Năm Quang Tự thứ mười sáu, ta được năm mươi mốt tuổi, liền đến Nghi Hưng1 thăm Hòa thượng Nhân Trí đang tu tại chùa Hiển Thân, là nơi xuất gia của Mật Tổ. Sau đó, ta đến Cú Dong giúp Hòa thượng Pháp Nhẫn sửa chữa chùa Xích Sơn, rồi qua Kim Lăng giúp Hòa thượng Tùng Nghiêm tu sửa chùa Tịnh Thành. Lúc đó, cư sĩ Dương Nhân Sơn thường đến tham cứu luận Nhân Minh2 hay luận Bát Nhã Đăng3 với ta, rất tương đắc. Qua năm sau, ta cùng các thầy Phổ Chiếu, Nguyệt Hà, Ấn Liên lên núi Cửu Hoa sửa am Thúy Phong để ở. Thầy Phổ Chiếu chủ giảng năm phần giáo nghĩa của kinh Hoa Nghiêm. Tông Hiền Thủ4 đã bị quên lãng rất lâu, nay nghe có giảng giáo nghĩa, chư tăng các nơi kéo đến tham dự rất đông. Giáo nghĩa tông Hiền Thủ nay khởi dậy ở nơi miền xuôi sông Giang Hạ. Ta ở lại am Thúy Phong để nghiên cứu kinh điển và an cư kiết hạ. Năm sau có vị hòa thượng trụ trì chùa Cao Mân tại Dương Châu đến thăm, cho biết có thí chủ họ Chu cúng dường và hộ trì chư tăng nhập thiền thất trong mười hai tuần nên ngài mong chư tăng kéo về hộ trì tu học.
1 Nghi Hưng là một thành phố cấp huyện thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Nghi Hưng nằm ở trung tâm của tam giác Hàng Châu, Nam Kinh, Thượng Hải, ba thành phố chính của khu vực Hoa Đông.
2 Nhân Minh học là môn luận lý học của Ấn Độ giáo và Phật giáo. Nhân Minh học Phật giáo bao gồm hai phần: Nhận thức luận và Tam đoạn luận. Theo Phật giáo, đây là môn học quan trọng, vì lý luận đúng đắn song hành với nhận thức đúng đắn, và nhận thức đúng đắn mở đầu cho mọi hành động thành công của con người.
3 Bát Nhã Đăng luận, hay luận giải Đèn Bát Nhã, là một bộ môn lý luận của Phật học. Bát Nhã là một khái niệm trung tâm của Phật giáo Đại thừa, có nghĩa là trí tuệ (huệ) không phải do suy luận hay kiến thức đem lại, mà là thứ trí huệ của sự hiểu biết một cách toàn triệt (bất cứ thứ gì cũng được lý giải), và không mâu thuẫn. Đạt được trí Bát Nhã được xem là đồng nghĩa với giác ngộ.
4 Hoa Nghiêm tông, còn gọi là Hiền Thủ tông, là một tông phái quan trọng của Phật giáo Trung Hoa, lấy Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh làm giáo lý căn bản. Tông này do pháp sư Hiền Thủ Pháp Tạng (643 – 712) thành lập.
