Mùa xuân năm Quang Tự thứ ba mươi mốt (1905 – 1906), ta được sáu mươi sáu tuổi. Hòa thượng Bảo Lâm tại chùa Thạch Chung có thỉnh ta đến chùa làm lễ truyền giới cho hơn tám trăm người. Làm Phật sự xong, ta qua Nam Dương hoằng pháp. Trên đường đi, ta ghé chùa Thái Bình tại Nam Điện, tỉnh Vân Nam giảng kinh A Di Đà. Khi ta giảng xong, có vài trăm người xin thọ giới quy y. Sau đó, ta men theo những vách núi cheo leo của dãy Thiên Nhai, vượt qua rặng Dã Nhân, đến Ngõa Thành. Vì vùng núi Dã Nhân là nơi thâm sơn chướng khí, nên ta bị cảm, bệnh rất nặng phải tạm trú trong những chòi lá ven rừng. Thân thể ta ngày đêm nóng lạnh nhưng ta vẫn cố gượng đi đến chùa Quán Âm tại Liễu Động. Trong chùa có thầy trụ trì tên là Định Như. Ta vào làm lễ, nhưng thầy chẳng thèm nhìn nên ta lên chánh điện tọa thiền. Đến tối, lúc thầy làm lễ, ta phụ giúp chuông trống. Sau khi đọc văn sám hối, thầy xướng lớn: “Giết, giết, giết”, rồi lạy ba lạy. Hôm sau, lên chánh điện tụng kinh, thầy cũng xướng lên chữ “giết” và lạy ba lần như trước. Ta thấy làm lạ nên cố nán lại để quan sát thêm. Thức ăn của thầy vào buổi sáng, trưa, chiều, tối đều có hành tỏi. Ta không ăn, cũng không nói lời nào, chỉ uống nước. Thầy biết vậy nên bảo người trong chùa nấu thức ăn nhưng không bỏ hành tỏi, khi ấy, ta mới ăn được. Đến ngày thứ bảy, thầy mời ta uống trà. Ta liền hỏi việc thầy xướng lên ba tiếng “giết” rồi lạy ba lạy là nghĩa gì. Thầy đáp:
– Ta muốn giết những con quỷ da trắng! Quê quán ta tại Bảo Khánh, tỉnh Hồ Nam. Cha ta là quan võ nhưng qua đời sớm nên ta đi tu, thọ pháp tại núi Phổ Đà, theo Hòa thượng Trúc Thiền học đạo. Hơn mười năm trước, lúc từ Hồng Kông trở về Tinh Châu, ta bị người da trắng ngược đãi trên tàu, không thể nhẫn nhịn được, thù hận đến chết chẳng nguôi. Cả hơn mười năm nay, tăng nhân đi ngang qua đây cũng nhiều nhưng ta không thấy ai viên dung vô ngại1 được như ngài, vì lẽ đó nên ta mới nói ra những tâm sự này.
1 Viên dung vô ngại: “Viên dung” chỉ tất cả phẩm chất của tâm Chân như, như đại trí, đại bi, đạo hạnh, thệ nguyện rộng lớn… “Vô ngại” là không còn chướng ngại, không bị trói buộc bởi chấp trước.
Ta khuyên thầy nên xem oán thân đều bình đẳng, nhưng coi bộ uất khí của thầy vẫn chưa tiêu nổi, do đó ta có lời khuyên chư tăng hãy nên tập quán chữ “Xả” làm đầu để tiêu trừ túc nghiệp.
Bệnh của ta từ từ giảm bớt nên ta xin cáo từ. Thầy cố giữ ta ở lại. Ta bèn kể lại việc đi quyên tịnh tài để xây chùa. Thầy liền cúng dường tiền lộ phí, lương thực, mua vé xe lửa cùng đánh điện tín qua Ngưỡng Quang2 (Miến Điện) báo tin cho cư sĩ Cao Vạn Bang biết trước để ông ta ra ga xe lửa đón ta.
2 Ngưỡng Quang: tên gọi cổ của Yangon, Miến Điện.
Ta đến Ngưỡng Quang có gia đình cư sĩ họ Cao cùng sư Tánh Nguyên, giám viện chùa Long Tuyền ra đón. Ta ở lại nhà cư sĩ họ Cao, được tiếp đãi ân cần. Cư sĩ nói: “Hòa thượng Diệu Liên hiện nay đang hoằng pháp ở chùa Cực Lạc, Nam Dương3. Hòa thượng biết ngài đi hoằng pháp khắp nơi nhưng nhiều năm qua chưa từng nghe tin tức. Nay nghe tin ngài, Hòa thượng Diệu Liên rất vui mừng và gởi thư đến bảo rằng hòa thượng sẽ đợi ngài ở chùa Cực Lạc trước khi ngài đi Đường Sơn để trùng tu chùa Quy Sơn”. Vài ngày sau, ta đi thăm tháp Đại Kim ở Ngưỡng Quang (Miến Điện). Tham quan các thánh cảnh xong, ta liền cáo từ vì e sợ Hòa thượng Diệu Liên đang đợi chờ. Cư sĩ họ Cao đưa ta ra ga xe lửa và đánh điện tín về chùa Cực Lạc tại đảo Tân Lang (Nam Dương) để ra đón ta.
