Năm Quang Tự thứ hai mươi sáu (1900), ta được sáu mươi mốt tuổi, và vì đã ở tại hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang hơn mười năm nên ta lại muốn đi du hành hoằng pháp. Mục đích kỳ này là trở lại lễ bái núi Ngũ Đài, sau đó vào núi Chung Nam1 ẩn tu. Hôm đó, trên đường đi, ta ngủ tại một tòa cổ miếu bị hư hại. Bên trong trống không, chỉ có một quan tài, nắp xoay ngược. Ta bèn leo lên trên đó ngủ. Giữa đêm, ta nghe trong hòm có tiếng kêu lớn:
– Ta muốn đi ra!
1 Chung Nam Sơn, còn được gọi là núi Thái Ất hay núi Chu Nam, là một nhánh của dãy núi Tần Lĩnh nằm ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Các ngọn núi của Chung Nam nổi tiếng là nơi ở ẩn của các ẩn sĩ Đạo giáo và Phật giáo khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc từ Ấn Độ.
Ta bèn hỏi:
– Ngươi là ai, người hay ma?
– Là người.
– Ngươi là loại người gì mà lại nằm trong quan tài như vậy?
– Ta là hành khất.
Ta cười thầm, ngồi dậy, cho gã đi ra. Hình dạng gã này xấu xí như ma. Gã hỏi ta là ai. Ta đáp: “Là hòa thượng”. Thế là gã nổi xung, bảo rằng ta dám leo lên đầu gã mà nằm, nên định đánh. Ta bèn cười, bảo rằng ta đã nằm trên nóc hòm khá lâu mà gã không đẩy ra được, hà huống còn muốn đánh. Gã thấy khí lực yếu, nên đành bỏ đi ra ngoài tiểu tiện, rồi lại trèo vào hòm nằm tiếp. Trời lúc đó vừa hừng sáng nên ta rời chỗ ấy tiếp tục cuộc hành trình. Lúc đó, quân Nghĩa Hòa Đoàn2 tại tỉnh Sơn Đông đang khởi loạn. Trên đường, ta gặp một gã lính lê dương. Gã lấy súng chỉ thẳng vào ta rồi hỏi:
2 Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn là một phong trào do Nghĩa Hòa Đoàn khởi xướng từ tháng Mười một năm 1899 đến tháng Chín năm 1901, chống lại sự ảnh hưởng của thế lực nước ngoài trong các lĩnh vực giao thương, chính trị, văn hóa và bài Ki-tô giáo, trong bối cảnh hạn hán khắc nghiệt và kinh tế suy sụp.
– Ngươi có sợ chết không? Ta ung dung đáp:
– Nếu ta phải chết trên tay ông, thì cứ bắn đi! Gã lính thấy thần sắc của ta không đổi nên nói:
– Thôi được rồi, ông hãy đi đi.
Ta đi hành hương Ngũ Đài xong, muốn qua núi Chung Nam nhưng vì nạn đao binh càng ngày càng loạn nên đành trở về Bắc Kinh, ghé chùa Tây Thành lễ kinh Thạch Tạng3, và chùa Giới Đài lễ tháp Thiền sư Phi Bát. Sau đó ta qua chùa Đại Chung xem quả chuông đồng nổi tiếng tại đây. Chuông này nặng tám mươi bảy ngàn cân, cao mười lăm thước, rộng mười bốn thước, trên đỉnh cao bảy thước; bên ngoài khắc một bản kinh Hoa Nghiêm; bên trong khắc một bản kinh Pháp Hoa; kinh Kim Cang được khắc nơi vòng biên của chuông; trên đỉnh có khắc chú Lăng Nghiêm. Chuông này do vua Vĩnh Lạc đời nhà Minh cho đúc để hồi hướng cầu nguyện cho mẹ ông siêu sanh. Sau đó ta trở lại phía nam của thành, trú tại chùa Long Tuyền.
3 Thạch kinh, hay Thạch Tạng kinh hay Thạch Khắc kinh, là kinh văn được khắc trên mặt đá, vách đá, sườn núi, trên những tấm bia, hay trên các cột đá.
