Thiền sư Chân Khả Đạt Quán (1543 – 1603) hiệu là Tử Bá, vốn là người Trầm Liên, gia thế cư ngụ tại Thái Hồ ở Ngô Giang. Cha mẹ ngài lấy nhau đã lâu nhưng vẫn chưa có con. Một hôm, mẹ ngài nằm mộng thấy có một dị nhân tặng cho nhánh đào tươi. Tỉnh dậy, bà liền mang thai. Khi bà sinh nở có mùi hương lạ bay khắp phòng. Từ lúc lọt lòng cho đến năm tuổi, ngài không nói năng chi hết, chỉ ngồi im lặng nên cả nhà rất lo lắng. Một hôm, ngài đang ngồi trước cửa thì có một vị tăng hình dáng khác thường đi qua cổng nhà, lấy tay xoa đầu và bảo cha ngài:
- Đứa bé này tương lai chắc chắn sẽ xuất gia. Nó sẽ làm thầy của trời và người.
Nói xong, vị dị tăng bỏ đi mất dạng, nhưng từ lúc đó ngài bắt đầu nói. Ngay từ khi còn nhỏ, tướng mạo ngài đã uy nghi tuấn tú khác thường, đã thế lại thêm tánh tình dũng mãnh, khẳng khái và cứng rắn. Bình sinh ngài không thích phụ nữ. Ngay cả phụ nữ thân thích cũng sợ oai ngài không dám đến gần. Lớn lên, ý chí ngài ngày càng mãnh liệt, cha mẹ không thể quản thúc. Năm mười bảy tuổi, ngài một mình một kiếm đi viễn du thiên hạ. Lúc đến Tô Châu thì trời đổ mưa to, nước trút xuống như thác. Đang lúng túng thì được một vị sư tên Minh Giác đi ngang cho che dù chung để tránh mưa. Ngài theo sư về chùa Hổ Khâu tạm trú qua đêm. Đến tối, ngài nghe sư hành lễ và xưng tụng danh hiệu chư Phật, vừa nghe đến đó tâm thân ngài bỗng chấn động như vừa tìm thấy điều gì đã mất, trong lòng vui mừng khôn xiết. Sáng hôm sau, ngài đi vào thất của sư Minh Giác:
- Bạch Hòa thượng, chúng ta vốn có hạt châu quý báu to lớn. Tại sao phải bị ô nhiễm trong thế tình như thế này?
Nói xong, ngài lấy ra hơn mười nén vàng quấn trong lưng áo để cúng dường, rồi quỳ xuống đảnh lễ sư Minh Giác làm thầy và xin xuống tóc xuất gia.
Một hôm, sư Minh Giác muốn đi hóa duyên, xin vạn cân thiếc đồng về làm đại hồng chung cho chùa. Ngài bèn nói:
- Hãy để cho con trợ giúp thầy.
Ngài đến Bình Hồ, ngồi trước cửa một gia đình giàu có nhất vùng. Chủ nhân liền bố thí cho thức ăn, nhưng ngài không chịu nhận. Chủ nhân thấy lạ bèn hỏi ngài muốn gì, ngài đáp:
- Tôi chỉ muốn hóa duyên, xin vạn cân thiếc đồng để làm đại hồng chung cho chùa. Nếu có thì tôi mới thọ thức ăn.
Chủ nhân thấy tướng mạo ngài rất oai nghiêm, biết không phải người thường nên sai người đem một vạn cân thiếc đồng ra ngoài cửa để bố thí. Ngài thọ nhận thức ăn, rồi mang thiếc đồng trở về chùa để sư Minh Giác đúc đại hồng chung. Từ đó, ngài theo thầy tu học rất chăm chỉ, có khi đóng cửa bế quan cả nửa năm không ra ngoài để học tập kinh điển. Sau này, ngài có dịp ra đường thấy tăng sĩ trong vùng mặc áo gấm xanh đỏ, thêu hoa vẽ bướm, ăn thịt uống rượu, không coi ai ra gì. Ngài bèn quát mắng:
- Kẻ xuất gia mà dám phạm giới như thế sao. Thật đáng giết lắm.
Nghe lời này, chúng tăng trong vùng rất sợ nên thường tránh ngài. Năm hai mươi tuổi, ngài tấn đàn thọ giới cụ túc1.
1 Thọ giới cụ túc (Upasampada): một Tỳ kheo được thọ giới cụ túc có nghĩa là chính thức bước vào đời sống thanh tịnh của một bậc thánh trong bốn cử chỉ đi, đứng, ngồi, nằm cho đến khi giải thoát, giác ngộ.