3 Nam Dương: nghĩa là “vùng biển phía Nam”, là tên do người Trung Hoa đặt cho một vùng địa lý nằm phía Nam Trung Hoa, cụ thể là ở Singapore, Philippines, Malaysia, Xiêm La (Thái Lan), Indonesia và Việt Nam.
Vì trên tàu có người chết do bệnh dịch hạch nên khi tàu đến, chính quyền địa phương không cho cập bến và bắt những người trên tàu phải tạm trú trên một hòn đảo ngoài khơi để họ khám. Hơn ngàn người phải ở tạm tại đảo nhưng không có lều vải chi hết, ngày bị mặt trời thiêu đốt cháy da, đêm bị mưa gió thổi qua lạnh buốt. Khẩu phần của mỗi người trong ngày chỉ có một nhúm gạo và hai củ cà rốt, tất cả phải tự nấu ăn lấy. Bác sĩ đến khám bệnh hai lần một ngày. Đến ngày thứ mười, hầu hết mọi người đều được rời đảo, duy chỉ còn một mình ta. Khi ấy, tâm ta thật bồn chồn, lo lắng, lại thêm bệnh tình ngày một gia tăng nên không thể ăn uống gì được. Ngày sau, bác sĩ đến bắt phải khiêng ta qua một phòng riêng. Ông lão giữ cửa, là người Tuyền Châu, thấy vậy liền than thở: “Phòng này chỉ dành cho những người bệnh sắp chết nằm, sau khi chết sẽ còn bị hội đồng y khoa mang ra giải phẫu nghiên cứu nữa”. Ta kể rõ thân thế mình và nói là muốn đến chùa Cực Lạc hoằng pháp. Ông lão nghe xong bèn lấy thuốc cho ta uống trong hai ngày, nhờ thế bệnh tình ta thuyên giảm đôi chút. Ông lão nói: “Khi bác sĩ đến khám, ta ở bên ngoài sẽ ho lên làm hiệu. Lúc ấy, dầu thế nào ngài cũng nên cố gắng ngồi dậy, làm như tỉnh táo, không có chuyện gì, nhưng nếu bác sĩ cho thuốc gì thì chớ có uống”. Lát sau, quả nhiên bác sĩ đến, đưa thuốc bảo ta phải uống. Vì không thể cưỡng lại được nên ta đành uống, bác sĩ vừa đi khỏi thì ông lão đến và hỏi rằng ta có uống thuốc không. Ta đáp là đã uống rồi. Ông lão kinh sợ nói: “Thôi rồi! Uống thuốc đó thì chắc khó sống, thế nào ngày mai bác sĩ cũng sẽ đến để mổ thân ngài làm thí nghiệm thôi. Cầu mong Phật Tổ cứu ngài”. Hôm sau, ông lão đến thăm thì thấy ta đang ngồi dưới đất, mở mắt to nhưng chẳng thấy gì nữa. Ông đỡ ta dậy, thấy máu chảy đầy mặt đất nên cho uống thêm một đơn thuốc rồi gấp rút giúp ta thay quần áo, cùng lau chùi sàn nhà sạch sẽ. Ông than: “Nếu là người khác, sau khi uống thuốc của bác sĩ cho ngày hôm qua, chắc đã bị mổ trước khi trút hơi thở cuối cùng rồi. Số ngài chưa hết, chắc là do chư Phật gia hộ. Chút nữa, bác sĩ sẽ đến, ta sẽ ho lên để làm hiệu, ngài nên cố ngồi dậy làm như phấn chấn tinh thần thì may ra sống được”. Khi bác sĩ đến, thấy ta vẫn còn sống, ông cười gằn và bỏ đi. Khi ta hỏi tại sao bác sĩ lại cười, ông lão đáp là mạng sống ta chưa dứt nên bác sĩ chưa thể mổ tử thi khám nghiệm được. Ta cho ông lão biết là cư sĩ họ Cao có cúng dường ta một ít tiền, vậy hãy giúp ta lấy tiền này mà tặng cho bác sĩ, để xin ông ta thả ta ra. Sau đó, ta lấy ra bốn mươi ngàn đồng nhờ đưa cho bác sĩ và hai mươi ngàn đồng để tặng riêng ông lão như là một món quà để đáp đền những gì ông đã giúp đỡ. Ông lão nói: “Ta không thể lấy tiền của ngài được. Hôm nay, có bác sĩ người Tây phương đến nên không thể thương lượng. Ngày mai bác sĩ là người địa phương mới có thể bàn chuyện được”. Chiều hôm đó, ông lão đến và bảo: “Ta đã nói chuyện với bác sĩ địa phương và đã đưa cho ông ta hai mươi ngàn đồng rồi. Ngày mai, ngài sẽ được thả ra”. Nghe thế, ta rất an tâm, liền cảm tạ ông lão. Ngày kế, bác sĩ đến khám bệnh xong, liền sai người đem ghe ra đưa ta vào đất liền. Ông lão đỡ ta lên ghe, lúc đến bờ thì họ mướn xe chở ta đến chùa Quảng Phúc.