Tháng Năm, loạn quân Nghĩa Hòa Đoàn, nhân lời hiệu triệu “Phù Thanh diệt Dương”4 của Hoàng Thái hậu5 đã nổi lên giết thư ký của sứ quán Nhật cùng công sứ của nước Đức. Tình hình Bắc Kinh hết sức căng thẳng. Đến tháng Bảy, Hoàng đế hạ chiếu tuyên chiến với liên quân các nước. Đại loạn xảy ra ngay trong thành Bắc Kinh. Trong cơn binh lửa, Hoàng đế không còn sự oai nghi lẫm lẫm của một vị thiên tử như lúc bình thường, phải bỏ kinh thành mà chạy. Lúc ấy, các vương công đại quan khuyên ta nên cùng họ hộ giá đi về miền tây. Tới huyện Phụ Bình, có tướng Cam Phiên, Sầm Xuân Tuyên dẫn quân đến hộ giá rồi vượt Vạn Lý Trường Thành mà đi vào huyện Nhạn Môn thuộc tỉnh Sơn Tây, một vùng đất biên địa hoang vu không có gì ăn. Nhân dân trong vùng phải đào khoai rừng dâng cho Hoàng đế. Vì đang đói khát nên Hoàng đế và Thái hậu ăn rất ngon lành. Đến Tây An, Hoàng đế trú tại dinh phủ. Nơi đó, dân chúng đang đói rách khổ sở, có người ăn cả thây người chết. Hoàng đế liền ra lệnh cấm việc này và dựng tám lều vải nơi phía tây thành để phân phát thức ăn cho dân nghèo. Tại các thôn xóm lân cận, cũng có chẩn tế cứu giúp dân nghèo như thế. Tướng Sầm Xuân Tuyên thỉnh ta đến chùa Ngọa Long lập đàn tràng cho pháp hội tiêu tai giải nạn. Làm Phật sự xong, Hòa thượng Đông Hà mời ta tạm trú tại chùa Ngọa Long, nhưng ta thấy đoàn hộ giá ngày càng có nhiều việc phiền rộn nên lặng lẽ bỏ đi.
4 Phù Thanh diệt Dương: ủng hộ Thanh triều, tiêu diệt người Tây.
5 Từ Hi Thái hậu.
Ta lên núi Chung Nam kết am tu hành. Vùng này yên tĩnh, không bị bên ngoài làm phiền muộn và tại nơi đây, ta đổi tên hiệu là Hư Vân. Trên núi thiếu nước nên ta nấu tuyết để uống, trồng vài loại rau dại để dùng. Lúc bấy giờ, trên núi có thầy Thanh Sơn đang trú trong một am tranh cũ sau núi nên ta thường qua lại thăm hỏi. Qua tháng Tám, thầy Nguyệt Hà đến cho biết rằng lão sư Pháp Nhẫn, núi Xích Sơn có ý muốn dọn ra đất bắc, muốn nhờ người đi trước, tìm chỗ dựng chùa. Thầy Nguyệt Hà có ý mời ta cùng đi tìm đất xây chùa nhưng vì đang tu tập thiền định nên ta khước từ lời mời. Vừa nhập một thiền thất xong thì các thầy tìm được một miếng đất tại núi Thúy Vi trở về. Thầy Nguyệt
Hà hỏi ý kiến ta. Ta đáp: “Đất ấy, bắc hướng Bạch Hổ, Thái Bạch, phía sau lại không có núi để tựa, không phải là đất lành, không nên dựng chùa ở đó”. Các thầy không nghe lời bàn của ta nên sau này phải gặt lấy hậu quả. Mùa đông đến, thầy Thanh Sơn nhờ ta đi Trường An mua đồ. Mua xong, trên đường về gặp lúc tuyết rơi dữ dội. Ta vừa trèo lên núi thì bị trượt chân ngã xuống vũng tuyết sâu dưới chân núi. Ta kêu cứu, thầy Nhất Toàn ở cạnh am nghe được vội đến cứu. Y phục trong ngoài của ta đều bị ướt nhưng biết hôm sau tuyết sẽ rơi khắp nơi lấp mất đường lộ, nên ta bất chấp lạnh ướt, dò dẫm đi trong tuyết để trở về am tranh, rồi đến chỗ thầy Thanh Sơn. Thấy hình dạng ta xốc xếch, thầy cười và chê rằng ta chẳng làm nên tích sự gì. Ta chỉ gật đầu chịu đựng rồi trở về am mình trú qua năm.
