Nhiều người nghĩ rằng thiền chỉ dành cho các bậc tu sĩ nơi thâm sơn cùng cốc ở phương Đông. Một số người lại xem thiền như là một trường phái giống với trào lưu hippy vào những năm 1960 – ưa chuộng "tình yêu và hòa bình" với một nền văn hóa bồng bột, để mặc cho "mọi sự tự diễn ra". Tuy nhiên, nghĩa gốc của từ meditation (thiền định) bắt nguồn từ chữ Latin mederi, nghĩa là chữa lành. Như vậy, thiền có thể được xem là một quá trình chữa trị về mặt tinh thần, cảm xúc, cùng những lợi ích đã được chứng minh đối với sức khỏe thể chất. Nếu ta thừa nhận những ý nghĩ, cảm xúc tiêu cực và tình trạng căng thẳng tinh thần của mình hoàn toàn không phải là điều tự nhiên, từ đó ta mới có thể gặt hái được nhiều thành quả từ việc thực hành thiền đều đặn.
Một trong những cách hiểu đơn giản nhất về thiền đó là sử dụng tâm trí một cách đúng đắn. Mục đích của thiền không phải là ngưng suy nghĩ, mà giành lại quyền làm chủ đối với các hoạt động tư duy và tạo ra những suy nghĩ có chất lượng nhất. Theo thời gian, cùng với việc thường xuyên luyện tập, ta sẽ có thể làm chậm dòng suy nghĩ "lưu thông" trong tâm trí (do những suy nghĩ tiêu cực và vô ích đã được hạn chế đáng kể) và đi vào không gian nội tâm, nơi ngự trị của sự tĩnh lặng tuyệt đối (vì suy nghĩ như hòa vào không gian tĩnh tại này). Tuy nhiên, vào lúc đầu, đừng đặt nặng chuyện phải đạt được mục tiêu này ngay; bởi vì chúng ta đã quá quen với lối tư duy nhanh chóng nên việc cố gắng chấm dứt suy nghĩ chẳng khác nào đột ngột hãm phanh chiếc xe đang lao nhanh. Ta chỉ cần kiên nhẫn, tự dành ra thời gian và không gian riêng cho bản thân để tìm lại nhịp độ nội tại tự nhiên của mình.
Hiện nay cũng có nhiều phương pháp thiền khác nhau. Mỗi triết lý, mỗi trường phái đều thừa nhận sức mạnh và sức ảnh hưởng của tâm trí, bên cạnh nhiều kỹ thuật giúp làm chủ tâm trí. Đa số các phương pháp thiền thường dùng những bài tập suy ngẫm và tập trung bằng cách sử dụng các đồ vật gợi nhắc như hoa, đèn, nến… hoặc có thể là những âm thanh chuyển dần từ nhẹ nhàng đến im lặng (chuông, khánh…). Bên cạnh đó, cũng có những phương pháp thiền yêu cầu người thực hành lặp đi lặp lại một câu chú (mantra) như là cách để tập trung tâm trí. Trong khi phần lớn các phương pháp khuyên nên ngồi yên một chỗ, thì có phương pháp lại khuyến khích thiền động và chú ý đến từng bước chuyển động của mình. Phương pháp thiền Raja Yoga không sử dụng các vật dụng hỗ trợ bên ngoài, các câu chú và không bắt buộc phải tuân theo tư thế ngồi nhất định nào. Mục đích chủ yếu của Raja Yoga là phục hồi trải nghiệm trực tiếp và nhận thức về bản thể nội tâm hay con người thật sự. Từ đây, sự khai sáng và chuyển hóa bản thân bắt đầu diễn ra.
