Từ khi chiếu vua ban ra, ngăn cấm không cho quan quân tịch thâu tài sản của chùa chiền, cùng thỉnh được Đại Tạng kinh về núi, tăng gia toàn tỉnh sống rất an ổn. Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam, Lý Kỉnh Hy, mang toàn gia quyến đến chùa làm lễ quy y và tặng rất nhiều lễ vật. Ta khuyên răn tăng chúng trong vùng phải cẩn trọng giữ gìn giới luật, đề xướng việc giáo dục thanh niên, dẹp trừ tập khí xấu xa, phấn chấn đạo phong núi Kê Túc. Ta thương lượng với quan huyện Tân Xuyên cho thả các tù nhân nhẹ tội. Mùa hạ năm đó ta nhận được một bức thư gia đình tại Tương Lương. Nghĩ lại, thoáng qua mà ta đã xuất gia được năm mươi năm. Ta bèn viết ba bài thơ, trong đó có câu:
“Kính ai một đời nghiệp thanh tịnh
Nơi tâm cảnh chẳng dính mãi trần
Lâu rồi quên hẳn việc thế gian,
Hãy trông chừng tập khí nơi đất tâm.”
Phụ chú của cư sĩ Sầm Học Lữ Cư sĩ Hàn Vĩnh Xương, tổng bí thư chính phủ đương thời, sau khi đọc bài thơ của Hòa thượng, đã cho khắc lên đá cuộc đời của Tỳ kheo ni Diệu Tịnh cùng bài thơ lưu kệ của bà.
Sau đây là bài Lưu kệ ký của Tỳ kheo ni Diệu Tịnh:
“Tỳ kheo ni Diệu Tịnh, tên tục Vương Thị, là mẹ kế của Hòa thượng Hư Vân. Hòa thượng người Tương Lương, tỉnh Hồ Nam, tên tục là Trai, thuộc dòng dõi vua Lương Võ Đế. Cha ngài tên Ngọc Đường, làm quan tại phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến. Mẹ ngài họ Nhan, tuổi ngoài bốn mươi mà chưa có một mụn con, nên cầu nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm ban con cho. Cha mẹ ngài mộng thấy một vị trưởng lão mặc y màu xanh, đầu đội tượng Quán Thế Âm, thân cưỡi hổ, nhảy lên giường nằm. Mẹ ngài kinh sợ tỉnh dậy, nghe mùi hương lạ bay khắp phòng, liền thọ thai Hòa thượng Hư Vân. Sau đó sinh ra một bọc thịt, mẹ ngài thất vọng ê chề, uất khí mà mất. Hôm sau, một lão bán thuốc đến nhà, lấy dao rạch bọc thịt ra được một bé trai trân quý chính là Hòa thượng Hư Vân. Từ đó ngài được người mẹ kế săn sóc nuôi nấng. Hòa thượng Hư Vân tánh vốn không ăn thịt. Khi lớn lên, được học hành nhưng không thích Nho giáo mà chỉ thích giáo lý nhà Phật, làm cha không vui, nên bị nghiêm trách. Năm mười bảy tuổi, theo định ước, cha ngài cưới cho ngài hai cô gái là Điềm Thị và Đàm Thị, nhưng Hòa thượng Hư Vân chưa hề nhiễm sắc dục. Ngài trốn lên núi Cổ Sơn, tỉnh Phúc Kiến, lễ Hòa thượng Diệu Liên làm thầy, xuống tóc xuất gia. Đồng Trị năm thứ ba, cha ngài qua đời. Người mẹ kế dẫn hai cô con dâu đi tu. Điềm Thị bị bệnh phổi, ho ra máu, tu được bốn năm thì chết vì bệnh. Đàm Thị làm sư cô tại núi Quán Âm huyện Tương Lương, pháp danh Thanh Tiết. Trong thư gởi cho Hòa thượng Hư Vân, bà cho biết là ngày mồng tám tháng Chạp năm Kỷ Dậu (1909 – 1910), người mẹ kế ngồi xếp bằng, viết bài kệ rồi thị tịch, vãng sinh cõi Tây phương Cực Lạc.”