay và trong não, tôi là ai?
Phải công nhận rằng các thiết bị của chúng ta và những gì chúng ta làm với chúng cũng gây nghiện như nicotine, thức ăn, ma túy hay bia rượu. Có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều này. Theo một báo cáo của Goldman Sachs, mỗi ngày một người dùng trung bình dành năm mươi phút cho Facebook, ba mươi phút cho Snapchat và hai mươi mốt phút cho Instagram. Hãy thử cộng những con số này lại và nghĩ về những ảnh hưởng đối với năng suất làm việc cũng như các mối quan hệ của chúng ta.
Tất nhiên, đó không phải là một sự may mắn tình cờ đối với Facebook cũng như các ứng dụng mà họ cho phép hoạt động trên nền tảng của mình. Tất cả đều được lên chiến lược và triển khai một cách cẩn thận. Các thương gia kinh doanh sự chú ý muốn chúng ta luôn dính chặt với những thiết bị thông minh của mình để họ có thể thu thập thêm dữ liệu về chúng ta và thói quen lướt web của ta. Nói cách khác, những nền tảng kể trên cũng như nhiều tảng khác được thiết kế để kéo dài sự tiêu thụ thông tin, khiến chúng ta không ngừng kết nối với hết phương tiện truyền thông này đến phương tiện truyền thông khác, như báo cáo của Goldman đã viết: “... một danh sách phát vô tận trên Spotify, một trang tin với nhiều bài viết nối tiếp nhau trên Quartz, các bộ phim tự động chuyển tập trên Netflix và các đoạn video tự động phát trên Facebook… loại bỏ sự bất đồng và khiến sức tiêu thụ tăng lên”.
Trong khi đó, dĩ nhiên, sức khỏe tâm thần của con người lại giảm xuống. Trong một nghiên cứu gần đây, Hiệp hội Tâm lý học Mỹ kết luận “những người liên tục kiểm tra thiết bị” (để xem email, tin nhắn và lướt mạng xã hội) dễ bị căng thẳng hơn những người không làm thế. Năm 2018, một nghiên cứu của Đại học Pittsburgh cho thấy thanh niên sử dụng mạng xã hội càng nhiều sẽ càng có nguy cơ bị trầm cảm. Tôi từng trò chuyện với các nhà khoa học thần kinh, và nhiều người trong số họ lo ngại rằng việc sử dụng các ứng dụng và trò chơi dành cho thiết bị di động có thể dẫn đến sự suy giảm nhận thức trên diện rộng, thậm chí là gây mất trí sớm hàng loạt. Ở Trung Quốc từng xảy ra nhiều vụ việc có liên quan đến tình trạng nghiện chơi game trực tuyến, trong đó một thiếu niên đã bị đột quỵ và tử vong sau khi chơi game liên tục bốn mươi giờ. (Sau vụ việc, công ty sản xuất trò chơi Tencent đã đặt giới hạn thời gian chơi game đối với trẻ vị thành niên và ngay lập tức bị sụt giảm giá cổ phiếu.) Không dừng lại ở đó, Big Tech dường như còn không hề ngần ngại khi khai thác nỗi đau tinh thần mà họ đã góp phần gây ra. Ví dụ, Facebook đã cố tình sử dụng các kỹ thuật thuyết phục để nhắm vào mục tiêu là những thanh thiếu niên trầm cảm ở Úc để quảng cáo sản phẩm/dịch vụ khác nhau.
Với tất cả những điều này, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người bắt đầu phản ứng dữ dội, và ngày càng có nhiều người chủ động tự “ngắt kết nối”. Một khảo sát gần đây của cơ quan giám sát truyền thông Anh Ofcom cho thấy 34% đối tượng khảo sát đã tham gia cai nghiện kỹ thuật số, 16% đối tượng đã chủ động đi nghỉ mát ở một địa điểm không có Internet, và 12% đã cố ý bỏ điện thoại ở nhà khi đi nghỉ mát. Tại Mỹ, những quyển sách về các chủ đề như “chủ nghĩa tối giản kỹ thuật số” và “làm việc không phân tâm” được xếp trên các kệ sách về kinh doanh hay phát triển bản thân, và điều thú vị là ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp nghiên cứu những giải pháp giúp mọi người chống lại sức hút của các thiết bị hấp dẫn. Nhiều nhà hoạt động và thậm chí là một số nhà đầu tư đã thực hiện các cuộc vận động hành lang nhằm kêu gọi chính phủ thành lập một đơn vị quản lý giống như Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (Food and Drug Administration - FDA), để kiểm soát các sản phẩm công nghệ có tác động tiêu cực và dễ gây nghiện. Công bằng mà nói, một số công ty như Apple hay gần đây là Google đang cố đi trước một bước bằng cách điều chỉnh các thiết bị và hệ điều hành của họ để người dùng có thể dễ dàng theo dõi và hạn chế sử dụng các thiết bị công nghệ.
Năm 2018, trong một bài phát biểu trước các lãnh đạo của Liên minh châu Âu, giám đốc điều hành Tim Cook của Apple thừa nhận cuộc cách mạng Big Tech đã và đang tồn tại một mặt tối cực kỳ nghiêm trọng: “Chúng ta không nên dùng những từ hoa mỹ để che giấu các hệ quả. Đây chính là sự giám sát. Và các kho lưu trữ dữ liệu cá nhân này chỉ phục vụ một mục đích duy nhất là làm giàu cho các công ty thu thập chúng”. Vào đầu năm đó, ông còn nói bản thân ông – giống như nhiều người dùng Apple khác – đã dành quá nhiều thời gian cho điện thoại, đồng thời thừa nhận rằng đó là một vấn đề. Tại một sự kiện năm 2018 ở San Francisco, Cook phát biểu: “Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều thấy rõ là một số người trong chúng ta đang dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị của mình. Chúng tôi đang cố gắng tìm cách để hạn chế tình trạng đó. Thành thật mà nói, chúng tôi không bao giờ muốn mọi người lạm dụng sản phẩm của chúng tôi”.