Nếu dành thời gian để tìm hiểu kỹ nguyên nhân thực sự gây ra stress, ta sẽ thấy rằng chính lối tư duy "lười biếng" và "lệch lạc" là nguồn gốc của những cảm xúc dẫn đến tình trạng stress này. Tuy nhiên, chưa ai cho ta biết mỗi người chúng ta đều phải chịu trách nhiệm đối với những ý nghĩ, cảm xúc của mình. Chúng ta quên mất bài học về trách nhiệm bản thân – chính ta mới là người tạo ra căng thẳng, khổ đau cho mình qua cách ta nhận thức và ứng đáp trước con người, cũng như trước ngoại cảnh. Chưa ai hướng dẫn ta nên suy nghĩ thế nào cho đúng. Chúng ta chỉ được bảo nên nghĩ về thông tin gì, mà không được bảo nên tạo ra những suy nghĩ, cảm xúc nào, làm sao để khai mở nguồn thông thái nội tại và những giá trị cốt lõi, vốn có sẵn trong ý thức mỗi người.
Qua quyển sách này, chúng ta sẽ có cơ hội tập cho mình lối suy nghĩ mạnh mẽ, tích cực. Đó là những suy nghĩ liên hệ tới chân lý, mang lại sự vững vàng, hạnh phúc, thỏa nguyện cho bản thân và lan tỏa sóng năng lượng tích cực ra xung quanh; là những suy nghĩ có chất lượng, phù hợp với hoàn cảnh, tình huống đang diễn ra; là những suy nghĩ cho phép ta sử dụng năng lượng tinh thần sao cho tiết kiệm, hiệu quả; là những suy nghĩ giúp ta chủ động lựa chọn cách ứng phó trước ngoại cảnh, không còn bị cảm xúc căng thẳng "giật dây" nữa. Mọi suy nghĩ, cảm xúc bất an đều từ ý thức mà ra; do vậy mọi trạng thái tiêu cực đều không tự nhiên và là dấu hiệu cho biết ý thức đang bị "chệch hướng". Thiền định sẽ giúp đưa ý thức trở về trạng thái tự nhiên qua quá trình củng cố nhận thức về bản thân, biết mình thật sự là ai và khai mở nguồn bình an, yêu thương, sức mạnh… trong nội tâm.
Chúng ta thường dành phần lớn cuộc đời mình để chú tâm quá mức đến con người và mọi sự xung quanh. Kết quả là chúng ta đã sử dụng phung phí năng lượng của mình mà không hề hay biết. Thiền định là nghệ thuật củng cố nhận thức nội tâm, giúp ta sử dụng nguồn năng lượng – tinh thần, cảm xúc và thể chất – của mình một cách hiệu quả, không ngừng gia tăng nội lực thay vì làm cạn kiệt chúng. Trên nhiều phương diện, thiền đơn giản là nghệ thuật tự nhận thức bản thân.
Thiền định cũng có thể được xem là một hành trình khám phá chân lý sống – "Tôi thật sự là ai, là gì?". Với ý nghĩa đó, chúng ta giống như những "nhà khoa học", còn "phòng thí nghiệm" chính là ý thức nội tâm chỉ riêng ta mới được phép bước vào, và nếu muốn thì các thí nghiệm – là các trải nghiệm – sẽ được giữ bí mật tuyệt đối. Hãy bước vào "phòng thí nghiệm - ý thức" của bạn để chủ động khám phá, kiểm nghiệm lại những điều bạn từng xem là không đúng hoặc đúng. Tuy nhiên, nếu khái niệm hay bài tập nào đó trong sách này không đem lại kết quả như mong đợi thì đừng vội nản chí và vứt bỏ hết tất cả. Tương tự như lần đầu tiên bạn tập chạy xe đạp, thực hành đều đặn và kiên nhẫn cũng là yêu cầu cần thiết đối với các bài tập nội tâm này, bởi "có công mài sắt, có ngày nên kim".
Qua thiền định, bên cạnh việc nhận thức rõ về bản thân và trải nghiệm bình an nội tâm nhiều hơn, chúng ta cũng bắt đầu tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Quả thật, Raja Yoga không chỉ là cách giữ tinh thần thư thái, giúp khám phá nội tâm sâu sắc, mà việc kết hợp giữa phần lý thuyết và bài tập thực hành sẽ giúp chúng ta tìm ra câu trả lời cho nỗi trăn trở muôn thuở xoay quanh chủ đề về mục đích sống, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc đời.