Khi kỳ thiền thất sắp đến, chúng tăng thúc giục ta xuống núi trước. Ta tới cảng Địch Câu, đi dọc theo bờ sông, gặp lúc nước lớn nhưng lại muốn qua sông. Người lái đò đòi giá sáu đồng, nhưng vì ta không có tiền nên ông ta chèo ghe bỏ đi. Ta tiếp tục men theo bờ sông tìm chỗ nước cạn mà lội, nhưng vì không cẩn thận nên hụt chân bị nước cuốn đi cả một ngày đêm, trôi dạt đến vùng phụ cận bến đá Thải Thạch. Ngư dân kéo lưới vướng phải ta, nên gọi thầy Đức Ngạn, trụ trì chùa Bảo Tích đến nhận. Thầy ấy xưa kia có quen ta nên cho người khiêng ta về chùa để cứu sống lại. Tuy bị thương, máu từ thất khiếu5 chảy ra, nhưng vì muốn đi tham dự kỳ thiền thất nên ta chỉ ở lại đó vài ngày rồi đi đến chùa Cao Mân. Vị tăng tri sự thấy ta gầy ốm xanh xao nên hỏi ta có bệnh hoạn gì không. Ta trả lời là không rồi xin vào yết kiến Hòa thượng Nguyệt Lãng. Sau khi hỏi han chuyện trò, ngài mời ta tạm thay mặt ngài làm chức sự cho chúng tăng trong kỳ thiền thất sắp tới. Không dám nói chuyện bị té xuống sông, đang bị nội thương nặng, ta chỉ lễ phép từ chối. Không ngờ gia phong chùa Cao Mân rất nghiêm ngặt; nếu được mời làm tăng chức sự mà cự tuyệt không nhận thì bị tội khinh mạn tăng chúng của chùa. Ta phạm luật phải chịu ăn đòn nên đành thuận chịu mà không dám nói chi. Bị đánh xong thì bệnh ta lại gia tăng, thất khiếu chảy máu không ngừng, chỉ chờ chết. Tuy nhiên, ta vẫn cố gắng ngày đêm tinh tấn tọa thiền, nhất niệm lắng trong, không kể đến thân là gì cả! Qua hơn hai mươi ngày, bệnh ta tự nhiên hết. Thầy Đức Ngạn là trụ trì chùa Bảo Tích gần bến đá Thải Thạch, đem y vật đến cúng dường, thấy mặt ta sáng sủa, thầy rất vui mừng. Thầy kể việc ta bị té sông cho đại chúng nghe; ai ai cũng khâm phục tán thán. Vị tăng nội thức trong thiền đường không còn bảo ta luân trực nữa, nên việc tu hành trở nên dễ dàng. Từ đó muôn niệm đều dừng, ta công phu ngày đêm như một, hành động lẹ làng như gió. Một tối nọ, trong khi tọa thiền, ta mở mắt ra, nhìn thấy mọi vật hiện rõ như ban ngày, trong ngoài đều nhìn thấy. Ta nhìn xuyên qua tường đá thấy thầy hương đăng đang tiểu tiện, lại còn thấy thầy tri khách đang ở trong nhà cầu; xa hơn nữa, ta thấy một chiếc ghe đang chạy trên sông. Màu sắc hình dạng của hai hàng cây ở hai bên bờ sông, ta đều thấy rõ mặc dầu lúc ấy đã khuya, vào canh ba. Hôm sau, ta hỏi thầy hương đăng cùng thầy tri khách thì quả thật đúng như sự việc ta đã thấy đêm qua. Ta biết đây là cảnh giới của thiền nên không cho là kỳ dị. Đến ngày thứ ba của tuần thiền thất thứ tám, lúc đốt cây nhang khai tỉnh thứ sáu, theo lệ thường, thầy hộ thất rót trà cho chư tăng trong thiền thất dùng. Khi đưa tách trà cho ta, vì thầy sơ ý nên ly nước bị rớt xuống đất. Vừa nghe tiếng ly nước bể, căn nghi6 liền bặt dứt, tâm ta chợt ngộ đạo như vừa tỉnh giấc mơ. Ta nhớ lại vài mươi năm trước nơi sông Hoàng Hà, ta được người hành khất hỏi mà không biết nước là gì. Nếu lúc đó ta đạp nồi đất, thử xem Văn Cát còn nói gì nữa không! Nghĩ lại, nếu ta không té sông bị bệnh nặng, nếu ta không kham nhẫn cảnh nghịch cũng như cảnh thuận, không nghe sự giáo hóa của thiện tri thức, thì chắc đã uổng phí một đời. Vì thế, ta viết bài kệ sau:
5 Thất khiếu, có nghĩa là bảy lỗ, là phần thể xác liên quan đến đàn ông, còn ở phụ nữ là cửu khiếu (chín lỗ). Thất khiếu là bảy cái lỗ trên mặt: hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, và miệng. Cửu khiếu là thất khiếu với hai khiếu: lỗ sinh thực khí và hậu môn.
6 “Căn” theo cách gọi của nhà Phật là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (sáu giác quan); “nghi” là nghi hoặc, mê hoặc; “căn nghi bặt dứt” là chấm dứt sự nghi hoặc về sáu căn, nhận ra chân tướng của các giác quan.
“Bối tử phát lạc địa,
Hưởng thanh minh lịch lịch.
Hư không phấn toái dã.
Cuồng tâm đương hạ mưu.
Năng khán thủ, đả phấn toái,
Gia phá nhân vọng ngữ nan khai.
Xuân chí hoa hương xú xứ tú.
Sơn hà đại địa thị Như Lai.”
