Lý Thái hậu, mẹ của vua Minh Thần Tông, tức Hoàng đế Vạn Lịch, là người hiểu xa biết rộng. Bà không muốn con mình được nuông chiều quá mà hư hỏng nên dạy con rất nghiêm khắc. Lúc nhỏ, những khi hoàng tử làm biếng, không thích học hành, bà phạt ông phải quỳ quay mặt vào vách cho đến khi nhận lỗi mới thôi. Ngay cả sau khi hoàng tử lên ngôi Hoàng đế, bà vẫn không lơi lỏng việc giáo huấn con mình. Lần nọ, khi dự tiệc tại Tây Thành, ăn uống say sưa xong, vua bảo quan nội thị xướng ca, quan nội thị từ chối vì không biết ca hát. Vua nổi giận tạt rượu vào mặt quan nội thị rồi rút gươm ra chém ông này. May nhờ tả hữu can gián, quan nội thị thoát chết nhưng vua vẫn chưa nguôi giận nên nắm tóc quan nội thị mà cắt. Nghe việc này, Lý Thái hậu liền viết thư trách mắng và sai người gọi Minh Thần Tông vào cung gặp bà ngay lập tức. Vào cung, vua Minh Thần Tông quỳ xuống khóc lóc nhận tội trước mặt bà, mãi bà mới chịu tha. Có lẽ vì bị giáo dục nghiêm khắc như vậy nên ông vua trẻ này âm thầm bất mãn và chỉ chờ dịp củng cố quyền hành của mình mà thôi.
Lý Thái hậu là người hết sức tin tưởng vào Phật pháp. Bà thường cúng dường tiền bạc, cho xây dựng, sửa chữa các chùa viện trong ngoài kinh sư và trọng đãi các vị tăng nên dân chúng thường gọi bà là “Phật lão nương nương”. Vì nể mẹ, Minh Thần Tông cũng đành phải hỗ trợ tiền tài vào việc trùng tu chùa viện nhưng thật ra trong lòng ông vua trẻ này không thích việc đó chút nào. Ông chỉ muốn dành tiền đó vào việc xây cất cung điện cho những ái phi của ông hơn. Sau này, khi đã củng cố quyền hành vững chắc, Minh Thần Tông đã dựa vào việc Lý Thái hậu cúng dường tiền bạc cho Đại sư Hám Sơn trùng hưng chùa viện như là cái cớ để mở đầu cho việc tranh chấp quyền hành trong triều. Cuộc tranh chấp này đã khiến rất nhiều tăng sĩ bị liên lụy.
Mùa thu năm đó, Lý Thái hậu muốn sửa chữa chùa Tháp Viện và bảo tháp Xá Lợi tại núi Ngũ Đài để cầu siêu cho chồng bà, tức vua Long Khánh, và cầu phước cho con bà, tức vua Vạn Lịch đương thời. Triều đình đã ban bố sắc lệnh thi hành điều nguyện ước của bà và lấy ở công khố ra một khoản tiền lớn để chi dùng. Nhưng vì núi Ngũ Đài ở quá xa kinh đô, tiền vận chuyển tốn kém nên nhà vua (không bàn với Lý Thái hậu) đã chọn một nơi gần kinh đô hơn để xây chùa Đại Từ Thọ.
Sau khi kiến lập chùa Đại Từ Thọ xong, vua mới bẩm tấu với mẹ về việc này. Lý Thái hậu thấy con làm trái ý mình nên không hài lòng. Bà bèn yêu cầu Hoàng đế cho ba ngàn công nhân đến núi Ngũ Đài tu sửa chùa chiền nơi đây để hồi hướng công đức cho vua Long Khánh. Mặc dầu không vui nhưng vì sợ mẹ nên vua đành phải xuống chỉ sai quan mang thợ thuyền đi Ngũ Đài tu sửa các chùa chiền. Sợ vua không thực tâm hoàn tất việc này một cách chu đáo nên Lý Thái hậu bèn sai một nội quan đi theo để trông coi công việc. Đây là lần đầu tiên triều đình gởi nội quan ra ngoài làm việc, nó đánh dấu sự nghi kỵ hiềm khích giữa hai mẹ con nhà vua và mở đầu cho sự tranh chấp quyền hành trong triều. Đa số các nội quan đều là người theo hầu vua Long Khánh từ xưa, do Tể tướng Trương Cư Chánh tuyển lựa nên vua Vạn Lịch không ưa những người này vì họ biết vua quá rõ. Trong khi đó, vua thường lựa riêng một số quan của mình do các quan lại trong triều tiến cử, vì nghĩ rằng họ trung thành với vua hơn. Việc phân biệt quan cựu trào và tân trào này đã mở đầu cho nhiều việc tranh chấp về sau.