Trong khi đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi "Tôi là ai? Tôi đang ở đâu? Vì sao tôi hiện hữu trên cuộc đời này? Tôi từ đâu đến? Tôi đang đi về đâu?", chúng ta sẽ có cơ may lĩnh hội được nhiều nhận thức sâu sắc, mới mẻ. Thế nhưng, nếu có thêm những vấn đề khác nảy sinh trong quá trình thực hành thiền thì đó cũng là một dấu hiệu tốt vì trên bước đường khám phá chân lý, câu hỏi thường quan trọng hơn câu trả lời. Mỗi khi có câu hỏi nào xuất hiện, hãy dành ra chút thời gian để hiểu rõ câu hỏi đó, rồi cho qua đi. Đừng bao giờ "đánh vật" với câu hỏi để cố tìm ra lời giải. Tiềm thức luôn âm thầm hỗ trợ bạn bằng cách khơi dậy những hiểu biết và lời hướng dẫn thích hợp. Thực ra bạn đã biết hết tất cả, chỉ là do bạn không nhận ra mà thôi. Giống như khi bạn hết sức cố gắng để giải đáp một câu đố hóc búa. Bạn phân tích, suy nghĩ nát nước về mọi dữ kiện sẵn có trước khi chịu từ bỏ và chuyển sang câu đố khác. Nhưng vài ngày sau, trong khi đang tập trung thực hiện một hoạt động nào đó, thì điều bạn đã cực công tìm kiếm đột nhiên xuất hiện trong tâm trí. Bạn không chủ ý tìm kiếm câu trả lời vào lúc ấy, nhưng tâm trí bạn cứ vẫn tiếp tục tìm kiếm. Vì vậy, thiền còn là chìa khóa để mở ra kho tàng bí ẩn trong tiềm thức, dẫn bạn vào trái tim nội tâm – trái tim của ý thức – nơi cất giữ sự thông tuệ trong trạng thái vẹn nguyên. Trái tim nội tâm sẽ trực tiếp mách bảo cho bạn nhiều điều hữu ích, có thể vào thời điểm không thích hợp lắm. Nhưng khi ít rối trí nhất, bạn có thể "nghe" được tiếng nói của nó – một trong những tiếng nói ấy chính là trực giác.
Phần lớn bệnh tật thể chất đều có nguồn gốc từ bệnh tinh thần(1) mà ra, dù trực tiếp hay gián tiếp. Từ bước thực hành cơ bản nhất, thiền đảm bảo cho tâm trí chỉ tạo ra những suy nghĩ thư thái, điềm tĩnh, bình an và tích cực. Tuy nhiên, làm vậy không có nghĩa là ta lẩn tránh những thử thách của cuộc sống, vốn không phải lúc nào cũng bình an, tích cực; mà thiền giúp ta học cách loại bỏ mọi ý nghĩ tiêu cực, rối rắm và phục hồi môi trường tinh thần tích cực, bất kể hoàn cảnh bên ngoài diễn biến ra sao. Đây là cơ sở tăng cường khả năng làm chủ bản thân và quý trọng bản thân, tạo nền tảng vững chắc cho lòng tự tin và thái độ quả quyết, mạnh mẽ trong các mối quan hệ. Như chúng ta đã biết, mục đích của thiền không phải là ngừng suy nghĩ – vì điều này không tự nhiên chút nào! – mà là "uốn nắn" suy nghĩ theo hướng đúng đắn, tích cực dựa trên sự hiểu biết chính xác về bản thân.
Bước đầu tiên của thiền là thả lỏng cơ thể và thư giãn tâm trí, không để cho chúng bị cuốn vào bất cứ điều khác. Khi ta phân biệt rạch ròi giữa phần tinh thần và phần thể chất, ta sẽ nhận thấy có hai loại năng lượng khác nhau: năng lượng vật chất và năng lượng phi vật chất. Cơ thể được cấu tạo từ năm yếu tố vật chất hữu hình, cụ thể; trong khi tâm trí thì thuộc dạng năng lượng phi vật chất, tạo ra suy nghĩ, cảm xúc và thái độ – vô hình, không thể sờ chạm. Cũng giống như ta chỉ biết điện năng có tồn tại nhờ vào bóng đèn đang chiếu sáng, nhưng thật sự ta không thể nhìn thấy điện năng bằng mắt thường. Tương tự như vậy, ta không thể nhìn thấy tâm trí, nhưng năng lượng từ tâm trí vẫn hướng dẫn, điều khiển sự vận động của cơ thể.
