Năm Tuyên Thống thứ ba (1912 – 1913), ta được bảy mươi hai tuổi. Sau kỳ truyền giới năm nay, ta kiết thiền thất trong bốn mươi chín ngày, đề xướng tọa hương, an cư kiết hạ, theo tất cả quy củ pháp thức. Đến tháng Chín, cách mạng Vũ Hán lan tràn đến Vân Nam, địa phương bị loạn lạc, thành Tân Châu bị bao vây, bức bách nguy hại. Ta đến đó điều giải nhưng quan tổng binh Lý Căn Nguyên hiểu lầm, phái binh lính đến bao vây núi Kê Túc. Sau đó, ta giải thích tự sự cho ông ấy nên ông cho binh lính rút lui và xin quy y Tam Bảo.
Mùa đông năm sau, Hội Phật giáo Đại Đồng tại Thượng Hải và Hội Phật giáo Trung Quốc có sự tranh chấp nên đánh điện tín đến Vân Nam, mời ta lên hòa giải. Ta đến Thượng Hải, gặp các thầy Thái Hư, Phổ Đường, Nhân Sơn, Đế Nhàn, cùng nhau thương thuyết hòa giải. Tại chùa Tịnh An, chúng ta bàn nhau nên thành lập một Tổng hội Phật giáo Trung Hoa để chấn hưng Phật pháp, tránh những tranh chấp giữa các chùa chiền, tông phái, và đào tạo tăng tài, phát hành kinh sách. Ta cùng Hòa thượng Kỳ Thiền đi Bắc Kinh để tiếp xúc với các thầy miền Bắc nhưng nửa đường Hòa thượng Kỳ Thiền đột nhiên nhuốm bệnh, rồi ngồi xếp bằng thị tịch. Ta đứng ra tổ chức lễ an táng, đem linh cữu ngài về Thượng Hải. Tại chùa Tịnh An, chúng ta khai mở đại hội thành lập Tổng hội Phật giáo Trung Hoa, rồi làm lễ truy điệu an táng Hòa thượng Kỳ Thiền. Phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu, Hòa thượng Thái Hư và Phổ Đường cho khai mở những trường đại học Phật giáo, nhằm mục đích đào tạo và huấn luyện tăng sĩ. Phần ta nhận lãnh nhiệm vụ hoằng pháp tại hai tỉnh Vân Nam và Quí Châu. Khi trở về Vân Nam, tướng Lý Căn Nguyên gởi thư giới thiệu ta đến tỉnh trưởng Vân Nam là Thái Tùng Ba, và chư vị quan chức các tỉnh để hộ trì Phật pháp.
Phụ chú của cư sĩ Sầm Học Lữ Quyển biên niên tự thuật này do chính Thiền sư Hư Vân thuật lại, nhưng ngài chỉ nói rất sơ lược. Sau khi duyệt lại quyển biệt ký và các tài liệu ở tỉnh Vân Nam, tôi mới biết rõ nhiều sự việc tường tận, càng thấy ân đức của ngài thật vô lượng nên xin ghi lại một vài chi tiết như sau:
Hòa thượng Hư Vân tại Vân Nam hoằng pháp độ sinh, cứu giúp được rất nhiều người. Sau khi thỉnh Đại tạng kinh về Vân Nam, ngài cho mở các khóa Phật pháp, giáo hóa chúng dân. Quan thân sĩ thứ địa phương ngày càng thêm kính trọng, ai ai cũng gọi ngài là Đại lão Hòa thượng Hư Vân. Khi cuộc cách mạng Tân Hợi nổi lên, triều Thanh thoái vị. Các tướng lĩnh thuộc chính quyền mới ỷ thời thế loạn lạc, đánh đuổi tăng ni, cướp phá chùa chiền, làm mưa gió khắp nơi. Lúc ấy, vị tướng tỉnh Vân Nam là Lý Căn Nguyên, chuộng Nho học, ghét tăng sĩ, nhất là những người không chịu giữ giới luật, nên thừa cơ kéo quân lên núi đuổi tăng chúng, phá chùa chiền. Khi sắp lên núi, ông hỏi quan quân địa phương là tại sao Hòa thượng Hư Vân, một lão tăng nghèo hèn, mà lại thâu phục được lòng dân chúng như vậy, chắc phải có việc chi kỳ quái, nên ra lệnh bắt giam ngài. Thấy việc không may, hiểm họa sắp đến, tăng chúng các chùa đều bỏ trốn, chỉ còn một trăm vị tăng ở lại với ngài, tất cả đều lo sợ nên khuyên ngài hãy đi lánh nạn. Hòa thượng Hư Vân đáp: “Các vị muốn đi thì cứ đi. Nếu phải trả nghiệp báo thì lẩn trốn