Năm Quang Tự thứ hai mươi bảy (1901), ta vẫn ở tại am tu thiền. Thầy Pháp Nhẫn từ Xích Sơn đến kết am tại núi Thúy Vi cùng với hơn sáu mươi vị tăng khai khẩn vùng đất đó. Khi đó, có vị tướng quân họ Tô thấy vậy bèn lấy ấp Bá Than, rộng khoảng một trăm mẫu, cấp cho tăng chúng núi Thúy Vi để trồng trọt mà sinh sống, tu hành. Người địa phương không chấp thuận, họ bảo nơi đó là đất tổ tiên trú ngụ bao đời, không thể cắt ruộng xẻ đất cho ai. Chư tăng không khứng6 chịu nên việc này phải đem ra xử kiện. Chư tăng thua kiện phải trả lại đất cho họ. Lão sư Pháp Nhẫn rất bực tức đành trở về nam, đem tất cả pháp khí, vật dụng trả lại cho thầy Nguyệt Hà. Tăng chúng sau đó phân tán, mỗi người đi một nơi nhưng từ đó, mỗi khi chư tăng từ miền nam lên đất bắc đều bị ít nhiều tai tiếng. Mỗi lần nhớ đến chuyện rắc rối này, ta có lời khuyên chư tăng là chớ cậy chút uy quyền mà kết cục phải mang lấy tai họa, ngoài ra không thể coi thường hình thể núi sông mà cho là không quan hệ đến việc tu hành.
6 Khứng (từ cổ): đẹp lòng, vui lòng, đồng lòng.
Gần cuối năm, núi non đều đóng tuyết, hang sâu khí lạnh, một mình ta đơn độc tu trì, thân tâm rất thanh tịnh. Ngày nọ, sau khi bỏ khoai vào nồi, ngồi đợi khoai chín, tự nhiên ta nhập định mà không biết thời gian cho đến khi qua năm mới. Trên núi có thầy Phục Thành lấy làm lạ vì sao đã lâu mà không thấy ta rời am, nên nhân dịp năm mới rủ các thầy khác đến am chúc Tết. Họ thấy ngoài am đầy dấu chân hổ mà chẳng thấy dấu chân người. Họ đi vào thấy ta đang nhập định, liền đánh khánh khiến xả định. Các thầy hỏi ta:
– Thầy đã ăn cơm chưa?
– Thưa chưa! Khoai vẫn còn trong nồi, chắc đã chín rồi. Các thầy mở nắp nồi ra, thấy khoai đã bị mốc đóng đầy cả tấc, nước đóng cứng như đá. Thầy Phục Thành chúc mừng nói:
– Nhất định là thầy đã nhập định hơn nửa tháng rồi!
Sau đó, họ cùng ta đun tuyết, nấu khoai ăn. Vài ngày sau, chư tăng kẻ tục xa gần kéo đến thăm ta rất đông. Ai nấy đều khen ta có công phu nhập định. Chán việc khách chủ đối đáp, ta lặng lẽ mang hành lý bỏ đi trong đêm tối, đến núi Thái Bạch ẩn cư trong hang sâu núi thẳm. Chẳng bao lâu, thầy Giới Trần theo vết chân ta tìm đến. Thầy muốn rủ ta đi về Vân Nam tu hành. Ta đồng ý nên cùng thầy vượt khẩu Bảo Ấp, đến núi Tử Bá thăm miếu Trương Lương, rồi đi thẳng tới núi Nga Mi, leo lên Kim Đảnh ngắm xem ánh sáng chư Phật. Ánh sáng này không khác với Phật quang tại núi Kê Túc. Tối lại, chúng ta ngắm xem muôn chùm ánh sáng bay lên bay xuống trên đỉnh núi. Những chùm ánh sáng này cũng giống như bao chùm ánh sáng và đèn trí huệ tại núi Ngũ Đài. Chúng ta đến điện Tích Ngõa lễ Hòa thượng Chân Ứng. Tuổi ngoài bảy mươi, ngài là vị trụ trì của toàn núi, cũng là bậc thiện tri thức trong tông môn. Ngài vui vẻ giữ chân chúng ta lại vài ngày. Xuống núi, chúng ta đi quanh hồ Dật Tượng, đến lễ chùa Đại Nga, rồi tới sông Lưu Sa. Lúc đó nước lớn, chúng