Vì thấy hình dạng gầy gò quái dị của ta nên thầy tri khách không muốn tiếp, cứ để mặc ta ngồi đó cả hai giờ. Ta thấy vậy rất buồn vì thầy tri khách không làm tròn bổn phận. Một lúc sau, thầy thủ tọa Giác Không đi qua thấy vậy bèn hỏi. Ta tự xưng là Hư Vân, rồi cúi đầu đảnh lễ, nhưng lạy xuống rồi mà không đủ sức để đứng dậy, nên thầy thủ tọa liền đỡ ta lên và nói: “Cư sĩ họ Cao đã đánh điện tín hơn hai mươi ngày mà không biết tin tức của thầy ở đâu. Hòa thượng Diệu Liên cùng toàn thể đại chúng tại đây đều lo lắng cho thầy. Tại sao thân thể thầy ra nông nỗi này?”. Khi ấy, tất cả tăng chúng hay tin đều kéo ra xem đầy cả điện đường. Lát sau, Hòa thượng Diệu Liên được tin vội đến thăm. Hòa thượng nói:
– Hàng ngày thầy vẫn trông mong tin tức của con, chỉ sợ con gặp hiểm nạn. Thầy định trở về Phúc Kiến để trùng tu chùa Quy Sơn, nhưng nghe tin con sắp đến đây nên mới nán ở lại.
– Đệ tử tội nặng. Cúi xin thầy từ bi tha lỗi cho.
Sau đó, ta lược thuật lại sự tình. Hòa thượng Diệu Liên cùng đại chúng đều kinh ngạc và vui mừng, chắp tay niệm Phật, rồi mang ta về chùa Cực Lạc. Hòa thượng khuyên ta nên uống thuốc, nhưng ta thưa:
– Con đã trở về nhà, vọng niệm đều dứt sạch, nghỉ ngơi vài ngày thì bệnh chắc sẽ khỏi.
Ta ở chùa Cực Lạc, chăm chỉ tọa thiền. Hòa thượng Diệu Liên thấy ta ngồi thiền suốt cả vài ngày nên răn dạy:
– Khí hậu ở Nam Dương nóng nực, không như ở trong nước, ngồi thiền e sợ hại đến thân.
Tuy nhiên, ta không cảm thấy như thế. Hòa thượng Diệu Liên lại bảo tiếp:
Con nên giảng kinh Pháp Hoa ở đây để kết duyên với bốn chúng, vì thầy phải trở về nước. Sau khi giảng kinh xong, con hãy đến núi Cổ Sơn thăm thầy vì thầy còn một việc muốn nói với con.
Sau khi đưa Hòa thượng Diệu Liên lên tàu trở về nước xong, ta về chùa khai giảng kinh Pháp Hoa. Số người đến nghe rất đông, sau khi nghe kinh có vài trăm người thọ giới quy y với ta. Các Phật tử tại đây bèn thỉnh ta đến đình Thanh Vân giảng kinh Dược Sư, rồi qua Kuala Lumpur, đến chùa Linh Sơn giảng kinh Lăng Già. Tại các pháp hội giảng kinh, số người thọ giới quy y có đến hơn mười ngàn người.
