Năm Trung Hoa Dân Quốc1 nguyên niên (1912 – 1913), ta được bảy mươi ba tuổi. Theo chương trình của phong trào chấn hưng Phật giáo, ta cho thành lập chi hội Phật giáo Vân Nam và thỉnh thầy Liễu Trần thiết lập chi hội Phật giáo tại Quý Châu. Sau đó, ta cho khai mở một đại hội Phật giáo tại Vũ Xương, tăng sĩ từ các vùng xa xôi đến tham dự rất đông. Chúng ta bàn thảo việc mở trường học Phật giáo, xây cất nhà thương, lập các hội từ thiện, và tổ chức huấn luyện các tăng sĩ để đi hoằng pháp các nơi.
1 Trung Hoa Dân Quốc: là nhà nước Trung Quốc từ năm 1912 đến năm 1949. Trung Hoa Dân Quốc sử dụng niên hiệu Dân Quốc để đánh số năm trong những tài liệu chính thức. Theo đó, năm đầu tiên là 1912, tức là năm thành lập nền Trung Hoa Dân Quốc.
Trong năm đó, có người nông dân đem một con két biết nói đến phóng sinh tại chùa. Lúc trước nó ăn thịt, nhưng sau khi được quy y, dạy niệm Phật rồi thì nó không còn ăn thịt nữa. Nó rất thuần thiện, tự biết ra vào, mỗi ngày thường niệm Phật và Bồ Tát Quán Thế Âm không ngừng nghỉ. Ngày nọ, nó bị một con diều hâu bắt cắp đi. Lúc bay trên không trung, chỉ nghe tiếng niệm Phật thôi. Tuy chỉ là loài vật, đến lúc báo thân sắp hết, chết sống kề cận, mà nó không xả bỏ niệm Phật. Chẳng lẽ con người lại không bằng được như con két này sao?
Năm Dân Quốc thứ hai (1913 – 1914). Sau khi thành lập chi hội Phật giáo Vân Nam, ta cho làm biên bản, ghi nhận tất cả tài sản của chùa chiền, tự viện trong vùng và dự trù hoạch định những chương trình mới nhằm mục đích chấn hưng Phật pháp. Dĩ nhiên những việc trên đòi hỏi phải tường trình với chính quyền địa phương. Quan trưởng ty dân chính là La Dong Hiên muốn ăn hối lộ nên thường gây nhiều trở ngại, khiến chúng ta khó tiến hành những việc đã được hoạch định. Mặc dầu tỉnh trưởng Thái Tùng Ba thường đến hòa giải, nhưng không mang lại kết quả nào. Ta cùng các hội đoàn địa phương phải đi Bắc Kinh, mang việc này trình lên chính quyền trung ương. Ta gặp quan tổng lý nội các là Hùng Hi Linh, quan tổng lý trợ giúp nên mới thuyên chuyển La Dong Hiên trở về Bắc Kinh. Nhậm Khả Đăng được đưa về làm trưởng ty dân chính. Họ Nhậm đối với những sự việc liên hệ đến Phật giáo đều tận tình giúp đỡ nên công việc tiến triển hơn trước.