ta phải đợi đò từ sáng đến trưa. Sau khi mọi người đều lên đò, ta bảo Giới Trần mang hành lý lên trước. Ta vừa định leo lên thì dây neo bị đứt, đò bị nước cuốn trôi đi nhưng ta kịp bám vào mạn đò bằng tay phải. Đò nhỏ mà người đông, nếu nghiêng qua lắc lại chút ít thì cũng đủ bị lật, do đó ta không dám động đậy, thân chìm dưới nước, cố bám mạn đò. Chiều đến, đò tấp vào bến, người trên đò kéo ta lên. Y phục cùng hai bàn chân ta đều bị đá lớn đá nhỏ cắt đứt, đau đớn vô cùng. Lúc đó trời lạnh lại thêm mưa phùn, chúng ta cố gắng đi đến ải Sái Kinh nhưng các quán trọ đều không cho tăng nhân trú ngụ nên chúng ta đành phải đến một ngôi chùa xin tạm trú qua đêm. Chùa này chỉ có một vị tăng trụ trì nhưng xin cả ba lần mà thầy kia chẳng cho, lại bảo ra ngoài trước cổng chùa tạm trú dưới bậc thềm. Đất ướt, y ướt, nên chúng ta lấy tiền nhờ thầy kia mua rơm khô để đốt sưởi. Thầy kéo đến hai bó rơm ướt, chẳng đốt được. Chúng ta nhẫn nhục lãnh thọ, ngồi trên đất ướt, kham chịu khí trời lạnh buốt qua đêm. Hôm sau, chúng ta mua ít trái cây khô ăn lót lòng rồi tiếp tục tiến bước. Chúng ta qua núi Hỏa Nhiên, vào biên giới tỉnh Vân Nam; ghé huyện Vĩnh Bắc, lễ thánh tích Bồ Tát Quan Âm rồi vượt sông Kim Sa, đến thẳng núi Kê Túc, ngủ đêm dưới gốc cây, lại nghe trong cửa đá có tiếng chuông mõ vang lên. Ngày kế, ta lên Kim Đảnh dâng hương lễ bái. Ta thấy đạo tràng Phật Tổ trong vùng suy đồi hoang phế, quy củ của tăng chúng đọa lạc7 thậm tệ, nên phát nguyện kết am ở lại núi để giảng dạy cho khách hành hương, nhưng chư tăng các chùa trong vùng chẳng cho phép. Ta đành buồn bã, rơi lệ mà xuống núi.
7 Đọa lạc: sa vào cảnh đê hèn, xấu xa, khổ sở.
Ta đến phủ Côn Minh, được cư sĩ Sầm Khoan Từ lưu giữ lại chùa Phúc Hưng. Ta bèn bế quan nhập thất8 có Giới Trần làm hộ pháp. Trong khi nhập thất, một vị tăng đến, nói rằng nhà chùa có phóng sinh một con gà trống nặng vài cân. Con gà này rất dữ tợn, những con gà khác trong chùa đều bị nó đá có thương tích. Ta liền thuyết giới và dạy nó niệm Phật. Chẳng bao lâu, nó không còn mổ, đá những con gà khác và ăn bọ trùng nữa. Nó bay lên đậu trên cây cao trước chùa, chỉ ăn thực phẩm khi được cho. Khi nghe tiếng chuông khánh, nó đi theo sau đại chúng lên chánh điện tụng kinh. Khi được dạy niệm Phật, nó liền gáy tiếng như: “Phật, Phật, Phật…”. Sau hai năm sống trong chùa, một ngày nọ khi làm lễ công phu chiều xong, nó ngưỡng cổ lên, xòe đôi cánh và vỗ ba lần giống như niệm Phật, rồi đứng thẳng mà chết. Trải qua vài ngày mà thân sắc của nó vẫn không hề biến đổi. Chư tăng bèn để nó vào một thùng kín và mang đi hỏa táng.
8 Nhập thất: hình thức tu tập mà người tu hành vào sống đơn giản trong am hay tịnh thất yên tĩnh và tránh duyên, không tiếp xúc với bất cứ ai ngoài thầy hộ pháp, mục đích là để chuyên chú, giữ cho tâm thanh tịnh và luôn kiểm soát tâm mình, không cho vọng tưởng ra ngoài.