có ích chi? Ta sẵn sàng đem thân mạng mình hy sinh cho Phật pháp”. Toàn thể đại chúng an lòng ở lại với ngài. Vài ngày sau, tướng Lý Căn Nguyên thống lĩnh quân sĩ tiến lên núi, đóng quân tại chùa Tất Đàn, phá tượng đồng Đại Vương, tượng Phật, điện chư Thiên tại Kim Đảnh, núi Kê Túc. Vì việc cấp bách nên Hòa thượng Hư Vân một mình đơn độc xuống núi, đi thẳng vào trại lính, đưa thẻ trình cho lính gác cổng. Lính gác nhận diện được nên bảo ngài hãy mau trốn đi chỗ khác, nếu không thì chỉ chuốc lấy tai họa, chắc sẽ bị giết. Hòa thượng Hư Vân không quay về, đi thẳng vào doanh trại, thấy Lý Căn Nguyên cùng quan Bố chánh Triệu Phiên đang ngồi trong nội điện bèn tiến đến trước mặt họ làm lễ, nhưng họ Lý vẫn không quay mặt lại nhìn ngài. Vì Triệu Phiên đã từng quen biết Hòa thượng Hư Vân thuở trước, liền hỏi ngài đến để làm gì. Hòa thượng Hư Vân trần thuật mọi sự việc. Lúc ấy, họ Lý với sắc mặt nóng giận, nghe thế liền hỏi:
– Phật giáo dùng để làm gì, có ích lợi chi? Hòa thượng Hư Vân đáp:
– Ân đức giáo hóa của thánh nhân thật vô lượng. Nói rộng ra, Phật giáo dùng để cứu đời, làm lợi ích cho nhân dân. Từ lời dạy đơn sơ đến lý lẽ thâm sâu đều vì tạo việc lành, dẹp trừ điều ác… Từ xưa, chính quyền và tôn giáo cùng lập hạnh. Chính quyền lo việc trị an cho dân chúng. Tôn giáo lo dạy dỗ chúng dân làm lành, lánh ác… Phật giáo dạy người trị bệnh trong tâm. Tâm là gốc của muôn ngàn sự vật, nếu gốc chân chính thì muôn việc đều bình an, trời đất luôn thái bình.
Lý Căn Nguyên bèn dịu sắc mặt xuống hỏi:
– Vậy chứ còn tượng đồng, tượng gỗ để làm chi vậy, chỉ tốn bao tiền của dân chúng thôi chứ lợi ích gì?
Hòa thượng Hư Vân đáp:
– Lời Phật là tướng của pháp. Tướng biểu hiện pháp. Nếu không có tướng biểu hiện thì người dân không thể biết đến pháp, hoặc họ không khởi tâm cung kính nể sợ. Đối với con người, tâm nếu không cung kính, thì việc ác nào cũng dám làm, tạo thành họa loạn. Những tôn tượng trong chùa chiền thường được tạo bằng đất đá gỗ mộc, cũng giống như các tượng đồng ở các nước Đông – Tây. Nói theo thế gian, những tôn tượng này, bất quá chỉ khiến cho chúng dân có chỗ nương tựa, cùng thầm khởi tâm cung kính tín phục, diệu dụng không thể nghĩ bàn, ngôn từ không chi diễn đạt. Nếu thấy các tướng mà không phải tướng, tức thấy đức Như Lai!
Lý Căn Nguyên nghe lời phân giải rất vừa lòng, liền bảo lính hầu mang trà bánh ra đãi ngài, rồi hỏi:
– Nếu thế, tại sao các tăng sĩ không làm những việc tốt mà lại đi làm các việc kỳ quái, như những kẻ phế thải trong xã hội?
Hòa thượng Hư Vân đáp:
– Hòa thượng chỉ là danh xưng, có phàm có thánh, sai biệt rõ ràng; không thể nhìn thấy một hai ông tăng phạm giới, hư đốn mà lại khinh khi toàn thể tăng chúng được, cũng như người ta không thể phỉ báng Khổng Tử chỉ vì một hai Nho sinh hủ bại. Nay tiên sinh thống lĩnh binh sĩ, tuy kỷ cương quân đội nghiêm minh nhưng có phải binh lính nào cũng đều thông minh chính trực như ngài đâu! Biển cả bao la vì chứa đựng muôn loài, không phân biệt cá tôm. Tánh Phật pháp rộng như biển cả, không chi không dung chứa. Chư Tăng nhậm thừa lời Phật dạy, hộ trì Tam Bảo, ẩn mật lạ kỳ, âm thầm hóa độ chúng sanh, diệu dụng rõ ràng, không phải là những người phế thải!