Mùa đông năm Quang Tự thứ ba mươi hai (1906 – 1907), tăng chúng tỉnh Vân Nam đánh điện tín cho biết chính phủ hiện tại đang bắt kê khai tài sản chùa chiền. Các quan lại địa phương thừa nước đục thả câu, tịch thu đất đai, ruộng nương của chùa và đàn áp Phật giáo rất nhiều. Ngài tăng thống4 Kỳ Thiền mời ta về nước để cùng nhau bàn tính chuyện giải quyết vấn đề. Ta bèn lên tàu trở về nước. Khi tàu ghé Đài Loan, ta đến tham quan chùa Linh Tuyền. Đến Nhật Bản, ta viếng thăm các danh lam thắng cảnh nhưng lúc ấy chính phủ Trung Hoa và Nhật Bản đang có sự hiềm khích, chư tăng người Nhật không được qua Trung Quốc tu học, còn chư tăng người Hoa ở Nhật thì lại bị dòm ngó. Vì thế ước muốn liên hợp tín đồ Phật giáo Trung – Nhật của ta bị trì hoãn. Tháng Ba, ta trở về nước, cùng các đại biểu Phật giáo trong nước và đức tăng thống Kỳ Thiền lên Bắc Kinh dâng thư thỉnh nguyện. Khi đến Bắc Kinh, chúng ta trú tại chùa Hiền Lương, có quý thầy Pháp An chùa Long Tuyền, thầy Đạo Hưng, Giác Quang chùa Quán Âm đồng đến tiếp đón. Ngoài ra còn có Túc Thân Vương Thiện Kỳ thỉnh ta thuyết giới pháp cho gia đình vợ ông. Các vương công đại quan, thân hữu quen biết ta từ thời hộ giá chạy loạn cũng đến viếng thăm. Khi bàn cách thức dâng chiếu thỉnh nguyện thì chúng ta được các vị này trợ giúp rất nhiều, vì thế nên mọi việc đều thuận lợi. Sau khi dâng chiếu thỉnh nguyện xong, Hoàng đế liền ra sắc dụ như sau:
4 Tăng thống: là danh xưng dùng để tôn xưng vị tăng sĩ lãnh đạo tinh thần Phật giáo của một quốc gia hoặc giáo hội Phật giáo.
“Quang Tự năm thứ ba mươi hai. Trong sự quyên góp, xưa đã ban dụ chỉ, không cho phép các vị quan to ỷ quyền thế, hà hiếp quấy nhiễu dân nghèo. Nhưng gần đây, nghe các vị Biện Lý ở các tỉnh đang hà hiếp quấy nhiễu dân lành, thậm chí còn đi ra ngoài, đến các chùa chiền quyên góp nữa. Những việc như thế, không thể chấp nhận được. Nay ra chiếu chỉ cho các tỉnh phủ, phàm có các tự viện lớn nhỏ cùng tất cả tài sản của tăng chúng đều phải do các quan địa phương bảo hộ, không được điêu ngoa đố kỵ chiếm lấy, tạo nên mầm mống nhiễu loạn. Chính quyền địa phương, không được thâu góp quyên tổn tài sản tăng chúng, phải giữ lễ đoan chánh. Khâm thử.”
Sau khi chiếu dụ ban ra, việc niêm phong tài sản tự viện ở các tỉnh liền chấm dứt. Tại Bắc Kinh, ta nói với các vị đại quan rằng tỉnh Vân Nam, vì ở xa nên chưa từng được ban Đại Tạng kinh. Nay, ta muốn dâng chiếu thỉnh toàn bộ Đại Tạng kinh, để cho vùng biên địa được thấm nhuần mưa pháp. Được sự bảo hộ của Túc Thân Vương Thiện Kỳ, chiếu thỉnh nghị do đại quan tổng quản nội vụ dâng lên như sau:
“Theo lời của ngài Tăng lục5, Đại sư Pháp An, thì tỉnh Vân Nam, phủ Đại Lý, huyện Tân Châu, núi Kê Túc, am Bồn Vu, chùa Ngưỡng Dương, phương trượng trụ trì tăng nhân hiệu Hư Vân trình xưng rằng chùa vốn là đạo tràng thắng hội của Tổ Ma Ha Ca Diếp, thuộc hành danh lam thắng cảnh, và là ngôi phạm sát6 cổ xưa trong nước, nhưng lại thiếu Đại tạng kinh. Nay, cầu thỉnh Đại Tạng kinh, hầu mong vĩnh viễn cung kính phụng thờ, sùng hưng Phật pháp.
5 Tăng lục: chức quan quản lý tăng chúng cả nước, coi về việc ghi chép, lưu giữ danh sách tăng ni và bổ nhiệm các chức vụ khác. Chức quan này do vua Văn Tông đời nhà Đường (827 – 840), Trung Hoa lập ra.
6 Phạm sát (Brahmakshetra): “phạm” có nghĩa là thanh tịnh; “sát” có nghĩa là khu vực; “phạm sát” nghĩa là ngôi chùa thanh tịnh.
Chiếu thỉnh cầu này do quan Thượng thư Chánh bộ Túc Thân Vương, Đại sư Trừng Hải trụ trì chùa Bách Lâm, Đại sư Đạo Hưng trụ trì chùa Long Hưng, v.v… cùng dâng biểu. Nếu như được chấp thuận, xin quan nha môn truyền bảo ty tăng lục lo việc ban chuyển Đại Tạng kinh, phụng theo thỉnh dụ trên đây. Thỉnh chỉ.”