Mùa xuân năm Quang Tự thứ ba mươi (1904 – 1905), chư tăng cùng Hòa thượng Khế Mẫn đến thỉnh ta rời thất để đến chùa Quy Hóa giảng kinh Viên Giác và kinh Bốn Mươi Hai Chương9. Sau khóa tu, có hơn ba ngàn người xin quy y Tam Bảo. Đến mùa thu, thầy Mộng Phật thỉnh ta đến chùa Cung Trúc giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm. Tại chùa, ta hướng dẫn việc khắc bản gỗ kinh Thủ Lăng Nghiêm cùng các bài thi kệ của Đại sư Hàn Sơn10. Những bản gỗ khắc này hiện nay vẫn được lưu giữ tại chùa. Tháng sau, Đề đốc Trương Tùng Lâm và tướng Lý Phúc Hưng cùng quan thân sĩ thứ đến thỉnh ta qua Đại Lý11 giảng kinh Pháp Hoa tại chùa Sùng Thánh. Người xin quy y Tam Bảo đến cả vài ngàn. Tướng Lý Phúc Hưng muốn lưu giữ ta ở lại chùa để làm Phật sự nhưng ta đáp:
9 Kinh Bốn Mươi Hai Chương, hay Tứ Thập Nhị Chương kinh, là bộ kinh chứa đựng giáo pháp do chính Đức Phật thuyết giảng. Bốn mươi hai chương sách chính là bốn mươi hai đoạn ngữ lục, hay bốn mươi hai lời dạy bảo của Đức Phật. Bộ kinh được truyền đến nước Trung Hoa vào đời vua Minh Đế nhà Hậu Hán.
10 Hàn Sơn là một dị nhân trong Phật giáo Trung Hoa đời nhà Đường (thế kỷ thứ 7). Ông thường được nhắc đến cùng với Thập Đắc và Thiền sư Phong Can như là những nhân vật độc đáo trong lịch sử Thiền tông. Ông tự mình tu tập, chẳng theo tông phái nào, cũng chẳng sống trong chùa nhưng trí huệ lại cao siêu xuất thế, nên có nhiều kiến giải khác nhau về ông bởi các cư sĩ mộ đạo thời bấy giờ. Những bài thơ của Hàn Sơn khắc trên vách đá được sưu tầm và lưu truyền dưới tên Hàn Sơn thi.
11 Đại Lý: thủ phủ của châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý, Vân Nam, Trung Quốc. Đây là nơi định cư truyền thống của người Bạch và người Di.
– Ta không thích ở tại phố thị mà chỉ muốn kết am tại núi Kê Túc, nhưng tăng sĩ tại các chùa trên núi gần đó không cho. Nay chư vị hãy giúp cho ta một khoảnh đất để ta cất am, dạy dỗ tăng chúng miền này tu học, khôi phục lại đạo tràng của Tổ Ca Diếp.
Chư vị tướng quân đều trả lời là được. Họ sai quan huyện Tân Châu trợ giúp ta. Trên núi, ta tìm được một am thất hư tàn, tên là Bồn Vu để tạm trú. Trong am không có phòng xá, không lương thực, nhưng ta vẫn tiếp lễ bốn chúng12 từ mười phương đến. Am Bồn Vu được lập từ đời Gia Khánh, nhà Thanh (1796 – 1820), vốn không có tăng trụ trì vì bên ngoài cửa chùa có một tảng đá, Bạch Hổ. Ta muốn xây hồ phóng sinh nơi đây, nên thuê người dời tảng đá đó đi. Tảng đá cao chín thước bốn tấc, rộng bảy thước sáu tấc. Đỉnh đá bằng phẳng, có thể ngồi thiền trên đó. Ta thuê hơn một trăm nhân công để dời tảng đá đó ra xa hai trăm tám mươi thước. Nhân công gắng sức cả ba ngày mà tảng đá vẫn không động đậy nên nản chí, bó tay bỏ về. Ta bèn tụng đọc kinh chú, cầu nguyện Hộ pháp Già Lam Thánh Chúng13 gia hộ cho, rồi hướng dẫn hơn mười vị tăng di chuyển tảng đá đó qua bên phải cửa chùa. Người đến xem đều kinh ngạc, biết là nhờ thần lực của chư thần hộ pháp gia hộ. Nhân việc lành này, có người đề khắc lên tảng đá chữ: “Vân Di Thạch”, tức là tảng đá được di chuyển bởi lão tăng Hư Vân. Quan thân sĩ thứ cũng đề thơ lên tảng đá đó rất nhiều.