Quan hệ đúng đắn giữa tâm trí và cơ thể đó là: tâm trí là "thuyền trưởng", còn cơ thể là "con tàu" luôn tuân theo mệnh lệnh của vị chỉ huy. Tuy nhiên hiện nay trật tự này dường như bị đảo lộn. Chúng ta bị các giác quan của mình điều khiển. Trong hầu hết các nền văn hóa, con người thường xuyên bị ám ảnh bởi diện mạo, ngoại hình và những kích thích từ nguồn lực vật chất. Kết quả là chúng ta để cho bình an và hạnh phúc của mình lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Điều này có thể gây ra nhiều tai hại bởi vì chẳng có sự vật nào mãi bền vững và chắc chắn. Khi ta muốn tìm kiếm cảm nghiệm tốt đẹp nào đó từ nguồn lực bên ngoài, thì lòng tham, sự nghiện ngập, lệ thuộc sẽ lập tức xâm chiếm ý thức ta, khiến tâm trí bị khuấy đảo nên sẽ không thể có được bình an nội tâm và mãn nguyện thật sự. Ngặt nỗi, lâu nay chúng ta thường được chỉ dạy cho cách hướng ra bên ngoài mà không biết cách hướng vào bên trong để nhận ra tình yêu thương, bình an và sức mạnh ta hằng tìm kiếm vốn đã có sẵn. Thiền định giúp phục hồi nhận thức về bình an và sức mạnh nội tại, giúp ta tái kết nối với trạng thái tồn tại nguyên thủy ấy để củng cố những đức hạnh, rồi thể hiện chúng ra ngoài qua hành động.
Mục đích của bài học đầu tiên này chỉ dừng ở mức thiết lập lại mối quan hệ đúng đắn giữa cơ thể và tâm trí. Khi ngồi thiền, hãy chọn nơi yên tĩnh nhất nếu có thể, tốt nhất là căn phòng ít khi dùng đến, không thì bạn cũng có thể ngồi ở nơi có bày trí những đồ vật quen thuộc để không làm phân tán tư tưởng. Nếu được, hãy dành riêng nơi ấy làm không gian thiền. Ban đầu chỉ cần dành ra 10 – 15 phút, từ từ thời gian thiền sẽ dài hơn theo trải nghiệm của bạn. Ánh sáng mờ và nhạc êm dịu sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn. Hoặc bạn có thể sử dụng đĩa CD có lời dẫn thiền kết hợp với nhạc nhẹ không lời để dẫn dòng suy nghĩ đi theo hướng đúng.
Các bước thư giãn chuẩn bị cho thiền
• Chọn một nơi thoáng mát và ngồi với tư thế thoải mái.
• Nhắm mắt lại từ một đến hai phút để cơ thể được thả lỏng và tâm trí trở nên lắng dịu. Hít thở đều, chú ý đến từng phần trên cơ thể bạn. Mỗi khi bạn chú ý đến phần nào đó trên cơ thể, để cho phần đó được thả lỏng, thư giãn.
• Sau khi cảm thấy thư giãn hoàn toàn, bạn hãy tập trung chú ý vào phía trước vầng trán. Nếu có cảm xúc hay suy nghĩ khác xen vào, bạn cứ để chúng đến rồi đi. Luôn luôn tự nhắc mình nghĩ đến sự bình yên.
• Khẳng định sự tĩnh tại và bình yên trong bạn bằng ý nghĩ "Tôi bình yên".
• Cảm nhận ý nghĩ này trong vài phút, rồi hướng tâm trí trở lại nơi bạn đang ngồi.