Khi đó, có quan tướng quốc là Nghiêm Dưỡng Trai biết ngài là bậc pháp khí nên mời đến ở lại dinh thự cả tháng để đàm đạo học hỏi về Phật pháp.
Một hôm, ngài có việc đến chùa Gia Hưng, ngài thấy có tiếng tụng kinh Hoa Nghiêm ở phía Đông tháp tự, liền quỳ xuống rất lâu để nghe kinh. Người trong chùa thấy lạ kỳ, tấm tắc khen:
- Thật ít thấy ai có khả năng cung kính nghe kinh như vậy.
Sau đó, ngài đến chùa Cảnh Đức nhập thất tu thiền trong ba năm liền, rồi trở về từ biệt sư Minh Giác:
- Bạch thầy, con muốn đi tham phương học đạo, tìm cầu thiện tri thức để tìm thấu nguồn tâm, sáng tỏ đại sự.
Thầy Minh Giác bằng lòng, ngài liền cầm tích trượng bỏ đi ngay. Một ngày kia, ngài ghé qua một ngôi chùa, nghe tăng sĩ trong đó tụng bài kệ Trường Chuyết kiến đạo, trong đó có câu:
“Nếu muốn đoạn vọng tưởng thì lại tăng thêm một chứng bệnh. Nếu muốn cầu chân như thì cũng là tà.”
Ngài Đạt Quán nghe xong liền bảo:
- Chắc các thầy tụng câu này sai rồi. Chư tăng ở đó liền nói:
- Thầy hiểu sai chứ vị tăng tụng kệ đó không sai đâu.
Ngài Đạt Quán nghe thế liền khởi nghi tình. Đi đến bất cứ nơi đâu, ngài đều viết hai câu kệ đó lên tường. Ngài cứ khởi nghi tình mãi mà không giải quyết nổi, đến nỗi đầu bị sưng vù lên một cục lớn.
Một hôm, lúc thọ trai, vừa cầm bát cơm lên, ngài chợt đốn ngộ, tâm thân sảng khoái, mọi sự thông suốt. Ngài bèn sờ lên đầu thấy không còn bị sưng nữa nên sung sướng tự bảo: “Dưới tòa Thiền sư Đức Sơn của tông Lâm Tế, ta bị một chưởng trúng đầu liền tỉnh ngộ, nên an lòng thọ dụng được như vầy”. Từ đó, ngài lại tiếp tục đi du phương tìm cầu thiện tri thức.
Ngài đến Lô Sơn tham tầm học hỏi cùng cực nghĩa lý ảo diệu của các tông tướng. Ngài đi bộ trên đường, chân bị đá đâm sưng vù nhưng vẫn không nản chí, mà còn cột thêm một cục đá vào chân và tiếp tục đi khoảng hai trăm dặm mới dừng. Ngài tới núi Ngũ Đài, đến một nơi hoang vắng gọi là Tiễu Bích Không Nham, thì gặp một vị sư già đang đơn độc tọa thiền. Ngài liền đảnh lễ và hỏi:
- Bạch Hòa thượng, lúc một niệm chưa sanh thì như thế nào?
Vị sư già liền đưa một ngón tay lên. Ngài lại hỏi:
- Khi một niệm đã sanh thì như thế nào?
Vị sư già liền xoay chuyển bàn tay. Ngay lúc đó, ngài liền trực ngộ ý chỉ nên quỳ xuống tạ ơn. Ít hôm sau, ngài lên kinh sư tìm đại lão Thiền sư Biến Dung. Khi gặp mặt, Thiền sư Biến Dung hỏi:
- Ông từ đâu đến? Ngài đáp:
- Con từ Giang Nam đến. Thiền sư Biến Dung lại hỏi:
- Đến để làm gì? Ngài đáp:
- Để tập giảng kinh.
Thiền sư Biến Dung lại hỏi:
- Tập giảng kinh để làm gì? Ngài đáp:
- Để quán thông ý chỉ của kinh điển thay Phật hoằng dương chánh pháp.
Thiền sư Biến Dung bảo:
- Nếu thế, ông phải trở nên thanh tịnh mà thuyết pháp. Ngài thưa:
- Cho đến hôm nay, chẳng nhiễm một mảy trần.
Ngài Biến Dung gật đầu giữ ngài ở lại, tiếp đãi như khách tăng. Sau đó, ngài Đạt Quán lại đi tham tìm học hỏi với các bậc thiện tri thức khác như Pháp chủ Khiếu Nham, Thi Lý v.v...
