Năm ta được bốn mươi ba tuổi, nghĩ mình đã xuất gia tu đạo hơn hai mươi năm mà đạo nghiệp vẫn chưa thành, cứ mãi phiêu du theo gió nghiệp, nên tự tâm rất xấu hổ. Ta muốn báo ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ nên định trở lại biển Nam Hải, núi Phổ Đà nơi hướng đông, rồi từ đó đi về hướng bắc núi Ngũ Đài mà lễ bái. Nghĩ thế nên ta đến Phổ Đà, ở đó vài tháng, chăm chỉ tu thiền tĩnh tọa; đôi khi chứng thấy được vài cảnh giới. Ngày đầu tháng Bảy, từ am Pháp Hoa núi Phổ Đà, ta khởi hương, rồi đi ba bước lạy một lạy (tam bộ nhất bái), trực chỉ đến thẳng núi Ngũ Đài. Lúc đó, có bốn vị tăng là Biến Chân, Thu Nghi, Sơn Hà và Giác Thừa cũng đi theo, vì vừa đi vừa lạy nên mỗi ngày hành bộ không được nhiều.
Sau khi đến Tô Châu, bốn vị tăng kia đều thoái lui, còn ta vẫn tiếp tục lễ bái, hành ba bước một lạy. Khi qua Nam Kinh, ta đến lễ tháp tổ Pháp Dung Ngưu Đầu1 rồi vượt sông, đi Tung Sơn, ghé thăm chùa Thiếu Lâm2. Ngày đi đêm nghỉ, gió mưa sáng tối, cứ như thế mà đi, cứ như thế mà lạy; khổ vui đói khát, không quên chánh niệm, nhất tâm xưng tụng danh hiệu Phật và Bồ Tát.
1 Pháp Dung (594 – 657) là thiền sư Trung Hoa, người sáng lập thiền phái Ngưu Đầu, là môn đệ của Thiền sư Đạo Tín, Tổ thứ tư của Thiền tông.
2 Chùa Thiếu Lâm, hay Thiếu Lâm tự, là một ngôi chùa trên đỉnh phía tây của Tung Sơn, thuộc tỉnh Hà Nam. Chùa nổi tiếng từ lâu do mối liên hệ với Phật giáo Thiền tông và võ thuật.
Tháng Chạp năm đó, ta lạy đến bến Thiết Tá nơi sông Hoàng Hà. Ngày đầu, ta ngủ tại lữ xá, ngày thứ hai ta băng qua sông nhưng đi được một lúc thì trời sập tối nên không dám đi nữa. Nơi ấy rất hoang vắng, bốn bề không người, chỉ có một túp lều tranh nhỏ nằm bên đường. Ta tạm dừng chân nơi đây, ngồi kiết già thiền tọa. Tối đến, trời lạnh thấu xương, tuyết rơi dầy đặc. Hôm sau, mở mắt ra thấy tuyết dầy cả thước, bồn bề trắng xóa như thế giới lưu ly, không còn thấy đường đi nữa nên ta đành ngồi niệm Phật. Vì chòi tranh không có vách che, gió thổi lạnh buốt, nên ta đành cố thu mình ngồi trong góc nhỏ cho đỡ lạnh. Tuyết tiếp tục rơi, gió tiếp tục thổi, nhưng ta làm chủ hơi thở, giữ vững chánh niệm.
Ba ngày ba đêm trôi qua, tuyết vẫn rơi như thế, giá lạnh cũng như thế, dần dần ta rơi vào trạng thái hôn mê. Trưa ngày thứ sáu, tuyết ngừng rơi, thấy bóng mặt trời mờ mờ, nhưng vì đã kiệt sức nên ta không đứng dậy được. Sáng ngày thứ bảy, có một người hành khất đi đến, thấy ta nằm trên tuyết bèn hỏi han vài câu, nhưng ta không trả lời được. Biết ta nhuốm bệnh nặng, ông gạt tuyết ra, lấy rơm nhóm lửa, nấu cháo bằng gạo vàng cho ta ăn. Ta ăn xong, mình toát mồ hôi, khí lực bình phục lại. Người hành khất hỏi:
– Ngài từ đâu đến đây?