Bài tập thư giãn này dễ thực hành, thích hợp cho những lúc bận rộn. Bạn chỉ cần thực hiện từ 3 – 10 phút ở bất cứ nơi đâu, vào bất kỳ lúc nào, chỉ trừ khi lái xe! Lưu ý rằng bạn đang dùng tâm trí để thả lỏng cơ thể. Sau khi cơ thể được thư giãn, tâm trí sẽ tập trung tốt hơn và không còn những suy nghĩ miên man nữa. Kỹ thuật này càng tập càng dễ thực hiện. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ không cần hướng sự chú ý thả lỏng cho từng phần trên cơ thể, mà có thể đi vào trạng thái thư giãn ngay lập tức chỉ bằng một suy nghĩ.
Trong bài tập thiền sau đây, chúng ta sẽ tập trung vào trạng thái bình an nội tâm. Đây là bước khởi đầu tốt nếu cuộc sống của bạn thường xuyên có nhiều biến động, căng thẳng. Một nguyên tắc quan trọng quyết định cho sự thành công của thiền định là khi ta hướng sự chú ý của mình đến đâu thì năng lượng tuôn chảy đến đó, và điều mà ta hướng tới sẽ nảy nở, phát triển. Chẳng hạn như nếu ta chú tâm vào ý tưởng "bình an", ta "tưới tắm" cho nó bằng năng lượng ý thức của mình; từ một ý nghĩ ban đầu, nó sẽ chuyển thành một cảm nhận sâu sắc và kết quả là ta trải nghiệm được bình an nội tâm – ý nghĩ và cảm nhận của ta hoàn toàn thấm đẫm bình an; lời nói và hành động của ta cũng lan tỏa những làn sóng bình an ấy.
Bình an không phải là một trạng thái thụ động mà là một sức mạnh. Bạn sẽ sớm nhận thấy mình trở nên sáng tạo hơn rất nhiều khi biết cách giữ tâm trí điềm tĩnh và làm chủ được thế giới nội tâm của bạn. Hãy trải nghiệm những ý tưởng sau đây khi thiền. Sang tuần tiếp theo, bạn có thể thay đổi bình an bằng những phẩm chất khác như can đảm, trung thực, yêu thương, kiên nhẫn, linh hoạt… hoặc bất kỳ phẩm chất nào mà bạn muốn củng cố thêm cho bản thân.
Bạn có thể mở một bản nhạc nhẹ vì âm nhạc sẽ giúp tạo ra bầu không khí thư giãn nhẹ nhàng. Đặt trang sách này trước mặt và đọc thầm, chậm rãi từng từ. Hãy suy ngẫm những lời ấy để cảm nhận ý nghĩa của chúng. Chỉ cần đọc qua một hoặc hai lần thôi là bạn có thể nhớ chúng khá chính xác. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng đĩa CD lời dẫn thiền kèm với sách nếu muốn.
Bài tập thiền 1 – Phục hồi trạng thái bình an nội tâm
Tôi hướng sự chú ý của mình vào bên trong… và đưa nhận thức tách ra khỏi mọi thứ xung quanh... tôi quan sát những ý nghĩ đến rồi đi trong tâm trí… Tôi nhận thấy dòng ý nghĩ bắt đầu chậm lại…
Tôi tập trung vào sự "bình yên"… Trong tâm trí tôi xuất hiện… hình ảnh về cảnh biển lúc bình minh… những con sóng nhỏ xô nhẹ lên bãi cát… vỗ về tôi…
Tôi cảm thấy thật thoải mái… dễ chịu… tất cả mọi cảm giác mệt mỏi... căng thẳng đều được những con sóng cuốn trôi… chỉ còn cảm giác bình yên ở lại…
Tôi bắt đầu nhận ra tôi chính là bình yên… Cảm giác này thật tự nhiên trong tôi… Tôi cảm thấy thật thanh thản… nhẹ nhàng…
Tôi quan sát cách tôi có thể giữ được trạng thái bình yên nội tâm như thế nào… và nó tác động đến suy nghĩ, lời nói của tôi ra sao…
Giờ tôi hoàn toàn bình yên… Vẫn giữ được trạng thái này… tôi đưa nhận thức của mình quay trở lại nơi tôi đang ngồi…
Đối với một số người, sẽ có ích nếu tạo ra được một hình ảnh biểu tượng gợi nhắc về bình yên để suy ngẫm, chẳng hạn như hình dung bình yên giống
như mặt nước hồ phẳng lặng, hoặc khi thiền về phẩm chất linh hoạt, bạn có thể ngắm nhìn một nhành cây khẽ đung đưa trong gió. Đừng bám vào hình ảnh mà chỉ dùng nó để khơi gợi cảm nhận và luôn nhớ rằng mục đích của thiền là đưa bạn hướng về trạng thái tồn tại nguyên thủy.