Qua năm sau, ta muốn về lại Kê Túc tu dưỡng, nên giao chức đại biểu chi hội Phật giáo cho các vị cao tăng khác rồi trở về núi. Tại đây ta cho khởi công trùng tu chùa Hưng Vân và chùa La Thuyên tại Hạ Dương. Ta đốc thúc lo liệu công trình xây cất sửa chữa xong, chư trưởng lão tại Hạc Khánh thỉnh ta đến chùa Long Hoa giảng kinh. Khi ta đang giảng kinh tại Long Hoa thì bốn huyện trong phủ Đại Lý bị nạn động đất rất kinh hồn. Nhà cửa, phòng xá, thành quách đều bị sập, duy trừ bảo tháp của chùa là không bị hư hại chi hết. Lúc chấn động, đất nứt ra, lửa cháy lan tràn, người người tranh nhau chạy thoát mạng, nhưng hầu như mỗi tấc đất đều rạn nứt, nên đa số bị té lọt xuống, đang trèo lên thì đất khép lại, cắt đứt thân mình, chỉ thấy đầu, thân người nằm la liệt trên đất. Cảnh tượng này giống y như địa ngục lửa sôi trong kinh Phật, rất thê thảm, không ai dám nhìn. Duy có một điều lạ là trong thành có khoảng một ngàn căn nhà, hầu hết đều bị nạn động đất phá tan, chỉ còn sót lại hai căn của hai gia đình Triệu Vạn Xương và Dương Thâm Nhiên. Lửa cháy đến tiệm của họ thì dừng lại, cửa tiệm không hề bị hư hoại vì nạn động đất. Hai gia đình đó có trên hai mươi người đều được bình an vô sự. Vài người trong vùng biết rõ hai gia đình này đã nói rằng trải qua bao đời, toàn thể gia đình họ đều ăn chay niệm Phật. Đấy là những người thiện lành, mẫu mực, nên mới tránh được những thiên tai hoạn nạn như thế. Ta rất vui mừng và nhân chuyện này có lời khuyên chư Phật tử nên noi theo gương họ, bớt sát sanh, làm lành lánh dữ, một lòng quy kính chư Phật thì sẽ tránh được những thiên tai hoạn nạn như thế.
Mùa xuân năm Dân Quốc thứ tư (1915 – 1916), tại huyện Đặng Châu, gia đình thân sĩ họ Đinh có người con gái tuổi khoảng mười tám, chưa lập gia đình. Ngày nọ, cô kia đang đi đột nhiên té ngã, bất tỉnh nhân sự. Toàn gia đình kinh hãi chưa biết phải làm gì thì một lát sau, cô tỉnh dậy, nói giọng đàn ông và mắng cha: “Này tên họ Đinh kia! Mi cậy thế, vu oan giá họa cho ta là tướng cướp, mi phải chịu trách nhiệm về cái chết của ta. Ta là người Tây Xuyên, phủ Đại Lý, họ Đổng. Ngươi có nhớ ra không? Hôm nay, ta cáo bạch trước điện Diêm Vương, trả mối thù tám năm về trước!”. Nói xong, cô ta lấy dao rượt chém cha khiến ông này sợ hãi phải chạy trốn, không dám về nhà. Từ đó, mỗi ngày quỷ đến nhập vào thân cô gái, khiến điệu bộ cô này trở nên hung hăng dữ tợn. Mọi người trong nhà đều lo buồn không biết phải làm gì. Bấy giờ, trên núi Kê Túc có hai vị tăng là Biểu Cầm và Tố Chân đi quyên hóa ngang qua nhà họ Đinh, gặp lúc quỷ lại nhập vào thân cô gái và đang hiện tướng trạng hung dữ. Hai vị tăng này nói với quỷ:
– Ngươi chớ nên làm như thế, khiến dân địa phương không được an ổn!
Quỷ đáp:
– Các thầy là người tu hành chớ có xen vào chuyện của ta! Hai vị tăng nói:
– Dĩ nhiên không phải chuyện của chúng ta, nhưng vì thầy chúng ta thường dạy rằng oán thù nên cởi, chẳng nên kết thêm. Càng kết thì càng thâm sâu, lúc nào mới giải cho xong được?
Quỷ ngừng lại suy nghĩ chốc lát, rồi nói:
– Thầy của chư vị là ai?
– Thầy chúng ta là Hòa thượng Hư Vân, trụ trì chùa Chúc Thánh.
– Ta cũng có nghe đến danh ngài, nhưng chưa từng gặp mặt. Liệu ngài có thể giúp đỡ, truyền giới cho ta được không?