Vì sợ nội quan không thể hoàn thành công việc vuông tròn, có thể tổn hại đến Phật pháp, nên đích thân ngài Hám Sơn đã phải đứng ra điều động, chỉ dẫn cách thức xây cất, trùng tu nên mọi việc từ đầu đến cuối đều được hoàn thành tốt đẹp. Việc này làm Lý Thái hậu rất vui lòng và mối liên hệ giữa ngài với triều đình ngày một khắng khít.
Vào năm Vạn Lịch thứ tám, Hoàng đế ra lệnh kiểm soát sổ bộ rồi hạ chiếu cho các quan phải thanh tra đất đai để đánh thuế. Thật ra lúc đó triều đình cho đánh thuế nhiều để lấy tiền dùng vào các sinh hoạt vinh hoa cho các ái phi của vua. Lệnh thanh tra việc đóng thuế của Hoàng đế vừa ban ra, các quan lại địa phương đều hoan hỷ nghinh tiếp, vì đây là cơ hội vơ vét tiền bạc ruộng lúa của dân chúng trong nước. Trong mười phần lúa gạo do dân đóng thuế, chỉ có khoảng hai, ba phần là được bỏ vào công khố hoàng cung, bảy phần còn lại đều bị quan quân và cường hào ác bá địa phương vơ vét, ăn chặn.
Tuy núi Ngũ Đài xưa nay không hề bị thanh tra việc đóng thuế nhưng lợi dụng lệnh của vua ban ra, quan huyện Ngũ Đài đã yêu cầu chư tăng phải đóng thuế năm trăm thặng lúa. Để gia tăng áp lực, ông còn phái quan quân đến thanh tra đất đai, khám xét sổ bộ tăng sĩ để bắt lính cho triều đình. Thấy vậy, tăng chúng tại các tùng lâm tự viện và am thất trên Ngũ Đài đều sợ hãi bỏ núi trốn đi nơi khác. Dĩ nhiên, nếu không có chư tăng săn sóc che chở, núi Ngũ Đài sẽ sớm biến thành nơi hoang vắng và làm mồi ngon cho các tay đại chủ buôn bán gỗ rừng. Do đó, các chư trưởng lão tại các tự viện tùng lâm vội vã đi tìm ngài để bàn việc giải quyết vấn đề. Ngài bảo:
- Xin các ngài chớ bận tâm lo lắng. Hy vọng trong vài ngày sẽ có tin lành.
Mọi người sợ hãi, nghi ngờ bảo:
- Đây là thánh chỉ của Hoàng đế, ai dám chẳng tuân theo. Tuy nhiên, Hòa thượng Đại Phương cùng một số tăng sĩ biết ngài có mối quan hệ mật thiết với triều đình nên an tâm phần nào. Quả nhiên, ngài viết thư gởi về triều đình thỉnh nguyện cho núi Ngũ Đài được miễn thuế. Nhờ sự quen biết giao thiệp với các quan triều và nhờ sự can thiệp của Lý Thái hậu mà cuối cùng triều đình đáp ứng, không thu một đồng thuế nào và bãi bỏ việc khám xét sổ bộ tăng sĩ. Lúc đó, ngài mới có ba mươi lăm tuổi, nhưng nhờ uy tín mà bảo tồn được tài sản của núi Ngũ Đài.
Lúc đó, Hoàng đế Vạn Lịch đã có Vương Cung phi (vợ chính), nhưng ông lại thích Trịnh Quý phi nhiều hơn. Vương Cung phi do Lý Thái hậu lựa chọn từ con nhà quan lại trong triều, còn Trịnh Quý phi được tuyển vào cung sau này. Cả hai bà đều chưa có con nên triều đình rất lo cho vua không có người nối dõi. Theo phong tục Trung Hoa, dù là cung phi hay quý phi, hễ ai sinh thái tử trước thì sẽ được làm hoàng hậu. Do đó, trong triều nội đã có sự tranh chấp ngấm ngầm giữa hai bà phi. Vì biết Vương Cung phi là người do mẹ vua lựa chọn mà Lý Thái hậu lại là một tín đồ Phật giáo thuần thành nên Trịnh Quý phi đã kết thân với nhóm đạo sĩ trong triều, vốn đang muốn bành trướng sức ảnh hưởng. Từ đó, sự tranh chấp quyền hành trong triều bắt đầu mang màu sắc tôn giáo. Vì quyền hành của một hoàng hậu rất lớn nên Trịnh Quý phi đã bàn với vua xin cho lập đàn cầu con trai. Vua bèn sai quan triều đến núi Võ Đang để mời các đạo sĩ cầu cho Trịnh Quý phi sinh thái tử. Thấy vậy, Lý Thái hậu cũng gởi quan nội sử đến núi Ngũ Đài, thỉnh tăng chúng tại đây làm lễ cầu nguyện cho Vương Cung phi sinh con trai.