– Tôi từ núi Phổ Đà, Nam Hải đến.
– Vậy ngài đi đâu?
– Tôi triều bái đến núi Ngũ Đài3.
3 Ngũ Đài Sơn, còn gọi là Thanh Lương Sơn, nằm trong địa phận tỉnh Sơn Tây. Ngọn núi này là một trong bốn ngọn núi được xem là Tứ đại Phật giáo Danh sơn của Trung Quốc. Ngũ Đài Sơn gắn liền với Văn Thù Bồ Tát.
Ta hỏi lại danh tánh của ông ấy. Người hành khất đáp:
– Ta họ Văn, tên Cát.
– Vậy ông đi đâu?
– Ta từ núi Ngũ Đài trở về Trường An.
– Nếu ông từ núi Ngũ Đài đến, vậy ông hẳn biết chư tăng ở đó?
– Dĩ nhiên rồi, trên đó, ai cũng biết ta cả!
– Nếu vậy từ đây đến núi Ngũ Đài phải đi qua những vùng nào?
– Ngài phải đi Bồng Huyện, Hoài Khánh, Hoàng Sơn Lĩnh, Tân Châu, Thái Tục, Thái Nguyên, Đại Châu, Nga Khẩu, rồi đến núi Ngũ Đài.
– Vậy từ đây đến núi, lộ trình còn bao xa?
– Khoảng hơn hai ngàn dặm nữa.
Hôm sau, khi mặt trời vừa lên, người hành khất lấy ra một nắm gạo vàng nấu cháo với tuyết. Thấy tuyết đang tan thành nước trong nồi, ông chỉ tay vào và hỏi:
– Ở Nam Hải có vật này không?
– Thưa, không.
– Vậy ngài uống gì?
– Thưa, tôi uống nước.
Ngay khi đó, tuyết trong nồi đã tan ra thành nước, người hành khất chỉ tay vào nước hỏi:
– Vậy chứ đây là gì?
Ta không sao trả lời được. Người hành khất hỏi tiếp:
– Ngài đi lễ lạy danh sơn để mong cầu điều chi?
– Thưa, khi vừa sinh ra thì không còn mẹ nên nay muốn lễ lạy danh sơn để hồi hướng công đức báo ân sinh thành của mẹ hiền.
– Đường còn xa mà trời thì lạnh, vai mang hành lý nặng thế kia thì bao giờ mới đến được Ngũ Đài? Ta khuyên ngài hãy bỏ cuộc, chớ bái lạy như vậy nữa làm chi.
– Xin cảm ơn ông khuyên bảo, nhưng thệ nguyện đã định trước rồi, không thể bỏ được.
– Thệ nguyện như ngài khó ai lập được. Hiện nay tuyết vẫn chưa tan, không thể nào tìm đường được đâu. Ngài hãy tạm theo dấu chân của ta mà đi khoảng bốn mươi dặm nữa sẽ đến Bồng Huyện. Nơi đó có chùa để nghỉ ngơi.
Chúng ta chia tay tạm biệt. Vì tuyết dầy không thể lạy, nên ta chỉ quay lưng lại, lễ bước chân của mình.
Khi đến Bồng Huyện, có một hòa thượng tên là Đức Lâm. Thấy ta lễ lạy trên đường, hòa thượng liền đến cầm phụ cây hương và nói: “Thỉnh Thượng tọa vào chùa nghỉ ngơi”, sau đó lại bảo đệ tử mang hành lý của ta vào chùa, ân cần tiếp đãi. Ăn cơm uống trà xong, Hòa thượng Đức Lâm hỏi: “Thượng tọa bắt đầu khởi hương lễ bái từ nơi nào?”. Ta liền kể sơ lại rằng vì muốn báo đáp thâm ân của cha mẹ nên từ núi Phổ Đà khởi hương lễ lạy đến đây, đã hơn hai năm trường.