– Thầy chúng ta từ bi cứu độ tất cả! Sao lại không truyền giới cho ngươi được?
Chư tăng khuyên quỷ nên tha cho họ Đinh và yêu cầu ông này xuất tiền ra làm lễ cầu siêu, nhưng quỷ nói:
– Hắn giết người hại mạng, ta không muốn dùng tiền của hắn!
– Như vậy, nếu người địa phương gom góp tiền lại, cầu siêu cho ngươi có được không?
– Thù này nếu không báo, ta hận mãi không nguôi. Oán gia tương báo, làm sao giải hết? Để ta xuống hỏi lại Diêm Vương đã. Ngày mai, chư vị hãy đến đây đợi ta!
Quỷ xuất ra, cô gái tỉnh dậy, nhìn thấy mọi người vây xung quanh, mắc cỡ, bỏ chạy vào nhà. Hôm sau, quỷ đến sớm hơn hai vị tăng, nên trách móc rằng sao không giữ lời hứa đến đúng giờ. Tăng bảo rằng vì có công việc nên mới đến trễ. Quỷ nói:
– Ta đã hỏi qua Diêm Vương. Ngài trả lời rằng chùa Chúc Thánh là nơi đạo tràng trang nghiêm, thanh tịnh, nên cho phép ta đi, nhưng chư vị phải đưa ta đến đó mới được.
Hơn cả chục thân hào nhân sĩ, dân chúng vùng địa phương cùng hai vị tăng đi đến chùa. Chiều đến, chúng ta bàn việc giải quyết vấn đề. Hôm sau, chùa thiết đàn tụng kinh thuyết giới. Kể từ đó, gia đình họ Đinh được bình yên trở lại. Dân chúng huyện Đằng Châu thường cùng nhau đến chùa lễ bái.
Từ lúc cư sĩ Cao Vạn Bang cúng dường tượng Phật ngọc đến nay đã vài năm, nên ta trở lại Nam Dương để thỉnh tượng Phật về. Ta nghe nói có nhiều người dân thuộc sắc tộc khác tin tưởng Phật pháp, nên ta đi qua các vùng đất của họ như Thường Đạt Miến, Oa Tán, Lạp Tán để hoằng pháp rồi lại trở về Ngưỡng Quang lễ tháp Đại Kim, thăm Cao cư sĩ. Giảng kinh xong, ta đón tàu đi Tân Gia Ba1. Tàu vừa đến cảng Tân Nhai thì cảnh sát xuống khám xét và nói: “Hiện nay tại Trung Quốc, Tổng thống Viên Thế Khải đang thiết lập đế chế, ra lệnh bắt giữ tất cả những tên nổi loạn, không tuân phục ngài. Mọi người Hoa đến đây, phải được kiểm soát chặt chẽ trước khi cho lên bờ, để phòng quân phản loạn trà trộn vào”. Mọi người được đưa đến ty cảnh sát tra hỏi và sau đó đều được thả, trừ nhóm chúng ta, gồm có sáu vị tăng. Cảnh sát bảo rằng chúng ta thuộc đảng cách mạng, nên giữ lại. Họ trói chúng ta lại, đánh đập tàn nhẫn rồi đem ra phơi nắng, không cho ăn uống hay cử động, nếu nhúc nhích liền bị đánh; cứ như thế từ sáu giờ sáng cho đến tám giờ tối. May thay, có đệ tử của ta là Hồng Thịnh Dương nghe biết nên đến ty cảnh sát bảo lãnh, đóng tiền thế chân năm ngàn đồng cho mỗi người, nên chúng ta mới được thả ra.