Chín năm sau, ngài trở về chùa Hổ Khâu, thăm sư Minh Giác ít hôm, rồi đến sông Tùng Giang lập am ẩn cư hơn trăm ngày. Một hôm, ngài đi qua Ngô Huyện, gặp một đứa bé con, lợi căn thông minh. Cha mẹ bảo nó lễ bái Thiền sư, nhưng nó không chịu. Một lúc sau, nó cầm hai nhánh hoa đến hỏi Thiền sư:
- Đây là hai hay là một nhánh hoa? Ngài đáp:
- Là một.
Nó liền mở lòng bàn tay ra:
- Đây là hai nhánh hoa, sao thầy lại bảo là một? Ngài đáp:
- Ta nói về cái gốc, còn ngươi nói về cái ngọn.
Nghe thế, đứa bé liền quỳ xuống đảnh lễ Thiền sư. Quan huyện Quản Đông Minh nghe chuyện này, biết ngài là bậc pháp khí cao thâm nên đón về nhà tham hỏi Phật pháp. Lần nọ, ngài chỉ đóa hoa tường vi có hai nhánh rồi hỏi ông ta nghĩa đó là gì? Ông đáp: “Hai nhánh hoa này đồng một gốc mà sanh”. Ngài liền tách làm hai phần, rồi lại hỏi ông. Ông đành im lặng, không nói năng lời nào. Ngài liền phạt ông ta một bữa cơm chay. Sau đó, ngài lên núi Ngự Cực, ở đó nhập thất suốt ba năm liền, rồi lên chùa Thiếu Lâm toan nhập chúng để học hỏi thêm. Lúc đó, có sư Đại Thiên Nhuận khai đường tại chùa Thiếu Lâm, dùng tai miệng làm tâm ấn, rồi bảo đó là chân truyền. Nghe thế, ngài thất vọng than thở:
- Ý chỉ Tây Lai mà tà vạy2 như vầy sao?
2 Tà vạy: không ngay thẳng.
Ngài không chịu nhập chúng ở chùa Thiếu Lâm nữa mà trở vào Nam. Khi đến huyện Gia Hòa thì gặp cư sĩ Lục Ngũ Đài hỏi đạo, tâm rất tương ưng khế hợp nên lưu ở đó ít lâu. Lúc đó, có một tăng sĩ hiệu Đạo Khai, người Nam Xương, xuất gia lúc còn nhỏ tại Nam Hải, nghe danh ngài bèn đến xin làm đệ tử. Ngài thấy thầy Đạo Khai là bậc pháp khí, nên lưu lại làm thị giả. Một hôm, ngài đi ngang qua chùa Lăng Nghiêm ở Quận Thành, nơi xưa Thiền sư Trường Thủy đã từng viết kinh sao, nay trở nên hoang tàn và bị những kẻ có quyền thế xâm chiếm vườn tược, khai khẩn đất hoang. Ngài đau lòng liền viết hai câu kệ treo nơi đó:
“Trăng sáng soi rèm ngoài trời lạnh
Thâu đêm bóng nguyệt chiếu thiền nhân.”
Ngài quyết chí khôi phục lại đạo tràng đó và giao trọng trách cho thầy Đạo Khai lãnh nhiệm vụ trụ trì, cùng nhờ cư sĩ Lục Ngũ Đài làm hộ pháp. Sau khi xây lại thiền đường, cư sĩ bèn thỉnh Thiền sư viết hai câu đối liễn. Thiền sư liền cắt tay lấy máu viết kệ:
“Nếu không nghiên tầm tâm
Tọa thiền tăng nghiệp khổ
Nếu năng hộ niệm tâm
Mạ Phật giúp chân tu3.”
3 Mạ Phật giúp chân tu: “mạ” có nghĩa là mắng mỏ, chửi bới. Trong Phật giáo Trung Hoa có khái niệm “mắng Phật mạ Tổ”, là phương pháp giáo hóa học trò của Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (Tổ khai dòng thiền Lâm Tế). Những lời dạy của ngài lạ lùng, khó hiểu, nghe phớt qua người thường có thể cho là “mạ Phật”, nhưng nếu thấu hiểu thì thật cao siêu, giúp mau ngộ chân lý.