Ngày sáu tháng Sáu, Quang Tự năm thứ ba mươi hai, dụ được phê chuẩn như sau:
“Quang Tự tháng Bảy, năm thứ ba mươi hai. Thượng dụ, tỉnh Vân Nam núi Kê Túc, am Bồn Vu, chùa Ngưỡng Dương, được ban tặng, đổi hiệu là Hộ Quốc Chúc Thánh Thiền Tự, lại ban cho một bộ Đại Tạng kinh, tăng y màu vàng tím, bát cụ, cùng ngọc ấn Hoàng đế và tích trượng Như Ý cho Đại sư phương trượng, vì có công hộ giá Hoàng đế lúc tao loạn. Lại ban hiệu cho Đại sư trụ trì, Hư Vân, là Đại sư Phật Từ Hồng Pháp, phụng chỉ trở về núi truyền giới, hộ trì quốc gia, làm việc hữu ích cho nhân dân. Đại quan nội vụ nên báo cho Đại sư Hư Vân, đem các vật trên, trở về núi, vĩnh chấn sơn môn7, vì việc thiện mà ban bố giáo lý Phật Đà. Quan dân địa phương, tất cả phải phụng chỉ, nhớ rõ mà hộ trì Phật pháp, chớ có khinh thường. Khâm chỉ.”
7 Sơn môn: chùa hay tự viện.
Năm Quang Tự thứ ba mươi ba (1907 – 1908), ta được sáu mươi tám tuổi. Sau khi thỉnh được Đại Tạng kinh, ta nhận được thư của Hòa thượng Diệu Liên, trong đó ngài viết: “Lúc thỉnh Đại Tạng kinh về Vân Nam, trước tiên con hãy đến cửa ải Hạ Môn, đi Nam Dương, rồi từ đó vào đất Vân Nam. Tại Hạ Môn, con nên trở về Cổ Sơn gặp thầy gấp”. Ta bèn vận chuyển Đại Tạng kinh rời Bắc Kinh đến Hạ Môn, nhưng khi vừa đến nơi thì ta nhận được điện tín cấp báo từ Cổ Sơn gởi tới nói rằng Hòa thượng Diệu Liên đã viên tịch. Từ chùa Quy Sơn, linh tháp Hòa thượng Diệu Liên được dời về Cổ Sơn để tiện việc lễ táng. Ta tức tốc quay về Cổ Sơn, lo việc kiến lập tháp Tổ, công việc bận rộn ngày đêm. Lúc vừa xây tháp xong, trời đổ mưa to, ròng rã cả nửa tháng, toàn thể đại chúng đều ưu buồn. Ngày mồng tám, truyền giới Bồ Tát xong, trời bắt đầu tạnh mưa. Ngày mồng chín, trời quang mây tạnh; quan thân sĩ thứ đến núi dự lễ an táng đều cảm duyên nơi đạo. Ngày mồng mười, lúc làm lễ nhập tháp, trăm bàn thức ăn chay tịnh được sắp ngoài trời để cúng lễ. Đại chúng cùng nhau tụng kinh. Đang cúng Ngọ, niệm đến Chân Ngôn Biến Thực8 thì bỗng đâu một ngọn gió cuồn cuộn thổi đến, cuốn bay tất cả thức ăn, tế phẩm lên trên trời. Từ linh cữu Hòa thượng Diệu Liên có một luồng hào quang màu đỏ rất sáng phóng ra, bay thẳng vào đảnh tháp. Đại chúng đều vui vẻ tán thán công đức Hòa thượng Diệu Liên. Lễ nhập tháp xong, toàn thể đại chúng trở về chùa thì trời đổ mưa to dầm dề. Xá lợi của Hòa thượng Diệu Liên được phân làm hai phần: một phần để vào trong tháp, một phần đem đến chùa Cực Lạc ở Nam Dương để thờ. Lúc phụng chuyển Đại Tạng kinh cùng xá lợi của cố lão Hòa thượng đến Mã Lai, đại chúng cùng chư tăng tới đón tiếp cả vài ngàn người. Đang tụng kinh, niệm đến Chân Ngôn Biến Thực thì lại một luồng gió cuồn cuộn nổi lên, thổi bay hết tất cả bông hoa cúng dường. Từ nơi linh cữu phóng ra một luồng ánh sáng trắng, bay thẳng đến đỉnh tháp, ngoài hai dặm ai ai cũng thấy. Ta làm pháp chủ hai buổi lễ nhập tháp, mắt thấy tai nghe, tường tận chứng kiến. Phật nói:
8 Chân Ngôn Biến Thực: là câu trì chú trong nghi thức cúng thí thực trong lễ cúng cô hồn.
“Người hành mật hạnh thật khó nghĩ bàn”. Nói về sự tu trì của Hòa thượng Diệu Liên lúc còn sống, ta không biết được nhiều. Hòa thượng Diệu Liên không chuyên tu thiền hay tịnh độ, duy chỉ cất chùa lập viện, tiếp độ tăng chúng để kết duyên. Nhân duyên sau cùng khi làm lễ nhập tháp, thực rất kỳ lạ, khó có thể nghĩ bàn. Về phần ta, sau khi được Hòa thượng Diệu Liên cho xuống tóc xuất gia bèn đi chu du khắp bốn phương, đã lâu lắm chưa được dịp hầu hạ ngài. Lại cả bao thập niên, không thư từ thưa hỏi, phụ bạc ơn thầy. Nhân duyên cuối cùng với Hòa thượng Diệu Liên là việc ta có phước phần, được lo liệu lễ táng linh cữu tháp tự, cùng phân chia xá lợi ngài. Nhớ đến việc ngài dặn bảo ta lần sau cùng khi còn ở Nam Dương, chứng tỏ ngài biết trước được ngày giờ lâm chung. Thật khó nghĩ lường. Ta chỉ lược thuật sự thật trong hiện tại, còn việc chứng minh thì để người sau tự kết luận lấy.
Ta đón tàu đi Xiêm La. Vì trên tàu không có thức ăn chay nên ta ngồi thiền suốt cả ngày. Một người Anh đi qua chỗ ta ngồi, thấy vậy bèn hỏi:
– Bạch Hòa thượng! Ngài đi đâu vậy?
Nghe ông ta nói được tiếng Hoa, ta bèn đáp:
– Ta đi Vân Nam.
Ông ta liền mời ta lên phòng, lấy bánh mì và sữa ra mời, nhưng ta nhã nhặn từ chối. Ông hỏi:
– Bạch Hòa thượng! Ngài tu ở vùng nào vậy?
– Ta tu tại chùa Ngưỡng Dương, núi Kê Túc.
– Tôi biết quy củ của chùa ấy rất nghiêm ngặt.
– Ông làm gì mà biết chỗ đó?
– Bạch Hòa thượng, tôi là quan lãnh sự ở Côn Minh, nên đã từng đến tham quan nơi đó. Ngài đi ra nước ngoài để làm gì?
– Ta vận chuyển Đại Tạng kinh về Vân Nam, nhưng vì thiếu tiền lộ phí, nên ta phải qua Mã Lai để hóa duyên, quyên góp tịnh tài.
– Bạch Hòa thượng! Vậy ngài có đem theo công văn không?
Ta lấy công văn chứng cứ ra cho ông xem. Ông liền viết một ngân phiếu ba ngàn đồng cúng dường cho ta. Thật là một thiện duyên kỳ lạ. Sau đó, ông ta mời ta ăn cơm chay gồm có cơm chiên với rau cải. Khi tàu cập bến, chúng ta chia tay tạm biệt. Ta trú tại chùa Long Tuyền, giảng kinh Địa Tạng. Trong lúc ta giảng kinh, ông ta đến chùa gặp ta, cúng dường thêm ba ngàn đồng nữa. Để xây điện thờ Đại tạng kinh, cần phải có một số tiền cả ngàn đồng. Trước khi ông lãnh sự cúng dường, ta chỉ quyên được chút ít thôi. Sau khi giảng kinh Địa Tạng xong, ta lại tiếp tục giảng phẩm Phổ Môn. Thính giả có đến vài trăm vị.