1 Tân Gia Ba: Cộng hòa Singapore.
Mùa xuân năm Dân Quốc thứ sáu (1917 – 1918), ta được bảy mươi tám tuổi. Ta vận chuyển tượng Phật về nước, mướn tám người phụ giúp mang về núi Kê Túc. Tiền mướn lên đến hơn ngàn đồng. Đoàn chúng ta phải đi qua các vùng hẻo lánh, cheo leo chập chùng, chưa từng có dấu chân người. Đi như thế cả vài mươi ngày mới đến núi Dã Nhân, những người khuân vác nghi rằng trong tượng Phật ngọc có vàng bạc châu báu hay ngân phiếu, nên họ đặt tượng Phật xuống, nói rằng không còn sức để khiêng tượng nữa, lại đòi trả thêm tiền công. Ta cố nói nhưng họ càng hung tợn thêm. Biết không còn cách nào để làm cho họ dịu xuống, ta bèn nhìn thấy bên đường có tảng đá to, nặng khoảng vài trăm cân. Ta bảo bọn họ: “Tảng đá này và tượng Phật, vật nào nặng hơn?”. Họ đáp: “Chắc chắn tảng đá nặng hơn tượng Phật hai ba lần”. Ta liền dùng hai tay nâng tảng đá lên cả thước. Bọn họ trố mắt thè lưỡi nói: “Lão hòa thượng này quả là Phật sống!”. Từ đó, họ không dám nói năng chi hết, khiêng tượng Phật ngọc đi thẳng về núi. Đến núi, ta thưởng thêm tiền cho họ. Ta tự biết sức mình không thể nâng nổi tảng đá đó, mà thật ra chỉ nhờ thần lực của Long Thần hộ pháp2 thôi.
2 Long Thần hộ pháp: “long thần” là thần rồng, là một trong Thiên Long Bát bộ. Theo niềm tin của đạo Phật, Long Thần hộ pháp là một trong tám loại chúng sanh thường đến nghe Phật giảng pháp, hộ pháp cho giáo pháp Phật được tuyên lưu, đồng thời các vị cũng có khả năng tu tĩnh thành Phật.
Năm Dân Quốc thứ bảy (1918 – 1919), Đề đốc Đường Kế Nghiêu phái người đem thư lên núi, mời ta đi Côn Minh bàn việc. Bất đắc dĩ lắm ta mới đáp lời mời của ông. Khi ấy, tình hình chính trị không yên, giặc cướp nổi lên khắp nơi, đi đường lộ rất nguy hiểm nên quan huyện phái quân lính đến hộ tống nhưng ta từ chối, chỉ đem theo một đệ tử là Tu Viên. Khi đi qua núi Sở Hùng, ta gặp một nhóm loạn quân chặn lại, họ khám xét kỹ càng và tìm thấy lá thư của Đề đốc họ Đường, nên họ đánh ta túi bụi. Ta nói:
– Chư vị đánh ta làm gì. Xin cho ta gặp thủ lĩnh của chư vị.
Họ liền đưa ta đến gặp hai thủ lĩnh là Dương Thiên Phúc và Ngô Học Hiển. Hai người này bèn hỏi:
– Thầy là ai?
– Ta là hòa thượng núi Kê Túc.
– Thầy tên chi?
– Ta tên Hư Vân.
– Thầy lên tỉnh có việc gì?
– Ta lên tỉnh để làm Phật sự.
– Làm Phật sự cho ai?
– Ta vì chúng sanh mà làm Phật sự. Cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho dân chúng được tiêu trừ thiên tai hoạn nạn.
– Đường Kế Nghiêu là thằng giặc đồi bại. Thầy qua lại với hắn như vậy, thầy cũng là người đồi bại như hắn!
– Nếu nói tốt thì mọi người đều tốt cả, còn nếu nói xấu thì mọi người cũng đều xấu hết.
– Thầy nói như vậy là thế nào?
