Năm Quang Tự thứ mười một, ta rời chùa Hương Sơn, đi vào đất Thiểm Tây, ghé Hàm Dương xem cây cổ thụ Cam Đường của Triệu Bá; thăm đất Trường An nơi tường thành hùng vĩ vẫn còn nhiều di tích lịch sử. Phía đông bắc thành có chùa Từ Ân, trong chùa có tháp Đại Nhạn1 được cất cao bảy tầng, cùng bia đá đời nhà Đường và bia Cảnh Giáo2 nhà Đại Tần3. Trước cung Phủ Học là một rừng bia đá, có hơn bảy trăm loại khác biệt. Phía đông của thành còn có cầu Ba Kiều, rộng khoảng bảy mươi hai thước, cũng có lâu trạm, nơi khách qua đường thường gặp mặt, hẹn hò.
1 Tháp Đại Nhạn (hay chùa Đại Nhạn) ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Đây là nơi Đường Tam Tạng đã lập một khu dịch thuật kinh khổng lồ để dịch kinh Phật từ tiếng Phạn sang chữ Hán sau khi thỉnh kinh từ Ấn Độ về.
2 Bia Cảnh Giáo: nhà thờ Cơ đốc giáo được xây dựng ở Trung Hoa thời nhà Đường.
3 Nhà Đại Tần: chỉ Đế quốc La Mã.
Dừng lại ở cửa ải Dương Quan, ta đến chùa Hoa Nghiêm, lễ tháp Hòa thượng Đỗ Thuận4, và tháp quốc sư Thanh Lương5. Sau đó, ta qua chùa Hưng Quốc lễ tháp pháp sư Huyền Trang, rồi đến núi Chung Nam6 thăm chùa Bảo Tạng. Sau đó ta đến phía nam Ngũ Đài, gặp Đại lão Hòa thượng Giác Lãng, Trị Khai, Pháp Nhẫn, Thể An, Pháp Tánh, đang kết am tranh tọa thiền nơi đây. Chư vị giữ ta ở lại, ta bèn kết am tranh, cùng chư tăng tham cứu tu hành, được lợi ích rất nhiều.
4 Hòa thượng Đỗ Thuận (557 – 640) được xem là sơ Tổ của Hoa Nghiêm tông, một tông phái quan trọng của Phật giáo Trung Quốc.
5 Thanh Lương Quốc sư, hay Thanh Lương Trừng Quán, (738 – 838) là người Thiệu Châu, Sơn Âm (nay là Thiệu Hưng, Chiết Giang, Trung Quốc). Ông được xem là tứ Tổ của Hoa Nghiêm tông.
6 Chung Nam Sơn là một nhánh của dãy núi Tần Lĩnh nằm ở tỉnh Thiểm Tây, phía nam thành phố Tây An. Các ngọn núi của Chung Nam Sơn nổi tiếng khi là nơi ở ẩn của các ẩn sĩ Đạo giáo từ thời nhà Tần. Sau đó, các tu sĩ Phật giáo bắt đầu sống ở vùng núi này khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa từ Ấn Độ trong những năm đầu của thiên niên kỷ đầu tiên.
Tháng Hai, ta xuống núi, đến lễ chùa Hoàng Dụ tại núi Thúy Vi, rồi qua chùa Tịnh Nghiệp tại núi Hậu An lễ tháp Tuyên Tổ7 của Luật tông, đến chùa Thảo Đường lễ đạo tràng của pháp sư Cưu Ma La Thập8. Sau đó, ta đến chùa Nhị Bản, lên đỉnh Hoa Trì nơi có mạch nước phân thành bốn dòng, rồi qua đất Hán Trung9 tới miếu Chư Cát tại Bao Thành, thăm đèn vạn năm của Trương Phi, cùng các danh lam thắng cảnh khác. Tiếp sau đó, ta vượt Long Động Bối, qua ải Kiếm Môn, thăm chùa Bát Đồng và mộ phần Bàng Thống. Ải Kiếm Môn là nơi chót núi bị cắt làm đôi, hai vách đá dựng thẳng như lưỡi kiếm. Sử ghi rằng có một vị tướng quân giữ ải, đánh tan đạo quân cả mười ngàn người. Ở trên núi còn có thành Khương Duy, tức nơi đóng binh của Khương Bá Ước10 thuở xưa. Cầu treo lên núi rất khó đi, như lên trời xanh, thật lời của người xưa không hư dối. Năm sau ta vào đất Tây Xuyên, đơn độc hành bộ, ba y một bát, chẳng chi lụy phiền, thanh thản an nhàn với cảnh non nước, thân tâm an nhiên tự tại.