Thực hành bài tập trên khoảng 10 phút, ít nhất hai lần trong ngày. Thời điểm tốt nhất là buổi sáng, trước khi bắt đầu những hoạt động thường nhật và lặp lại một lần nữa vào buổi tối.
Những câu hỏi thường gặp
Hỏi: Xem ra trọng tâm của bài học này chủ yếu là hướng tới tâm trí và tinh thần. Vậy thân thể không quan trọng, không đáng quan tâm hay sao?
Cơ thể khỏe mạnh là điều rất cần thiết đối với cuộc sống và chăm sóc cơ thể tốt là cả một nghệ thuật sống. Chúng ta phải luôn biết giữ cân bằng hài hòa giữa chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn và luyện tập thể lực. Tuy nhiên trong bài học này, chúng ta nhấn mạnh đến tâm trí và tinh thần, nhưng không có nghĩa là xem nhẹ giá trị của cơ thể đến mức không ngó ngàng đến nó. Nếu không có một thân thể khỏe mạnh, chúng ta sẽ không thể bộc lộ những phẩm chất, khả năng tiềm ẩn từ nội tâm ra bên ngoài thông qua hành động. Tuy nhiên, từ lâu ta đã quên đi ý nghĩa của sự quân bình, quá chú trọng đến cơ thể, nên gây tổn hại cho khả năng của tâm trí và nhận thức về những giá trị nội tại. Một trong những mục tiêu của bài học này là phục hồi sự cân bằng hài hòa giữa tâm trí, cơ thể và những giá trị tinh thần, để chúng ta có thể sống hạnh phúc, trọn vẹn trên mọi phương diện. Do đó, dù biết rằng cơ thể và năng lượng thể chất luôn có ý nghĩa quan trọng, nhưng trọng tâm của bài học này vẫn là tâm trí và tinh thần.
Hỏi: Tôi bắt đầu tập thiền cùng lúc với một người bạn của tôi. Tuy nhiên, tôi thấy mình không tiến bộ bằng cô ấy. Vậy thì tôi có làm gì sai không?
Bí quyết ở đây là hãy kiên nhẫn với bản thân. Nhiều người cố gắng thiền nhưng lại thấy khó ngồi yên và khó giữ cho tâm trí điềm tĩnh, lắng dịu lại. Cuộc hành trình khám phá nội tâm của mỗi người rất khác nhau, vì ít ai có cùng tính cách như nhau. Một số người thiền rất dễ dàng và tự nhiên, nhưng nếu mới bắt đầu mà đã gặp khó khăn thì bạn hãy cứ kiên nhẫn. Có những người phải mất nhiều tuần, có khi nhiều tháng ròng mới bắt đầu thiền thật sự và cảm nhận rõ lợi ích do thiền mang lại. Không có cách nào để đo lường được sự tiến bộ ngoài trải nghiệm của bản thân và tuyệt nhiên đừng chờ đợi "phép màu" xảy xa. Nhiều người chia sẻ rằng khi thiền, họ nhìn thấy ánh sáng; những người khác thì cảm thấy bình an hơn; trong khi một số người lại cảm nhận được nguồn sức mạnh dâng tràn từ bên trong và có thể kiểm soát bản thân tốt hơn. Cho nên đừng bao giờ so sánh trải nghiệm thiền của mình với trải nghiệm của người khác. Tuy nhiên, sẽ có ích nếu chúng ta thiền cùng với nhiều người vì bầu không khí tập thể sẽ hỗ trợ mọi người dễ dàng, nhanh chóng đi vào trạng thái thiền.