Lúc đàm đạo, biết ta xuất gia tại Cổ Sơn, Hòa thượng Đức Lâm bất giác rơi lệ nói: “Tôi có hai huynh đệ đồng tu từ Hành Dương và Phước Châu. Cả ba chúng tôi đều hành hương lên núi Ngũ Đài và ở lại đây ba mươi năm trường. Sau đó, họ chia tay trở về quê quán, từ đó họ bặt tăm.
Nay nghe giọng nói Hồ Nam của Thượng tọa, lại cũng là Phật tử Cổ Sơn, chợt như gặp được huynh đệ đồng tu thuở xưa, bất giác xúc động. Chùa đây vốn đầy đủ gạo lúa, nay tuyết rơi nhiều như vầy rất khó đi. Thượng tọa nên ở lại đây đợi qua Giêng hãy đi tiếp”. Vì lòng chí thành khẩn thiết của vị hòa thượng, nên ta miễn cưỡng lưu trú lại chùa qua năm đó.
Mồng ba tháng Giêng, ta trân trọng từ biệt Hòa thượng Đức Lâm rồi khởi hương lễ bái đi tiếp. Vài hôm sau, ta đến phủ Tiểu Nam Hải. Vì không biết nghỉ qua đêm nơi nào, nên ta ra ngoài thành ngủ bên lề đường. Tối đó, bụng ta đau dữ dội. Sáng hôm sau, ta cũng cố lễ bái nhưng đến chiều, thân ta bị cảm lạnh rất nặng rồi bắt đầu bị kiết lỵ. Những ngày kế tiếp, ta vẫn ráng lễ lạy, cho đến ngày mười ba thì đến Hoàng Sa Lĩnh. Trên đỉnh núi hoang vắng, chỉ trơ trọi một ngôi miếu hoang tàn, không có mái nóc.
Khi đó ta đã kiệt sức, không thể đi được nữa nên đành ghé vào đó tạm trú, cứ thế đi cầu cả chục lần, người yếu dần rồi không sao cử động được. Vì am miếu ở trên đỉnh núi, không người qua lại, nên ta đành nhắm mắt chờ chết, tuy thế thâm tâm ta không hề hối hận. Khuya ngày mười lăm, ta chợt thấy phía tây miếu có ai đang đốt lửa, nhìn kỹ lại thì nhận ra người ấy chính là Văn Cát lúc trước, ta mừng rỡ gọi: “Tiên sinh Văn Cát”. Văn Cát cầm đuốc tới hỏi:
– Đại sư phụ! Sao ngài vẫn còn ở đây?
Ta kể lại cho ông nghe những việc đã xảy ra. Người hành khất ngồi xuống bên cạnh, an ủi và đưa một bát nước cho ta uống. Đêm đó, gặp được Văn Cát, thâm tâm ta rất yên ổn.
Hôm sau, Văn Cát đem y phục dơ bẩn của ta ra giặt giũ, rồi nấu cho ta một chén thuốc để uống. Ngày mười bảy, bệnh của ta thuyên giảm rất nhiều, sau khi ăn hai chén cháo gạo vàng thì mồ hôi ta túa ra như tắm, qua hôm sau thì khỏi. Ta bèn cảm tạ Văn Cát:
– Hai lần nguy hiểm, đều nhờ tiên sinh cứu tế, xin cảm ơn.
Văn Cát đáp:
– Đừng để ý, đó chỉ là việc nhỏ thôi. Ta hỏi:
– Bây giờ tiên sinh đi đâu?
– Ta trở lại núi Ngũ Đài.
– Tôi vẫn còn bệnh, lại phải lễ bái, không thể theo kịp tiên sinh.
Người hành khất nói:
– Ta quan sát ngài từ tháng Chạp đến giờ, lễ lạy trên đường không được nhiều lắm. Vậy qua năm mới chắc tới nơi! Sức của ngài cũng không được khỏe, chắc khó mà lễ lạy được nữa. Theo ý ta, ngài không nên lễ lạy tam bộ nhất bái nữa mà đi thẳng lên núi Ngũ Đài có hơn không?