Dịch:
“Ly nước rơi xuống đất,
Tiếng vang thật rõ ràng,
Hư không tan thành bụi,
Tâm cuồng liền dứt thôi,
Tay thả lỏng, ly nước rơi,
Nhà tan người mất khó nói trôi,
Xuân đến hoa hương đều nở rộ,
Núi sông đất rộng là Như Lai.”
Năm đó, ta vừa được năm mươi sáu tuổi. Ta sinh ra mà không gặp mẹ hay thấy dung mạo của người. Lúc còn ở nhà, ta chỉ thấy hình thờ. Mỗi lần nhớ công ơn sinh thành của người thì tâm can đau nhức nên ta nguyện sẽ đến chùa A Dục Vương lễ xá lợi của Phật, rồi đốt ngón tay cúng Phật để hồi hướng cầu siêu cho mẹ hiền. Chùa A Dục Vương nằm ở phía nam Ninh Ba7 thuộc làng Nam Hương.
7 Ninh Ba là thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Khi xưa, sau khi Phật diệt độ khoảng hai trăm năm, vua A Dục trị vì tại trung Thiên Trúc8 phân xá lợi của Phật ra làm tám mươi bốn ngàn viên rồi sai khiến quỷ thần đem chôn ở nhiều nơi trên thế giới. Về phần nước Trung Hoa có mười chín chỗ, lần lần được phát hiện theo thời gian, như tại núi Ngũ Đài và chùa A Dục Vương. Trong núi Ngũ Đài, có tháp thờ xá lợi rất lớn, nhưng khó ai thấy được. Vào đời Tấn Võ Đế, niên hiệu Thái Khang, năm thứ ba (282 – 283), khi Thiền sư Huệ Đạt đến Ninh Ba lễ bái để thỉnh xá lợi Phật thì từ dưới đất, xá lợi Phật liền vọt lên. Sau đó, ngài kiến lập một ngôi chùa tại đó, lấy tên là A Dục Vương, còn xá lợi thì được để trong một bảo tháp bằng đá. Cửa tháp thường đóng, những ai muốn chiêm ngưỡng xá lợi thì đầu tiên phải cho vị tháp chủ biết rồi vào chánh điện lễ Phật, xong ra ngoài điện quỳ trên thềm đá theo thứ tự trước sau để chiêm bái. Tháp chủ sẽ thỉnh xá lợi ra. Tháp cao một thước bốn tấc, rộng khoảng trên một thước. Ở giữa tháp có treo chuông “Thật tâm”, bên trong có một cây kim. Xá lợi được đặt kế bên cây kim đó. Người ngắm xem sẽ thấy các hạt xá lợi lớn nhỏ, nhiều ít không đồng. Thường thì một hạt hoặc ba hạt, màu xanh, vàng, đỏ, trắng. Nếu người nào thấy hoa sen cùng tượng Phật thì đó là người có duyên thù thắng với đạo. Vào đời nhà Minh, niên hiệu Vạn Lịch, có giám quan sử bộ là Lục Quang Tổ cùng thân hữu đến để chiêm bái xá lợi. Mới đầu vị giám quan thấy xá lợi như hạt đậu nhỏ, kế đến lại thấy như hạt đậu lớn, kế thấy như trái chà là, quả dưa hấu, rồi lại như bánh xe lớn quang minh chiếu sáng, khiến thân tâm thanh tịnh, trong sáng. Lúc bấy giờ thấy điện xá lợi bị hư hại, Lục Quang Tổ bèn phát tâm sửa chữa cho trang nghiêm cho đến ngày nay. Xem xá lợi, ta mới thấy rõ đấng Như Lai vì lòng đại bi nên đã lưu lại pháp thân chân thể, để chúng sanh đời vị lai sinh tâm chánh tín.