Vào năm đó, ngài cùng thầy Diệu Phong phát nguyện cho kiến lập một đạo tràng viên mãn, gọi là pháp hội Vô Giá (được tổ chức vào mỗi năm, với mục đích sám hối và ban phát của cải cho người nghèo). Thầy Diệu Phong nhận lãnh việc đi hóa duyên tiền bạc và lương thực, còn ngài lo việc tổ chức, sắp đặt công việc tại đạo tràng. Ngoài ra, ngài còn mời hơn năm trăm đại đức danh tăng khắp nơi đến Ngũ Đài làm lễ.
Phong tục tổ chức pháp hội Vô Giá này đã có từ thời Đức Phật và rất thịnh hành ở Ấn Độ trong thời kỳ Phật giáo phát triển mạnh tại đây. Pháp sư Huyền Trang của Trung Hoa khi đi thỉnh kinh đã chứng kiến việc vua Harsha xứ Ấn cứ năm năm lại tổ chức một đại lễ Vô Giá để bố thí như vậy. Vua cho gọi tất cả những người nghèo khổ trong nước lại, rồi xem trong quốc khố còn lưu lại bao nhiêu tiền thuế dành dụm từ đại lễ lần trước thì lần này đem ra bố thí hết. Pháp sư Huyền Trang đã ngạc nhiên khi thấy biết bao nhiêu vàng bạc, tiền và nữ trang, tơ lụa gấm vóc chất đống trong một khoảng sân rộng, xung quanh có cả trăm cái lều chứa cả ngàn tăng chúng. Ba ngày đầu, chư tăng cúng bái, tụng kinh sám hối; đến ngày thứ tư mới bắt đầu bố thí. Theo lời Pháp sư Huyền Trang kể lại thì có hàng vạn người được cấp phát thức ăn, rồi được tặng mỗi người một viên ngọc trai, y phục, hoa, dầu thơm và trăm đồng tiền. Có khi bố thí tới ba, bốn tháng mới hết. Sau cùng, chính nhà vua Harsha cởi hết y phục rực rỡ, lột hết vàng bạc châu báu đeo trên người ra để phân phát cho những người nghèo khó. Sau khi bố thí như vậy, chính nhà vua cùng tất cả quần thần trong triều và chư tăng đồng tụng kinh sám hối trong ba ngày liền. Tại Trung Hoa, vua Lương Võ Đế cũng đã từng cho tổ chức pháp hội Vô Giá tương tự như vậy nhiều lần, và sau đó tục lệ này trở nên thịnh hành trong một thời gian. Sau này, Phật giáo suy đồi, vua chúa không mấy ai còn tin theo Phật nên tục lệ này cũng từ từ giảm bớt và chỉ được tổ chức một cách giới hạn trong các khuôn viên chùa viện mà thôi. Pháp hội Vô Giá thường bị nhiều người hiểu lầm là pháp hội cúng Mông Sơn Thí Thực1, nhưng thật ra pháp hội Vô Giá gần như giống pháp hội Thủy Lục2, vì khi chuyển đổi để cầu nguyện một việc gì như cầu quốc thái dân an hay cầu xin thái tử, thì pháp hội Vô Giá trở thành pháp hội Thủy Lục.
1 Mông Sơn Thí Thực: một nghi thức lập đàn tràng chẩn tế cô hồn.
2 Một hình thức cúng tế cho các vong linh ở trên cạn và cả dưới nước.
Khi Lý Thái hậu sai nội quan đến núi Ngũ Đài, yêu cầu chư tăng làm lễ cầu thái tử cho quốc gia thì ngài suy nghĩ rằng giữa những lễ nghi, Phật sự để cầu quốc thái dân an, thì việc cầu thái tử nối tiếp ngôi vua là một việc rất quan trọng. Nếu vua không có con trai thì sẽ gây ra cảnh tranh chấp phe phái giữa các hoàng thân, rồi hậu quả không biết đâu mà lường. Do đó, thay vì tổ chức pháp hội Vô Giá, đã được xếp đặt hoàn tất từ trước, ngài bèn đổi lại thành pháp hội Thủy Lục cầu nguyện chư Phật ban cho hoàng đế một thái tử để nối ngôi.
