Tại sao Tây Tạng lại có một sức hấp dẫn mãnh liệt đối với thế giới ngày nay như vậy? Phải chăng nó tượng trưng cho một cái gì huyền bí, khêu gợi trí tò mò hay một điều gì mơ hồ mà người ta chưa nhận thức được?
Tôi tin rằng sự kiện ở Tây Tạng có thể tiêu biểu cho số phận nhân loại hiện nay, một số phận đang bị giằng co giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và tiến bộ, giữa tín ngưỡng và khoa học, giữa kiến thức và tri thức, giữa những thoải mái tâm linh và áp lực vật chất.
Tây Tạng là một xứ nằm ở vị trí hiểm trở, biệt lập với thế giới bên ngoài, nhờ thế nó duy trì được một nền văn minh cổ khác với những nền văn minh mà chúng ta được biết đến. Không một ai đặt chân vào Tây Tạng mà không chịu ảnh hưởng của nó, và không ai có thể chui rúc vào đời sống chật hẹp khi đã nhìn thấy sự bao la hùng vĩ của rặng Tuyết Sơn.
“The Way of the White Clouds” (tạm dịch “Đường Mây Qua Xứ Tuyết”) là một tập sách ghi nhận những điều tôi chứng kiến trong thời gian du hành ở Tây Tạng. Đối với người Tây Tạng, mây có nhiều ý nghĩa huyền bí. Nhìn vào các bức họa Tây Tạng (thankas), gần như bức nào cũng thấy họ vẽ các đám mây màu sắc khác nhau.
Mây tượng trưng cho sự sáng tạo vì nó có thể mang bất cứ hình thù gì. Mây trắng tượng trưng cho môi trường để sự sáng tạo có thể nẩy nở, phát sinh nhưng nó còn có nghĩa là đám mây Pháp (Dharma megba) mà từ đó chân lý được biểu lộ.
Vì lý do đó, cuốn du ký này được mở đầu bằng một linh ảnh, một câu chuyện mà sư phụ tôi, Tomo Geshe Rinpoche, đã kể lại cho các học trò.
Lama Anagarika Govinda
Ngày 05 tháng 7 năm 1966
Bản đồ hành trình vào Tây Tạng của Lạt Ma Govinda