7 Đạo Tuyên, còn gọi là Nam Sơn Luật Sư (596 – 667) được xem là Tổ sư của Luật tông Phật giáo Trung Hoa vào đời nhà Đường. Vào năm 732, ông cũng là người đưa Luật tông, Hoa Nghiêm và phái Thiền Bắc tông sang Nhật Bản. Đạo Tuyên cũng là người trợ giúp Huyền Trang trong công việc dịch kinh điển.
8 Pháp sư Cưu Ma La Thập, hay Tam Tạng Pháp sư (344 – 413) là người gốc Ấn Độ. Thân phụ ngài là Cưu Ma La Viêm bỏ ngôi Tướng quốc, xuất gia tu Phật và xuất ngoại vào nước Cưu Ty, miền Tây vực (nay thuộc tỉnh Tân Cương, Trung Quốc). Ngài Cưu Ma La Thập cùng với Huyền Trang là hai người có công lớn trong việc dịch các kinh điển Phật giáo sang chữ Hán được lưu truyền cho đến ngày nay.
9 Hán Trung là một địa cấp thị (tương đương thành phố trực thuộc tỉnh) của tỉnh Thiểm Tây.
10 Khương Duy, hay Khương Bá Ước, (202 – 264) là một đại tướng nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Tháng Giêng năm Quang Tự thứ mười bốn, ta từ chùa Bảo Quang, khởi hành vào Thành Đô, lễ chùa Chiêu Giác, viện Văn Thù11, chùa Thảo Đường, cung Thanh Dương, rồi tới chân núi Nga Mi. Ta đi từ chùa Phục Hổ, động Cửu Lão qua sơn đảnh của núi Nga Mi12 để lễ hương. Đêm đến, ta thấy Phật quang; muôn ngàn đóm lửa sáng rực như một dải ngân hà trên trời. Thắng cảnh như thế, không thể tả hết. Nơi chùa Bảo Quang, ta vào tham kiến Hòa thượng Ứng Chân, rồi trú tại chùa mười ngày. Sau đó, ta qua chùa Vạn Niên, lễ điện Phật Tỳ Lô Giá Na. Xuống núi, ta đến Nhã Châu, qua huyện Huỳnh Kinh, vào Lô Định. Đây là biên giới của tỉnh Tây Xuyên. Tháng Năm, ta băng qua sông Lô, sông này rộng những ba dặm; bắc ngang sông là cầu dây Lô Định. Người đi trên cầu này phải rất cẩn thận vì cầu thường đong đưa lắc lư. Ta đi đến Sát Mộc Đa, tức Xương Đô, rồi tới Thạc Đốc. Nơi đây đất rộng người thưa, có đủ chủng tộc như người Hoa, Tây Tạng, Mông Cổ, v.v…; ngôn ngữ khác biệt, người biết tiếng Hoa chỉ vài ba trăm. Tại Lý Đường13 có ngọn núi thần Công Cát, là vùng đất thánh của Phật tử người Tây Tạng. Ba Đường là vùng núi cao hiểm trở. Sát Mộc Đa có nhiều sông ngòi. Các chủng tộc phần lớn theo Lạt Ma giáo. Từ Lạp Lý đi về hướng nam đến Giang Đạt; vượt qua vùng này tức đến biên giới Tây Tạng.