– Tiên sinh có ý tốt, tôi rất cảm ơn, nhưng vì lúc chào đời không được nhìn thấy mặt mẹ. Mẹ vì sinh ra tôi nên mới qua đời. Còn cha chỉ được một mụn con, mà tôi lại bỏ trốn đi tu. Do đó, cha từ quan, buồn rầu giảm tuổi thọ mà mất. Trời cao lồng lộng, ân cha nghĩa mẹ bao la, bao năm trằn trọc không an, nên mới phát nguyện triều bái, cầu Bồ Tát gia hộ, nguyện cho cha mẹ được thoát khổ, sớm về cõi Tịnh Độ. Được thế thì chẳng quản chi trăm ngàn gian lao trước mắt, nếu không đến được thánh cảnh, thì chết cũng không dám thối nguyện.
– Tâm thành hiếu thảo kiên cố của ngài thật khó lập. Nay ta trở về núi, không gấp chi nên ta muốn phụ mang hành lý trên đường để ngài dễ dàng lễ lạy, bớt đi sầu khổ, tâm không sinh hai niệm.
– Nếu thế, công đức của tiên sinh thật lớn vô cùng. Tôi nguyện đem công đức lễ lạy này chia làm hai, phân nửa hồi hướng cho cha mẹ sớm chứng đạo Bồ Đề, phân nửa xin hồi hướng đến tiên sinh để báo đền ơn cứu mạng.
– Ngài thật là người con hiếu thảo, còn ta chỉ thuận tiện mà giúp thôi. Đâu dám nhận lời cảm tạ.
Sau đó, Văn Cát lo cho ta cả bốn ngày liền. Bệnh tình ta thuyên giảm rất nhiều. Ngày mười chín, tuy còn yếu nhưng ta vẫn khởi hương tiếp tục lễ bái. Việc mang hành lý và ăn uống đã có Văn Cát lo giùm. Bao vọng tưởng trong đầu đều ngừng, ngoài không phiền luỵ, trong không vọng niệm; bệnh ngày càng thuyên giảm, sức khỏe ngày càng gia tăng. Từ sáng đến tối, lễ lạy được khoảng bốn mươi dặm, nhưng ta không cảm thấy mệt nhọc chút nào.
Tháng Hai, ta đến chùa Ly Tướng thuộc huyện Thái Tục. Vị tăng tri khách3 nhìn thấy ta và Văn Cát liền hỏi: “Vị này là ai?”. Ta thuật lại đầu đuôi sự việc xảy ra trên đường. Nghe xong, vị tăng tri khách nổi giận:
3 Tăng tri khách: vị tăng lo việc tiếp khách.
– Thầy ra ngoài hành cước mà không biết thời cuộc, chắc thầy phải là một đại quan nên mới có người theo hầu cận như vậy. Đã muốn hưởng phước, cần gì phải ra ngoài lễ lạy như thế. Thầy xem có ai đi hành hương tam bộ nhất bái mà có người thế tục xách bị theo hầu không?
Người khiển trách như thế, ta không dám đáp lại mà chỉ nhận lỗi của mình rồi cáo từ. Vị tăng kia nổi giận:
– Thầy thật vô lý! Tự tiện đến rồi tự tiện đi, ai cho thầy đi như vậy?
Nghe lời trước ngược lời sau, ta không biết phải làm gì nên đành nói:
– Xin phiền tiên sinh Văn Cát đến trọ tại lữ quán, còn tôi xin ngài cho nghỉ tại đây một đêm có được không?
– Vậy cũng được.
Thấy vậy, Văn Cát lên tiếng:
– Từ đây đến Ngũ Đài cũng không còn xa lắm. Ta sẽ trở về núi trước, còn ngài cứ từ từ mà đi. Hành lý của ngài, không lâu sẽ có người mang lên núi giùm.
Ta cố giữ Văn Cát lại nhưng không được, lại đưa tiền cho, Văn Cát cũng không nhận rồi từ biệt mà đi. Sau khi Văn Cát ra đi, vị tăng tri khách đổi sắc mặt vui vẻ, mang đồ của ta vào chùa, rồi ra bếp nhúm lửa nấu trà luộc bún. Ngạc nhiên trước thái độ ấy, lại thấy trong chùa chẳng có ai, ta liền hỏi:
– Thưa thầy, trong chùa đây tăng chúng nhiều hay ít?