Lý Căn Nguyên nghe vậy đổi giận làm vui, giữ Hòa thượng Hư Vân lại để dùng cơm tối, đốt đuốc đàm đạo; chốc lát nét mặt ông lại nở một nụ cười, chốc lát ông lại cúi đầu cung kính. Hòa thượng giảng dạy rõ ràng, lý lẽ thâm sâu, bàn luận từ nhân duyên nghiệp quả, cho đến lưới nghiệp giao thức, cùng chúng sanh tương tục. Lý Căn Nguyên tiếp nhận hết tất cả lời lẽ và chợt thốt ra lời than:
– Phật pháp cao siêu như thế mà con lại giết tăng phá chùa. Ôi nghiệp tội nặng vô cùng. Vậy con phải làm sao đây?
Hòa thượng Hư Vân đáp:
– Đó chỉ do tánh khí nhất thời thúc đẩy, không phải là tội của ngài. Xin hãy nguyện sau này, hết sức hộ trì Tam Bảo thì công đức to lớn biết chừng nào!
Vị tướng họ Lý vui mừng hớn hở theo Hòa thượng Hư Vân đến chùa Chúc Thánh, sống hòa lẫn với tăng chúng, ăn cơm chay vài ngày. Khi ấy, trên núi bỗng hiện ra một luồng ánh sáng màu vàng, bay từ đỉnh núi xuống chân núi. Màu sắc cây cỏ đều biến thành màu vàng kim. Tương truyền trong núi có ba loại ánh sáng: một là ánh sáng của chư Phật, hai là ánh sáng màu trắng bạc, ba là ánh sáng màu vàng. Ánh sáng của chư Phật hằng năm đều hiện rõ, còn ánh sáng màu trắng bạc và màu vàng thì từ lúc khai sơn đến nay, ít có hiện ra.
Họ Lý cảm động vô cùng, nguyện xin làm đệ tử của Hòa thượng Hư Vân, rồi lại thỉnh ngài làm tổng trụ trì toàn núi Kê Túc, sau đó y dẫn quân rời khỏi núi. Việc này, nếu không phải do đức tu hành khổ hạnh của Hòa thượng Hư Vân thì làm sao chuyển tâm được viên tướng họ Lý trong khoảng sát na đó!
Khi chính phủ Dân Quốc được thành lập thì ở Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma không chịu tuân lệnh chính phủ đương thời, treo cờ cách mạng. Chính quyền trung ương bèn ra lệnh cho quân tỉnh Vân Nam do tướng Ân Thúc Hoàn thống lĩnh, kéo quân sang trị tội. Quân tiền phong kéo đến huyện Tân Xuyên. Hòa thượng Hư Vân sợ rằng nếu chiến tranh xảy ra thì vùng biên cương này không thể tránh khỏi hiểm họa, nên theo đoàn quân tiền phong đến Đại Lý, gặp tướng họ Ân. Hòa thượng Hư Vân khuyên:
– Người Tây Tạng hiền lành, cả nước đều tin theo Phật pháp. Nếu có người nào thông hiểu Phật pháp qua Tây Tạng thương thuyết thì sẽ giải quyết được sự việc mà không cần dùng binh. Tướng Ân Thúc Hoàn đồng ý, có ý mời Hòa thượng Hư Vân làm việc này, nhưng ngài nói:
– Ta là người Hán, đi qua đó sợ sẽ bị thất bại. Quý vị hãy thỉnh Lạt Ma Đông Bảo, người Lạp Xuyên, là vị xuất gia lâu năm, có đức độ, được người Tây Tạng tín phục, tôn là Pháp Vương Tứ Bảo. Nếu vị này đi qua đó thì sự việc chắc sẽ thành công.
Nghe thế, tướng Ân Thúc Hoàn viết thư nhờ Hòa thượng Hư Vân mang đến ngài Lạt Ma Đông Bảo. Lúc đầu, Lạt Ma Đông Bảo khước từ, viện lý do là già yếu nhưng Hòa thượng Hư Vân nói:
– Trước thảm họa chiến tranh sắp xảy ra, ngài tiếc chi ba tấc lưỡi mà hại đến muôn ngàn sinh mạng dân chúng!
Lạt Ma Đông Bảo vội đứng dậy cung kính đáp:
– Được! Ta sẽ đi! Ta sẽ đi!
Lạt Ma Đông Bảo thọ nhận mệnh lệnh đi Tây Tạng. Cùng đi với ngài Đông Bảo là Hòa thượng Pháp Ngộ, đại diện cho chính quyền trung ương. Sau khi qua Tây Tạng, họ ký hòa ước rồi trở về, tướng Ân Thúc Hoàn liền ra lệnh bãi binh.