11 Văn Thù tu viện: là ngôi chùa Phật giáo được xây dựng từ đời Đường ở Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật mang tính lịch sử và văn hóa xuyên suốt nhiều thế kỷ để thờ cúng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, vị bồ tát tượng trưng cho trí tuệ.
12 Nga Mi Sơn: núi Nga Mi tọa lạc trong thành phố Tứ Xuyên, ở thượng du sông Trường Giang, tỉnh Tứ Xuyên. Ngọn núi này cùng với Phổ Đà Sơn, Ngũ Đài Sơn và Cửu Hoa Sơn được xem là Tứ đại Phật giáo Danh sơn của Trung Quốc.
13 Lý Đường: một huyện thuộc châu tự trị của dân tộc Tạng Cam Tư, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nhiều Phật tử lỗi lạc đã sinh ra ở đây như Kelzang Gyatso (Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy), Tsultrim Gyatso (Đạt Lai Lạt Ma thứ mười)…
Ta vào đất Tây Tạng, băng ngang sông Điểu Tô Giang đến thủ đô Lạp Tát (Lhasa). Đây là trung tâm hành chánh và tôn giáo của toàn nước Tây Tạng. Phía tây bắc là núi Đạt Bố Lạp, có cung Đạt Bố Lạp (Potala)14 được xây cất rất trang nghiêm. Cung này là nơi Đạt Lai Lạt Ma thường ngồi thuyết pháp, quanh ngài có hơn hai mươi ngàn vị Lạt Ma bao quanh tu học. Vùng phụ cận có ba ngôi chùa lớn như Cát Nhĩ Bàn, Biệt Bạng, Sắc Lạp, cũng có hàng ngàn vị Lạt Ma tu học. Vì ngôn ngữ bất đồng, khi đến các chùa Tây Tạng, ta chỉ dâng hương cùng lễ Phật mà thôi. Sau đó, ta đi về hướng tây, qua Giang Tử, đến chùa Gia Thập Luân Bố (Tashihunpo), kiến trúc đồ sộ hùng vĩ, rộng cả mấy dặm. Đây là trung tâm hành chánh và tôn giáo thứ nhì của Tây Tạng, do vị Ban Thiền Lạt Ma lãnh đạo. Vị này cũng có bốn, năm ngàn vị Lạt Ma thường xuyên vây quanh tu học. Từ Tây Xuyên qua đất Tây Tạng, ta đi mất một năm. Cứ mặt trời lên thì đi, mặt trời lặn thì dừng; leo núi băng sông, lắm khi cả mấy ngày mà chẳng gặp một bóng người; chim thú khác lạ, phong tục danh xưng dị kỳ. Tăng sĩ miền này không giữ giới luật, ăn thịt bò, dê, y áo đạo phục phân chia tông phái mũ đỏ mũ vàng khác biệt. Ta nhớ lại pháp hội tại Kỳ Viên Tịnh Xá, lúc Phật còn tại thế thì hưng thịnh như thế nào, còn nay thật suy đồi mà rưng rưng nước mắt.
14 Đạt Bố Lạp cung, cung điện Potala, là một cung điện ở Lhasa, khu tự trị Tây Tạng. Đây từng là nơi ở của các đời Đạt Lai Lạt Ma cho đến khi Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn lưu vong sang Dharamsala, Ấn Độ vào năm 1959. Tên của nó được đặt theo ngọn núi Potalaka, theo truyền thuyết là nơi ở của Quán Thế Âm Bồ Tát. Công trình được khởi công xây dựng bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm vào năm 1645.