– Giả sử các ông cùng Đường Kế Nghiêu vì dân vì nước mà tạo phước, thì ai cũng là người tốt hết. Còn như các ông bảo Đường Kế Nghiêu là kẻ đồi bại, hại dân hại nước, mà ông ta cũng bảo rằng các ông là kẻ đồi bại như vậy thì ai đúng, ai sai? Cả hai bên đều có thành kiến, như nước với lửa, cùng đem quân giết hại lẫn nhau làm vạ lây đến nhân dân thì có phải tất cả đều là người xấu hết không? Nhân dân theo chính quyền thì các ông coi họ là giặc, mà theo các ông thì chính quyền coi họ là cướp. Vậy có đáng thương họ lắm không?
Cả hai thủ lĩnh nghe ta phân trần đều gật đầu:
– Thầy nói thế không sai. Vậy phải làm thế nào mới đúng?
– Theo ý ta thì chư vị đừng nên đánh nhau nữa mà hãy hòa giải.
– Thầy bảo chúng ta phải đầu hàng ư?
– Không phải thế! Ta nói rằng các ông hãy nên hòa giải kia. Các ông đều là những người hiền sĩ của đất nước, nếu muốn đem hòa bình an lạc lại cho quốc gia, việc quan trọng trước nhất là các ông hãy dẹp bỏ thành kiến, để cùng nhau an dân cứu nước. Đó có phải là việc tốt không?
– Vậy phải bắt đầu như thế nào?
– Theo ý ta, các ông nên thương lượng với Đường Kế Nghiêu.
– Không thể được, hắn giết hại và giam cầm quân chúng ta rất nhiều. Phải trả thù, chứ nói ra hàng thì làm sao chấp nhận được.
– Quý vị chớ hiểu lầm! Ta chỉ khuyên nên thương thuyết với Đường Kế Nghiêu thôi. Hiện giờ ông ta là quan của chính quyền, có quyền hành trong tay. Tương lai quý vị cũng có thể làm quan vậy. Việc ông ta giết nhiều người của quý vị cũng là việc bất đắc dĩ thôi. Để khi đến Côn Minh, ta sẽ làm lễ cầu siêu cho các âm hồn chiến sĩ trận vong. Đối với những người của quý vị đang bị ông ta nhốt, ta sẽ xin ông ta thả ra hết. Nếu quý vị không nghe lời ta giãi bày, cứ gây chiến với nhau, thì thắng bại khó bàn. Tuy quý vị có quân đấy, nhưng so với Đường Kế Nghiêu thì không thể sánh bằng. Ông ta có cả sư đoàn quân lính, tiền tài lương thực, và được chính quyền trung ương hỗ trợ. Uy thế của ông ta mạnh hơn quý vị rất nhiều. Hôm nay, không phải ta đến đây khuyên quý vị ra hàng, nhưng vì thuận tiện cùng có chút duyên lành, nên mới tỏ rõ sự tình. Lại nữa, ta chỉ ước mong đất nước được thanh bình, nhân dân an lạc, để người ngoại quốc không khinh thường dân tộc mình.
Hai thủ lĩnh cảm động, bèn ủy thác ta làm đại diện cho họ. Ta nói:
– Xin quý vị hãy viết một tờ hòa ước. Nếu có cơ hội, ta sẽ đưa thư này cho họ Đường.
Hai thủ lĩnh nghe xong, cùng nhau luận bàn, rồi viết ra sáu điều hòa ước:
1/ Trước khi hòa giải, hãy thả hết tất cả người của chúng ta.
2/ Không thể giải tán quân binh của chúng ta.
3/ Không được hủy bỏ chức vụ binh quyền của chúng ta.
4/ Quân đội của chúng ta phải do chúng ta chỉ huy, tiếp quản.
5/ Không được truy xét tội lỗi chiến tranh giữa hai quân đội lúc trước.
6/ Sau khi hòa giải, phải đối xử bình đẳng với quân của hai bên.
Ta xem xong tờ hòa ước, bèn nói:
– Những điều này, chắc sẽ không thành vấn đề gì đâu! Đợi ta thương thuyết với họ Đường, rồi sau đó sẽ đem giấy tờ công văn đến cho quý vị ký kết.