Vào lúc đó, Hoàng đế Vạn Lịch đã bắt đầu tập trung quyền hành, các quan lại thời vua trước đều bị vua cho về hưu và thay thế bằng người mới của vua. Tuy là người trung thành với Lý Thái hậu nhưng quan nội sử không dám làm trái ý của vua vì sợ sẽ liên lụy đến tánh mạng. Do đó, lúc đến núi Ngũ Đài, quan nội sử đã bàn với ngài rằng chỉ cần làm bộ lập đàn tràng cầu thái tử một cách qua loa để che mắt mọi người thôi, chớ nên tổ chức nghiêm chỉnh vì việc này đã có các đạo sĩ lo cho Trịnh Quý phi rồi. Ngài suy nghĩ và biết hoàng đế vốn không có ý ủng hộ Phật pháp, nếu Trịnh Quý phi sinh hoàng tử thì nhóm đạo sĩ sẽ có cơ hội củng cố quyền hành và công việc hoằng dương chánh pháp sau này chắc chắn sẽ bị trở ngại. Ngược lại, Lý Thái hậu vốn là một Phật tử thuần thành, đã từng dựng chùa lập tháp nên ngài vẫn có ấn tượng tốt đối với bà. Nếu Vương Cung phi sinh con trai thì đây có thể sẽ là một vị vua ủng hộ Phật pháp. Vì vậy, ngài không nghe theo lời phân bua của quan nội sử mà vẫn cho tổ chức một pháp hội long trọng.
Lúc đó, việc sửa chữa tháp viện trên núi Ngũ Đài đã hoàn tất nên ngài bèn đặt kinh Hoa Nghiêm do chính ngài viết bằng máu và bài phát nguyện vào trong đó. Ngài tự sắp đặt tạng kinh Hoa Nghiêm Thế Giới Chuyển Luân và tất cả kinh điển dùng để tụng đọc trong chùa, cùng những pháp cụ, pháp khí trong dịp cử hành pháp hội. Trong chín mươi ngày đêm, ngài không hề chợp mắt vì phải lo chuẩn bị những pháp khí, kinh điển cho pháp hội. Theo đúng thời hạn, đến tháng Mười thì thầy Diệu Phong hướng dẫn hơn năm trăm vị cao tăng từ Bắc Kinh đến núi Ngũ Đài. Sau khi tập hợp chúng tăng ở Ngũ Đài và ở kinh đô lại thì có đến khoảng hơn một ngàn vị. Ngài cung cấp chỗ ăn nơi ở rất đầy đủ, khồng hề thiếu thốn, lộn xộn. Chư tăng lấy làm ngạc nhiên và hết sức cảm phục tài điều khiển, sắp đặt chu đáo của ngài.
Pháp hội kéo dài liên tục trong bảy ngày bảy đêm. Vào thời gian đó, tuy không ăn một hạt cơm mà chỉ uống nước, nhưng ngài vẫn lo lắng chu toàn cho pháp hội. Mỗi ngày thay đổi hoán chuyển thức ăn cúng dường chư Phật, chư Bồ Tát hơn năm trăm bàn mà không hề thiếu thốn, sai chạy. Người đến tham dự rất ngạc nhiên, nghĩ tưởng những đồ vật cúng dường như thế không biết từ đâu ra, nếu không phải do thần thông mà có. Thật ra trong các pháp hội trang nghiêm long trọng, dù xếp đặt chu đáo đến đâu cũng khó thành tựu tốt đẹp nếu không có thần lực của chư Phật và chư Bồ Tát gia hộ. Lúc đó, thầy Diệu Phong không hiểu vì sao ngài lại chuyển đổi pháp hội Vô Giá (bố thí) thành pháp hội cầu xin thái tử và quốc thái dân an nên đến hỏi thì ngài giải thích rằng việc cầu thái tử, vị hoàng đế tương lai cho quốc gia, rất là quan trọng vì nếu không có người nối dõi ngôi vua thì khó có thể tránh được việc tranh chấp trong triều và có thể đưa quốc gia đến cảnh chiến tranh loạn lạc. Thầy Diệu Phong nghe xong rất cảm phục về sự suy nghĩ sâu xa của ngài.
Vào lúc đó, thế lực nhà Minh đã bắt đầu suy vi, sự tham nhũng của quan lại địa phương cùng sự xa hoa của triều đình đã làm cho dân chúng oán ghét nên họ thường khởi nghĩa. Lúc pháp hội Vô Giá chưa khai mở, quân khởi nghĩa chống triều đình thường có lúc ẩn trốn vào núi Ngũ Đài nên những quan lại thuộc phe nhóm của Trịnh Quý phi và các đạo sĩ đã lấy lý do đó để phản đối việc các tăng sĩ lập các pháp hội giảng kinh tại Ngũ Đài, nhưng vì ngài hết sức cương quyết, pháp hội vẫn được tổ chức nên phe nhóm của Trịnh Quý phi rất khó chịu.