Ít lâu sau, quan Thái thú Hòe Đình Thái đến giúp ngài sửa chữa lại ngôi chùa, rồi thỉnh ngài làm trụ trì. Lúc đó, ngài thấy tình hình Phật pháp các nơi ngày càng sa sút, tăng sĩ đọa lạc, chẳng giữ gìn giới luật, chẳng mấy ai học tụng kinh điển hay tu tập thiền quán, mà chỉ lo cúng vái, tế tự, bày các trò cúng kiếng cầu xin này nọ nên ngài bèn tự đảm nhận trọng trách hoằng pháp lợi sanh. Ngài thấy bộ Đại Tạng kinh rất dày gồm có hàng trăm bộ, rất cồng kềnh nên khó lòng mà truyền đến những vùng xa xôi hẻo lánh, nơi dân chúng địa phương hiếm khi nghe đến danh tự Phật pháp. Vì vậy, ngài có ý cho in khắc những quyển kinh nhỏ bé, vuông vắn để tiện việc lưu hành phổ cập, hầu mong những kẻ thấy nghe được gieo hạt giống Kim Cang. Do đó, ngài cùng với các đệ tử tục gia là Lục Ngũ Đài, Phùng Mộng Trinh, Tăng Đồng Hưởng, Cù Nhữ Tắc bàn luận kế hoạch phát khởi công trình in ấn kinh sách.
Ngài giao cho thầy Đạo Khai trông nom công việc này. Lúc đầu, họ cho khắc bản in kinh tại núi Ngũ Đài trong vòng bốn năm. Vì nơi đó vào mùa đông rất lạnh, nên họ dời về am Tịch Chiếu ở núi Kính Sơn. Công trình đang tiến hành thì thầy Đạo Khai bị bệnh phải ẩn cư an dưỡng nên ngài bảo đệ tử là Hàn Khôi và Đạm Cư Khải tiếp tục trông nom công việc. Sau này, cư sĩ Ngô Dụng Tiên ở đất Đồng Thành đã cho xây cất lại chùa Hóa Thành để làm nơi cất chứa những bản kinh bằng gỗ đó. Khi Đại Tạng kinh được phân chia ra thành nhiều quyển nhỏ và khắc in lại tại Gia Hồ, ngài bèn trở về Ngô Môn thăm viếng thầy cũ là sư Minh Giác, nhưng lúc đó sư Minh Giác đã hoàn tục, hành nghề y sĩ kiếm sống. Nghe Thiền sư trở về, ông run sợ không dám tiếp. Thấy vậy, ngài phải giả dạng làm một thương buôn bị bệnh, nằm trong chiếc ghe nhỏ trên sông rồi nhờ người mời ông xuống thuyền chữa bệnh. Khi Minh Giác bước lên thuyền thì thấy Thiền sư nên ông sợ hãi toan bỏ chạy. Thiền sư rơi lệ:
- Tại sao lại mê muội đến thế này? Minh Giác bèn thưa:
- Kẻ tu hành không có chúng, tu một mình một chùa, không người chỉ bảo, chẳng ai hướng dẫn, tu mãi chẳng tiến bộ bao nhiêu, đành hoàn tục làm nghề thầy thuốc kiếm ăn qua ngày, nhưng nay sẽ nghe theo lời dạy của ngài.
Thiền sư liền bảo ông ta xuống tóc xuất gia trở lại. Ông bèn y theo lời và lễ ngài làm thầy. Thầy sai ông đến chùa Hóa Thành nhập chúng tiếp tục tu hành. Ít lâu sau, ngài đến Vu Viên, viết kinh Pháp Hoa để báo đền công ơn của song thân. Nghe tin thầy Diệu Phong vừa cho kiến lập một bảo tháp bằng thiếc tại núi Lô Nha, ngài bèn đem bộ kinh Pháp Hoa vừa mới viết đặt vào trong tháp đó. Thầy Diệu Phong thấy ngài là bậc pháp khí nên giới thiệu ngài đến gặp ngài Hám Sơn tại Đông Hải. Lúc đó, ngài Hám Sơn đang lên kinh đô để tạ ơn Lý Thái hậu ban cho bộ Đại Tạng kinh và xây chùa Hải Ấn. Cũng vào năm đó (1586), Trịnh Quý phi hạ sinh Hoàng tử Chu Thường Tuân nên Hoàng đế Vạn Lịch rất vui mừng, cho mở hội ăn mừng. Quan lại khắp nơi liền đua nhau gửi quà mừng vào cung, nhưng thật ra đây chỉ là cái cớ để họ vơ vét thêm tài sản của dân chúng.
Khi Thiền sư Đạt Quán cùng đệ tử đến sông Giao Tây thì gặp mùa mưa, mực nước sông dâng cao tràn khắp hai bên bờ, không thể vượt qua được. Thấy chư đệ tử ngần ngại, Thiền sư bèn cởi bỏ bào y, rồi lội xuống nước trước. Ngài lội đến khi mực nước tới vai bèn xoay đầu lại, bảo các đệ tử hãy lội theo. Qua sông xong, Thiền sư bảo họ: “Khi đối diện với sự sống chết, phải tiến thẳng mới vượt qua được”. Chúng đệ tử đều khâm phục ý chí của Thiền sư.