– Mấy năm, nơi này liên tiếp bị thất mùa, nên mọi người bỏ đi hết, chỉ còn lại mình ta. Lương thực chỉ có ít bún miến. Vừa rồi, ngoài cửa, ta chỉ nói vậy để đuổi tên hành khất kia đi thôi. Xin thầy đừng để trong lòng.
Ta nghe thấy thế buồn bực vô cùng, chẳng biết nói gì đành miễn cưỡng nuốt nửa tô bún rồi cáo từ. Thầy tri khách cố giữ lại, nhưng ta không có lòng gì để đáp ứng. Ta đến lữ quán tìm kiếm Văn Cát nhưng không gặp. Lúc ấy, là ngày mười tám tháng Tư, tuy trời tối nhưng trăng tỏ, vì muốn đuổi kịp Văn Cát nên ta lễ lạy luôn trong đêm, hướng về phủ Thái Nguyên mà đi. Vì nóng lòng gấp gáp, nên hôm sau máu từ mũi ta cứ thế chảy ra không ngừng. Hai mươi ngày sau, ta đến chùa Bạch Vân tại Hoàng Độ Câu. Các tăng sĩ thấy mũi miệng ta ra đầy máu nên không cho trú, chỉ miễn cưỡng cho nghỉ qua đêm ở cổng chùa. Sáng hôm sau, ta vào thành Thái Nguyên, đến chùa Cực Lạc xin ăn, nhưng thấy hình dạng tiều tụy của ta, các tăng sĩ tại đây liền chửi mắng ta thậm tệ nên ta đành nhịn đói. Hôm sau, ta đang tiếp tục lễ bái trên đường thì gặp một vị sư trẻ tên là Văn Hiền. Thấy ta chân thành lễ bái, thầy liền đến mang phụ hành lý, rồi mời ta vào một ngôi chùa gần đó nghỉ ngơi, tiếp đãi cơm nước. Ta hỏi:
– Tuổi thầy chỉ ngoài hai mươi, làm thế nào mà được trụ trì nơi đây?
– Bạch Thượng tọa, cha của con làm quan nơi đây đã nhiều năm nhưng vì thanh liêm, không theo bè đảng nên bị gian thần hãm hại. Mẹ con vì vậy uất khí mà mất. Con đành nuốt lệ xuất gia. Quan thân sĩ thứ nơi đây biết gia cảnh con nên thỉnh con về trụ trì chùa này. Con chỉ cố gượng ở lại, vì lúc nào cũng muốn rời chỗ này. Nay được chiêm ngưỡng đạo phong oai đức của Thượng tọa, tâm con kính phục, mong thỉnh ngài ở lại nơi đây ít lâu để con được dịp hầu cận học hỏi.
Ta thuật lại nguyên do phát nguyện lễ bái, thầy này càng thêm cung kính, cố lưu giữ ta ở lại cả mười ngày. Sau đó, ta tiếp tục lên đường lễ bái. Thầy có ý cúng dường y phục cùng tiền lộ phí nhưng ta không nhận. Thầy cầm phụ hương, tiễn ta đi cả hơn mười dặm rồi rơi lệ từ biệt. Buổi sáng nọ, đang lúc ta lễ lạy trên đường thì có một cỗ xe ngựa ở đằng sau tiến đến nhưng cứ hoãn lại mà không vượt qua mặt. Ta biết, nên có ý lánh qua một bên thì một vị quan từ trên xe bước xuống hỏi:
– Tại sao Đại sư lại lễ lạy trên đường như thế?
Ta thuật sơ qua lời phát nguyện của mình. Vị quan bèn nói:
– Tôi hiện đang trú tại chùa Bạch Vân, nơi Nga Khẩu. Nếu ngài triều bái đến Ngũ Đài thì phải đi ngang qua đó, vậy xin để tôi mang giùm hành lý của ngài lên đó trước.