Hai thủ lĩnh nói:
– Thật làm phiền ngài. Sự việc nếu thành, chúng ta xin cảm ơn ngài rất nhiều.
– Xin đừng cảm ơn! Ta làm việc này, chẳng qua chỉ do thuận duyên mà thôi.
Hai thủ lĩnh đối đãi ta rất trịnh trọng. Tối đến, chúng ta lại đàm đạo những chuyện khác, rất vui vẻ. Họ muốn giữ ta lại, nhưng vì chuyện gấp, nên hôm sau ta liền từ giã. Ăn sáng xong, họ cúng dường tiền lộ phí, thức ăn, xe ngựa, đồ vật, lại phái người đi theo hộ tống. Ta khước từ hết cả, chỉ nhận đồ ăn để đi đường. Ra khỏi doanh trại khoảng nửa dặm, đột nhiên có một nhóm người chạy đến, quỳ ngay trước mặt, cúi đầu xuống đất. Ta nhận ra họ chính là những quân sĩ đã đánh ta hôm qua. Họ đồng thanh thưa: “Xin Hòa thượng tha lỗi cho chúng con, chúng con có mắt mà như mù nên đã xâm phạm đến ngài”. Ta an ủi họ và khuyên họ chớ làm việc ác nữa mà hãy nên làm việc lành. Tất cả đều cảm động, rồi đi khỏi.
Khi đến Côn Minh, Đường Kế Nghiêu phái tùy viên đến đón tiếp và đưa ta về chùa Viên Thông. Tối đến, ông mời ta vào dinh trại gặp mặt. Ông nói:
– Bạch Hòa thượng, đã bao năm nay con không được gặp ngài. Trong thời gian ấy, bà nội, cha mẹ, vợ, anh em của con đã lần lượt qua đời. Tâm con lúc này không an vì việc trong nhà cũng như bên ngoài. Thời gian gần đây có bọn cướp trong vùng luôn hoành hành, làm dân lành điêu đứng, tướng sĩ thương vong, cô hồn đói rét. Vì thế, con nghĩ đến ba việc: thứ nhất là tổ chức lễ cầu nguyện chư Phật gia bị cho dân chúng được tiêu trừ tai nạn, và cầu siêu cho các vong hồn vất vưởng; thứ hai là kiến lập một đại tùng lâm tại chùa Viên Thông để hoằng dương Phật pháp; thứ ba là xây một trường đại học đạo đức thiện lành để giáo dục thanh niên. Việc thứ ba đã có người của con lo liệu, còn việc thứ nhất và thứ hai, ngoài ngài ra thì không ai đảm nhận nổi.
– Ngài phát đại nguyện như thế, trên thế gian này thật khó có được, vì đây là sự phát tâm của bậc Bồ Tát. Lão tăng đây trí huệ cạn hẹp, không đủ sức để giúp ngài hết tất cả. Việc kiến lập tùng lâm, trong nước có rất nhiều chư vị cao tăng hiền đức có thể làm được. Tuy nhiên, theo ý lão tăng, chùa Viên Thông không phải là một đại tùng lâm vì chỉ có thể chứa được khoảng vài trăm người thôi nên xin ngài hãy xét lại. Việc lập đàn tràng cầu nguyện, không đến nỗi khó lắm, ta có thể giúp ngài.
– Ngài bảo rằng chùa Viên Thông không phải là một đại tùng lâm, thật rất đúng. Xin hãy gác lại việc này, mai mốt sẽ bàn sau, còn việc lập đàn tràng thì như thế nào?
– Tâm Phật và chúng sanh là một thể, cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn. Lập đàn tràng là vì nước vì dân, cùng làm lợi ích đến cõi u minh. Theo ngu kiến của lão tăng, trước khi làm Phật sự, xin ngài hãy làm ba việc: thứ nhất là khi lập đàn tràng, trong suốt ngày, cấm dân chúng trong huyện không được giết hại loài vật; thứ hai là nên thả tù nhân ra; thứ ba là nên chẩn tế cứu giúp các nạn nhân chiến tranh, không phân biệt phe phái.