Được tin Thiền sư Đạt Quán đến thăm, ngài Hám Sơn vội vã từ giã Lý Thái hậu, đi ngày đêm, theo lộ trình về đến Lao Sơn. Thiền sư Đạt Quán vừa ra khỏi núi thì gặp ngài Hám Sơn đang trên đường trở về. Hai ngài vui mừng trở vào núi đàm đạo. Gặp nhau, tâm tương ấn khế, Thiền sư và ngài Hám Sơn đều thỏa chí bình sinh. Có lẽ sau thầy Diệu Phong, Thiền sư Đạt Quán là vị pháp hữu4 thân nhất của ngài. Thiền sư Đạt Quán lớn hơn ngài ba tuổi. Học thức và kiến giải của hai ngài đều tương đồng nên đàm luận rất tương đắc.
4 Pháp hữu: bạn đồng tu.
Ngài Hám Sơn cùng Thiền sư Đạt Quán đàm luận cả bốn mươi ngày đêm. Cả hai cùng xét thấy Phật pháp ngày nay đã bị mai một, đa số các tự viện chẳng còn mấy tăng sĩ tu hành cầu giải thoát, đa số chỉ lo cúng vái, lễ lạy cầu phước. Ngay cả ngôi Tổ đình của Thiền tông là chùa Nam Hoa cũng đã suy sụp, tăng sĩ hư bại, chẳng còn giữ được thanh quy nên hai ngài đồng hẹn ước sẽ cùng nhau đến Tào Khê để phục hưng mạch phái Thiền tông. Sau đó, Thiền sư Đạt Quán xuống núi và định ước sẽ đến Lô Sơn đợi ngài cùng đi Tào Khê.
Sau khi Thiền sư Đạt Quán rời núi, ngài Hám Sơn nỗ lực tu trì thiền định để mong có dịp chấn hưng Phật pháp. Một đêm nọ, sau buổi tọa thiền, ngài đứng dậy thấy biển trời xanh thẫm trong vắt, trăng mây tương giao chiếu sáng. Đột nhiên, ngài cảm thấy thân tâm, thế giới đều lắng đọng, như hoa hiện ở hư không. Đại quang minh tạng được soi chiếu rõ ràng. Do đó, ngài thuyết kệ:
“Biển sâu trời trong, trăng chiếu tuyết Nơi đây phàm thánh tuyệt dấu vết Mắt Kim Cang5 hiện hoa hư không Đất đai đều quy tràng tịch diệt.”
5 Mắt Kim Cang tượng trưng cho trí huệ Bát Nhã. Hoa đốm giữa hư không tượng trưng cho cảnh vật thế gian. Tất cả đều là huyễn hóa không thật. Tịch diệt của Niết Bàn chẳng thể đạt đến nếu không dùng trí huệ Bát Nhã đập nát giả tướng của muôn vật.
Ngài trở vào am thất, mở kinh Lăng Nghiêm ra ấn chứng. Lấy kinh ra, ngài đọc đến đoạn: “Thân tâm của ông đồng với những vật bên ngoài như núi sông đất đá, hư không. Chúng đều là những vật nằm trong chân tâm diệu minh”, thì toàn bộ cảnh tượng của kinh đều hiện rõ trước mắt và trong tâm ngài. Sau đó, ngài liền bảo người trong chùa mang bút giấy đến để viết quyển Lăng Nghiêm Huyền Kính. Ngài viết xong quyển này trong vòng nửa cây đèn cầy thì buổi ngồi thiền vào ban đêm cũng vừa chấm dứt. Ngài gọi thầy Duy Na vào thất để đọc quyển sách này. Ngài cảm tưởng rằng mình đang chú giải quyển sách này trong mộng.
Trong quyển Hám Sơn Lão nhân Tự sự Niên phổ, ngài đã viết: “Đêm đó, tôi nhập định nên cảm thấy thời gian và không gian đều trống không. Tôi lại thấy chùa Hải Ấn phóng ánh sáng. Núi non sông ngòi đều chấn động. Tôi nhận ra trí huệ chân thật (phát sinh từ định lực) của tự tánh. Chốc sau, tôi khai ngộ và nhập vào cảnh giới siêu tột mà kinh Lăng Nghiêm mô tả tường tận. Tôi nhớ cảnh giới này rất rõ ràng. Khi ấy, tôi vội đốt đèn cầy và viết lại cảnh giới mà mình vừa thâm nhập. Tay tôi không ngừng viết suốt canh năm (từ ba giờ sáng đến năm giờ sáng). Cuối canh năm, quyển Lăng Nghiêm Huyền Kính được viết xong. Thị giả đến và ngạc nhiên vì thấy tôi thắp đèn từ sáng sớm”.