Ta không muốn ở lại Tây Tạng lâu nên tiếp tục đi về hướng nam, qua Lạp Cát là quan ải lớn nhất giữa Tây Tạng và Ấn Độ, tới nước Bất Ban (Bhutan), vượt bao núi cao vách đứng ở nơi gọi là Thông Lĩnh Sơn hay Tuyết Sơn. Sau đó, ta đến thành Dương Bộ, lễ bái các thánh tích Phật Đà, rồi tới hải cảng Mãnh Gia Lạp (Bengal), vượt biển đi Tích Lan (Sri Lanka). Ta lễ bái các thánh tích xong liền qua Miến Điện, triều bái tháp Đại Kim. Nơi đây có một tảng đá lớn kỳ dị, được gọi là chỗ ngồi của tôn giả Đại Mục Kiền Liên, có rất nhiều người đến đó lễ bái. Đến tháng Bảy, ta khởi hành trở về nước. Từ Lạp Thức, ta qua ải Hán Long, vào Vân Nam. Vượt qua Miễn Ninh, Long Lăng, Triều Châu, Hạ Quan, ta đến Đại Lý, xem ngắm hồ Nhĩ Hải, nơi tiếng sóng vang xa cả vài dặm, thật là một nơi lạ kỳ. Ước nguyện đầu tiên của ta khi trở về nước là đi tham bái núi Kê Túc, nơi tôn giả Ma Ha Ca Diếp đang nhập định đợi Phật Di Lặc ra đời15. Ta băng qua hồ Nhĩ Hải, hướng về phía đông bắc mà đi. Đến Hoán Sắc, ta ghé vào thăm miếu của An Bang Đại Vương, rồi đi tới núi Kê Túc. Tương truyền lúc tôn giả Ca Diếp vào núi, có bảy vị vua đi theo hộ tống. Không đành lòng trở về, họ ở lại đây tu hành, thành thần hộ pháp. Người dân dựng miếu thờ, gọi là miếu Đại Vương. Ta đi thẳng lên chánh điện, bên trong có thờ tôn tượng tôn giả Ca Diếp. Tương truyền, khi tôn giả A Nan đến lễ bái thì cánh cửa đá, gọi là cửa Hoa Thủ, tự nhiên mở ra. Bên trong là thánh cảnh trang nghiêm huyền diệu, có ngài Ma Ha Ca Diếp đang ngồi nhập định. Cửa đá này lớn tựa như cửa thành, cao vài trăm thước, rộng hơn trăm thước. Hai cánh cửa đều đóng nhưng đường lằn giữa hai cánh cửa vẫn hiện rõ. Hôm ấy, du khách cùng người địa phương đến chiêm bái rất nhiều. Lúc ta đang dâng hương lễ bái thì tự nhiên có ba tiếng đại hồng chung vang lên; người địa phương đều vui mừng lễ bái theo và nói: “Hễ mỗi lần có bậc thánh nhân đến thì đều nghe tiếng chuông trống, mõ khánh vang lên. Chúng tôi đã từng nghe tiếng khánh mõ, mà chưa từng nghe tiếng đại hồng chung. Nay sư phụ đến đây lễ bái, chúng tôi lại nghe tiếng đại hồng chung. Chắc đạo hạnh của ngài phải cao lắm”. Ta không dám nhận lời tán tụng ấy. Hôm sau, ta lên đỉnh Thiên Trụ, nơi cao nhất của cả ngọn núi. Từ đỉnh xuống chân núi cao khoảng ba mươi dặm. Trên đỉnh có một ngôi điện bằng đồng cùng một tháp Lăng Nghiêm. Theo tài liệu ghi chép thì cả ngọn núi có ba trăm sáu mươi am nhỏ và bảy mươi hai ngôi chùa lớn, nhưng nay chỉ còn lại dưới mười ngôi chùa. Từ nhiều năm nay, kẻ tu hành không chịu giữ gìn giới luật, ăn mặn, uống rượu, lập gia đình, rồi cùng người thế tục sống lẫn lộn không phân biệt. Chùa chiền biến thành tài sản riêng của tăng sĩ, cha làm sư thì con cũng làm sư, con cháu nối tiếp nhau thừa hưởng sản nghiệp. Họ tập hợp, phong chức tước cho nhau và không cho khách tăng nơi khác ở lại trên núi, dầu chỉ trong một thời gian ngắn. Nhớ xưa kia các pháp hội đều hưng thịnh; nay thì thế nhân suy đồi, thật đau lòng khôn xiết. Tâm ta muốn trùng hưng lại đạo tràng này, nhưng không biết có đủ cơ duyên chăng!
