“Đường mây qua xứ tuyết” là cuốn tiếp theo trong bộ sách về văn hóa – tâm linh của dịch giả Nguyên Phong được First News xuất bản. Trong quá trình biên tập, chúng tôi đã tìm hiểu nhiều thông tin liên quan đến bối cảnh địa lý, lịch sử, văn hóa của vùng đất Tây Tạng mà tác giả đề cập trong sách. Do nhận thấy có một số vấn đề khác biệt về mặt địa lý và chính trị của thời điểm sách ra đời và hiện tại, chúng tôi xin có một số lưu ý đến quý độc giả như sau:
1. Về bối cảnh lịch sử của câu chuyện:
Hành trình của tác giả diễn ra vào khoảng thập niên 30 đến thập niên 50 của thế kỷ trước, trước thời kỳ diễn biến chính trị phức tạp dẫn đến sự sáp nhập vào lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như hiện nay. Thời điểm đó, một phần phía tây của Tây Tạng bị xem như nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa Anh nên việc tác giả đi từ Sri Lanka sang Ấn Độ rồi thâm nhập phía tây Tây Tạng (tất cả đều là thuộc địa của Anh), giấy tờ thông hành đều do người Anh kiểm soát. Về phần sau của hành trình, tác giả đi sâu vào phần phía đông Tây Tạng vốn thuộc sự quản lý của chính quyền Lạt Ma tại Lhasa nên lại phải xin cấp thêm giấy thông hành từ chính quyền này.
Trên thực tế, từ thời cổ đại cho đến tận lúc bấy giờ, Tây Tạng vốn chỉ được xem như một vùng đất bí ẩn khép kín, một mắt xích trên con đường tơ lụa huyền thoại nên dù đã nhiều lần bị xâm chiếm, các chính quyền đô hộ tạm thời đều dần dà “bỏ rơi” vùng đất này; do đó, nơi đây được đứng đầu bởi cố vấn tinh thần là các đức Lạt Ma mà cao nhất là Đạt Lai Lạt Ma. Từ góc nhìn của người phương Tây, Tây Tạng được xem như một phần của vương quốc Ấn Độ (vốn bao gồm cả các nước Pakistan, Nepal, Bhutan, Bangladesh,... ngày nay) do nơi đây chịu nhiều ảnh hưởng từ tín nguỡng và tôn giáo Ấn Độ hơn từ phía Trung Hoa.
Những diễn biến chính trị từ thập niên 50 của thế kỷ trước trở về sau này, hẳn nhiên ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến phong tục và đời sống tín ngưỡng của Tây Tạng. Song, nếu tìm hiểu và đặt tâm trí mình trở về với giai đoạn trước khi những biến đổi phức tạp này diễn ra, người đọc sẽ cảm nhận rõ nét hơn về cái “tự do”, sự uyên thâm và tính nguyên thủy của Phật giáo Tây Tạng mà tác giả Anagarika Govinda lẫn dịch giả Nguyên Phong muốn truyền tải.
2. Về rặng Tuyết Sơn:
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết ở trong lãnh thổ phía Đông khu tự trị Tây Tạng có một rặng núi tên là Đại Tuyết Sơn thuộc dãy Hoành Đoạn. Tuy nhiên, dãy núi này không phải là dãy Tuyết Sơn mà tác giả Nguyên Phong đã chuyển ngữ.
Rặng Tuyết Sơn ở đây chỉ chung là hệ thống rặng Himalaya (“Hima” trong tiếng địa phương có nghĩa là “tuyết”), gồm rặng chính Himalaya và rặng phụ Transhimalaya chạy song song, trải dọc qua hàng loạt quốc gia, tạo biên giới tự nhiên giữa Tây Tạng với phần vương quốc Ấn Độ cũ. Có lẽ vì điều này, Tây Tạng trở thành vùng đất thiêng đối với người hành hương Phật giáo vì muốn đến được đây, họ phải trải qua hành trình vô cùng vất vả và khắc nghiệt.
Trong ấn bản được First News phát hành này, chúng tôi vẫn giữ tên “Tuyết Sơn” vì sự trang trọng của tên gọi lẫn sự trân trọng đến phần chuyển ngữ rất thâm thúy của dịch giả Nguyên Phong.
Ngoài ra, sau khi đối chiếu với bản tiếng Anh “The Way of the White Clouds” của tác giả Anagarika Govinda, chúng tôi nhận thấy có một số diễn tiến và tên gọi trong các phiên bản cũ của dịch giả Nguyên Phong đã bị lược mất hoặc chuyển thành các tên gọi có thể gây nhầm lẫn cho độc giả, vì thế First News đã hiệu chỉnh lại theo bản gốc tiếng Anh cho chính xác và phù hợp hơn. Ở những điểm có các thay đổi quan trọng, First News đều có chú thích cụ thể trong sách.
- First News