Làn sóng chỉ trích đối với những gì công nghệ đang gây ra cho não bộ của chúng ta đang ngày càng lan rộng khắp Thung lũng Silicon, nơi một số nhân vật nổi tiếng trong ngành cũng bắt đầu lên tiếng. Sean Parker, cựu chủ tịch sáng lập của Facebook, gần đây đã thừa nhận rằng mạng xã hội này có thể kích thích các chất hóa học trong não bộ người dùng, khiến họ luôn có cảm giác thôi thúc muốn sử dụng Facebook, giống như những chú chó tự động tiết nước bọt khi nghe tiếng rung chuông báo hiệu bữa tối trong nghiên cứu của nhà tâm lý học B. F. Skinner những năm 1950. Parker thẳng thắn chia sẻ: “[Ngay từ đầu] quá trình tư duy của chúng tôi khi phát triển những ứng dụng như Facebook đã là: ‘Làm thế nào để chiếm được nhiều thời gian và sự tập trung chú ý của người dùng nhất có thể?’”.
Để đạt được mục tiêu này, các kỹ sư của Facebook đã khai thác “điểm yếu trong tâm lý con người” và tạo ra thứ gì đó có tính gây nghiện đối với người dùng. Parker nói: “Chúng tôi… khiến bạn tiết ra một chút hoóc-môn hạnh phúc” bất cứ khi nào có ai đó thích hoặc bình luận về một bài đăng hoặc bức ảnh của bạn. Và như hầu hết những gã khổng lồ công nghệ khác, khi nói về “những hậu quả không mong muốn” phát sinh trong quá trình một mạng xã hội phát triển để có hơn 2 tỷ người dùng, Parker khẳng định ông không thật sự hiểu hết mọi tác động do Facebook gây ra. Ông nhận định: “Nó thật sự thay đổi mối quan hệ giữa bạn với xã hội cũng như giữa mọi người với nhau. Nó ảnh hưởng đến năng suất theo những cách kỳ lạ. Chỉ có Chúa mới biết nó đang tác động thế nào đến bộ não của con cái chúng ta”.
Tristan Harris cũng dành nhiều thời gian để tìm hiểu về tác động của công nghệ ngày nay đối với khả năng nhận thức của con người, nhất là với bộ não chưa phát triển đầy đủ của trẻ em. Harris là cựu nhân viên Google, từng tốt nghiệp Phòng nghiên cứu Công nghệ Thuyết phục Stanford. Tại đây, Harris đã học cách phát triển một loại phần mềm thay đổi hành vi có thể khiến người dùng không ngừng vuốt màn hình điện thoại, từ chơi Candy Crush, lướt phần mềm hẹn hò Tinder đến đọc tin lá cải. Harris từng thành lập ba công ty và làm việc cho Google; nhưng sau khi trải qua một cuộc khủng hoảng sinh tồn trước sức mạnh ngày càng tăng của Big Tech, ông đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận nhằm kiểm soát những tác động nguy hại do tình trạng nghiện công nghệ gây ra. Harris từng nói với tôi: “Mỗi công ty này đều có cả một đội quân kỹ sư đang nghiên cứu để tìm cách khiến bạn dành nhiều thời gian hơn và chi nhiều tiền bạc hơn trên mạng. Mục tiêu của họ hoàn toàn khác với mục tiêu của bạn”.
Câu chuyện về Big Tech vẫn đang tiếp diễn, và mỗi tuần trôi qua, số câu hỏi mới xuất hiện cũng nhiều không kém gì câu trả lời. Nhưng tôi nghĩ câu hỏi quan trọng hơn cả chính là câu hỏi đơn giản nhất: Chúng ta sẽ làm gì?
TƯƠNG LAI SẼ RA SAO?
Chúng ta đang gặp phải rất nhiều trở ngại trong việc giải quyết các vấn đề về độc quyền, công nghệ có tính gây nghiện và chủ nghĩa dân túy chính trị do các công ty công nghệ lớn nhất gây ra. Nền kinh tế vận hành bằng dữ liệu hiện đã là một thực tế hiển nhiên; và các công ty trong mọi lĩnh vực đều tin rằng dữ liệu sẽ giúp họ tăng trưởng trong những năm tới. Trong khi đó, Big Tech vẫn luôn tìm cách để lách bất kỳ quy định nào có thể sẽ được ban hành và làm bất cứ điều gì cần thiết để tiếp tục kiếm tiền từ một sản phẩm trọng yếu duy nhất – con người chúng ta.
Có thể chúng ta đã đạt đến một điểm tới hạn. Khi tôi viết đến phần này, một số công ty Big Tech đang bị điều tra bởi Mỹ và châu Âu (tôi sẽ nói rõ hơn về chủ đề này trong những chương sau). Mặc dù vậy, tôi không nghĩ giám đốc điều hành của các công ty công nghệ là những tay tội phạm. Thay vì vậy, tôi nghĩ về họ như các nhân vật phản diện có những tham vọng vừa phi thường vừa điên rồ, tham lam và ngây ngô.
Phần lớn những điều khiến chúng ta phẫn nộ về Big Tech đều không đáng ngạc nhiên đối với bất kỳ ai, và với những nhà sáng lập Big Tech càng không. Mọi công nghệ mà chúng ta bị cuốn hút đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Khi khuyên nhân viên “đừng trở nên xấu xa”, Google biết rất rõ rằng cái xấu không chỉ là một sự cám dỗ mạnh mẽ mà còn được hòa trộn vào các kế hoạch kinh doanh.