– Việc thứ nhất và thứ ba có thể làm được, còn việc thứ hai thì do bộ hành pháp của chính quyền trung ương quyết định, con không thể tự ý làm.
– Việc nước rất nhiều, chính quyền trung ương khó mà lo hết. Vấn đề này, xin ngài hãy bàn thảo với bộ hành pháp trong tỉnh thì có thể làm được. Nếu thế thì chư thiên mới ban phước lành đến cho nước nhà.
Đường Kế Nghiêu gật đầu chấp thuận. Ta nói thêm:
– Ta còn một việc riêng muốn thưa với ngài (ta liền kể lại việc gặp hai thủ lĩnh họ Ngô và Dương trên đường). Xin ngài hãy thả những tù nhân đó ra, để cảm hóa họ trở về với mình.
Nghe rõ sự tình, Đường Kế Nghiêu rất vui mừng, liền bàn thảo việc thả tù nhân và hòa giải chiến tranh.
Mùa xuân năm Dân Quốc thứ tám (1919 – 1920), ta lập đàn tràng Thủy Lục3 nơi chùa Trung Liệt Từ. Khi pháp hội vừa khai mở thì chính quyền ân xá tù tội, cấm nhân dân giết hại loài vật. Trong kỳ hội lễ, Đường Kế Nghiêu phái tùy viên đến gặp hai thủ lĩnh họ Ngô và Dương để bàn việc hòa giải. Sau đó, ông ủy nhiệm cho hai họ Ngô và Dương làm trại trưởng trông coi an ninh trong vùng đó. Từ đó, dân địa phương được sống an ổn. Hai vị họ Ngô và Dương trung thành trước sau không đổi. Có điều lạ kỳ là khi pháp hội vừa khai mở thì tất cả ánh lửa đèn đuốc đột nhiên biến dạng như hoa sen, màu sắc thay đổi rất nhiều. Chư thiện nam tín nữ tùy duyên đến xem. Ngày bốn mươi chín, khi pháp hội vừa xong, lúc làm lễ tiễn chư Thánh chúng, thì trên trời hiện ra tràng phan, bảo cái4 bay lẫn trong mây. Nhân dân trong thành thấy rõ, nên quỳ xuống lễ bái. Xong lễ cầu nguyện, Đường Kế Nghiêu thỉnh ta đến nhà tụng kinh cho thân nhân đã mất. Chính ông cũng thấy những điềm lành khác, nên tín tâm càng tăng. Tất cả người trong gia phủ đều thọ giới quy y.
3 Đàn tràng Thủy Lục: một hình thức đàn cúng tế (cầu siêu cho các vong linh mất ở trên cạn, dưới nước và cả trên không).
4 Tràng phan, bảo cái: là các đồ dùng trong nghi lễ cúng dường, trong đó, “tràng” là cờ lọng, “phan” là cờ hiệu dùng để triệu tập đại chúng đến nghe Phật pháp; “bảo cái” là vật được treo trên đỉnh tượng Phật, ý nghĩa của nó là phòng ngừa ô nhiễm.
Chùa Hoa Đình ở Tây Sơn, Côn Minh là một ngôi chùa cổ xưa trong nước, phong cảnh rất đẹp. Bấy giờ, thầy trụ trì có ý muốn bán chùa cho người Tây phương làm câu lạc bộ, để lấy một món tiền. Ta nghe thế lấy làm tiếc nên nói với Đường Kế Nghiêu hãy cố gắng bảo tồn ngôi chùa cổ kính, thuộc hàng danh lam thắng cảnh trong nước. Họ Đường chấp thuận lời yêu cầu của ta. Ông bàn với các vị niên trưởng trong vùng như Vương Cửu Linh, Trương Chuyết Tiên, rồi làm một buổi cơm chay mời ta đến dự. Trong lúc dùng cơm, họ dâng lên một thiếp hồng, thỉnh mời ta làm trụ trì chùa Hoa Đình để trùng hưng lại ngôi chùa này. Họ xưng thỉnh như thế ba lần nên ta liền tiếp nhận.