12 Bốn chúng: dùng để chỉ bốn loại người nghe Phật pháp với bốn mức độ hiểu biết, căn cơ khác nhau.
13 Tương truyền, sau khi chết, Quan Công từng hiển thánh tại núi Ngọc Tuyền, Kinh Châu và quy y nhà Phật nên được phong Hộ pháp Già Lam Thánh Chúng để bảo vệ nơi chùa chiền hay còn gọi là Già Lam Thánh Chúng Bồ Tát.
Vì muốn trùng tu mái chùa để tiếp đãi tăng tục mười phương đến tu học nên ta phải đi quyên góp tịnh tài. Ta nhờ thầy Giới Trần ở lại trông coi chùa rồi một mình đi thẳng qua đất Đằng Xung để quyên góp. Từ Hạ Quan đến Vĩnh Xương, đường sá dài hơn trăm dặm, gập ghềnh rất khó đi, thế mà quan dân xưa nay chưa từng sửa chữa. Ta nghe dân địa phương kể rằng có một vị tăng ở xa đến, tự phát tâm khổ hạnh sửa sang đường sá. Vị này không đi quyên góp, chỉ nhận thức ăn cúng dường của khách qua đường. Sửa chữa đường sá như thế đã bao thập niên rồi mà chưa từng thối chuyển14. Đường đã được ngài sửa chữa khoảng chín mươi phần trăm. Người dân nơi đây cảm kích ân đức, muốn sửa lại chùa Khổng Tước Minh Vương cho ngài ở, nhưng ngài từ chối và cứ tiếp tục sửa đường. Ta nghe vậy liền đi thẳng đến tìm ngài. Hoàng hôn vừa xuống, ta gặp vị tăng đó đang mang cuốc xẻng và giỏ rơm, chuẩn bị trở về. Ta đến trước mặt định hỏi, nhưng ngài giương mắt nhìn thẳng mà không đáp lời. Ta cũng không để ý, chỉ theo ngài đi thẳng về chùa. Ngài bỏ dụng cụ xuống rồi đến ngồi trên tấm bồ đoàn mà tọa thiền. Ta cúi mình đảnh lễ nhưng ngài chẳng thèm nhìn hay nói năng gì. Ta cũng ngồi thiền đối diện, trước mặt ngài. Sáng hôm sau, ngài nấu cơm, ta thổi lửa. Khi cơm chín, ngài chẳng thèm mời nhưng ta vẫn lấy chén xúc cơm ăn. Ăn xong, ngài cầm cuốc, ta mang giỏ, cùng nhau ra đường liệng đá đào đất, trải cát. Cùng làm và nghỉ ngơi như thế cả hơn mười ngày mà không hề nói năng với nhau một lời nào. Tối nọ, trăng sáng như ban ngày, ta ngồi thiền trên tảng đá ngoài sân chùa thì ngài từ trong chùa bước đến sau lưng ta, nói lớn:
14 Thối chuyển: lui, lùi lại, thoái lui.
– Thầy đang làm gì đây?
Ta từ từ mở mắt ra và trả lời:
– Thưa, đang ngắm trăng.
– Trăng ở đâu?
– Vầng trăng sáng tuyệt đẹp. Ngài bèn làm bài kệ:
“Giữa bao giả huyễn, khó biết chân15
Chớ nhận cầu vồng làm ánh sáng.”
15 Huyễn: ảo, không có thật; chân: chân tánh, chân thật.
Ta bèn đáp:
“Xưa nay ánh sáng trùm muôn vật Chẳng bị âm dương tuyệt cách ngăn.” Ngài vui mừng cười to và nói:
– Thôi, trời đã khuya rồi. Chúng ta hãy vào trong nghỉ ngơi.