Sau khi pháp hội hoàn tất, danh tiếng của ngài vang lừng khắp nơi. Khách thập phương lũ lượt kéo đến chiêm bái núi Ngũ Đài. Thấy thời cơ hoằng pháp đã đến, mùa xuân năm 1582, ngài bèn đăng đàn giảng cuốn Hoa Nghiêm Huyền Đàm (do Quốc sư Thanh Lương chú giải) trong một trăm ngày. Nên nhớ, vào thời nhà Minh, số tăng sĩ hành nghề thầy cúng rất nhiều mà số tăng sĩ biết giảng kinh, thuyết pháp rất ít nên đây là một cơ hội hoằng pháp đặc biệt. Thông thường, chư tăng có muốn học hỏi cũng không biết chỗ nào mà đến nên thường phải hành cước3 tham tầm4, nhưng việc gặp gỡ các bậc thiện tri thức đâu phải dễ. Nay nghe có pháp hội giảng kinh rất lớn nên chư tăng khắp nơi mừng rỡ cùng nhau kéo về Ngũ Đài. Mỗi ngày, có hàng ngàn người đến nghe giảng kinh và con số này còn nhiều hơn số người tham dự pháp hội Vô Giá nữa. Vì ngưỡng mộ danh đức của ngài và núi Ngũ Đài, trong buổi giảng kinh này tổng cộng có trên trăm ngàn tăng tục đến nghe thuyết pháp, khiến khí thế lúc đó của đạo tràng Ngũ Đài cực thịnh. Trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa, ít khi có những pháp hội lớn lao hy hữu như thế này.
3 Hành cước: đi chu du đây đó nhằm mục đích học hỏi.
4 Tham tầm: tìm kiếm.
Trong suốt một trăm ngày, tăng chúng và cư sĩ nhóm họp đông đảo để nghe giảng kinh. Hằng ngày, chùa phải cung cấp thức ăn cho hơn mười ngàn người đến nghe kinh mà vẫn không hề thiếu. Trong lúc thọ trai, mọi người đều sắp hàng theo thứ tự và tuân giữ quy củ thiền môn là ăn uống trong chánh niệm. Khi thọ dụng vật thực5, ai nấy đều thực hiện Tam đề và Ngũ Quán6 rất thanh tịnh. Trong những buổi giảng kinh, tất cả đều giữ vững chánh niệm, không hề nghe những tiếng nói cười ồn ào. Các vị trưởng lão tham dự đều công nhận rằng trong bao năm nay, chưa hề có pháp hội nào trang nghiêm, thanh tịnh như thế. Mọi việc tổ chức đều do ngài tự tay xếp đặt và quản lý. Không ai biết làm sao ngài có thể tổ chức chu đáo được như thế. Toàn bộ sức lực của ngài đều dồn vào việc giảng kinh. Sau khi việc giảng kinh Hoa Nghiêm chấm dứt, nhà chùa thu được hơn mười ngàn đồng tiền tín thí cúng dường. Số tiền này được sung vào công quỹ thường trụ để trang trải cho chi phí của chùa.
5 “Thọ dụng” là thọ nhận và thụ hưởng một cách đúng đắn các tiện nghi vật chất (chỗ ở, y phục, thức ăn…) hay mọi cơ duyên trong kiếp sống. “Thọ dụng vật thực” là ăn không phải để hưởng thụ nhiều món ngon, mà ăn uống cân bằng, hợp lý để có sức khỏe và tuổi thọ, không để thân thể mệt nhọc, bệnh hoạn, v.v… Thọ dụng vật thực cũng là để giữ tâm không bị trói buộc, dính chấp vào việc hưởng thụ thức ăn. Trong khi ăn, người tu hành đạo Phật thực hành thọ dụng bằng chánh niệm và quán sát vi tế mọi tập khí tham ái ngay khi vừa khởi lên bên trong mình.
6 Tam đề: phát nguyện trước khi ăn ba miếng cơm đầu tiên.
Ngũ quán: là năm điều quán tưởng trước khi vào bữa ăn của chư tăng, ni trong các tự viện Phật giáo. Năm phép quán bao gồm: 1) Nghĩ đến công ơn khó nhọc của người làm ra hạt lúa, hạt gạo và công người nấu để thành cơm; 2) Xét kỹ lại tài đức của mình đã tròn đủ chưa để xứng đáng thọ nhận hạt cơm này. Nếu tự xét thấy chưa đủ tư cách và đạo hạnh để người tin tưởng thì phải biết tự hổ thẹn khi nhận hạt cơm của tín đồ đem tới dâng cúng; 3) Ngăn chặn lòng tham lam quá độ dấy lên; 4) Tự xem hạt cơm đang ăn như là một phương thuốc hay cứu chữa cơn bệnh đói cho cơ thể mà thôi; 5) Muốn làm việc đạo để đem lại lợi lạc cho nhiều người nên mới thọ nhận cơm này.