Ngày nọ, khi đang ngồi thiền, ta bỗng dưng nhập định, quên rằng mình đang giảng kinh. Ta nhập định như thế suốt bảy ngày. Tin này lan tràn cả thủ đô Xiêm La. Quốc vương, đại quan, cho đến thiện nam tín nữ đều đến lễ bái. Sau khi ta xuất định, giảng kinh xong, Quốc vương thỉnh ta đến hoàng cung thiết lễ cúng dường, chí thành xin quy y. Quan thân sĩ thứ cùng dân chúng quy y ta cả vài ngàn người. Sau khi xuất định, tự nhiên chân ta bị tê liệt, đi đứng không nổi, rồi toàn thân tê cứng như cây khô, không thể nói năng chi được. Chư tăng mời bác sĩ Đông – Tây đến chữa trị, châm cứu, uống thuốc, nhưng vô hiệu. Tuy vậy, thân tâm ta vẫn ung dung tự tại, không chút đau khổ. Ta buông xả hết mọi việc, sẵn sàng chờ đợi việc phải đến, duy chỉ còn một việc chưa yên lòng là trong áo ta còn một ngân phiếu, không ai biết cả. Vì miệng không thể nói, tay không thể viết, ta sợ lúc nhắm mắt, thân được hỏa táng thì ngân phiếu đó chắc cũng sẽ bị đốt luôn. Như thế, Đại tạng kinh không thể đem về Vân Nam, chùa chiền tại núi Kê Túc không thể kiến lập, nhân quả này bút mực nào viết cho hết được. Nghĩ đến đó, nước mắt ta tuôn trào, ta thầm lặng cầu mong tôn giả Ma Ha Ca Diếp gia hộ cho. Lúc ấy, có thầy Diệu Viên thấy ta rơi lệ, miệng nhấp nháy, liền kê tai gần miệng để lắng nghe. Ta bèn cố gắng ra hiệu nhờ thầy đem trà cho ta uống. Ta uống trà xong, thân tâm lắng trong, liền nhập mộng, thấy một lão tăng tướng mạo giống ngài Ma Ha Ca Diếp đến chỗ ta nằm, lấy tay xoa đầu ta nói: “Này Tỳ kheo! Y bát chớ để xa thân. Thầy đừng quá ưu sầu. Hãy lấy y bát lót đầu nằm, rồi mọi việc sẽ an lành!”. Nghe xong, ta đưa tay lấy y bát làm gối nằm, rồi xoay đầu lại thì không thấy tôn giả Ma Ha Ca Diếp đâu cả. Lúc đó, tự nhiên toàn thân ta toát mồ hôi, thân tâm khỏe khoắn, an lạc không thể diễn tả. Ta lại nói được chút ít nên nhờ thầy Diệu Viên đến trước điện Hoa Đà cầu xin thuốc uống, nhưng chỉ được hai vị Mộc Trát và Dạ Minh Sa. Lúc ấy, ta bắt đầu nói chuyện lại được nên lại cầu thêm một toa thuốc nữa, chỉ được vị Xích Tiểu Đậu nên lấy đậu này nấu với cháo mà ăn vì không dùng được thức ăn cứng. Ăn như thế hai ngày, bắt đầu cử động được đôi chút nên ta lại cầu nguyện xin thuốc, vẫn là vị Xích Tiểu Đậu. Từ đó, cứ lấy đậu này nấu với cháo mà ăn. Đại tiểu tiện đều thông, ra phân đen ngòm rồi từ từ, thân thể ta bắt đầu có cảm giác chút ít, có thể ngồi dậy và đi được. Bệnh tình như thế trải qua hơn hai mươi ngày mới hết. Ta bèn lễ tạ Bồ Tát Hoa Đà; nguyện sau này sẽ xây cất điện già lam để thờ ngài.
Sau khi bệnh tình thuyên giảm, ta tiếp tục giảng luận Đại Thừa Khởi Tín9. Giảng vừa xong thì có hai thầy Thiện Khiêm và Bảo Nguyệt từ chùa Cực Lạc ở Mã Lai đến đón. Quốc Vương, đại thần, cư sĩ cùng thiện nam tín nữ trong thủ đô Xiêm La đều đến tiễn đưa và cúng dường một số tiền lớn. Quốc vương Xiêm La còn cúng dường thêm ba trăm mẫu đất tại Đổng Lý. Ta giao cho Hòa thượng Thiện Khánh ở chùa Cực Lạc, Mã Lai, và yêu cầu ngài lập một cơ xưởng làm cao su. Ta cùng với hai thầy Thiện Khiêm và Bảo Nguyệt ở lại vùng đất đó sắp đặt cơ xưởng một thời gian.
9 Đại Thừa Khởi Tín luận được xem là một trong những bộ luận quan trọng nhất của truyền thống Đại thừa, Phật giáo. Tương truyền, tác giả là đại sư kiêm thi hào người Ấn Độ là Mã Minh (Aśvaghoṣa), vị Tổ thứ mười hai của Thiền tông.