Hỏi: Ông nói rằng chúng ta đã biết tất cả những gì mình cần biết, thế thì tại sao tôi vẫn chưa nghe được tiếng nói trực giác của tôi?
Nếu nghe được là lý tưởng rồi, nhưng phần lớn chúng ta không nghe được tiếng nói thông thái nội tâm của mình do tiếng nói ấy bị che khuất bởi nhiều ý nghĩ, cảm xúc "ồn ào". Bên cạnh đó, những niềm tin và trải nghiệm được tích lũy từ thực tế cuộc sống cũng đã bóp méo đi tiếng nói nội tâm đích thực. Vì vậy, nếu nghĩ rằng trực giác đang mách bảo với ta điều ta cho là đúng đắn, thì đó không phải là tiếng nói trực cảm mà là tiếng vọng của một niềm tin sai lầm nào đó đã được tiếp thu từ thuở bé. Qua thời gian, thiền sẽ "khai thông mở lối" để tiếng nói trực giác trở nên rõ ràng hơn, chính xác hơn. Vì thế, để tạo nền tảng tốt cho việc thực hành về sau, bạn nên luyện tập với sự hướng dẫn của một người có kinh nghiệm về thiền.
Hỏi: Làm sao biết được đây là phương pháp thiền thích hợp với tôi?
Không ai có thể khẳng định đâu là phương pháp thiền phù hợp với bạn. Chỉ bạn mới biết được bằng trực giác và trải nghiệm của riêng mình. Bạn có thể cảm nghiệm một vài phút bình an khi nhìn vào ánh nến đang cháy sáng, nhưng cách làm này không giúp bạn chuyển hóa một kiểu suy nghĩ hay hành động tiêu cực thành tích cực. Nhịp điệu của câu khẩu niệm đọc to thành tiếng hay thầm nhẩm trong đầu có thể tạm thời ngăn chặn cảm xúc giận dữ, căng thẳng, nhưng vẫn không sửa đổi được những niềm tin và nhận thức sâu xa vốn là nguồn gốc làm nảy sinh những cảm xúc tiêu cực ấy. Hãy khám phá, thực nghiệm các phương pháp thiền khác nhau nhưng mỗi lần nên cảm nhận rõ về một phương pháp. Một cách hay để kiểm tra mức độ hiệu quả của phương pháp thiền bạn đang áp dụng là tự hỏi mình năm câu hỏi: "Phương pháp này có giúp tôi tăng cường nhận thức về bản thân không; có giúp tôi hiểu mình tốt hơn không; có cho tôi sức mạnh để chuyển hóa những thói quen tiêu cực đã hằn sâu trong tiềm thức của tôi không; có lan tỏa được năng lượng tích cực, nhẹ nhàng cho các mối quan hệ không; có giúp tôi thấy rõ các giá trị đích thực và mục đích sống?".
Hỏi: Có phải tất cả các phương pháp thiền đều chỉ nhằm mục đích là giúp ta thư giãn và bình an hơn, phải không?
Bạn có thể dừng lại ở mức độ trải nghiệm này nếu muốn, chỉ cần thực hành bài tập thiền được giới thiệu ở bài học này cũng đủ để giúp thả lỏng cơ thể và thư giãn tâm trí. Tuy nhiên, nó sẽ không giúp bạn hiểu rõ để rồi hóa giải mối căng thẳng, lo âu đang ảnh hưởng đến tình cảm, cũng như cách ứng phó của bạn với người khác trong quan hệ giao tiếp hàng ngày. Để làm được như vậy, ta cần nhận thức sâu hơn nguyên nhân gốc rễ sinh ra lo âu và khơi dậy nguồn sức mạnh nội tại nhằm chuyển hóa những thói quen, xu hướng cũ. Nhận thức sâu sắc, hiểu biết rõ ràng và có sức mạnh chuyển đổi là những kết quả đạt được khi đi sâu vào thiền. Thực tập theo cuốn sách này, bạn đừng nên đọc một cách vội vã. Bốn bài học đầu là "nền móng" cho trải nghiệm thiền định tốt về sau.