Nhớ lại khi còn trẻ, ngài Hám Sơn cùng thầy Tuyết Lãng đến núi Lô Sơn. Khi đó, vì công phu cả hai còn non nớt, chưa đủ định lực, nghe nói có thú dữ nên không dám lên núi. Mỗi lần nhớ lại việc này, ngài lại tự hổ thẹn, vì vậy, ngày đêm tại Lao Sơn, ngài thường tự rèn luyện định lực cho vững. Ban tối cũng như ban ngày, tâm không hề sợ sệt. Trong quyển Hám Sơn Lão nhân Tự sự Niên phổ, ngài đã viết:
“Chúng ta phải nhận rõ muôn việc đều là không thật, chỉ như huyễn hóa. Phải biết dùng huyễn hóa chứ không để nó chuyển. Ngày nọ, khi ở tại chùa Hải Ấn ở Đông Hải, tôi nhớ câu chuyện có một người lạ mặt vào toan chặt đầu Lục Tổ Huệ Năng. Vì vậy, tôi quyết định tu đạt định lực vững như Lục Tổ. Mọi ngày, lúc ngồi thiền, tôi để cửa chánh điện mở, sẵn sàng xả đầu mình cho bất cứ ai muốn ‘mượn’. Dần dần, tôi cảm thấy sự tu trì có phần tiến bộ. Vào một đêm nọ, tôi đang ngồi thiền thì thị giả thấy có kẻ trộm đến. Tôi bảo:
‘Hãy để hắn vào’. Tôi ngồi thẳng người bên cạnh cây đèn cầy, không chút bối rối. Khi đến cửa, gã ăn trộm ngập ngừng, không dám bước vào. Tôi bèn gọi gã vào và bảo: ‘Trong đây không có gì cả’. Sau đó, tôi bảo thị giả lấy hai trăm đồng xu được giấu trên mái nhà để cho gã. Nếu tôi không chuẩn bị việc này thì chắc sẽ sợ hãi lắm”.
Năm 1587, ngài được bốn mươi hai tuổi. Đầu xuân, ngài khai đường thuyết giới cho chư đệ tử. Lúc ấy, chư tăng từ bốn phương nghe tin ngài giảng dạy nên đổ dồn đến tham học. Các đệ tử tại gia cũng tìm đến tham vấn ngài rất nhiều, nên ngài viết cuốn Tâm Kinh Trực Thuyết dành cho những người này.
Mùa thu năm đó, quan Thái thú Hồ Thuận An từ quan về hưu. Khi xưa ông trông ải Nhạn Môn ở phía Bắc tỉnh Sơn Tây, thường ghé núi Ngũ Đài thăm ngài Hám Sơn. Ông ta thường chép lại và cho in những bài giảng Tự Ngôn của ngài, vì lúc ấy ngài thường viết thơ văn theo văn thể của Lão Tử và giải thích Đạo giáo theo trí huệ Phật giáo, tức ám chỉ rằng lời dạy của Lão Tử và Trang Tử chỉ giống như giáo lý sơ đẳng của Phật giáo mà thôi. Sau khi từ quan, ông đến Lao Sơn thăm ngài Hám Sơn và có mang theo một đứa cháu, xin ngài cho xuất gia để làm thị giả theo hầu. Ngài bằng lòng và ban cho pháp hiệu Phước Thiện. Thầy Phước Thiện là thị giả luôn luôn kề cận bên ngài và cùng chịu đựng những nỗi gian nan với ngài. Chính thầy là người đã chép lại hầu hết những thi kệ và kinh văn chú giải của ngài. Hai bộ Đông Du tập và Hám Sơn Lão nhân Tự sự Niên phổ cũng do thầy Phước Thiện ghi lại. Trong số những môn đệ, Phước Thiện là người có ngộ tánh cao nhất và rất có khí khái. Sau này, lúc trú tại đỉnh Ngũ Nhũ ở Lô Sơn, ngài đã giao cho thầy Phước Thiện chức phương trượng trụ trì chùa Pháp Vân ở núi Lô Sơn.