Phụ chú của cư sĩ Sầm Học Lữ
Hòa thượng Hư Vân đầu tiên trụ trì chùa Ngưỡng Dương, Tây Trúc, tức Hộ Quốc, Chúc Thánh thiền tự. Kế đến, ngài kiến lập chùa Nhân Thắng ở Côn Minh, chùa Lâu Thiền, chùa Tùng ở tỉnh Vân Nam, núi Bích Kê.
Năm đó, cư sĩ Trương Chuyết Tiên đem hai con ngỗng đến chùa Vân Lâu (tức chùa Hoa Đình) để phóng sinh và thỉnh ta thuyết giới cho chúng. Trong lúc thuyết giới, hai con ngỗng cúi đầu xuống, im lặng, giống như đang thọ nhận giới pháp. Ta thuyết giới xong, chúng ngẩng đầu lên, tỏ vẻ vui mừng. Từ đó, chúng thường theo đại chúng đồng lên chánh điện. Đại chúng niệm Phật, chúng lắng nghe. Đại chúng đi nhiễu5 Phật, chúng cũng đi theo sau nhiễu Phật. Cứ như thế không đổi. Người người đều mến thích chúng. Qua ba năm, ngày nọ, con ngỗng cái lên trước chánh điện, vỗ cánh ba lần, ngưỡng đầu lên ngắm nhìn tượng Phật rồi chết, nhưng dạng trạng vây lông vẫn không biến đổi. Sau đó, đại chúng đặt nó vào thùng gỗ rồi thiêu. Con ngỗng đực còn lại, kêu rống không ngừng, dạng như không muốn rời xa bạn nó. Nó không ăn uống cả vài ngày, rồi cũng lên chánh điện, đứng ngắm nhìn tượng Phật, trương hai đôi cánh ra, vỗ một lần rồi chết. Đại chúng cũng đặt xác nó vào một thùng gỗ nhỏ để thiêu, cùng đặt tro của hai con ngỗng này chung một chỗ.
5 Nhiễu: đi vòng quanh.
Phụ chú của cư sĩ Sầm Học Lữ
Mùa thu năm đó, Đại tướng Cố Phẩm Trân cùng một số tướng lĩnh khác tính đoạt quyền của Đề đốc Đường Kế Nghiêu. Họ Đường có hơn hai mươi sư đoàn, định giao chiến nhưng vì cung kính tin tưởng lời dạy của Hòa thượng Hư Vân nên nửa đêm, ông thay đồ đổi dạng, đến chùa gặp ngài hỏi ý. Hòa thượng nói: “Ngài thu phục được lòng dân chúng tỉnh Vân Nam mà chưa được lòng các tướng sĩ. Nếu dùng vũ lực thì khó phân thắng bại giữa hai nhóm quân đội, người ngoại quốc có thể lợi dụng cơ hội này để xâm chiếm Vân Nam. Tốt nhất là ngài hãy nên tạm bỏ hư danh để bảo tồn lực lượng, chờ duyên lành ngày sau”. Đường Kế Nghiêu chấp nhận, nhường chức cho Cố Phẩm Trân rồi bỏ Vân Nam qua Việt Nam tạm trú. Việc này, khi lược thuật trong quyển biên niên, Hòa thượng Hư Vân không nói rõ chi tiết. Kẻ biên chép lại quyển biên niên này, mười năm trước lúc còn theo hầu bên ngài, đã từng nghe ngài kể lại chuyện này.