Sau khi giảng kinh, ngài đến chùa Trung Phong, phía Tây thành Bắc Kinh, trông nom việc khắc bản Trung Phong Quảng Lục. Mùa đông năm đó, ngài lại cho làm lễ Thủy Lục tại thạch thất cho đến tháng Giêng. Đàn tràng Thủy Lục kết thúc, số người đến tham dự rất đông nên danh tiếng của ngài Hám Sơn và núi Ngũ Đài vang dội khắp nơi. Từ đó, trong chùa chiền cho đến quần chúng Phật tử, ai ai cũng đều tán thán công đức hoằng pháp lớn lao của ngài. Sau tám năm an trú tại núi Ngũ Đài, ngài tu hành, khai ngộ và thuyết pháp làm lợi lạc cho chúng sanh khắp nơi rất nhiều. Chính nhờ vậy mà phong trào tu học Phật pháp bắt đầu phục hưng trở lại.
Năm 1582, vào tháng Tám, Vương Cung phi hạ sinh Hoàng trưởng tử Chu Thường Lạc, tức vua Quang Tông sau này. Theo sử triều Minh, sau khi Hoàng đế đến khuê phòng, Vương Cung phi liền mang thai, nhưng Hoàng đế lại cố tình không chấp nhận và cho rằng có điều gì mờ ám. Lý Thái hậu phải nhắc lại ngày giờ mà Hoàng đế đến đó và khuyên ông hãy chấp nhận việc Vương Cung phi mang thai7. Vì thế, Hoàng đế đành phải chính thức nhìn nhận Chu Thường Lạc, nhưng thực ra trong lòng ông không vui chút nào và thường đổ lỗi cho các tăng sĩ đã cầu cho bà phi mà ông không thích có con trai. Sau này, khi việc tranh chấp xảy ra tại triều đình ngày một rắc rối, Hoàng đế đã giận dữ bảo: “Cả triều đình đều theo bọn tăng sĩ. Chỉ riêng một mình ta là theo đạo sĩ”. Câu nói này tóm gọn chuyện cầu thái tử tại núi Võ Đang và núi Ngũ Đài như là nguyên nhân chính của việc tranh chấp quyền hành trong triều nội.
7 Giờ khắc hoàng đế đến khuê phòng các bà phi đều được ghi chép rất cẩn thận trong sổ bộ triều đình.
Khi xưa, chùa Báo Ân bị cháy, ngài Hám Sơn đã phát nguyện sẽ trùng hưng chùa, nhưng việc này đòi hỏi một số tiền rất lớn nên ngài chưa hoàn tất được. Khi ngài trú tại núi Ngũ Đài và lui tới kinh thành hoằng pháp, mục đích chính yếu của ngài vẫn là tìm cách dựa vào sự giúp đỡ của hoàng triều để trùng hưng lại chùa Báo Ân. Khi làm Phật sự tại núi Ngũ Đài, ngài cũng vẫn không quên mục đích này. Nay núi Ngũ Đài trở nên danh tiếng, cơ hội trùng tu chùa Báo Ân sắp có thể hoàn tất thì ngài lại được tin việc cầu thái tử đã làm cho Hoàng đế buồn bực. Biết thời cơ không thuận tiện và thấy việc ở lại Ngũ Đài có thể đưa đến hậu quả không tốt nên cuối năm đó, ngài cùng thầy Diệu Phong quyết định rời núi. Thầy Diệu Phong đến Lô Nha tĩnh tu, còn ngài vì bị bệnh nên qua Chướng Thạch Nham ở Chân Định để điều dưỡng trong một am tranh ở chót núi. Khi đó, ngài viết kệ:
“Vót núi dựa bầu trời,
Mặt trời bị che khuất
Vách núi cắt đường lộ
Chỉ còn thang mây bay.”
Trước khi chia tay, thầy Diệu Phong sợ ngài đổ bệnh, không thể đi một mình nên bảo đệ tử là Đức Tông đi theo làm thị giả. Ngài chấp thuận.