Trải nghiệm cá nhân
Tôi không nghĩ tôi là một người thiền định tự nhiên. Tôi chưa từng ngồi im một cách dễ dàng, chứ đừng nói đến việc giữ lắng dịu tâm trí. Nếu tôi không nói, thì chắc chắn tôi đang đăm chiêu suy nghĩ. Và rồi tôi nhận thấy năng lượng của mình từ từ bị hao mòn đi đáng kể, tôi trở nên khá tiêu cực. Tuy rằng ban đầu tôi cảm thấy thật khó tập trung nhưng dần dần, thiền giúp tôi kiểm soát được cách suy nghĩ. Sau nhiều năm, chất lượng cuộc sống của tôi tốt lên hẳn. Không chỉ mỗi mình tôi cảm thấy tốt hơn, những người quen biết tôi xưa nay cũng thừa nhận tôi đã trở nên bình tĩnh hơn rất nhiều. Tôi cảm thấy mối quan hệ giữa tôi với họ được cải thiện, tôi thấy mình khoan dung hơn trước. Nhìn vào những thay đổi ở bản thân, tôi nhận thấy mọi nỗ lực mình đã bỏ ra thật xứng đáng.
Bài tập hàng ngày
A. Xóa bỏ những suy nghĩ lãng phí, tiêu cực
Hãy viết ra những suy nghĩ lãng phí hoặc tiêu cực chính gây cản trở khả năng tập trung tâm trí của bạn. Khi đã viết xong, lần lượt chọn từng suy nghĩ và viết riêng ra một mẩu giấy nhỏ. Sau đó, vò nát mẩu giấy, hình dung mỗi suy nghĩ ấy đang bị hủy đi, rồi ném chúng vào sọt rác.
B. Tạo ra "căn phòng bình an"
Hãy hình dung ra một ngôi nhà, trong đó có một "căn phòng bình an". Căn phòng ấy là một không gian trống. Hãy trang trí cho căn phòng với những sắc màu và vật dụng theo bạn là biểu tượng của bình an. Tưởng tượng mặt trời đi vào, đong đầy ánh sáng cho cả căn phòng. Bạn đang ngồi bên trong và cũng lan tỏa những làn sóng bình an ra khắp phòng. Đây chính là "căn phòng bình an nội tâm" của bạn. Bạn có thể vào đó bất kỳ lúc nào – chỉ trong vòng một giây – và bình an luôn đợi bạn ở đó. Để giữ cho hình ảnh không bị phai mờ trong tâm trí, hãy viết xuống vài lời mô tả về "căn phòng bình an" này.
C. Gợi nhớ về bình an
Hãy nghĩ đến một người trong gia đình bạn, hoặc một đồng nghiệp tại công ty. Người đó luôn được bạn xem là đối tượng khơi gợi sự bất an trong bạn. Hình dung bạn đang ngồi với người ấy bên bờ hồ yên tĩnh. Cả hai thoải mái trò chuyện với nhau về cách sống bình an. Giữ suy nghĩ và hình ảnh này trong tâm trí mỗi ngày trong suốt một tuần; chấm điểm sự tiến bộ của bạn theo thang điểm từ 1 đến 5 (1 là kém thành công nhất) dựa trên 3 câu hỏi sau:
D. Ôn lại một ngày
Nếu chỉ được dưới 3 điểm vào ngày nào đó cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên, hãy tìm ra nguyên nhân khiến bạn không đạt được điểm cao. Tương tự như vậy, hãy nhận ra điều gì giúp bạn đạt được điểm cao. Viết ra trải nghiệm của bạn khi thực hiện bài tập này, ghi nhớ những lời nhận xét ấy để hỗ trợ cho những lần thực hành sau và theo dõi sự tiến bộ của bản thân.