Năm Quang Tự thứ ba mươi bốn (1908 – 1909), ta được sáu mươi chín tuổi. Hòa thượng Thiện Khiêm đưa ta đến thăm lầu các Quán Âm tại Tuyết Lan Nga. Đạo tràng này do chính tay thầy lập ra, rồi sau đó đưa ta tham quan các danh lam thắng cảnh tại Dị Bảo và Phính Lịch, trước khi trở về chùa Cực Lạc, giảng luận Đại Thừa Khởi Tín, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện10. Trong những pháp hội giảng kinh, chư thiện nam tín nữ đến học đạo và quy y với ta rất nhiều. Ta cũng dành nhiều thời giờ để tiếp chuyện với họ cho đến lúc giảng kinh xong mới bế quan nhập thất, tạm đình chỉ việc giảng kinh cùng tiếp đãi khách khứa cho đến năm Tuyên Thống nguyên niên11 (1909) mới khởi hành vận chuyển Đại Tạng kinh về Vân Nam. Khi đến Ngưỡng Quang (Miến Điện), cư sĩ Cao Vạn Bang ra tiếp đón, lưu giữ ta ở lại nhà ông hơn cả tháng rồi đích thân đưa ta đi Ngõa Thành để thỉnh một tôn tượng Phật nằm, mang về chùa Chúc Thánh thờ phụng. Khi tàu đến Tân Nhai, ta thuê người ngựa đi về núi Kê Túc. Vì kiện vật quá nặng, ngựa không thể chở hết và lại không thể thuê người thêm, nên ta đành tạm thời để tượng Phật ngọc lại đây, đợi vài năm sau sẽ thỉnh về núi. Cao cư sĩ lưu giữ ta lại hơn bốn mươi ngày, tự thân lo liệu việc chuyển vận, cúng dường tiền tài, sức lục12. Cử chỉ ông rất chân thành, cung kính, thật là người hiếm có. Trên đường đi qua các trấn như Đằng Xung, Hạ Quan, ta đều được dân chúng vui vẻ tiếp đón. Tuy đi hơn cả mười ngày mà người ngựa đều bình an. Chỉ có một lần, khi từ Hạ Quan vào Đại Lý thì hồ Nhĩ Hải nổi sóng to, sét đánh lớn, mây khí biến chuyển, nhưng lại không mưa, tạo nên khung cảnh rất kỳ lạ. Cho đến khi tới chùa Nhĩ Hải, Phật tử nơi đây làm lễ nghinh tiếp Đại Tạng kinh, sau khi kinh được chuyển vào chùa an toàn thì trời mới đổ mưa lớn cho đến hôm sau mới tạnh. Dân chúng cho là lão rồng hồ Nhĩ Hải đến nghinh đón Đại Tạng kinh. Lúc ấy, tỉnh trưởng Lý Kỉnh Hy của tỉnh Vân Nam và Quý Châu, phụng theo chiếu chỉ Hoàng đế, thống lĩnh quan thân sĩ thứ tiếp chiếu chỉ nghinh đón Đại Tạng kinh. Họ mắt thấy những việc kỳ lạ này, đồng tán thán Phật pháp thật vô biên. Ta nghỉ ngơi tại Đại Lý mười ngày, rồi từ Hạ Quan đến huyện Tân Xuyên, đi thẳng về chùa Chúc Thánh, một mạch bình an, không một giọt mưa thấm ướt hòm đựng Đại Tạng kinh. Cuối cùng, Đại Tạng kinh được chuyển vào tàng kinh các. Đến ngày ba mươi tháng Chạp, chùa Chúc Thánh tổ chức hội hương lễ. Hàng chục ngàn người đến dự, đều vui vẻ tán thán điềm lành, thật chưa từng có. Trong khi thỉnh kinh về núi, có một việc đáng ghi nhận: Lúc ta đi ngang qua Đằng Xung, ghé chùa Vạn Thọ ngồi đàm đạo với Đề đốc Trương Tùng Lâm, thì có một con bò vàng chạy đến, quỳ xuống, hai mắt rơi lệ. Chạy theo sau là chủ của nó, tên Dương Thắng Xương, cùng nhiều người khác. Được biết Dương Thắng Xương là đồ tể chuyên giết bò. Ta quay về hướng con bò đó nói: “Nếu con muốn chạy trốn để sống thì phải quy y Tam Bảo!”. Bò liền gật đầu. Ta thuyết tam quy y, rồi đỡ nó đứng dậy. Bò thuần thục nghe theo như người vậy. Ta lấy tiền ra đưa cho chủ bò để chuộc nhưng ông ta không dám nhận. Cảm động trước việc kỳ lạ này, ông thề rằng sẽ đổi qua nghề khác, thỉnh cầu ta làm lễ quy y cho và hứa sẽ ăn chay trường. Đề đốc Trương Tùng Lâm cảm kích việc này nên nhận ông chủ bò vào làm việc tại một quán trọ gần đó.
10 Hạnh Nguyện Phổ Hiền phẩm: phần cuối của phẩm Hoa Nghiêm thuộc bộ kinh Hoa Nghiêm của Hoa Nghiêm tông. Hạnh Nguyện Phổ Hiền phẩm trình bày mười đại nguyện của Phổ Hiền, là cơ sở của một đời sống Bồ Tát.
11 Tuyên thống nguyên niên: năm trị vì đầu tiên của vua Tuyên Thống, tức Phổ Nghi. Tuyên Thống đế là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại Mãn Thanh nói riêng và của chế độ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc nói chung.
12 Lục: đóng góp, chung góp.