Tại Chướng Thạch Nham, ngài bắt đầu duyệt sớ sao8 kinh Hoa Nghiêm của Quốc sư Thanh Lương. Một hôm, ngài duyệt đến phẩm Bồ Tát Trụ Xứ có ghi rằng: “Nơi Đông Hải có một chỗ gọi là động Na La Diên. Từ xưa đến nay, chư Bồ Tát thường đến trụ nơi đó”. Trong sớ sao kinh Hoa Nghiêm, Quốc sư Thanh Lương lại viết: “Na La Diên là tiếng Phạn, dịch thành Kiên Lao, tức núi Lao Sơn tại Đông Hải”. Theo quyển Ngu Công, Thanh Châu, Đăng Lai Cảnh thì hang này nằm khoảng giữa Đăng Châu và Lai Châu trong huyện Thanh Châu. Do đó, tháng Tư năm sau, ngài rời Chân Định mang bình bát đến núi Lao Sơn tìm hang Kiên Lao. Ngài gặp được hang núi đó nhưng thấy không thể ở được nên ngài lại tiếp tục đi sâu vào trong núi, đến một nơi thâm sơn cùng cốc, xung quanh là những dãy núi cao bao bọc, trước mặt là biển cả mênh mông. Thật là một nơi lý tưởng cho việc tu hành. Gần đó có một ngôi chùa được gọi là chùa Quán Âm, nhưng nay đã đổ nát hết cả, chỉ còn nền móng. Xét trong sử liệu, ngài khám phá rằng trong những năm đầu đời Nguyên (1280 – 1341), một số đạo sĩ đã giả mạo chiếu chỉ của vua Thế Tổ, chuyển đổi chùa Phật giáo thành đền miếu Đạo giáo và chiếm cứ nơi đây. Sau này, chư tăng dâng sớ thỉnh cầu và nói rõ việc các đạo sĩ xâm chiếm bất hợp pháp nên núi Lao Sơn được trả trở lại cho tăng sĩ. Tuy nhiên, theo thời gian, vì núi Lao Sơn ở quá xa xôi, Phật tử chẳng ai ghé đến nên chư tăng cũng bỏ đi. Thiếu người chăm sóc nên chùa Quán Âm đã bị bỏ hoang phế hư hoại.
8 Sớ sao: bộ chú giải.
Vì thích chỗ ẩn cư đó, ngài liền quyết định ở đây tu hành. Lúc đầu, ngài dùng chiếu làm màn che bên dưới gốc cây để ở. Bảy tháng sau, có cư sĩ Trương Đại Tâm cùng nhóm dân địa phương đến giúp ngài xây một căn chòi đơn sơ bằng lá. Ngài ở đó tu hành hơn một năm, không gặp ai, chỉ thỉnh thoảng có Pháp sư Quế Phong, trụ trì chùa Linh Sơn ở Tức Mặc, là bậc pháp nhãn9 trong vùng, thường đến đàm đạo và học hỏi với ngài.
9 Bậc pháp nhãn: bậc trí tuệ, thông hiểu chánh pháp.
Khi đến Lao Sơn, thấy dân chúng địa phương chẳng hề biết đến Tam Bảo là gì, ngài dần dần dùng phương tiện nhiếp thọ210 giáo hóa cho họ. Chẳng bao lâu, một số người đến học hỏi về Phật pháp với ngài, rồi dẫn dắt cả nhà đến xin quy y Tam Bảo. Từ đó, dân chúng miền này mới bắt đầu biết đến Phật pháp.
10 Nhiếp thọ: khiến cho người ngưỡng mộ tự động đến học tập, thỉnh giáo với mình.
Vào tháng Chín năm 1584, Lý Thái hậu, cảm kích chư tăng tại núi Ngũ Đài đã tổ chức pháp hội cầu thái tử thành công viên mãn, nên thỉnh mời ngài Hám Sơn, thầy Diệu Phong và thầy Đại Phương lên Bắc Kinh thọ nhận tặng phẩm. Thầy Diệu Phong và Đại Phương được lệnh bèn lên kinh đô để nhận lễ vật nhưng không ai kiếm ra ngài Hám Sơn. Lý Thái hậu bèn nhờ thầy trụ trì chùa Long Hoa là Hòa thượng Đoan Yêm đi tìm. Biết ngài Hám Sơn đang ẩn tu tại bờ biển vùng Đông Hải, nên thầy Đoan Yêm chống gậy tìm đến thăm viếng. Thầy nói rõ việc Lý Thái hậu muốn tưởng thưởng tặng phẩm nhưng ngài Hám Sơn tỏ lòng chân thành cảm ơn:
- Mong nhờ thánh ân, bần tăng được ẩn tu nơi sơn hải cằn cỗi này là mãn nguyện lắm rồi, nào dám thọ lãnh thêm lễ vật.
Thầy Đoan Yêm bèn chuyển lời của ngài cho Lý Thái hậu, nhưng Thái hậu không bằng lòng. Bà quyết định cho xây một ngôi tự viện tại Tây Sơn rồi thỉnh ngài Hám Sơn đến đó trụ trì. Bà sai quan nội sử đến ép ngài thọ nhận nhưng ngài vẫn cương quyết từ chối. Quan nội sử trở về thuật lại việc ngài đã quyết chí tu hành ở núi Lao Sơn cho Lý Thái hậu nghe. Thái hậu nghe kể rằng ngài không có phòng xá để ở mà cư trú trong một chòi lá dưới gốc cây nên ra lệnh xuất kho lấy ra ba ngàn lạng vàng cúng dường cho ngài để sửa chữa chùa Quán Âm. Lúc quan nội sử mang vàng đến, ngài từ chối:
- Bần tăng đã có căn chòi lá, đủ để tu hành an ổn rồi. Sao còn tạo duyên chi nữa?