Ta vui mừng cảm tạ. Vị quan sai người mang hành lý của ta lên xe rồi đi khuất. Từ đó, ta tiếp tục lễ bái, không còn bị trở ngại chi nữa. Giữa tháng Năm, ta lạy đến chùa Bạch Vân, gặp lại viên quan mang hành lý giùm ta hôm trước. Ngài thấy ta đến liền ra nghinh tiếp, mời vào doanh trại nghỉ ngơi, ân cần ưu đãi. Ta nghỉ ở nơi đây ba ngày, sau đó cáo từ. Vị quan ấy cúng dường tiền lộ phí cùng lễ vật nhưng ta không nhận. Vị ấy bèn sai quân lính mang hành lý của ta cùng tài vật cúng dường đến chùa Hiển Thông trên núi Ngũ Đài. Ta tiếp tục khởi hương lễ bái đến núi Khuê Phong, Bích Ma Nham, Sư Tử Oa, Long Động, cùng các nơi khác. Thắng cảnh nước non đẹp không thể tả hết, nhưng vì bận lễ bái, nên ta không thể nhìn xem rõ ràng. Cuối tháng Năm, ta đến chùa Hiển Thông, lấy hành lý do quân lính mang lên mấy ngày trước rồi đến các chùa am, tự viện kế cận dâng hương lễ bái. Ta đi khắp nơi hỏi thăm tung tích Văn Cát nhưng không ai biết cả. Sau đó, ta thuật lại sự tình cho một lão tăng nghe. Vị ấy liền chắp tay nói: “Đó chính là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù đấy. Ngài thường hiện thân thành người hành khất để giúp đỡ những kẻ hành hương”. Nghe thế ta liền đảnh lễ cảm tạ Bồ Tát.
Hôm sau, ta khởi hương lạy qua Đông Đài. Đêm tối, trăng thanh sao sáng, ta đến một ngôi thất bằng đá để dâng hương lễ bái, tụng kinh, ngồi thiền suốt một tuần trong thất. Sau đó, ta xuống núi, lạy qua hang Na La Diên, khởi hương lạy lên đỉnh Hoa Nghiêm, rồi ở đó qua đêm. Hôm sau, ta lạy qua Bắc Đài, nghỉ qua đêm tại Trung Đài, rồi lạy qua Tây Đài trước khi trở về chùa Hiển Thông. Ngày thứ bảy, ta lạy qua Nam Đài và thiền thất ở nơi đây. Ngày mười lăm, ta trở về chùa Hiển Thông. Đến đây, lời nguyện bái hương ba bước một lạy trong ba năm để cầu cho cha mẹ được siêu thoát đã hoàn mãn. Trong suốt ba năm, trừ những lúc bị bệnh hoạn, gió mưa sương tuyết cản trở, không thể lễ lạy, còn mọi lúc khác, ta luôn nhất tâm chánh niệm. Khi lễ lạy trên đường, dầu gặp gian nan nhưng tâm ta luôn vui vẻ. Mỗi lần xét lại tâm mình, hễ càng gặp khổ bao nhiêu thì tâm lại càng an lạc bấy nhiêu.Vì thế ta mới hiểu rõ được lời của cổ nhân nói rằng nếu tiêu bớt một phần tập khí thì được thêm một phần sáng suốt. Có nhẫn được mười phần phiền não thì mới chứng được ít phần Bồ Đề. Trên đường đi có rất nhiều danh lam thắng cảnh. Từ núi Phổ Đà đến Giang Triết, Trung Châu, Hoàng Hà, Thái Hành, thắng cảnh danh sơn nhiều kể không hết. Hồi ký du lịch xưa nay, tuy mô tả rất tường tận, nhưng nếu thân không đến những nơi đó thì không thể cảm nhận rõ ràng được. Như thánh cảnh Thanh Lương tại Ngũ Đài, nơi Bồ Tát Văn Thù thường phóng quang chẳng hạn, có những dãy núi sừng sững cao hàng ngàn thước, tuyết phủ quanh năm; có những cây cầu đá, lầu các xây lơ lửng trên sườn núi đẹp lạ thường, không thể tìm thấy được ở những nơi khác. Trong lúc ta bái hương, ba bước một lạy, không thể thưởng lãm được những thắng cảnh này nhưng khi nguyện lễ lạy đã xong thì ta cũng đến lại những chỗ đó xem xét. Ta lên Đại Loa đính4, lễ lạy những ánh đèn trí huệ. Đêm thứ nhất không thấy chi, nhưng đêm thứ hai, ta thấy bên đỉnh Bắc Đài có một chùm lửa bay qua Trung Đài rồi rơi xuống, từ một chùm lửa to mà phân ra cả chục chùm lửa bé, lớn nhỏ không đồng. Đêm thứ ba, ta lại thấy bên Trung Đài, trên không trung xuất hiện ba chùm lửa sáng rực, bay lên bay xuống. Nơi Bắc Đài cũng hiện ra bốn chùm lửa, lớn nhỏ không đồng. Mồng mười tháng Bảy, ta bái tạ Bồ Tát Văn Thù rồi xuống núi.