Hôm sau, ngài bắt đầu tiếp chuyện và cho ta biết ngài là người tỉnh Hồ Nam, tên là Thiền Tu, xuất gia từ nhỏ tại chùa Kim Sơn. Năm hai mươi bốn tuổi, ngài đã mang tâm về nơi an trú (tâm không còn vọng động). Sau đó, ngài phát tâm đi lễ bái các chùa từ trong nước đến ngoại quốc như Tây Tạng, Miến Điện. Trên lộ trình từ Miến Điện trở về nước qua đây, thấy đường sá gập ghềnh khúc khuỷu, người ngựa đi đứng khó khăn, bèn khởi tâm thương xót. Lại nhân cảm đức hạnh xưa của Bồ Tát Trì Địa16, nên ngài phát nguyện một mình ở lại đây để sửa sang đường sá cho dân chúng quanh vùng. Đã qua bao thập niên, tuổi ngài ngoài tám mươi ba mà chưa từng gặp ai tri kỷ, nay gặp được người hữu duyên, thật là vui vẻ. Ta cũng thuật lại tình duyên xuất gia của mình. Ngày hôm sau, chúng ta chia tay.
16 Bồ Tát Trì Địa phát tâm xuất gia và phát nguyện rằng hễ còn sống đời nào thì trong đời sống ấy, ngài sẽ dùng hết sức lực vì chúng sanh mà xây cầu đắp đường. Phàm thấy có chỗ nào nguy hiểm thì ngài gia công tu sửa cho con đường giao thông được thuận lợi an toàn.
Ta tiếp tục đi Đằng Xung để quyên góp tịnh tài, nhưng vừa ghé Hồ Nam, chưa kịp đặt hành lý xuống để nghỉ ngơi thì bỗng có một nhóm người trẻ tuổi mặc áo tang đi đến trước ta, dập đầu lễ bái và thưa:
– Chúng con xin cung thỉnh Hòa thượng đến nhà để tụng kinh!
– Ta không phải là ông thầy tụng kinh độ đám!
– Xin Hòa thượng vì cha chúng con mà đến tụng kinh.
– Chẳng lẽ chư vị không biết trong vùng này có thầy nào thường đi tụng kinh độ đám hay sao?
Người chủ quán trọ nghe vậy bèn thay mặt họ mà trần thuật sự việc như sau: “Xin thỉnh Đại sư đi tụng kinh cho nhà họ, vì việc này xảy ra rất lạ lùng, hiếm có. Những người này là con cháu của quan Thái Sử họ Ngô. Lúc Thái Sử còn sống, ông tu trì rất cẩn mật nên được người địa phương xưng tụng là Thiện Nhân. Lão thái bá họ Ngô, tuổi thọ hơn tám mươi, con cháu được vài mươi người, mà trong đó có vài vị là bậc khoa bảng, tiến sĩ. Trước ngày mất, Thái Sử họ Ngô tự nói mình là tăng nhân, nên trong di chúc có nói là phải được tẩm liệm với y phục của người xuất gia, không cho gia quyến khóc lóc, giết hại loài vật hay mời thầy cúng đến nhà tụng kinh. Thái Sử bảo rằng mai đây sẽ có một vị cao tăng đến tụng kinh siêu độ cho ông rồi ngồi xếp bằng, niệm Phật mà mất. Qua vài ngày, nét mặt ông vẫn còn tươi tỉnh như lúc còn sống. Nay Đại sư đến, có phải đây là duyên pháp chăng?”.
Nghe vậy, ta nhận lời đến nhà họ tụng kinh siêu độ cùng phóng sinh, bố thí, trong bảy ngày. Quan thân sĩ thứ trong xã ấp đều vui mừng hoan hỉ. Người thọ giới quy y hơn cả ngàn người. Quan thân sĩ thứ muốn giữ ta ở lại Đằng Xung. Ta đáp: “Ta muốn tu sửa lại núi Kê Túc mới đến đây hóa duyên, nên không thể ở lại được”. Nghe thế, mọi người đều vui vẻ đóng góp cúng dường rất hậu. Ta mang số tiền này trở về núi Kê Túc, xây dựng phòng xá, thiền đường, giảng đường, cùng chấn chỉnh luật nghi, lập ra quy củ, ban truyền giới pháp. Năm ấy, bốn chúng đến cầu thọ giới hơn bảy trăm vị. Những tăng chúng chùa chiền trên núi thấy vậy cũng thay đổi theo quy củ từ từ. Họ mặc tăng y, cạo râu tóc, ăn chay trở lại.