Quan nội sử cương quyết nói rằng không dám đem lời của ngài thuật lại cho Lý Thái hậu nghe. Ngài suy nghĩ một lúc rồi bảo:
- Theo ý của bần tăng, năm nay dân chúng tỉnh Sơn Đông đang bị nạn đói vì thiên tai hạn hán, sao ông không dùng danh nghĩa của Lý Thái hậu đem vàng ra cứu tế dân nghèo, hầu mong cho Thái hậu tích đức dài lâu, khiến cho dân chúng kính phục?
Quan nội sử nghe xong rất khâm phục tâm lượng an bần lạc đạo, khắc khổ tu hành của ngài Hám Sơn. Ông bèn mang hết số tiền đó ra và nhân danh Lý Thái hậu cứu tế dân chúng đang đói khổ vì nạn hạn hán. Quyển sổ ghi mọi chi phí tiền bạc bố thí cho dân được đưa về tận tay cho Lý Thái hậu xem. Xem xong bà rất vui mừng, cảm động và suy nghĩ về việc trả ơn cho ngài.
Trong những năm đầu khai quốc của Minh triều, Minh Thái Tổ đã ra lệnh cho in ấn Đại Tạng kinh, nhưng về sau những bản kinh này hầu như bị thất lạc hết. Lý Thái hậu bèn ra lệnh cho in khắc lại Đại Tạng kinh hơn năm mươi bộ11.
11 Đây là bản in Vạn Lịch Bản được khắc tại chùa Lăng Nghiêm nên còn có tên là Lăng Nghiêm Tự Bản. Bản này đính chính được nhiều chỗ sai của các bản in trước nên là một tài liệu tham khảo vô cùng giá trị.
Sau khi in kinh xong, Lý Thái hậu ra lệnh cho phân phát đến mười lăm ngôi tự viện danh tiếng trong cả nước. Ngoài ra, bốn bộ Đại Tạng kinh được gởi đến bốn vùng biên địa: núi Phổ Đà ở Nam Hải, núi Nga Mi ở Tứ Xuyên, núi Lô Nha ở miền Bắc và núi Lao Sơn ở Đông Hải (thể theo yêu cầu của Lý Thái hậu). Thật ra, vì biết ơn pháp hội cầu thái tử ở núi Ngũ Đài và vì ngài Hám Sơn liên tiếp từ chối nhận lễ vật nên Lý Thái hậu đã yêu cầu Hoàng đế gởi một bộ Đại Tạng kinh đến Đông Hải. Dĩ nhiên, ngài Hám Sơn chẳng hề biết gì về việc này cho đến khi Đại Tạng kinh được chuyển vận đến. Do không có chỗ để chứa, cho nên Đại Tạng kinh tạm thời được giữ tại dinh phủ của quan huyện trong vùng. Lúc đó, Lý Thái hậu bèn dùng danh nghĩa kiến lập nơi cất chứa Đại Tạng kinh, ra lệnh cho xây cất ngay một ngôi chùa ở Lao Sơn, khiến ngài Hám Sơn không còn cách nào khước từ được nữa. Vì thọ nhận ân huệ của Lý Thái hậu đã giúp đỡ kiến lập tự viện này nên ngài đành thân hành vào kinh đô để cảm tạ thâm ân của bà. Nhân dịp đó, Lý Thái hậu ra lệnh đặt tên cho ngôi chùa tại Đông Hải là Hải Ấn.
Ở Bắc Kinh được ít hôm thì ngài Hám Sơn nghe tin Thiền sư Đạt Quán, tự là Tử Bá đến Đông Hải tìm mình nên vội vàng cáo từ Lý Thái hậu để trở về Đông Hải. Khi đến chân núi thì ngài Hám Sơn gặp Thiền sư Đạt Quán, cả hai cùng nhau trở về núi. Khi ấy, Thiền sư Đạt Quán có tặng ngài một bài kệ:
“Nhàn rỗi đến trú bên bờ biển.
Hư danh lạc đến núi miền đông.”12
12 Vì thanh danh lừng lẫy của ngài tại núi Ngũ Đài, nên ngài đã tìm đến miền Đông Hải hoang vu để tĩnh tu, quên đi hết những hư danh này. Ngài tự tại, không chấp trước vào việc thế gian.