4 Đại Loa đính: một trong những ngôi chùa lâu đời trên Ngũ Đài Sơn.
Từ đỉnh Hoa Nghiêm, ta đi về hướng bắc, đến Đại Doanh, lên thẳng khẩu Hổ Phong, trên đỉnh núi có một tảng đá ghi khắc rằng đây là ngọn núi đầu tiên ở phương bắc. Đi vào miếu đó thì thấy có những tầng cấp cao vời vợi như lên tận trời xanh, cùng cả rừng đá. Lễ xong, ta xuống núi, đến phủ Bình Dương, thăm hang động tiên nhân Nam Bắc; phía nam của thành này còn có miếu thờ vua Nghiêu5 rất hoành tráng và mỹ lệ. Ta quay về hướng nam, đến Bồ Châu, Lô Thôn, lễ miếu Hán Thọ Đình Hầu6 rồi qua sông Hoàng Hà, vượt Đổng Quan, vào đất Thiểm Tây, lên núi Thái Hoa7, lễ miếu Hóa Sơn Tây Nhạc. Ta vòng qua Thiên Xích Tràng, tới Lão Quân Lê Câu tham quan các danh lam thắng cảnh khác như mộ hai vị thánh Tề, Di8. Sau đó, ta lại qua núi Thủ Dương, tới chùa Quán Âm ở Hương Sơn xem phần mộ của Trang Vương; rồi vào tỉnh Cam Túc, đến chùa Bình Lương, núi Không Động. Gần cuối năm, ta trở về Hương Sơn ở qua năm mới.
5 Nghiêu (Đế Nghiêu hay Đường Nghiêu): là một vị vua huyền thoại của Trung Quốc thời cổ đại. Đường Nghiêu được ca tụng là một vị vua tài giỏi và đạo đức, nhân từ và cần cù.
6 Hán Thọ Đình Hầu Quan Vân Trường: danh hiệu vua ban cho Quan Vũ (còn được gọi là Quan Công, biểu tự Vân Trường), một vị tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc.
7 Thái Hoa Sơn (hay Tây Nhạc): là một trong năm đỉnh núi chính của Hóa Sơn ở tỉnh Thiểm Tây. Hóa Sơn là một trong năm ngọn núi thuộc Ngũ Nhạc danh sơn của Trung Quốc.
8 Bá Di, Thúc Tề: là hai người con của vua nước Cô Trúc, là nước chư hầu của nhà Thương. Bá Di và Thúc Tề cùng nhường ngôi lại cho người em thứ ba là Á Bằng và rủ nhau ở ẩn trên núi Thủ Dương. Lúc nhà Chu đánh nhà Thương, hai ông Di, Tề ra ngăn chặn binh mã của Vũ Vương mà không được nên đã quay về núi Thủ, không chịu dùng thóc gạo nhà Chu, nhịn đói mà chết. Người Trung Hoa thời xưa cho hai ông là bậc hiền sĩ có khí phách.