Năm 1588, ngài được bốn mươi ba tuổi. Một hôm, có một đệ tử sau khi đọc quyển Lăng Nghiêm Huyền Kính do ngài viết ra, đã đến bạch với ngài rằng:
- Bạch sư phụ, cuốn sách này nói về sự quán chiếu của tâm đầy đủ rõ ràng, nhưng vẫn chưa hoàn toàn bỏ hết văn tự. Con sợ rằng những kẻ hậu học khó mà hiểu rõ những nghĩa lý thâm sâu. Con mong mỗi chữ của thầy sẽ giúp chúng con trở về quán tâm thì mới thật là bố thí pháp.
Nghe thế, ngài bắt đầu viết thêm cuốn Lược thuật Thông nghĩa kinh Lăng Nghiêm. Mặc dầu đã lập xong đại khái về ý chỉ, nhưng ngài chưa viết hết hoàn toàn.
Năm Vạn Lịch thứ mười bảy (1589), ngài được bốn mươi bốn tuổi. Trong mấy tháng đầu năm, ngài dành nhiều thời giờ nghiên cứu kỹ Đại Tạng kinh trong chùa Hải Ấn, rồi bắt đầu giảng kinh Pháp Hoa cùng Luận Đại Thừa Khởi Tín cho bốn chúng6 đệ tử. Từ khi rời núi Ngũ Đài, ngài vẫn có ý muốn về quê thăm viếng cha mẹ nhưng còn sợ bị lạc vào thế đế7 nên ngài vẫn muốn tự kiểm nghiệm thân tâm. Đêm nọ, đang lúc ngồi thiền, đột nhiên ngài mở mắt ra và đọc bài kệ:
“Ngày ngày khói lửa xông hư không
Chim cá đồng du trong tấm kính.
Đêm qua ánh nguyệt sa bầu trời
Trăng đơn tự ứng với rồng đen.”8
6 Bốn chúng: chúng Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo ni, chúng Ưu bà tắc (cận sự nam), và chúng Ưu bà di (cận sự nữ).
7 Thế đế (còn gọi là tục đế): là sự thật tương đối hay hiểu biết của thế gian.
8 Hai câu đầu biểu trưng cho cuộc sống tạm bợ ở cõi Ta Bà, hiển hiện rõ trong tấm gương lớn. Hai câu sau mô tả cho sự giác ngộ, tức vượt ngoài sinh tử, hay ra ngoài bầu trời của thế gian. Rồng đen có hạt châu đen huyền vô giá đeo dưới cổ. Ánh trăng sa xuống cõi Ta Bà để hòa hợp với rồng đen. Điều này ý nói về sự xả bỏ mọi chấp trước thế tình của mẹ ngài.
Sau đó, ngài bảo thị giả:
- Năm nay thầy sẽ trở về quê quán thăm cha mẹ.
Tháng Mười năm đó, ngài lên kinh đô thỉnh một bộ Đại Tạng kinh cho chùa Báo Ân rồi bắt đầu cuộc hành trình mang kinh trở về chùa Báo Ân. Tháng Mười Một, ngài về đến nơi và thấy bảo tháp Long Giang trong chùa phóng ánh sáng liên tục cả mấy ngày. Ngày Đại Tạng kinh được đưa đến chùa, bảo tháp phóng ánh sáng vòng cầu, hướng về phía Bắc, như cung nghinh ngưỡng đón. Chư tăng trong chùa sắp hàng đi theo hướng bảo tháp phóng ánh sáng. Sau khi đặt Đại Tạng kinh vào tàng kinh các an toàn, hào quang chiếu sáng liên tục vài ngày không dứt. Người đến chiêm lễ trên cả hàng chục ngàn người đều cho là việc hy hữu kỳ lạ.
Khi nghe tin ngài trở về, mẹ ngài liền cho người đến chùa Báo Ân để hỏi thăm xem ngày nào ngài sẽ trở về thăm nhà. Vì mục đích chính của chuyến hồi gia là chuyển vận Đại Tạng kinh, ngài sợ rằng tình mẫu tử sẽ ngăn trở và làm phiền lụy đến con đường tu đạo của mình nên ngài đáp:
- Ta trở về đây vì việc của Phật pháp chứ không phải vì việc của gia đình. Nếu mẹ ta vui vẻ như lúc chia tay thì ta sẽ ở lại nhà hai ngày. Ngược lại, nếu mẹ ta u sầu khóc lóc thì ta sẽ không trở về nhà nữa.
Nghe người đưa tin thuật lại lời này, mẹ ngài nói ngay:
- Nhân duyên gặp lại con mình như tái sinh tương kiến. Niềm vui mừng sung sướng tràn đầy, tại sao phải buồn tủi khóc lóc? Một ngày gặp là đủ lắm rồi, sao còn bảo là sẽ ở lại hai ngày?