8 Thiên Trúc: Ấn Độ.
Ta lễ xá lợi từ sáng sớm canh ba đến chiều tối, mỗi ngày lễ khoảng ba ngàn lạy để hồi hướng công đức cho mẹ hiền. Tối nọ, ta đang lúc ngồi thiền nhập định thì bỗng thấy như mộng mà không phải mộng, trên không có một con rồng vàng, thân dài cả mấy mươi thước, sắc vàng chiếu sáng bay vào điện xá lợi. Ta bèn leo lên lưng nó. Rồng bay đến một nơi có núi sông hùng vĩ, cây cỏ hoa trái xanh tươi, có lầu các cung điện, trang nghiêm kỳ diệu. Ta nhìn thấy mẹ ta đang đứng trên lầu các xem cảnh, nên gọi: “Mẹ ơi! Thỉnh mẹ lên lưng rồng. Rồng sẽ đưa mẹ qua cõi Tây Phương”. Rồng lập tức bay xuống chỗ mẹ ta. Ngay lúc ấy, ta giật mình tỉnh giấc, thân tâm cảm thấy thanh tịnh, an lạc. Đây là lần đầu tiên ta mộng thấy mẹ mình. Từ đó, mỗi ngày nếu có người đến xem xá lợi, ta đều tham gia. Cách nhìn xá lợi của mỗi người đều khác nhau. Ta xem ban đầu thấy hạt xá lợi lớn như hạt đậu, màu tím đen. Đến giữa tháng Mười, sau khi lễ lạy hai Đại tạng kinh nguyên thủy và Đại Thừa xong, lại xem lần nữa, thấy hạt cũng lớn như lần đầu, nhưng đã biến thành hạt châu màu đỏ. Ta tiếp tục lễ lạy thêm nữa, nhưng vì gấp rút cầu chứng nghiệm nên toàn thân tự nhiên đau nhức. Ta cố xem thêm lần nữa, thấy hạt đã lớn hơn hạt đậu vàng, màu sắc nửa trắng nửa vàng. Đến lúc ấy, ta mới tin chắc rằng xá lợi tùy theo căn tánh của mỗi người mà hiện. Do ta gấp rút cầu chứng nghiệm nên gia tăng lễ bái, vì vậy mà đến đầu tháng Mười một, ta bị bệnh nặng, không thể lễ bái lần nữa. Ta được chư tăng đưa đến hậu liêu, nằm trên võng, vì không thể ngồi dậy được nữa. Mặc dầu chư tăng cố tìm mọi phương thuốc để cứu trị nhưng bệnh ta vẫn không thuyên giảm chút nào. Mọi người đều cho rằng duyên đời của ta đến đây là hết. Chính ta cũng nghĩ như vậy, nhưng ngặt vì lời nguyện đốt ngón tay cúng Phật chưa thành nên sinh tâm khổ não. Đến ngày mười sáu, có tám vị khách tăng vào thăm, họ nghĩ là bệnh tình của ta không nặng cho lắm, nên định giúp ta đốt ngón tay cúng Phật. Thầy thủ tọa9 không tán thành, sợ nguy hiểm đến tánh mạng. Ta bèn thưa:
9 Thầy thủ tọa: vị thầy đứng đầu.
– Bạch thầy, có ai tránh khỏi sống chết đâu, chỉ vì muốn báo đáp ân nghĩa mẹ hiền nên ta phát nguyện đốt ngón tay cúng Phật. Ta không thể vì bệnh mà ngưng. Nếu ngưng thì sống có ích lợi chi? Ta sẵn sàng đón nhận cái chết.
Thầy giám viện nghe thế cũng rơi lệ, nói:
– Ngài chớ lo phiền. Tôi sẽ hộ trợ ngài thành tựu nguyện vọng. Ngày mai tôi sẽ lo tế trai và chuẩn bị mọi việc để giúp ngài.
Sáng ngày mười bảy, thầy giám viện và sư đệ của thầy là Tông Tiến giúp ta đốt ngón tay. Các thầy khác luân phiên lên chánh điện phụ giúp ta lễ Phật. Sau khi tụng qua các nghi lễ thì đến lúc đại chúng niệm văn sám hối, ta nhất tâm niệm Phật, cầu siêu độ cho mẹ hiền. Lúc đầu toàn thân ta còn đau nhức, nhưng tụng được một lúc sau thì tâm ta từ từ thanh tịnh, và sau cùng tri giác ta hết sức an nhiên trong sáng. Vừa niệm đến câu “Pháp giới tạng thân A Di Đà Phật”, thì toàn thân ta bỗng nhẹ nhõm hẳn đi. Sau khi đốt ngón tay xong, ta tự đứng dậy lễ Phật, không phải nhờ người đỡ nữa. Lúc đó, ta không biết thân mình đang mang bệnh, tự đi đến lễ tạ đại chúng; khi ta trở về hậu liêu mới cảm thán việc hy hữu này. Hôm sau, ta ngâm ngón tay bị thương vào nước muối nên vết thương không còn bị chảy máu nữa. Và ngày kế, da thịt chỗ đó liền lại, ta có thể lễ bái trở lại như thường.