15 Kê Túc Sơn là một trong những danh sơn tại Trung Quốc gắn liền với Phật giáo, thuộc huyện Tân Xuyên, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Do Kê Túc cũng là tên ngọn núi ở nước Ma Kiệt Đà (Ấn Độ) nơi ngài Ma Ha Ca Diếp nhập diệt nên Phật giáo Trung Hoa đã đồng nhất núi này với núi Kê Túc tại Ấn Độ, và cũng coi nơi này là đạo tràng ứng hóa của ngài Ma Ha Ca Diếp.
Từ Vân Nam, ta qua núi Thủy Mục tới phủ Sở Hùng16, trú tại chùa Cao Đỉnh. Lúc vừa mới đến chùa, ta nghe thấy mùi hương hoa lan bay khắp cả. Vị tăng tri sự17 chúc mừng: “Thượng tọa đến, vị thần hoa lan phóng ra hương thơm, thật là kỳ diệu. Trong tài liệu của chùa có viết rằng núi này có vị thần hoa lan vô hình dạng, nếu có cao tăng đến thì phóng tỏa hương thơm. Nay mùi hương hoa lan bay khắp núi, chắc là do đạo đức của Thượng tọa cảm hóa nên vậy”. Ta được vị tăng tri sự ân cần chiêu đãi, cố giữ ở lại lâu. Vì muốn trở về Hồ Nam gấp nên ta khước lời mời, chỉ ở lại qua một đêm rồi đi ngay. Ta đến Võ Xương, Hồ Bắc, lễ Hòa thượng Chí Ma tại chùa Bảo Thông và học đại bi sám pháp tại chùa, xong ta liền đi Cửu Giang, vào Lô Sơn, đảnh lễ Hòa thượng Chí Thiện tại chùa Hải Hội và tham gia pháp hội niệm Phật. Sau đó, ta ghé tỉnh An Huy, thăm núi Hoàng Sơn, tới núi Cửu Hoa18 lễ tháp Địa Tạng Bồ Tát. Đến cung Bá Niên, ta lễ Bảo Ngộ Hòa thượng. Ngài là một vị đại lão hòa thượng, giới hạnh tinh nghiêm, định lực bậc nhất. Băng qua sông, ta đến núi Bảo Hoa, lễ Hòa thượng Thánh Tánh và lưu trú lại đây qua năm mới.
16 Sở Hùng: một châu tự trị ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
17 Tăng tri sự: vị tăng điều hành, chịu trách nhiệm về tổ chức của tu viện.
18 Cửu Hoa Sơn: một trong Tứ đại Phật giáo Danh sơn tại Trung Quốc, nằm về phía đông nam của phố Trì Châu thuộc tỉnh An Huy. Đây là ngọn núi gắn liền với Địa Tạng Bồ Tát.
Trong hai năm thân hành vạn lý, mọi thời ta đều đi bộ, chỉ trừ những lúc dùng thuyền vượt biển. Trèo núi băng sông, tuyết sương mưa gió, núi cao đồng vắng, chim thú lạ lùng, phong cảnh thay đổi hàng ngày nhưng tâm ta vẫn tịnh như trăng tròn lơ lửng; thể lực ta tăng cường, bước đi lẹ làng, không thấy mệt nhọc. Người xưa bảo rằng đọc xong mười ngàn quyển sách, phải đi mười ngàn dặm, thật đúng thay!