Khi xưa, ngài rời nhà năm mười hai tuổi, đến nay thấm thoát ngài đã bốn mươi bốn và cha mẹ ngài đã ngoài tám mươi. Khi trở về, cha mẹ ngài rất vui mừng gặp lại con. Trước hôm ngài trở về, một người bà con trong họ đã hỏi mẹ ngài:
- Con bà trở về bằng đường thủy hay bằng đường bộ? Mẹ ngài đáp:
- Tại sao lại hỏi trở về bằng đường thủy hay bằng đường bộ?
Vị này ngạc nhiên hỏi:
- Vậy con bà từ đâu trở về? Mẹ ngài đáp:
- Từ hư không trở về!
Khi nghe qua câu chuyện này, ngài ngạc nhiên nhủ thầm: “Thật chẳng lạ gì việc lúc trước mẹ ta có thể xả bỏ, cho ta đi xuất gia”.
Ngài bèn hỏi mẹ:
- Từ lúc con ra đi, mẹ có nhớ con không? Mẹ ngài trả lời:
- Sao lại không nhớ! Tuy hiện nay con là một vị cao tăng, nhưng dù sao vẫn là nắm ruột của mẹ.
Ngài hỏi tiếp:
- Làm thế nào mẹ có thể quên đi niềm thương nhớ đó?
Mẹ ngài đáp:
- Lúc đầu, mẹ không biết làm cách nào. Sau này nghe nói con đang tu tại núi Ngũ Đài, mẹ liền hỏi các vị tăng trong vùng rằng ngọn núi đó nằm ở đâu. Họ trả lời là ngọn núi này nằm ở phía Bắc, dưới sao Bắc Đẩu. Từ đó, mỗi buổi tối mẹ cứ nhìn sao Bắc Đẩu, niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, nhờ thế mà mẹ không còn nhớ đến con nữa.
Chính nhờ cung cách giáo dục nghiêm khắc và lòng tín thành Phật pháp của bà mà ngài được như ngày nay. Qua ngày thứ hai tại nhà, ngài đi lễ các phần mộ của tổ tiên, và tìm nơi chôn cất cho cha mẹ9.
9 Theo phong tục người Trung Hoa, con cái phải tìm kiếm chỗ chôn cất cho cha mẹ trước khi họ qua đời.
Hôm sau, ngài từ giã cha mẹ. Bà mẹ vui mừng thản nhiên không một chút quyến luyến. Thật ra nguyên nhân chính khiến ngài trở về Nam Kinh lần này là vì chùa Báo Ân. Sau khi chùa Báo Ân bị hỏa hoạn, ngài cùng với thầy Tuyết Lãng phát nguyện tận lực trùng tu tự viện. Lúc ấy, thầy Tuyết Lãng vân du giảng kinh thuyết pháp nên cũng dành dụm được một số tiền để xây dựng lại chùa Báo Ân. Nhờ nỗ lực của thầy Tuyết Lãng, chùa Báo Ân đã được xây cất lại phần nào, song quy mô như thời của Hòa thượng Tây Lâm thì khó có thể hồi phục. Lúc đang tu tại núi Ngũ Đài, không ngày nào mà ngài chẳng nhớ đến lời phát nguyện trùng tu chùa Báo Ân thuở xưa, nên ngài cũng dành dụm được một số tiền để xây dựng lại tự viện nhưng công việc sửa chữa chùa cần phải có một ngân khoản rất lớn, khoảng vài trăm ngàn lạng vàng, vào thời đó khó ai có thể gom góp cho được. Vì vậy, ngài tạm cư trú tại Lao Sơn, vùng duyên hải để chờ cơ hội chín muồi. Thừa dịp thỉnh Đại tạng kinh từ Bắc Kinh trở về chùa Báo Ân, ngài đệ đơn phụng tấu xin Lý Thái hậu giúp đỡ việc xây dựng lại chùa Báo Ân. Ngài nhấn mạnh rằng cần phải có một số tiền lớn để thực hiện công việc khó khăn này. Ngài đề nghị nếu Lý Thái hậu có thể giảm thiểu khoảng một trăm lượng bạc chi tiêu cho thức ăn mỗi ngày, thì chương trình trùng tu chùa Báo Ân có thể hoàn thành trong vòng mười năm. Lý Thái hậu rất vui vẻ và ra lệnh cho các quan trong triều nội phải dành dụm tiền bắt đầu vào tháng Chạp năm đó.